Bước tới nội dung

Bài hịch dụ các người trung nghĩa

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bài hịch dụ các người trung nghĩa
của Lê Huy Dao

Bài hịch này do Lê Huy Dao vâng lệnh Dực võ công Lê Duy Chỉ soạn, nhằm kêu gọi người khởi nghĩa chống Tây Sơn.

Chiếc xe về đất Thục, đôi « Hoàng-sô » (con vua) nên gắng sức dựng Đường:[1]

Năm ngựa vượt sông Ngô, một « Đế-trụ » phải ra tay phò Tấn.[2]

Giường cả quân-thần làm trọng,

Lòng ngay kim-cổ điều chung.

Ta Đế-thất ý-thân,

Hoàng gia chính phái.

Nhớ thủa Bắc-binh man mác; đỉnh Lam-sơn mở dấu ấy thương dân;

Ngắm cơn Sơn-tạc lăng loàn, trong Hương-khổn cắt yêu là vị nước.

Dường ấy gây nền « Phong-thủy »,[3]

Bởi đâu gặp hội « Truân-lôi »?[4]

Nổi binh-phong trong sáu bẩy thu, giời chỉn thấy « thùy gia thiên hạ » (thiên hạ nhà ai);

Chìm loan-giá ngoài tám nghìn dặm, đất thêm ngừng « cố quốc giang san » (Giang sơn nước cũ).

Thù quân thân biết để ai lo,

Nền miếu xã phải ra sức chống.

« Tồn tại »[5] tưỏng nghìn năm lời « ngọc thệ »,[6] cờ « cần vương »,[7] nên hợp sức khuông phù;

Đinh ninh vâng muôn dặm tiếng « ty ngôn »,[8] xe « phản quốc »,[9] đã giãi bày sách ứng.

Câu-Tiễn trước nào còn Việt.[10] Tấn-Văn xưa cũng sang Tần.[11]

Tuy tộ truyền đà « á Hán siêu Đường »[12] bui « trung gian vương vị xưng thiên », đành Đông-lạc giời chưa nỡ dứt;

Dầu ngụy định đã « tòng di nhập hạ »[13] song « đương nhật dân sinh đồ địa », hẳn Sơn man đâu chẳng là thù.

Khuyên người nghĩa-đảm trung-can.

Giúp thủa bàn-căn thác-tiết.

« Lý cân » là quốc tứ,[14] tấc gươm mảnh giáp xông pha;

« Lê-khứu » cũng quân ân[15], bầu nước rá cơm đón rước.

Vầng hồng-nhật đã dan tay « tái vãn »

Giải hoàng-hà đành sánh chữ « đồng hưu ».

   




Chú thích

  1. Vua Đường Huyền-Tôn, gặp loạn An-lộc-Sơn chạy vào nước Thục, có hai con ở nhà cử binh phá giặc khôi-phục được giang-sơn.
  2. Thời nhà Tấn có loạn Ngũ-Hồ, năm vua phải chạy qua sông, vua Hòa-Đế chống giặc mà giữ vững được đế-nghiệp.
  3. Vua Văn-Vương đóng đô ở Phong-Thủy, dựng nên cơ-nghiệp nhà Châu.
  4. Truân-lôi là lúc loạn lạc.
  5. Thời nhà Lê có câu thề: « Trịnh tồn Lê tại, Trịnh bại Lê vong », nghĩa là nhà Trịnh còn thì nhà Lê cũng còn, nhà Trịnh thua thì nhà Lê cũng mất.
  6. Ngọc thệ là lời vua thề.
  7. Cần vương là giúp việc nhà vua.
  8. Ty ngôn là lời nói của vua. Kinh Lễ có câu rằng: « Vương ngôn như ty, kỳ xuất như luân », nghĩa là vua nói nhỏ như sợi tơ, ra đến ngoài to bằng cái chạc.
  9. Phản-quốc là trở về nước.
  10. Câu-Tiễn là vua nước Việt, bị nước Ngô đánh lấy mất nước, rồi sau lại khôi phục được.
  11. Vua Văn-Công nước Tấn gặp nội loạn, phải chạy sang nước Tần.
  12. Á Hán siêu Đường là qua nhà Hán vượt nhà Đường.
  13. Tòng di nhập hạ là ở ngoài rợ mà vào trong nước.
  14. Lý-cân quốc tứ là giầy đội khăn điều là ơn nhà nước đi.
  15. Lê-khứu quân ân là ăn cơm gạo xấu canh rau cũng là ơn vua.


Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.