Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2015
Phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Antony J. Blinken
Phòng họp báo
Washington, DC
Ngày 10 tháng 8 năm 2016
THỨ TRƯỞNG NGOẠI GIAO BLINKEN: Xin chào quý vị. Hôm nay tôi rất hân hạnh được giới thiệu với quý vị Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2015 của Bộ Ngoại giao. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt tới Đại sứ Saperstein và các cộng sự trong nhóm của ông vì đã tận tụy chuẩn bị báo cáo này, và xin cảm ơn nỗ lực hằng ngày của họ trong lĩnh vực tự do tôn giáo quốc tế. Cam kết của họ khẳng định một sự thật mà không ai phải nghi ngờ: Ủng hộ tự do tôn giáo là định hướng của Hoa Kỳ và chính sách đối ngoại hàng ngày của chúng ta.
Nguyên tắc cốt lõi này đã trở thành một trong những nền tảng của Hoa Kỳ, củng cố và phát triển đất nước chúng ta qua từng thế hệ. Tự do tôn giáo là quyền tự do đầu tiên được ghi nhận trước tất cả các quyền tự do khác trong tuyên ngôn nhân quyền của chúng ta. Và nó trở thành trung tâm của các công ước và các luật về nhân quyền trên toàn cầu.
Cam kết của chúng ta được khẳng định bằng sự ưu tiên mà chúng ta dành cho sự nghiệp bảo vệ và ủng hộ tự do tôn giáo quốc tế ở khắp nơi trên thế giới, nhưng đặc biệt là ở những nơi mà quyền tự do này bị đe dọa. Chúng ta đã phát triển ổn định Cơ quan về Tự do Tôn giáo trong vài năm gần đây. Chúng ta đã thành lập mới Cơ quan về Tôn giáo và các vấn đề toàn cầu dưới sự lãnh đạo xuất sắc của Shaun Casey. Với các nỗ lực nói trên, 50 nhân viên Bộ Ngoại giao làm việc toàn thời gian tập trung toàn lực vào vấn đề tự do tôn giáo và vai trò của tôn giáo trong lĩnh vực ngoại giao, phối hợp chặt chẽ với 199 viên chức ngoại giao tại các đại sứ quán và lãnh sự quán của chúng ta trên toàn cầu để cho ra đời bản báo cáo mà chúng tôi giới thiệu đến quý vị hôm nay.
Như Ngoại trưởng Kerry đã phát biểu, mục đích của bản báo cáo thường niên này không phải là để giảng giải; mà để cung cấp thông tin, để động viên khuyến khích, và quan trọng nhất là, để thuyết phục. Có thể thấy sự cố chấp và không dung thứ hiện hữu ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Hoa Kỳ. Nhưng mỗi quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng tự do tôn giáo và tự do lương tâm; chúng tôi khuyến khích mọi quốc gia thực hiện nghĩa vụ đó. Báo cáo này, được dựa trên các tư liệu nghiên cứu phong phú và khách quan, là một trong những phương thức để chúng tôi hiện thực hóa cuộc vận động đó.
Thông điệp của chúng tôi rất đơn giản: Xã hội có xu hướng mạnh hơn, giàu có hơn, an toàn hơn và ổn định hơn khi công dân của xã hội đó được hưởng đầy đủ các quyền mà họ đáng được hưởng. Khi một chính phủ phủ nhận tự do tôn giáo, họ biến những công dân vốn không làm gì sai trái trở thành tội phạm, họ châm ngòi cho sự căng thẳng là nguồn gốc dẫn đến sự coi thường, tuyệt vọng và xa lánh. Không hề dẫn đến sự tổn thương hay yếu đuối, đa nguyên tôn giáo thể hiện sự tôn trọng tín ngưỡng của mỗi công dân và trao cho mỗi người một lý do xác đáng để đóng góp vào sự thành công của toàn xã hội. Điều đó lý giải tại sao không một quốc gia nào có thể khai thác được hết tiềm năng của mình nếu người dân nước đó bị khước từ quyền tự do lựa chọn và công khai thực hành đức tin của họ.
Trước đây, các báo cáo thường niên của chúng tôi hầu như chỉ tập trung vào hành động của các nhà nước. Tuy nhiên, chúng ta đã thấy một số chủ thể phi nhà nước – bao gồm các tổ chức khủng bố như Daesh, al-Qaida, al-Shabaab, Boko Haram – đang gây ra mối đe dọa lớn đến tự do tôn giáo. Suy cho cùng, không có hình thức phân biệt đối xử nào cực đoan hơn việc ly khai những tín đồ của một tôn giáo này với tín đồ của tôn giáo khác – dù ở trong một ngôi làng, trên xe buýt, hay trong lớp học – với chủ ý sát hại hoặc bắt các thành viên của một nhóm nào đó làm nô lệ.
Tháng Ba vừa rồi, Ngoại trưởng Kerry đã nêu rõ quan điểm của ông rằng Daesh phải chịu trách nhiệm về tội diệt chủng đối với các cộng đồng tôn giáo trong những vùng đặt dưới sự kiểm soát của tổ chức này. Daesh đã sát hại những người Yezidi bởi vì họ là những người theo đạo Yezidi, sát hại những người theo đạo Cơ đốc vì lý do họ là những người theo đạo Cơ đốc, sát hại những người Hồi giáo dòng Shia bởi vì họ là những người theo dòng Shia. Daesh cũng phải chịu trách nhiệm về các tội ác chống loài người và thanh trừng dân tộc nhằm vào các nhóm người nói trên, và trong một số trường hợp, chúng còn nhằm vào những người Hồi giáo dòng Sunni, người Kurd và các nhóm thiểu số khác. Chúng không chỉ tàn sát mà còn xóa bỏ hoàn toàn ký ức về những người bị chúng tàn sát, hủy hoại các di tích văn hóa tôn giáo đã tồn tại hàng bao thế kỷ.
Kể tên các tội ác này là một việc quan trọng, nhưng mục tiêu của chúng ta là chấm dứt các tội ác ấy. Đó là lý do vì sao Tổng thống Obama đã huy động một liên minh gồm hơn 65 đối tác đến từ mọi nơi trên thế giới để chiến đấu và đánh bại Daesh. Chúng ta đã liên kết lại với nhau một cách có hệ thống và đang cắt đứt nguồn tài trợ của Daesh, phá hủy các nơi trú ẩn của chúng, ngăn chặn luồng chiến binh nước ngoài, chống lại các phát biểu của chúng trên mạng xã hội, giải phóng các cộng đồng, cho phép công dân trở về nhà và phá hủy tận gốc nền móng cho những tham vọng toàn cầu của Daesh. Chúng ta đã tiêu diệt hàng chục nghìn chiến binh và hàng trăm lãnh đạo cấp cao của Daesh. Chúng ta đã phá hủy hàng nghìn máy móc thiết bị và vũ khí của chúng. Chúng ta đã tước đi của Daesh 20% vùng lãnh thổ mà chúng kiểm soát ở Syria và 50% vùng lãnh thổ ở Iraq.
Hiện tại, chúng ta biết rằng cuộc chiến để đánh bại Daesh trên chiến trường còn lâu mới kết thúc. Nhưng khi thòng lọng càng xiết chặt cổ chúng, chúng ta đã thấy Daesh tìm cách đáp trả bằng việc khuyến khích các cuộc tấn công bừa bãi vào càng nhiều địa điểm càng tốt – từ một khu chợ ở Baghdad, một hộp đêm ở Orlando, một nơi dạo chơi ở Nice, một quán cà phê ở Dhaka, đến một quảng trường ở trung tâm Istanbul. Một trong những cách tốt nhất để phủ nhận chiến thắng của những kẻ sát nhân này là bảo đảm rằng những nơi chúng tìm cách phá hủy không những sống sót, mà còn phát triển mạnh mẽ. Khi cuộc chiến giải phóng Mosul ở tỉnh Nineveh đến gần, chúng ta phải hành động để bảo đảm một tương lai trong đó tất cả mọi người Iraq – dù là người theo dòng Sunni, Shia, Kurd, Cơ đốc giáo, hay đạo khác – đều cảm thấy mình được đại diện và bảo vệ bởi một quốc gia mà họ gọi là quê hương của mình.
Hai tuần trước đây, tại Bộ Ngoại giao, chúng tôi tập hợp hơn 30 phái đoàn và yêu cầu cộng đồng quốc tế cần phải làm nhiều hơn để bảo đảm rằng các cộng đồng tôn giáo và dân tộc đã tồn tại lâu đời có thể ở lại trên mảnh đất quê hương của tổ tiên họ với sự tin tưởng rằng ở đó họ có được an ninh và cơ hội kinh tế. Mọi chính phủ có nghĩa vụ bảo vệ các công dân của mình, và trước mối đe dọa do chủ nghĩa khủng bố gây ra, công việc này – như chúng ta đều biết – có thể là một nhiệm vụ đầy khó khăn thách thức. Nó đòi hỏi chia sẻ thông tin tình báo, nhận diện những hành vi đáng nghi ngờ, thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh chính đáng, chống trả lại những nỗ lực cực đoan hóa giới trẻ. Và bởi một số nhóm bạo lực cực đoan viện dẫn kinh sách tôn giáo để khuyến khích và biện hộ cho các tội ác khủng khiếp, chúng ta phải cộng tác với các thủ lĩnh tôn giáo, những người đứng đầu xã hội dân sự, và các lãnh tụ chính trị cam kết đánh bại các âm mưu cực đoan hóa cộng đồng và cực đoan hóa giới trẻ của chúng ta.
Nhưng các mối quan ngại về an ninh không phải là một lý do chính đáng để trấn áp các hoạt động tôn giáo hòa bình, từ chối sự đối xử công bằng với các nhóm tôn giáo, áp dụng những hình phạt tập thể, hoặc phủ nhận các quyền tự do mang tính thiết yếu đối với việc thực hành tôn giáo, trong đó bao gồm quyền tự do lập hội, tự do hội họp, và tự do biểu đạt. Chúng tôi nhấn mạnh điểm này không phải chỉ nhằm bảo vệ nguyên tắc tự do tôn giáo, mà còn bởi vì bọn khủng bố rất nhanh chóng khai thác chứng cứ về sự phân biệt đối xử để cố gắng lý giải cho hành động của chúng và để thu hút thêm các thành viên mới. Bất kể nhằm mục đích gì, việc trấn áp chỉ châm ngòi cho khủng bố chứ không dập tắt được nó, điều đó có nghĩa là việc phủ nhận tự do tôn giáo không những không đúng mà còn cực kỳ sai lầm và tự chuốc lấy thất bại cho mình.
Là một công cụ để học hỏi và nâng cao hiểu biết, báo cáo này cũng biểu dương các quốc gia đang thực hiện những cải cách tiến bộ về tự do tôn giáo, và tôi xin đưa ra một ví dụ: đó là Việt Nam. Các quy định của nước này về thủ tục đăng ký và báo cáo phiền hà vẫn hạn chế khả năng tự do thực hành đức tin của các cộng đồng tôn giáo, bao gồm cả các cộng đồng có đăng ký và không đăng ký. Tuy nhiên, chính phủ đang soạn thảo một đạo luật mới toàn diện về tín ngưỡng, tôn giáo, theo kế hoạch sẽ được Quốc hội xem xét vào mùa thu năm nay. Chính phủ đã có một số nỗ lực bảo đảm tính minh bạch trong quá trình soạn thảo; nới lỏng một số thủ tục đăng ký và phê duyệt trong dự luật này. Tôi mong muốn khuyến khích các đối tác của chúng ta ở Việt Nam tiếp tục đi theo hướng giảm bớt những hạn chế đối với các cộng đồng tôn giáo.
Về cơ bản, báo cáo này mong muốn trình bày tất cả những vấn đề đang được quan tâm. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ vào tự do tôn giáo quốc tế cho tất cả mọi người bởi vì đó là giá trị mà bản thân người Mỹ chúng tôi đề cao một cách sâu sắc.
Cách đây năm mươi năm hay một trăm năm, nếu bạn hỏi một chuyên gia điều gì làm nên sự giàu có của một quốc gia, rất có thể bạn sẽ nhận được câu trả lời rằng đó là lãnh thổ rộng lớn, dân số đông, quân đội hùng mạnh, tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Cho đến nay tất cả những yếu tố đó vẫn có vai trò quan trọng, chúng tạo nên sự khác biệt, và Hoa Kỳ may mắn sở hữu được nhiều yếu tố trong số đó. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta biết rằng trong thế kỷ XXI, có thể tìm thấy sự giàu có đích thực của một quốc gia ở chính nguồn lực con người của quốc gia đó và khả năng của họ trong việc tự do kiến thiết, sáng tạo, vượt trội và thể hiện bản thân. Các quốc gia nào giải phóng được hoàn toàn tiềm năng này và biết đầu tư cho y tế, sự thịnh vượng, an ninh và sự đa dạng của xã hội sẽ phát triển mạnh trong thế kỷ XXI, bất kể quốc gia đó có hay không sở hữu các yếu tố truyền thống làm nên sự giàu có và sức mạnh. Và tự do tôn giáo chính là thành tố cốt lõi để khai thác tối đa tiềm năng con người nói trên, để mọi người có thể tự do thể hiện bản thân và tối đa hóa tiềm năng của chính họ.
Tôi muốn cảm ơn Đại sứ Saperstein và tất cả mọi người đã đóng góp vào báo cáo của năm nay. Báo cáo này là chứng cứ đặc biệt thể hiện năng lượng, niềm đam mê, và sự cống hiến tận tụy của họ. Và bây giờ, tôi rất vinh dự được nhường lời cho Đại sứ Saperstein phát biểu, và Đại sứ sẽ hân hạnh trả lời bất kỳ câu hỏi nào của quý vị. Xin trân trọng cảm ơn.
Báo cáo về Việt Nam
Tóm tắt
Hiến pháp Việt Nam quy định tất cả mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Các quy định pháp luật về tôn giáo cho phép hạn chế tự do tôn giáo trong trường hợp vì lợi ích an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội. Chính quyền tiếp tục hạn chế hoạt động của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký, đặc biệt là những nhóm mà chính phủ cho rằng có tham gia hoạt động chính trị, trong khi đó theo báo cáo, thành viên của các nhóm đã đăng ký được phép hành đạo mà ít bị can thiệp hơn. Chính phủ tiếp tục hạn chế hoạt động của tất cả các nhóm tôn giáo trong lĩnh vực giáo dục và y tế và yêu cầu phải xin phép đối với nhiều hoạt động khác. Một số thành viên của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký cho biết chính phủ có nhiều hình thức sách nhiễu, bao gồm, nhưng không giới hạn ở hành hung, giam giữ ngắn hạn, truy tố, theo dõi, hạn chế đi lại, từ chối đăng ký và/hoặc các yêu cầu xin phép khác. Sự đối xử của chính phủ đối với các nhóm tôn giáo có sự khác nhau đáng kể giữa các vùng và giữa cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp địa phương. Các tín đồ tôn giáo báo cáo rằng chính quyền địa phương hoặc cấp tỉnh, chứ không phải chính quyền trung ương, thực hiện phần lớn các vụ việc sách nhiễu. Một số chính quyền địa phương và cấp tỉnh sử dụng một cách hệ thống và công khai các quy định pháp lý của địa phương và của trung ương để trì hoãn, phủ nhận tính hợp pháp và trấn áp hoạt động tôn giáo của các nhóm chống lại sự quản lý chặt chẽ của chính phủ về cơ cấu lãnh đạo, chương trình đào tạo, các cuộc hội họp và các hoạt động khác của họ. Có nhiều báo cáo về việc hành hung, giam giữ và hủy hoại tài sản ở các tỉnh nông thôn, đặc biệt là ở khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc.
Có một số báo cáo về sự căng thẳng trong nhóm dân tộc H’mông về nghi lễ tôn giáo.
Tổng thống và Ngoại trưởng Hoa Kỳ, trong các cuộc gặp với các quan chức chính phủ cấp cao của Việt Nam, đã kêu gọi tiếp tục cải thiện tự do tôn giáo. Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ đã hối thúc chính phủ cho phép tất cả các nhóm tôn giáo hoạt động một cách tự do, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, các hội thánh Tin lành và Công giáo tại gia, các nhóm Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài độc lập; yêu cầu trao nhiều tự do hơn cho các nhóm tôn giáo đã được công nhận; và kêu gọi chấm dứt các hạn chế và sách nhiễu đối với các nhóm tôn giáo chưa đăng ký. Các quan chức Hoa Kỳ thường xuyên liên lạc với các chức sắc tôn giáo trên khắp cả nước. Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động và Đại sứ lưu động về Tự do tôn giáo quốc tế đã thảo luận về những quan ngại về tự do tôn giáo với các quan chức chính phủ trong buổi Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ – Việt Nam thường niên vào tháng 5 và gặp gỡ nhiều nhóm tôn giáo đã đăng ký và chưa đăng ký. Trợ lý Ngoại trưởng đã đến Việt Nam vào tháng 8, tại đây ông đã vận động cải thiện tự do tôn giáo trong luật và trên thực tiễn.
Phần I. Thống kê về tôn giáo
Chính phủ Hoa Kỳ ước tính dân số Việt Nam là 94.3 triệu người (tính đến tháng 7 năm 2015). Theo Ban Tôn giáo Chính phủ (Ban TGCP), khoảng 95% dân số thừa nhận có đời sống tín ngưỡng tôn giáo. Hơn một nửa dân số coi mình theo đạo Phật. Trong cộng đồng đó, Phật giáo Bắc Tông là tôn giáo chính của người Kinh (Việt) là dân tộc chiếm đa số, còn khoảng 1.2% dân số, hầu hết là nhóm dân tộc thiểu số Khmer, thực hành Phật giáo Nam Tông. Công giáo La Mã chiếm 7% dân số; đạo Cao Đài chiếm 2.5 đến 4%; đạo Hòa Hảo chiếm 1.5 đến 3%; và đạo Tin lành chiếm 1 đến 2%.
Các nhóm tôn giáo nhỏ hơn cộng lại chỉ chiếm dưới 0.2% dân số, trong đó có 50.000 người dân tộc Chăm, chủ yếu theo dòng đạo Hinđu riêng biệt ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ; khoảng 100.000 tín đồ Hồi giáo sống rải rác trên cả nước (trong đó khoảng 40% theo dòng Sunni; 60% còn lại theo dòng Bani Islam); cả nước có khoảng 8.000 người theo đạo Baha’i; và xấp xỉ 1.000 người là tín đồ thuộc Giáo hội các thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Ki tô (hay còn gọi là Giáo phái Mặc môn). Các nhóm tôn giáo bản địa (đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Tổ Tiên Chính Giáo) và các nhóm tôn giáo tương đối mới với Việt Nam (như đạo Bà la môn) có tổng cộng 1.3 triệu tín đồ. Một nhóm nhỏ, phần lớn là người nước ngoài, theo đạo Do Thái tồn tại ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các công dân khác tự nhận mình không theo tôn giáo nào, hoặc theo các tín ngưỡng thờ linh vật, thờ cúng tổ tiên, thành hoàng làng, các vị thánh bảo hộ, các anh hùng dân tộc, hoặc những người được kính trọng ở địa phương. Nhiều cá nhân kết hợp giữa các hình thức thờ cúng truyền thống và giáo lý tôn giáo, đặc biệt là đạo Phật và đạo Thiên Chúa.
Các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 14% dân số. Dựa theo ước tính của các tín đồ, có khoảng 2/3 tín đồ Tin lành là người dân tộc thiểu số, bao gồm các nhóm ở khu vực Tây Bắc (H’mông, Dao, Thái và các dân tộc khác) và Tây Nguyên (Êđê, Jarai, Xêđăng và M’nông, trong đó có các nhóm được gọi chung là người Thượng). Nhóm dân tộc Khmer Krom chủ yếu theo dòng Phật giáo Nam Tông.
Phần II. Tình hình tôn trọng tự do tôn giáo của Chính phủ
Khung pháp lý
Hiến pháp quy định mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bao gồm cả quyền tự do không theo một tôn giáo nào. Hiến pháp thừa nhận quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của những người bị hạn chế quyền, bao gồm tù nhân hoặc người nước ngoài và người không có quốc tịch. Hiến pháp quy định tất cả các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật và nhà nước phải tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Hiến pháp cấm công dân “lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.” Ngoài ra, bộ luật hình sự quy định các hình phạt đối với các hoạt động phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc của nhà nước.
Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 và Nghị định hướng dẫn thi hành sửa đổi (Nghị định 92) được ban hành năm 2012 là các văn bản pháp luật chủ yếu điều chỉnh hoạt động tôn giáo. Cả Pháp lệnh và Nghị định 92 đều tái khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, đồng thời cũng quy định rằng các cá nhân không được lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh; tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của nhà nước; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, hoạt động mê tín dị đoan hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Ban TGCP chịu trách nhiệm thi hành Pháp lệnh năm 2004 và các quy định sửa đổi, bổ sung được nêu trong Nghị định 92 và có hệ thống cơ quan ở cấp trung ương, cấp tỉnh, và ở một số khu vực còn có văn phòng ở cấp địa phương. Theo Nghị định, tất cả các nhóm tôn giáo phải nộp hồ sơ đăng ký hoạt động tôn giáo để chính phủ phê duyệt. Ban TGCP có trách nhiệm phổ biến thông tin cho các cấp chính quyền và bảo đảm thống nhất áp dụng pháp luật về tôn giáo ở các cấp tỉnh, huyện, xã và thôn.
Pháp lệnh nghiêm cấm ép buộc bỏ đạo.
Nghị định 92 quy định một quy trình gồm nhiều bước để một tổ chức tôn giáo được công nhận ở cấp quốc gia. Để được hoạt động công khai, một tổ chức tôn giáo chưa được công nhận trước tiên phải đăng ký (và trên thực tế, phải được chấp thuận) nơi thờ tự, các giáo sĩ và các hoạt động của mình ở từng khu vực hành chính địa phương nơi tổ chức hoạt động bằng việc đăng ký thông tin về cơ cấu tổ chức, ban lãnh đạo và các hoạt động. Việc đăng ký ở cấp địa phương cho phép tổ chức hoạt động ở khu vực hành chính đó. Bước tiếp theo là đăng ký ở cấp quốc gia, trong đó yêu cầu tổ chức phải có tài liệu chứng minh đã hoạt động tôn giáo ổn định 20 năm ở Việt Nam, đăng ký cấp quốc gia được thực hiện bởi chính quyền trung ương thông qua Ban TGCP. Việc đăng ký cấp quốc gia yêu cầu phải có giấy phép của Ban TGCP. Ba năm sau khi đăng ký ở cấp quốc gia, nhóm tôn giáo đủ điều kiện để nộp hồ sơ xin công nhận về mặt pháp lý sau khi đã bầu ra ban lãnh đạo thông qua đại hội toàn quốc. Ban TGCP phải phê chuẩn dự kiến ban lãnh đạo, cơ cấu tổ chức và các hoạt động. Lợi ích của việc công nhận là tổ chức tôn giáo được phép mở, vận hành và cải tạo các địa điểm thờ tự; được phép đào tạo các chức sắc tôn giáo và xuất bản các tài liệu. Mỗi hoạt động còn phải được sự chấp thuận ở cấp địa phương và trung ương.
Ở mỗi bước của quy trình xin đăng ký và công nhận, pháp luật quy định cụ thể thời hạn trả lời, tối đa là 45 ngày, tùy thuộc vào phạm vi đề nghị. Mặc dù pháp luật yêu cầu chính quyền phải có giải thích chính thức bằng văn bản nếu từ chối hồ sơ, nhưng việc từ chối có thể vì bất kỳ lý do gì, bởi pháp luật trao cho các cơ quan nhà nước phạm vi quyền hạn quyết định rất rộng. Không có cơ chế khiếu nại đối với quyết định từ chối.
Theo Pháp lệnh, chính phủ giám sát việc tuân thủ pháp luật của các nhóm tôn giáo, và các nhóm này phải được chính thức đăng ký hoặc được công nhận là tổ chức tôn giáo chính thức. Pháp lệnh quy định rằng chính quyền địa phương phải chấp thuận ban lãnh đạo, hoạt động và việc thành lập các chủng viện hay các lớp học tôn giáo. Nghị định 92 quy định các tổ chức tôn giáo phải đăng ký các chức sắc và cán bộ tôn giáo của họ với Ban TGCP hoặc Ban Tôn giáo cấp tỉnh. Nghị định quy định cụ thể hướng dẫn về chương trình học đối với các cơ sở đào tạo tôn giáo, và tăng thời gian tối thiểu mà một tổ chức phải đăng ký trước khi đủ điều kiện để được công nhận ở cấp quốc gia là 23 năm.
Các tổ chức tôn giáo phải thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở cấp tỉnh và cấp trung ương về các hoạt động kỷ niệm lớn của họ, ví dụ lễ Giáng sinh, hay việc phong chức, phong phẩm, và thuyên chuyển chức sắc, chức việc. Đây chỉ là thủ tục thông báo; pháp luật không yêu cầu phải có sự chấp thuận của chính quyền đối với các buổi lễ và việc bổ nhiệm này. Chính quyền địa phương có quyền yêu cầu về các hình thức xin phép bổ sung. Tuy Pháp lệnh khuyến khích các nhóm tôn giáo thực hiện các hoạt động từ thiện trong lĩnh vực y tế và giáo dục, song pháp luật cấm các nhóm tôn giáo vận hành các cơ sở y tế hoặc giáo dục, mặc dù họ được phép vận hành các nhà trẻ và trường mẫu giáo.
Nghị định 92 và Luật Đất đai quy định rằng các tổ chức tôn giáo đã được công nhận được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tư cách là pháp nhân, nhưng các tổ chức này phải được ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao đất, ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc từ chối cấp phép xây dựng cơ sở mới. Nếu một tổ chức tôn giáo chưa có được địa vị pháp lý đầy đủ, cá nhân các thành viên của giáo đoàn có thể được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng rẽ, nhưng giấy chứng nhận này không được cấp cho tổ chức với tư cách là một tổ chức tôn giáo đã được công nhận. Việc cải tạo hoặc nâng cấp cơ sở tôn giáo cũng phải được thông báo cho chính quyền, mặc dù không nhất thiết phải có giấy phép, tùy thuộc vào mức độ cải tạo. Nghị định quy định chính quyền phải trả lời hồ sơ xin phép xây dựng trong vòng 20 ngày, mặc dù pháp luật không quy định trách nhiệm của chính quyền trong trường hợp không tuân thủ thời hạn nói trên.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ năm 2005 về một số công tác đối với đạo Tin lành đã yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện thuận lợi cho đề nghị của các tổ chức Tin lành đã được công nhận về việc xây dựng nhà thờ và về đào tạo và bổ nhiệm mục sư. Chỉ thị chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ các hệ phái chưa được công nhận đăng ký giáo đoàn của họ để họ có thể công khai sinh hoạt đạo và tiến tới đáp ứng các tiêu chí để được công nhận đầy đủ. Chỉ thị chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền ở Tây Nguyên và Tây Bắc giúp đỡ các nhóm tín đồ Tin lành đăng ký hoạt động tôn giáo và sinh hoạt đạo tại gia đình hoặc tại “địa điểm thích hợp”, ngay cả khi họ không đáp ứng các tiêu chí để thành lập giáo đoàn chính thức. Chỉ thị cũng chỉ đạo các cán bộ địa phương cho phép “các nhà thờ tại gia” chưa đăng ký được hoạt động với điều kiện họ “cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật” và không gắn với các phong trào chính trị ly khai.
Pháp luật quy định việc xuất bản mọi ấn phẩm tôn giáo phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận trước. Pháp luật quy định chỉ Nhà xuất bản Tôn giáo hoặc một nhà xuất bản khác được nhà nước chấp thuận mới có thể xuất bản sách tôn giáo. Kinh thánh được phép in bằng tiếng Việt và nhiều ngôn ngữ khác, bao gồm tiếng Trung, Ê đê, Jarai, Banar, M’nông, H’mông, C’ho và tiếng Anh. Các ấn phẩm khác bao gồm nhưng không giới hạn ở các ấn phẩm liên quan đến thờ cúng tổ tiên, đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Hồi và đạo Cao Đài. Bất kỳ nhà sách nào cũng có thể bán kinh sách tôn giáo và các tài liệu tôn giáo khác một cách hợp pháp.
Chính phủ không cho phép giảng dạy tôn giáo trong các trường công lập.
Thông tin về tôn giáo được ghi trên chứng minh thư nhân dân của công dân và sổ hộ khẩu. Một cá nhân hay hộ gia đình có thể từ chối ghi thông tin về tôn giáo của mình. Pháp luật cho phép cá nhân thay đổi thông tin về tôn giáo trên chứng minh thư thông qua một quy trình phức tạp.
Nghị định 92 quy định các điều kiện để người nước ngoài chuyên hoạt động tôn giáo ở Việt Nam, bao gồm những người tham gia bồi dưỡng tôn giáo, phong chức, phong phẩm và bổ nhiệm chức sắc. Các nhóm tôn giáo phải được Ban TGCP chấp thuận đối với một chức sắc tôn giáo không phải là công dân Việt Nam.
Động thái thực tế của chính phủ
Quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng được quy định trong Hiến pháp tiếp tục bị giải thích khác nhau và được bảo vệ một cách không thống nhất, đặc biệt là đối với các dân tộc thiểu số ở một số tỉnh khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc. Chính quyền, nhất là ở cấp địa phương, tiếp tục hạn chế hoạt động của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký, và thành viên của họ và các nhóm tôn giáo khác báo cáo rằng họ bị hành hung, sử dụng vũ lực quá mức, giam giữ, theo dõi, cản trở đi lại, từ chối cấp đăng ký và các yêu cầu xin phép khác và các hành động sách nhiễu khác. Nạn nhân thường báo cáo rằng họ nghi ngờ những người tấn công và theo dõi họ là cảnh sát mặc thường phục (dưới đây gọi là “các cá nhân mặc thường phục”). Tuy nhiên, ở một số khu vực, chính quyền địa phương ngầm chấp thuận hoạt động của các nhóm không có đăng ký, trong đó có một số hoạt động phúc lợi xã hội.
Chính phủ tuyên bố rằng sẽ tiếp tục giám sát hoạt động của một số nhóm tôn giáo do họ có hoạt động chính trị và viện dẫn điều khoản về an ninh quốc gia và đoàn kết dân tộc trong Hiến pháp và Bộ luật hình sự để bỏ qua các luật và quy định về tự do tôn giáo, trong đó có việc việc cản trở một số cuộc hội họp tôn giáo và ngăn chặn nỗ lực truyền đạo của các nhóm tôn giáo đối với một số nhóm dân tộc ở vùng biên giới được cho là nhạy cảm, bao gồm khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Theo báo cáo, chính quyền địa phương thành lập các ban chỉ đạo để thi hành chỉ thị của trung ương về ngăn cản sự phát triển của Đạo Dương Văn Mình. Các tín đồ cho biết một số người theo Đạo bị cảnh sát truy nã. Có báo cáo rằng hồi tháng 8, cảnh sát và các cán bộ Công an tỉnh Hà Giang đã bắt giữ và thẩm vấn tín đồ Đạo Dương Văn Mình là Ma Văn Pá sau khi anh ta gặp các quan chức của Hoa Kỳ.
Các mục sư hội thánh Mennonite ở các tỉnh Bình Dương, Gia Lai và thành phố Hồ Chí Minh báo cáo rằng cảnh sát, chính quyền địa phương và các cá nhân mặc thường phục đã đe dọa, sách nhiễu và hành hung những người đứng đầu hội thánh và thành viên giáo đoàn trong năm qua. Mục sư Nguyễn Hồng Quang báo cáo rằng cảnh sát đã bắt ngờ khám xét nhà ông ta trong một buổi lễ mừng năm mới hồi tháng 1, dẫn giải ông và các thành viên giáo đoàn đến đồn cảnh sát và sau đó hành hung họ. Vào tháng 3, ông Quang báo cáo rằng khoảng 20 cá nhân mặc thường phục đã đánh ông và ba người khác bằng ống kim loại khi họ cố gắng đến thăm một nhà thờ tại gia. Ông Quang trình bày rằng ông bị ép buộc phải rời bỏ nhiệm vụ mục sư do tiếp tục bị nhà chức trách sách nhiễu. Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo rằng cảnh sát thành phố Hồ Chí Minh đến nơi cư trú của ông vào tháng 6, tháng 7 và tháng 9, mỗi lần đều phá hoại tài sản và trong lần đến vào tháng 9 đã đe dọa gia đình ông.
Ngày 26/7, theo báo cáo, các cá nhân mặc thường phục đã hành hung và đe dọa các chức sắc Hội thánh Tin lành Việt Nam Miền Bắc khi họ đến thăm một nhà thờ tại gia ở xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Các báo cáo cho thấy nhà chức trách cấp tỉnh tìm cách giải tán nhà thờ tại gia và cảnh sát địa phương chứng kiến vụ hành hung nhưng đã không can thiệp. Trước khi đến thăm, các chức sắc Hội thánh Tin lành Việt Nam Miền Bắc đã được sự cho phép của Ban Tôn giáo tỉnh.
Vào tháng 3 và tháng 4, một mục sư của Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam báo cáo rằng các cá nhân mặc thường phục ở thành phố Đà Nẵng đã tìm cách hăm dọa các tín đồ không được tham dự nghi lễ bằng những lời đe dọa và hành hung. Mục sư nói rằng hội thánh đã vài lần cố gắng đăng ký với chính quyền thành phố trong những năm gần đây nhưng không thành công.
Chính quyền địa phương và trung ương tiếp tục nhằm vào người H’mông ở Tây Bắc, bao gồm các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn và Thái Nguyên, phủ nhận Đạo Dương Văn Mình với các tín đồ ủng hộ việc đơn giản hóa tang lễ truyền thống của người H’mông và phá bỏ tất cả các nhà đòn là các nhà công cộng được dùng làm nơi tổ chức các nghi thức tang lễ. Ngày 6/2, theo báo cáo, cảnh sát mặc đồng phục và các cá nhân mặc thường phục đã phá bỏ một nhà đòn nhỏ ở làng Khuổi Vin, tỉnh Cao Bằng và đốt tất cả các đồ tang lễ trong đó. Báo cáo cho biết 7 dân làng bị hành hung khi cố gắng ngăn cản hoặc quay phim hành động của nhà chức trách. Tín đồ Đạo Dương Văn Mình cho biết đây là lần thứ năm chính quyền địa phương phá bỏ nhà đòn ở làng này.
Vào tháng 10, một nhà sư thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không được chính phủ công nhận báo cáo rằng nhà chức trách địa phương và cảnh sát tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã phá bỏ một ngôi chùa mà giáo đoàn của ông đang xây dựng. Nhà sư cho biết khi các tín đồ phản đối, cảnh sát địa phương đã sử dụng lựu đạn hơi cay và hành hung một người bằng gậy batoong khiến anh ta phải nhập viện.
Vào tháng 2, các tín đồ người dân tộc H’mông của các hội thánh Tin lành ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên báo cáo rằng nhà chức trách địa phương ép họ bỏ đạo. Họ cho biết nhà chức trách địa phương cùng với các thành viên gia đình không theo đạo Tin lành đã xé kinh thánh, thu giữ và phá hủy tài sản của các tín đồ và hành hung các tín đồ. Theo báo cáo, nhà chức trách địa phương đã trục xuất một số người theo đạo Thiên Chúa ra khỏi làng. Cho đến cuối năm, chưa có cuộc điều tra chính thức nào về hành động của nhà chức trách địa phương.
Chính phủ đã công nhận 38 tổ chức tôn giáo, trong đó 36 tổ chức được công nhận đầy đủ. 38 tổ chức tôn giáo này thuộc 14 tôn giáo theo phân loại của chính phủ. 14 tôn giáo đó là: Phật giáo, Hồi giáo, Bahai, Công giáo, Tin lành, Mặc môn, Hòa Hảo, Cao Đài, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật Đường Nam Tông Minh Sư Đạo, Minh Lý Đạo Tam Tông Miếu và đạo Bà la môn Khơ me. Các hệ phái thuộc mỗi tôn giáo này phải làm thủ tục đăng ký và/hoặc công nhận riêng.
Cả các nhóm tôn giáo đã đăng ký và chưa đăng ký đều cho biết các cơ quan nhà nước đôi khi không trả lời hồ sơ đăng ký hoặc đề nghị chấp thuận hoạt động tôn giáo trong đúng thời hạn do luật quy định, hoặc hoàn toàn không trả lời. Một số nhóm báo cáo rằng họ khiếu nại thành công quyết định của địa phương lên cấp cao hơn thông qua các kênh không chính thức.
Vài trăm giáo đoàn thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam Miền Bắc vẫn đang tiếp tục chờ chính quyền trả lời về hồ sơ đăng ký địa điểm tụ họp ở địa phương của họ, mặc dù đã quá thời hạn theo quy định của Nghị định 92. Theo báo cáo, các cán bộ chính quyền hiếm khi tuân thủ đúng quy định về thời hạn trả lời, nếu họ có trả lời, và thường không nêu rõ lý do từ chối. Các nhà chức trách thường giải thích việc trì hoãn và từ chối là do người nộp hồ sơ không khai đúng các mẫu hoặc không cung cấp đầy đủ thông tin. Chính quyền địa phương cũng thường nêu ra các quan ngại chung chung về an ninh, như mất ổn định chính trị hoặc tiềm ẩn khả năng xung đột giữa các tín đồ của các đạo truyền thống hoặc của dân tộc đã tồn tại lâu đời với các hệ phái Thiên Chúa giáo mới. Một số hội thánh Tin lành tại gia cho biết chính quyền địa phương đã sử dụng các yêu cầu đăng ký để sách nhiễu các tín đồ và gây sức ép đối với các nhóm tôn giáo để chấm dứt hoạt động tôn giáo.
Các chức sắc của Hội thánh Tin lành Việt Nam Miền Nam cho biết chính quyền địa phương ở một số tỉnh khu vực Tây Nguyên yêu cầu các chi hội nhỏ, với khoảng 100 tín đồ , phải sát nhập với nhau thành các nhóm lớn hơn lên đến 1.500 người để có thể được đăng ký chính thức. Các lãnh đạo hội thánh coi yêu cầu trên là không hợp lý, cho rằng nhiều chi hội có tín đồ là các nhóm dân tộc thiểu số với ngôn ngữ riêng và các hoạt động thờ cúng khác biệt. Địa hình đồi núi và cơ sở hạ tầng thiếu thốn ở vùng cao nguyên nông thôn đã khiến cho nhiều hội thánh trực thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam Miền Nam không đủ số lượng tín đồ tối thiểu theo quy định để đăng ký ở địa phương.
Một số nhóm Tin lành đã đăng ký và chưa đăng ký báo cáo rằng nhà chức trách địa phương gây sức ép buộc các chi hội mới phải liên kết với các chi hội hiện có hoặc với các hệ phái khác đã được chấp nhận. Trong ít nhất một vụ việc được báo cáo lại, nhà chức trách đã đề nghị sẽ công nhận cho một chi hội ở mức độ cao hơn nếu ban lãnh đạo của hội thánh này hợp tác hơn với chính quyền.
Theo nhiều giám mục Công giáo, các giáo xứ ở vùng sâu vùng xa với đa số giáo dân là người dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong việc đăng ký và vấp phải sự thực thi pháp luật không đồng đều, thiếu nhất quán và thiếu trách nhiệm của chính quyền tỉnh. Ở tỉnh Kon Tum thuộc Tây Nguyên, một linh mục cho biết vào tháng 1, chính quyền địa phương đã lên kế hoạch phá bỏ một nhà thờ tại gia không có đăng ký. Linh mục này nói rằng chính quyền đã chùn tay trước sự biểu tình phản đối của hơn 1000 giáo dân vào ngày dự định phá bỏ nhà thờ. Vào tháng 3, giới chức sắc Công giáo công bố một tài liệu nội bộ của lãnh đạo tỉnh Kon Tum chỉ đạo nhà chức trách địa phương đóng cửa 22 nhà thờ tại gia chưa đăng ký. Vào tháng 9, giới chức sắc Công giáo cho biết nhà chức trách tỉnh Kon Tum tạm dừng kế hoạch và tiến hành đối thoại với nhà thờ về việc xây dựng nơi thờ tự mới.
Một số nhóm Phật giáo, Tin lành, Cao Đài và Hòa Hảo không thuộc một tổ chức tôn giáo đã được công nhận hoặc đăng ký nào và cũng không làm thủ tục đăng ký hay đề nghị công nhận. Các nhóm Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo và Thiên Chúa giáo chưa được đăng ký thường xuyên báo cáo rằng một số nhà chức trách cấp tỉnh lợi dụng các quy định pháp luật về đăng ký ở địa phương để gây sức ép, đe dọa, cưỡng đoạt tài sản, sách nhiễu và hành hung các tín đồ của họ.
Một số lượng đáng kể các nhóm tôn giáo đã đăng ký báo cáo rằng khả năng họ được hội họp công khai để cầu nguyện đã được cải thiện trong những năm gần đây. Ví dụ, hai tổ chức Tin lành lớn nhất báo cáo rằng họ được tự do hơn trong việc tổ chức các hoạt động tôn giáo, trong đó có các lớp đào tạo mục sư. Tuy nhiên, chính phủ tiếp tục yêu cầu các nhóm tôn giáo đăng ký trước các hoạt động của họ và sử dụng yêu cầu này để ngăn cản và hạn chế việc tham gia vào các nhóm tôn giáo chưa đăng ký, bao gồm các nhóm Phật giáo, Tin lành, Cao Đài và Hòa Hảo không được công nhận.
Vào tháng 3, ban lãnh đạo chùa An Cư ở Đà Nẵng thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không được chính phủ công nhận cho biết các cá nhân mặc thường phục đã ngăn cản các tín đồ tham dự một lễ cúng rằm bằng cách rải kín đinh trên các con đường vào chùa.
Các tín đồ tôn giáo, đặc biệt là thành viên của các tổ chức chưa làm thủ tục đăng ký hoặc chưa được cấp đăng ký, tiếp tục báo cáo họ bị các cán bộ an ninh địa phương đe dọa về việc tham dự các nghi lễ tôn giáo. Trong một số trường hợp, cán bộ địa phương đã buộc giải tán các cuộc hội họp trong nhà thờ, khuyên giải hoặc yêu cầu các nhóm hạn chế phạm vi hoặc nội dung các buổi lễ quan trọng, đóng cửa các nhà thờ tại gia chưa đăng ký, hoặc gây sức ép để các cá nhân bỏ đạo và chấm dứt hoạt động tôn giáo.
Thành viên của Hội đồng Liên Tôn báo cáo rằng cảnh sát tỉnh Thừa Thiên Huế đã ngăn cản 10 thành viên hội đồng tham dự một sự kiện hồi tháng 3 tôn vinh nhà nước Việt Nam Cộng Hòa trước đây tại chùa Phước Thành. Hội đồng này bao gồm đại diện của các nhóm Phật giáo, Tin lành, Hòa Hảo và Cao Đài không được chính phủ công nhận cho biết cảnh sát đã đe dọa phái đoàn, ép chủ một nhà khách ở địa phương đuổi họ ra khỏi nhà, và tịch thu giấy phép lái xe và giấy tờ tùy thân của các lái xe của họ. Vào ngày dự định diễn ra buổi lễ, theo báo cáo có khoảng 40-50 người, trong đó có cảnh sát, đã bao vây ngôi chùa.
Vào tháng 4, báo chí và các tín đồ Cao Đài độc lập cho hay nhà chức trách địa phương ở tỉnh Phú Yên đã san bằng một thánh thất của Cao Đài độc lập bất chấp sự phản đối của các tín đồ địa phương. Vào tháng 5, nhóm Cao Đài Nhơn Sanh độc lập báo cáo rằng nhà chức trách địa phương và các tín đồ Cao Đài được chính phủ công nhận đã ngăn cản họ tổ chức một hội nghị ở thánh địa Tây Ninh, dùng sức mạnh ngăn không cho họ vào bên trong và vẩy sơn vào họ. Nhóm Cao Đài độc lập không xin phép chính thức để tổ chức hội nghị. Vào tháng 9, theo báo cáo, nhà chức trách ở sân bay Tân Sơn Nhất thành phố Hồ Chí Minh đã tịch thu hộ chiếu của Chánh trị sự Cao Đài Hứa Phi và ngăn không cho ông xuất cảnh để dự một hội nghị về tự do tôn giáo.
Những người thực hành Pháp Luân Công báo cáo vào tháng 8 và tháng 10 rằng nhà chức trách thành phố Hồ Chí Minh và cảnh sát mặc thường phục đã ngăn cản họ sinh hoạt đạo trong một công viên địa phương, đôi khi đe dọa, bật nhạc lớn, hoặc hành hung các tín đồ.
Chính quyền tiếp tục từ chối không cho tù nhân và người bị tạm giam quyền cầu nguyện, mặc dù về nguyên tắc Hiến pháp bảo đảm quyền của tù nhân được thực hành tín ngưỡng của họ. Các thành viên gia đình cho biết các quản giáo ngăn cản Mục sư Tin lành Nguyễn Công Chính cầu nguyện và đọc kinh thánh. Tuy nhiên, một số tù nhân được phép đọc kinh thánh và thực hành tín ngưỡng khi đang bị giam giữ.
Nhà chức trách thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thương lượng với ban lãnh đạo Chùa Liên Trì thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không được chính phủ công nhận cũng như một nhà thờ Công giáo và nữ tu viện ở khu vực lân cận để giải phóng mặt bằng tạo điều kiện cho việc thực hiện một dự án phát triển đô thị. Ban lãnh đạo của chùa và nhà thờ nói trên cho biết nhà chức trách lấy cớ là quy hoạch lại đô thị để buộc họ di dời và san phẳng các tòa nhà. Cả hai bên báo cáo rằng chính quyền địa phương đề xuất bồi thường và cung cấp địa điểm thay thế, mặc dù các tổ chức tôn giáo trên nói rằng số tiền bồi thường là không đủ và các địa điểm thay thế do chính quyền đề xuất lại ở những khu vực xa xôi. Trụ trì chùa, Hòa thượng Thích Không Tánh tiếp tục công bố các phát ngôn chỉ trích sự hạn chế của chính phủ đối với các tổ chức tôn giáo.
Mặc dù pháp luật cấm xuất bản các tài liệu tôn giáo bởi nhà xuất bản phi chính phủ, trên thực tế, một số nhà xuất bản tư nhân không được cấp phép vẫn in ấn và phát hành không chính thức các kinh sách tôn giáo mà không bị chính phủ can thiệp.
Trong tháng 9, các tình nguyện viên nhóm Công giáo Sách cho Giáo xứ cho biết cảnh sát sách nhiễu họ bằng cách xử phạt vi phạm giao thông và liên tục khám xét tài sản của họ khi họ đang thành lập các thư viện miễn phí ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.
Chính phủ tiếp tục hạn chế số lượng chủng sinh tại các chủng viện Công giáo và Tin lành ở mức mà theo lãnh đạo nhà thờ và hội thánh là không đủ đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, giới chức sắc Công giáo và Tin lành cho biết số lượng chủng sinh được phép đăng ký đã tăng lên so với các năm trước.
Các nhóm Công giáo, Tin lành, đạo Hồi, Baha’i và đạo Phật được phép đào tạo tôn giáo cho các tín đồ tại cơ sở của họ. Học sinh tiếp tục tham gia các khóa tu mùa hè, giảng dạy về triết lý Phật giáo cơ bản, được tổ chức ở các chùa trên cả nước. Vào tháng 8, chính phủ chấp thuận thành lập Học viện Công giáo Việt Nam mà lãnh đạo Giáo hội hy vọng sẽ là cơ sở đào tạo của tổ chức tôn giáo được cấp bằng đầu tiên ở Việt Nam.
Người Thượng ở Tây Nguyên cho biết chính phủ tiếp tục giám sát, thẩm vấn và phân biệt đối xử đối với họ, một phần là do những nghi ngờ họ có liên hệ với các tổ chức Tin lành gắn với các tổ chức chính trị ly khai. Vào tháng 3, tháng 4 và tháng 5, các phương tiện truyền thông của nhà nước đăng tải một loạt bài viết can ngăn công dân không liên hệ với Tin lành Đề Ga, một nhóm Tin lành của người Thượng. Trong năm qua, một số người Thượng cũng báo cáo rằng chính quyền địa phương thu giữ đất của họ và không cho họ hưởng các dịch vụ xã hội một phần vì lý do tín ngưỡng tôn giáo của họ. Trong một số trường hợp, người Thượng nói rằng do tiếp tục bị đàn áp về xã hội và tôn giáo nên họ phải trốn chạy sang Campuchia. Do vấn đề tôn giáo và dân tộc thường có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, khó có thể cho rằng nhiều vụ việc xảy ra chỉ vì lý do tôn giáo. Các nhà hoạt động nhân quyền báo cáo rằng cảnh sát mặc thường phục theo dõi chặt chẽ tín đồ Hòa Hảo đồng thời là nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Bắc Truyển và gia đình ông trong suốt năm qua. Vào tháng 8, ông Truyển cho biết cảnh sát ngăn không cho ông ra khỏi nhà để đi gặp các cán bộ nước ngoài. Các nhà hoạt động khác báo cáo rằng cảnh sát địa phương ở tỉnh An Giang theo dõi chặt chẽ các nhà hoạt động theo đạo Hòa Hảo là bà Mai Thị Dung và ông Võ Văn Bửu sau khi bà Dung được ra tù vào tháng 4.
Hai nhà sư, cả hai đều là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được chính phủ công nhận, báo cáo rằng nhà chức trách địa phương sách nhiễu họ và các tăng ni ở chùa của họ ở tỉnh Bắc Giang và Hà Nội. Họ cho biết việc sách nhiễu bao gồm các hành động hăm dọa tăng ni, đuổi các chức sắc, chức việc ra khỏi chùa, các cá nhân mặc thường phục xông vào chùa, phá hủy tài sản của nhà chùa và lấy trộm tiền công đức của dân làng.
Các nhà hoạt động xã hội báo cáo rằng cảnh sát tiếp tục sách nhiễu các thành viên gia đình của mục sư Tin lành Nguyễn Công Chính đang bị tù giam, chẳng hạn như ngăn cản họ tiếp khách đến thăm, đuổi họ ra khỏi nhà, đặt họ dưới sự giám sát chặt chẽ, tịch thu và phá hủy tài sản cá nhân của họ. Việc hạn chế đi lại của gia đình đôi khi đã ngăn cản bốn người con của mục sư Chính đến trường.
Cũng như các năm trước, đức Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Thích Quảng Độ báo cáo rằng nhà chức trách chỉ cho phép ông rời Thanh Minh Thiền viện nơi ông cư trú để kiểm tra sức khỏe hàng quý. Các chức sắc khác của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cho biết chính phủ tiếp tục theo dõi hoạt động và hạn chế việc đi lại của họ, mặc dù họ có thể gặp một số nhà ngoại giao nước ngoài, đến thăm các thành viên khác của Giáo hội và giữ liên lạc với các cộng sự ở hải ngoại. Vào tháng 8, tín đồ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Lê Công Cầu cho biết cơ quan an ninh hàng không ở tỉnh Thừa Thiên Huế ngăn không cho ông bay vào thành phố Hồ Chí Minh để gặp Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động.
Vào tháng 10, các tín đồ Hòa Hảo độc lập cho biết nhà chức trách ở tỉnh Đồng Tháp ngăn không cho họ đến thăm nhà hoạt động theo đạo Hòa Hảo là Dương Thị Tròn sau khi bà được ra tù. Các tín đồ nói rằng cảnh sát yêu cầu gia đình bà Tròn không được tổ chức tụ tập vào những ngày trước khi bà được phóng thích.
Vào tháng 7, các giáo sĩ Công giáo báo cáo rằng các cá nhân không rõ lai lịch và trùm mặt nạ đã ném đá, gạch và mắm tôm vào nơi cư trú của linh mục Công giáo Phan Văn Lợi ở Huế, theo họ những hành động này là nhằm trả đũa cho hoạt động vận động nhân quyền và tự do tôn giáo của ông. Theo báo cáo, các cá nhân mặc thường phục đã sách nhiễu ông vào tháng 3 trong cuộc gặp giữa ông với một chức sắc Phật giáo. Mặc dù các giáo sĩ Công giáo báo cáo sự việc này cho nhà chức trách địa phương, nhưng cảnh sát đã không tiến hành điều tra.
Các thành viên Hội thánh báo cáo rằng nhà chức trách thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giữ hộ chiếu của mục sư Phạm Đình Nhẫn, người đứng đầu Hội thánh Tin lành Liên hiệp Truyền giáo là tổ chức chưa đăng ký, hộ chiếu này bị tịch thu lần đầu từ năm 2013. Họ nói rằng nhà chức trách cho phép ông đi ra nước ngoài vì việc cá nhân nhưng tịch thu hộ chiếu sau mỗi chuyến đi.
Các chức sắc của một số hệ phái Tin lành chưa đăng ký tiếp tục báo cáo rằng nhà chức trách địa phương ở Tây Nguyên phân biệt đối xử đối với các tín đồ của họ, đe dọa loại trừ họ ra khỏi các chương trình phúc lợi xã hội của nhà nước nếu các tín đồ không bỏ đạo.
Các nhóm Tin lành và Công giáo báo cáo rằng tiếp tục có những hạn chế hoặc cấm đoán các nhóm tôn giáo vận hành các cơ sở y tế và giáo dục như bệnh viện và các trường học của giáo xứ. Các đại diện Công giáo nói rằng chính phủ từ chối trao trả các bệnh viện, phòng khám và trường học đã thu giữ của Giáo hội Công giáo trong những thập kỷ qua.
Trong một số trường hợp, chính quyền địa phương cho phép các tổ chức tôn giáo cung cấp các dịch vụ xã hội. Ví dụ, ở Hà Nội, các quan chức thành phố cho phép các hội thánh Tin lành tại gia vận hành các trung tâm cai nghiện ma túy.
Hầu hết các đại diện của các nhóm tôn giáo đã đăng ký báo cáo rằng việc là thành viên của một nhóm tôn giáo nhìn chung không gây bất lợi nghiêm trọng cho các cá nhân trong đời sống dân sự, kinh tế và thế tục ngoài nhà nước, mặc dù một số chức sắc tôn giáo nói rằng các chính sách không chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng CSVN) và chính phủ đã cản trở sự thăng tiến của các tín đồ tôn giáo trong các tổ chức đó. Lý lịch chính thức của bốn nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng CSVN đều ghi rằng họ không theo một tôn giáo nào.
Nhiều người theo các tôn giáo khác nhau giữ các vị trí trong chính quyền địa phương và cấp tỉnh và có đại diện trong Quốc hội. Nhiều tổ chức tôn giáo đã được công nhận như Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như các chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tập hợp các tổ chức gắn với chính phủ dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN. Các quan chức chính phủ cấp cao gửi thiệp chúc mừng và đến thăm các nhà thờ vào dịp lễ Giáng Sinh và Phục Sinh và tham dự các hoạt động của Đại lễ Phật đản Vesak kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật.
Theo báo cáo của các nhóm tôn giáo, chính quyền địa phương đôi khi ngăn cản các cá nhân thay đổi thông tin về tôn giáo trên chứng minh thư nhân dân. Vào tháng 12, Chính phủ công bố sẽ bắt đầu cấp một loại chứng minh thư mới mà không ghi thông tin về tôn giáo trên đó.
Phần III. Tình hình tôn trọng tự do tôn giáo của xã hội
Những người theo Đạo Dương Văn Mình, chủ yếu là người dân tộc H’mông, cho hay một số căng thẳng với những người H’mông khác mà thực hành nghi lễ chôn cất truyền thống khác với họ.
Có một số báo cáo cho thấy các thành viên gia đình không theo đạo Thiên Chúa tham gia vào việc sách nhiễu những người theo đạo Thiên Chúa. Vào tháng 2, các thành viên người dân tộc H’mông của các hội thánh Tin lành ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cho biết các nhà chức trách địa phương, cùng với các thành viên gia đình không theo đạo Tin lành, đã xé kinh thánh, thu giữ, phá hủy tài sản của các tín đồ và hành hung các tín đồ.
Phần IV. Chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ
Tổng thống và Ngoại trưởng Hoa Kỳ trong các cuộc gặp với các quan chức chính phủ cấp cao của Việt Nam đã kêu gọi tiếp tục cải thiện tự do tôn giáo. Các quan chức cấp cao khác của Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam đã bày tỏ những quan ngại về tự do tôn giáo trong các cuộc gặp của họ với các quan chức chính phủ và đại diện xã hội dân sự. Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động và Đại sứ lưu động về Tự do tôn giáo quốc tế đã thảo luận các quan ngại về tự do tôn giáo với các quan chức chính phủ Việt Nam tại cuộc Đối thoại nhân quyền Hoa Kỳ – Việt Nam vào tháng 5, và đã lên vùng Tây Bắc để thảo luận về tự do tôn giáo với các quan chức địa phương và nhiều nhóm tôn giáo đã đăng ký và chưa đăng ký, trong đó có các nhóm với thành viên là người dân tộc thiểu số. Vào một chuyến thăm khác hồi tháng 8, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động đã kêu gọi cải thiện tự do tôn giáo trong luật và trên thực tiễn. Các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ đã gửi cho các nhà lãnh đạo chính phủ Việt Nam bản khuyến nghị sửa đổi dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo để đạo luật này phù hợp với Hiến pháp và các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ tự do tôn giáo.
Đại sứ Hoa Kỳ và các viên chức sứ quán đề nghị chính quyền cho phép tất cả các nhóm tôn giáo hoạt động một cách tự do, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, các Hội thánh Tin lành và Công giáo tại gia, và các nhóm Cao Đài và Hòa Hảo độc lập; đề nghị cho các nhóm tôn giáo đã được công nhận được hưởng nhiều tự do hơn; và đề nghị chấm dứt những hạn chế đối với các nhóm tôn giáo chưa đăng ký. Đại sứ và các viên chức sứ quán đã nêu ra các vụ việc cụ thể về việc chính phủ sách nhiễu các nhóm Công giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, các nhóm Hòa Hảo độc lập, đạo Dương Văn Mình, các hội thánh Tin lành với Ban TGCP, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an. Các viên chức sứ quán đề nghị tăng cường việc cấp đăng ký cho các giáo đoàn trên cả nước và cải thiện chính sách đăng ký sao cho thống nhất và minh bạch hơn. Các quan chức chính phủ Hoa Kỳ cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam giải quyết các tranh chấp đất đai còn tồn đọng với các tổ chức tôn giáo một cách hòa bình.
Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội và Tổng lãnh sự quán ở thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên bày tỏ quan ngại về tự do tôn giáo với nhiều quan chức chính phủ và nhà lãnh đạo của Đảng CSVN, bao gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao, Ban TGCP, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, và các cơ quan khác ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh.
Đại sứ Hoa Kỳ và các viên chức tổng lãnh sự quán đã có các chuyến công tác đến các địa phương trên cả nước, trong đó có Tây Bắc và Tây Nguyên, để theo dõi tự do tôn giáo, gặp gỡ các chức sắc tôn giáo, và nhấn mạnh với các quan chức chính phủ rằng sự tiến bộ về tự do tôn giáo và nhân quyền có vai trò cốt yếu để cải thiện quan hệ song phương. Các đại diện của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán giữ mối liên hệ thường xuyên với nhiều chức sắc của các cộng đồng tôn giáo.
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì nó là một tác phẩm của chính quyền liên bang Hoa Kỳ (xem 17 U.S.C. 105).
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì nó là một tác phẩm của chính quyền liên bang Hoa Kỳ (xem 17 U.S.C. 105).