Bình tĩnh mà luận nghề làm thuốc của ta

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bình tĩnh mà luận nghề làm thuốc của ta  (1930) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6294 (10.11.1930)

Người ái quốc thường biểu dương chỗ hay của nước mình mà không giấu chỗ dở

Nhơn mới rồi, ông Nguyễn An Cư, thầy thuốc ở Hóc Môn cứu bà Trần Hữu Độ trong cơn vạn tử nhứt sanh, báo Phụ nữ tân văn đăng đầu đuôi câu chuyện mà tán dương ông, kế đó, chánh ông Trần Hữu Độ cũng viết trên báo Đuốc nhà Nam mà cám ơn ông Nguyễn và ca tụng một cấp nữa, rồi nghề thuốc bắc của An Nam ta ý muốn bay tận lên mây xanh !

Khoan đã ! Xin mời cái dao cầu, cái thuyền tán trở lộn xuống đây mà nói chuyện với chúng tôi đã !

Chúng tôi không nói động đến hai bài tán dương ông Nguyễn An Cư của hai bạn đồng nghiệp ; chúng tôi cho sự tán dương ấy là rất phải, không phản đối. Chúng tôi cũng công nhận cái tài làm thuốc của ông Nguyễn là đặc biệt hơn người ; vì chính người viết bài nầy quen biết ông ấy đã lâu, và nhiều lần mắt thấy ông ấy trị bịnh thần hiệu là thế nào.

Duy có, cái hay chỉ mười phần mà tô điểm thêm một trăm phần, cái hay chỉ một người mà muốn đem chia cho cả đám ; như vậy rồi lần lần sanh ra lòng kiêu ngạo tự thị, cho mình là thần thánh mà không chịu học ai nữa, ôm lấy cái dốt cả đời có khó gì đâu. Chúng tôi rất lấy làm lo về chỗ ấy, vì đó mà viết bài nầy.

Sau khi hai bài báo của hai bạn đồng nghiệp ra rồi dư luận ở Sài Gòn nổi lên như phao. Nhiều người phô trương chuyện ấy ra một cách đắc ý hết chỗ hình dung. Trong cái đắc ý lại còn tỏ cho người ta biết mình kiêu ngạo, coi nghề thuốc tây bằng nửa con mắt. Giạc chừng như ý họ nghĩ rằng nước Nam có một mình ông Nguyễn An Cư là thầy thuốc danh sư đó, cũng đủ chấp hết thảy đốc-tưa[1] ở bên thuộc địa nầy cho chí bên Pháp !

Họ nói có bằng cớ. Như bịnh bà Trần Hữu Độ đó, mấy ông thầy tây chạy hết thảy, mà ông Nguyễn cứu sống, thì há chẳng phải là cái thiết án sao ? Huống chi, chính tôi còn biết ông Nguyễn cứu nhiều bịnh khác nữa mà nhiều ông thầy tây cũng đã bó tay chịu chết. Phải, ông Cư đáng khen thật ; khen ông ấy chẳng còn ai bảo được là a dua, hoặc làm quảng cáo giùm cho ổng.

Tôi xét ra những người phô trương đắc ý đó cũng như tôi, không a dua, không làm quảng cáo cho ông Cư đã đành, mà họ lại còn có cái tâm lý cao thượng nữa. Ấy là cái lòng ái quốc của họ.

Một nước mà đã sa sút xuống thì cái gì cũng sa sút theo. Dầu có cái hay cũng bị vùi giập chẳng ai biết. Kẻ đối với nước hẫng hờ thì thôi, không nói. Còn ai là người hữu tâm thấy vậy mà chẳng ngậm nguồi đau xót trong lòng ? Sẵn có cái lòng ấy, gặp dịp gì có thể làm cho tổ quốc vớt lại được chút danh dự nào, ấy là hết sức mà nâng lên, bồng lên, cho nó vớt lại chút nấy.

Chẳng phải chỉ có ra liều thân binh vực sự độc lập tự chủ cho nước mới là ái quốc ; những người biết bảo hộ và tuyên dương cái danh dự cho nước mình cũng là ái quốc chẳng kém nhau.

Trong khi họ xừng lông mày lên mà nói rằng : “Ai bảo nghề thuốc An Nam dở ? Chớ không thấy Nguyễn An Cư làm sống được người chết đó sao ?” Trong khi nói câu ấy, khác nào họ nói rằng : “Hỡi tổ quốc Việt Nam ! Lâu nay ngươi bị người ta khinh miệt, bây giờ có việc nầy đây, đủ làm cho ngươi mở mặt mở mày đôi chút, ta mừng cho ngươi” !?

Cái ý ấy thật tốt thật. Hễ là làm dân trong một nước thì phải có ý ấy.

Tuy vậy, đủ thì thôi, vừa phải thì thôi, không nên phô trương quá sự thiệt.

Xin những người ái quốc ấy hãy nghĩ lại. Trong đám thầy thuốc của ta, có ông Cư là người đã cứu cho nhiều bịnh mà thầy tây chạy, thì cũng đáng khoa thị ra để làm vẻ vang cho y thuật nước nhà. Song, còn vô số những thầy dở kia, những thầy “tâm can tỳ phế biền[2]” kia thì ta bỏ đi đâu ? Cái làng nghèo từ đầu làng đến cuối làng, chỉ có một nhà giàu thôi, thì không gọi làng ấy là làng giàu được.

Huống chi, cái nghề thuốc của ta, nói hay thì vẫn là hay, nhưng thật khó đem mà đọ với thuốc tây được. Chỗ đó, chính ông Nguyễn An Cư cũng phải chịu, chớ đừng nói bọn ta là kẻ không đạp tới nghề ấy làm chi.

Theo nghề thuốc của ta, sách vẫn có sách, nhưng nghĩa lý rất là vu vơ, khó cắt nghĩa cho rành mạch. Nhứt là về phần sanh lý học (physiologie), giảng giải sơ lược mà lại sai lạc nữa. Cho đến về phần dược tánh bởi hóa học không tinh, nên cũng không biết cho tới đầu tới đuôi, mà thường hay có chỗ nhận lầm. Vì các lẽ gốc ấy, y học của ta thật chưa phải là giỏi.

Ông Nguyễn An Cư là người thông đạt lắm. Tuy ông đã chữa lành được nhiều bịnh khó, song ông vẫn đổ cho là nhờ “tổ đãi” nhờ “phước chủ may thầy”. Ông nói vậy, không phải ông tỏ ý tự khiêm đâu, nhưng để tỏ ra rằng cái đạo làm thuốc của ta là minh mông quá, quen tay thì làm, chớ khó mà giảng giải đến tận gốc.

Về sự khó giảng giải đó nên ai có sở đắc riêng thì thành ra thầy giỏi đó thôi, chớ không thể đem mà dạy nhau. Đó, thuốc ta thua thuốc tây là ở chỗ đó.

Đừng nói ta, cho bên Tàu là tổ nghề thuốc đi nữa, xứ họ thiếu chi thầy giỏi, thiếu chi sách hay, mà ngày nay họ cũng phải học theo thuốc tây, thì đủ biết cái giá trị của thuốc tây là nhường nào. Chúng ta chớ nên có một tiền mà trở khinh kẻ một quan !

Ước gì những người An Nam học thuốc tây, sẵn cái nền sanh lý học và dược tánh học của tây đó, đem mà nghiên cứu thuốc ta, thì họa may y thuật nước ta mới có ngày tấn bộ được.

Người mình mà đến đã tỏ cái lòng ái quốc ra, là tỏ một cách sốt sắng hơn ai hết. Nguyễn Huệ mà đem sánh với Napoléon Ier, Nguyễn Du mà đem sánh với Victor Hugo, thật là chỉ biết có mình mà chẳng biết có người ! Cơ khổ, vỏn vẹn chỉ có một cuốn Kim Vân Kiều, gặp đám nào cũng đem chưng ra, thế mà ý muốn chen chưn ra vào làng văn học thế giới !

Chúng tôi nói mấy câu đó, không phải là chúng tôi quên ông quên cha đâu. Người ta là người, chúng tôi không chịu để các ông làm người còn chúng tôi làm cầm thú đâu mà hòng bảo chúng tôi là “vong tổ”. Có điều, cái gì nước mình hơn nước người, phải biết mà đem khoe ra, thì cái gì nước mình kém nước người, cũng phải biết mà bảo cho nhau mới được. Còn như cứ một mực nói tốt cho nước mình, dốt mà chẳng biết, dại mà chẳng hay, lằm lằm lũi lũi ca tụng công đức tổ tiên để thêm cái khí hư phù kiêu căng cho kẻ thiếu niên hậu tấn, thì thật là hại to lắm vậy.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Đốc-tưa : docteur = thày thuốc, bác sĩ
  2. Đây là nói theo câu tục để nhạo thầy thuốc dốt (nguyên chú của Phan Khôi)