Bước tới nội dung

Bả phồn hoa/11

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bả phồn hoa của không rõ, do Nhượng Tống dịch
Hồi thứ XI
Vạn Quyển Thư Lâu
BẢ PHỒN HOA

DỊCH GIẢ: Nhượng Tống



Quyển thứ ba
Giá 0$10
 

HỒI THỨ XI

Uổng công-trình dời bến Áo môn
Thăm tin tức dò nhà Mộng-thảo

Ngày đêm hôm ấy, hai người cùng xuống tầu lại về Hương-cảng. Sáng hôm sau, Lý Hoa vừa bước chân vào Đào-hoa-quán đã thấy Thiếu-My ở nhà. Chàng mỉm cười mà bảo Lý rằng:

— Ở bên Áo-môn sòng bạc đã nhiều, cô đào cũng lắm, để hôm nào tôi với bác ta cùng đi chơi một chuyến. Lý tự nghĩ: Chết chưa! Có lẽ hôm qua hắn cùng về một chuyến tầu với mình mà mình không biết! Xem ý câu nói lại có vẻ nửa bỡn nửa cợt, hình như đã biết cả truyện, liền đáp rằng:

— Cậu nói đùa làm chi thế? Tôi lúc này còn lòng nào mà thiết đi chơi. Chàng lại nói:

— À! Tôi quên không hỏi, lâu nay việc đi tìm bác gái, có được tin tức gì không? Lý thở dài mà rằng:

— Tuy chưa rò được đích xác, song mười phần đã được đến bẩy, tám phần. Khi nào tra ra, tôi sẽ đâm chết quân thù, bấy giờ cậu sẽ rõ. Thiếu-My nghe nói tái hẳn mặt, song cũng cố làm ra dáng trấn-tĩnh mà nói:

— Bác cứ việc cố-sức. Nếu có thiếu tiền, bảo tôi, tôi sẽ giúp, không dám tiếc bác đâu. Ngay lúc ấy có một thằng nhỏ ở ngoài chạy vào, Thiếu-My vội đưa mắt, hình như ra hiệu cho nó có điều gì thì đừng nói vội. Lý vội chào Thiếu-My rồi ra ngoài làm việc như thường.

La-Lăng về Hương-Cảng, chưa kịp hai tiếng đồng hồ, thì mụ Hai-Trương đã đến, báo tin rằng: Sáng hôm ấy có một cặp trai gái, ăn mặc thật sang đi kiệu đến tòa nhà ở phố Ty-lợi, giắt tay nhau đi thẳng lên gác, chờ đến nửa ngày mà cũng không thấy ra. La vội hỏi:

— Thế mặt mũi nó thế nào, mụ có nhận rõ không? Mụ Hai-trương nói:

— Lúc ấy trời chưa sáng rõ, không sao nhận được. La nói:

— Từ rầy thì phải để ý cẩn thận về chỗ đó. Nói xong móc túi đưa cho ít tiền. Mụ Hai-Trường được tiền đi rồi, La-Lăng ngồi buồn cũng khóa cửa lại rồi đi chơi. Vừa đi vừa nghĩ lan-man, bất giác đi qua chỗ ở cũ của Lý-Hoa, đưa mắt lên nhìn thì thấy có mảnh giấy đề mấy chữ: « Gác thứ tư cho thuê », liền mượn cớ thuê nhà, vào xem xét một lần nữa. Chàng xem xét lần này, rất là kỹ-lưỡng. Dẫu đống mùn đám rác, cũng cầm can gẩy bới ra coi. Đến một xó tối, bỗng nhặt được một cuộn giấy. Vội vàng đem soi ra nắng, tuy nét mực đã nhòa song còn mấy chỗ đọc được: Nào là « một đôi xuyến vàng »; nào là « Hàng kim-hoàn mỗ »; nhận kỹ ra thì là một cái đơn hàng. Chàng mừng rỡ, vội bỏ vào túi rồi ba chân bốn cẳng chạy thẳng ra cửa hàng kim-hoàn có đề tên ở trong đơn, bảo nhà hàng cứ ngày cứ tháng rở sổ cũ ra xem, thì quả nhiên cũng có biên có người mua một đôi xuyến vàng, song chỗ người mua thì không viết rõ họ tên, mà chỉ viết ba chữ « Mộng Thảo Đường ». Chàng giật mình, lẩm nhẩm nói: Thằng cha này tính việc kín đáo thật. Nhân lại hỏi người nhà hàng về mặt mũi niên kỷ người mua ấy. Người nhà hàng đáp:

Hôm ấy là 12 tháng 6, ngày kỵ cụ Bành-Tổ, trời sắp có bão, mây kéo đen rầm, thế mà người khách ấy thì rất ra ý vội vàng, mua hơn trăm bạc hàng mà đứng không đầy mười lăm phút. Vì vậy mặt mũi chúng tôi cũng nhớ không rõ cho lắm. Chàng cám ơn nhà hàng rồi đi xe về tìm Lý-Hoa, đưa cái đơn hàng ra mà hỏi rằng:

— Cái này có phải của ông mua không? Lý mỉm cười rằng:

— Ai có thừa tiền mà mua những cái quái ấy. Ông tìm ở đâu ra thế? La nhân thuật lại câu chuyện cho nghe. Lý dậm chân nói rằng:

— Thế thì phải rồi! Lúc nó đi là vào hồi tháng bẩy Bây giờ đêm nằm nghĩ lại, từ khi sang đây ở, vợ chồng vốn không có điều tiếng gì. Mãi từ trung-tuần tháng sáu trở đi, thì xem ý nó ra chiều khủng-khỉnh lắm. Có một hôm cãi nhau với tôi, đập phá toang-hoang, lấy chén chè ném vào trán tôi, bây giờ vẫn còn vết sẹo. Vậy tôi chắc cái đơn hàng này chính là cái mồi của tên gian-phu kia rử nó. Từ khi nó thấy vàng tối mắt, bấy giờ mới sinh ra đổi dạ thay lòng La-Lăng mỉm cười gật đầu, lại hỏi rằng:

— Cái tên « Mộng-Thảo-Đường », ông có nghe thấy bao giờ không? Nếu không thì khi nào làm trong hàng cố sức mà dò-la. Hễ được tin tức gì thì chạy lại bảo ngay cho tôi biết.