Bước tới nội dung

Bả phồn hoa/12

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bả phồn hoa của không rõ, do Nhượng Tống dịch
Hồi thứ mười hai

HỒI THỨ MƯỜI HAI

Đưa thư dậm dọa, con đĩ tuyệt tình
Đón lối hành hung, ông chồng xuýt chết

Hôm sau, La-Lăng đương ngồi ở nhà, bỗng thấy Lý-Hoa hốt hoảng chạy vào, mặt cắt không còn được giọt máu. La vội hỏi:

— Sao hôm nay người ông trông khác hẳn đi thế, hay lại mới gặp có việc gì biến-cố khác chăng? Lý ngồi lả vào chiếc ghế bành, móc túi lấy một phong thư, vừa thở vừa đưa cho La, không nói một câu gì cả La mở ra coi thì là một bức thư nặc-danh mà nét chữ đàn-bà viết.

Thư rằng:

« Cậu Lý,

« Cùng cậu, Sâm, Thương cách biệt, tới nay đã mấy tháng rồi. Nghĩ như tôi dòng dõi thư hương, dù chẳng được như ai sắc nước hương trời, song cũng không phải là hạng vai-u thịt bắp. Ngờ đâu trời xanh éo le, cha già lẫm cẫm, lại đem tôi mà gả cho cậu là hạng người đê-tiện mà ngu-si! Đã không biết sống làm vui, tấm thân nào biết thiệt thòi là thương, từ ngày hồng ngâm chuột vọc, hòn ngọc ngâu vầy, cậu dù lấy thế làm sướng kiếp thỏa đời, song ở lòng tôi thì lúc nào cũng muốn liều thân trốn nợ đoạn-trường, không có thiết gì sống nữa. May sao từ khi ra ở ngoài này, trong chỗ giao-du, lại được gặp người tri-kỷ. Cánh hồng bay bổng, ra khỏi thành sầụ. Nghìn kiếp muôn đời, không còn muốn có lúc lại nhìn mặt cậu nữa. Kể như cậu sinh-nhai nghề hèn, ăn nhờ lương chủ, manh áo nước dưa, chiếc quần lá tọa, chúi đầu xó bếp, đặt lưng bờ hè, vắt tay lên trán mà nghĩ, phỏng có xứng đáng được cùng tôi gió tựa hoa kề, đầu gối tay ấp hay không? Thôi đi thôi! Đừng mơ tưởng nữa. Tuy-nhiên, một ngày là nghĩa, không phải là tôi quên hẳn cậu đâu. Ý tôi muốn cho cậu mấy trăm đồng bạc, để tìm một con nhài con đỏ nào mà lấy, chồng nào vợ ấy, âu cũng xong một đời. Còn tôi thì từ nay cá nước chim trời, dù cậu có tốn công tốn của tìm tòi, cũng là vô ích. Cái thằng-cha gì mà nó nhận việc trinh-thám cho cậu đó, tự phụ là giỏi, song kỳ thực thì ngày nào cũng bị tay tôi vũ-lộng, chẳng được việc gì hết, chỉ làm tổn tiền bạc, mất thì giờ của cậu đó thôi. Nếu cậu còn không sớm biết thân cố tình theo đuổi để cho chúng nó làm bận chân tôi, thì tính-mạng cậu tất có ngày không thoát được lưỡi gươm của gái này! Cậu nên nghĩ kỹ, kẻo lại nói rằng không bảo trước ».

La-Lăng đọc đi đọc lại hai ba lượt, tức đến phát run lên. Đọc xong, đập bàn thét lên rằng:

— Con đĩ dại này! Thật không còn có liêm-sỉ gì nữa. Rồi đây mày sẽ biết, lưỡi kiếm vô-tình kia của mày dài hay của ta dài. Lại ngảnh lại Lý-Hoa mà rằng:

— Nó đã nói ra miệng thế này, ông ra vào cũng phải cẩn-thận giữ mình mới được. Cái thằng gian-phụ nó mê, tất là một đứa lắm của mà có địa-vị hơn ông. Vì thế mà nó nỡ mở mồm xỉ-vả ông đến thế này, thật người ngoài nghe cũng phải thâm gan tím ruột. Cái món tiền nó hứa cho ông đó, ông cứ nhận lấy, tỏ cho nó biết ông là người hèn nhát, như thế thì việc mình mới dễ tính. Phép nhà binh thường khi lấy thoái làm tiến, ông đã nghe chưa? Lý-Hoa trước vẫn định không nhận món tiền ấy, nghe lời La nói, phục La là cao-kiến hơn mình. Trông nhau không biết nói câu gì nữa, liền nhặt bức thư bỏ túi rồi từ biệt ra về. Cách đó ba hôm, nhận được một phong thư đảm-bảo gửi đến cửa hàng. Vừa mở thư thì đã thấy mùi nước hoa xông ra, trong thư chẳng có gì cả, chỉ có ba tờ giấy bạc một trăm đồng, chàng y lời La-Lăng, nhặt lấy gấp bỏ túi. Cách đó mười tám hôm, không xẩy ra việc gì cả. Một hôm chàng đương ngồi làm bánh, có người bạn trong hàng nói đùa chàng rằng:

— Này anh Lý! Cái việc chị ấy đi mất, sao cứ thấy « ỉm » đi thế! Giá phải tay tôi thì... Lý vội nói:

— Thì sao? Người bạn nói:

— Thì tôi tìm cho bằng được mà băm thây xé xác nó ra! Không thì cũng tự-tử mà chết, còn hơn trơ mặt ra để người đời mai-mỉa! Lý hùng-hổ đứng phắt rậy, nghiến răng mà nói:

— Anh đừng khinh tôi quá làm vậy. Lúc này chẳng qua là lúc tôi phải chịu khó nhẫn nhục, chứ hiện nay, trinh thám đã xét gần ra mối, rồi anh xem có một ngày tôi sẽ móc mắt ăn gan chúng nó, làm như Vũ-Tùng giết thằng Tây-Môn-Khánh cùng con Phan-Kiêm-Liên thì mới hả được dạ này! Lúc ấy đương tức nên tiếng nói toang toang. Chợt thấy trên gác có tiếng động, hình như có người phục xuống để lắng tai nghe trộm, chàng chột dạ liền không nói nữa. Ai ngờ chỉ vì mấy câu nói vô ý đó mà đã gây ra cái vạ tày đình. Sớm hôm sau, chàng dậy sớm định đến thăm La-Lăng. Ngoài đường bấy giờ còn chửa có mấy người đi. Khi chàng đi qua một cái ngõ hẻm, thì bỗng có một người ở đâu chạy ra, rút lưỡi gươm ngắn sáng như tuyết đâm thẳng vào sau lưng một nhát; Kế lại rút ra đâm vào hông một nhát nữa. Chàng kêu rú lên, nằm rục xuống đất. Hung-thủ lại nhằm thẳng cổ chàng, vừa định hạ một nhát thứ ba nữa, thì « đoành » một tiếng, một viên đạn đã sướt qua đầu gối. Ngảnh lại trông thì thấy một chàng tuổi trẻ ăn vận Tây đương cầm súng-tay chực bắn phát nữa. Hung thủ vội vàng ném gươm mà chạy. Chàng tuổi trẻ đuổi theo thì nó đã lẩn vào trong đám đông người, trốn đi đàng nào mất. Chàng tuổi trẻ đó là ai mà giữa đường lại sẵn bụng bất bình như thế? Ấy chính là La-Lăng. La-Lăng quay lại sờ vào người Lý-Hoa, thấy mạch máu còn chạy thì mừng rỡ vô cùng. Đồng thời lính cảnh-sát đã đến nơi. Chàng thuật chuyện cho nghe rồi chạy vào một nhà gần đấy gọi giây nói cho nhà thương của chính-phủ đem xe đến đón người bị thương. Khi Lý-Hoa đã vào nhà thương, thày thuốc khám-nghiệm thì thấy hai vết thương tuy cùng vào chỗ phạm, song may có ba lần áo giầy đỡ lại, nên không quan hệ gì. Duy có mất máu nhiều, phải tĩnh-dưỡng trong hai tuần lễ không cho ai vào thăm Vì vậy cách đó hai tuần lễ La-Lăng mới vào thăm chàng, hỏi có nhận được mặt hung-thủ không thì chàng nói là vì nó đâm trộm nên không nhận được mặt. Hai bên hàn huyên một hồi rồi đó bắt tay từ biệt. Mấy hôm sau chàng đã lành mạnh ra khỏi bệnh-viện. Vừa tính đi tìm La-Lăng thì bỗng tiếp được thư nhà báo tin mẹ yếu ngặt, mỗi ngày thổ ra hàng bát máu, dục chàng phải về ngay. Chàng xem thư gan ruột như bào, lập tức thu xếp về quê. Vội đi cũng không lại nói chuyện với La-Lăng, chỉ nhắn lời Lương-Tâm-Vân, xin La cứ cố sức giúp vì, hễ có tin gì thì đánh giây thép về nhà cho biết.