Bước tới nội dung

Bả phồn hoa/14

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bả phồn hoa của không rõ, do Nhượng Tống dịch
Hồi thứ mười bốn

HỒI THỨ MƯỜI BỐN

Đút tiền nong nhờ mách tin nhà
Giả hình dạng đi mời thày cãi

Đến hôm thứ hai thì La-Lăng đã thoát nạn mà Giác-chi thì vào tù. Nguyên khi chàng đi, có gọi giây nói cho viên cảnh-trưởng đến giúp chàng ở cửa hàng ấy. Viên cảnh-trưởng đến nơi chờ mãi không thấy chàng, biết là có chuyện lạ, liền đi xem xét các miền chung quanh. Khi ra bãi cỏ thấy có chỗ chân người dẫm be bét, đoán chắc là chỗ chàng gập nạn, liền cứ theo vết chân lần đi, tìm đến nửa đêm mới cứu được chàng ra khỏi chỗ hầm đá. Còn hung thủ thì đã trốn đi mất rồi. Chàng thuật lại việc gặp nạn, lập tức viên cảnh-trưởng cho người bắt Giác-chi tống giam. Vì một chuyện đó mà chàng hết cả tinh thần, ốm nằm liệt ở nhà trọ. Giác-chi ngày thường lu bù ở chỗ trời hoa đất rượu, nay bỗng không vào nghỉ trong nhà đá, tình cảnh khổ sở, không biết thế nào mà nói cho cùng. Quanh mình chỉ có một bình sắt-tây nước, một chiếc ván gỗ để nằm. Cơm ăn ném ở ngoài hàng rào sắt vào, chẳng khác gì thân chó cũi. Nhất là cơn nghiện lên thì khổ sở không sao xiết nói. Nào vuôn vai, nào ngáp vặt, nào nước mắt nước mũi, tưởng không có cái hình phạt nào độc ác cho bằng. Sờ túi còn mấy đồng bạc giấy, đem đút lót cho bọn ngục-tốt để chúng đưa hộ bức thư cho người vợ cả ở nhà. Ngong ngóng chờ suốt ngày mà tuyệt nhiên chẳng thấy tiêu hao gì cả. Đến sáng hôm sau, ăn cơm xong, Giác-chi đương một mình ngồi nghĩ vơ vẩn, bỗng thấy một tên ngục-tốt mở cửa hàng rào sắt, đưa một người thiếu-phụ bước vào.

Giác-chi trông ra thì người đó chính là Quan-Đoàn, trong lúc bất ngờ, dương mắt nhìn tưởng đâu như gặp nhau ở trong giấc mộng. Quan-Đoàn thấy Giác-chi, bất-giác phải rưng rưng nước mắt, vội ngồi phục vào bên lòng. Giác-Chi đỡ lấy nàng, cất tiếng run-run sẽ nói rằng:

— Sao bà lại đến được đây? Xin nói cho tôi rõ. Bà to gan thật! Mình đương mắc một cái án lớn mà dám ra vào những chỗ pháp-luật này như không trông thấy có ai cả, tôi thực chịu bà! Quan-Đoàn ra hiệu ngăn lại mà rằng:

— Thôi im ông! Không im chết cả tôi lẫn ông bây giờ! Nói đến đấy liền ghé tai Giác-chi nói thầm đến nửa tiếng đồng hồ, chừng là thuật lại cái thân thế bấy lâu trôi nổi. Ngay lúc ấy thì tên ngục-tốt đứng ngoài đã ra hiệu bảo Quan-Đoàn phải ra. Nàng đành phải dứt áo đứng dậy, còn Giác-chi cứ ngồi trơ như phỗng đá mà nhìn theo. Đương lúc mê-mẩn bàng-hoàng thì đã tiếp được thư của vợ gửi vào, bấy giờ chàng mới định thần lại. Mở thư ra xem, trong thư đại-ý nói:

« Nghe tin ông vào ngục, tôi rất lấy làm lo-buồn; nếu không mê gái thì đâu đến nông nỗi này, thế mà ngày trước tôi can, ông lại còn oán. Cha già tuổi tác, tôi không dám để biết việc ấy; còn con hầu non của ông thì mặt nó vẫn nhơn nhơn không ra ý thiết-tha gì ông cả. Thế ông mới biết những quân mèo mả gà đồng, có thể tin cậy được đâu. Tôi đàn bà đàn mụ, không dám vào ngục thăm ông; còn việc nhà cùng các món tiền thì tôi xin gánh vác một mình. Ông đừng lấy làm nghĩ. »

Giác-chi xem xong, tức lộn ruột, vò-xé ra làm trăm nghìn mảnh rồi nằm vật xuống tấm ván. Cơn nghiện đã đến, mắt đổ hồng-quang, các đầu xương vừa rức vừa đau, tưởng chừng có thể chết ngay đi được... Gió lạnh thổi vào, thành mắc chứng cảm, ngực đau đầu rức, nóng rét lên cơn đùng đùng!.. Thuốc thang chả có, chăn chiếu thì không, vì thế mà chẳng bao lâu đã thành ra bệnh nặng.

Ở Hương-cảng khi ấy có một ngừời thày-cãi nước Anh, tuổi đã già lại thuộc tiếng Tầu, thường cãi hộ các người Tầu ở trước các toà-án. Một hôm đương ngồi bỗng có một người thiếu-phụ ăn vận lối tây, mặt đeo chàng-mạng, gõ cửa vào thăm. Vào đến nơi, cúi đầu làm lễ chào. Người thày cãi đứng rậy mời ngồi, rồi bảo tên người nhà lui ra mà hỏi:

— Chả mấy khi nữ-sĩ đến thăm, chẳng hay có việc gì vậy? Người thiếu-phụ sẽ nhích-mình rồi bẽn lẽn mà đáp:

— Tôi họ Hồ, tên là Thục-Khanh, đến đây là cốt nhờ cụ một việc. Nguyên tôi có một người bạn tên là Doãn-Giác-chi, bị người ta vu-thác phải bắt vào ngục, tình thật là oan ức. Tuy nhiên, tường tình án ấy thế nào thì hỏi người bị cáo mới có thể rõ được. Tôi chỉ biết nhận lời của ông ấy nhờ đến đâỵ xin cụ ra tay làm phúc. Tiền phí tổn bao nhiêu tôi xin nhận tất cả. Có thế nào mong cụ dậy bảo cho. Thày-cãi nói:

— Được! Tôi sẽ xin hết-sức, thế nhưng nữ-sĩ có thể thuật cho tôi biết qua-loa việc ấy được không?

Người thiếu-phụ nói:

— Xin cụ thứ cho, tôi cũng chẳng biết gì hơn cụ về cái án ấy cả. Thày cãi bất-đắc-dĩ đành lấy giấy biên tên người bị cáo, nơi ngục bị giam, cùng số tiền thuê cãi, vân vân; đưa cho người thiếu-phụ bảo làm tờ nhận. Người thiếu phụ làm xong, cúi đầu cám ơn rồi rảo bước đi ra cửa. Người thày cãi ngồi một mình châm xì gà hút rồi lẩm-nhẩm tự nói: Quái lạ! Bị cáo là một người bạn giai, mà đứng chạy là một người bạn gái, hai bên tất nhiên phải là có ơn sâu nghĩa nặng với nhau. Thế nhưng lo việc mà không biết việc ấy ra thế nào, thì xưa nay dễ thường chưa có cái án nào như thế. Dù sao mặc dầu, ta đã nhận lời thì ta tất phải giúp cho được việc. Hôm nay trời đã muộn, để mai ta sẽ vào ngục thăm phạm-nhân xem công việc ra làm sao!...