Bước tới nội dung

Bả phồn hoa/15

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bả phồn hoa của không rõ, do Nhượng Tống dịch
Hồi thứ mười lăm

HỒI THỨ MƯỜI LĂM

Quan-Đoàn cầm súng dọa trinh thám,
La-Lăng viết thư cho Lý-Hoa.

Sáng hôm sau, người thày cãi vào ngục thăm Giác-chi thấy Giác-Chi người chỉ còn tay xách nặng, gầy còm ốm yếu, rất nên tội nghiệp: Mới bị bắt hai ngày mà tưởng chừng như phải giam cùm đã chín mười năm. Lúc người thày cãi mới vào, Giác-chi cũng ngơ ngẩn chưa biết. Sau, nghe thuật lại mới rõ là Quan-Đoàn đi lo hộ mình, trong lòng rất lấy làm cảm khích, liền đem án tình thuật cả lại cho thày-cãi rõ. Thày cãi nói:

— Án này còn lâu mới xử. Trong khi dự-thẩm, tôi không có phép đến. Vậy hễ quan có hỏi thì ông cứ nói là hiện bị bắt mà vẫn chưa biết là tội gì. Nếu hỏi đến việc bắt giam La-Lăng vào hầm, thì ông cứ cung là không biết việc ấy, chắc hẳn có quân gian-đồ mượn tên mình để trêu viên trinh-thám, chứ nếu phải mình thì dù ngu muội đến đâu sao có lẽ lại bảo cho La-Lăng biết rõ tên họ để đưa cổ vào tròng? Ông cứ nói thế là đủ, chắc quan chẳng hỏi nhiều nào. Đến khi ra tòa thì đã có tôi cãi giúp cho, không ngại. Nói xong, chống ba-toong ra đi.

La-Lăng từ khi mắc bệnh, đến tĩnh dưỡng ở một cái nhà hai tầng làm gần chân núi. Ngoài mình ra chỉ có một thằng nhỏ là người phục dịch, song thường vẫn cho ở dưới nhà. Một hôm vừa uống thuốc xong, trùm chăn nằm để lấy bồ hôi, thì chợt nghe lộp cộp có tiếng giầy tây lên đến cửa gác. Mở chăn nhìn ra thì thấy một chàng trẻ tuổi đẩy cửa bước vào. Người ấy ăn vận đồ tây, mũ đội rất thấp, mắt đeo kính gọng vàng mầu lam, nước da đỏ như trứng gà bóc. La trông ra không biết là ai song lại hình như hơi quen mặt, vội vàng hỏi:

— Ông là ai? Vào đây có việc gì? Nói chưa dứt thì người ấy đã ném mũ, cất kính, cổi bỏ áo ngoài, thì ra một cô thiếu-phụ nhan sắc thực nghiêng thành đổ nước. Người thiếu-phụ không đáp lại câu La hỏi, thong dong móc lưng lấy khẩu súng lục ra cầm tay. La thấy vậy, cũng với tay lên đầu giường, cầm lấy khẩu súng lục, song vừa cầm ra đến nơi thì người thiếu-phụ đã nhanh tay giật mất. Hai tay cầm hai súng, chỉ vào ngực La mà nói:

— Nằm im! Hễ cựa cậy thì chết ngay bây giờ! La lúc ấy vì ốm quá không gượng rậy được, nên đành phải đấu dịu mà rằng:

— Tôi có thù gì với bà mà bà lại lẻn cửa vào định giết tôi? Xin nói rõ cho biết thì dẫu chết tôi cũng không ân hận. Nàng cười khẩy mà nói:

— Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật, chị chính là con « Hồ-tinh mặt-ngọc » đây! La nghe nói điềm nhiên, vì bụng đã biết trước. Nàng lại cười nhạt mà nói:

— Uổng cho my mang cái tiếng anh-hùng hào-kiệt, hai mươi năm dọc ngang trời bể, chém lính giết quan, đốt nhà lấy của, thế mà nay lại chịu tay một đứa con gái bơ vơ yếu ớt, nghĩ cũng nực cười. Đã hèn nhát như thế thì tưởng nên cúi đầu sấp mặt, đi theo lau giầy xách dép cho chúng chị đây, mỗi tháng mươi lăm đồng, cũng đủ no cơm ấm áo. Cớ chi lai dám đeo cái mặt nạ trinh-thám, định toan loè ai? Như chị đây chẳng may chịu kiếp mây trôi bèo dạt, nào có thù-oán gì với my Thế mà chỉ vì mấy đồng tiền bất-nghĩa của thằng Lý-Hoa, my chịu làm chó săn cho nó để quẩn chân chị mãi. Thế mà chị có sợ gì my đâu. Thường thường chị vẫn ở trước mắt my mà my không biết. My hãy vắt tay lên trán mà nghĩ, thế đã đáng tài trinh-thám giúp việc cho người hay chưa? My thật là hạng khốn nạn, cam tâm làm đầy tớ cho đồng tiền; giam my vào hầm đá mà my không chừa: dọa my bằng tạc-đạn mỹ không sợ. Vừa khỏi vòng đã cong đuôi, lại báo bắt Doãn-Giác-chi bỏ-ngục. Có lẽ my cho Giác-chi là tay thủ-phạm về cái án my định rò hay sao? Chị đây mình làm mình chịu, không muốn để lụy cho người. Bắt được chị đây mới giỏi chứ bắt một kẻ vô tội như Giác-chi thì không giỏi đâu, em ạ!...

La nghe nói đến đấy, khí tức đã xông lên đến cổ, song nghĩ mình đã thấp cơ thua trí, thì tức cũng vô ích, đành cố nén lại mà nói:

— Cứ như lời bà nói thì ra Giác-chi bị bắt oan đấy! Thế thì sao bà không nói rõ đứa thủ-phạm ra để nó ngồi tù thay cho Giác-chi có được không? Người thiếu-phụ nghe nói, vừa thẹn, vừa tức thét lên mà rằng:

— Thằng này ra đến chết không chừa! Lại dám hỏi vặn đến bà thân-sinh ra nó! Bà bảo thực my, bà chẳng may phận hẩm duyên ôi, đã bước chân ra đi thì trời rộng bể dài, quen không phải quen một người, mà ở không phải ở một chỗ. Bọn my muốn tìm cho thấy người tình nhân của bà thì tưởng đi mòn gót cũng không tìm nổi. Nay bà cũng không thừa hơi nói nhiều nhời với my nữa. Chỉ bảo cho my biết rằng my bắt Giác chi là bắt một người vô-tội, tin thì tin mà không tin thì thôi. My phải biết bà đây là người lỗi-lạc quang-minh, chẳng qua chỉ vì lấy chồng chẳng đáng mặt chồng cho nên mới đến nỗi long đong khổ sở. Đối với một người như thế mà my cứ cố-công theo đuổi, hỏi lương-tâm xem có đáng không? Tuy nhiên, bà có sợ gì my, nếu bà bảo không nghe thì rồi sẽ có lúc biết tay ăn-mặn đó.! Nói đến đấy, bỏ cả hai khẩu súng vào túi áo, rồi đội mũ đeo kính lại tử tế. Hai mắt trừng trừng nhìn La không chớp.

Khi ấy mây kéo đen rầm, trời mưa như dội nước. Trong phòng tranh tối tranh sáng, cảnh tượng rất là thê lương. La đầu rức mắt hoa, nhìn một lúc thì người đã choáng váng, vô ý đưa mắt đi một chút, trông lại thì người thiếu-phụ đã lẻn cửa chạy đi mất rồi. La thở dài một tiếng. nghĩ lại chuyện vừa qua, hậm hực nói một mình rằng: Con này thực là hạng quỉ-quái tinh-ma, lại dám đến đây mà vuốt râu hùm-xám! Tuy nhiên, cứ như lời nó nói thì có lẽ cái án này không có quan hệ gì với Doãn-giác-Chi thật. Ta không nên làm hại kẻ vô tội để con đàn-bà kia cười ta là hèn nhát. Thế mà nếu ta bỏ lảng không thắt-buộc lắm thì Giác-Chi chẳng khó gì mà chẳng được tha. Tuy nhiên, cái án kia thế nào ta cũng phải phá cho ra, không phá được thì ta quyết không làm nghề này nữa. Nghĩ thế rồi, sực nhớ đến Lý-Hoa, liền lấy giấy viết thư gọi chàng sang Hương-cảng. Trong thư chỉ vắn tắt có mấy câu rằng:

« Ông về nhà đã lâu, tôi rất làm mong mỏi. Tôi nhận lời ủy thác của ông mấy tháng nay vào tử ra sinh, gặp bao nhiêu là biến cố, gần đây lại mắc bệnh nặng, mỗi ngày thổ hàng mấy bát máu, không biết trời kia có thương, có để cho còn sống mà làm cho xong được việc ấy không? Những việc tôi gặp, nhiều việc thật là quái ác lạ lùng. Mong ông sang ngay mới có thể nói truyện và bàn tính mọi việc được. »

« Nay kính: La-Lăng. »

Sau khi bỏ bức thư ấy đi ba bốn ngày, La-Lăng uống thuốc Tây, tinh-thần đã thấy khá hơn trước nhiều lắm. Một hôm uống thuốc xong, gượng rậy thuê xe ra sở cảnh-sát, một là để tạ ơn cứu mạnh, hai là để thăm tin tức Doãn-Giác-Chi. Khi hỏi mới biết là Giác-Chi đã nhờ người chạy thày-cãi cho, liền tiện-đường đến thăm người thày cãi. Đôi bên nói chuyện với nhau một lúc, rồi đó La khẩn-khoản nói rằng:

— Tôi đối với cái án này cũng chắc hắn không phải thủ phạm. Thế nhưng cụ nên cố-ép hắn cung khai về các bạn thân của hắn, hoặc giả nhân đấy mà xét ra được manh mối, thì rồi bấy giờ một bên cụ cố cãi, một bên tôi bỏ làng, tự khắc hắn được tha ngay. Thầy cãi nói:

— Điều đó tôi đã bảo hắn nhiều lần, nhưng hắn không chịu nghe thì biết làm thế nào? La nghiêm nét mặt mà rằng:

— Nếu vậy thì hắn chỉ biết có những hạng bạn chó-đểu của hắn, mà không biết thương thân chút nào cả. Vậy chứ chỗ ở của người đàn-bà đi lo hộ hắn đó, cụ có thể bảo tôi được không? Thầy cãi nói:

— Người ấy không cho tôi biết mà tôi quên cũng không hỏi. Tiền thuê cãi chưa biết vào tay ai trả, chẳng qua tôi cũng đã trót thì trét đó thôi. Nay ông lại hỏi tôi, thật chẳng khác gì hỏi đường anh xẩm! La lẳng-lặng đứng rậy, chào người thày cãi rồi lui ra.

Imprimerie thực-nghiệp Mai-du-Lân Succ.
83, Rue du Chanvre, hanoi
1928



Nguyễn-Văn-Cư, 46, Hàng Tre, Hanoi
Xuất-bản