Bước tới nội dung

Bả phồn hoa/19

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bả phồn hoa của không rõ, do Nhượng Tống dịch
Hồi thứ mười chín

HỒI THỨ MƯỜI CHÍN

Mụ-dầu già thuật chuyện nguyệt hoa
Con-đĩ non vén màn hắc ám

Mụ Hai-Trương về rồi chàng liền thuê xe đến nhà mụ chủ chứa thổ lậu ở phố Lan-quế. Xuống xe lên thẳng tầng gác thứ ba, gõ cửa mấy cái. Bên trong có người ghé vào kẽ cửa ròm ra, rồi vừa mở cửa, vừa cười! vừa nói:

— Ồ! ông La! Sao ông đến chậm thế! Người đó tức là mụ-chủ Chàng chào lại rồi bước vào, trông thấy các phòng ngăn ở hai bên, đều làm ván mới cả. Gió lay mành cửa, trong phòng hình như có đàn bà, con gái, ghé mắt ròm khách. Mụ chủ mời chàng vào ngồi trong một cái phòng khá lịch-sự. Chàng mỉm cười mà nói:

— Mụ buôn bán đắt hàng đấy chứ? Được thế tôi cũng mừng cho. Mụ chủ cười đáp lại, sẽ nói:

— Đa tạ quan: Không có quan thì tôi bây giờ hãy còn ở trong ngục. Sao ít lâu nay quan đi đâu mãi thế? Tôi đến tìm có việc cần mà không thấy. La nói:

— Mụ phải biết, tôi việc quan bận lắm, có thể cứ ngồi một chỗ mà chờ mụ được đâu. Chẳng hay công việc ra thế nào? Mụ chủ nói;

— Công việc hay lắm những xin hãy thong thả. Quan hãy ở chơi đây đến tối đã. Tôi xin biện chén rượu nhạt để gọi là báo đáp ơn sâu. La không bằng lòng, toan đứng dậy ra về. Mụ chủ lại đon đả mà nói:

— Không phải tôi không biết quan bận nhiều việc mà muốn làm phí cái thì giờ vàng ngọc của quan đâu. Quan cứ ở lại chơi, lúc nữa trong nhà này sẽ diễn ra một tấn kịch, giúp quan được nhiều tin tức hay, bấy giờ quan sẽ biết công cho em, không phải là em nói dối... Vừa nói vừa không đợi La nhận lời, gọi đầy tớ bê khay đèn cùng bưng một đĩa quả tươi ra.

La bất-đắc-dĩ, đành cũng ngả lưng nằm, vừa tiêm thuốc hút vừa tán nhảm với mụ chủ. Chẳng bao lâu, trời đã nhá nhem tối. Đèn điện sáng, các đầy tớ dọn rượu bưng ra. Từ-nương (tên mụ-chủ) vừa cười vừa nói rằng:

— Chả mấy khi quan đến chơi, dưa muối mời quan chiếu cố. La đẩy khay đèn ngồi rậy mà nói:

— Mụ rõ khách-tình quá! Bầy rở tốn tiền vô-ích. Đã vậy thì ngồi cả đây cùng ăn cho vui. Nói xong, cùng nhau ăn uống qua-loa. Tăm nước xong, La lại rở xì-gà ra hút. Đồng hồ đánh bẩy tiếng, nghe có tiếng xe đậu ở cửa, rồi kế đến tiếng giầy lên gác và tiếng gõ cửa nhẹ ở phía ngoài. Từ-nương ra đón khách, tiếp vào một gian phòng riêng. La ngồi một mình, lại nằm lả xuống bên khay đèn, lắng tai nghe hai người nói truyện. Thế nhưng hai người nói nhỏ quá, chàng chẳng nghe được tiếng gì hết. Một lúc sau, Từ-nương lại ra tiếp chàng, lả lơi cười mà nói:

— Quan thật là thương em hết sức! Nay có một cành hoa mới xin giới-thiệu với quí-nhân để đêm thanh trò truyện làm vui. Quan đừng có chối đấy! La chưa kịp đáp lại, thì người khách đàn bà mới vào lúc trước đã vén màn bước ra. La nhìn coi thì người độ đôi tư đôi nhăm, má đào mắt hạnh, trong ngọc trắng ngà, ăn mặc ra lối con nhà giầu sang. Tuy là một cô « giăng-há » song coi vẻ sượng-sùng e-lệ lắm Bước ra đến gần, sẽ cất tiếng « chào quan » rồi vội vàng ngồi xuống bên giường, cúi đầu lấy tay vuốt tà-áo. Chàng ngồi bên tỉ-tê hỏi truyện. Nàng tự nói họ Văn mà tên là Tố-Khiêm. Khi nói rất ra vẻ thẹn-thùng. Chàng mỉm cười mà rằng:

— Văn-Tố-Khiêm! Cái tên nghe xinh gớm! Làm chi mà e-ấp thế? Đến chỗ trăng hoa này, có phải là nơi phòng khuê cửa các, suốt ngày không thấy mặt người lạ được đâu! Từ-nương đỡ lời mà rằng:

— Quan dậy phải đấy! Trong làng phong nguyệt, cô ta chưa phải người thạo. Đi thầm về trộm, mới hơn một tháng đó thôi. Chàng nghe nói, nhìn kỹ vào mặt nàng thì tuy rằng đẹp song không phải là Quan-Đoàn. Thế mà chẳng rõ sao lại có quan-hệ với cái án mình định rò, trong lòng lấy làm ngờ vực lắm. Từ-nương trông mặt nàng đã biết ý, liền sẽ bấm chàng ra ngoài « ban-công », thong dong nói lại với chàng rằng:

— Từ khi nhận lời quan, ngày đêm xuôi ngược, Giác-Chi đã tìm không thấy mà Quan-Đoàn cũng chưa dễ rò được tiêu hao. Trong lòng áy náy quá, không biết làm ăn ra thế nào, thì trong lúc bất ngờ, vớ ngay được chị-chàng ở trong đó. Chị ta là vợ thứ tư của Úy-Nùng đấy: ông lại không nhận ra hay sao? La-Lăng bồi hồi mà nói — Thật vậy ư? Lúc tôi giả làm phu xe cũng có trông thấy, song sớm đi tối về, không lưu ý đến lắm, vả chăng bấy giờ trông thấy mặt hắn bảnh khảnh, chứ không được đề đạm như thế. Hay là mụ lại bị ai lừa dối, trông gà hóa cuốc; dò việc kia chẳng được lại bầy ra kế mỹ-nhân để dử tôi đó chăng? Từ-nương bật cười mà rằng:

— Quan biết đâu đấy! Lúc ông giả làm phu xe, chẳng qua một vài tuần lễ Người ta lúc gầy lúc béo, cũng là sự thường. Khi quan ở đấy, Úy-Nùng đương yêu chị này. Về sau bỗng rẻ rúng chị này mà mê một con nhân-tình. Chẳng bao lâu con nhân-tình ấy lại đi với người khác, vì thế mà Úy-Nùng uất ức đến nỗi phát điên. Công-ty kia thấy vậy, không dùng chàng ta làm quản-lý nữa. Ngày thường tuy dành dụm được ít nhiều, song mời thày chạy thuốc, nào được là mấy Các vợ cả, vợ hai Úy-Nùng ở nhà quê thấy vậy, đều đổ lỗi cho chị này cả, cùng kéo nhau sang Hương-cảng, chiếm lấy nhà, cướp lấy tiền nong đồ-đạc, vì thế mà chị này thành ra bơ vơ điêu đứng, mới phải xoay ra nghề kiếm ăn này! Chàng thở dài mà rằng:

— Thế sao mà mụ lại rủ được? Từ-nương cười xằng-xặc mà rằng:

— Tôi vẫn cười quan chỉ biết có việc dò phá các án để lấy tiền thưởng thôi, chứ những cái mưu kế quỉ quyệt của bọn chúng tôi thì quan chưa rễ mà biết được. Chúng tôi không phải nói khoe, song cái nghề kiếm ăn này, nếu được quí-khách chiếu cố đến, đừng có không tưởng ăn thịt ngỗng trời thì chớ, chứ nếu đã chỉ tên muốn dùng đến, thì chúng tôi dám đoan rằng có thể coi thường cả được những chỗ tường-cao, cổng-kín; từ các mợ-trẻ cho chí các cô con-gái những nhà quyền quí, chúng tôi đều có thể quyến anh rủ yến để hiến cho các bạn yêu hoa! Chị ta đương lúc bơ vơ điêu đứng, tôi liền nhờ một con vú cũ giới thiệu, đi lại làm thân. Khi thăm hỏi lúc đau lúc yếu, khi giúp đỡ đồng tiền đồng nong. Chị ta cũng cám ơn tôi, thường gọi tôi là thím Hai, và thường đi lại chỗ tôi ở. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Con người ta lúc hư thì nào có khó gì đâu. Chàng thở dài mà rằng:

— Cái mưu của mụ thì khéo thật, song quyến dũ vợ con người ta như thế, không sợ tội trời hay sao? Từ-Nương nói:

— Làm cái nghề này, còn có nghĩ đâu được đến tội trời? Thế nhưng ông phải biết, những kẻ có vợ, có con như thế, chắc là xưa kia cũng đã làm hại biết bao nhiêu vợ con người khác. Đạo trời báo-phục cả đấy, chẳng qua muợn vào tay chúng tôi đó thôi! Chàng nói:

— Vậy chứ đêm thứ nhất là vào tay anh nào? Từ-nương nói:

— Lại chính là vào tay Doãn-Giác-Chi, bạn nối khố của Úy-Nùng từ trước. Chàng ngạc-nhiên mà rằng:

— Thế sao mụ bảo từ khi mụ nhận lời tôi đến nay, không gặp Giác-Chi lần nào cả? Từ-nương nói:

— Thế nhưng lần đầu có phải tự tôi đâu, cái đó là chị ta nói chuyện với tôi. Nguyên sau khi Úy nùng phát điên, chị ta không biết nương tựa vào đâu. Giác-Ghi liền thả tiền ra để lừa chị ta vào tròng, Ông tính: « Trong tay đã sẵn đồng tiền. Dù lòng đổi trắng thay đen khó gì! » Bạn-hữu đời nay, thiếu chi những hạng người như thế!.. Song được ít lâu thì Giác-chi bị bắt, từ đấy đến nay. không hề thấy mặt. Chị này mới phải nương tựa vào tôi. Từ-nương nói đến đấy thì đồng-hồ vừa điểm chín tiếng, phía trong có người lanh lảnh nói: Xin về! Nguyên khi hai người nói chuyện ở ngoài, thì mợ-Tư (tức là người vợ Úy-nùng) ở trong đánh bài với các chị em bạn, Bấy giờ tan cuộc, nàng liền đứng rạy xin về. Từ-nương vội vàng chạy vào ngăn lại. Chàng cũng đổi cái bộ mặt trinh-thám ra bộ mặt làng chơi. Từ-nương hiểu ý lánh đi, chàng liền nằm khểnh vào giường, cầm tay nàng tỷ tê hỏi chuyện. Nghe chừng chuyện đã bắt mồi, chàng liền hỏi:

— Tôi trông em cử chỉ đứng đắn, không ra dáng những phường vật vờ trăng-gió, mà sao cũng dấn thân vào những chỗ này? Tình cờ gặp gỡ, chuyến đò nên quen, chi bằng hãy ôn lại truyện xưa, hoặc giả có mối khổ-tâm gì, ta sẽ liệu cùng nhau bàn tính. Nàng vốn là hạng mới ra đời, lịch duyệt chưa mấy, thấy chàng mặt mũi khôi ngô, ăn nói phong-nhã, thì mười phần đã tin đến bẩy tám, liền thỏ thẻ mà rằng:

— Như chúng em chẳng may phải nhỡ bước thế này, có đâu dám đem thân thế mà nói cho ai biết. Dù có nói chăng nữa, người ta cũng cho là đồ mặt giầy vô sỉ, quen ít nói nhiều mà thôi. Tuy nhiên, em coi ông không phải là kẻ không biết trọng người thương người, vậy đã hỏi thì em cũng không dám giấu. Nói đến đấy hai mắt hoe đỏ, thở dài một tiếng, sẽ rút mùi-soa lau rồi lại tiếp rằng:

— Ông bảo em không phải phường vật-vờ trăng gió: Điều ấy thực quả có như lời. Ba, bốn tháng trước đây, em dù chẳng được như ai đóng ngôi mạnh-phụ lên mặt bà-lớn song cũng gấm rủ là phong, quát thày mắng tớ, chứ có đâu đến nỗi dầy gió dạn sương, ong chường bướm chán, làm cái nghề đê-mạt như bây giờ. Nói đến đấy, nức-nở không sao thành tiếng. Chàng vội vàng khuyên dỗ mà nói:

— Em đừng quá tự thương như vậy. Người ta có lúc bĩ cũng có lúc thái. Biết đâu sau này em chẳng có ngày được hơn chị hơn em. Em đã biết được cái nghề này là nghề chẳng ra gì, thế là tôi đã đủ trọng em rồi Coi em oan khổ lưu ly, chẳng hay vì cớ gì mà đến nỗi thế? Nàng ngậm sầu gạt lệ, đưa cặp mắt thùy mị nhìn chàng. Chàng biết ý, đưa cái điếu lại cho nàng, rồi châm lửa cho nàng hút. Nàng lúc ấy đã coi chàng là một người bạn tri-kỷ, đem hết cả thân-thế từ ngày tấm-bé mà kể lại, nào lúc đi ở, nào lúc làm lẽ, nào lúc được chồng yêu chồng quí, nào lúc gặp Quan-Đoàn cùng quen biết Doãn-Giác-Chi. Sau hết lại nói sự mình đi đêm về tối là cốt mong được ít nhiều tiền để giúp cho Úy-Nùng uống thuốc. La nghe câu ấy, đương khen nàng là kẻ đa-tình, thì đồng-hồ treo trên tường đã điểm mười một tiếng Bỗng nghe có tiếng giầy lát-xát, Từ-nương tự phía sau bước ra nói rằng:

— Đêm hôm rét mướt, em đã sai làm rượu để hai ông bà uống chơi đỡ lạnh, xin ông, bà chiếu-cố cho. La mỉm cười mà rằng:

— Bác lại bầy vẽ tốn tiền! Thế nhưng « chủ không ăn khách cũng không ăn », bác phải ngồi tiếp chúng tôi mới được. Nói đến đấy, chợt trông lên đồng-hồ thì giật mình mà nói:

— Trời đã muộn, tôi cần có việc phải về trọ, cho ăn thì cho ăn đi thôi. Từ-nương vâng lời, bảo người vú bưng rượu lên. Ba người cùng ngồi chén tạc chén thù. Dở say, chàng lại nhắc đến truyện con « Hồ-tinh-mặt-ngọc ». Mợ Tư ra chừng tức tối lắm. Chàng liền nói khích:

— Em tức nó, nhưng nó đã « cánh hồng bay bổng » rồi, còn biết làm thế nào? Mợ-Tư vội đáp:

— Bay thì bay, có khó gì mà chẳng lừa đựợc nó vào bẫy. Chỉ bực cho em thân phận liễu bồ, túi không sẵn một đồng tiền, tay không sẵn một tấc sắt, cả ngày chỉ luẩn quẩn lo ăn, lo mặc, lo đói rét, còn làm thế nào mà qua sông vượt bể, để tìm cho thấy mặt cừu-nhân! Chàng khảng khái mà rằng:

— « Anh-hùng tiếng đã gọi rằng, giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha ». Huống chi cùng em chẳng trăm năm cũng một ngày, thù chung dễ làm ngơ sao được! Em bảo làm thế nào mà lừa được nó vào bẫy, cứ nói tôi nghe! Mợ Tư thở dài mà rằng:

— Từ khi em gặp nạn đến giờ, còn làm thế nào mà dò được tung-tích nó! Chỗ đó ông cũng lượng biết cho cái khổ tâm của em. Nguyên em có một con nhài đã đi lấy chồng, thân với con « Hồ-Tinh » ấy lắm. Em chợt nghĩ ra, liền gọi nó đến bảo nó rò hộ tung-tích. Sau khi chồng em vào nhà-thương-điên rồi, nó bỗng đến nói với em rằng: Ngày hôm ấy hôm nọ, con ấy đã sang bên tỉnh, trọ ở phố Tây-quan, ở cái nhà bên ngoài có cái biển đề ba chữ « Mộng-thảo-đường ». Được mấy hôm thì đẻ con, đốt pháo ăn mừng, nhà cửa vui vẻ lắm. Em liền vào nói cho chồng em biết, và nói rằng con ấy nó hẹn đẻ rồi mấy bữa cứng-cát, sẽ vào để thăm. Câu đó tuy là câu ghi lừa trẻ con cũng không xong, nhưng em tưởng đối với một người phát điên về tương-tư thì may ra cũng đỡ được nhiều ít. La nghe nàng nói câu nào cũng đúng với lời Úy-Nùng và lời mụ Hai-Trương đã kể, bụng mười phần đã chắc đến chín, liền giả say giả tỉnh mà rằng:

— Anh trông em, anh thực lấy làm tiếc, anh thực lấy làm thương! Anh không nỡ thấy em phải long đong bèo nổi mây chìm thề thế nào cũng cứu em ra thoát khỏi vòng đầy đọa. Thế nhưng chẳng hay em có cho phép anh điều đó hay không? Mợ-Tư cảm-khích mà rằng:

— Em chỉ lo nhà em không có phúc thôi! Sao lại có lẽ không cho được. Chàng mỉm cười mà nói:

— Thế nhưng em lấy gì mà đền bù lại cho tôi chỗ ấy?.. Nàng thở-dài mà nói:

— Một đóa hoa tàn, vườn xuân vắng chủ, nếu được ông có lòng đùm bọc, thì thân em tức là của ông cả, chứ trừ một thân em ra còn có chi mà mong ân trả nghĩa đền. Chàng nói:

— Không! Thế thì em chưa hiểu ý anh. Hãy uống cạn với anh một chén này, rồi anh sẽ nói, Nàng đỡ lấy chén rượu, một hơi uống hết. Chàng vỗ vai nàng mà nói:

— Ngoan thật! Ngoan thật! Chẳng nói giấu gì em cả, thế nào thì anh cũng cứu em, Từ nay em đừng tiếp ai hết. Tiền nhà, tiền chi-dụng, cứ lấy cả ở anh. Anh coi em như người vợ yêu, quyết không bao giờ nỡ giữa đường đứt gánh. Thế nhưng em phải nghe anh một việc. Anh nói cho em biết, anh chính là một tay trinh-thám, Lý-Hoa nó thuê anh phá cái án này, anh hết sức dò la trong bấy lâu nay, mấy lần đã xuýt nguý về tay chúng. ý anh nghi chỉ có ba người, một là Úy-nùng, hai là Giác-chi, ba là Thiếu-my. Nay nghe lời em nói thì ra Úy-nùng với Giác-chi đều là tùng-phạm mà thôi, còn thủ-phạm, ai ai cũng đổ diệt cho Thiếu-my, mà có lẽ cũng thật. Nàng là người thông-minh, nghe chuyện đã biết chàng tất là người có giây giướng với cái án kia, nên khi ấy không ra ý kinh-ngạc chi hết, chỉ cười nhạt mà rằng:

— Ông nghi ba người ấy cũng phải, mà nhất là nghi đến Thiếu-my thì lại phải lắm. Thế nhưng biết đâu việc thiên-hạ còn có chỗ ta xét không ra!.. Chàng giật mình mà rằng:

— Em nói chi vậy? Nàng nói:

— Cái lịch-sử nửa trên của nó, ông rò ra như thế đã đúng lắm, còn nửa dưới, cứ như em biết thì có lẽ còn có chỗ ông chưa xét đến chăng? Cái đứa đem nó sang tỉnh đó, chưa chắc đã là Thiếu my, mà có lẽ lại chính là đứa đầy tớ Thiếu-my, vì đứa con đẻ ra đó, tôi chắc là con đứa đầy-tớ ấy... Cứ lời con-hầu tôi nói thì là Thiếu-my đấy, nhưng tôi vẫn không tin. Chẳng những thế mà thôi ngoài đứa đầy-tớ ấy ra, còn có một tay nữa là sư-cụ Dã-Bằng-Sa ở chùa Hoa-lâm, có lẽ ông cũng không biết đến.... Chàng nghe nói, ngẩn cả người ra. Hai mắt trừng-trừng nhìn miệng nàng, chờ câu nói tiếp. Nàng nói:

— Nguyên con ấy khi còn học ở tỉnh, có quen với anh sư hổ-mang đó. Bấy giờ nó mới mười sáu, còn làm tiểu, pháp danh là Vô-tướng, tu ở chùa Hoa-lâm. các sư chùa Hoa-lâm thường ra vào các chỗ đại-gia. Vô-tướng giỏi trai, các bà, các cô, ai cũng thích. Con này mê thằng cha ấy lắm, đến nỗi khi bỏ học về Tăng-giang rồi, còn viết thư hẹn hò nhau ở chùa Chính-Quả là chùa có người anh Vô-Tướng tu ở đấy. Đi lại nhiều lần, người ngoài có kẻ tò mò biết chuyện, con này sợ vỡ việc. bấy giờ mới tuyệt đường nhân-nghĩa, đi lấy Lý-Hoa.

Imprimerie thực-nghiệp Mai-du-Lân Succ.
83, Rue du Chanvre, hanoi
1928



Nguyễn-Văn-Cư, 46, Hàng Tre, Hanoi
Xuất-bản