Bước tới nội dung

Bả phồn hoa/7

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bả phồn hoa của không rõ, do Nhượng Tống dịch
Chương thứ bẩy

CHƯƠNG THỨ BẨY

Dò bí mật, khách trinh thám dùng mưu,
Thả suồng sã, gái giang-hồ giả cách.

Một hôm ngoài cửa tòa-nhà Lý-Hoa ở cũ thấy có gián mảnh giấy chiêu đề rằng: « Tầng gác thứ tư cho thuê bằng lòng xin hỏi nhà ở tầng thứ ba ». Chợt có một người trẻ tuổi ăn mặc tây giắt một người đàn bà đi qua, xem giấy xong liền vào xem nhà, mặc cả giá. Hôm sau đã dọn lại ở, một chồng, một vợ, hai con hầu gái, bầy biện ăn ở trông cũng ra vẻ phong-lưu. Chẳng bao lâu đã làm thân với vợ chồng Úy-nùng, người hai nhà thường khi vẫn đi lại

Một hôm canh khuya, Úy-nùng đi làm về, ra dáng hoảng. hốt nói với Mợ Tư rằng:

— Quái lạ! Mấy hôm nay tôi đi đâu cũng hình như có người theo rõi, cho đến đi chơi mát, vào nhà xí cũng vậy, thì không biết là cớ làm sao? Mợ-Tư nửa tin nửa ngờ mà rằng:

— Cậu lại thần-hồn nát thần-tính đấy thôi. Làm gì chuyện đó. Chàng thề rằng không nói dối, và bảo vợ ra vào cũng nên cẩn-thận. Sáng sớm hôm sau, vợ chồng chàng đương ngủ, chợt nghe tiếng người nhà nhớn nhá, giật mình tỉnh rậy thì chúng nói là có một chuồng cửa kính hôm qua đã đóng mà hôm nay thấy mất cả then chốt, chỉ còn khép hờ. May đồ-đạc trong nhà không mất gì cả. Chàng ngồi nhỏm rậy, bỗng kêu rú lên rằng:

— Hỏng! Hỏng cả rồi! Mợ-Tư dụi mắt nhìn, thì thấy giấy chữ lục tung ra đầy đất. Xem đến các hòm dương, thì cái nào cũng mất khóa. Giật mình mở ra coi, thì đồ tế nhuyễn của riêng tây, đều bị lục lộn cả lên song không mất chi cả. Vợ chồng đều sợ mướt bồ hôi trán, nhìn lại đám giấy, thì thấy phàm những thư-từ đi lại với phụ-nữ, đều xếp riêng ra một bên. Hai người nghĩ mãi, không hiểu ra cớ làm sao, vội vàng đi báo sở cảnh-sát. Sở cảnh-sát đến khám, song nghĩ sự không có chứng cớ gì, cũng không biết lối nào mà xét. Còn Úy-nùng thì đi thuê thêm một tên đầy-tớ trai coi nhà, và hai tay du-côn để thường khi đi hộ-vệ. Từ đấy người trong nhà thường sậm-sột không yên. Nhà Úy-nùng vốn có xe nhà. Một hôm tên phu-xe đi đêm, bỗng bị người đánh một cái phạt ngang chân rồi chạy mất. Vết thương nặng lắm, phải xin phép chủ nghỉ mười ngày mà tìm người làm thay. Chàng bằng lòng, bảo đưa người ấy đến. Khi đến, trông thấy người ấy má lõm lưng gù, trạc đến ngót 50 tuổi, thì lại có ý không bằng lòng. Tên phu-xe biết ý, cười mà rằng:

— Ông có ý chê hắn già sao? Tuổi hắn già nhưng sức hắn còn khỏe lắm. Chàng không tin, nhân góc tường có một bộ giây xúc-xích bằng sắt, nặng đến hơn trăm cân, của một người chủ tầu để nhờ, chàng liền bảo ông lão rằng:

— Bác thử nâng cái kia lên ta xem. Ông lão hai tay nâng bỗng lên, coi nhẹ như không, theo bậc thang, chạy tuột ra đường phố. Úy-nùng cũng theo xuống, cười mà bảo:

— Bác khỏe thật! Thế nhưng có thể giăng thẳng được ra không? Ông lão cũng cười mà rằng:

— Ông tuổi trẻ, còn thích đùa. Đến như tôi thì tuổi già nhưng cũng tính trẻ con. Để tôi làm trò cười ông coi thử. Nói xong, ném đám giây sắt xuống đất, chống nẹ hai tay, đứng chân chữ bát, rồi đó lấy chân đá đám giây sắt, tung cao lên qua đầu, lại đưa một tay đỡ lấy đầu giây, xoay tròn như cái tán. Người đi đường thấy lạ, đứng xúm cả lại xem. Chàng đứng ngẩn ra nhìn, bảo thôi thu giây về. Ông lão mới dừng tay, lại khoác giây vừa cười vừa bước lên gác, nét mặt không đổi sắc. Chàng khen ngợi mà rằng:

— Coi bác chẳng những khỏe, lại ra dáng biết võ nữa. Được bác ở, còn lo gì trộm cướp, vậy bác nên thu xếp đến ngay. Ông lão vâng lời. Từ hôm sau trở đi, đến ở với Úy-nùng, ngoan ngoãn được lòng chủ nhà lắm.

Cơn mưa mới tạnh, trăng sáng đầy trời. Trên đường phố, kẻ đi người lại như nêm. Trước một hiệu Tây buôn kia, có một chàng trẻ tuổi nhẩy lên một chiếc xe nhà, dỗ can xuống sân xe. dục tên phu xe chạy. Xe đi hết phố nọ sang phố kia, qua một đám đất rộng bỏ không, rồi lại đến một rẫy phố nhà cửa hơi thấp. Phố ấy tức là một phố bên bờ sông Hương-giang. Đến nơi, người trên xe chỉ xe kéo vào một cái ngõ ngang, đỗ xe xuống trước một cái nhà bốn từng, vẫy tay ra hiệu cho tên phu-xe biết là cứ việc về chứ không phải đợi Tên phu-xe kéo xe về rồi, lại đến chỗ đậu xe trước, trèo lên một cây-lớn mọc ở giáp cửa, lần sang cái cành lớn, kề gần khuôn cửa chớp từng gác thứ tư, sẽ lắng tai nghe. Một lúc lại nhẩy lên nóc nhà, quặc chân vào mái hiên, để lộn đầu xuống mà ròm vào trong nhà, thì thấy có một người con gái ngồi một mình quay mặt vào gương, hình như đang lúc tô-son điểm-phấn. Một lúc, một con hầu vào thưa nhỏ, người con gái vén mành đi sang phòng bên. Thì ra chỗ đó là phòng khách mà phòng bên là phòng nằm. Tên phu xe vội vàng trụt xuống, hổn-hển thở. Một lúc, nghe có tiếng trai gái cười nói. Lại rún mình trèo lên, vắt chân nhòm như trước. Thì thấy một đôi trai gái cùng nhau đang vai kề gối tựa, nằm lả ra chiếc ghế dựa. Ghế thấp nhìn không rõ. Một lúc cùng ngồi rậy, quần-áo động sột sạt, thế nhưng người con trai hình như mệt quá, lại nằm vật xuống, còn người con gái thì ngồi quay lưng lại, không biết làm trò gì. Người phu-xe nhìn mãi cũng không rõ mặt, liền nhẩy xuống ngồi thu-hình ở trên cành cây Mãi đến canh khuya, biết người trong nhà đã ngủ rồi, mới trèo lên cậy cánh-cửa-chớp Cửa mở, chàng liền rón bước nhẩy vào. Dưới bóng đèn điện còn sáng, lục soát hết cả các giấy má để trong ngăn kéo và hộp thư. Mãi sau mới nhặt được một chiếc phong-bì, nét chữ đề ngoài giống nét chữ con gái, lại có mấy chữ: « Đại bích-trai thủ-giam », thì hơi có bụng mừng. Song mở ra coi, thấy không có gì ở trong, thì lại ra chiều thất vọng, liền lại bỏ chiếc phong bì ấy vào túi rồi cất lẻn vào trong buồng ngủ. Vào đến nơi, trông thấ bàn ghế đồ đạc đều mới sắm cả. Chàng đánh bạo vừa đưa tay vén màn thì người trong màn thấy giở mình hình như chợt tỉnh. Chàng giật mình, nấp xuống xó tối. Một lúc sau thấy yên mới lại trở rậy vén màn lên coi, thì thấy Úy-nùng nằm kề vào bên má một cô con gái. Từ cổ trở xuống, chăn gấm phủ. kín. nhìn không rõ. Người phu-xe nhìn một lúc rồi móc túi lấy một bộ máy-ảnh nhỏ nhằm vào mặt người con gái mà bấm. Bấm xong lại đút vào túi rồi lẻn cửa tìm ra...

Chép đến đây, xin nói rõ đầu đuôi câu chuyện để độc giả rõ. Nguyên Tâm-vân nhận tiền của Lý-Hoa, nói thác là xin về quê, song thực thì đi tìm một tay trinh-thám giỏi. Người ấy tên là La-Lăng, nguyên trước làm giặc, bị chính-phủ tróc nã mới trốn ra xin làm trinh-thám ở Hương cảng, tuy làm việc công song cũng nhận thám giùm các việc tư. Khi chàng đã nhận lời của Tâm-vân rồi, liền tìm cách ra tay; người thuê tầng gác thứ tư để lục nhà Úy nùng, người xin làm phu xe, để đêm đến chụp-ảnh trộm người con gái ở phố Bờ-Sông, đều là một mình chàng thay hình đổi dạng ra cả. Công-việc ấy, chàng làm mất hai tuần-lễ. Khi đã chụp trộm ảnh rồi, liền bảo Tâm-vân đưa mình đến giáp mặt Lý-Hoa. Gặp nhau kể hết đầu đuôi, Lý-Hoa cảm-khích muôn phần, hấp-tấp hỏi:

— Thế thì người ở phố Bờ-Sông đó, có đích là nó không? La-Lăng vừa gật đầu vừa móc tay vào bọc, lấy cái kính ảnh chưa kịp rửa đưa cho Lý-Hoa. Lý-Hoa mừng quá giơ tay ra đỡ. Bất-thình-lình tay nọ chạm tay kia mạnh quá, « choang » một tiếng, tấm kính buột tay rơi xuống đất, cúi xuống nhặt thì đã vụn ra từng mảnh nhỏ rồi. Ba người đều tái mặt đi. La-Lăng hơi gắt mà rằng:

— Ông rõ làm hại! Phí bao nhiêu là tâm huyết của tôi. Ông không đưa ảnh bà ấy cho tôi, tôi lại chưa biết mặt, bất-đắc-dĩ mới phải làm cách này. Bây giờ còn nói gì nữa. Tâm-vân nói:

— Ông có thể kể qua hình dọng người ấy cho ông bạn tôi nghe được không? La-Lăng mỉm cười mà rằng:

— Rõ thật dông tôi! Có, đêm qua tôi nhìn đã kỹ, thấy hắn mặt trái-xoan, má hơi lũng đồng tiền, trong lông mày có mụn đốt-ruồi đỏ. Ông bảo có đích không? Lý-Hoa nghiến răng mà rằng:

— Chính phải! Chính phải! Ông có thể đưa tôi đi để mắt tôi được trông thấy không? La-Lăng ngần-ngừ mà rằng:

— Cũng được, nhưng xin hãi thong thả đã. Nói xong liền đứng rậy từ biệt Mấy hôm sau, ba người đang giắt nhau đi đường nói chuyện, chợt nghe tiếng chuông xe-điện « leng-keng », La-Lăng nhanh mắt, vội nắm hai người lại rồi chỉ lên toa đầu. Lý-Hoa trông theo thì chính là Quan-đoàn. Ba người cùng muốn nhẩy lên theo, tiếc thay xe điện chạy đương nhanh, không vẫy lại được. Trong chớp mắt xe đã đi xa. Chàng còn mang máng nhớ người con trai ngồi bên cạnh là một chàng trẻ tuổi mặc tây. Tuy rèm mũ thấp quá, không trông rõ mặt, song chàng cũng đoán chắc là Úy-nùng, bàn với hai người báo cảnh-sát ập vào chiếc nhà ở phố Bờ-Sông để bắt. La-Lăng ngăn lại mà rằng:

— Việc thiên hạ, trăm phần chắc cũng có một phần lép. Biết đâu người con gái trong nhà ấy chả là một con dâm-phụ khác. Chưa có chứng cớ chắc chắn, nhỡ bắt nhầm thì lôi thôi to Theo luật, vô-cố đêm vào nhà người ta thì phản tọa phải chịu tội là kẻ-cướp Ông có gan chịu được tội ấy không? Ông cứ yên lòng, đáy bể còn mò được kim, huống chi trong thành-phố này, thế nào chả có ngày dò được nó....

La-Lăng dò mấy lần mà vẫn chưa biết đích con nhân tình của Úy-nùng là ai. Tìm cách hỏi Mợ-tư cũng không được tin tức gì Kỳ thực thì phàm kẻ có nhân-tình, có đời nào lại nói cho vợ biết... Một hôm vào tám giờ tối, có một chiếc xe-nhà đi qua đường xe điện, khi đến một hàng cao-lâu kia, người ngồi xe là một chàng trẻ tuổi, môi son, má phấn, đeo kính gọng vàng, xuống xe hấp tấp bước vào. Bên ngoài, tên phu kéo xe bảo tên phu đẩy xe ngồi chờ, rồi lững thững đi mầt. Một lúc trở lại thì đã hóa ra một tay công-tử ăn mặc rất choáng, đi qua mà tên phu đẩy xe không nhận ra được. Thong dong bước đến một nhà ả-đào. Vừa bước vào thì đã nghe tiếng mụ chủ mời chào đon đả. Chàng đi thẳng qua hai tầng gác thì đã thấy một cô con-gái ăn mặc sơ-sài đứng đón. Gặp nhau chào bằng mắt chứ không nói một tiếng gì. Chợt có một con đầy tớ-gái chạy ra, đưa hai người vào một gian phòng. Vừa ngồi xong, chàng đã gọi đem bàn-đèn lên. Dầu đã rót, bấc đã khêu, tiếng xe tẩu đã sè-sè, chuyện hai người cũng dần dần nở như thuốc phiện phải lửa. Chàng bỗng đặt xe xuống mà hỏi:

— Ở đây có chị Tiểu-Liễu, nghe nói hát khá lắm, mình có thể mời được không? Người con gái nũng-nịu mà rằng:

— Mời làm gì nó? Chàng nói:

— Không phải tôi mà là một người bạn tôi nhắn tôi hộ với chị ấy một câu truyện. Người ả-đào không đáp, hứa cho tiền mới đứng rậy đi. Một lúc sau, hai người cùng đến. Chàng ngồi nhỏm rậy, mời Tiểu-Liễu ngồi mà rằng:

— Tôi là La-Lăng, làm nghề trinh-thám ở đây, chắc chị đã rõ. Hiện có cái án mất vợ, người ta nhờ tôi rò hộ. Tôi xét mãi thì chính kẻ quyến-rũ giấu-diếm vợ người đó, lại là bạn-thân của chị, chị có biết không? Tiểu Liễu giật nẩy mình, vội hỏi rằng:

— Bạn thân của tôi là ai? Hoặc giả ông nhận nhầm, chưa chắc đã đúng. La-Lăng mỉm cười, thuật lại chuyện dò xét Úy-nùng cho nghe và nói:

Phàm đàn ông, dẫu năm thiếp bẩy thê, chung tình cũng chỉ có một người. Con nhân tình kia, chính là một tay thù địch với chị; cứ ý tôi thì chị nên dò ra câu chuyện mà phá cuộc xum vầy của họ, thế thì may cho chị mà cũng là phúc cho Úy-nùng Điều đó chị phải dò dử hỏi dần, đừng có nói đả động gì đến tôi. Nếu được việc thì về phần tôi, tôi cũng xin hậu tạ Chị nghĩ thế nào? Tiểu-liễu nghe lời ngồi lặng, mặt xanh xám, con mắt lờ đờ, hồi lâu mới nhận lời và xin La-Lăng chỉ cho cách làm thế nào mà hỏi dò được. La-Lăng nói:

— Hôm nay hắn đi ăn tiệc, chắc chị cũng biết, tan tiệc tất nhiên lại đây với chị. Nhân lúc rượu say mà hỏi lấy tên, lấy họ con ấy, thế là đủ. Mục đích tôi chỉ muốn bắt con ấy về, chứ không có ý chi làm hại hắn. Chị đừng lo. Tiểu-liễu bằng lòng, hẹn đến mai trả lời. La-Lăng cũng đứng rậy ra về. Người ả-đào kia cố giữ lại nhưng chàng cũng không ở.