Bước tới nội dung

Bả phồn hoa/8

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bả phồn hoa của không rõ, do Nhượng Tống dịch
Hồi thứ tám

HỒI THỨ TÁM

Giả khách buôn La-Lăng lập mưu
Thấy khác ý Quan-đoàn lẩn mặt

Hôm sau, non trưa, La-Lăng lại đến thăm Tiểu-liễu vừa mới rậy, tay đương cầm bàn chải răng đánh răng, trông thấy chàng, vừa đánh răng vừa hỏi rằng:

— Ông lại từ bao giờ thế? Chàng đáp:

— Vừa mới lại, vừa nói vừa nhìn vào trong màn, thấy chăn gối còn ngổn ngang bừa bãi, liền mỉm cười mà rằng:

— Sau cơn đại chiến, chiến-trường trông vẫn y nguyên, coi ngứa thịt tệ! Thế nào? Trận đêm qua đã đắc-thắng chưa? Tiểu-liễu lúc ấy, rửa mặt đã xong, ngồi lại gần, lấy tay beo tai chàng, rồi cười mà rằng:

— Tôi cũng đến chết với ông! Ông trinh thám giỏi quá! Hôm qua tôi đã tìm hết cách để căn vặn, song cái con ở Bờ-sông không phải là con ông nói đâu. Hắn đã thề với tôi, tôi không tin hắn đập phá lung tung xuýt nữa đến quyết liệt. May tôi khéo lắm mới làm cho hắn khỏi giận. Kỳ thực thì trong chỗ đô-hội này biết bao nhiêu con gái tự-do. Bỏ chồng theo trai, có cứ gì con « hồ tinh mặt ngọc ». Ông tưởng nhầm đấỵ thôi. Chàng cúi đầu lẳng lặng, một lúc mới đáp rằng:

— Chị lịch duyệt chưa mấy, đã biết đâu được thói đời, thiên hạ vốn có những kẻ đại-gian-ác, mặt sứa gan lim, dẫu nói vỡ được chuyện kín của nó ra rồi, song nó vẫn nỏ miệng cãi té cãi tát. Trinh thám vào những hạng ấy có phải dễ đâu. Tiểu-liễu sợ hãi mà rằng:

— Hoặc giả ông nói cũng phải, thế nhưng tôi chỉ giúp được ông đến thế thôi. Nếu ông không tin thì lại thử dò lại... Chàng gật đầu, đứng rậy đi ra. Đến một nơi, hỏi nhờ giây nói, gọi Lý-Hoa, hẹn cùng rủ Tâm-vân lại chỗ chàng ở. Khi ba người đã gặp nhau, chàng bảo đầy tớ lui ra rồi đem việc trinh thám trong mấy hôm thuật lại cho Lý-oa rõ. Nhân sực nhớ đến cái phong-bì đêm trước tìm được ở gian gác phố Bờ-sông, liền đưa cho Lý-Hoa xem. Lý-Hoa cầm lấy ngắm nghía rồi nói rằng:

— Nét chữ giống lắm, song nếu ở với nhau thì làm gì mà phải gửi thư Việc đó sợ chưa chắc. Chàng nín lặng, một lúc mới nói:

— Hết cuộc này bầy cuộc khác, tôi thử dò thằng Doãn-Giác-chi xem sao? Lý-Hoa giật nẩy mình mà rằng:

— Ông nghi cả đến hắn sao! Tôi tưởng hắn với con vợ tôi thì chả có gì là dính dáng cả? Chàng lắc đầu mà rằng:

— Thế thì ông không biết! Úy-nùng mời được bà ấy nhà ông dậy học, là có Giác-chi đứng giới thiệu. Nó lấy sự đó mà mua ơn mua huệ với bà ấy nhà ông, thường thường đi lại, đi lại nhiều tự khắc sinh ra nhiều trò quỉ quái, người ngoài nói đã đầy ra đấy, ông không nghe tiếng hay sao? Lý sửng-sốt mà rằng:

— Giác-chi tuổi đã ngoại bốn mươi, đa mang điếu thuốc điếu xái, trông không còn ra hồn người. Một mình năm sáu vợ, tưởng cũng khó mà nhìn-nhõ được hết huống chi còn chim vợ người khác. Nhà tôi tiếng vậy chứ vẫn còn khách khí, những đứa trẻ tuổi đẹp trai thì bảo nó mê cũng còn có lẽ, chứ lù khù già lão như Giác-chi thì chưa chắc nó đã chịu rẻ mình mà theo. La-Lăng cười lăn ra mà rằng:

— Ông rõ thật-thà quá! Đại phàm đàn bà, phần nhiều là lòng mây tính nước. Kìa những hạng đẹp như hoa, nghiêm như tuyết, hàng ngày ngồi cửa hàng hay đi qua phố, ta trông thấy ai cũng tưởng là đứng đắn lắm đấy, thế nhưng nếu gặp một anh nhà buôn to bụng, dù cho mặt bủng da chì, môi thâm mắt trắng, mà chịu thả ra ít đồng tiền bất nghĩa là các chị ấy cũng hạ mình để phỉnh phờ ngay. Ở hàng cá mắm, lâu cũng quen mui, ấy thế là đủ chết. Đời này những hạng như thế nhiều lắm chứ chẳng cứ gì một mình bà ấy nhà ông đâu. Lý-Hoa nghe nói, tái hẳn người đi. La-Lăng tìm lời yên ủi mà rằng:

— Thế nhưng tôi cũng đoán phỏng thế thôi, chưa chắc đã đích như thế. Nói xong, cáo từ lui ra.

Nay lại nói Giác-chi vốn là tay giao thiệp rộng, dù người lạ, chỉ gặp mặt trong một hai ngày la đã chơi với nhau thân chẳng khác gì anh em. Một hôm có một người tên là Trác-quý-Lập đến thăm, tự nói là buôn bán ở nước ngoài mới về. Giác-chi trông người ấy ra dáng thực thà lắm, lại chắc là một tay buôn bán to, nên tiếp đãi rất tử tế. Hai bên trò chuyện rất là tương đắc. Năng chào thì quen, năng liếc thì sắc, chẳng bao lâu hai người đã trở nên thân thiết, kết nghĩa với nhau làm anh em. Thường khi đi lại, vợ con Giác-chi đều gọi là chú Trác, và nhân thấy Trác chân-thật, thường trêu chơi để làm trò đùa, Giác-chi cũng giắt Trác đi chơi đủ mọi trò, từ cao lâu, tiệm thuốc, cho đến sòng bạc. Một hôm hai người nằm chơi ở một nhà chứa thổ-lậu. Dọc tẩu đặt ngang, ngọn đèn khêu sáng, Trác nhân hỏi tỷ-mỷ rằng:

— Anh xưa nay đi chơi nhiều như thế, có gặp người nào đáng là bậc tuyệt-sắc không? Giác-chi lúc ấy đương tiêm giở điếu thuốc, cố tiêm xong, kéo một hơi hết khói đã, rồi đó mới hạ dọc tẩu xuống mà rằng:

— Tôi lang-tạ đã nhiều, cứ những hạng đàn bà tôi chơi, kẻ xấu người đẹp, kẻ béo người gầy, kể ít ra cũng có hơn trăm, thế mà trong mắt chỉ thấy được có mỗi một con là đáng mặt hoa khôi hơn cả: chẳng những nhan sắc nó không ai bì kịp mà lại còn sẫn khiếu thông minh, có tài văn học, vì nó xuất thân là một con nữ-học-sinh. Trác nghe nói giật mình, song cũng cố làm ra dáng tự nhiên mà nói:

— Em tưởng chưa chắc! Yêu nhau thì thế nào chả là đẹp. Có lẽ anh mê nó nên trông ra thế, chứ nghe tiếng không bằng biết mặt, đến tận nơi thì cũng phường hương thừa hoa thải đó thôi! Giác-chi hơi tức, « hức » mũi mà rằng:

— Chú bấy lâu ở ngoài, đầu tắt mặt tối về việc làm ăn, còn có biết ai là người đẹp nữa mà nói. Trác đáp:

— Nếu anh muốn cho em tin thì tất phải cho em mắt trông thấy mới được. Em nghĩ như anh tuổi cao nghiện nặng, bất luận là người ấy không có, cho có nữa họ cũng chẳng vời đến anh! Giác-chi ha-hả cười, vùng đứng lên nắm tay Trác kéo rậy mà rằng:

— Chú khinh tôi quá! Để tôi cho chú xem, rồi thành bệnh tương tư mà chết mới được! Trác mừng lắm, vội vàng đi theo. Bấy giờ đêm đã quá mười giờ, người đi ngoài đường đã dần vắng, hai người lên xe ngồi, đi một lúc đến đường Hà-lý, xuống xe vào một tòa nhà cửa, nửa khép nửa mở. Người vú-già đưa khách lên gác, cửa gác có một người đàn bà đứng tuổi, mời chào đon đả. Giác-chi nghiễm-nhiên bước thẳng vào phòng đầu, rồi lấy tay vẫy người đàn bà ấy mà gọi:

— Cô-giáo! Vào đây tôi hỏi cái này Trác mỉm cười mà rằng:

— Cô-giáo mà làm nghề này, thật làm nhục cả cái tiếng cô-giáo. Giác-chi nói:

— Cô-giáo là cái tên quen gọi từ khi hắn còn chưa kiếm ăn về lối buôn người bán thịt. Bây giờ hắn nghe người ta gọi mà không biết thẹn, nghĩ cũng lại lùng. Nói chưa dứt thì « Cô-giáo » đã vào tới nơi. Giác-chi kéo ngồi xuống rồi ghé tai mà bảo rằng:

— Có thể gọi hộ được con Tư đến đây không?

Cô-giáo làm ra bộ khó khăn mà rằng:

— Mười một giờ đêm rồi! Sớm chả bảo, bây giờ làm thế nào được! Vả chăng nó vốn giữ giá, bây giờ lại sẵn chỗ nâng niu chiều chuộng, chưa chắc đã chịu đi... Tiếng nói nhỏ dần, những câu dưới Trác không nghe rõ nữa. Một lúc sau, Giác-chi cố ép Cô-giáo, ném cho một tờ bạc giấy, Cô-giáo mới mừng rỡ mà nói:

— Để tôi thử cho gọi, người khác chưa chắc, song ông thì may ra... Nói đến đấy, Giác-chi cau mặt lườm không cho nói nữa. Trác ngồi bên rất lấy làm lạ, không hiểu ra thế nào. Cô giáo ra rồi, hai người mới ngả bàn-tĩnh cùng nằm « chầu tổ ». Thiên-hạ trai gái mong nhau, trong lòng thường phấp phỏng như tên tù ngồi chờ tuyên án. Đối với câu chuyện người ngồi bên, thường hỏi một đàng, thỉnh một nẻo. Giác-chi bấy giờ cũng vậy, câu chuyện bàn-đèn đáng lẽ cũng phải nở như mồi thuốc phiện, thế mà chàng cứ nằm yên như chết, mắt nhắm mắt mở, tâm thần để những đâu đâu. Chợt nghe thấy ngoài cửa có tiếng xe đậu rồi bậc thang có tiếng chân người. Hai người cùng mừng rỡ chạy ra. Ai hay người con gái mới đến chưa bước vào vội, còn đứng ngoài nói chuyện với cô-giáo. Bên ngoài lúc ấy tối như bưng. Trác sốt ruột, vội vàng chạy sấn ra, móc chiếc đèn-điện bỏ túi bấm lên soi mặt người con gái. Người con gái thấy người lạ-mặt mà lại làm sỗ sàng như vậy thì hốt hoảng sợ, vội chạy xuống thang gác. Giác-chi thấy vậy, bước theo gọi lại, song người con gái đã xuống đến chân thang, lên xe đi thẳng rồi. Giác-chi tức lắm, lẩm bẩm trách Trác làm hỏng việc mình. Cùng nhau cụt hứng ra về, đi đường vẫn còn cắn quẩn nhau mãi. Chép đến đây, có một điều không cần phải giấu độc-giả nữa: Trác-quí-lập bạn thân với Giác-chi lúc ấy chính là La-Lăng đã thay hình đổi dạng ra để dò tung-tích Quan-đoàn.