Bộ luật Tố tụng hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1988/Phần thứ nhất/Chương III

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Điều 34. Bị can, bị cáo.[sửa]

1- Bị can là người đã bị khởi tố về hình sự.

Bị cáo là người đã bị Toà án quyết định đưa ra xét xử.

2- Bị can có quyền biết mình bị khởi tố về tội gì; đưa ra chứng cứ và những yêu cầu; đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này; tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.

Bị can được giao nhận bản sao quyết định khởi tố, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn; được giao nhận bản kết luận điều tra sau khi kết thúc điều tra, bản cáo trạng sau khi Viện kiểm sát quyết định truy tố; có quyền khiếu nại các quyết định của cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.

3- Bị cáo được giao nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; được tham gia phiên toà; được đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này; đưa ra chứng cứ và những yêu cầu; tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa; nói lời sau cùng trước khi nghị án; được kháng cáo bản án và quyết định của Toà án.

4- Bị can, bị cáo phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án; trong trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải.

Điều 35. Người bào chữa.[sửa]

1- Người bào chữa có thể là:

A) Luật sư;

B) Người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo;

C) Bào chữa viên nhân dân.

2- Những người sau đây không được bào chữa:

A) Người đã tiến hành tố tụng trọng vụ án đó hoặc là người thân thích của người này;

B) Người tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách là người làm chứng, người giám định hoặc người phiên dịch.

3- Một người bào chữ có thể bào chữa cho nhiều bị can, bị cáo trong cùng một vụ án, nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau. Nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một bị can, bị cáo.

4- Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án Toà án hoặc Hội đồng xét xử cấp giấy chứng nhận người bào chữa trong vụ án để họ thực hiện nhiệm vụ bào chữa.

Điều 36. Quyền và nghĩa vụ của người bào chữa.[sửa]

1- Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trong trường hợp cần phải giữ bí mật điều tra đối với tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.

2- Người bào chữa có quyền có mặt khi hỏi cung bị can và nếu điều tra viên đồng ý thì được hỏi bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác.

Người bào chữa có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này; đưa ra chứng cứ và những yêu cầu; gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam; được đọc hồ sơ vụ án và ghi chép những điều cần thiết sau khi kết thúc điều tra; có quyền tham gia xét hỏi và tranh luận tại phiên toà; khiếu nại các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, kháng cáo bản án và quyết định của Toà án nếu bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 37 Bộ luật này.

3- Người bào chữa có nghĩa vụ sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo; giúp bị can, bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Người bào chữa không được từ chối bào chữa cho bị can, bị cáo mà mình đã đảm nhận, nếu không có lý do chính đáng.

Người bào chữa không được tiết lộ bí mật mà mình biết được trong khi làm nhiệm vụ.

Điều 37. Lựa chọn và thay đổi người bào chữa.[sửa]

1- Người bào chữa do bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ lựa chọn.

2- Trong những trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư cử người bào chữa cho họ:

A) Bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật hình sự.

B) Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần.

Trong những trường hợp quy định tại điểm a và b, khoản 2 Điều này, bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.

Điều 38. Người bị tạm giữ.[sửa]

1- Người bị tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang và đối với họ đã có quyết định tạm giữ, nhưng chưa bị khởi tố.

2- Người bị tạm giữ có quyền được biết lý do mình bị tạm giữ; được giải thích quyền và nghĩa vụ; trình bày lời khai; đưa ra những yêu cầu; khiếu nại về việc tạm giữ và những quyết định khác có liên quan. Người bị tạm giữ có nghĩa vụ thực hiện các quy định về tạm giữ.

Điều 39. Người bị hại.[sửa]

1- Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, về tinh thần hoặc về tài sản do tội phạm gây ra.

2- Người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền đưa ra chứng cứ và những yêu cầu; được thông báo về kết quả điều tra; đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này; có quyền đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường; tham gia phiên toà; khiếu nại quyết định của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; kháng cáo bản án và quyết định của Toà án về phần bồi thường cũng như về hình phạt đối với bị cáo.

Trong trường hợp người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ có những quyền quy định tại Điều này.

3- Người bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; nếu từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng thì có thể phải chịu trách nhiệm theo Điều 242 Bộ luật hình sự.

4- Trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại quy định tại Điều 88 Bộ luật này thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội tại phiên toà.

Điều 40. Nguyên đơn dân sự.[sửa]

1- Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức bị thiệt hại về vật chất do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.

2- Nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền đưa ra chứng cứ và những yêu cầu; được thông báo về kết quả điều tra; đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này; có quyền đề nghị mức bồi thường, và các biện pháp bảo đảm bồi thường; tham gia phiên toà; khiếu nại quyết định của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; kháng cáo bản án và quyết định của Toà án về phần bồi thường thiệt hại.

Điều 41. Bị đơn dân sự.[sửa]

1- Bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm vật chất đối với thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

2- Bị đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại việc đòi bồi thường của nguyên đơn dân sự; đưa ra chứng cứ và những yêu cầu; được thông báo kết quả điều tra có liên quan đến việc đòi bồi thường; đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này; tham gia phiên toà; khiếu nại quyết định của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; kháng cáo bản án và quyết định của Toà án về phần bồi thường thiệt hại.

Điều 42. Người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án.[sửa]

Người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ được tham gia phiên toà; đưa ra chứng cứ và những yêu cầu; kháng cáo bản án hoặc quyết định của Toà án về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Điều 43. Người làm chứng.[sửa]

1- Người nào biết được những tình tiết có liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng.

2- Người làm chứng phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; có nghĩa vụ khai trung thực tất cả những tình tiết mà mình biết về vụ án.

3- Những người sau đây không được làm chứng:

A) Người bào chữa của bị can, bị cáo;

B) Người do có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết của vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.

4- Người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng, thì phải chịu trách nhiệm theo Điều 242 Bộ luật hình sự; khai gian dối thì phải chịu trách nhiệm theo Điều 241 Bộ luật hình sự.

Điều 44. Người giám định.[sửa]

1- Người giám định là người có kiến thức cần thiết về lĩnh vực cần giám định mà cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu.

2- Người giám định có quyền tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến đối tượng phải giám định; yêu cầu cơ quan trưng cầu giám định cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc kết luận; tham dự vào việc hỏi cung, lấy lời khai và đặt câu hỏi về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định.

3- Người giám định phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án.

Người giám định từ chối kết luận giám định mà không có lý do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm theo Điều 242 Bộ luật hình sự. Người giám định kết luận gian dối thì phải chịu trách nhiệm theo Điều 241 Bộ luật hình sự.

4- Người giám định phải từ chối tham tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu:

A) Thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 28 Bộ luật này;

B) Đã tiến hành tố tụng với tư cách là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký phiên toà hoặc đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người phiên dịch trong vụ án đó. Việc thay đổi người giám định do cơ quan trưng cầu quyết định.

5- Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:

A) Nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;

B) Tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ;

C) Tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc người bị hại trong trường hợp có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức và khai báo đúng đắn đối với những tình tiết của vụ án.

Điều 45. Người phiên dịch.[sửa]

1- Người phiên dịch do cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án yêu cầu trong trường hợp có người tiến hành hoặc người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt.

2- Người phiên dịch phải có mặt theo giấy triệu tập và thực hiện nhiệm vụ được giao; nếu dịch gian dối thì người phiên dịch phải chịu trách nhiệm theo Điều 241 Bộ luật hình sự.

3- Người phiên dịch phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu:

A) Thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 28 Bộ luật này;

B) Đã tiến hành tố tụng với tư cách là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký phiên toà hoặc đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người giám định, người làm chứng trong vụ án đó.

Việc thay đổi người phiên dịch do cơ quan yêu cầu quyết định.

4- Những quy định của Điều này cũng được áp dụng đối với người biết dấu hiệu của người câm và người điếc.

Điều 46. Trách nhiệm giải thích và bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng.[sửa]

Các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích và bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng. Việc giải thích phải được ghi vào biên bản.