Bộ luật Tố tụng hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1988/Phần thứ nhất/Chương IV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Điều 47. Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự.[sửa]

Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải chứng minh:

1- Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;

2- Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích hoặc động cơ phạm tội;

3- Những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo và những đặc điểm về nhân thân bị can, bị cáo;

4- Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Điều 48. Chứng cứ.[sửa]

1- Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự do Bộ luật này quy định mà cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.

2- Chứng cứ được xác định bằng:

A) Vật chứng;

B) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;

C) Kết luận giám định;

D) Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu khác.

Điều 49. Thu thập chứng cứ.[sửa]

1- Để thu thập chứng cứ, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án có quyền triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan đến vụ án, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu các cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp tài liệu, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.

2- Những người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.

Điều 50. Đánh giá chứng cứ.[sửa]

Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và hội thẩm nhân dân xác định và đánh giá mọi chứng cứ với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, sau khi nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả các tình tiết của vụ án.

Điều 51. Lời khai của người làm chứng.[sửa]

1- Người làm chứng trình bày những gì mà họ biết về vụ án, nhân thân của bị can, bị cáo, người bị hại; quan hệ giữa họ với bị can, bị cáo, người bị hại và trả lời những câu hỏi đặt ra.

2- Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng trình bày, nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.

Điều 52. Lời khai của người bị hại.[sửa]

1- Người bị hại trình bày về những tình tiết của vụ án, quan hệ giữa họ với bị can, bị cáo và trả lời những câu hỏi đặt ra.

2- Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người bị hại trình bày, nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.

Điều 53. Lời khai của người bị tạm giữ.[sửa]

Người bị tạm giữ trình bày về những tình tiết liên quan đến việc họ bị nghi thực hiện tội phạm.

Điều 54. Lời khai của bị can, bị cáo.[sửa]

1- Bị can, bị cáo trình bày về những tình tiết của vụ án.

2- Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án.

Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.

Điều 55. Kết luận giám định.[sửa]

1- Người giám định kết luận về vấn đề được yêu cầu giám định và phải chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận đó.

Nếu việc giám định do một nhóm người giám định tiến hành thì tất cả các thành viên đều ký vào bản kết luận chung. Trong trường hợp có ý kiến khác nhau thì mỗi người ghi riêng ý kiến kết luận của mình.

2- Trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không đồng ý với kết luận giám định thì phải nêu rõ lý do, nếu kết luận chưa rõ hoặc chưa đầy đủ thì quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại theo thủ tục chung.

Điều 56. Vật chứng.[sửa]

Vật chứng là những vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và những vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội.

Điều 57. Thu thập và bảo quản vật chứng.[sửa]

1- Vật chứng cần được thu thập kịp thời, đầy đủ, được mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án.

Trong trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh để đưa vào hồ sơ và vật chứng phải được niêm phong, bảo quản.

2- Vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẵn lộn và hư hỏng. Hồ sơ vụ án ở cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm bảo quản vật chứng. Vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ phải được giám định ngay sau khi thu thập và phải chuyển ngay để bảo quản tại ngân hàng hoặc tại các cơ quan chuyên trách khác.

3- Người có trách nhiệm bảo quản vật chứng mà để mất mát, hư hỏng thì phải bồi thường; trong trường hợp huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vật chứng nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án thì phải chịu trách nhiệm theo Điều 236 Bộ luật hình sự.

Điều 58. Xử lý vật chứng.[sửa]

1- Việc xử lý vật chứng do Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Chánh án, Phó chánh án Toà án cùng cấp hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc thi hành các quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

2- Vật chứng được xử lý như sau:

A) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước;

B) Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu xã hội chủ nghĩa hoặc thuộc sở hữu của người khác bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước;

C) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;

D) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ.

3- Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền quyết định trả lại những vật chứng quy định tại điểm b, khoản 2 Điều này cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án.

4- Trong trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo tố tụng dân sự.

Điều 59. Biên bản về hoạt động điều tra và xét xử.[sửa]

Những tình tiết được ghi trong các biên bản bắt người, khám xét, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, biên bản phiên toà và các hoạt động tố tụng khác tiến hành theo quy định của Bộ luật này có thể được coi là chứng cứ.

Điều 60. Các tài liệu khác trong vụ án.[sửa]

Những tình tiết có liên quan đến vụ án được ghi trong các tài liệu do cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân cung cấp có thể được coi là chứng cứ.

Trong trường hợp những tài liệu này có những dấu hiệu quy định tại Điều 56 Bộ luật này thì được coi là vật chứng.