Bức thư hối hận/Chương 5

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bức thư hối hận của Hồ Biểu Chánh
Chương 5: ĐẤT KHÁCH GẶP NGƯỜI QUEN

Hôm ba mươi Tết, sớm mơi, xe lửa Sài Gòn - Hà Nội ra tới Nha Trang, hành khách kẻ đi người về chen nhau rộn rực.

Trong đám người xuống xe đi lại cửa nhà ga mà ra, người ta thấy có một ông mặc áo đen dài, đầu đội nón nỉ, quần trắng, giầy đen, nơi cánh tay trái có máng một áo mưa, lại có kèm thêm một cây gậy. Một anh bồi khách sạn đi dựa bên, tay xách hoa ly, theo chỉ nẻo cho ông ra cửa.

Ông nầy ốm yếu, mặt thõn, nước da trắng, hai bên mép có râu le the, bộ già yếu, mà răng thì còn đủ, nên khó mà đoán tuổi của ông cho được. Mà bộ tướng đó không thể nào dưới 50 tuổi. Tướng thì thật là nghiêm trang song sắc mặt có vẻ buồn bực. Ai trông thấy cũng đoán ông là một viên chức ở Sài Gòn làm việc thâm niên mệt mỏi, nên nhơn dịp Tết ra đây ở nghỉ ít ngày mà hứng gió biển đặng bổ lấy sức lại.

Ra khỏi cửa ga rồi anh bồi mời ông lên xe kéo, để hoa ly của ông dựa chưn ông, biểu xa phu chạy lại nhà ngủ Thái Lai, rồi tay vịn xe mà chạy theo.

Vì Tết Nguơn Đán sắp đến, ai cũng lo về nhà mà hòa hiệp với gia đình, đến ông chủ khách sạn cũng đã về nhà riêng đặng rước ông bà, bởi vậy khách sạn Thái Lai vắng hoe, chỉ có hai anh bồi không nhà cửa, không vợ con, nên ở lại tiệm thay thế cho chủ với quyền tự do hành động. Hồi khuya hai anh em chia công việc với nhau, một anh ở nhà coi tiệm, một anh ra đón xe mà kiếm mối thử, nếu may có khách lạc loài thì tiếp rước rồi chia tiền phòng mà xài.

Anh ở nhà mới thức dậy, chưa kịp rửa mặt, bỗng thấy xe kéo ngừng trước tiệm với một ông khách đàng hoàng, thì mừng rỡ bước ra nghinh tiếp. Anh kia đã tự mình mời khách, không khứng để cho bạn đoạt công, nên với xách hoa ly và mời khách vào.

Ông khách bước xuống và mở bốp lấy bạc cắc trả tiền xe. Anh bồi ở nhà liền nói:

-        Bẩm quan, một hào thôi. Ông khách chống gậy vô cửa.

Anh bồi theo hỏi:

-  Bẩm quan ở Sài Gòn ra?

-        Ừ, ở Sài Gòn ra.

-        Bẩm quan, để dọn phòng nhứt cho quan nghỉ.

- Ừ, cho cái phòng mát mẽ và thanh tịnh.

-  Bẩm, ở đây các phòng đều sạch sẽ mát mẽ lắm. Lại vào lúc Tết nên không có khách nào hết. Quan ở yên tịnh tự nhiên.

-        Nếu vậy tôi ở có một mình hay sao?

- Vâng, êm ái lắm.

Ông khách nhích mép cười. Ông thấy anh bồi kia xách hoa ly đi thẳng lên thang lầu thì ông hỏi:

- Phòng ở trên lầu hay sao?

- Vâng.

- Tôi muốn ở từng dưới cho tiện.

- Bẩm quan, dưới đất không có phòng. Ở trên lầu có gió mát mẽ.

- Vậy thì ban đêm có một mình tôi ở trển?

-  Bẩm quan, nếu quan muốn thì ban đêm trong hai anh em con sẽ có một ngủ từng trên đặng khi cần dùng thì quan gọi cho tiện.

- Ừ, có vậy thì được.

Ông khách lên lầu, thật thấy phòng sạch sẽ lại mát mẽ. Ông liền mở hoa ly lấy một bộ đồ mát bằng lụa trắng ra mà thay đặng nghỉ cho thong thả ,

Bồi hỏi ông có muốn ăn lót lòng hay không thì ông lắc đầu. Ông đưa một đồng bạc biểu mua một ly cà phê uống thì đủ. Một anh bồi vội vã đi liền. Còn một anh xách bầu nước đem vào để cho ông rửa mặt.

Ông khách hỏi:

-        Ở đây làm sao ăn cơm?

-  Bẩm quan, có tiệm cơm khách trú gần đây. Quan đặt nó nấu rồi mỗi buổi con bưng (17) về cho quan ăn.

-        Ngày Tết có bán luôn hay sao?

-         Bẩm, bán luôn luôn, vì ngày Tết người ta chơi bời, nên khách ăn uống đông hơn ngày thường.

 Rửa mặt, thay đồ, uống cà phê xong rồi, ông khách lại đứng dựa cửa sổ mà ngó xuống đường. Người đi chợ mua đồ ăn Tết, ai cũng hớn hở vui cười. Mà ông khách ngồi ngó một hồi rồi ông ủ mặt châu mày, bỏ  đi lại giường nằm dàu dàu, dường như cảnh vui của thiên hạ là cảnh buồn của ông vậy.

Bồi đem lên một bình trà nóng để sẵn trong phòng. Ông dặn hễ gần tới giờ cơm, trưa hay chiều cũng vậy, cứ lên lấy tiền đi mua giùm đồ về cho ông ăn. Suốt ngày ông không ra khỏi phòng, nằm mỏi thì ngồi đọc sách, mà hễ đọc ít hàng thì ông ngước mắt ngó mông mà suy nghĩ.

Lối một lát, anh bồi ôm mền chiếu lên để ngoài cửa phòng ngó và thấy ông khách nằm buồn hiu, thì mơn trớn hỏi:

-  Bẩm quan, ngày Tết quan nằm một mình chắc quan không vui. Nếu quan muốn có người nói chuyện chơi đặng giải buồn, thì con sẽ kiếm mà gọi lại đây.

Ông khách hiểu ý anh bồi muốn bày việc xằng xịu, thì ông trề môi lắc đầu mà đáp:

- Cảm ơn em. Tôi cần yên tĩnh nên không muốn chi hết.

- Ồ, quan muốn nghỉ cho yên. Chắc quan tính nghỉ hết Tết rồi về? Ông khách ngồi dậy nói:

- Tôi chưa nhứt định ở bao lâu, mà tôi cũng chưa biết ở Nha Trang được hay là phải đi tỉnh khác. Nầy em, bước vô đặng tôi hỏi thăm một chút. Em có biết ở chung quanh châu thành đây có ai cho mướn hoặc thuê nhà hay không? Tôi muốn kiếm mua một cái đặng ở nghỉ và dưỡng bịnh. Nhà nhỏ nhỏ, không cần lớn, nhà tranh cũng được, song phải có chung quanh để trồng rau cải chơi.

Anh bồi bước vô nói:

-  Bẩm quan, có. Cách vài ba bữa rày có gặp anh Nguyễn Thuận, người bán rau cải, nhà ở phía sau châu thành đây, ảnh cậy con coi có ai mua nhà mua đất thì làm mối giùm cho ảnh bán, vì ảnh còn ông cha ở trong Ba Ngòi, năm nay ông cha già quá, nên biểu ảnh về trỏng mà ở với ông, phòng khi ông ương yếu có người chăm sóc ông. Con biết nhà anh, miếng đất thì lớn song tệ lắm.

- Không hại gì, miễn có cửa nẻo tử tế thì thôi. Tôi ở một mình nên cũng không cần nhà lớn.

-        Cái nhà đó chỉ cất một căn rộng, vách đất, lợp tranh, cửa ván.

-        Vậy thì được lắm. Ảnh có nói ảnh muốn bán giá bao nhiêu không?

-         Bẩm không. Nhưng con sợ bán cả nhà và đất không dưới một ngàn đồng bạc.

-         Giống gì mà mắc như vậy!

- Miếng đất lớn và tốt, ảnh trồng rau trồng cải bán mỗi ngày đến năm ba đồng bạc, chớ phải ít sao. Quan muốn mua, để mai con dắt quan vô coi, rồi trả giá với ảnh.

-        Mai chánh ngày mùng một Tết mà đi coi nỗi gì. Để hết Tết đã chứ.

- Vâng. Để mai mốt con có gặp ảnh, con nói trước cho ảnh hay. Hoặc con biểu ảnh ra mời quan vô chơi, đặng quan coi đất.

Anh bồi thật lòng sốt sắng. Mới mồng 3 thì anh đã dắt Nguyễn Thuận vào phòng viếng ông khách Sài Gòn mà nói chuyện mua bán đất. Nguyễn Thuận mời ông khách vô coi như bằng lòng rồi sẽ định giá cả.

Ông khách thay đồ đi với Nguyễn Thuận, lại biểu anh bồi đi theo. Lại trước cửa nhà ga xe lửa rồi quẹo phía tay mặt đi theo đường quan lộ số 1. Tới một hòn núi nhỏ, phía tay mặt trên chót núi có một cảnh chùa, thì tẻ vô một cái bơ mẫu nhỏ mà vô xóm ở phía sau hòn núi ấy. Xóm ấy gọi là xóm Cải, vì cả xóm chuyên nghề trồng rau cải, để cung cấp cho bạn hàng bán ngoài chợ Nha Trang.

Ông khách coi đất coi nhà thì ưng bụng lắm. Ông hỏi định bán bao nhiêu. Nguyễn Thuận nói bán luôn đất, nhà với các tài vật trong nhà là: ván, giường, bàn ghế, cuốc xuỗng, cùng chén bát, tất cả dứt giá 2 ngàn.

Ông khách chê mắc không chịu mua. Nguyễn Thuận bớt 200 còn 1.800, ông cũng lắc đầu.

Ông day qua nói chuyện mướn. Nguyễn Thuận suy nghĩ một hồi rồi nói nếu cho mướn thì nhà với đất chớ không có đồ đạc, mỗi năm định giá 500 đồng. Trả lên bớt trót giờ, rồi hai đàng mới thỏa thuận giá mướn nhà với đất mỗi năm là 300 đồng, phải chồng tiền trước ; còn đồ đạc thì ông khách chịu mua đứt với giá 100 đồng.

 

Bữa sau Nguyễn Thuận ra khách sạn làm tờ giao kèo, hai đàng ký tên xong rồi, ông khách mời đóng 400 đồng bạc, là tiền mua tài vật với tiền mướn một nãm. Nguyễn Thuận hẹn mùng 8 giao nhà. Ông khách cậy mướn giùm cho ông một người nấu cơm và giúp ông làm rẩy.

Sáng mùng 8 ông khách trả tiền mướn phòng ngủ, phát tiền nước cho hai anh rồi, cho riêng anh bồi làm mối mướn nhà đó 20 đồng, rồi kêu xe chở hoa ly lên nhà ở mướn.

Nguyễn Thuận trình diện tên Lung là người đã chịu giúp ở cho ông, rồi giao nhà mà đi về Ba Ngòi.

Ông khách vô xóm Cải ở đã gần hai tháng rồi mà không ai biết ông tên gì. Cả xóm cứ gọi là ông khách Sài Gòn. Ông không đi chơi mà cũng không ưa nói chuyện với ai.Tối ngày ông mặc quần vắn áo sơ mi, cứ lo vô phân chỗ nầy, ương hột chỗ kia, lui cui ngoài rẫy cải hoài. Đến bữa cơm trưa ông vô nhà nghỉ rồi xế mát ông tiếp làm rẫy nữa. Ban đêm ông đóng cửa sớm, trong nhà đốt đèn lu lu, không ai biết ông ngủ hay làm việc chi, không nghe tiếng nói chuyện. Có một bà già ở gần mỗi bữa bưng rau ra chợ bán. Ông biểu tên Lung gởi tiền mượn bà mua giùm thịt cá. Lâu lâu tên Lung mới đi chợ một lần, đi đặng mua gạo, nước mắm dầu lửa, cà phê, đường và sữa hộp.

Buổi sớm mơi nầy ông sai tên Lung đi chợ rồi ông đội nón ra trước cửa vun đất mà lấp gốc cho mấy  liếp cải vừa mới tược vài ba lá. Có một người mặc âu phục đàng hoàng, đi ngang ngoài hàng rào, thấy ông lum khum thì dừng bước, mắt ngó ông trân trân. Ông vừa mới ngay lưng thì người ấy la lớn:

-        Húy! Quan lớn thật mà! Sao bây giờ quan lớn ra ở đây?

Ông khách ngạc nhiên, ngó và hỏi:

- Ai đó, tôi không biết. Sao lại kêu tôi là quan lớn?

-        Quan lớn quên tôi hay sao? Tôi là Xã Lương ở Cái Răng đây.

Người ấy đáp và bước vô rẫy cải.

Ông khách ngơ ngáo rồi hỏi:

- Xã Lương ... Phải chú xã năm trước thâm công nho đến 30 ngàn rồi trốn đi mất đó hay không?

-  Bẩm phải.

-        Bây giờ ở đây hay sao?

-        Bẩm không. Tôi ở xa lắm.Tôi vô đây mua đồ. Tại sao quan lớn ra ở đây?

- Ối! Việc đời nói không hết được, chú ơi! Mời chú bước vô nhà nói chuyện chơi.

Hai người nối nhau mà vô nhà. Ông chỉ ghế mời chú Xã Lương ngồi, rồi ông đi thẳng ra phía sau mà rửa tay.

Ông khách ở Sài Gòn nầy là ai, mà chú Xã Lương lại xưng hô “quan lớn”? Ông là ông Phủ Võ Như Bình, hồi trước làm chủ quận tại Cần Thơ.

Nên nói phứt cho người ta biết rằng Võ Như Bình nầy làm mưa làm gió tại Tòa bố Cần Thơ trót 25 năm. Ban đầu đứng Thông ngôn, sau thăng tới chức Huyện rồi Phủ. Khi ông mới ra trường ông làm việc tại Sài Gòn, thì ông đã kết bạn trăm năm với một cô gái, con nhà lam lũ, sanh được một đứa con trai, nhưng vì vợ chồng không có hôn thú, lại sanh con ở trong làng nên cũng không có khai sanh rành rẽ. Chừng ông thi đậu, được bổ xuống Cần Thơ, ông không đem vợ con theo. Gặp cô Hai Hương, một góa phụ giàu lớn ở Bình Thủy, tuy đã có hai mặt con một trai một gái, song nhan sắc vẫn còn đẹp, nên phủi cả vợ con mà cưới cô Hương. Vì cô Hương ăn gia tài bên người chồng trước nhiều, sợ cải giá không được hưởng huê lợi nữa, nên ở với Bình mà cũng không lập hôn thú.

Trót 25 năm, nhờ thói sâu dân mọt nước, Bình xây dựng thêm một sự nghiệp rất lớn, mua được 400 mẫu ruộng tốt, nhưng vì sợ phạm luật lệ nên phải để cho cô  Hương đứng bộ. Sau nầy cậy quyền ỷ thế Bình làm lộng quá, làng dân thán oán mới gây ra cuộc thưa kiện tưng bừng. Tuông bạc tiền ra như nước mà trám miệng mua lòng, nên khỏi bị lột chức, song phải bị đổi vô Hà Tiên. Bình lấy làm xấu hổ, nên xin hưu trí non, đặng trở về Cần Thơ mà tranh cử nghị viện quản hạt. Trước kia đã thất nhơn tâm quá rồi bây giờ làm sao mà mua chuộc lại được, bởi vậy mặc dầu tốn cho đến ba bốn muôn mà cũng phải lãnh họa thất bại rất đau đớn.

Bình với Hương đều hổ thẹn buồn rầu, nên cả hai đều nhuốm bịnh. Kế đó người con trai lớn của Hương qua Pháp học, vừa thi đậu bằng Bác vật nên trở về quê quán của ông cha. Bình thấy con ghẻ trổ mòi lãnh đạm với mình, nên giả chước đi hứng gió mà bước tránh, để cho mẹ con thong thả hòa hợp với nhau. Chẳng dè Hương bị bịnh ngặt, Bình được tin lật đật trở về, mà về tới nhà thì Hương đã chết, không kịp trối trăn chi hết.

Chôn cất xong rồi, Bình thất thế nên xin với hai con ghẻ chia cho mình 100 mẫu ruộng với 20 ngàn đồng bạc mà thôi, song con ghẻ quyết lấy lại tất cả sự sản của mẹ cha, chỉ chịu cho có bốn ngàn đồng bạc.

Bình tức giận, mà tranh giành không được, nên bỏ nhà ra đi trong túi chỉ có bảy tám trăm đồng bạc, trong hoa ly chỉ có áo quần với cuốn sổ chứng số tiền hưu trí. Ra Vũng Tàu mà tịnh dưỡng Bình gặp ông mai giúp cho mình cưới người vợ trước đó, ông nhắc lại chuyện cũ, Bình mới hay là người vợ trước cải giá, kết nghĩa vợ chồng với một ngừơi thợ máy.

Người thợ nầy ra giữa Tòa xin khai sanh cho đứa con của mình rồi cho qua Pháp mà ăn học. Bây giờ người thợ máy đã thành ông chủ hãng bán xe hơi giàu có sang trọng, còn đứa con của Bình thành một vị Bác vật danh giá lẫy lừng ; tuy là quạ với tu hú, song tình nghĩa cha con đắm đuối mà mặn nồng; đương hiệp nhau mà cai quản hãng xe hơi, ở đô thành Nam Việt.

Đã thất chí, Bình đương chán nản, mà nghe nhắc chuyện xưa, Bình càng thêm hối hận vô cùng, buồn vì danh lợi tợ mây bay, hổ vì quả báo hiện trước mắt. Bình muốn xem tranh nhơn quả cho rõ ràng, muốn uống hối hận cho cạn ly, tới cặn cáu, nên trong ít ngày sau Bình trở về Sài Gòn, lén đi coi hãng xe hơi của con, rồi còn đi xem bề  ăn ở của của người vợ trước kia mình đã phụ rảy. Bình lên tới Chí Hòa, chánh nhằm bữa con cưới vợ, vừa rước dâu về tới, khách khứa đầy nhà, hai họ chung vui hớn hở. Bình đứng ngoài lộ rình xem thấy mặt cha vợ với vợ con ngày trước, thì đau đớn như kim châm trong ruột mà còn thấy rõ nàng dâu chẳng phải ai xa lạ, ấy là con ghẻ của mình ở Cần Thơ, con gái của cô hai Hương.

Trí bối rối, mắt chói lòa(18), Bình không thể đứng đó mà xem được nữa, nên quầy quã trở về khách lầu, nằm xếp ve.

Đến cái khoảng đời chí tan, đường lấp như vầy, người ta thường cậy cái chết giúp chấm dứt giùm nỗi đau khổ, nỗi tủi nhục. Bình từ nhỏ đã đào luyện một tâm hồn vong ơn bội nghĩa, nên không bao giờ nghĩ tới cái chết. Trái lại người như Bình sợ cái chết lắm, gặp hoàn cảnh nào cũng cứ quơ níu sự sống hoài, dầu sống với xấu hổ, sống với đau thương, sống với nghèo hèn, cũng ráng mà sống.

Nhưng, Bình nghĩ sống ở Sài Gòn hay trong lục tỉnh tự nhiên phải gặp người quen biết, rồi hổ thẹn trong lòng.

Bình tính nên đi cho xa, kiếm nơi hẻo lánh mà ẩn thân, ngặt một nỗi đi xa phải có sẵn một số tiền trộng trộng để hộ thân, bây giờ còn có vài trăm đồng bạc, làm sao mà đi được. Không lẽ trở về Bình Thủy mà xin tiền con ghẻ là bọn đoạt cả sự nghiệp của mình.

Bình nhớ lại ở Cần Thơ, còn nhiều điền chủ ngày trước thường chiều chuộng mình, nên tính về thăm mà cậy mỗi nhà giúp đở năm ba ngàn đặng chống chõi với thời vận. Té ra đi đến cả chục nhà mà chỉ kiếm được có 2 ngàn đồng bạc, tới đâu người ta cũng than túng, hứa để ra giêng góp lúa rồi người ta sẽ giúp thêm.

Nhờ có 2 ngàn đồng bạc đó Bình mới ra Nha Trang đây, tính kiếm một chỗ dung thân, mượn thú trồng tỉa mà sống âm thầm, xa con mắt người quen, xa bức tranh dĩ vãng. Vì ít tiền nên không mua nhà đất nổi, phải mướn ở đỡ cho qua ngày. Ở đó gần hai tháng rồi mà Bình không đi chơi, không tiếp khách, tối ngày cứ lui cui trồng cải đặng dụt tắt nổi ưu phiền, phui pha niềm hối hận. Nhưng ôm ấp ưu phiền hối hận hoài rồi cũng khó chịu, cần phải thở than cho nhẹ bớt nỗi lòng. Mà thở than với ai? Người lạ họ có biết tâm sự của mình đâu mà nói với họ, nói ra họ thêm cười mình, chớ họ có giải sầu cho mình được đâu mà nói. Cần phải nói đặng xả hơi mà không nói được nên bứt rứt.

Hôm nay gặp Xã Lương là người đã hiểu biết cái dĩ vãng rực rỡ của mình, Bình được một tí vui trong lòng, nên mời Xã Lương vào nhà đặng trút bớt bầu tâm bự hoặc may có hài lòng khỏe trí chút nào không.

Rửa tay và thay quần áo rồi Bình trở ra lấy thuốc điếu(19) mời Xã Lương hút. Nãy giờ Xã Lương ngồi ngó trước xem sau không hiểu tại sao Bình lại ra đây mà ở trong cái nhà bần hàn như vầy, nên vừa thấy Bình thì ra hỏi:

-        Bẩm quan lớn, nhà của ai đây?

-        Nhà của tôi, nhà tôi mướn.

- Sao quan lớn không ở ngoài nhà hàng, lại ở như vầy, buồn quá.

-        Tôi ở đặng trồng rau trồng cải chơi.

- Ô, té ra quan lớn làm việc lâu năm mệt mỏi nên kiếm chỗ đặng giải trí, Quan lớn nghỉ được bao lâu?

-        Tôi hưu trí rồi.

- Ủa! Hưu trí hồi nào?

- Năm sáu tháng nay.

- Tôi bỏ xứ mà đi đã ba năm rồi, nên không hay chi hết, Quan lớn còn trẻ tuổi, sao hưu trí sớm vậy?

- Việc của tôi lôi thôi lắm chú ơi! Để tôi nói cho chú nghe. Năm ngoái họ mưu sự xúi dân kiện tôi. Kiện không đủ bằng cớ gì hết, nhưng quan trên vị tình người cầm đầu nên đổi tôi vô Hà Tiên. Tôi giận tôi xin hưu trí.

- Bà lớn giàu có. Mà tôi nhớ năm trước quan lớn cũng mua riêng mấy  trăm mẫu ruộng nữa. Quan lớn ở không ăn chơi mãn đời cũng không hết của, cần gì phải làm việc cho mệt trí.

- Ấy! Vậy mà bây giờ tôi sạch cái mình mới kỳ chớ.

- Có lý nào!

- Có chớ. Tôi vừa được hưu trí thì có cuộc tuyển cử Hội Đồng quản hạt. Tôi ra tranh cử quận Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Cử tri họ báo hại tôi, họ xòe tay lấy tiền của tôi mà vào phòng kín lại bỏ thăm tên người khác, làm tôi tốn hơn 40 mươi ngàn mà thất bại.

- Cử tri cứ chơi mửng đó(20) hoài. Quan lớn tranh chức Hội đồng có ích lợi gì.  Nằm rung đùi gãi vế chơi sướng hơn ngồi đưa tay lên bỏ tay xuống.

-        Tại tôi giận, tôi muốn làm cho họ biết mặt. Mà chuyện xui xẻo còn kéo dài hơn nữa kìa. Thình lình thì vợ tôi chết.

-        Húy! Bà lớn mất rồi?

- Thất cử Hội đồng không bao lâu, kế vợ tôi mất. Thằng con trai của vợ tôi bên Pháp nó về trước khi vợ tôi mất. Khi chôn vợ tôi rồi, nó hiệp với em gái nó mà đòi lại tất cả gia tài sự sản; 400 mẫu ruộng tôi mua để vợ tôi đứng tên bộ giùm đó, chúng nó cũng đoạt luôn.

- Ủa! Ruộng của quan lớn mua mà đoạt sao được. Phải kiện mà đòi lại chớ.

- Kiện không được. Tôi có hỏi Trạng sư rồi. Nếu viện lẽ tôi làm quan không được mua ruộng đất trong địa phận tôi cai trị, nên tôi mượn người bạn trãm năm đứng bộ thế cho tôi, thì con ghẻ tôi nó cãi mẹ nó có huê lợi mỗi năm đến 30 ngàn thùng lúa: hơn 20 năm nay huê lợi ấy chồng chất rất nhiều, bởi vậy mẹ nó lấy số đó mà mua ruộng, chớ tôi làm quan ăn lương mỗi tháng bao nhiêu mà có dư tiền mua nổi tới 400 mẫu ruộng.

- Phải rồi. Cái lý đó mạnh quá, mình khó vùng vẫy nổi. Quan lớn mua ruộng, ai cũng biết hết. Hai người con ghẻ của quan lớn đoạt như vậy coi không được. Ác quá!

- Tôi biết tôi thất thế nên tôi xin có 100 mẫu ruộng với vài chục ngàn để nuôi sống bản thân mãn đời tôi, chúng nó cũng không cho.

-        Tham quá! Bây giờ quan lớn sống vất vả như vầy, thật tôi thấy ứa nước mắt.  Tôi muốn quan lớn ở với tôi, khi đau ốm có tôi chăm nom thuốc men cơm cháo.

- Em ở đâu, em Xã?

- Dạ, ở gần trên Kon Tum lận.

- Kon Tum nằm về miệt nào?

- Đi xe lửa ra Qui Nhơn mới sang qua xe hơi lên An Khuê chừng vài chục cây số, chớ chưa tới KonTum.

-        Sao mà ra tới ngoài đó lận?

- Thì năm tôi lỡ thua nhiều quá. Đứng bộ có 6 mẫu ruộng, mà thiếu nợ tứ tung thiếu trên 25 ngàn. Quan lớn nghĩ coi lâm vào cảnh đó, làm sao nào sống nổi.Tôi mới thộp 30 ngàn bạc công nho rồi. Tôi xin quan lớn đừng thối chí. Thất bại là bài học dạy mình thành công. Quan lớn thất bại mà quan lớn chưa già lắm. Quan lớn quên phứt cái đời cũ  Để lo lập đời mới tìm hạnh phước khác mà hưởng, buồn rầu làm chi.

Thấy Như Bình lơ lửng ngồi thở dài, Xã Lương nói tiếp:

-        Tôi muốn Quan lớn hiệp tác với tôi mà làm ăn lớn chơi. Tôi mắc kiếm đồ mua đặng chuyến xe sáng mai tôi về. Nếu Quan lớn không đi liền với tôi được, thì Quan lớn sắp đặt rồi lên sau. Cứ ra Qui Nhơn rồi lên xe đò mà đi theo đường mà tôi chỉ hồi nãy đó. Quan lớn lên chơi một lần cho biết, như Quan lớn không vừa ý thì chơi ít bữa rồi về.

Như Bình gặc đầu đáp:

- Để thủng thẳng rồi tôi sẽ tính.

Xã Lương từ giã mà đi.

Như Bình thay quần vắn rồi ra tưới rau.

Chú thích[sửa]

17 mang

18 chói làm lòa con mắt

19 thuốc lá

20 cách đó