Bước tới nội dung

Bức thư hối hận/Chương 6

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bức thư hối hận của Hồ Biểu Chánh
Chương 6: GẶP CHA GHẺ CON BÂNG KHUÂNG

Vợ chồng Nghiệp xuống Nha Trang ở chơi đã trót tuần rồi, ở nhà hàng lớn tại mé biển.

Lúc nầy còn ngọn gió chướng ngoài biển thổi vào, nên khí hậu rất mát mẻ, làm cho con người khỏe khoắn vô cùng.

Nghiệp đã đem vợ đi viếng thăm mọi nơi, viếng y viện Pasteur, viếng cả sở cá, viếng mấy lều nước mắm, viếng cầu Bô-na-ga, viếng tháp Thiên Ý A Na, rồi còn vô xem thành Khánh Hòa và ra tới Ðèo Rù Rì mà thưởng thức cảnh u nhàn tịch mịch. Ở đây cô Loan thích nhứt là thích sáng sớm và chiều mát cùng chồng dọc theo bãi biển mà xem gió đùa nước tràn lên bãi cát, nghe gió đập vào vào gành đá tiếng dội vang rền, xa trông mấy  hòn xanh dờn nằm nối đuôi phía ngoài để che đậy cho vịnh Nha Trang êm ấm.

Thế mà chiều bữa nay vợ chồng Nghiệp lại bảo sốp phơ với thợ máy đem xe ra đặng đi vòng quanh các nẻo đường trong châu thành mà chơi. Xe đi chậm chậm, gió thổi hiu hiu, gây ra hoàn cảnh khuyến khích trí lạc quan, mở mang lòng quảng đại.

Lối 6 giờ chiều, xe chạy gần tới nhà ga, bỗng nghe tiếng síp lê inh ỏi. Nghiệp nói đó là chuyến xe lửa chiều ra tới. Cô Loan liền kêu Sáu Bính biểu ngừng trước nhà ga đặng xem hành khách xuống xe chơi.

Xe đậu sát lề. Vợ chồng Nghiệp bước xuống rồi dắt nhau đi bách bộ trước cửa nhà ga mà chơi. Sốp phơ với thợ máy cũng leo xuống đứng hút thuốc.

Thiên hạ trong nhà ga túa ra, đủ hạng người, có trẻ có già, có đàn bà, có đàn ông, kẻ xách giỏ, người bưng thúng, kẻ dắt con, người rước vợ.

Cô Loan vịn vai chồng đứng mà coi. Một người lớn tuổi vóc ốm, để râu mép, trên mặc áo bành tô nỉ đen, dưới mặc quần kiểu Việt lụa trắng, chân mang giày cao su bố trắng, tay cầm gậy tre, đầu đội nón nỉ xám, ôm một gói nhỏ bao nhựt trình, ở trong ga bước ra, rồi đi ngang chỗ vợ chồng Nghiệp đứng.

Cô Loan la hai tiếng “ý kìa!” rồi cô bước tới chặn đường mà chào:

- Con xin chào Quan lớn. Quan lớn ở ngoài này hay sao?

Người ấy đứng lại ngó cô Loan, bộ ngạc nhiên, nên du dự một lúc rồi mới đáp.

- Ừ, tôi mới ra tới.

- Quan lớn ra chơi rồi chừng nào về.

- Có lẽ mai về ...Chưa nhứt định.

-         Xưa rày quan lớn ở đâu? Anh Hai con muốn biết chỗ quan lớn ở, nhưng hỏi thăm thì không ai biết mà chỉ.

-         Tôi đi chơi..Muốn biết chỗ tôi ở làm chi?

- Hôm con đám cưới, anh Hai con muốn biết chỗ quan lớn ở đặng gởi thiệp mời.

Người ấy trề môi, rùng vai mà đáp:

-        Mời làm chi?.. Còn tình nghĩa gì nữa mà mời.

Người ấy bỏ đi, không cần từ giã.

 

Cô Loan châu mày, lộ sắc bất bình, ngoắt anh Tý Cầu lại, đưa tay chỉ người vừa mới nói chuyện với cô đó mà dặn nho nhỏ:

-         Anh Tý nom theo ông đó coi ông đi đâu, vào nhà nào, rồi trở lại nói cho tôi biết. Anh đi xa xa, giả bộ đi chơi, đừng để ông nghi anh rình ông. Đi dọ xong rồi anh trở lại đứng đây mà chờ. Xe tôi sẽ trở lại rước anh.

 Tý Cầu tuy ít nói song lẹ trí, bởi vậy vừa nghe huấn lịnh thì anh gặc đầu bước đi liền, đi chậm chậm theo ông nọ, đi cách ông chừng vài ba chục thước, lấy thuốc đốt mà hút, bộ như người thong thả đi chơi. Nghiệp bước lại gần hỏi vợ:

-         Em sai anh Tý Cầu đi đâu chơi vậy?

-         Nom theo coi ông già ghẻ của em đi đâu. Nghiệp chưng hửng, nhìn mặt vợ mà hỏi:

- Ông già ghẻ của em là ông đó à? Phải là ông Phủ gì đó hay không?

- Phải, ông Phủ Võ Như Bình.

- À... Võ Như Bình. Anh Hoàng có nói, mà qua quên. Sao em không tiến dẫn quan đặng qua chào ông?

- Không được. Bộ ông thù em quá. Em vừa nói tới đám cưới của em thì ông đáp cụt ngủn rằng ông không còn tình nghĩa gì nữa mà biết tới việc đó, rồi ông ngoe ngoảy bỏ đi, không thèm ngó mặt em. Thôi, lên xe xuống mé biển hứng gió một chút rồi sẽ trở lại đây mà đón anh Tý Cầu.

Vợ chồng nghiệp lên xe. Cô Loan dặn Sáu Bính chạy thật chậm, xuống mé biển rồi chạy vòng theo đó chơi.

Nghiệp hỏi vợ:

-        Ông cha ghẻ đó ở ngoài này ra hay sao?

- Em không hiểu được. Em hỏi ông thì ông nói ông ra chơi. Em hỏi ông ở đâu và chừng nào về thì ông không chịu nói, vì vậy nên em mới cậy anh Tý Cầu lén nom theo coi đó.

- Qua chắc ổng ở ngoài nầy. Ông đi đâu vô miệt trong rồi về đó, chớ không phải ở Nam Việt mới ra bữa nay.

-        Sao anh dám chắc ông ở ngoài nầy?

- Ông làm tới chức Tri Phủ, mà ăn mặc như vậy, lại không có hành lý chi hết, thế thì có phải ở Sài Gòn mới ra đâu. Nếu ông ra nghỉ hứng gió, ít nữa ông cũng mang theo ít bộ quần áo, phải có hoa ly, phải mặc áo dài đàng hoàng chớ.

- Anh nói có lý lắm. Thuở nay ông có đi đâu xa ông cũng mặc áo dài luôn luôn, duy có đi vô ruộng ông mới mặc áo bành tô nỉ. Nếu ông mặc thế nầy đặng đi xe cho gọn, thì ít nữa ông cũng đem khăn đen áo dài theo. Ông cầm có một cái gói nhỏ xíu, đựng không tới một bộ đồ mát, thì chắc ông đi đâu mà về đây, hành lý ông đã để ngoài nầy.

-         Đã vậy mà hồi nãy bước ra thì ông đi liền, không bợ ngợ như người mới xứ lạ.

- Phải lắm. Mà ông lại đi bộ nữa chớ. Thôi trở lại ga đón anh Tý Cầu coi ảnh dọ hỏi thế nào.

Xe đi giáp mé biển rồi trở lại đậu trước nhà ga. Không thấy Tý Cầu, vợ chồng Nghiệp bèn bước xuống đi vô ga chơi. Hành khách đã bắt đầu đem đồ lại, chờ xe tối Hà Nội đặng vô Sài Gòn.

 

Một lát Tý Cầu trở lại xe, đứng nói chuyện với Sáu Bính. Vợ chồng Nghiệp ra dọ hỏi thế nào.

Tý Cầu nói:

- Ông đó ở trong xóm trồng rau cải phía sau đây. Đi khỏi hòn núi nhỏ thì thấy xóm đó, nằm về phía tay mặt. Ông ở trong một gian nhà tranh nhỏ, chung quanh trồng rau trồng cải giáp hết.

Cô Loan hỏi:

-        Nhà đó của ai vậy? Anh có hỏi thăm hay không?

- Thưa, tôi chắc là nhà của ông, bởi vì khi tôi thấy ông quẹo qua bờ nhỏ mà vô xóm, tôi sợ mất dạng, tôi đi thúc lại gần. Tới nhà đó, ông xô cửa rào mà vô, đứng ngó mấy  liếp cải, rồi kêu thằng Lung om sòm mà hỏi:“Tao đi ba nữa rày, mầy ở nhà mỗi bữa mầy có tưới cây hay không, mà sao đất khô khóc như vầy?“ Tôi bước thẳng lại nhà ở một bên đó, tôi thấy một bà già đương cắt rau thơm, tôi đứng lại làm bộ coi chơi. Tôi kiếm cớ nói chuyện với bà, lần lần tôi hỏi thăm ông ở một bên, thì bà nói ông khách Sài Gòn đó ra mướn nhà mướn đất ở trồng rau cải hai tháng nay. Ông đi Sài Gòn ba nữa rày, mới thấy ông trở về đó.

Loan ngó chồng mà cười và nói:

-        Thật anh đoán trúng ngay. Anh làm thầy bói chắc đông khách hàng lắm. 

Hết thảy lên xe đi chơi nữa, đi đến tối mới trở về nhà hàng.

Ăn cơm tối rồi vợ chồng Nghiệp vào phòng. Nghiệp thấy vợ từ hồi tối tới bây giờ, vì gặp cha ghẻ, sanh lo ngại trong lòng, nên hết vui. Nghiệp mới hỏi:

-        Quan Phủ hồi trước làm bạn với bà thân của em được bao lâu, mà nay gặp em Ngài lãnh đạm quá vậy?

- Không phải lãnh đạm mà thôi, Ngài thù em lắm chớ. Mà đối với anh Hai, Ngài còn thù nhiều hơn nữa.

- Em có thể nói cho qua biết tại sao mà sanh ác cảm như vậy không? - Bổn phận em là phải cho anh biết rõ việc nhà của em, không nên giấu chi hết. Từ hôm đám cưới đến nay em chưa nói, là vì em nghĩ việc đó không mấy vui, nên không cần phải nói gấp. Hôm nay nhơn dịp nầy em sẽ tỏ hết cho anh rõ. Em sanh ra chưa đầy tháng thì ba em mất. Theo lời bà ngoại em nói lại, lúc ấy anh Hoàng mới được 3 tuổi. Vì ngoại em ở có một mình hiu quạnh, nên má em về ở chung với ngoại em. Bên nội em cũng giàu như bên ngoại, bởi vậy ba em để lại gia tài lớn lắm. Má em thừa hưởng gia tài ấy mà nuôi anh Hoàng với em. Má em về Bình Thủy chưa được bao lâu, thì ông già ghẻ em đó, lúc ấy đứng thông ngôn cho quan lớn Chánh Chủ tỉnh, oai thế lẫy lừng, quan yêu dân chuộng, cậy mai mối mà cưới má em. Ngoại em gả, rồi mua cho một căn nhà ở Cái Khế đặng ở với nhau rồi đi làm việc cho gần, còn anh Hoàng với em thì ngoại em bắt ở với ngoại em. Vì má em hưởng gia tài của ba em, nếu cải giá sợ bà con bên nội em bắt lỗi lấy gia tài lại đặng gìn giữ gia tài cho anh Hoàng và em, nên má em lấy chồng khác mà không dám làm hôn thú cho rành rẽ. Ngoại em nuôi em với anh Hoàng, chừng lớn khôn cho ăn học. Sau ngoại em cho anh Hoàng qua Pháp, còn em thì để học Nhà Trắng(21) rồi đem qua Nữ học đường. Chừng ngoại em mất rồi, má em mới bắt em về để coi nhà bên Bình Thủy, đôi ba ngày mới lên thăm một lần. Còn ông già ghẻ em thì hồi nhỏ ông làm thầy Thông, sau làm Huyện Phủ, ông mắc việc quan, có giổ chạp ông mới lên Bình Thủy, nên em ít có dịp gặp mặt ông. Năm ngoái làng với dân kiện ông lung tung quá, nghe nói kiện nhiều khoản lộng quyền hà lạm công nho nhứt là hối lộ, nên ông bị đổi vô Hà Tiên. Ông xin hưu trí rồi trở về, ra tranh cử Hội đồng quản hạt. Bị thất cử, ông buồn nên ông bỏ đi chơi hoài. Anh Hoàng ở Pháp về chưa đặng bao lâu thì má em bịnh. Má em có nói cho anh Hoàng biết gia tài bên nội bên ngoại, má em giữ gìn cho ảnh đủ hết. Má em có đứng bộ thêm 400 mẫu ruộng, ấy là ruộng của cha ghẻ em mua, rồi cậy má em đứng hộ giùm chớ không phải của má em. Anh Hoàng không tin, nhưng không dám cãi cho lắm, sợ má em buồn. Cách vài ngày bịnh má em trở nặng. Anh Hoàng đánh dây thép cho cha ghẻ em hay. Ông trở về tới nhà thì má em mất, đã liệm rồi. Cuộc tống táng má em vừa xong, thì cha ghẻ em biểu anh Hoàng với em phải làm tờ sang 400 mẩu ruộng mua mấy năm sau này cho ông đứng bộ, vì ruộng ấy ông mua rồi mượn má em đứng bộ giùm, chớ không phải ruộng của má em. Anh Hoàng không chịu, và em cũng không bằng lòng. Ông cãi không lại anh Hoàng, rốt cuộc ông xuống nước xin 100 mẫu ruộng với 20 ngàn bạc mà thôi. Anh Hoàng cũng không chịu, ông giận chúng tôi, ông mắng chúng tôi là quân ăn cướp, rồi lấy quần áo bỏ vào hoa ly mà đi. Anh Hoàng tưởng ông giận lẫy bỏ đi chơi, nên lấy ra 5 ngàn đưa cho ông. Ông không thèm lấy, rồi kêu xe kéo đi mất; từ đó tới giờ ông không trở về, hôm đám cưới không biết ông ở đâu mà mời. Ông giận em với anh Hoàng thì giận chớ ruộng của má em đứng mà sang tên cho ông sao được. Nếu ông ở đó thì anh Hoàng sẽ châu cấp cho ông mãn đời. Ông muốn đi chơi, thì lấy đôi ba ngàn vậy được, chớ má em mất rồi ông biểu chia sự sản cho ông, cái đó không thể nào anh Hoàng chịu. Em cũng vậy.

Nãy giờ Nghiệp ngồi chăm chỉ nghe, không nói một tiếng chi hết. Chừng cô Loan nói dứt, Nghiệp suy nghĩ một chút rồi nói:

-        Chuyện nầy là chuyện riêng của Hoàng, không lẽ qua làm tài khôn xen vô cho lộn xộn. Nhưng chuyện nầy cũng can hệ đến em. Làm chồng em, qua được phép phân trần trái phải với em, để bảo hộ hạnh phúc chung của gia đình, để giữ gìn cho cảnh đời của em luôn luôn thơi thới tốt tươi, sáng lạng, chẳng có một điểm  ưu phiền hay hối hận. Vậy qua xin phép hỏi cho biết rõ khúc chiết của câu chuyện rồi qua bình tĩnh nương theo công lý mà giãi bày cái hay với cái dở cho em nghe. Em nên thành thật mà trả lời với qua, đừng thiên vị bà thân mẫu là đứng sanh thành của mình, mà cũng đừng hờn giận ông cha ghẻ là người đoạt tình yêu của cha mình đã quá vãng. Bây giờ qua hỏi em: “vậy chớ em nói ông Võ Như Bình làm việc ở Cần Thơ từ hồi em mới sanh, nghĩa là hai mươi mấy năm trường, làm thông ngôn rồi làm Huyện Phủ, luôn luôn ông được quan yêu dân chuộng, thanh danh rực rở, quyền thế lẫy lừng, ông có tạo ra một sự nghiệp gì hay không? Nhiều ông khác không được quyền cao bằng ông, mà ông sắm ruộng vườn nhà cửa đủ hết.

Cô Loan suy nghĩ rồi mới đáp:

- Việc đó em không biết. Hơn 20 năm nay ông ăn của người ta nhiều lắm, siết họng đến nỗi dân oán hận kiện thưa ông phải bị đổi, có lẽ ông có tiền nhiều chớ sao lại không.

- Theo con mắt qua, thì thấy ông không có nhà cửa, không có ruộng vườn riêng. Nếu có thì mấy  tháng nay ông về đó mà dưỡng nhàn, chớ sao lại ra đây mướn một lều tranh với khoảng đất mà trồng rau cải.

-  Dầu ông không có ruộng vườn nhà cửa, thì ông có bạc tiền. Ông để trong mình, hoặc ông để trong nhà băng làm sao mình biết được.

-  Bạc tiền chắc cũng không có bao nhiêu. Có tiền nhiều thì đến ngày già gặp vận xấu nầy tự nhiên đem ra mà hưởng cho khỏe tấm thân. Dầu muốn tìm yên ổn thì thiếu chi cách sung sướng, cần chi phải vùi thân trong xóm cải. Ấy vậy qua tưởng ông nói 400 mẫu ruộng ông mua mà mượn má đứng bộ, có lẽ không phải là lời gian dối. Qua nghĩ tiền bạc ông tom góp được của người ta ông đổ trút vào mua 400 mẫu ruộng đó hết, hay là ông đóng góp vô đó một phần hoặc lớn hoặc nhỏ, rồi má góp vô một phần. Nếu em với anh Hoàng lấy hết số tiền đó, qua sợ bất công bình.

-        Anh nói hơi binh cha ghẻ em quá.

- Qua có bà con dòng họ gì với ông mà binh. Ông họ Võ còn qua họ Lê, làm sao mà bà con. Huống chi thuở nay qua không nghe tên hay thấy mặt ông.  Gặp hồi chiều đó là lần thứ nhứt.

-        Em nói chơi vậy mà.

-        Việc đó em nên suy nghĩ lại, đặng ngày sau khỏi ăn năn.

-         Ối! Tiền ông bóc lột nên trời khiến ông không được hưởng, ấy là lẽ trời định.

-         Nếu quả bốc lột mà mua ruộng đất đó, thì em càng không nên lãnh mà hưởng. Em cho thói bốc lột là thói xấu hay thói tốt?

- Thói ăn cướp mà tốt nỗi gì?

- À, em biết thói bốc lột là thói ăn cướp! Vậy thì em lãnh của bốc lột làm chi?  Bọn cướp họ giựt của người nầy đem cho người khác. Người quân tử đương nghèo đói cũng không thèm thọ của ấy, chẳng luận tranh giành với bọn cướp. Sao em lại tranh giành của bốc lột?

Cô Loan ngồi suy nghĩ, mặt lộ vẽ ăn năn hối hận.

Nghiệp muốn phá nỗi khổ tâm của vợ, bèn chậm rãi nói:

- Ở đời nên kết thân, chớ không nên kết oán. Việc nầy em phải bàn lại với anh Hoàng. Cha ghẻ mà kết nghĩa với mẹ mình đến 25 năm, dầu mình không chịu ơn dưỡng dục, song mình cũng nương nhờ quyền thế của người ít nhiều. Không có tình thì có nghĩa, mình không nên phụ bạc, để cho người phải ưu phiền lúc vất vả lúc hết thời. Lúc anh Hoàng cương quyết không chịu đổi thái độ, thì em phải làm thế nào đặng ngày sau nhớ đến ông cha ghẻ, em khỏi buồn rầu hoặc hối hận.

Cô Loan cảm động nên cô thở dài, rưng rưng nước mắt. Cô bối rối trong lòng nên cô hỏi:

- Em phải làm sao đây? Nghe lời khuyên của anh em ăn năn quá. Thật em với anh Hoàng chống cự sự đòi hỏi của cha ghẻ, chúng tôi tỏ nhiều lời vô tình và khắc bạc quá. Bây giờ làm sao mà chuộc cái quấy đó? Xin anh chỉ đường cho em đi. Em quyết làm theo liền, đặng khỏi hối hận.

- Nhờ anh Tý Cầu dọ dẫm, em được biết chỗ ẩn cư rồi. Vậy em nên tìm tới mà xin lỗi ông. Luôn dịp em để cho ông một số tiền và hứa chừng về nhà sẽ bàn lại anh Hoàng về sự chia ruộng đất để giúp ông sung sướng mãn đời.

- Em sẽ làm theo lời anh dạy. Sáng mai em đi ... Cha chả, ông ghét em quá, thái độ của ông đối với em hồi chiều đó đủ thấy ông không muốn gặp mặt em. Em sợ lại nhà, ông không thèm tiếp. Mà dầu ông tiếp em cũng không đủ lời nói cho ông cảm động. Vậy anh có thể thay mặt cho em mà đi được hay không. Anh làm trung gian mà giảng hòa cho hai bên hết phiền giận nhau, coi thế dễ hơn. Nếu ông nhận lãnh tiền bạc của em, tức ông hết giận em, thì bữa khác em sẽ tới thăm ông.

- Được. Qua có quyền thay mặt cho em. Sáng mai qua đi cho.

Chú thích

[sửa]

21 trường nữ do nhà thờ quản lý, còn gọi là trường bà phước