Biên dịch:Thư gởi các Mục sư - thư thứ hai

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Thư gởi các Mục sư - thư thứ hai
của Charles Grandison Finney, do Wikisource dịch từ tiếng Anh
Năm 1845 - 1846


Tôi nhận thấy, và nhiều người khác cũng có nhận xét giống tôi, ấy là từ mười năm nay, các cuộc phục hưng tôn giáo ngày càng trở nên nông cạn. Toàn bộ hiện tượng trên minh chứng điều này: ngày càng có ít sự cáo trách tội lỗi và những tấm lòng tan vỡ, càng ít sự khiêm nhu, ít sức mạnh trong ân điển được thể hiện bởi các tân tín hữu trong các cuộc phục hưng, nếu so sánh với những cuộc phục hưng trong năm 1830, 1831 trở về trước. Tôi và những người khác cũng nhận thấy các cuộc phục hưng ngày càng ngắn hơn, sự đáp ứng đối với phục hưng ngày càng thiếu phẩm chất và càng xảy ra đột ngột hơn. Ngày càng có ít tân tín hữu trải nghiệm nếp sống Cơ Đốc vững vàng và hiệu quả; những người kiên trung thì lại ít tiến bộ, và khó có thể nhận thấy Linh của Chúa Cơ Đốc trong đời sống họ.

Họ thiếu sốt sắng trong cầu nguyện, càng ít quan tâm đến tính khiêm nhường và lòng nhu mì. Tóm lại, từ trải nghiệm và quan sát của tôi, cũng như từ lời xác chứng của những người khác, hiện trạng của các cuộc phục hưng hiện nay là ít đáng mong đợi hơn trước đây. Các tín hữu ngày càng ít quan tâm đến tâm linh, bớt cầu nguyện, ít khiêm nhường và thức tỉnh, càng không thực sự trải nghiệm báp têm trong Chúa Thánh Linh như trước đây. Tôi không có ý áp dụng những nhận xét trên cho các cuộc phục hưng hiện thời, nhưng tôi tin là chúng đúng cho tình trạng chung lúc này. Tôi tin là các mục sư cũng không mong muốn phục hưng đến với giáo đoàn của mình như trước đây, họ có lý do để không mong đợi điều ấy xảy ra. Bởi vì họ từng chứng kiến những điều đang xảy ra trong các cuộc phục hưng hiện nay, nên họ e sợ phục hưng. Tôi muốn nói đây là tình trạng chung dù không phải là hoàn toàn đúng trong mọi trường hợp, và tôi cũng chỉ trình bày sự cảm nhận của đa số. Tôi vẫn thường nghe những nhận xét như thế trong vòng các mục sư và tín hữu. Chúng ta khao khát những ngày ấy trở lại với các cuộc phục hưng mà chúng ta từng chứng kiến. Tôi nhìn thấy mọi sự đổ xô nhau theo hướng ấy mà lòng khắc khoải, cẩn trọng hết sức mình trong sự cầu nguyện mà tra xem nguyên cớ. Nếu tôi không phán đoán sai, thì sẽ xảy ra những điều sau:

1. Ngày càng có ít sự tra xét tấm lòng bằng cách phô bày sự hư hoại của con người. Hầu như ai cũng nhận ra điều này, một người anh em đã hầu việc Chúa lâu năm trong cương vị một nhà truyền bá phúc âm cũng nhận xét y như vậy, do đó mà ít thấy sự chống trả của những tội nhân cứng lòng. Ngày nay không còn có những tấm lòng bại hoại chống nghịch Chúa, nhưng không có ánh sáng nào phơi bày bản chất thù nghịch của con người xác thịt đối với Chúa. Bản chất bại hoại của con người không còn được bóc trần đến tận gốc rễ như trước đây. Có lẽ có một ít bài giảng về chủ đề này như vẫn thường làm trong các cuộc phục hưng, nhưng tôi e rằng bản chất bại hoại không còn là tâm điểm thường xuyên được đề cập trong giảng luận như cần được làm, và phải làm, hầu có thể làm tan vỡ tấm lòng chai sạn của tội nhân và những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp.
Từ trải nghiệm và sự quan sát của tôi cũng như từ Lời Chúa, tôi hoàn toàn chịu thuyết phục rằng đặc điểm của phục hưng phụ thuộc vào sự tập chú liên tục vào bản chất hại hoại của lòng người. Sự kiêu ngạo, thù nghịch, luồn lách, dối trá của lòng người là thù nghịch với Thiên Chúa. Những điều này cần được phơi bày trong ánh sáng của luật pháp toàn hảo của Ngài.

2. Tôi e rằng chúng ta đã không quan tâm đủ đến những trái tội lỗi sản sinh từ bản chất bại hoại của lòng người. Các bài giảng đã không sắc bén và xuyên suốt đủ để khiến lòng họ bị cáo trách, khiến tội nhân không thể thốt nên lời bào chữa nào khi nhận thức được sự gian ác, bại hoại của lòng họ.
Không có cuộc phục hưng chân chính nào mà không khiến tội nhân và người sa ngã tra xét mình cách khiêm nhường đến nỗi họ không dám ngẩng cao đầu. Đây là một điều hiển nhiên đối với tôi, khi tội nhân và người sa ngã còn ngẩng cao đầu và nhìn người khác mặt đối mặt mà không hề bối rối hoặc hổ thẹn có nghĩa là họ không hề tra xét lòng mình, do đó không hề bị cáo trách tội lỗi mà tìm kiếm sự cứu rỗi từ Chúa. Tôi mong ước anh em quan tâm đặc biệt đến điều này. Khi tội nhân và người sa ngã bị Chúa Thánh Linh cáo trách, họ sẽ hết sức hổ thẹn về mình. Trừ khi họ thể hiện sự hổ thẹn tỏ tường, sự cáo trách tội lỗi là không đủ và họ không nhận biết tình trạng của mình như họ cần làm. Khi đến dự một buổi nhóm phục hưng, nhìn vào cử tọa khi thấy có những người ngẩng cao đầu nhìn tôi và người khác, tôi biết điều mình phải làm. Thay vì thúc giục họ đến tiếp nhận Chúa Cơ Đốc, trước tiên tôi cần phải cáo trách họ về tội lỗi. Nhìn chung khi nhìn qua phòng nhóm, một mục sư có thể phân biệt không chỉ ai là người chịu cáo trách ai không, mà còn có thể nhận ra những người bị cáo trách sâu sắc về tội lỗi mình đủ để sẵn lòng tiếp nhận Chúa. Một số người nhìn quanh mà không hề cảm thấy hổ thẹn, những người khác không thể nhìn vào mặt anh em, cũng không thể ngẩng cao đầu, một số ngẩng cao đầu và im lặng, những người khác khóc nức nở, thở mạnh và tỏ ra đau đớn, đây là những dấu hiệu cho thấy lưỡi gươm của Chúa Thánh Linh xuyên thấu lòng họ.
Nay tôi học biết rằng không thể nào có một cuộc phục hưng toàn diện đáng mong đợi nếu sự giảng luận không thẳng thắn và hiệu quả đủ để cáo trách và đánh thức tội nhân ngay lập tức, khiến họ hổ thẹn và kinh hãi trước mặt Chúa, không chỉ không bào chữa cho mình mà còn nhận thức sự công chính của Thiên Chúa và tự lên án mình.

3. Theo tôi, trong nhiều trường hợp, các diễn giả đã không chịu nhấn mạnh đủ đến sự cần thiết phải có ảnh hưởng thiên thượng tác động đến lòng tín hữu và tội nhân. Đôi lúc tôi cũng mắc phải sai lầm này. Để khiến tội nhân và người sa ngã từ bỏ hi vọng tránh né và tự bào chữa, tôi đã đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố phản ứng tự nhiên của con người là tìm cách che giấu bản chất thật của mình, cũng như khước từ ân điển của Thiên Chúa và ảnh hưởng của Thánh Linh Ngài. Thái độ này làm buồn lòng Linh của Thiên Chúa. Quyền năng của Ngài không được hiển lộ, Danh Ngài không được tôn vinh, và ảnh hưởng của Ngài bị cầm giữ lại. Thay vào đó là đám đông bị khích động dữ dội khi người ta áp dụng những thủ pháp tâm lý nhằm khơi động cảm xúc, khơi mở các loại ảo vọng, mà không chịu nhận thức về tầm quan trọng của nỗ lực tìm kiếm sự hiện diện và quyền năng của Chúa Thánh Linh.
Không cần giải thích để có thể hiểu ra rằng những hi vọng hão huyền kiểu ấy là những điều cần phải vất bỏ chứ không phải để giữ lại. Thật vậy, sẽ là kỳ dị nếu một người quyết định theo đuổi nếp sống Cơ Đốc được lập nền trên những trải nghiệm mà trong đó vai trò của Chúa Thánh Linh đã bị bác bỏ.

Xem thêm[sửa]




 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:

Tác phẩm này được phát hành theo Giấy phép Creative Commons Ghi công-Chia sẻ tương tự 3.0 Chưa chuyển đổi, cho phép sử dụng, phân phối, và tạo tác phẩm phái sinh một cách tự do, miễn là không được thay đổi giấy phép và ghi chú rõ ràng, cùng với việc ghi công tác giả gốc.

 

Tác phẩm này được phát hành theo các điều khoản của Giấy phép Tài liệu Tự do GNU.


Điều khoản sử dụng của Wikimedia Foundation yêu cầu văn bản được cấp phép theo GFDL được nhập sau tháng 11 năm 2008 cũng phải cấp phép kép với một giấy phép tương thích khác. "Nội dung chỉ khả dụng trong GFDL không được phép" (§7.4). Điều này không áp dụng cho phương tiện phi văn bản.