Biên dịch:Thư gởi các Mục sư - thư thứ năm
Một sai lầm khác vẫn thường bắt gặp trong nỗ lực phục hưng hội thánh, đó là thiếu nhận thức đúng đắn trong giảng luận, ấy là do các khái niệm về đạo thật không hề được hình thành và phát triển trong tâm trí của các diễn giả. Nhiều lần tôi sửng sốt đến đau đớn khi biết rằng chỉ có rất ít diễn giả nhận chân được đạo thật. Đông đảo người nghe đồng nhất tôn giáo với một vài cảm giác và cảm xúc, cùng trạng thái thụ động của trí tuệ. Vì vậy, khi nhắc đến tôn giáo họ chỉ nói về cảm xúc. Tôi cảm nhận như thế. Đối với họ, tôn giáo hầu như, nếu không nói hoàn toàn, chỉ đơn giản là một vài trạng thái của cảm xúc. Nếu như thế thì chẳng có tôn giáo gì ở đây cả.
Đám đông xem tôn giáo chủ yếu là ước muốn chứ không phải là sự lựa chọn và hành động của ý chí; như vậy không phải là tôn giáo nếu từ “ước muốn” được hiểu theo nghĩa thụ động. Những người khác xem tôn giáo là một vấn đề pháp lý, theo đó lương tâm thúc đẩy chúng ta hoàn thành một số công việc gọi là nghĩa vụ. Thật vậy, hầu như có đủ mọi nhận thức lệch lạc về đạo thật. Bởi vì người ta không hiểu biết gì hết về bản chất của tội lỗi hoặc bản chất của sự thánh khiết.
Sự vị kỷ chưa bao giờ bị xem là tội lỗi trong mắt của các nhà hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp. Khi có cơ hội luận giải về sự vị kỷ, tôi vẫn thường ngạc nhiên khi thấy rất nhiều nhà hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp tỏ vẻ kinh ngạc, như thể đó là điều mới lạ lắm, khi họ nghe đến ý tưởng cho rằng sự vị kỷ là hoàn toàn đối nghịch với đạo thật. Trong một lần đến giảng luận tại một trong những thành phố của chúng ta, tôi cố sức trình bày về Cơ Đốc giáo thật, giải thích rằng đạo thật là tôn giáo của tình yêu thương và lòng nhân ái trọn lành đối với mọi người. Ý niệm này xem ra là hoàn toàn xa lạ đối với nhiều nhà hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp. Trong một trường hợp, sau khi chủ đề này được giải thích cặn kẽ cho đến khi cử tọa thấu hiểu thì một chấp sự đến gặp tôi sau giờ nhóm, nói rằng ông không tin là có đến mười tín hữu Cơ Đốc thật có mặt trong thành phố này. Một phụ nữ cũng đến bảo rằng bà biết chỉ có một người trong nhà thờ của bà là người có tôn giáo của lòng nhân ái; hết thảy những người còn lại, theo như bà biết, đang sống dưới sự thống trị của tính vị kỷ. Nếu tôi không lầm, chúng ta cần thẳng thắn để có thể nhận thức đúng đắn về vấn đề này. Đây là lúc chúng ta cần có sự phân biệt rõ ràng cho đến khi đạo thật được phát triển đầy đủ. Nếu không, các tân tín hữu sẽ mắc phải vô số sai lầm. Trong thư sau tôi sẽ trình bày chi tiết những sai lầm này, ở đây tôi chỉ có thể nói rằng điều hết sức quan trọng là mọi người cần phải biết tôn giáo thật là gì.
Tôn giáo thật có thể được miêu tả tóm tắt trong ba từ: tình yêu thương. Mọi hình thái của đạo thật là sự thể hiện tình yêu thương và lòng nhân ái bất vụ lợi, và bất cứ điều gì không phát xuất từ tình yêu thương không thể được xem là đức hạnh hoặc tôn giáo thật. Tân tín hữu cần được chỉ dẫn cặn kẽ rằng trải nghiệm qui đạo nghĩa là yêu Thiên Chúa với tất cả tấm lòng. Ăn năn nghĩa là từ bỏ tính vị kỷ, và để lòng mình đầu phục Chúa. Tóm lại, điều trước tiên và duy nhất họ cần phải làm là hết lòng kính yêu Thiên Chúa và yêu người lân cận như chính mình. Không có tình yêu thương ấy, bất kỳ điều gì họ làm đều không phải là đạo thật...
Còn có một sai lầm khác thường dễ mắc phải. Bằng ngôn ngữ triết học, nhiều người gắng sức giãi bày bản chất của đức tin hoặc sự ăn năn và ân điển, rồi họ dừng lại ở đó khiến tâm trí người nghe chấp nhận chúng mà lòng thì dửng dưng. Họ giúp người nghe hiểu được đức tin là gì mà không nài ép họ thực hành đức tin ấy. Họ hài lòng với việc trình bày các ý niệm mà không chịu thuyết phục người khác chấp nhận chân lý... Họ giải thích cặn kẽ về lòng nhân ái nhưng không khiến người nghe trở nên nhân ái, bởi vì không thể có lòng nhân ái thật nếu không được giải thoát khỏi sự vị kỷ. Một người có thể hiểu rõ bản chất của lòng nhân ái mà không hề có lòng nhân ái. Nếu chúng ta hài lòng với công việc trình bày ý niệm thật về lòng nhân ái mà không chịu trình bày Thiên Chúa, Chúa Cơ Đốc, và tình yêu của Ngài, chúng ta không thể dẫn dắt người khác đến với đạo thật.
Tóm lại, trong khi một số diễn giả không chịu phân biệt rõ ràng về bản chất của đạo thật đã khiến các tân tín hữu chấp nhận một điều gì khác mà cứ ngỡ đó là đạo thật, thì những người khác chỉ loay hoay với việc diễn giải những ý niệm đến nỗi các tân tín hữu tưởng lầm rằng tôn giáo chỉ đơn giản là kiến thức và trí tuệ.
Điều gì đúng với đức tin và tình yêu thương cũng đúng với sự ăn năn, tính khiêm nhường, lòng nhu mì, và mọi đức hạnh. Không chỉ cần phải xác định bản chất triết học của chúng cho đến khi các ý niệm chính xác được hình thành trong tâm trí, mà còn phải nhấn mạnh, xem xét, và cắt nghĩa cặn kẽ cho đến khi tấm lòng người nghe mở ra để chấp nhận thực hành các đức tính kể trên. Chỉ diễn giải bản chất triết học của chân lý rồi dừng lại ở đó sẽ giúp phát triển các ý tưởng mà chẳng có tác dụng gì; ngược lại, trình bày chân lý cách mạch lạc và sinh động có thể thuyết phục người nghe mở lòng ra với đạo thật. Khi được giới thiệu về Chúa Cơ Đốc, người nghe có thể tiếp nhận Ngài mà không một lần suy nghĩ về bản chất triết học của đức tin thật. Cũng vậy, khi được nghe trình bày về tính cách của Thiên Chúa, tình yêu thật sẽ hình thành trong tâm trí người nghe dù họ không hiểu bản chất triết học của tình yêu là gì.
Tôi nài xin anh em, những ai đang hầu việc Chúa trong nỗ lực phục hưng hội thánh, hãy ghi nhớ và thực hành nguyên tắc trọng yếu này: rao giảng phúc âm với tấm lòng nóng cháy và quyền năng bắt phục tội nhân, khiến người nghe tin và bước đi trong đức tin cho đến khi các đức tính Cơ Đốc được thể hiện trong đời sống họ. Trong khi giảng dạy, diễn giả đôi lúc cần phân biệt rõ những điều kể trên. Như thế, họ sẽ khơi mở trong tâm trí người nghe ý niệm chân xác về đạo giáo, cùng lúc dập tắt mọi hi vọng hão huyền.
Xem thêm
[sửa]
Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.
Tác phẩm này được phát hành theo Giấy phép Creative Commons Ghi công-Chia sẻ tương tự 3.0 Chưa chuyển đổi, cho phép sử dụng, phân phối, và tạo tác phẩm phái sinh một cách tự do, miễn là không được thay đổi giấy phép và ghi chú rõ ràng, cùng với việc ghi công tác giả gốc.
Tác phẩm này được phát hành theo các điều khoản của Giấy phép Tài liệu Tự do GNU.
Điều khoản sử dụng của Wikimedia Foundation yêu cầu văn bản được cấp phép theo GFDL được nhập sau tháng 11 năm 2008 cũng phải cấp phép kép với một giấy phép tương thích khác. "Nội dung chỉ khả dụng trong GFDL không được phép" (§7.4). Điều này không áp dụng cho phương tiện phi văn bản.