Bước tới nội dung

Biên dịch:Thuyết vị lợi

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Thuyết vị lợi  (1861) 
của John Stuart Mill, do Wikisource dịch từ tiếng Anh
"Thuyết vị lợi" là tên 1 khảo luận do John Stuart Mill viết lần đầu năm 1861.

CHƯƠNG I: Nhận xét chung

Một số ít ỏi trong những hoàn cảnh tạo nên điều kiện hiện tại của tri thức nhân loại là những tiến bộ dù nhỏ bé, nhưng, hoặc khác hẳn những gì đã từng được trông đợi, hoặc vượt xa thời lạc hậu khi suy tư về những chủ đề cơ bản nhất vẫn còn gây trăn trở, đạt được trong quyết định trên vấn đề tranh cãi về tiêu chuẩn của cái đúng và cái sai. Từ thủa bình minh của triết học, câu hỏi về sự chí thiện và cơ sở của luân lý luôn là bài toán chưa có lời giải cuối đối với tư duy thuần túy. Câu hỏi này mê hoặc những người tài trí, chia rẽ họ thành các môn phái khác biệt. Và những cuộc tranh luận qua lại liên miên nhanh chóng trở thành nguồn giao thiệp chủ yếu giữa các môn phái đó. Sau hơn 2000 năm, những cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn không ngừng nghỉ, các triết gia mới vẫn tiếp nối truyền thống của những môn phái cũ. Song giới triết gia nói riêng và nhân loại nói chung chưa ai tìm ra được lời giải có thể khiến tất cả những người khác tâm phục khẩu phục. Thời nay xem ra cũng chẳng khác gì thời chàng trai trẻ Socrates lắng nghe ông già Protagoras và khẳng định (nếu đoạn đối thoại giữa Socrates và Protagoras do Plato ghi lại là có thật) sự đúng đắn của thuyết vị lợi trước thuyết ngụy biện lúc đó đang ở thời hoàng kim. Tất cả các ngành khoa học đều chịu cảnh: còn tồn tại sự thiếu rõ ràng và không chắc chắn, thậm chí là xung đột trong chính những nguyên tắc cơ bản của ngành. Ngay cả toán học, vốn được coi là nhánh khoa học rõ ràng và dễ đạt được sự nhất trí nhất cũng vậy. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng nhiều, hay không gây ảnh hưởng gì, đến tính đáng tin cậy của các kết luận trong những ngành khoa học đó. Lời giải thích cho sự bất thường này là: các học thuyết của một ngành khoa học thường không xuất phát từ, hoặc phụ thuộc vào những nguyên tắc cơ bản. Nếu không như vậy, đại số, pháp luật (Anh) và thần học chắc khó tồn tại. Những sự thật được coi là nguyên tắc cơ bản của một ngành khoa học chính là kết quả cuối cùng của sự phân tích siêu hình, được kiểm chứng nhiều lần trên những khái niệm cơ bản của ngành. Mối quan hệ của các nguyên tắc cơ bản và ngành khoa học không phải là mối quan hệ giữa móng và tòa dinh thự, mà là rễ và cây. Rễ làm tốt chức năng của mình dù không sao giờ bị chạm tới (trong lòng đất) hay bị lôi lên (phơi dưới ánh mặt trời). Trong khoa học, những nguyên tắc riêng lẻ thường xuất hiện trước học thuyết phổ quát, song với một số ngành khoa học như luân lý học và pháp luật thì không như vậy. Mỗi hành động đều có một mục đích, và dễ thấy, đặc điểm và sắc thái của hành động đó đều nhằm đạt được mục đích. Khi chúng ta mưu cầu điều gì đó, điều đầu tiên chúng ta cần là một khái niệm rõ ràng và cụ thể về cái chúng ta đang mưu cầu. Một phép thử đúng – sai phải là công cụ của việc xác định đúng – sai, chứ không phải là kết quả của việc đã xác định được đúng sai. Để xác định đúng – sai, chúng ta không thể dựa vào một học thuyết đang hợp thời ca ngợi một năng lực thiên sinh: đó là bản năng hay ý thức luân lý.

Lý do:

  • 1. Bản năng luân lý có tồn tại hay không đang là một vấn đề gây tranh cãi.
  • 2. Theo các nhà tư tưởng, năng lực luân lý chỉ cung cấp cho chúng ta những nguyên tắc phổ quát để đánh giá luân lý. Đó chỉ là một nhánh của tư duy, không phải năng lực trực giác của chúng ta. Chúng ta chỉ viện đến năng lực luân lý để tìm kiếm các học thuyết trừu tượng của luân lý, không phải để tìm kiếm tri giác luân lý. Trong khi đó, phái trực giác luân lý cũng khẳng định sự cần thiết của các nguyên tắc phổ quát. Hầu hết các nguyên tắc luân lý của hai phái là trùng nhau. Để xem xét tính luân lý của một hành động do một cá nhân thực hiện, hai phái đều cho rằng, phải áp dụng một nguyên tắc phổ quát vào một trường hợp cụ thể. Điểm khác nhau của hai phái là: Với phái ủng hộ bản năng luân lý, các nguyên tắc luân lý rõ ràng là tiên nghiệm, trừu tượng không cụ thể mà con người tự nguyện tuân theo. Với phái trực giác, kết luận về đúng và sai, chân và giả đến từ quan sát và kinh nghiệm. Dù vậy, cả hai đều cho rằng luân lý phải được diễn dịch từ các nguyên tắc, và có một khoa học về luân lý. Tuy nhiên, phái bản năng đạo đức không mấy khi thử liệt kê một danh sách các nguyên tắc tiên nghiệm mà theo lời họ là nền tảng của khoa học luân lý; còn phái trực giác hầu như không cố gắng rút gọn số lượng nguyên tắc đông đảo thành một nguyên tắc tối cao, hay một nền tảng chung cho nghĩa vụ. Họ hoặc coi các điều lệnh đạo đức thông thường là quyền uy tiên nghiệm (phái trực giác), hoặc coi quyền uy tiên nghiệm là nền tảng chung của các điều lệnh đó (phái bản năng đạo đức). Quan điểm của họ chưa bao giờ được chấp nhận rộng rãi.

Tuy nhiên, để chứng minh được những quan điểm trên, các triết gia cần phải chỉ ra được một nguyên tắc tối cao làm gốc cho mọi luân lý. Nguyên tắc này cần phải tự chứng minh được tính hiển nhiên của mình. Hoặc nếu có không chỉ một, mà một số nguyên tắc cơ bản, giữa chúng nên có một trật tự ưu tiên nhất định; quy luật lựa chọn giữa các nguyên tắc này khi chúng xung đột, cũng cần tự chứng minh được tính hiển nhiên của mình. Tác động tiêu cực của sự thiếu vắng (những) nguyên tắc cơ bản đã được khỏa lấp ra sao trong thực tiễn? Niềm tin luân lý bị ảnh hưởng thế nào bởi sự thiếu vắng nói trên? Trả lời các câu hỏi này cần một cuộc khảo sát và thảo luận toàn diện học thuyết đạo đức từ trước đến nay. Song, không cần đình đám đến vậy, cũng dễ thấy là dù các niềm tin đạo đức đạt được độ vững vàng và nhất quán đến thế nào, sự vững vàng và nhất quán đó có được chủ yếu là nhờ sức nặng của một nguyên tắc không được công nhận (rộng rãi).

Không tồn tại một nguyên tắc tối cao được thừa nhận rộng rãi, đạo đức không thể trở thành kim chỉ nam cho cảm tính thực sự của con người. Dù vậy, cảm tính của con người, cả thiện cảm lẫn ác cảm, đều chịu ảnh hưởng lớn từ những gì con người cho là có tác động đến hạnh phúc của họ. Do đó, nguyên tắc vị lợi, hay như sau này Bentham gọi là “nguyên tắc hạnh phúc cực đại”, đóng vai trò không nhỏ trong quá trình hình thành các học thuyết luân lý, kể cả các học thuyết luân lý bài bác chính nguyên tắc này. Dù không muốn thừa nhận đây là nguyên tắc cơ bản của luân lý, là nguồn gốc của nghĩa vụ luân lý, cũng không có học thuyết nào phủ nhận tầm quan trọng và ưu thế của nguyên tắc vị lợi trong luân lý học. Nói xa hơn, tôi nghĩ rằng ngay đối với tất cả các nhà luân lý học theo phái tiên nghiệm, những luận chứng dựa trên cơ sở vị lợi là không thể thiếu. Lúc này tôi không chủ tâm chỉ trích những triết gia trên; nhưng để minh họa cho quan điểm của mình, tôi không thể không nhắc tới một trong những người nổi tiếng nhất trong số họ - Kant và một cuốn khảo luận của ông. Trong tác phẩm Siêu hình học của đạo đức, nhân vật kiệt xuất này đưa ra một nguyên tắc tối cao áp dụng với tất cả mọi người. Ông coi đó là nguồn gốc và cơ sở của nghĩa vụ đạo đức. Nguyên tắc tối cao đó là: “Chỉ nên hành xử theo phương châm mà qua cách hành xử của mình, bạn muốn phương châm đó trở thành một quy luật chung cho tất cả mọi sinh vật lý tính”. Song, khi suy diễn bất kỳ nghĩa vụ đạo đức nào từ nguyên tắc tối cao nói trên, Kant đã thất bại một cách lố bịch trong việc chứng minh mọi sinh vật lý tính đều hành xử theo những phương châm vô đạo đức nhất là điều không thể xảy ra xét trên phương diện luận lý và vật lý. Lúc này, tôi sẽ không thảo luận thêm về các học thuyết khác, mà cố gắng đóng góp điều gì đó vào công cuộc tìm hiểu và đánh giá học thuyết Vị lợi hay còn gọi là học thuyết Hạnh phúc, và chứng minh tính đúng đắn của học thuyết. Dễ thấy là không thể chứng minh tính đúng đắn của thuyết vị lợi theo cách phổ biến thông thường. Các vấn đề liên quan đến mục đích tối hậu không tuân theo cách chứng minh trực tiếp. Không thể chứng minh cái gì là cái thiện một cách trực tiếp, mà phải gián tiếp chứng minh cái đó là phương tiện cho một cái khác đã được thừa nhận là cái thiện mà không cần qua chứng minh. Y học được chứng minh là cái thiện bởi nó mang lại sức khỏe; nhưng làm thế nào để chứng minh được là sức khỏe là cái thiện? Âm nhạc là cái thiện. Một trong những lý do là vì nó mang lại khoái lạc, nhưng làm thế nào để chứng minh được khoái lạc là cái thiện. Nếu, có một công thức toàn diện, bao gồm những cái thiện tự thân và những cái thiện vừa là mục đích vừa là công cụ? Công thức này có thể được thừa nhận, có thể không, song không phải là chủ thể của chứng minh theo cách hiểu thông thường. Tuy nhiên không vì thế mà ta chấp nhận hay không chấp nhận công thức trên một cách bốc đồng mù quáng hoặc độc đoán chuyên quyền. Từ “chứng minh” ở đây có nghĩa rộng hơn nghĩa thông thường, và vấn đề liên quan đến công thức vị lợi cũng tuân theo nó như mọi vấn đề gây tranh cãi khác trong triết học. Vấn đề này vẫn nằm trong tầm nhận thức của năng lực lý tính và không gói gọn trong khả năng nhận thức của trực giác. Nếu trí tuệ, sau khi cân nhắc, đồng ý hoặc không đồng ý với quan điểm trên, thì điều đó tương ứng với sự chứng minh. Trước khi chứng minh công thức vị lợi, điều kiện đầu tiên là phải hiểu đúng nó. Vì vậy, trước khi cố gắng xâm nhập các cơ sở triết học có lợi cho thuyết vị lợi, tôi xin cung cấp một vài ví dụ minh họa với mục đích làm rõ hơn thuyết vị lợi là gì và phản bác lại những chỉ trích sai lầm bắt nguồn từ, hoặc có quan hệ mật thiết với, các cách hiểu sai lầm về ý nghĩa của học thuyết này. Chương 2: Thuyết vị lợi là gì? Trước hết, tôi muốn nói qua là nhiều người sai lầm khi cho rằng người theo thuyết vị lợi sử dụng thuật ngữ “thuyết vị lợi” theo nghĩa hẹp và thông tục. Theo cách hiểu này, tính vị lợi đối chọi với khoái lạc. Đáng ngạc nhiên thay, một tuyến chỉ trích khác lại là thuyết vị lợi quy mọi thứ về khoái lạc.

Song những người có chút hiểu biết về thuyết vị lợi đều thấy rằng tất cả các tác gia theo trường phái này, từ Epicurus đến Bentham đều hiểu tính vị lợi không hề đối chọi với khoái lạc, mà chính là khoái lạc và không đau khổ; cái hữu dụng, thay vì đối chọi, mà bao gồm cái được đồng tình và cái cao quý. Song không chỉ trên báo chí và tạp chí khoa học, ngay trong sách khoa học, nhiều người, trong đó có nhiều tác gia, không hiểu điều này. Hễ nhìn thấy chữ Thuyết vị lợi, không cần biết gì hơn, họ lập tức bỏ qua. Không chỉ bị chê sai, đôi khi thuyết vị lợi còn bị chê sai, ví dụ tính vị lợi được coi là ưu việt hơn sự phù phiếm hay những khoái lạc nhất thời.

Tác giả của quyển khảo luận này có lý do để tin mình chính là người đầu tiên đưa từ “Thuyết vị lợi” vào sử dụng. Tác giả không phát minh ra từ này, mà lấy từ một quyển “Biên niên sử của giáo xứ”, tác giả là ông Galt. Thuật ngữ này bù đắp sự thiếu hụt về từ vựng, và trong nhiều trường hợp, giúp tránh được sự giải thích dài dòng.

Thuyết vị lợi coi Nguyên tắc Vị lợi, hay còn gọi là Nguyên tắc Hạnh phúc cực đại là nền tảng của luân lý. Nguyên tắc vị lợi cho rằng: Một hành động là đúng nếu thúc đẩy hạnh phúc, là sai nếu có xu hướng tạo ra cái đối lập với hạnh phúc. Hạnh phúc ở đây có nghĩa là khoái lạc, và không có đau khổ. Bất hạnh nghĩa là đau khổ, và thiếu thốn khoái lạc. Khoái lạc và không đau khổ là những thứ duy nhất đáng được khao khát với tư cách mục đích. Tất cả những thứ đáng được khao khát là đáng được khao khát để thúc đẩy khoái lạc vốn có trong chính chúng, hoặc chúng là phương tiện để thúc đẩy khoái lạc và ngăn ngừa sự đau khổ.

Theo thuyết vị lợi, cuộc sống không có mục đích nào cao hơn khoái lạc. Khoái lạc là khách thể tốt nhất và cao quý nhất để khát khao và theo đuổi. Tuy nhiên, những người phản đối lại cho rằng một học thuyết như vậy là hèn hạ, là học thuyết của loài lợn. Từ sớm các môn đồ của Epicurus đã bị so sánh một cách khinh khi như vậy. Và những người theo thuyết vị lợi ở thời hiện đại thi thoảng vẫn trở thành chủ thể của kiểu ví von trang nhã này.

Khi bị chỉ trích, các môn đệ của Epicurus luôn đáp trả rằng, không phải họ, mà chính những kẻ chỉ trích, là người mô tả bản chất con người một cách hèn hạ, bởi lời cáo buộc giả định con người không có khả năng cảm nhận được khoái lạc nào ngoài những khoái lạc mà loài lợn có khả năng cảm nhận. Nếu giả định này là đúng, thì lời cáo buộc là không thể chối cãi, nhưng khi đó nó sẽ không còn là lời cáo buộc nữa. Vì nếu nguồn gốc của khoái lạc đối với loài người hay loài lợn đều như nhau, thì trong cuộc sống, quy luật nào tốt với loài lợn sẽ tốt cho loài người và ngược lại. Không thể so sánh như vậy được, vì khoái lạc của cầm thú không thể thỏa mãn khái niệm hạnh phúc của con người. Con người có những năng lực tiến hóa hơn ham muốn của loài vật. Quả thực tôi không cho rằng quá trình phát triển nguyên tắc vị lợi của phái Epicurus là hoàn hảo. Nhưng nhánh nào theo phái Epicurus cũng coi khoái lạc của trí tuệ, tình cảm và sự tưởng tượng, cũng như của những cảm nhận luân lý cao hơn khoái lạc cảm tính đơn thuần. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng các tác gia theo thuyết vị lợi nói chung đã đặt khoái lạc về tinh thần cao hơn khoái lạc về thể xác chủ yếu ở tính lâu dài (lâu dài hơn), an toàn (an toàn hơn), ít tốn kém hơn - tức là, dựa trên những lợi thế do hoàn cảnh tạo nên nhiều hơn là dựa vào bản chất nội tại. Tuy đã phản bác được những lời chỉ trích, tôi nghĩ, người theo thuyết vị lợi có thể nâng tầm lên một nền tảng khác, có thể nói, một nền tảng cao hơn. Không có gì xung đột với nguyên tắc vị lợi khi thừa nhận thực tế là, một số loại khoái lạc đáng khát khao và có giá trị hơn những khoái lạc khác. Đánh giá khoái lạc cần dựa vào cả lượng và chất.

Nếu tôi được hỏi, tôi có ý gì khi nhắc đến sự khác biệt về chất giữa các khoái lạc, hay nói cách khác, điều gì khiến khoái lạc A có giá trị hơn khoái lạc B, ngoài việc A vượt B về lượng, thì tôi chỉ có một câu trả lời. Nếu tất cả, hay hầu như tất cả, những người đã trải nghiệm qua A và B, rõ ràng ưa thích A, thì bất kể cảm giác bổn phận luân lý của họ về A và B thế nào, A là khoái lạc đáng khao khát hơn. Nếu những người đã trải nghiệm qua cả hai khoái lạc ưa thích A hơn B (dù biết A đi cùng nhiều sự bất mãn hơn B), và không từ bỏ nó để đổi lấy B bất kể số lượng nào của B, chúng ta có lý do chính đáng để cho rằng sự ưa thích kia thể hiện sự vượt trội về chất, và chất có sức nặng hơn lượng.

Thực tế là những người thông thạo hai khoái lạc như nhau, có khả năng cảm thụ giá trị và thưởng thức hai khoái lạc như nhau, đều ưa thích khoái lạc nào liên quan đến những năng lực cao cấp hơn của họ. Hẳn là rất ít người đồng ý biến mình thành một loại động vật nào đó cấp thấp hơn để được hưởng đầy đủ những khoái lạc của cầm thú; không người thông minh nào lại đồng ý trở thành thằng ngốc, không người hiểu biết nào lại muốn trở thành người ngu dốt, không người có lương tâm và cảm xúc nào muốn trở thành ích kỷ và hèn hạ, kể cả khi họ bị thuyết phục rằng thằng ngốc, người ngu hay kẻ bất lương hài lòng với số phận của mình hơn chính họ hài lòng với số phận của họ. Họ sẽ không từ bỏ những gì họ có vì họ có đầy đủ những khao khát mà thằng ngốc/người ngu/kẻ bất lương có, nhưng người kia lại không có những khao khát khác mà họ có. Nếu họ muốn, trong trường hợp bất hạnh cực điểm, đến mức để thoát khỏi nó, họ sẽ đổi số phận của mình để lấy bất kỳ số phận nào khác, dù họ cũng chẳng khao khát gì số phận đó. Để cảm thấy hạnh phúc, một sinh vật cao cấp cần nhiều thứ hơn là một sinh vật cấp thấp hơn. Có lẽ sinh vật đó cũng có khả năng chịu đựng đau khổ tốt hơn (trong đời, hẳn là có những lúc anh ta phải chịu đau khổ) các loài động vật thấp hơn. Nhưng dù phải đối diện với những nguy cơ như vậy, không bao giờ anh ta có thể thực sự mong muốn bước vào một cấp độ tồn tại thấp hơn.

Chúng ta có thể đưa ra lời giải thích mà ta cảm thấy vừa ý về sự không mong muốn này.

  • Ta có thể nói con người không muốn biến thành con vật vì con người có lòng tự trọng. Lòng tự trọng là mỹ từ được sử dụng một cách bừa bãi khi nói về một số cảm xúc đáng quý trọng nhất và cả một số cảm xúc ít đáng quý trọng nhất mà nhân loại có khả năng cảm nhận.
  • Ta có thể nói con người không muốn biến thành con vật vì họ yêu tự do và độc lập cá nhân. Đây là lý do hấp dẫn những người theo phái khắc kỷ.
  • Ta có thể nói con người không muốn thành con vật vì con người yêu quyền lực, yêu sự sôi động.

Nhưng lời giải thích phù hợp nhất là ý thức về phẩm giá mà con người ai cũng có (dưới hình thức này hay hình thức khác). Ý thức về phẩm giá tỷ lệ thuận với các năng lực cao cấp của con người. Với những người có ý thức phẩm giá cao, nó là một phần thiết yếu của hạnh phúc, đến mức không gì xung đột với nó có thể trở thành (hoặc chỉ trở thành trong giây lát) một khách thể cho sự khao khát của họ.

Những ai giả định rằng việc con người không muốn trở thành con vật là họ phải hy sinh một phần hạnh phúc, hay giả định rằng con người, trong những tình huống như nhau, không hạnh phúc hơn con vật - những người đó đã lẫn lộn hai hai khái niệm rất khác nhau: đó là hạnh phúc và sự hài lòng. Có một điều hiển nhiên là các sinh vật có năng lực thưởng thức càng thấp thì càng có cơ hội thỏa mãn đầy đủ. Còn các sinh vật cao cấp sẽ luôn cảm thấy rằng mọi hạnh phúc anh ta có thể tìm kiếm trong thế giới thực tế là không hoàn hảo. Nhưng anh ta có thể học cách chịu đựng sự không hoàn hảo đó, nếu chúng là có thể chịu đựng được. Và những sự không hoàn hảo đó không làm anh ta ghen tỵ với những sinh vật không nhận thức được sự không hoàn hảo. Là một con người bất mãn còn tốt hơn là một con lợn thỏa mãn. Là Socrates bất mãn còn hơn là một người ngốc thỏa mãn. Và nếu là người ngốc, hay con lợn có ý kiến khác, đó là bởi họ chỉ biết đến ý kiến của mình. Còn con người bất mãn hay Socrates biết cả hai luồng ý kiến.

Có người sẽ phản đối tôi, nói rằng nhiều người có khả năng thưởng thức những khoái lạc cấp cao hơn, nhưng thỉnh thoảng, bị ảnh hưởng bởi sự cám dỗ, lại tạm thời bỏ qua chúng để đến với những khoái lạc cấp thấp hơn. Nhưng điều này hoàn toàn tương thích với việc nhận thức đầy đủ sự ưu việt nội tại của các khoái lạc cấp cao hơn. Do sự yếu đuối trong tính cách, con người thường lựa chọn cái thiện nào gần gũi với mình hơn, dù biết cái thiện đó ít giá trị hơn, dù đó là sự lựa chọn giữa hai khoái lạc thể xác, hay lựa chọn giữa một khoái lạc thể xác và một khoái lạc tinh thần. Ví dụ có người theo đuổi đam mê xác thịt mà bỏ qua tác hại đối với sức khỏe, dù biết rất rõ rằng sức khỏe là cái thiện cao hơn.

Có người sẽ tiếp tục phản đối bằng ví dụ: nhiều người khi còn trẻ tràn đầy hoài bão tốt đẹp, càng trưởng thành càng biếng nhác và ích kỷ. Nhưng tôi không tin rằng sự thay đổi (rất phổ biến) từ khoái lạc cao cấp xuống khoái lạc thấp cấp này là do những người đó tự nguyện lựa chọn. Tôi tin rằng trước khi họ toàn tâm toàn ý với khoái lạc này, thì họ đã không còn khả năng thưởng thức khoái lạc kia. Năng lực cảm thụ các cảm xúc cao quý hơn về bản chất như một cái cây yếu ớt, dễ bị tiêu diệt, không chỉ bởi các tác động thù địch, mà bởi nhu cầu sinh sống đơn thuần. Và trong đại đa số những người trẻ tuổi, năng lực này nhanh chóng chết đi nếu cuộc sống và môi trường xung quanh không tạo điều kiện thuận lợi cho nó. Con người mất đi những khát vọng cao quý khi họ mất đi sự ưa thích dành cho những khoái lạc trí tuệ, vì họ không có thời gian và cơ hội hưởng thụ chúng. Và họ buông mình say mê những khoái lạc cấp thấp, không vì họ chủ tâm thích chúng, mà bởi chúng hoặc là những khoái lạc duy nhất họ có thể tiếp cận, hoặc là những khoái lạc duy nhất họ còn có khả năng cảm thụ. Một câu hỏi có thể được đặt ra là liệu người có khả năng cảm nhận hai đẳng cấp khoái lạc như nhau, lại có lúc nào đó chủ động ưa thích các khoái lạc cấp thấp hơn. Nhiều người, ở mọi lứa tuổi, đã thất bại trong việc cố gắng phối hợp hai loại khoái lạc.

Tôi hiểu rõ những quyết định của các quan tòa có thẩm quyền là phải tuân theo. Không tính đến những thuộc tính luân lý và kết quả, giữa hai khoái lạc – khoái lạc nào có giá trị hơn, giữa hai phương thức tồn tại – phương thức tồn tại nào là phù hợp với cảm xúc nhất, quyết định của những người có trải nghiệm và hiểu biết cả hai khoái lạc (trong trường hợp họ có những ý kiến khác nhau thì quyết định của đa số quan tòa) phải được thừa nhận là quyết định cuối cùng và duy nhất. Ngoại trừ trưng cầu ý kiến của những người đã trải nghiệm qua cả hai khoái lạc hoặc hai đau khổ, liệu còn cách nào khác để xác định giữa hai sự đau khổ, sự đau khổ nào đau đớn hơn; giữa hai cảm giác khoái lạc, cảm giác nào mạnh mẽ hơn? Không có đau khổ hay khoái lạc nào là giống nhau hoàn toàn, và đau khổ luôn khác khoái lạc. Nếu để theo đuổi một khoái lạc, bạn phải trải qua đau đớn, lý do gì để bạn chọn theo đuổi khoái lạc và chịu đựng sự đau đớn đó, ngoại trừ lý do cảm xúc và quyết định của những người đã trải nghiệm?

Tiêu chuẩn của thuyết vị lợi không phải là hạnh phúc cực đại của bản thân chủ thể hành động, mà là hạnh phúc cực đại của tất cả mọi người. Nhiều người nghi ngại một tính cách cao cả chưa chắc đã đem lại hạnh phúc cho chủ thể nhiều bằng một tính cách không được cao cả như vậy. Nhưng không ai có thể phủ nhận là một tính cách cao cả sẽ làm những người khác hạnh phúc hơn và thế giới nói chung là bên hưởng lợi. Thuyết vị lợi, do đó, chỉ có thể đạt được mục đích bằng cách nuôi dưỡng sự cao cả của tính cách trong tất cả mọi người, thậm chí nếu mỗi cá nhân chỉ được hưởng lợi từ sự cao cả của những người khác, còn bản thân chịu thiệt nhiều do chính sự cao cả của mình.

Theo Nguyên tắc Hạnh phúc Cực đại, như giải thích ở trên, mục đích tối hậu là một sự tồn tại càng ít sự đau khổ và càng nhiều sự thích thú càng tốt. Tất cả những thứ liên quan đến hoặc vì mục đích tối hậu đều là đáng khao khát (dù chúng ta đang xem xét cái thiện của chính mình hay của người khác). Sự kiểm chứng chất lượng và quy luật so sánh chất lượng với số lượng là sự ưa thích được cảm nhận bởi những người có cơ hội kiểm nghiệm, có thói quen tự giác, tự quan sát và được cung cấp phương tiện để so sánh. Theo quan điểm của thuyết vị lợi, mục đích tối hậu là mục đích của hành động, cũng là tiêu chuẩn của luân lý, chuẩn tắc và mệnh lệnh đối với hành động. Tiêu chuẩn đạo đức được định nghĩa trên cơ sở đó. Những điều này, trong chừng mực có thể, được áp dụng không chỉ với con người, mà còn với cả những sinh vật có tri giác.

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:

Tác phẩm này được phát hành theo các điều khoản của Giấy phép Tài liệu Tự do GNU.


Điều khoản sử dụng của Wikimedia Foundation yêu cầu văn bản được cấp phép theo GFDL được nhập sau tháng 11 năm 2008 cũng phải cấp phép kép với một giấy phép tương thích khác. "Nội dung chỉ khả dụng trong GFDL không được phép" (§7.4). Điều này không áp dụng cho phương tiện phi văn bản.

Tác phẩm này được phát hành theo Giấy phép Creative Commons Ghi công-Chia sẻ tương tự 3.0 Chưa chuyển đổi, cho phép sử dụng, phân phối, và tạo tác phẩm phái sinh một cách tự do, miễn là không được thay đổi giấy phép và ghi chú rõ ràng, cùng với việc ghi công tác giả gốc.