Biên dịch:Trịnh thị thế gia/Đời thứ 1

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trịnh thị thế gia
không rõ, do Wikisource dịch từ tiếng Trung Quốc
Đời thứ 1: Tiên Thánh Thế Tổ Minh Khang Đại vương

Chúa tên gốc là Phiến, sau đổi tên là Kiểm, là con trai thứ 3 của Dục Đức vương, do Thái phu nhân họ Hoàng sinh ra. Sinh ra vào ngày 24 tháng 8 năm Quý Hợi (năm Cảnh Thống thứ 6 dưới triều Lê Hiến Tông) tại thôn Hổ. Khi ngài sinh ra, có ánh sáng đỏ chiếu đầy cả phòng, người trong thôn đều lấy làm lạ. Từ thuở nhỏ, ngài đã thông đạt, không như người thường. Năm 6 tuổi mất cha, đành phải cùng mẹ dời về tổ quán là làng Sóc Sơn. Năm lên 10 thường đi chăn trâu thuê trong núi Phụng Sơn, tập hợp đám trẻ mục đồng, thường ăn trộm gà vịt làm thức ăn, coi trâu bò là voi ngựa, bẻ bông lau làm cờ xí, bố trí đội ngũ, tập đánh trận.

Khi lên 16, 17 thì hùng dũng xuất chúng, trí lược khác thường, người làng ấy ganh ghét muốn hại chết. Bèn chạy về theo ông Ninh Bang hầu họ Lê, đương làm quan cho nhà Mạc. Tước hầu sai Chúa làm việc nuôi ngựa, Chúa nhân tiện lấy một con ngựa hay nhất bỏ chạy về trại Mường Sùng, thuộc Cổ Lũng huyện Cẩm Thủy, cùng anh họ là Trịnh Quáng đi theo Hưng quốc công Nguyễn Kim xướng nghĩa phù Lê. Quốc công thấy Chúa có dũng lược phi thường, nên rất chiếu cố, rồi có người Chiêm Thành là Vũ Thời An cùng con là Đình Tung, em là Thần Lương, Đình Thắng cũng đi theo Hưng quốc công, gặp được Chúa thì liền cùng kết thệ giúp đỡ lẫn nhau. Chúa cùng cha con Thần An thường qua lại giữa khoảng Vĩnh Phúc và An Định để chiêu dụ các hào kiệt. Ninh Bang hầu đem tố cáo với nhà Mạc, và họ bí mật sai tróc nã Chúa, Chúa liền lánh qua xã An Định ở nhà Như Nữu. Một hôm bị truy nã gắt gao, Như Nữu bới đống thóc trong bồ lớn giấu Chúa vào kho thóc, lấy đồ che đậy lại, người trong xã cùng đoàn kết với nhau không muốn tố giác, nên được thoát. Sau này khi nghiệp vương đã định, thì Như Nữu đã mất, con cháu lại ngu ngốc không thể khởi dụng, Chúa bèn ban cho tiền tài để cho việc cúng tế và tiêu dùng. Đến tận khi thánh tôn qua đời, càng thêm chu cấp cho con cháu Như Nữu ruộng đất để mà thờ cúng.

Sau đó Chúa về hội tụ ở Cổ Lũng, rồi về nhà thăm người thân, trú tại nhà cậu là ông Lãng. Người xã Sóc Sơn cùng với Ninh Bang hầu bèn tới rình bắt, may là có xã trưởng Biện Thượng biết mà báo tin. Lúc đó mẹ con nhà Chúa đang ngồi ở hiên sau nhà ông cậu, xã trưởng bèn cầm đá mà ném. Chúa biết là có điều lạ, bèn chui xuống hầm trốn thoát. Xã Sóc Sơn và nhà Mạc sai người nã tróc mẹ của Chúa đi hài tội ở đình Sóc Sơn, rồi trói bà bỏ vào lồng tre cột vào tảng đá lớn để dìm xuống sông. Chúa nghe được thì khóc to lên, nhưng không tiện lộ mặt hay đến viếng,thay vào đó mượn sự giúp đỡ của những người An Định, giả đò làm người ăn xin đi theo họ. Xuất phát từ Biện Thượng, họ đi thẳng đến xứ Tân Quai. Lúc đó có người đánh cá ở xã Đông Biện họ Mai di cư đến Ngạn Thượng (sau ông này được ban 10 mẫu ruộng), đến báo tin là đã vớt được xác của bà mẹ và đang chuẩn bị mai táng, Chúa nghe được khóc thảm thiết, những người xung quanh sợ bị phát giác, ra lời can ngăn. Trong đêm khuya, chú với anh họ Trịnh Quáng và bọn người xã An Định là Trịnh Bá Di, Vũ Thần An (sau họ đều được phong tước trật công thần) đã cùng nhau đến được chỗ xác mẹ Chúa. Khi đến nơi, họ thấy một đàn kiến mối ​​đang đùn vào cái xác tạo thành dáng của ngôi mộ, Trịnh Quáng mới nói với Chúa rằng: Cái việc này đây, tôi biết không phải là phước vậy. Sau đó khóc bái rồi bỏ đi. Giờ đây chỗ cái mộ ấy, xa bồi ra tới giữa sông, có nhiều cây cổ thụ.

Rồi chúa cùng anh họ Trịnh Quáng về Cổ Lũng, theo sự điều khiển của Hưng quốc công. Bấy giờ Hưng quốc công đã tôn phù w:Lê Trang Tông ở Ai Lao, đóng đồn ở xứ Mường Sùng nước Ai Lao, toan tính việc khôi phục nhà Lê. Quốc công tấu vua phong Chúa làm Thiêm tri mã kỳ, Dực Nghĩa hầu; lại gả con gái là Ngọc Bảo; cấp cho binh mã tiến vào trong nước. Chúa bèn đem quân binh xã Long Sùng, tiến về An Trường; phá ngụy Mạc nhiều trận, quân thanh đại chấn, được ban tổng thống binh quyền, ở phủ An Trường luyện tập sĩ tốt. Chúa lại cùng với bà vợ thứ là bà họ Truơng quê sách Thọ Liêu, huyện Thạch Thành giả làm Phùng công, hội họp ở huyện Phụng Hóa phủ Thiên Quan giết được nhiều giặc Côn Mang. Từ đó một phương phục tùng, các châu quận quy tâm. Năm Lê Trang Tông Nguyên Hoà thứ 12 Kỷ Hợi (tức 1539), Chúa được 27 tuổi, thụ phong Dực quận công, ủy cho anh họ w:Trịnh Quáng cùng tâm phúc là cha con Vũ Thần An phụng dời hài cốt người mẹ quá cố đến cánh đồng thôn An Việt, xứ Đồng Lãng. Từ bờ sông Đông Giang đến phía đông Biện Thượng, hàng năm tháng 4, đều theo lệ củ tế tự của Đồng Biện, vào tháng 4 hàng năm, người ta vẫn làm lễ cúng tế vào ngày này, đến ban đêm, họ phụng nghênh đức ông vào phủ Biện Thượng, và xây ngôi từ tại Hổ thôn, xã Vệ Quốc, cùng xã Gia Miêu lấy tư doah điền thổ làm phụng tự. Sau dựng doanh ở các xã An Hoành, An Định, tích trữ lương hướng cấp phát quan quân. Cho rằng việc căn bản là phụng thờ người trên, ngài đã xây phủ từ ở các xã Biện Thượng, Sóc Sơn để phụng sự Hưng quốc công Thái phu nhân, ở Biện Thượng phụng sự tiên tổ; sau lại lập ngoại phủ từ ở thôn Đông Biện, bên trái ngôi từ ấy lại xây một từ đường, phụng sự Tống đại vương. Việc tiến hành xong thì Hưng quốc công tự làm Tiết chế, Chúa làm Dực quận công đi giao chiến với quân Mạc, quân thủy bộ cùng tiến, lấy được các nơi quan trọng ở nội địa.

Người nhà Mạc có mưu trá hàng thâm độc, Hưng quốc công không đề phòng trúng độc mà chết, chiếu tặng là Chiêu Huân Tĩnh công. Con trưởng là Hoàng quốc công ấu tiểu, nên quốc gia cơ vụ đều ủy thác cho Chúa. Quân Mạc thừa cơ xâm lăng, nhà vua bái Chúa làm Đô tương tiết chế thủy bộ chư doanh thống nội ngoại Bình chương quân quốc trọng sự Thái sư Lượng quốc công, mọi việc đều cho tự quyết trước rồi mới tấu vua sau. Rồi lập hành điện ở sách Vạn Lại, hành doanh ở xã Biện Thượng, thường bỏ dụng các hào kiệt, một vùng Ái châu từ đó được bình định. Năm Chúa được 34 tuổi, vua Nguyên Hòa băng, tôn là Trang Tông Dụ hoàng đế. Thái tử Duy Hoàn nối ngôi, được 8 năm, chết không con nối, tôn là Trung Tôn Vũ hoàng đế. Chúa nói: Thiên hạ há có thể một ngày không vua, bèn sai người tìm kiếm con cháu Lê thị, được cháu 5 đời ở ông w:Lê Trừ là Lê Duy Bang ở hương Bố Vệ bèn đưa về lập làm vua. Kỷ nguyên Nguyên Hựu, sai đổi là Chính Trị, tức Anh Tông Tuấn hoàng đế. Năm Kỷ Hợi thứ 12 Chính Trị, vua phong chúa làm Thượng tướng Thái quốc công, tôn lên bậc Thượng phụ. Chúa phụng sự 3 triều Trang Tông, Trung Tông, Anh Tông; trong 30 năm mà 3 phần thiên hạ có được 2. Ngày 28 tháng 2 năm thứ 3 (Canh Ngọ), mất, thọ 68 tuổi, tôn phong Minh khang Nhân trí Vũ trinh Hùng Lược Hiển đức Phong công Khải nghiệp Hoành mô Tế thế trạch dân Kiến mưu Khuông tích Triệu tường Dụ quốc quảng vận Hồng mô dụ hậu diễn phúc tĩnh nan Tá Tích Thùy Hưu Đốc bật Khai quốc Cương nghị phụ quốc Tán trị nghị uy diệu vũ Diên khánh vĩnh tự Kinh văn Tuy lộc Cảnh quang phi hiến dương vũ Phù tộ Hưng nghiệp thùy thống Hồng hưu Miên tự Đốc dụ Diễn tự Yến mưu Hồng nghiệp Khoát đạt Khoan dung Lập cực Vĩnh hưng tuy phúc chí đức quảng huệ phù vận tư trị hồng ân tích hậu Vĩnh đức Đại công Thịnh nghiệp chế trị Phục viễn Lập kinh trần Kỉ cương Minh hùng Đoạn chương thiện Diệu uy Trấn quốc An cương Quang minh Duệ trí Cung ý Quả quyết Sáng pháp Khai cơ cảnh thái Vĩnh quang Hàm chương tái vật mậu Công hoành Hiến pháp Thiên hưng vận khuếch Hoành khôi cương Tề thánh Thông vũ anh quả tị viễn Trượng nghĩa bình tàn thánh thần duệ trí cương kiện trung chánh anh hùng Hào kiệt kiến nghĩa tạo mưu khai Tiên xương hậu thái thủy phu tiên sùng cơ triệu khánh thần vũ Thánh văn Hùng tài Vĩ lược Lập nghiệp Phối thiên Công cao Đức hậu triệu mưu khải vận sáng nghiệp Lập bổn (232 chữ) Đại vương, thụy Trung Huân, miếu hiệu Thế Tổ, lăng ở làng Biện Thượng.

Bà Thái phi họ Nguyễn, hiệu Từ Nghi, tôn húy Ngọc Bảo (sinh nhật không rõ), người Gia Miêu Ngoại Trang thuộc huyện Tống Sơn, con gái thứ của Chiêu Huân Tĩnh công Nguyễn Kim, mất ngày 17 tháng 10 năm Bính Tuất (năm Quang Hưng thứ 9 dưới triều Lê Thế Tông), hôm ấy phủ An Trường bị cháy, cung phủ bị cháy lan khiến bà bị mất, an táng tại sách Vạn Lại.

Bà Chính phi họ Lại, thụy Từ Phúc, tôn húy Ngọc Trân (sinh nhật không rõ), người xã Long Hà huyện Thạch Hà. Mất ngày 20 tháng 8, lăng bà ở bổn quán.

Bà Hiền phi họ Trương, thụy Từ Hành, tôn húy Ngọc Lãnh (sinh nhật không rõ), người sách Thọ Liêu, huyện Thạch Thành, là con gái của Phụ đạo Sùng Quận công. Mất ngày 12 tháng 8 năm thứ 9 (Bính Tuất), lăng bà ở bổn quán.

Ngài có 5 trai 2 gái: Đạt Nghĩa công (Chính phi họ Lại sinh ra), Thành Tổ Triết vương (Thái phi họ Nguyễn sinh ra), Dương Lễ công, Địch Nghĩa công, Cần Nghĩa công, Tiên Thượng Công chúa, Từ Duyên Quận chúa.

Đạt Nghĩa công tên là Cối, Thế tử của Thái vương, anh của Triết vương, phong Tuấn Đức hầu. Sau khi Thái vương hoăng thì thay mặt thống lĩnh binh quyền, lại tự mình phóng túng trong tửu sắc, tướng mất sĩ tâm, hoang phế chính sự, thiên vị nghe lời sủng thần, lại mưu đoạt binh quyền của em trai là Triết vương; về sau không còn khả năng chiến đấu với ngụy triều Mạc, lại dẫn vợ con đến hàng quân Mạc. Về sau qua đời, Mạc cho quân đưa linh cữu, cho phép mẹ và vợ đem chôn. Triết vương sai người nghênh tiếp, chuẩn bị lễ quàn linh cữu, an táng ở xứ Trường Lương huyện An Định, truy tặng Thái phó Trung Quận công, gia phong Đạt Nghĩa công. Về sau, huyền tôn là Trịnh Tiếp thi đỗ trong kỳ thi Hương năm Ất Dậu, Trịnh Thực thi đỗ trong kỳ thi Hương năm Kỷ Dậu, làm quan đến chức Trưởng sử[1]; Trịnh Đàn thi đỗ trong kỳ thi Hương năm Nhâm Tý, làm quan đến chức Tri phủ[2].

Dương Húy công, tên là Đỗ, dự phong Dương Vũ Uy Dũng Tuyên Lực Kiệt Tiết Dực Vận Tán Trì công thần.

Địch Nghĩa công, tên là Đồng, dự phong Dương Vũ Uy Dũng Tuyên Lực Kiệt Tiết Dực Vận Tán Trì công thần, tuyệt tự. Con gái là Ánh, gả cho Cần Quận công Đinh Văn Giai.

Cần Nghĩa công, húy Ninh, dự phong Dương Vũ Uy Dũng Tuyên Lực Kiệt Tiết Dực Vận Tán Trì công thần. Đến nay do huyền tôn là phò mã Tham đốc Hộ Trung hầu (của nhà Lê) là Trịnh Kết thờ phụng.

Tiên Thượng Công chúa, tên là Ngọc Xuân. Mất ngày 28 tháng 2, thụy Đức Phương, phụ thờ ở cung miếu.

Từ Duyên Quận chúa, tên là Ngọc Ti. Mất ngày 21 tháng 8, phụ thờ ở cung miếu.

   




Chú thích

  1. Chính thất phẩm
  2. Tòng thất phẩm