Cành hoa điểm tuyết/Đoạn thứ ba/V

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

V

Giời cao thăm thẳm, bể rộng mông mênh, con thuyền nan một lái dữa giòng sông, con người ta ở đời còn có cảnh gì khổ hơn cảnh giang-hồ-lưu-lạc, một mình trên khách-địa-tha-hương, nhưng bực anh-hùng sẵn tấm lòng hồ-thỉ, thời bốn phương non nước cũng là quê nhà, nhưng lại còn những bực anh-tài, vì cảnh tử biệt sinh-ly mà phải đem thân đi đó đi đây, thời lòng sầu thảm biết bao?

Kể từ khi cậu cả bỏ mợ ấy mà đi đến giờ, một thân cùi-cụi, không họ không hàng, phần thì một đồng một chữ không có, cơn nghiện lắm phen làm cho nửa chết nửa sống, nhưng cũng may nhờ cậu biết đôi ba chữ, nên được làm thơ-ký cho một nhà phú-hộ ở tỉnh H. D, lương tháng cũng được ngót 20$. Nhờ đó mà cậu được đủ ăn, lắm lúc nghĩ tới nhà cửa thời tấm lòng thổn thức không an, nghe người ta thuật truyện nhà nước Đại-Pháp mộ lính sang tây, cậu bèn lập-trí quyết xin đi..... Bèn chừa hẳn không hút nữa, được một tháng, chải bao lao-khổ, mới quên hẳn được thuốc phiện,.....

Cách một tháng sau, có chuyến tầu chở lính tùng-chinh sang quý-quốc, cậu bèn thu sếp đi cùng một người bạn ra Haiphong.

Xuống tầu rồi, trông xa chốn ven giời, mây sanh che phủ, một mầu nước lóng lánh, sa là núi, gần là mấy giặng tre hiu hắt, chiếc tầu cứ từ từ đi, ngoảnh mặt lại trông Đồ-Sơn càng ngày càng xa..... Quê cha đất tổ, lòng xa bao xiết nhớ nhung!

Cậu cả vốn người yếu, nên khi ở trên tầu, say sóng, người lắc-lư, rức đầu, được mấy ngày thì phát bịnh sốt rét, may nhờ có người bạn cùng đi mấy cậu là ông M, cũng là người làng cậu, hết lòng săn sóc thuốc thang cho, nên được ít lâu bệnh-thế cũng nhẹ dần, cách vài hôm sau thì khỏe hẳn, nhưng vốn cậu yếu mà sóng bể làm nghiêng ngửa chiếc tầu, cho nên người nào cũng lảo đảo, còn cậu thì như người mê man, đầu lúc nào cũng rức như búa bổ......

Đêm hôm một mình, trông ra ngoài đầu tầu, một khoảng trời rộng rãi tối um, xa xa như một vùng hắc khí bao bọc mấy ngọn núi, thỉnh thoảng lại nghe tiếng sóng ùa vào tầu, chiếc tầu nghiêng hẳn đi..... những lúc bấy giờ lại nghĩ đến nhà đến cửa, đoái thương mấy hàng cách trở, cám cái cảnh người tựa cửa mong con nay đã đi về cảnh tiên!

Đi bẩy ngày tới Singapore, 12 ngày tới Colombo, nghỉ độ một đêm, xong qua Hồng-Hải (mer rouge), hơn một tháng giời giòng giã, làm bạn với sóng gió, may cũng bình an vô-sự.

Mãi đến ngày 36 vội xa thấy tỉnh Marseille, cậu cả cùng các người bản-sứ lúc này đua nhau ra đứng mũi tầu để xem, dần dần tầu tới nơi, trông ra khác hẳn với bến tầu ở sứ ta, thật là bến to, tầu bè như mắc cửi, phố xá rộng rãi, lâu đài san sát, xe đi ngựa lại như bươm bướm, ngắm cái quang-cảnh một chốn thành-thị bên qúy-quốc mà lượng biết cái văn-minh một nước phú-cường là thế nào.......

Cậu cả cùng các người bản-sứ lúc này ngắm quang cảnh tỉnh, không hề nháy mắt, nhưng họ vui vẻ, mà cậu thì buồn rầu, tấm lòng lại tưởng nhớ đến nỗi nhà khi xưa, thôi bây giờ gánh tình đã sẻ, thời còn chữ công-danh mong sao cho trọn vẹn.......

Cậu cùng các người tùng-chinh ở nghỉ đó một đêm, sáng hôm sau nhận việc..... Thế là từ đấy cậu cùng người bản-xin giúp nhà-nước trong lúc chiến-tranh......

Cậu là người kiên-nhẫn, cho nên công việc không nề khó nhọc, chỉ cốt chọn cái nghĩa-vụ của mình mà thôi, thường khi buồn một mình, nói truyện với các anh em:

« Bọn ta nhờ ơn Bảo-Hộ mấy mươi năm khai hóa, nhẽ nào, bây giờ đương lúc Mẫu-Quốc sẩy ra việc binh-đao này, mà ta nỡ điềm-nhiên không chọn cái nghĩa-vụ làm dân Nam-Việt, vậy chúng ta nên quyết một lòng, đừng tưởng chi vợ con, nên cùng nhau gắng sức làm lụng, giúp đỡ cho quân quan trong cái vấn-đề hòa bình sau này. May nhà nước được toàn-thắng, thời chúng ta cũng có phận nhờ. »

Nói xong lại khóc, bạn-hữu hỏi sao thì cậu nói:

« Như tôi bây giờ vợ không còn, bố mẹ họ hàng thân thích không có, con nối nghiệp cũng không, một thân một mình trên đời, lắm lúc nghĩ chỉ còn chờ cái chết cho chọn đạo làm dân nước Bảo-Hộ mà thôi. »

Một lời cậu nói rất cảm-khái, cả bọn tùng-chinh đều lấy làm thương-cảm vô cùng, đều rỏ nước mắt, quyết sẽ tùng-phục lời cậu khuyên bảo, sẽ thề rằng hết lòng can-đảm, giúp nhà-nước trong khi binh-chiến, cho rõ rệt cái anh-hùng con nhà Nam-Việt.....

Cách sáu tháng về sau, nghe có tin đích rằng nhà-nước đã an-trừ đảng ngụy, sắp sửa cho bọn cậu hồi hương, cậu lấy làm mừng lắm, vì chắc rằng sau khi về nước, nhà-nước sẽ mông-bổ cho một chân gì đó..... Cái mộng-tưởng của bọn Tòng-Chinh này có lẽ vui mừng, cũng chỉ mong chút công-danh để đền ơn phụ-mẫu, làm hiển-vinh cho thê-tử mà thôi..... Ôi, Bá-Lý-Hề khi xưa lưu-lạc, nên bước công-danh, thời ngày nay bọn ta có khác chi?

· · · · · · · · · · · · · · · · · · · · · · · ·

Kịp đến lúc hồi-hương rồi, thời cậu cả chưa được bổ, cho nên còn phải thuê nhà ở riêng một mình, vốn cậu người đã yếu, cho nên trong ngót một năm tòng-chinh, phần thì lao-nhược, phần thì đi tầu say sóng, phần thì thương-cảm lo nghĩ quá mà người sút hẳn đi, thỉnh thoảng lại thổ ra huyết. Các anh em thấy cậu thế, thường khuyên cậu nên dữ gìn thân thể chớ nên quá lo nghĩ, sợ rằng không thọ được, thì cậu chỉ thở giài mà nói:

« Như tôi có chết, cũng cam-tâm chả còn ước mong gì nữa, tôi cũng là người đã biết trọn nghĩa-vụ của tôi. Nam-nhi chi chí-khí, thế cũng là đủ rồi, tang bồng hồ-thỉ, cần chi phải công-danh hiển-hách, sống lâu mà làm chi! »

Những người cùng đi mấy cậu thấy cậu thế, biết căn-bệnh cậu sắp đến lúc nguy-vong rồi, song không hề nói ra, sợ cậu lo rầu sinh hại.

Tin tức những người tùng-chinh bên Đại-Pháp về đến xứ Bắc, ngay ngày hôm tầu đỗ ở Haï-phòng thời các báo đã đăng rõ tường tận tên những người hồi hương, cho nên, khi cô Bảo-Tuệ xem nhật-trình thấy có nói rõ tên họ chồng cô Chúc-Lan (là mợ cả) thời vội vã bảo cô lập tức.

Cô lấy làm mừng rỡ lắm, mừng là mừng cậu còn, chưa mất, lân la hỏi rò la chỗ ở cậu, mãi mới tìm thấy, liền viết cho cậu một cái thơ tự-sự như sau này:

Cậu cả,

Từ ngày vợ chồng xa cách, xong rồi mỗi người một nơi, tôi hằng hỏi thăm tin tức cậu, bấy lâu bặt tin nhàn cá, tôi lấy đều làm lo sợ không an, đêm năm canh nghĩ những lúc vợ chồng sum họp, siết bao tình nặng nghĩa sâu, mà không ngờ cảnh đoàn-viên nên cảnh phân-ly, chữ chung-tình đôi ngả luống lênh đênh.

Lắm phen tôi nghĩ, biết mình lầm lỗi, vì chút tài-lợi mà phụ phàng cùng cậu, nhưng hối thì đã muộn lắm, dẫu cậu có lượng tình, cũng là con người đơn bạc rồi, nói sao cho lại... Thôi thôi, lòng tôi cay đắng, bây giờ chỉ còn mong đợi ngày quyên-sinh, một giây oan nghiệt, cho hết má đào.....

Nhưng trộm nghe: con người ta hiếu tình không vẹn, thời dẫu có chết cũng thẹn mặt dưới cửu-tuyền, nên từ đấy đến nay, tôi một mình hết lòng săn sóc con thơ, mong chờ sau này nó trưởng-thành để nối dõi cậu, cùng là gặp mặt cậu một phen, giải hết nguồn cơn cay đắng, thời dẫu nhắm mắt cũng đành-tâm.

Than ôi, gương vỡ khó lành, nhưng giây tình giàng buộc, tôi cùng cậu nay phải lìa nhau, há chẳng phải là một cái khổ cho đôi ta lắm ru?

Sau khi cậu tiếp được thơ này xin giả lời cho tôi biết.

Nay thơ: Bạch-Thủy[1]

Cái thơ này viết bỏ giây thép, cho nên hôm sau mới đến, nhằm lúc cậu cả Liễu-Oanh đương nằm xem sách, nhận được thơ giở ra xem, xem đi xem lại, nước mắt chứa chan. Cậu cũng tưởng mợ đã tuyệt mệnh rồi, ai ngờ còn sống đến bây giờ, những truyện năm xưa, bây giờ cậu hồi-tưởng đến khác nào như một cơn gió to làm lạnh lẽo nỗi lòng, càng nghĩ càng lấy làm thảm-thê trong bụng. Lỗi ấy bởi vì ai, chẳng phải là tại cậu quá chơi bời hút sách, công nợ be bét ư? Đến nông nỗi phải giả nợ hết cho chồng, nếu mợ cả không bíu lấy Bạc-Sở, không nghe lời Bạc-Sở, thời chết rồi còn gì, biết lấy ai mà gửi thân cho được?

Ôi, con tạo-hóa éo-le, con ma cờ bạc, ông thần dục-tình, đã làm khổ ta, đã làm cho ta vợ chồng khổ sở vì ngươi, thôi nói làm chi nữa thêm buồn!....

Bây giờ thơ mợ gửi đến cho cậu, không có lẽ cậu không giả lời cho mợ để mợ đến giáp cậu. Cậu nghĩ thế nên viết gửi cho mợ, trong thơ nói rằng:

« Tiếp được thơ mợ, tôi lấy làm động lòng thương cảm lắm, thôi lỗi xưa xin bỏ, mời mợ lại chơi ngay, cho tôi được gặp. Nay thơ ».

Mợ cả tiếp được thơ, vội vàng ăn mặc thuê xe lại phố... là nhà cậu cả Liễu-Oanh mới thuê, tìm vào nhà, thời thấy cậu đương nằm trên giường, mặt mũi buồn bã võ vàng, trông kém sưa nhiều lắm. Cậu thấy mợ vào liền ngồi ngay giậy, xem chừng mệt nhọc lắm. Hai hàng nước mắt lúc này chứa chan, mợ thấy cậu thế, không cầm lòng được cũng giọt lệ tuôn rơi lã chã..... Mợ với cậu lúc này chỉ nhìn nhau mà khóc, không nói được nữa, một lúc cậu cả mới nức nở ôm lấy mợ rồi nói:

« Mợ ơi, như bây giờ tôi gập mợ đây, thật là giời còn thương tôi muốn cho tôi còn được trông thấy mợ lần này nữa.... Để cho mợ phải đem thân lưu-lạc, cũng là tại tôi. Tôi nghĩ như tôi là một đấng nam-nhi, không làm gì cho vợ được sung sướng, để cho vợ vì mình phải khổ, thời chữ tình khuyết, để cho cha mẹ vì buồn phiền về con, đến nỗi sớm ly-trần là một tội rất bất-hiếu.

Làm người mà hiếu-tình không vẹn thời là người bỏ đi, không nên mở mặt đứng trên đời nữa..... Hóa cho nên tôi nghĩ xin nhà-nước đi tòng-chinh để tận trung báo-quốc, may ra chữ trung còn bù đắp vào chữ tình chữ hiếu không? Nay tôi đã trọn cái nghĩa-vụ của tôi làm dân Nam-Việt, làm tôi con nhà nước Bảo-hộ rồi, nhưng về nước nhà, trông thấy mợ, tưởng nhớ đến cha mẹ mất đi rồi, thời lòng tôi không thể nào vui được. Ai người như tôi cũng không nên làm giai làm gì nữa cho nhục nhã xã-hội, gia-đình.....

Bây giờ gập mợ đây, tôi xin tạ lỗi cùng mợ và xin mợ chớ nên nghĩ tới những truyện năm xưa tôi đã quá phụ bạc với mợ mà cho tôi được đành tâm nhắm mắt dưới suối vàng, ấy là lòng mợ đã thương tôi.

Cha mẹ ơi, cái giờ này là cái giờ cuối cùng mà con được trông thấy vợ con, mà con nghĩ được hả lòng trọn đạo cùng quốc-gia Mẫu-quốc, thôi con xin theo cha mẹ, cùng đoàn-viên trong giấc ngủ trăm năm! »

Nói đoạn kêu to lên một tiếng, hộc ra một cục máu, rồi tắt hơi, năm ấy cậu mới có 38 tuổi. Mợ cả ôm lấy chồng mà khóc, xong nhờ cậy bà Án T lo giúp việc làm ma cậu, để thằng con Bạc-sở mà mợ nuôi ngày nay giữ giòng họ Nguyễn.

Chiều hôm sau, ngoài đường từ phố..... một cái đám ma rất đông người đi đưa có đủ cả các quan tây, quan ta, người đi buôn, người làm việc đều đi nghiêm-chỉnh dữa đường sau cái nhà táng..... Đám ma đi về lối Cầu-giấy Hà-đông là quê Liễu-Oanh Công-tử..............

Sông sầu núi thảm, cảnh quê hương đón khách về tiên.

· · · · · · · · · · · · · · · · · · · · · · · ·
· · · · · · · · · · · · · · · · · · · · · · · ·

Ma chay cho cậu cả xong rồi, thời mợ cả ở thủ-tang chồng ở nhà bà Án T..... Đoạn tang, thời cô Bảo-Tuệ lấy chồng, bà Án T cũng mất ngay năm sau. Cái nhà phu-nhân vẫn ở nay thuộc về vợ chồng cô Bảo-Tuệ.....

Nhờ được tiền vốn ít nhiều mà mợ cả tảo tần để ra trong mấy năm cư-tang chồng ở chung với bà Án T cho nên bây giờ mới thuê nhà riêng nuôi con may thuê vá mướn lần hồi cũng đủ ăn tiêu.....

Người xe nói xong thở giài: « Câu truyện này nghe rất bi thương, thầy nên chép làm truyện để ghi tích lại đời sau! Thôi giã thầy, tôi đi kéo chỗ khác. »

Người xe đi rồi, tôi đứng lại hồi lâu, bụng thương cảm vô cùng, nhìn người đàn bà ấy nước mắt cũng phải chứa chan, mãi nửa đêm mới về nhà, nghĩ cuộc đời mà ngao ngán.

Phú-thọ 12 Janvier — 17 Avril 1921
  1. Khi trước tên cô là Bạch-Thủy, mãi đến lúc vào sóm Bình-Khang mới cải tên là Chúc-Lan