Cành hoa điểm tuyết/Đoạn thứ ba/IV
IV
Nhà bà Án T...... ở đầu phố hàng M...... nhà làm theo kiểu nhà tây, cao hai từng, trên gác dưới nhà rộng rãi.
Bà lớn vốn là con nhà thi-thơ, thuở nhỏ cụ ông cụ bà mất sớm, năm 18 tuổi mới lấy quan Án, lúc ấy ngài hãi còn học trò..... Cách năm năm sau ngài thi đỗ Cử-nhân được bổ làm Giáo-Thụ, lần lần làm mãi tới Án-Sát, tất cả ngài làm quan mất hơn hai mươi năm, Kinh lịch một vài phủ huyện, am-hiểu dân-tình-phong-tục cho nên nhà nước cũng khen ngài là một tay giỏi về Chính-trị. Ngài vốn cũng là một bực phú-gia-công-tử cho nên đến lúc xuất-chính làm tới đường-quan, lại nhờ được phu-nhân là người đảm đang, nên chả mấy lâu mà ngài giầu có, phu-nhân một tay gánh vác công việc trong nhà, tậu ruộng, buôn ngô, mỗi năm xuất nhập tiền nong có kể bạc vạn. Phu-nhân có tậu được 4, 5 cái nhà ở Hànội cho thuê..... Quan Án thất lộc sớm, kể từ ngày ấy đến nay đã hơn 10 năm rồi, mà phu-nhân một lòng thủ tiết nuôi con. Phu-nhân người trông đậm đà phúc hậu, năm nay tuổi ngoài 40, người sinh được một cô con gái đặt tên là Bảo-Tuệ tuổi độ 18, 19. Hai mẹ con ở với nhau rất mực yêu thương nhau, cảnh gia-đình như thế, mà phu-nhân vẫn lấy làm buồn, vì rằng người không có con giai, muốn kiếm một chút rể cho vui vẻ trong nhà, thời nhiều chỗ đã rạm hỏi Tiểu-thơ mà phu-nhân xét ra không được sứng đáng, nên cô Bảo-Tuệ vì thế chưa lấy ai. Phu-nhân nghĩ mình đã già, nghĩ cái cảnh một mẹ một con hiu quạnh thời lấy làm buồn, mới định mượn người đến ở may vá giúp và bầu bạn với tiểu-thơ, trông nom đỡ việc nhà. Hôm ý hai mẹ con vừa ăn cơm chiều song, còn đương sỉa răng uống nước, thời thấy người nhà nói có bà cụ ở phố hàng N.... đưa người đến ở may vá. Phu-nhân gật đầu bảo cho vào, một lúc thấy bà cụ đưa cô Chúc-Lan đến chào phu-nhân. Phu-nhân mời ngồi đâu đấy, lấy giầu nước khoản-đãi, một lúc mới hỏi truyện cô Chúc-Lan. Cô cũng đem hết đầu đuôi kể hết phu-nhân nghe, phu-nhân nghe rõ, vội vàng chặy lại vỗ vai cô, mừng mừng rỡ rỡ mà nói rằng:
« Chết nỗi, thế ra cô là con gái bà Giáo....., ai ngờ bây giờ đến nỗi thế này, giá mà tôi biết sớm thời đâu đến nỗi phải đi như thế. Vốn tôi với bà giáo thân-sinh ra cô là chị em bạn rất thân, vì lâu ngày, mỗi người ở một nơi, cho nên không đi lại chơi bời được mấy nhau đó thôi!
Ai ngờ ngày nay, lòng giời dun dủi, cô lại gập tôi là chỗ bà con quen biết, vậy thì hay lắm, cô ở đây bầu bạn với em nó, chị em gập nhau còn vui gì hơn. Để ít lâu nghe ngóng tin tức cậu cả sang tây thế nào, tôi sẽ nói cho mợ được đoàn-viên hội họp với cậu như xưa. Tôi nghe độ này bên Âu-Châu, chiến-tranh đã xong, nhà nước Đại-Pháp đã đuổi giặc được toàn-thắng, vậy chắc những người thuộc-địa sang tòng-chinh cũng có công-danh hiển hách về đây nay mai, chả bao lâu nữa. »
Phu-nhân nói xong, liền bảo cô Bảo-Tuệ trông nom làm cơm cho cô ăn uống, xong đâu đấy bà cụ về, còn một mình cô, tay ẫm đứa bé, ngồi hầu truyện phu-nhân. Phu-nhân là người chung-hậu, có lòng thương-cảm người nghèo khổ cơ-cực, nên khi nghe cô thuật truyện đầu đuôi, thì thở giài than vãn hoài..... Truyện trò độ 1 giờ, thời chuông đồng hồ đánh tiếng 11 giờ. Phu-nhân bèn rặn rò con dọn dẹp chỗ ngủ cho cô, chăn chiếu mùng màn dũ quét sạch sẽ. Bảo-Tuệ-Tiểu-Thơ thấy cô người dung mạo đoan-trang, ăn nói dịu dàng, đi đứng tề chỉnh nên đem lòng mến lắm, mới gập một lần mà xem ý hai người đã thân mật quyến luyến nhau. Chị em truyện vãn một lúc, rồi cô Bảo-Tuệ đi nghỉ, còn một mình cô Chúc-Lan cả ngày lo sợ rầu rĩ, người vốn đã yếu, nên nằm trên giường không sao ngủ được.
Lúc này đã nửa đêm, trong nhà ngủ hết, ngoài đường kẻ đi người lại cũng hơi vắng, thỉnh thoảng mới nghe tiếng xe chậy, còn chung quanh thời phẳng lặng, canh khuya chó sủa, dế kêu, cảnh êm đềm tịch-mịch chốn cô-phòng làm cho cô ngậm ngùi chua sót không tài nào ngủ được. Liền ngồi giậy, mở cửa ra đàng sau, là cái vườn rau của phu-nhân mới làm, giồng toàn các thứ rau, cùng một vài cây hoa-hồng.....
Hương-nga vằng vặc, hào-quang chiếu rọi, cảnh trên không rộng rãi mênh mông, làn mây từ từ kéo che phủ, mặt giăng lúc sáng lúc mờ, đứng dưới mà nhìn lên cao, thời trông thấy bầu giời cảnh vật như bao bọc cả Vũ-Trụ, hàng trăm hàng nghìn vì tinh-tú vằng vặc giữa khoảng trời sanh, trông, như mấy ngọn đèn pha lê lập lòe trên chốn sầu-thành u-uất..... Có lúc ngọn gió đưa lại, thoảng một cái rồi im, trông mấy cây hoa ở vườn thấp thoáng dưới bóng giăng, rõ ràng muôn nghìn sắc lịch vẻ tươi nghĩ cảnh trời đất lúc này, đối với cảnh buồn của Chúc-Lan, thời chẳng là làm nặng nề ao não cho cô lắm tá?
Ôi, vừa mấy năm về trước, cũng giăng, cũng gió này mà cảnh ngày xưa là cuộc hàn huyên vui vẻ, mẹ con vợ chồng xum họp, đến ngày nay là cảnh tử-biệt-sinh-ly của con người hồng-nhan, những lúc này, Tử-Phần muôn dặm, thơ cá tin nhà vắng vẻ, một vùng cỏ thảm hoa-sầu nơi đất khách, cả cái cảm tình, cái sầu-tình, cái ái-tình chẳng thà đem phó mặc với non sông, nhưng non sông đã phụ khách hồng-quần, nghĩ nguồn cơn chẳng đau lòng lắm ru? Nào những lúc còn mẹ con xum họp, nào những lúc gập gỡ duyên lành, nào những lúc lo nghĩ, nào những lúc bỏ nhà ra đi, muôn dặm xa xôi, đường trường quãng vắng, tấm thân gột rửa bao giờ cho xong? Tạo hóa có hiềm chi khách má đào, ghét chi kẻ tài-sắc, mà mỗi lúc trong mình như vướng cái giây oan-nghiệt, gỡ không sao dứt........
Thương ôi, non nước quê người, quê người một thân. Tình xưa nghĩa cũ bây giờ còn đâu, Chúc-Lan cô ơi, những lúc này, tơ lòng đòi đoạn ra làm sao?
Lúc này cái tư-tưởng cô quay cả về cái ký-vãng. Đã hay rằng cô bây giờ gập bà con, có chỗ nương thân được yên rồi, nhưng hồi-tưởng đến lúc nào, cùng cậu cả vợ chồng còn đoàn-viên hội-ngộ mấy nhau, mà bây giờ một thân lẩn núp, một mẹ một con, còn cậu cả thời từ ngày ấy đến nay không biết lưu-lạc nơi nào? Còn sống hay đã chết rồi? Có còn họ hàng thân-thích gì hay không? Nghĩ bao nhiêu lại ngậm ngùi bấy nhiêu.
· | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · |