Cái địa vị của kiều dân Trung Huê

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cái địa vị của kiều dân Trung Huê  (1930) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6227 (22.8.1930)

Trong khi họ được ưu đãi ở Đông Pháp thì lại bị bạc đãi ở Tân Gia Ba và Xiêm La

Sau khi bổn điều ước Trung Việt phát biểu ra, tức là bổn điều ước chánh phủ Pháp ký với chánh phủ Nam Kinh mới rồi mà bổn báo có dịch đăng cả nguyên văn và trích luận một vài đoạn ; người mình thấy vậy, chắc tưởng rằng cái địa vị dân Tàu ngày nay đã cao lên, và các cường quốc đã vị nể họ lắm.

Thật vậy, theo bổn điều ước ấy thì người Tàu sẽ được đặt lãnh sự ở đây như các nước, mà lại hưởng được một cái quyền lợi đặc biệt các nước khác không có, ấy là họ vẫn cai quản lấy sản nghiệp mà họ đã tạo lập ra ở đây. Cái quyền lợi ấy, họ kêu bằng “cái quyền lợi về lịch sử”, họ hưởng được, chắc họ lấy làm khoái là dường nào. Bởi vì như người Nhựt, người Huê Kỳ ở đây, đã thuộc về dưới quyền lãnh sự bổn quốc mình, thì thôi, không có phép tạo lập sản nghiệp ; vậy mà về phần Huê kiều, đã được bề nọ lại còn được bề kia.

Ai thấy vậy mà chẳng cho là dân Tàu ngày nay đã hùng cường lắm thế lực họ đã to lắm đến nỗi chánh phủ Pháp xưa nay coi kiều dân họ ở đây cũng chẳng khác dân bổn xứ, nghĩa là trực thuộc dưới chánh phủ, mà bây giờ bỗng nhắc họ lên một bực khá cao ? Nhưng xét cho kỹ ra thì lại như tuồng chưa phải vậy đâu.

Nói rằng thế lực người Tàu ngày nay cũng vẫn như hồi ở dưới trào Mãn Thanh thì thật là không đúng. Song nói rằng cái thế lực họ đã thật mạnh, làm cho hết thảy liệt cường đều phải ưu đãi họ, thì cũng không nhằm. Thật ra thì ngày nay họ có được vị nể hơn hồi xưa đôi chút chớ chưa phải là mười phần được vị nể cả mười.

Đã biết vậy thì khắc biết rằng cái bổn điều ước Trung - Việt mới rồi mà trong đó họ chiếm được phần kha khá, là chẳng qua nhờ một cái thời cơ tốt, cái thời cơ ấy nó đã nhấc họ lên cao. Nói thế chẳng khác nào nói rằng vì sự lợi ích riêng trong cuộc ngoại giao của chánh phủ Pháp ở đây mà Huê kiều trong xứ Đông Pháp nầy được ưu đãi.

Nói vậy mà quả vậy. Coi như các chánh phủ khác cũng ở bên cạnh ta đây, mà không có lợi ích riêng trong sự ngoại giao như chánh phủ Pháp thì họ cũng không ưu đãi Huê kiều đâu. Trái lại, họ còn bạc đãi nữa. Ấy là như hai chánh phủ Tân Gia Ba và Xiêm La[1].

Mới đây, ở Tân Gia Ba, chánh phủ ban hành cái lịnh cấm công nhân Tàu nhập cảng, lấy cớ rằng người Tàu đến đó nhiều quá, làm cho dân bổn xứ phải thất nghiệp. Ngày 31 Juillet trước đây, quan tổng đốc (Gouverneur) nước Ăng Lê tại Tân Gia Ba đã hạ lịnh ấy rồi, song chỉ tạm cấm trong ba tháng, từ tháng Aout cho tới tháng Octobre. Theo báo Tàu ở Hương Cảng mới qua, nói rằng trước đây chánh phủ Tân Gia Ba lại làm nhiều điều khó cho người Tàu nữa. Họ bắt mỗi một người Huê kiều nhập cảng phải có hai nhà cự thương ở đó bảo lãnh cho. Lại còn buộc các hãng tàu tăng giá tàu đến gấp hai, để cho những người ít tiền không qua được.

Ở Xiêm La cũng vậy, bắt đầu từ ngày 11 Juillet, chánh phủ Xiêm cũng phát ra một đạo luật kêu là “đạo luật B.E.2470”[2] mà hạn chế người Tàu vào bờ cõi nước Xiêm. Ở Xiêm thì không có cấm hẳn đi như ở Tân Gia Ba, song cứ theo đạo luật B. E. 2470 thì nhiều điều khúc mắc lắm, như là trong lưng phải đủ bao nhiêu thứ giấy chứng chỉ, phải có một số tiền là bao nhiêu đó thì mới được ở dưới tàu bước lên bờ. Đối với đạo luật ấy, người Tàu đều lấy làm cay chua lắm, họ than van trên báo rằng nếu vậy thì sẽ ít người Tàu nào có thể theo đúng luật mà bước lên bờ được.

Chẳng thà cấm hẳn đi trong ba tháng như Tân Gia Ba mà còn mong có ngày mở cấm, chí như cách hạn chế ở Xiêm thì rất là ác nghiệt. Huê kiều hết phương tới đó mà làm ăn. Xiêm La là xứ có nhiều sản vật, như cây gỗ, lúa gạo, dừa bông vẫn do tay người Tàu ở đó làm ra chở đi bán các xứ. Huê kiều ở đó có đến hơn một triệu, choán hầu hết nghề công thương của người Xiêm. Bởi vậy, chánh phủ Xiêm muốn nâng đỡ nghề nghiệp cho dân mình lên mà hạn chế người Tàu vào xứ dầu người Tàu kêu rêu mấy họ cũng chẳng nghe.

Coi đó thì biết chánh phủ ĂngLê hay là chánh phủ Xiêm La cũng vậy, họ không có vì sự lợi ích riêng của mình trong đường ngoại giao nên họ chẳng ra ý vị nể người Tàu. Họ chỉ có ý binh vực cho đường sanh hoạt của nhân dân ở dưới quyền mình, sợ người Tàu tới đông thì có hại cho cuộc kinh tế trong nước mà nhân dân đồ khổ, cho nên ra lịnh cấm hoặc hạn chế.

Nam kỳ ta còn đất rộng thiếu chi ! Đây rồi những chú Huê kiều nào bị cấm, không qua Tân Gia Ba và Xiêm La được thì sẽ đổ vô đất Nam kỳ. Đất Nam kỳ đã dễ làm ăn mà lại được người ta ưu đãi !

Vậy mà nhân dân bổn xứ đây, nghĩa là người Việt Nam ta đây, cũng bộn bề kẻ thất nghiệp như dân Xiêm và Tân Gia Ba vậy, chớ phải nới nang gì hơn họ sao ?

Vậy mà mấy tháng nay, người Trung Bắc mỗi một lần đi vào Nam kỳ lại khó khăn lắm, không hạn chế mà cũng như hạn chế, điều đó các ông đại biểu cho dân cũng nên biết.

Nếu ngày kia Tàu bị cấm ở hai xứ nọ rồi đổ tràn vào xứ ta cả đống thì thật cũng là một sự đáng lo cho ta chớ.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Tân Gia Ba : Singapore ; Xiêm La : Thái Lan
  2. Chữ nầy là niên hiệu của Xiêm (nguyên chú)