Bước tới nội dung

Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta/X

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Nước ta là một nước thuở nay vẫn lấy nghề nông lập quốc. Đâu đâu cũng nhờ nghề nông đặng mà sống, cho đến mọi sự cần dùng đều lấy ra từ trong hột lúa, củ khoai, trái bắp. Lẽ đáng có một bọn người học thức chăm lo nghề ấy hầu cho mỗi ngày một phát đạt lên để chống với thủy hạn thiên tai mới phải. Thế mà xưa nay trong hạng người ấy chẳng hề có ai chịu mó tay hay là để ý đến nghề nông. Cái sự cày sâu cuốc bẫm chỉ phó cho một lũ dân ngu vô học mà thôi. Như thế, chúng ta còn có hột gạo mà ăn là may phước đó, chớ trông gì trong nước cho thạnh vượng được !

Từ hồi có người Pháp đến đây, thì trường Canh Nông cũng đã lập ra. Theo ở nước khác, thì học trò tốt nghiệp ở trường ấy ra, phải chuyên làm nghề Nông, phải lấy cái sở học của mình mà cải lương mọi sự của kẻ dốt đã làm. Song ở ta đây không hề như vậy ! Bao nhiêu người tốt nghiệp Canh Nông cũng thấy ra làm quan làm quyền như các người kia. Coi như cụ Bùi Quang Chiêu đó thì biết.

Tôi nói vậy thì người ta sẽ đổ cho : một là tại phải tùy theo nhà nước dùng, hai là tại không có vốn lớn để cất ra mà làm lấy các công cuộc về nông phố. Song le, đó chẳng qua là lời kiếm cớ để chữa mình, chớ kỳ tình là khác kia.

Tôi nói : đó là vì chịu ảnh hưởng của Khổng giáo. Trong Khổng giáo đã có cái chủ nghĩa làm quan như bài trước đã nói, cái chủ nghĩa ấy thấm trong óc mọi người nên ai ai đi học cũng muốn làm quan. Song cái đường làm quan mỗi ngày một chẹt, thành thử người ta đâm ra đường khác, miễn là sau nầy cũng làm quan được thì thôi, chớ không phải bổn ý muốn làm nghề nông mà đi học canh nông. Huống chi trong Khổng giáo lại có cái thuyết khinh nông nữa, cái thuyết ấy cũng đã choán một phần trong óc sĩ phu nước ta, cho nên dầu có ai thạo nghề canh nông mà cũng không thèm làm nghề ấy là phải lắm.

Không biết làm sao, về nghề nông, đức Khổng Tử nói nhiều lời khinh miệt họ lắm, tôi rất lấy làm bất bình. Ngài nói rằng : “Người quân tử mưu đạo chẳng mưu ăn. Cày vậy mà đói ở trong đó ; học vậy mà lộc ở trong đó. Người quân tử lo đạo chẳng lo nghèo”[1]. Có lần, Phàn Trì, học trò ngài, xin học cấy lúa, ngài đáp rằng : Ta chẳng bằng kẻ làm vườn. Phàn Trì ra rồi, ngài nói rằng : Tên Phàn Tu (tên tộc của Phàn Trì) thật là tiểu nhơn thay ! Người trên ưa lễ thì dân dưới chẳng ai dám chẳng kính, người trên ưa nghĩa thì dân dưới chẳng ai dám chẳng phục, người trên ưa tín thì dân dưới chẳng ai dám chẳng dùng tình thiệt. Hễ như vậy thì dân bốn phương cõng con nó mà đến, lọ phải cấy lúa làm gì !”[2]

Tôi biết ngài nói đó là nói với một hạng người đi học mà có chí về sự tế thế an dân, đành phải bỏ việc nhỏ để lo việc lớn chớ không phải ngài bảo ai nấy đều phải bỏ nghề làm ruộng mà đi học làm quan cả đâu. Nhưng mà những câu “cày vậy mà đói ở trong đó, học vậy mà lộc ở trong đó” thì nghe nó ra thế nào ! Cày mà đói, thì ai còn cày làm chi ? Học mà được lộc thì cái học ấy chẳng là đáng khinh bỉ lắm ư ? Rất đỗi ngài mắng Phàn Trì là đồ tiểu nhân, rồi lại nói “lọ phải cấy lúa làm chi ?” thì thật là quá đáng.

Xét một sách Luận ngữ, thấy Phàn Trì hỏi ngài nhiều lần lắm, nào là hỏi hiếu, hỏi nhân, hỏi trí, hỏi việc chánh trị, lại có khi đánh xe cho ngài, đi chơi với ngài, cũng học hỏi luôn luôn. Chắc ông ta cũng nghĩ rằng kẻ học phải lấy sự trị sanh làm cần, nên lần nầy mới hỏi về sự cấy lúa làm vườn, ngài không biết mà không bảo cho thì thôi, cớ chi ngài lại mắng ?

Người ta hỏi sự cấy lúa làm vườn, ngài không dạy cho, lại nói dông dài ra những là người trên ưa lễ, nghĩa, và tín thì dân dưới quy phục, chớ không cần cấy lúa, thì thật là hỏi một đường mà trả lời một đường. Vậy cho biết cái đạo ngài cốt chỉ dạy cho “người trên”, chớ không dạy “kẻ dưới”, trái hẳn với cái bình dân chủ nghĩa ngày nay.

Chẳng phải ngài khinh thị nghề Nông mà lại cũng không coi sự làm ăn buôn bán ra chi. Trong đám môn đồ của ngài có Tử Cống chăm nghề buôn, hễ rẻ thì mua mà mắc thì bán, làm nên giàu có. Có một lần, ngài phẩm bình các học trò mình, ngài cho Tử Cống là “chẳng chịu mạng trời mà lo đi chứa của”[3]. Chữ “chẳng chịu mạng trời” đó, có ý là trời biểu nghèo thì phải chịu nghèo, sao Tử Cống lại cưỡng đi mà làm nên giàu có ? Theo ý ngài thì phải “một đai cơm, một bầu nước” như Nhan Hồi cứ ôm lấy cái nghèo mãi thì người khen. Hay là “ăn cơm lức, uống nước trong, co cánh tay mà gối” như ngài thì ngài chịu lắm. Vẫn biết sự an bần cũng là một cái tiết thanh cao, như ngài và Nhan Hồi, tôi há lại không phục ? Song xét trong các sách nói về cách Tử Cống làm giàu thì chỉ là rẻ mua mắc bán, như kiểu nhà buôn đời nay ; vậy thì cũng là một cách làm giàu chánh đáng, chớ có phải bóp họng thắt hầu hay là ăn cướp ăn trộm ai, mà cho là chẳng chịu mạng trời ? Ngài khinh rẻ sự làm ăn buôn bán đã đành, mà nói như thế thì lại thành ra cái khuynh hướng về cái thuyết định mạng (fatalisme), có hại cho sự phấn đấu tấn thủ của chúng ta ngày nay lắm vậy.

Có một lần, ngài đi qua nước Vệ, Nhiễm Hữu đánh xe cho ngài. Thấy dân cư trù mật, ngài khen rằng : “Dân đã đông lắm thay !” Nhiễm Hữu hỏi rằng : “Đã đông thì nên làm gì nữa ?” Ngài đáp rằng : “Nên làm cho chúng nó giàu”[4].

Coi đó thì thấy ngài cũng cho sự làm giàu là cần, nhưng làm giàu cho kẻ khác thì được, còn làm giàu cho mình như Tử Cống thì ngài lại phản đối.

Theo cái ý kiến của ngài đó nên về sau Mạnh Tử cũng khinh rẻ nghề nông mà cho là “việc của tiểu nhơn”[5]. Chữ “tiểu nhơn” nầy tức là chữ “tiểu nhơn” của Khổng Tử dùng mà mắng Phàn Trì hồi nãy, nghĩa là đồ dân ngu, đối với “quân tử” là người ở trên cầm quyền cai trị, do đó mà thành ra cái chế độ tư bổn, lần lần trông thấy trong xã hội có một bọn người ngồi không đó mà ăn, còn một bọn người làm cháy da phỏng trán.

Người An Nam mình vì chịu ảnh hưởng của cái thuyết khinh nông ấy, nên người nào đã ôm cuốn sách đi học là cố chịu kiếm ăn trong sự học đó chớ không lo sanh lý[6] gì cả, một nghề gì cũng không biết. Những người ấy một mai không kiếm ăn trong sự học được, nghĩa là không làm quan được, thì lại xoay ra làm những nghề địa lý, coi tướng, coi số, là nghề phỉnh người ta lấy tiền mà lại mát mặt hơn vác cái cày đi cày. Mà rồi xã hội cũng tôn họ mà kêu bằng “thầy”, sắp hàng họ ở trên những kẻ tay bùn chưn lấm, nai lưng ra làm cho có hột gạo để trút vào mồm mọi người, ôi ! nó trái ngược là dường nào !

Chúng ta ngày nay nên vùi những câu của đức Khổng Tử nói xuống dưới đất cái mà đừng có khinh rẻ nghề nông như ngài nữa. Phải coi sĩ, nông, công, thương bằng vai với nhau, đừng có phân ra cao thấp. Xứ Nam kỳ là xứ có những đồng ruộng cò bay thẳng cánh, thế mà mất mùa chơi một năm đã thấy kêu đói tứ tung, mà lại còn không biết trọng nghề nông, thì tôi không hiểu cái học thức của người An Nam là cái gì.

   




Chú thích

  1. Luận ngữ, thiên Vệ Linh Công
  2. Luận ngữ, thiên Tử Lộ
  3. Luận ngữ, thiên Tiên tấn
  4. Luận ngữ, thiên Tử Lộ
  5. Mạnh Tử, thiên Đằng Văn công, thượng
  6. Sanh lý ở đây gần với sinh kế, ý nói việc làm ăn kiếm sống thực tế; hoàn toàn khác sinh lý theo nghĩa hiện nay