Cái chánh sách bên kia với cái thời cuộc bên này

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cái chánh sách bên kia với cái thời cuộc bên này  (1930) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6186 (2.7.1930)

Nói về cái nghị án ông Daladier không được thông qua tại Hạ nghị viện Pháp

Ai ai cũng biết rằng sự nước Pháp cai trị xứ Đông Dương đây là ủy cho quan Toàn quyền, cùng các quan thủ hiến ở mỗi một xứ trong năm xứ; song le cái mánh lới, tức là cái quyền muốn mở hay buộc, muốn non tay hay già tay, ấy là từ bên Pháp kia. Nói rằng từ bên Pháp ấy chẳng phải từ đức Tổng thống hay là bộ Thuộc địa đâu mà là từ Hạ nghị viện.

Cứ như cái giềng mối chánh trị của nước Pháp đó, thì cái mạng vận của các thuộc địa Pháp hay dở ra sao, đều nắm trong tay Hạ nghị viện hết. Đông Dương nầy cũng vậy. Thậm chí Hạ nghị viện nếu không đem việc của một thuộc địa nào ra làm nghị đề, thì cái thuộc địa ấy cũng sẽ bị bỏ xó, cái tiền đồ của thuộc địa ấy cũng sẽ đi đời nọ qua đời kia trong chỗ tối tăm.

Coi như việc mới rồi đây mà ngậm ngùi cho cái mạng vận xứ ta.

Từ ngày xảy ra việc bạo động ở Yên Bái về sau, dư luận bên Pháp càng lấy thời cuộc xứ Đông Dương làm hệ trọng. Ở Hạ nghị viện đã mở cuộc thảo luận việc ấy từ trong tuần tháng Mai[1]. Kế đó lại có sự rối ren ở Nam kỳ, tức là các cuộc biểu tình vừa rồi, làm cho các ông nghị người bàn phương nầy kẻ bàn thế kia, nói kéo dây ra cho đến gần cuối tháng Juin[2] mà chưa hết.

Vậy đủ tỏ ra rằng cái hiện tình của Đông Pháp rất đáng quan tâm, làm cho đến nỗi bên kia không thể hẫng hờ mà bỏ qua, hay là đối phó một cách cẩu thả.

Bởi vậy ông Daladier, giữa ngày 28 Juin, mới trình ra tại Hạ nghị viện một cái nghị án của đảng cấp tiến, nói về sự xin chánh phủ sai phái bộ qua điều tra thời cuộc Đông Dương.

Sau khi cái nghị án ấy tuyên bố ra giữa nghị viện, hỏi các nghị viên có ưng thuận việc ấy không, thì được có 260 vé ưng thuận, còn đến 325 vé không ưng thuận, thành ra cái nghị án ấy không được thông qua, thế là chánh phủ Pháp dẹp chuyện sai phái bộ qua Đông Dương nói đến nữa.

Cứ theo điện tín Arip thì sự nầy sở dĩ bất thành là tại ông nội các tổng lý[3] Tardieu can thiệp vào. Ông nầy chẳng thèm nói chi cho dài giòng văn tự hết, chỉ một câu cụt ngủn rằng dầu nghị viện có bày ra kế hoạch chi, là chánh phủ cũng không thiệt hành trong dạo nầy được. Thế là hư chuyện.

Trong khi chúng tôi nói chuyện nầy đây, hẵng bỏ cái tư cách chúng tôi là dân An Nam đi, chúng tôi chỉ lấy tư cách nhà ngôn luận đeo hai chữ “Trung lập”, đứng cửa giữa mà nói, cũng phải lấy sự bất thành nầy làm tiếc: tiếc cho dân Đông Dương mà cũng tiếc cho nước Pháp nữa.

Cái nghị án của đảng cấp tiến đó thiệt là hợp thời. Đương trong lúc nầy mà có một phái bộ nước Pháp qua điều tra công việc xứ nầy, tuy chưa biết cái kết quả sự điều tra ấy rồi sẽ ra sao, chớ nội chừng ấy đó cũng đủ rõ ra lòng sốt sắng của chánh phủ đối với nhân dân thuộc địa. Mà cái lòng sốt sắng ấy đã tỏ ra ai dám bảo rằng không có hiệu quả.

Vậy mà ngăn cản đi, thiệt là đáng tiếc!

Chúng tôi tiếc, trên kia chúng tôi lại còn ngậm ngùi cho cái vận mạng xứ ta, ấy không phải là chúng tôi để trọn lòng trông cậy ở cái phái bộ “hỗi”[4] ấy đâu. Không phải chúng tôi dại dột đến nỗi tưởng rằng hễ có phái bộ ấy qua thì cái dân tộc nầy trở thành Tiên thành Rồng như tổ tông họ đâu.

(Kiểm duyệt bỏ một đoạn)

Trong một bài trước chúng tôi đã nói về phương diện chánh trị lấy phần đông làm phải, phần đông ở đâu, tức là sự khôn ngoan ở đó. Nay có đến những 325 vé nghịch cùng 260 thì chúng tôi – mà cho ai nữa cũng vậy, cho ông Daladier[5] cũng vậy – mới nói làm sao! Thôi, đem hai hàng số ấy mà trừ với nhau, thì thấy lòi ra con số đến 65 lận; cái khôn ngoan ở trong con số 65 đó, cái phải ở trong con số 65 đó, ông Daladier còn nói chi? Chúng tôi còn nói chi? Những người Pháp nào có lòng yêu quý cái bán đảo nầy còn nói chi?

Thiệt cái chánh sách ở bên kia mà lại đòi giải quyết cái thời cuộc ở bên nầy, khó thay!

(Kiểm duyệt bỏ một đoạn dài)

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Tháng Mai tức tháng 5 dương lịch
  2. Tháng Juin tức tháng 6 dương lịch
  3. “Nội các tổng lý” là nói theo chữ Hán, chỉ người đứng đầu nội các, tức là thủ tướng
  4. Theo Phan Khôi (ở một số bài báo khác) thì “hỗi” (hoặc “hổi”) là trỏ cái định làm mà không thành; “phái bộ hỗi” là phái bộ không thành vậy
  5. Édouard Daladier (1884-1970) chính khách Pháp, thủ lĩnh đảng cấp tiến, nhiều lần làm thủ tướng Pháp trong các năm 1933-34, 1938-40; ban đầu ủng hộ Mặt trận Bình dân, về sau lại ủng hộ việc thủ tiêu Mặt trận đó; là người ký hòa ước Munich năm 1938