Cái chỗ buồn cười của ông Lương Khải Siêu
Ông Lương Khải Siêu[1] trước đây ba bốn mươi năm, là một người có công mở đường tư tưởng mới cho dân tộc Trung Hoa, mà gián tiếp, cũng có công đánh thức cho dân tộc Việt Nam chúng ta nữa. Cho nên đối với Nhiệm Công tiên sinh, chúng ta bao giờ cũng tỏ lòng biết ơn và tôn kính.
Sự tôn kính ấy rất xứng đáng. Vì Lương tiên sinh chẳng những là một tay văn hào đáng sùng bái mà lại là một vị hiền triết có nhân cách cao khiết đủ làm tiêu biểu cho chúng ta.
Chỉ cử ra đây một việc. Hồi Viên Thế Khải làm Dân quốc Tổng thống, ông Lương Khải Siêu có ý giúp họ Viên nên đã một dạo lên ngồi cái ghế Tổng trưởng bộ Tài chánh. Sau biết Viên Thế Khải có dã tâm, không thể hợp tác với hắn được, ông liền từ chức. Sau nữa, họ Viên ra mặt phản quốc, thì ông lập tức thoát thân lên Vân Nam hiệp với bọn Thái Ngạc cử binh đánh đổ triều Hồng Kiến.
Đó về sau, ông Lương đặt mình ra ngoài cái chính giới ô trọc và vô vị mà chuyên lo việc giảng học và trứ thuật cho đến chết.
Trước sau một lòng vị nước và vị cái sự nghiệp to tát của đời mình mà không thèm đeo đuổi theo danh lợi: con người như thế, chúng ta còn đợi gì nữa mà chẳng coi như là thầy, như là đàn anh chúng ta?
Nhưng, nếu người đời không ai là trọn vẹn thì ông Lương Khải Siêu, bậc sư biểu chúng ta, cũng sẽ không trọn vẹn. Vả lại, những đấng hiền nhân quân tử, đối với chính mình, cái chỗ đại tiết dù giữ được trong sạch đến đâu cũng thường hay sai sẩy trong những chỗ tiểu tiết. Những chỗ tiểu tiết ấy giá ở kẻ khác thì không khỏi bị người đời phi nghị, nhưng ở đấng hiền nhân quân tử thì lại thường được dư luận khoan thứ cho, vì nhờ có cái đại tiết trong sạch vớt vát đi. Tuy vậy, khi chúng ta phát kiến những chỗ đó, chúng ta cũng phải phát buồn cười.
Chính ông Lương Khải Siêu đã gây nên một câu chuyện giúp cho chúng ta cái dịp buồn cười ấy.
Ông Lương Khải Siêu, vào khoảng năm Mậu tuất (1898) đã cùng thầy mình là ông Khang Hữu Vi giúp vua Quang Tự nhà Mãn Thanh biến pháp duy tân. Sau khi xảy ra cuộc chính biến trong năm ấy, cả hai thầy trò đều chạy ra ngoại quốc. Bấy giờ cái địa vị và cái sinh mệnh vua Quang Tự nguy ngập lắm, hai ông bèn lập ra “Bảo hoàng hội”, lấy thế lực của Hoa kiều ở ngoài để làm áo viện cho nhà vua. Trong hội bảo hoàng người ta vẫn nhìn ông Khang là vai lĩnh tụ thứ nhất và ông Lương là vai lĩnh tụ thứ nhì.
Chẳng những thế thôi, hồi đó ông Lương Khải Siêu ở Nhật Bản, mở ra hai cái tạp chí, trước là “Thanh nghị báo”, sau là “Tân dân tùng báo”, đều chủ trương cái chánh thể quân chủ lập hiến và phản đối sự cách mạng. Lúc ấy đảng cách mạng của ông Tôn Văn cũng có một cái cơ quan ngôn luận ở Nhật, tức là tờ “Dân báo”, do ông Chương Bính Lân chủ bút. Họ Lương với họ Chương đã có mấy lần bút chiến cùng nhau: “Dân báo” thì binh vực cho thuyết cách mạng của mình, còn “Tân dân tùng báo” thì binh vực cho thuyết lập hiến của mình. Những bài luận của ông Lương phát huy cái chủ nghĩa bảo hoàng, cái nghĩa quân chủ lập hiến một cách rất phân minh và thống thiết trong tờ báo của ông, bây giờ không phải là đã mất tích đi hết. Trong văn tập Ẩm Băng, những bài ấy vẫn còn thấy sờ sờ.
Trong thời kỳ đó, ông Lương Khải Siêu nếu có âm mưu cách mạng hay không thì không biết. Chứ cứ trên báo chí lúc đó và sách vở còn truyền lại đến bây giờ thì quả thật chưa hề có ai lấy hai chữ cách mạng mà tình nghi cho ông Lương Khải Siêu. Người Việt Nam chúng ta đã vậy mà chính người Tàu cũng vậy.
Thế mà trong một cuốn sách rất có giá trị của Lương, là cuốn Thanh đại học thuật khái luận xuất bản trước khi ông chết 8 năm, ông kể lại chuyện mình cho chúng ta nghe thật là khác hẳn. Sách ấy thuộc về thể lịch sử, thuật lại cả các học phái một đời Mãn Thanh ra sao. Ông Lương vốn là một tay vận động về phái “kim văn học” của cuối thời đại ấy. Người làm sách mà lại thuật một chuyện trong đó có mình dính vào, cũng là sự có hơi khó cho ông. Cẩn thận chỗ đó lắm, nên trong bài tựa ông có nói rằng: Về sự vận động “kim văn học”, tôi là một người trong đó, không lẽ không nói vào. Vậy về đoạn ấy, tôi sẽ lấy cái tinh thần trọn khách quan mà luận liệt. Nghĩa là tôi sẽ lấy một Lương Khải Siêu khác hiện đương cầm bút đây mà phê bình một Lương Khải Siêu khác, Lương Khải Siêu trên lịch sử ba mươi năm nay.
Lời phân vua thì dễ nghe lắm, cái phương pháp cũng hay nữa, nhưng tiếc thay, ông Lương Khải Siêu đã làm phản lại chính mình ông!
Trong sách Thanh đại học thuật khái luận, đoạn nói về “kim văn phái”, choán giấy hết 60 trang để kể chuyện mười mấy nhà học giả, có cả thầy ông là ông Khang Hữu Vi nữa, mà riêng một mình ông Lương Khải Siêu đã chiếm hết 13 trang rồi. Sự mất thăng bằng ấy đã làm cho chúng ta thấy mà sinh lòng ngờ vực!
Trong 13 trang sách đó, ông Lương cố nhiên phải kể những chuyện mình có quan hệ với học thuật đơng thời. Nhưng, vì cớ gì chẳng biết, chốc chốc ông lại nói lạc ra ngoài đề, mà trong sự lạc đề ấy lại còn có ý che khuất sự thực để biện hộ cho mình là khác nữa. Tức như mấy đoạn này:
“Trước cuộc Mậu tuất chính biến, một quan ngự sử lấy những câu phê trong mấy tập tháp ký của học trò, trong có ý chỉ xích nhà Thanh và cổ động dân quyền mà đàn hạch, rồi gây nên cái ngục lớn. Đàm Tự Đồng vì đó mà chết. Còn Khải Siêu chạy trốn sang Nhật Bản, bọn Đường Tài Thường thì bị đuổi. Bấy giờ sự giành nhau về học thuật đã kéo dài ra làm sự giành nhau về chính trị. Khải Siêu đã chạy qua Nhật Bản, học trò cũ của ông là bọn Thái Ngạc đến mười một người rủ nhau bỏ nhà đi theo. Đường Tài Thường cũng qua lại nhiều lần, cùng nhau toan việc cách mệnh. Hơn một năm, cử sự tại Hán Khẩu, mười một người ấy lần lượt về nước, hết sáu người cùng chết với Tài Thường. Bấy giờ Khải Siêu cũng ở nước Mỹ vội vàng trở về, vừa đến Thượng Hải thì việc đã hỏng. Từ đó Khải Siêu chuyên một việc tuyên truyền, dùng “Tân dân tùng báo” để giảng rõ cái nghĩa cách mạng, người trong nước đều dua theo mà đọc. Khải Siêu đã hằng ngày xướng cái thuyết cách mạng, bài Mãn và cộng hòa, nhưng thầy ông là Khang Hữu Vi lại không cho như thế là phải, trước còn quở trách, sau đến dùng lời ngọt khuyên can, trong hai năm mà thơ từ gửi đi gửi lại cho nhau dồn cả tập. Lúc đó Khải Siêu cũng không vừa lòng với những việc cách mạng đương thời đã làm ra, như người ta nói “sợ canh nóng mà đến thổi lá hẹ”, bèn đổi dần luận điệu. Khải Siêu hay nói câu này: “Không ngại gì lấy cái ta hôm nay mà phản đối cái ta hôm qua” – câu ấy thường bị người đời cười chê”.
Đó, những ai đã rõ cái chủ trương của ông Lương Khải Siêu từ trước, rồi bây giờ đọc tới mấy đoạn văn này sẽ thấy có cái cảm giác ra sao?
Huống chi ngoài mấy đoạn đó, ông chẳng hề có một lời nào nhận rằng mình có lập hội Bảo hoàng, có chủ trương lập hiến tất cả, làm như ông đẻ ra là cách mạng cho đến chết!
Kể ra thì trong cuốn sách của ông không cần kể đến chuyện cử sự ở Hán Khẩu làm gì; chuyện ấy, bây giờ bọn Tài Thường chết rồi, sự thực nó làm sao, chẳng còn ai mà đôi chối. Lại bọn mười một người như Thái Ngạc bỏ nhà đi theo cũng chẳng nên thuật lại làm chi. Ấy thế mà ông Lương cũng đã nhặt nhạnh đem vào cho kỳ được!
Người ta có thể nắm đó mà ngờ cho ông Lương Khải Siêu. Ngờ rằng có lẽ ông viết cuốn sách này sau khi cách mạng thành công[2] nên nói như thế để phụ họa với sự vinh quang của bọn họ mà khỏa lấp sự thất bại trong những cuộc bảo hoàng và lập hiến của mình.
Chúng ta nếu có ngờ như thế cũng đáng. Nhưng chúng ta chỉ nên buồn cười chứ không nên trách. Vì đã là người thì ai cũng có chỗ nhược điểm cả, có giữ cho mấy rồi nó cũng phải thòi đuôi!
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ Lương Khải Siêu (1873-1929) tự Trác Như, hiệu Nhiệm Công, bút hiệu Ẩm Băng, nhà tư tưởng, nhà hoạt động chính trị, nhà văn Trung Quốc. Khi Lương Khải Siêu mất, Phan Khôi dưới bút danh Khải Minh Tử có viết bài Cảm tưởng của đồng nhơn chúng tôi về cái tin buồn Lương Khải Siêu tiên sinh tạ thế, đăng báo Thần chung ở Sài Gòn.
- ▲ Đây là nói cách mạng Tân Hợi, diễn ra năm 1911 (năm Tân hợi), tính từ khởi nghĩa Vũ Xương, tháng 10/1911, đổi quốc hiệu là Trung Hoa Dân Quốc, kêu gọi đánh đổ triều Mãn Thanh; đến việc bầu Tôn Dật Tiên làm đại tổng thống lâm thời (ngày 10 tháng 11 năm Tân Hợi, tức 29/12/1911).