Bước tới nội dung

Cái mánh lới ngoại giao

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cái mánh lới ngoại giao  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6595 (20.11.1931)

Đối với việc Mãn Châu độc lập, để coi hội Vạn Quốc xử trí thế nào

Vụ Huê Nhựt xung đột ở Mãn Châu, từ hồi xảy ra đến giờ, độc giả thường ngày đọc Trung lập thì đã rõ đầu đuôi và cũng rõ đến chỗ ngoéo ngoắt trong đó nữa. ấy là: bên Nhựt muốn dùng võ lực để ép nước Tàu theo mình mà không chịu Liệt cường đặt miệng vô; còn bên Tàu thì biết sức mình yếu, cho nên không tuyên chiến, cũng không chịu điều đình riêng với nhau, mà một hai lấy Vạn quốc hội làm xương sống.

Lẽ khúc trực đành rành ra giữa đó, không có thể nào binh Nhựt mà bỏ Tàu được, bởi vậy dư luận các nước đều phải ngả về phía Tàu. Và nước Tàu, từ hôm gây ra việc đến nay, vẫn được Liệt cường biểu đồng tình, vẫn được thắng lợi về bên lý ở giữa Vạn quốc hội.

Bên Nhựt dầu có cứng đầu cứng cổ thế nào nữa, là cái lịnh của Vạn quốc hội bắt phải rút binh nội ngày 16, cũng là làm khó cho họ. Nếu Nhựt không tuân lịnh ấy thì rồi các nước sẽ thiệt hành cái chánh sách tuyệt giao kinh tế, Nhựt liệu có thể sống một mình trên trái đất được sao? Nhược bằng tuân lịnh mà rút binh, thì cái công phu gây dựng ở Mãn Châu mấy lâu nay chẳng là trong một ngày mà phủi hai bàn tay trắng? ấy chỗ khó lòng cho bên Nhựt là ở đó.

Cái mánh lới ngoại giao bên Nhựt ở trong hồi nầy là quan trọng lắm. Nếu không khôn khéo một chút thì hư hỏng hết cả còn gì?

Cuộc Mãn Châu độc lập, Tuyên Thống lên ngôi, chính là ở trong sự khó lòng của người Nhựt mà nẩy sanh ra vậy. Bởi vậy việc ấy phải xảy ra trước ngày 16, tức là ngày 15.

Theo lời kỳ ước của Vạn quốc hội thì nội ngày 16 Nhựt phải rút binh; nhưng hôm nay, ngày 15, lại xảy ra việc Mãn Châu độc lập, vua Tuyên Thống xưng đế, thì cái kỳ ước ấy sẽ coi là đồ bỏ, vì còn có việc nầy lớn gấp trăm việc ấy. Chỗ khôn khéo của bên Nhựt là ở đó, cái mánh lới ngoại giao của họ là ở đó.

Cứ như tình thế hôm nay thì đất Mãn Châu là đất độc lập, đất của vua Tuyên Thống mà không phải của Tàu nữa. Đã là đất của Tuyên Thống thì ông muốn cho người Nhựt đóng binh là quyền của ông, can chi người Tàu mà được dự vào? can chi Vạn quốc hội mà bắt phải rút binh? Bởi vậy cái lịnh bắt Nhựt rút binh khỏi Mãn Châu nội ngày 16, hôm trước thật làm khó cho họ biết bao, song hôm nay nó không thành ra vấn đề nữa.

Bắt từ ngày 15 trở đi, người Nhựt sẽ đóng binh luôn luôn tại Mãn Châu, muốn làm gì thì làm, miễn vua Tuyên Thống bằng lòng họ thôi, người ngoài can thiệp vào là vô hiệu. ấy, cái nước cờ họ đi là như thế.

Từ nay, để rồi coi, giữa Vạn quốc hội nói gì thì nói chớ không nói tới việc bắt Nhựt rút binh nữa. Bởi vì lịnh ấy đã phải coi như đồ bỏ rồi, do cái lẽ nói trên kia.

Ít bữa nữa đến ngày khai hội đây, về việc Mãn Châu, Vạn quốc hội nếu có bàn đến thì phải bàn sang vấn đề khác. Đến bây giờ, Mãn Châu có thể lập riêng ra một nước không, ấy sẽ là cái vấn đề đem ra thảo luận giữa Vạn quốc hội. Vì trước hết phải giải quyết vấn đề ấy cho xong rồi mới giải quyết đến vấn đề Nhựt Huê được, mới lại động đến sự rút binh được.

Nhưng, sự Mãn Châu có thể lập riêng ra một nước không, sự đó, Vạn quốc hội có đủ quyền đem ra mà bàn luận chăng, ấy lại là một câu hỏi nữa. Chẳng những Vạn quốc hội mà thôi, sự Mãn Châu độc lập là một vấn đề về dân tộc, dầu cho Điều ước Hoa Thạnh Đốn hay là Điều ước Kellog cũng không có thể can thiệp đến được nữa vậy. Như thế, Vạn quốc hội sẽ tính thế nào?

Cứ theo cái thủ đoạn xâm lược mà nói, thì thế nào ta cũng phải khen người Nhựt vận động rất khéo trong cuộc nầy. Nội một việc họ làm cho Mãn Châu độc lập, Tuyên Thống xưng đế trước ngày 16, để gỡ cái bước khó khăn cho mình, thật cũng đủ làm cho những tay sừng sỏ ngoại giao các nước thấy mà sững sờ đi vậy. Nhà chánh trị, nhà ngoại giao đời nay mà được tiếng khen là giỏi là tài, cái giỏi cái tài như thế đó.

Để ta coi, rồi đây, đối với việc ấy, Vạn quốc hội xử trí thế nào?

T. R.