Cái tánh chất của lịch sử trước kia với bây giờ
Trên tập báo nầy, số mới rồi, tôi có bàn về sự lập thân của thanh niên nam nữ đời nay: sự lập thân được rộng rãi, khỏi bị buộc chỉ theo một con đường nào; sự lập thân được tự chủ, khỏi phải làm đồ dùng cho kẻ khác; sự lập thân rất dễ dàng cho mọi người, hễ có tài có chí thì ắt nên. Sự tôi nói đó có quan hệ với vấn đề lịch sử ít nhiều; nhơn đó tôi liên tưởng đến vấn đề ấy và hôm nay bàn về cái tánh chất của lịch sử.
Chỗ tôi muốn nói, là chỗ thay đổi của nó: cái tánh chất của lịch sử từ rày về sau sẽ khác hẳn với trước kia.
*
* *
Người ta sống ở đời, rút cuộc lại được cái gì? ấy là một cái trong những cái nghi vấn thuộc về sự quan niệm đời người, cũng gọi là nhân sanh quan. Cái nghi vấn ấy, các nhà tông giáo và triết học xưa nay trả lời không giống nhau. Vị giáo chủ có thế lực ở xã hội phương Tây, Jésus-Christ, thì bảo rằng người ta có linh hồn; sự sống ở đời nầy là tạm, quý hồ sau khi chết, linh hồn được lên thiên đàng mà hưởng phước đời đời; sự sống ở trên trời mới là sự sống thật. Còn vị giáo chủ có thế lực ở xã hội phương Đông, như nước Tàu và nước ta, là Khổng Tử, thì lại bảo rằng sự sống của người ta ở đời nầy vẫn là quý, nhưng rồi cũng phải chết; có một cái làm cho người ta không chết được, ấy là cái danh. Tức như lời ngài nói trong sách Luận ngữ rằng: Người quân tử lấy làm đau đớn khi qua đời rồi mà danh chẳng được xưng ra vậy[1]. Như vậy, theo Jésus-Christ, thì người ta chết mà không chết là ở cái linh hồn được rỗi[2]; còn theo Khổng Tử, thì người ta chết mà không chết là ở cái danh được truyền đến đời sau.
Đây không phải nơi so sánh hai cái thuyết ấy, cũng không phải nơi luận về linh hồn; ở đây cốt nói về cái danh là cái có dính dấp với lịch sử mà thôi. Cốt nói về danh mà lại truy nguyên đến chỗ xa xuôi ấy, để cho biết sự lưu danh là một cái mục đích cuối cùng của đời người cũng như sự rỗi linh hồn vậy, chớ chẳng phải tầm thường đâu.
Người Tàu và người nước ta, lâu nay vẫn sống trong cái giáo nghĩa của đức Khổng, cho nên lấy sự lưu danh làm trọng. Người phương Tây, tín đồ của Cơ-đốc, cả đời cầy cục cho được rỗi linh hồn thể nào, thì người Trung Quốc và người Việt Nam, cả đời cầy cục cho được lưu danh lại đời sau cũng thể ấy. Sự ấy đã thành ra một cái mục đích chung cho người đời, bất kỳ là ai; bởi vậy bên Tàu có câu tục ngữ: Báo tử lưu bì, nhân tử lưu danh, thì tình cờ không hẹn mà giống nhau, tục ngữ bên ta cũng có câu: Hùm chết để da, người ta chết để tiếng.
Cách để tiếng lại đời sau, kể ra cũng nhiều lắm; nhưng có một cách chánh đáng và chắc chắn hơn hết, là cách được ghi tên vào lịch sử. Cái bia có bài minh dựng nơi mả cùng là cái truyện hoặc cái hạnh trạng in trong văn tập của một nhà trứ thuật nào, đều là cách làm cho mình không chết đó; song gẫm lại, sao cho bằng được đứng tên vào trong quốc sử là vinh diệu hơn?
Trong một nước, ai nấy đều muốn lưu danh, mà lưu danh thì ai nấy lại đều muốn lưu ở trong lịch sử. Lịch sử đâu có chỗ đủ lưu được hết cả danh người một nước, mà ai nấy đã như giành nhau thì tất ai mạnh nấy hơn. Nước Tàu và nước ta hồi xưa, mạnh hơn hết là vua. Bởi vậy, vua là người có quyền đứng bao cả lịch sử, - cũng như bây giờ ta có tiền đứng bao cả một chuyến xe - trước hết vua lưu danh của vua, rồi thứ đến các quan kề vua, rồi thứ nữa mới đến những ai mà vua bằng lòng thì vua cho lưu danh người ấy.
Nói đến đây, đã hơi rõ cái tánh chất của lịch sử hồi xưa là thế nào rồi. Các nhà sử học của Tàu và ta trước kia, vẫn có cắt nghĩa sử là gì, đại khái nói sử để chép chuyện đời xưa hầu làm giám giới cho đời sau, hay là để khuyên kẻ lành mà răn kẻ dữ. Họ nói vậy thì nói, nhưng theo sự thiệt thì khác: nói sử để khuyến trừng giám giới thì thà nói để lưu danh cho vua quan là đúng với sự thiệt hơn.
Ai làm ra sử? Thường thường là các quan ở sử quán, vâng lịnh vua mà làm ra. Theo như đời xưa thì sử thần ở một bên vua luôn luôn: quan sử bên hữu thì chép lời nói của vua; quan sử bên tả thì chép việc làm[3]. Bởi vậy, vua seda[4] chút đỉnh, sử cũng biên; vua lấy vợ, đẻ con, là việc rất thường, sử cũng biên. Không phải là sử không hề chép chuyện dở của vua; duy có về chuyện hay thì một nói ra mười, và có nhiều chuyện không báu xót gì mà đã là của vua thì cũng chép, là điều làm hại cho lịch sử rất lớn. Vì cớ ấy, học giả bên Tàu đời nay, có người nói: Hai mươi bốn thứ sử của Trung Quốc đời xưa chẳng qua là gia phổ của các triều vua mà thôi vậy.
Đọc sử Tàu và sử ta, thường thấy có ông quan được vua yêu, khi qua đời, vua ban lời ai điếu, tứ tế một diên, rồi còn dạy sử quán lập truyện riêng cho ông quan ấy để liệt vào quốc sử. ấy là cái ân điển lớn lắm; người nào nhận lãnh được, là vinh hạnh lắm. Nhưng xét lại cho kỹ, sử đã là của riêng nhà vua thì việc ấy có khó gì; cũng như nay nếu tôi có tiền, tôi bao cả một chuyến xe hơi, tôi ưa ai thì tôi cho người ấy lên đi với tôi, việc ấy có khó gì!
Nhớ chừng như, theo lệ quốc triều ta, hễ quan ngũ phẩm trở lên thì mỗi khi bổ hay thăng, được biên vào sử. Cho nên hễ quan càng lớn chừng nào, thì càng có cơ hội được lưu danh vào quốc sử chừng nấy, chớ không luận ông quan ấy có tài cán thế nào, công trạng ra sao. Bởi vậy, khi chúng ta đọc sử, cũng thường thấy vào năm nào đó, biên rằng dùng Lê Văn Xoài làm Thượng thơ hay là dùng Nguyễn Hữu Mít làm Ngự sử; rồi ít lâu chi nữa, lại thấy biên Nguyễn Hữu Mít tốt[5], Lê Văn Xoài hoăng[5]; mà trong khoảng giữa mấy năm hay mấy chục năm ấy chẳng thấy ông thượng Xoài ở bộ có kiến minh ra được việc gì, và ông ngự Mít có bài sớ nào can vua hết! Những người ở kề vua, sự lưu danh vào sử nó tiện lợi là vậy đó, nó dễ dàng là vậy đó.
Nói chừng nấy mà thôi thì còn sót, và tỏ ra sự chúng ta xét đoán về sử chưa được công bình. Sử còn chép nhiều hạng người khác nữa: tức như hiếu tử, nghĩa phu, tiết phụ, liệt nữ, ẩn dật, cao tăng, đều có liệt truyện cả; thế đủ biết dầu thất phu thất phụ mà có tài có đức, cũng được ghi tên vào sử để đời. Nhưng lại phải xét rằng những hạng người nầy đều là hạng thuận dân của vua, hạng người mà trên kia đã nói hễ vua bằng lòng thì cho lưu danh đó vậy.
Tổng quát cả bao nhiêu cái quan niệm của người mình từ trước đối với lịch sử, rồi tôi thấy ra trong đó mười phần, hình như chỉ có hai ba phần để khuyến trừng giám giới mà thôi, còn hết bảy tám phần để lưu danh, để chiếm làm chỗ riêng đặng truyền lại những cái tên to lớn nghe mà rùng mình cho hậu thế. Như vậy, tôi muốn làm một lời kết luận rất thật thà rằng: Cái tánh chất của lịch sử ta trước kia tuy nói là để khuyến trừng giám giới, mà kỳ thiệt là để lưu danh cho những người có thế lực trong nước, tức là vua và quan đó thôi.
Chưa biết đến sau ngàn muôn năm nữa rồi cái tánh chất của lịch sử nó còn thay đổi ra mặt nào nữa không; nhưng hẵng biết bây giờ đây thì bên Tàu và bên ta cũng vậy, cái tánh chất lịch sử đã theo thời đợi mà thay đổi rồi, khác hẳn với trước kia.
Trước kia, sử thuộc về quyền sở hữu của vua, như người ta đã nói, sử là gia phổ của nhà vua. Song bây giờ không thế nữa, sử là của chung một dân tộc, của chung người một nước.
Trước kia, sử do các quan ở sử quán vâng mạng vua mà làm ra; cái gì chép, cái gì bỏ, tự quyền vua đoán định. Song bây giờ không thế nữa, quyền làm sử ở trong tay các nhà sử học trong nước, mà phải được quốc dân công nhận thì một bộ sử nào đó mới được lưu hành. Nhà vua hay chánh phủ hoặc có tự mình làm ra sử, nhưng nếu không vừa lòng quốc dân thì cũng trở nên không có giá trị, không ai thèm đọc đến.
Trước kia, sử để khuyến trừng giám giới về đằng danh, mà để lưu danh cho vua quan về đằng thiệt, như đã giải rõ trong bài nầy. Song bây giờ không thế nữa, sử có một cái công dụng lớn, là để ghi sự tấn hóa của một dân tộc về các phương diện. Cái tánh chất của lịch sử đời nay, trong đó vẫn có một vài phần để khuyến trừng giám giới và để lưu danh; nhưng phần đó là phần phụ; phần chánh là để ghi sự tấn hóa của một dân tộc.
Trước kia, sử chỉ chuyên trọng về một mặt chánh trị mà bỏ sót các mặt khác. Như thế là bởi cái quan niệm của người làm sử và người đọc sử hồi đó chỉ chăm vào sự thạnh suy trị loạn của một nhà vua mà thôi, của một triều đại mà thôi. Bây giờ không thế nữa, đã ghi sự tấn hóa của một dân tộc về các phương diện thì ngoài chánh trị ra, còn có những kinh tế, thực nghiệp, văn chương, mỹ thuật không kể hết. Như thế là bởi cái quan niệm về quốc gia của người đời nay không lấy một nhà vua làm trọng mà lấy cả dân tộc làm trọng vậy. Coi mấy điều so sánh trên đây, đủ thấy cái tánh chất của lịch sử bây giờ khác với trước kia là thế nào rồi. Cái tánh chất ấy sung mãn trong cõi sử học ngày nay, cho đến chừng nào thế giới đại đồng, không còn có cái giới hạn quốc gia nữa thì nó mới lại thay đổi lần khác.
Đến đây tôi mới nói rõ sự liên tưởng (enchainement d'idées) của tôi ở trên kia là thế nào. Đương nói chuyện lập thân của thanh niên nam nữ đời nay, sao lại bắt quờ qua lịch sử? ấy chẳng qua tôi có ý nói: Nhơn cái tánh chất lịch sử ngày nay đã thay đổi rồi, cho nên ai muốn lập thân mà đạt đến cái mục đích của đời người, theo như Khổng Tử, cho được lưu danh đến hậu thế nữa, cũng dễ hơn thuở xưa.
Đã biết rằng lịch sử ngày nay chú trọng về sự tấn hóa chớ không chú trọng về sự lưu danh. Song sự tấn hóa nào cũng không có thể đi một mình được mà phải dựa vào nhân vật. Bởi vậy, chúng ta sanh trong thời đại nầy, nếu nhận cho cái mục đích cuối cùng đời người theo như Khổng Tử là phải, thì chúng ta cũng không mất cái cơ hội cho mình lưu danh đâu.
Thứ nhứt là nhờ lịch sử đời nay để ghi sự tấn hóa của một dân tộc đủ cả các phương diện, cho nên sanh trong một nước mà ai có một tài một nghề gì, có công về một phương diện nào trong cuộc tấn hóa, cũng sẽ được lưu danh. Ví dụ như Chim và Giao, đánh cho chết cũng không trật đứng vào trương đầu của lịch sử thể thao Việt Nam.
Lịch sử sau nầy sẽ không chép chuyện se da, cưới vợ, đẻ con của vua nữa. Sau nầy những người nào được ghi tên trong quốc sử, ấy là cậy ở sự công bình của nhà làm sử sau nầy, mà nhà làm sử lại phải nhắm theo sự công bình của quốc dân. Bấy giờ sẽ không ai có quyền như ông vua hồi xưa, muốn lập truyện cho ai thì dạy các quan sử quán lập truyện cho người ấy. Một điều làm cho chúng ta không còn thấy mà nóng mặt nữa, ấy là ông thượng Xoài, ông ngự Mít, không còn viện lệ mình là quan ngũ phẩm trở lên mà choán đám hết bao nhiêu trương lịch sử quý báu của chúng ta. Như vậy, lịch sử Việt Nam sau nầy sẽ rộng chỗ cho chúng ta là dường nào! Bấy giờ vẫn không khỏi sự giành nhau để lưu danh; nhưng giành nhau bằng tài năng, bằng công nghiệp, bằng cái ảnh hưởng của sự tấn hóa, thì cái giành ấy, theo đức Khổng chúng ta, là cái giành quân tử[6] không còn ai mạnh nấy hơn như trước nữa.
Ai mà đã biết rõ sự thay đổi của tánh chất lịch sử như tôi nói đây, thì lại càng nhìn thấy sự lập thân ở đời nay là rộng rãi tự do lắm thay. Nầy! anh, chị hay là tôi, em hay là qua, đều có tư cách lưu danh trong quốc sử mai sau nầy, chớ không đợi có hàm ngũ phẩm trở lên!
Phan Khôi
Chú thích
- ▲ Luận ngữ. Vệ Linh Công: "Tử viết: Quân tử tật một thế nhi danh bất xứng yên" (nguyên chú bằng chữ Hán)
- ▲ Được rỗi nghĩa là được siêu thăng, được lên thiên đàng, tiếng riêng của bên Đạo (nguyên chú của Phan Khôi)
- ▲ Kinh Lễ : "động tắc tả sử thư chi, ngôn tắc hữu thư chi" (nguyên chú chữ Hán, ở đây phiên âm)
- ▲ Vua có bịnh thì gọi là se da, hay là : ngài ngự se (nguyên chú của Phan Khôi)
- ▲ a ă Cũng thì chết mà quan lớn chết thì nói là hoăng ?, quan nhỏ chết thì nói là tốt ?; còn vua chết thì nói là băng ?, dân chết thì nói là tử ?: ấy là theo lễ vậy (nguyên chú của Phan Khôi)
- ▲ Luận ngữ, Bát dật : "Tử viết : ... Kỳ tranh dã quân tử" (nguyên chú chữ Hán, ở đây in phiên âm)