Cái trường hợp riêng của báo giới Trung Kỳ
I
NAM TRIỀU ĐÃ NHƯỜNG QUYỀN “CHO PHÉP RA BÁO” CHO BẢO HỘ THÌ CỚ SAO CÁC BÁO TRUNG KỲ CÒN Ở DƯỚI PHÁP LUẬT NAM TRIỀU?
Các báo mới xuất bản ở Trung Kỳ, phần vì sự yên trí của các ông chủ nhiệm, phần vì chưa gặp vụ kiện nào, nên cứ tưởng mình ở dưới pháp luật Bảo hộ nếu một ngày kia có sự gì rây đến pháp luật. Nhưng, ngày ấy nếu xảy đến, đùng một cái, một tờ báo bị đưa ra trước mặt pháp luật Nam triều, là thứ pháp luật chưa tiến hóa, thứ pháp luật hà khắc, rồi nó mới biết thân!
Duy có Tiếng dân, tờ báo sống ở Huế mười năm nay, tờ báo anh cả các tờ báo, thì hình như nó đã “biết thân” rồi, vì mới năm ngoái, trong hai vụ kiện, nó đã bị ứng hầu trước tòa án Thừa Thiên. Nhưng lại hình như nó cũng còn chưa “biết” nữa, vì hai vụ ấy Tiếng dân đều được kiện.
May mà được kiện đó, chứ thua thì khốn. Tại sao mà khốn? Câu chuyện hơi dài, xin sẽ nói riêng trong một bài khác. Còn bài này để thuyết minh cái lý do các báo Trung Kỳ là không đáng ở dưới pháp luật Nam triều.
Việc nầy nếu truy nguyên ra, người ta sẽ đổ lỗi cho các báo. Mình đã do bên Bảo hộ xin phép xuất bản, thì khi gặp có sự kiện cáo gì, họ có kiện tại tòa án Pháp hãy hầu, không thì đừng hầu, có được không? Huống chi mới rồi ở tỉnh Nghệ An, một tờ báo kiện một tờ báo lại đưa nhau đến nhờ đèn trời của quan Tổng đốc. Thế ra chính các báo đã tự nhốt mình vào rọ, còn trách được ai?
Sự ấy đã đành; có một điều, chúng tôi dám trách cả hai chánh phủ: về sự đối đãi với các báo, đã chẳng định quyền hạn cho phân minh. Giá phải phân minh từ trước thì quan Phủ Doãn hay quan Tổng đốc Nghệ An cũng đã không chấp những lá đơn người ta kiện một tờ báo hoặc hai tờ báo kiện nhau...
Các quan ở hai chánh phủ sẽ hỏi chúng tôi căn cứ vào đâu mà định cái quyền hạn ấy.
Chúng tôi xin kính cẩn thưa rằng: cứ vào pháp luật, cứ vào Hoàng Việt Hình luật, luật đương để trị toàn dân Trung Kỳ chúng tôi dù nó hà khắc hay chưa tiến hóa mặc lòng.
Hoàng Việt Hình luật, điều 132: Thần dân ta hễ ai không có phép chính phủ Bảo hộ chuẩn cho thì không được xuất bản những nhật báo hay là kỳ báo. Chính phủ lại có thể bắt nộp trước bạc ký quỹ để phòng khi viên chủ bút hay là viên quản lý phải phạt bạc. Nếu trái thể lệ ấy phải phạt giam từ một tháng đến hai tháng hay là phạt bạc từ 10$00 đến 20$00.
Xem điều luật ấy, rõ ràng thấy Nam triều đã nhường đứt cái quyền “cho phép ra báo” cho bên Bảo hộ rồi, không còn gì nữa.
Mà nhường là phải. Báo chí là một sản vật mới của xã hội mới; Nam triều từ 50 năm nay, sau khi bị bảo hộ rồi, mọi sự cũng còn cứ giữ theo nề nếp cũ, tự nhiên phải lấy sự đối đãi với báo chí làm lạ lùng, chẳng muốn mủng lấy[1] làm chi. Huống chi Nam triều chưa hề có lấy một chữ về báo luật (législation de la presse)[2] thì lấy gì đối phó với các báo trong khi họ có sự kiện thưa? Bởi vậy chúng tôi cho sự nhường quyền là phải.
Cái quyền cho phép báo đã nhường rồi, thì bên Nam triều không can dự đến những vụ kiện của các báo mới phải, cớ sao còn can dự? Còn bên Bảo hộ sao lại ngồi yên mà ngó quan Phủ Doãn hay quan Tổng đốc chấp những lá đơn mà đáng lý chỉ có tòa án Lang-sa mới được chấp mà thôi?
Một vị điền chủ vì nhà túng bấn đã bán ruộng cho một ông hàng xóm giàu có hơn, đã kêu những tá điền của mình bảo sang lấy thóc giống ở ông hàng xóm ấy, rồi đến chừng lúa chín, lại thò vằng[3] vào mà gặt! Ôi! Ông ngang quá, không thì ông đãng trí quá đi, ông điền chủ!
Chẳng ví thá làm chi, thực sự còn dứt khoát hơn nhiều. Về thương chánh, Nam triều đã nhường hết các món thuế cho Bảo hộ rồi thì lâu nay những kẻ can về rượu lậu, muối lậu hay thuốc phiện lậu đều chịu tội trước tòa án Lang-sa; thì cớ sao, về báo chí, Nam triều đã nhường quyền cho Bảo hộ, lại còn đòi phủ pháp luật của mình trên chúng nó?
Hiện người ta đương kêu đòi ngôn luận tự do. Báo Sông Hương chúng tôi thì không có cái xa vọng ấy. Nhưng, sau khi quan Toàn quyền mới qua tới và ngồi yên rồi, chúng tôi muốn ngài quy định riêng cho báo giới An Nam một cái luật có rộng rãi hơn, mà một điều trong luật ấy là các báo Trung Kỳ cũng được hưởng pháp luật văn minh như các báo Nam và Bắc: thuộc về tòa án Lang-sa.
Hỡi các bạn đồng nghiệp Tiếng dân, Tràng An, Viên Âm, Vì Chúa, Nhành lúa, Kinh tế tân văn, Sao Mai, Đông Dương hoạt động, xin các bạn đi rập với chúng tôi để đến được chỗ mục đích: thoát ra khỏi pháp luật Nam triều, là một cái rọ mà khi còn bị nhốt vào đó chúng ta không nhúc nhích gì được.
Báo luật không có, gặp việc gì người ta sẽ lấy Hoàng Việt Hình luật ra mà buộc tội, khi ấy chúng ta muốn kêu nữa, e cũng không còn cổ họng đâu mà kêu!
II
NAM TRIỀU KHÔNG CÓ BÁO LUẬT; CÁC BÁO KHÔNG ĐÁNG Ở DƯỚI QUYỀN NAM TRIỀU
Trong bài trước chúng tôi đã chỉ ra cái chỗ Nam triều đã nhường quyền cho phép ra báo cho Bảo hộ rồi thì không còn lấy lẽ gì bắt các báo ở dưới quyền mình nữa. Nhưng sự thực, không những nội một chỗ đó mà thôi, còn có cớ khác mạnh hơn: ấy là Nam triều không có báo luật.
Các nước văn minh, trong nước có nhiều báo chí, thảy đều có lập ra một thứ luật riêng gọi là “báo luật” (Législation de la presse) để đối phó với các báo trong khi họ phạm tội hoặc có kiện cáo với ai. Cho đến nước Tàu là nước thủ cựu và lạc hậu, mà cũng đã có lập báo luật ngay từ cuối đời Mãn Thanh và sau Dân quốc theo đó mà sửa đổi.
Báo luật của nước nào cũng khác với hình luật, vì nó có ý rộng rãi hơn. Ngay như nước Pháp, theo hình luật có cho phép giam cứu (prévention), nhưng theo báo luật không có giam cứu mà chỉ có giam phạt (détention). Như vậy, cũng đồng phạm một tội mà người thường phạm thì xử bằng hình luật, tòa án có thể bắt giam trước khi chưa thành án; nhưng nhà báo phạm thì phải xử bằng báo luật, không được bắt giam theo cách ấy mà phải đợi đến bao giờ có thành án mới được bắt giam. Nói một chút đó đủ thấy báo luật của nước văn minh đối với nhà ngôn luận có ý rộng rãi là dường nào. Mà sở dĩ rộng rãi như thế là vì trong cái xã hội văn minh ấy người ta biết tôn kính và biệt đãi nhà ngôn luận.
Nước ta từ trước không có báo cho nên cũng không có báo luật. Nam triều sau khi bị Bảo hộ, lẽ đáng học đòi các nước văn minh, khuyến khích nhân dân mở báo và lập ra báo luật. Nhưng đã 50 năm rồi vẫn cứ giữ theo nề nếp cũ, dù ngày nay trong xứ đã có được dăm bảy tờ báo mà Triều đình cũng cứ quen thói cẩu thả, không hề nghĩ đến sự lập báo luật để biệt đãi các cơ quan ngôn luận trong xứ mình.
Nam triều đã không có báo luật mà hiện thời người ta lại buộc các báo xuất bản ở Trung Kỳ phải ở dưới quyền Nam triều. Như thế, ngộ khi các báo có phạm phép hay có kiện cáo gì với ai, các quan tư pháp sẽ đem hình luật ra mà xử, là sự tất nhiên.
Ôi! Hình luật của Nam triều! Các bạn còn lạ gì thứ hình luật ấy! Chúng tôi đã bảo là một thứ pháp luật chưa tiến hoá.
Theo hình luật ấy, sự buộc tội đã rất nặng, quan tòa lại có quyền rộng vô cùng, trước tòa án lại không được có trạng sư để bênh vực: nó sẽ đưa đến cho các báo những sự thiệt hại mà không biết kêu van với ai, vì đi đến “chung thẩm” của bộ Tư pháp là hết đường!
Đây thử kể ra mấy điều trong luật ấy mà nhà báo có thể phạm được:
Điều 104, dùng lời nói vụ mạn nhà vua trước công chúng, sẽ bị tội câu cấm từ 5 năm đến 10 năm, không phân biệt chánh phạm hay tùng phạm.
Điều 107, công bố những tin không thật, làm hại đến cuộc công an, sẽ bị xử phát lưu.
Điều 125, cổ động sự biến loạn, sẽ bị câu cấm từ 10 năm đến 15 năm.
Đó, xem ba điều đó cũng đủ thấy Hình luật Trung Kỳ nặng quá. Một tờ báo, khi không bị quan trên để ý đến, chẳng nói làm chi; chứ khi để ý đến mà muốn trừng phạt thì có khó gì sự thêu dệt để ghép vào mặt luật? Viên chủ nhiệm hay chủ bút của tờ báo ấy đã chẳng nhờ thầy kiện cãi cho được, lại cũng chẳng chống án đâu được nữa, có khó gì mà chẳng vào tù và ở đó cho đến mục xương?
Nhà báo hay bị kiện nhất về tội hủy báng (diffamation). Ở tòa án Lang-sa, tội hủy báng cũng xử theo báo luật. Nhưng Nam triều không có báo luật thì về việc ấy cũng lại sẽ xử theo luật hình. Hoàng Việt Hình luật ở mục thứ VIII có những điều riêng về tội hủy báng mà hầu hết là quá nặng, rất bất lợi cho nhà báo.
Vì một cớ rất hữu lý nói trong bài nầy nữa, chúng tôi xin quan Toàn quyền Brévié ban gấp một đạo nghị định, nói rõ ràng rằng các báo quốc ngữ ở Trung Kỳ từ rày không ở dưới quyền pháp luật của Nam triều mà sẽ thuộc về tòa án Lang-sa.
SÔNG HƯƠNG
Chú thích
- ▲ mủng lấy: các từ điển cổ chỉ ghi nhận “mủng” trỏ chiếc thuyền thúng nhỏ; trong văn cảnh cụ thể ở đây, “mủng” ý nói việc chở, mang; vậy “mủng lấy” tạm hiểu như nhận lấy, mang lấy.
- ▲ Législation de la presse (chữ Pháp): lập pháp về báo chí, chế độ pháp luật về báo chí.
- ▲ vằng hái: vòng tra lưỡi hái, đồ để mà gặt lúa (H.T.Paulus Của: sđd.)