Bước tới nội dung

Câu chuyện lấy vợ đầm

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Câu chuyện lấy vợ đầm  (1934) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 269 (6. 12. 1934), trang 5-7.

Bao giờ ta cùng giống khác bình đẳng, hãy nên kết hôn với họ

Nhơn một cuộc nói chuyện trong đó có nhiều ông bác sĩ mà tôi viết nên bài nầy, có thể gọi là một bài nghiên cứu về tâm lý đàn bà, nghiên cứu về sự hôn nhân giữa hai giống khác nhau, dầu rằng trong khi viết tôi chưa hề mất công nghiên cứu một tý nào cả, tôi chỉ chép theo lời các ông ấy.

Các ông bác sĩ, trong cuộc chuyện nầy đều là du học sanh ở bên Tây lâu năm, phần nhiều ông lại có kết hôn cùng người ngoại quốc, tình cờ họp mặt nhau trong một bữa tiệc ở nhà kia, nhơn bà chủ nhà rắn mắt,[1] khươi ra câu chuyện, mà rồi mỗi ông góp một ít tài liệu thành ra bài nghiên cứu.

Bà chủ nhà, người đã có tuổi, đối với các ông bác sĩ là lớp lớn, nên khi cuộc nói chuyện đương vui, không ngại gì mà mở ra câu hỏi:

‒ Tôi không hiểu các ngài ở bên tây lại lấy vợ đầm làm gì. Tôi nói thế, một là bởi lúc các ngài đi Tây là định đi để học chớ không phải đi để kiếm vợ; hai là bởi giống người khác nhau, tánh tình phải khác, sao lại ưa được nhau? Ba nữa là điều các ngài làm đó trở nên một sự thiệt hại cho một số phụ nữ nước nhà, vì những người con gái thông minh hiền tú ở đây tự nhiên phải mất đi bao nhiêu khách đông sàng xứng đáng. Cho nên, không trách được, khi nào nói đến chuyện đó, nhiều người vẫn phản đối các ngài.

Bác sĩ giáp nóng tánh hơn hết, vội vàng đáp:

‒ Thưa bà há chẳng biết ái tình vô chủng tộc, nghĩa là đã yêu nhau không kể giống nòi? Thật thế, trong khi một người con trai với một người con gái yêu nhau thì chỉ biết là trai gái yêu nhau, chớ có ai kể tới giống nầy giống kia làm chi?

Bác sĩ Ất tiếp lời:

‒ Chính phải. Tôi thấy một người da trắng mà cũng còn thương được một người con gái bên Phi châu da đen như mun, huống nữa là da vàng da trắng, chẳng khác nhau là mấy.

Rồi đến bác sĩ Bính:

‒ Thưa bà, một cái nguyên tắc ta nên nhận thấy trước hết, là người ta như nhau thì tánh tình như nhau, không vì cớ khác giống mà khác tánh tình được, cho nên người đàn ông An Nam với người đàn bà Tây vẫn yêu nhau được.

Bà chủ nhà:

‒ Tôi đặt câu hỏi có ba điều; ba ông nói đó chỉ giải đáp được điều thứ nhì mà thôi, còn chưa trả lời được điều thứ nhứt và điều thứ ba.

Bác sĩ Đinh nãy giờ chưa nói gì, nay đứng dậy đỡ vớt cho anh em:

‒ Đại để ai có lấy vợ đầm cũng đều là việc tình cờ cả. Trong khi chúng tôi làm cái việc tình cờ ấy vẫn không bỏ việc học là việc chánh, thì tưởng cũng vô hại. Còn như nói chúng tôi làm thiệt hại cho phụ nữ thì cũng như phụ nữ đã làm thiệt hại cho đàn ông: bao nhiêu người lấy ông chánh sứ, ông tham biện, cũng làm cho đàn ông An Nam mất đi bấy nhiêu hiền nội trợ vậy chớ, cái đó nên huề nhau!

Mọi người đều cười vang lên.

Bà chủ nhà day qua mặt khác, hỏi gạn:

‒ Các ông đã cho ái tình ở trên chủng tộc, tôi chịu là phải; nhưng tôi dám hỏi, cuộc ái tình của các ông đó có bền chặt không? Kết quả về sau ra thế nào?

Thì ra bốn vị bác sĩ nầy đều đã ly dị với phu  nhân cả, hiện nay đều ở độc thân cả, cho nên vị nào nghe câu hỏi đó cũng đều ra tuồng lúng túng.

Bác sĩ Bính gắng gượng nói:

‒ Các giống người tánh tình tuy giống nhau mà phong tục thường khác nhau, ái tình hay bị ảnh hưởng xấu bởi đó. Những người có kinh nghiệm đều nhận ra như vậy.

Nhơn câu đó, làm cho bà chủ nhà như đón được ngách, bèn giục tới:

‒ Kinh nghiệm thế nào, xin ngài thử nói cho nghe.

‒ Thì như nhà tôi với tôi năm xưa ‒ Bác sĩ Đinh nói ‒  cũng chỉ vì khác thói quen trong khi ăn ở mà hai bên thành ra rắc rối.

Một người đàn bà Tây, nhứt là người còn trẻ, họ có tánh như là con nít, ta vụng chìu một chút là hỏng việc. Như nhà tôi hồi đó, mỗi khi tôi đi ra phố, mua kẹo về cho lũ con nít trong nhà, không cho nàng mà nàng cũng khóc được đi. Nàng bảo rằng vì tôi không thương vợ nên không cho kẹo, nhưng nào có phải, theo tục An Nam mình, mấy đời mấy thuở con gái có chồng rồi mà còn đòi ăn kẹo, mấy đời mấy thuở chồng đi ra phố mua kẹo về cho vợ ở nhà?

Bà sĩ Giáp tiếp nói:

‒ Tôi cũng có kinh nghiệm như thế. Làm cho hai đằng khó hiểu nhau là tại phong tục tập quán chớ không phải tại tánh tình. Tôi với nhà tôi hồi đó cũng thế. Dầu mình có Âu hóa đến thứ mấy đi nữa, sự hôn nhau giữa công chúng mình cũng còn ngượng, mà hễ ngượng là chích[2] ý người ta rồi. Khi nhà tôi sanh đứa con trai ở một nhà hộ sanh tại Paris, tôi từ Marseille lên thăm, thấy tôi thì nhà tôi nói bô bô lên rằng nằng đẻ cho tôi đứa con giống tôi quá, phải lấy gì thưởng nàng bây giờ? Tôi biết rằng cái gọi bằng “thưởng” đó chỉ có hôn là được, ngặt vì lúc đó trong phòng có đông người quá, tôi bẽn lẽn không “thưởng” được nàng, thế mà rồi nàng giận tôi từ đó.

Bác sĩ Ất có ý kiến hơi khác một ít, ông nói:

‒ Cái sự vì khác nhau ở thói quen mà chích mác nhau ấy thì xảy ra thường lắm, tôi cũng thế, nhưng tôi nghiệm ra cái kết quả không cùng nhau trăm năm được là ở chỗ khác chớ không ở chỗ đó đâu.

Một lần tôi đi dạo phố mua đồ với nhà tôi. Tình cờ gặp người bạn, tôi đứng lại nói chuyện, thì nhà tôi đi trước và làm rớt cái gói đồ. Trong ý nó nghĩ, phải là tôi đi tới lượm cái gói đồ cho nó mới được; nhưng tôi lại nghĩ khác: tôi tính cái thì giờ từ chỗ tôi đứng nói chuyện mà đi cho tới chỗ gói đồ rớt cũng đủ cho nhà tôi tự lượm lấy được rồi, còn phải đợi tôi làm chi? Tôi không làm theo ý nàng, nàng phải tự lượm lấy. Lúc về nhà, nàng lầm bầm trách tôi, nhưng tôi cứ lý cãi lại, rồi nàng cũng phải chịu.

Lần khác nhà tôi nhờ tôi đập con muỗi trên má cho nàng, tôi từ chối, lấy cớ rằng chính người bị muỗi đốt phải đập lấy thì mới vừa đủ làm cho con muỗi chết, vừa khỏi đau, còn người khác đập cho, không biết chừng biết đỗi, lở quá tay mà đau má. Nhà tôi nghe thì cho tôi là phải và cười một cách âu yếm.

Bà chủ nhà xen vào nói:

‒ Cứ như thế thì cái lẽ phải cũng có thể điều hòa được sự tương phản của phong tục, nhờ mình khéo giảng là được, sao ông lại còn có cái kết quả buồn rầu như ông mới vừa nói: “không cùng nhau trăm năm”?

‒ Ấy mới khó hiểu, tôi đố người ngoài cuộc mà có thể hiểu được chỗ bí yếu của chúng tôi. Sau khi kết hôn cùng nhà tôi ở Paris vài tháng thì tôi được bổ qua làm việc bên Thượng Hải, một công sở về tô giới Pháp. Ở Thượng Hải bốn năm, vợ chồng chúng tôi tương đắc lắm; thế mà khi về đến Sài Gòn, nơi quê cha đất tổ, mới có mấy tháng là đã sanh chuyện.

Nghe tới câu đó, ba ông bác sĩ kia lẩm rẩm gặt đầu như muốn biểu đồng tình, và như nhắc lại trong óc câu chuyện của mình ngày trước; còn bà chủ nhà thì rất chăm chỉ nghe, ra dáng chú ý hơn những câu từ trước đến giờ.

‒ Tôi tuy là một viên chức nhỏ, ‒ bác sĩ Ất nối lời, ‒ nhưng khi ở Thượng Hải, tôi cũng được đồng đẳng với các quan Tây, còn đối với những người Tàu ở đó, tôi đều coi là người dưới quyền mình cai trị. Ngoài ra những người An Nam nào ở Thượng Hải, phi lính thì là người làm việc nhà nước, chẳng có ai là hạng hạ lưu, bị người ta khinh miệt hay bạc đãi bao giờ. Hình như nhờ cái hoàn cảnh đó làm cho tôi được nâng cao lên trong con mắt vợ tôi, cái cảm tình đối với nhau biết bao là đằm thắm.

Về Sài Gòn rồi thì cái hoàn cảnh ấy đổi hẳn. Nhất là khi tôi đem nhà tôi về dưới Sóc Trăng, chính quán của tôi, thấy những bà con quê mùa, dốt nát, nghèo khổ ở đó cũng đủ làm cho tôi trở nên khó chịu trước mắt nàng. Tài chi chung quanh tôi, người thì bị thế này, kẻ thì bị thế khác, mà tôi còn ra gì nữa?

Một người đàn bà Pháp không như đàn bà ta đâu, người nào cũng bạn bè đông, giao thiệp rộng, nhứt là họ lại còn những bạn đàn ông nữa. Lúc trở lên Sài Gòn rồi, nhà tôi vì theo đuổi những cuộc xã giao ấy mà đâm ra chán tôi.

Tôi nghĩ kỹ rồi cũng chẳng trách nàng. Người đàn bà dầu thương chồng đến đâu mà bị người ta mai mỉa quá, xúi giục quá, rồi cũng không có thể ở với chồng cho trọn được. Giữa đám mặc áo gấm áo sa mà mình mặc cái áo rách, thì còn ai chẳng buồn chẳng tủi? Cái buồn cái tủi ấy chất chứa mỗi ngày một ít, rồi sau tất phải đến rời nhau ra, mới ai yên phần nấy được.

Sau mấy lời của bác sĩ Ất, mọi người đều cho là đúng với sự thật, bác sĩ Đinh nói thêm:

‒ Phải, tôi nhận ra ở bên Tây, nhứt là ở Paris, thì những cặp vợ chồng như chúng ta, cặp nào cũng có thể xưng là giai ngẫu cả. Nhưng đến lúc về bên này, bởi hoàn cảnh đổi thay hóa ra ái tình cũng thay đổi.

Bác sĩ Giáp còn tiếp nữa:

‒ Chúng ta còn nhớ lúc Âu chiến vừa mới yên, có một cô đầm ở bên Tây qua tận bên ta, ở ngoài Quảng Nam, mà tìm cho được người chồng cũ của mình, có người đã nhơn chuyện ấy mà viết ra cuốn tiểu thuyết “Tây phương mỹ nhân”[3] đó ‒ cô ấy từ lúc đưa người chồng mộc mạc ở Quảng Nam về rồi ở luôn bên đất Pháp, cho nên mới được sum hiệp luôn tới bây giờ, chớ phải chi mà hai người lại trở qua đây, rồi cũng không khỏi bỏ nhau như nhiều người khác vậy!

Câu chuyện đến đó đáng để cho bà chủ nhà làm một cái kết luận, bà nói rằng:

‒ Theo các tài liệu của ba ông đã cử ra thì cuộc hôn nhân giữa hai giống, nhất là giống An Nam với giống Pháp, hiện nay chưa có thể nhận là cuộc hôn nhân chánh đáng được. Cái chỗ tánh tình tập quán khác nhau không đủ lấy làm lo, mà đáng lo là cái chỗ quyền làm người không đồng nhau. Cái quyền làm người không đồng nhau thì hai bên lấy nhau sao được? Bởi vậy, bao giờ ta cùng giống khác bình đẳng, ta hãy nên kết hôn với họ.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. rắn mắt : nghịch ngợm, đùa nghịch (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.)
  2. chích: chếch (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.)
  3. Đấy là tiểu thuyết của Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896-1982)