Bước tới nội dung

Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển/Phần IV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

PHẦN IV. CÁC QUỐC GIA QUẦN ĐẢO

[sửa]

ĐIỀU 46. Sử dụng các thuật ngữ

[sửa]

Trong công ước:

(a) “Quốc gia quần đảo” (Etat Archipel) là một quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có khi bởi một số hòn đảo khác nữa.
(b) “Quần đảo” (Archipel) là một tổng thể các đảo, kể cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau đến mức tạo thành về thực chất một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử.

ĐIỀU 47. Đường cơ sở quần đảo

[sửa]

1. Một quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá lúc chìm lúc nổi của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước đó với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỷ lệ số 1/1 và 9/1.

2. Chiều dài của các đường cơ sở này không vượt quá 100 hải lý; tuy nhiên có thể tối đa 3% của tổng số các đường cơ sở bao quanh một quần đảo nào đó có một chiều dài lớn hơn nhưng không quá 125 hải lý.

3. Tuyến các đường cơ sở này không được tách xa rõ rệt đường bao quanh chung của quần đảo.

4. Các đường cơ sở không thể kéo dến hay xuất phát từ các bãi cạn lúc chìm lúc nổi, trừ trường hợp tại đó có xây đặt các đèn biển hay các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt biển hoặc trừ trường hợp toàn bộ hay một phần bãi cạn ở cách hòn đảo gần nhất một khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh hải.

5. Một quốc gia quần đảo không được áp dụng phương pháp kẻ các đường cơ sở khiến cho các lãnh hải của một quốc gia khác bị tách rời với biển cả hay với một vùng đặc quyền kinh tế.

6. Nếu một phần của vùng nước quần đảo của một quốc gia quần đảo nằm giữa hai mảnh lãnh thổ của một quốc gia kế cận, thì các thuyền và mọi lợi ích chính đáng mà quốc gia kế cận này vẫn được hưởng theo truyền thống ở trong các vùng nước nói trên, cũng như tất cả các quyền nảy sinh từ các điều ước được ký kết giữa hai quốc gia, vẫn tồn tại và vẫn được tôn trọng.

7. Để tính toán tỷ lệ diện tích các vùng nước so với diện tích phần đất đã nêu ở khoản 1, các vùng nước trên trong các bãi đá ngầm bao quanh các đảo và vành đai san hô, cũng như mọi phần của một nền đại dương có sườn dốc đất đứng, hoàn toàn hay gần như hoàn toàn do một chuỗi đảo đá vôi hay một chuỗi các mỏm đá lúc chìm lúc nổi bao quanh, có thể được coi như là một bộ phận của đất.

8. Các đường cơ sở được vạch ra theo đúng điều này phải được ghi trên hải đồ có tỷ lệ thích hợp để xác định được vị trí. Bản kê tọa độ địa lý của các điểm, có ghi rõ hệ thống trắc địa được sử dụng có thể thay thế cho các bản đồ này.

9. Quốc gia quần đảo công bố theo đúng thủ tục các bản đồ hoặc bảng liệt kê tọa độ địa lý và gửi đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc một bản để lưu chiểu.

ĐIỀU 48. Đo chiều rộng lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa

[sửa]

Chiều rộng của lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa được tính từ cách đường cơ sở quần đảo theo đúng Điều 47.

ĐIỀU 49. Chế độ pháp lý của các vùng nước quần đảo và vùng trời ở trên cũng như đáy biển tương ứng và lòng đất dưới đáy biển đó

[sửa]

1. Chủ quyền của quốc gia quần đảo mở rộng ra vùng nước ở phía trong đường cơ sở quần đảo được vạch ra theo đúng Điều 47, được gọi là vùng nước quần đảo (eaux archipélagiques), bất kể chiều sâu và khoảng cách xa bờ của chúng thế nào.

2. Chủ quyền này được mở rộng đến vùng trời trên vùng nước quần đảo, cũng như đến đáy vùng nước đó và lòng đất tương ứng và đến các tài nguyên ở đó.

3. Chủ quyền này được thực hiện theo các điều kiện nêu trong phần này.

4. Chế độ đi qua vùng nước quần đảo do phần này quy định không đụng chạm về bất kỳ một phương diện nào khác đến chế độ pháp lý của vùng nước quần đảo, kể cả các đường hàng hải, đến việc quốc gia quần đảo thực hiện chủ quyền của mình ở vùng nước đó, ở vùng trời phía trên, đáy nước vùng đó và lòng đất tương ứng cũng như đối với các tài nguyên ở đó.

ĐIỀU 50. Hoạch định ranh giới nội thủy

[sửa]

Ở phía trong vùng nước quần đảo, quốc gia quần đảo có thể vạch những đường khép kín để hoạch định ranh giới nội thủy của mình theo đúng các Điều 9, 10, và 11.

ĐIỀU 51. Các điều ước hiện hành, các quyền đánh bắt hải sản truyền thống và các dây cáp ngầm đã được lắp đặt

[sửa]

1. Không phương hại đến Điều 49, các quốc gia quần đảo tôn trọng các điều ước hiện hành đã được ký kết với các quốc gia khác và thừa nhận các quyền đánh bắt hải sản truyền thống và những hoạt động chính đáng của những quốc gia kế cận trong một số khu vực thuộc vùng nước quần đảo và quốc gia quần đảo. Các điều kiện và thể thức thực hiện các quyền và các hoạt động này, kể cả tính chất, phạm vi của chúng và cả khu vực thực hiện các quyền và các hoạt động nói trên, được xác định theo yêu cầu của bất cứ quốc gia nào trong các quốc gia hữu quan qua các điều ước tay đôi được ký kết giữa các quốc gia đó. Các quyền này không được chuyển nhượng hay chia sẻ cho quốc gia thứ ba hay cho các công dân của các quốc gia ấy.

2. Các quốc gia quần đảo tôn trọng các dây cáp ngầm hiện có của những quốc gia khác đặt và đi quan vùng nước của quốc gia quần đảo mà không đụng đến bờ biển của mình. Các quốc gia quần đảo cho phép bảo dưỡng và thay thế các đường dây cáp này sau khi họ đã được thông báo trước về vị trí của chúng và về những công việc bảo dưỡng hay thay thế dự định tiến hành.

ĐIỀU 52. Quyền đi qua không gây hại

[sửa]

1. Với điều kiện tuân thủ Điều 53 và không phương hại đến Điều 50, tàu thuyền của tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền đi qua không gây hại trong vùng nước quần đảo đã được quy định ở Mục 3 phần II.

2. Quốc gia quần đảo có thể tạm thời đình chỉ việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong các khu vực nhất định thuộc vùng nước quần đảo của mình, nếu biện pháp này là cần thiết để đảm bảo an ninh của nước mình, nhưng không có sự phân biệt đối xử nào về mặt pháp lý hay về mặt thực tế giữa các tàu thuyền nước ngoài. Việc đình chỉ này chỉ có hiệu lực sau khi đã được công bố theo đúng thủ tục.

ĐIỀU 53. Quyền đi qua vùng nước quần đảo

[sửa]

1. Trong các vùng nước quần đảo và lãnh hải tiếp liền, quốc gia quần đảo có thể ấn định các đường hàng hải và các đường hàng không ở vùng trời phía trên các đường này để các tàu thuyền và phương tiện bay nước ngoài được đi qua nhanh chóng và liên tục.

2. Tất cả các tàu thuyền và phương tiện bay được hưởng quyền đi qua quần đảo theo các tuyến đường hàng hải và các đường hàng không đó.

3. “Đi qua vùng nước quần đảo” là việc các tàu thuyền và phương tiện bay thực hiện không bị cản trở, theo phương thức hàng hải, hàng không bình thường và theo đúng Công ước, các quyền hàng hải và hàng không của mình, với mục đích duy nhất là quá cảnh liên tục và nhanh chóng giữa một điểm của biển cả hay một vùng đặc quyền kinh tế.

4. Các đường hàng hải và các đường hàng không đi qua các vùng nước quần đảo và lãnh hải tiếp liền hoặc vùng trời phía trên phải bao gồm tất cả các con đường thường dùng cho hàng hải quốc tế trong vùng nước quần đảo và vùng trời phía trên; các đường hàng hải cần theo đúng tất cả các luồng lạch thường dùng cho hàng hải, tất nhiên, không cần phải thiết lập nhiều con đường thuận tiện như nhau giữa một điểm vào và một điểm ra nào đó.

5. Các đường hàng hải và hàng không này được xác định qua hàng loạt các đường trục liên tục nối liền các điểm vào với các điểm ra của chúng. Trong quá trình đi qua các tàu thuyền và phương tiện bay không được đi chệch các đường trục này quá 25 hải lý, tất nhiên, các tàu thuyền và phương tiện bay này không được đi cách bờ một khoảng cách dưới 1/10 khoảng cách giữa những điểm gần nhất của các đảo nằm dọc theo một con đường.

6. Quốc gia quần đảo khi ấn định các đường hàng hải theo đúng điều này cũng có thể quy định các cách phân chia luồng giao thông nhằm bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền sử dụng các luồng lạch hẹp ở bên trong các con đường này.

7. Khi hoàn cảnh đòi hỏi, quốc gia quần đảo, sau khi đã công bố theo đúng thủ tục, có thể ấn định những đường hàng hải mới hay quy định cách bố trí phân chia luồng giao thông mới để thay thế cho mọi con đường hay mọi cách phân chia luồng giao thông do quốc gia đó đã thiết lập từ trước.

8. Các đường hàng hải và cách phân chia luồng giao thông đó phải phù hợp với quy định quốc tế được chấp nhận chung.

9. Khi ấn định hay thay thế các đường hàng hải hoặc khi quy định hay khi thay thế các cách bố trí phân luồng giao thông, quốc gia quần đảo gửi các đề nghị của mình cho tổ chức quốc tế có thẩm quyền để được chấp nhận. Tổ chức quốc tế này chỉ có thể được chấp thuận các đường hàng hải và các cách bố trí phân chia luồng giao thông mà họ đã có thể thỏa thuận với quốc gia quần đảo; khi đó, quốc gia quần đảo có thể ấn định, quy định hay thay thế các đường hàng hải và các cách phân chia luồng giao thông đó.

10. Quốc gia quần đảo ghi rõ ràng lên các hải đồ được công bố theo đúng thủ tục các đường trục của các đường hàng hải mà quốc gia đó ấn định và các cách phân chia luồng giao thông mà quốc gia đó quy định.

11. Khi đi qua vùng quần đảo, các tàu thuyền tôn trọng các đường hàng hải và các cách chia phân luồng giao thông được thiết lập theo đúng điều này.

12. Nếu quốc gia quần đảo không ấn định các đường hàng hải hay các đường hàng không thì quyền đi qua vùng nước quần đảo có thể thực hiện bằng cách sử dụng các con đường thường dùng cho hàng hải và hàng không quốc tế.

ĐIỀU 54. Các nghĩa vụ của tàu thuyền và phương tiện bay trong khi đi qua, nghiên cứu và đo đạc thủy văn, các nghĩa vụ của quốc gia quần đảo, các luật và quy định của quốc gia quần đảo liên quan đến việc đi qua quần đảo

[sửa]

Các Điều 39, 40, 42, 44 được áp dụng mutatis mutandis (với những thay đổi cần thiết về chi tiết) cho việc đi qua vùng quần đảo.