Bước tới nội dung

Cúng tế có nghĩa gì?

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cúng tế có nghĩa gì?  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 170 (29. 9. 1932)

Quỷ thần có hâm hưởng đồ cúng tế không? Có ban phước cho những người cúng tế không? – Một nhà nho trước đây hai ngàn năm nói "không": Không hâm hưởng mà cũng không ban phước gì ráo!

Cái tục hay cái lễ cúng tế ở xứ ta toàn là bắt chước theo người Tàu. Từ nhà vua tế giao (tế trời đất), tế tông miếu (tế tổ tiên của vua) cho đến dân gian mỗi nhà có giỗ kỵ, có chạp mã, có cầu yên, có nhương sao nhương hạn, có cúng ông chuồng bà chuồng... nhứt nhứt đều cứ theo sách vở lễ nghi của người Tàu bày ra mà làm hết. Kỳ gian cũng có một đôi sự cúng tế nào do người mình bày ra; nhưng sau khi bày ra rồi, có kẻ lấy lễ nghi của Tàu mà vẽ vời thêm, cái thì hẳn vậy.

Như tục ta, những nhà nuôi heo, thường năm có cúng ông chuồng bà chuồng một lần hoặc nhiều lần; ngộ khi heo "bỏ ăn", cũng đặt bàn, đủ đồ hương đèn, trầu nước, gà xôi mà khấn nguyện cùng ông chuồng bà chuồng nữa. Ông chuồng bà chuồng là đi gì? Theo người mình, đó là vì[1] thần chủ coi trong chuồng heo và việc nuôi heo, heo mau mập mau ú cũng nhờ ngài, hay là chết dịch chết toi cũng bởi ngài, cho nên ai có nuôi heo thì phải cúng. Cúng thì cúng, chớ gốc tích vì thần ấy ở đâu thì không biết; chỉ kêu ông chuồng bà chuồng mà thôi, chớ ông bà ấy tên chi họ chi cũng chẳng ai hề hỏi đến làm chi.

Mấy ông nhà nho hồi xưa cho rằng cúng một vì thần mà không biết gốc tích như vậy là quê mùa dốt nát, làm theo tục chớ không làm theo lễ, coi không được; khi ấy mới có ông tìm ở sách vở nào chẳng biết, nói rằng cúng ông chuồng bà chuồng thì phải vái với vợ chồng Quách Cảnh Thuần tiên sanh. Từ đó những nhà có học mà có nuôi heo, có cúng ông chuồng bà chuồng thì đều vái với vợ chồng Quách Cảnh Thuần tiên sanh hết; duy có nhà nào mộc mạc ngu si thì mới không biết vái như vậy, chỉ theo cũ vái với ông chuồng bà chuồng.

Quách Cảnh Thuần tức là Quách Phác, người đời nhà Tấn, học phép tu tiên, lại phát minh ra cái thuật coi địa lý, có làm ra thứ sách để coi ngày coi đất đặng chôn người chết, kêu bằng Táng thơ. Người viết bài nầy biết về Quách Cảnh Thuần chỉ biết đến vậy mà thôi, còn ông ấy với vợ mình có nuôi heo và làm "thần chuồng" không, thì không biết. Không rõ người ta do ở đâu mà bảo vợ chồng Quách Cảnh Thuần tức là ông chuồng bà chuồng.

Điều đó vào đây không trọng gì; ở đây, nói đến để cho biết rằng bất kỳ sự cúng tế nào ở nước ta cũng là do sách vở bên Tàu với nhà nho mà ra hết. Đừng nói những sự cúng tế bởi đạo Nho bày ra, như vua tế giao, dân gian tế tiên tổ, nhà nho lo nắm giữ đã đành; cho đến những sự cúng tế không bởi đạo Nho hay thậm chí trái với đạo Nho, mà nhà nho cũng tin chuộng nữa, ấy là như những sự cúng tế theo thầy tu và thầy phù thủy.

Trong tiếng ta có một cái thành ngữ bằng chữ Hán rằng: Vạn sự tùng nho giả xuất, nghĩa là: muôn việc đều từ nhà nho mà ra. Câu ấy thật nó đã vẽ mày vẽ mặt cho nhà nho, nhưng lại cũng làm hại cho nhà nho nữa.

Ở xã hội ta, hễ ai biết chữ Hán thì gọi là nho, mà có biết chữ Hán mới làm gì được, vì nghề gì cũng có sách vở bằng chữ Hán, bởi vậy mới nói vạn sự tùng nho giả xuất, thành ra nhà nho là ông tổ của mọi nghề. Nhưng đã vậy thì bao nhiêu việc trong xã hội, nhà nho đều lãnh thầu mà làm lấy hết; rồi có việc trái với giáo nghĩa của họ mà họ cũng làm đi, cho nên cũng có hại đến bổn thân họ vậy.

Tức như một việc cúng tế ở xứ ta, nếu tách ra mà xem thì thấy trong đó phức tạp lắm; nhưng cứ như bề ngoài thì ai cũng tưởng rằng hết thảy mọi sự cúng tế đều bày ra từ nhà nho, ấy là vì nhà nho đã thầu lấy mà làm hết mọi việc, như trên kia đã nói.

Như những lễ tế giao và tế tiên tổ, từ đạo Nho bày ra, thì cái nghĩa của nó, như trong kinh Lễ nói, chỉ là để báo bổn phản thỉ mà thôi. Báo bổn phản thỉ, nói nôm ra là đáp lại cội gốc và trở lại ban đầu. "Muôn vật gốc bởi trời, người ta gốc bởi tổ", bày ra cúng tế để cho đừng quên cái gốc ấy, chớ chẳng có gì lạ.

Nhưng cái nghĩa ấy, trong xã hội ta ít người hiểu, mà cho đến chính nhà nho cũng không có mấy ai hiểu như vậy. Họ hiểu rằng cúng tế hầu cho quỷ thần hâm hưởng những vật dâng lên đó, hâm hưởng rồi, ban phước cho người cúng tế, ấy là phần nhiều.

Trên kia đã nói sự cúng tế trong xứ ta phức tạp lắm, nghĩa là không những một mình phe nho có cúng tế mà còn phe khác nữa. Phe thầy chùa, phe thầy phù thủy, trong những sự làm chay, tiếu tạ, cúng âm hồn... đốt áo quần bằng giấy, đốt giấy tiền vàng bạc... đều có cái ý làm no ấm cho kẻ chết để nhờ họ ban ơn cho kẻ sống. Cái ý ấy nguyên trong đạo Nho không có; nhưng đã lâu rồi, nhà nho đem chính mình ra làm những việc cúng tế của phe khác, cho nên thiên hạ đều tưởng rằng cái ý ấy là của đạo Nho, lại cho đến nỗi nhà nho cũng nhận cái ý ấy là chính của đạo mình!

Sự pha trộn và hiểu lầm ấy chẳng những ở nước ta, mà ở bên Tàu hồi non hai ngàn năm trên cũng đã có. Hồi đó bên Tàu tuy mới bắt đầu có đạo Phật và phù thủy, chớ những sự cúng tế ở dân gian cũng đã phức tạp rồi, đến nỗi làm cho người đương thời quên mất cái bổn ý tế tự của đạo Nho. Bấy giờ, muốn cho thiên hạ đừng hiểu lầm nữa, có một vị nhà nho là Vương Sung đã biện luận về sự cúng tế rõ ràng lắm, cốt ý đánh đổ cái thuyết hâm hưởng và ban phước đi mà dắt người ta trở về cái nghĩa báo bổn phản thỉ.

Vương Sung làm ra sách Luận hoành, trong đó có hai thiên: một là Tự nghĩa, một là Tế ý, đều có cái mục đích như trên đó.

Lược dịch thiên Tự nghĩa như vầy:

"Người đời tin việc tế tự, cho rằng ai có cúng tế sẽ được phước, ai không cúng tế sẽ mang họa. Bởi vậy, khi có bịnh hoạn, bói ra, nói bởi ma, liền sắm đồ cúng quảy; cúng xong, thấy trong lòng thơ thới; lòng đã thơ thới thì bịnh cũng lành. Đó là tại cái lòng, mà người ta lại đổ cho rằng nhờ cúng quảy, nên mới cúng hoài không dứt. Họ nói người chết có biết, quỷ thần cũng uống ăn, mình cúng quỷ thần cũng như mình đãi tiệc khách khứa; khách ăn tiệc xong, cảm ơn chủ, cũng như quỷ thần hưởng của cúng rồi thì ban phước cho tế chủ vậy.

Thật ra thì sự cúng tế chỉ là tại mình muốn hết lòng thành đó thôi, chớ quỷ thần nào có ăn uống gì đâu.

Sao mà biết vậy? Vì những thần ta cúng tế phần nhiều là người đã chết rồi: người chết rồi thì không biết gì hết, cũng không ăn uống nữa.

Nếu nói vì có ăn uống mà cúng tế thì sự tế trời tế đất thật rất là vô nghĩa. Trời đất có miệng đâu mà hòng ăn được? Vả chăng, con người ta thân thể chỉ lớn bấy nhiêu mà mỗi khi ăn uống cơm canh ít nữa cũng phải mấy bát mới no; thì trời đất thinh thang như vậy, mà tế có một con bò, mấy mâm xôi, ăn sao cho no được? Thế thì biết rằng hẳn không phải vì sự ăn uống mà có cúng tế.

Huống chi, tế trời đất rồi còn tế các thần núi sông nữa. Núi sông chẳng là ở trong trời đất, cũng như tay chưn mắt mũi trong thân thể người ta. Vậy nếu nói vì có ăn mà cúng tế thì tế nội trời đất cũng đủ rồi, sao còn tế núi sông nữa làm chi? Có khi nào cho người ta ăn rồi, lại còn cho tay chưn mắt mũi ăn lần nữa?

Đế vương đời xưa bày ra sự tế tự, chẳng qua để tỏ ý mình không quên cái gốc và đáp lại cái công khó nhọc của tiên nhân, chớ không phải vì quỷ thần có hâm hưởng mà bày ra sự tế tự. Vả lại cũng chưa chắc có quỷ thần thật hâm hưởng được nữa. Mà đã không hâm hưởng được, thì không linh thiêng; không linh thiêng thì không làm phước được, cũng không làm họa được. Bởi vì sự làm phước làm họa là bởi sự mừng sự giận mà ra; mà người ta có mừng có giận là bởi có bụng có ruột. Có bụng và ruột thì mới ăn uống được; còn ai không ăn uống được là bởi không có bụng và ruột. Đã không có bụng và ruột thì làm gì có được sự mừng giận? Đã không có sự mừng giận thì làm gì có sự làm họa làm phước?

Có kẻ nói: quỷ thần chỉ hưởng lấy cái hơi mà thôi, chớ không ăn. Họ nói vậy chớ hưởng với ăn cũng có một. Ăn thì dùng lỗ miệng mà hưởng thì dùng miệng hoặc mũi mà hít lấy hơi. Nhưng quỷ thần đã không có bụng và ruột rồi thì cũng không có miệng và mũi nữa, hít vào chỗ nào được?

Thế thì sao trong sách Mạnh Tử lại có nói: Tế nhi bách thần hưởng chi (tế mà trăm thần hưởng đó)? Đáp rằng: đó là suy lòng người ta ra mà nói chớ không phải sự thật. Mình thấy con sinh béo, cỗ xôi thơm, người chủ lại có lòng thành mời mọc nữa, thì mình muốn ăn, rồi lấy cái lòng ấy suy ra quỷ thần, tưởng quỷ thần cũng chắc hưởng, thì nói như vậy đó".

Thiên Tế ý cũng nói đại khái giống như trên, nhưng có chỉ rõ cái bổn ý sự tế tự là ở hai điều: một là báo đền kẻ có công; hai là ghi nhớ người xưa trước. Rồi có lấy hai cái ví dụ để cho sáng ý như vầy:

"Đức Khổng Tử có nuôi con chó, ngày kia nó chết, ngài sai Tử Lộ đem chôn, và dặn rằng: "Ta có nghe: cái màn rách chẳng bỏ, để mà chôn ngựa; cái lọng rách chẳng bỏ, để mà chôn chó. Ta nghèo, không có lọng, thì mầy chôn nó cũng cho nó chiếc chiếu, đừng để cái đầu nó lòi ra....". Lại còn, Ngô Quý Tử khi đi ngang qua ấp Từ, Từ quân thấy cái gươm của người mà ưng bụng lắm; Quý Tử định ý tặng cho nhưng vì còn đi nữa, tính để bận về sẽ hay. Không ngờ lúc trở về, Từ quân đã chết. Quý Tử bèn cổi thanh gươm treo trên cây nơi mả. Người đánh xe hỏi rằng: Từ quân chết rồi, làm gì vậy vô ích! Quý Tử đáp rằng: Trước kia trong lòng ta đã hứa cho rồi, há vì chết mà phụ lòng ta? – Rồi treo luôn thanh gươm ở đó mà đi".

Dẫn hai tích cũ đó rồi tác giả nói rằng:

"Sự tế tự để báo đền kẻ có công, dụng ý cũng như Khổng Tử chôn con chó mình nuôi; để ghi nhớ người xưa trước, dụng ý cũng như Quý Tử treo gươm nơi mả. Thánh nhân biết cái bổn ý tế tự là dường ấy, cho nên chay răn kính sợ, hình như có quỷ thần thật vậy, và hằng năm cúng tế không bỏ, hình như có họa phước thật vậy. Nói cho thiệt ra thì chỉ để tỏ dấu trọng ân và tôn công, chớ có quỷ thần nào hưởng đâu, và cũng chưa chắc có quỷ thần nữa..."

Vương Sung là một nhà nho thật xuất sắc ở đời nhà Hán, và từ đó đến nay bên Tàu cũng ít có người nào được xuất sắc như ông ta. Cứ coi như sách Luận hoành thì thấy ông ấy là một nhà triết học mà về phái thiệt nghiệm, không chịu được những điều hư ngụy của bọn hủ nho và thế tục, cho nên công kích tới nơi. Tiếc thay sách của ông là sách cách mạng về tư tưởng, không lợi cho nhà nho mà cũng không lợi cho thánh hiền, thành thử trong khoảng một ngàn chín trăm năm nay bị gìm ếm mất, ít người được biết.

Nay ta thử hỏi vì cớ gì mà Vương Sung phải viết đến hai thiên để cắt nghĩa sự tế tự như thế?

Có thể trả lời rằng họ Vương làm như vậy để mở mang cái tri thức của xã hội đương thời mà cũng dễ nâng cao cái trình độ tấn hóa của xã hội tương lai nữa.

Theo lịch sử loài người, duy có thứ dân đương còn dã man thì mới thấy chi sợ nấy nên cũng gặp chi cúng tế nấy. Sự cúng tế ban đầu hết là bởi cái lòng sợ họa và cầu phước đó thôi. Bọn sơ dân bên Tàu cũng vậy; nhưng đến lúc Nho giáo lập lên, thuở ấy so đã văn minh rồi, giáo chủ là đức Khổng Tử bèn để nguyên sự tế tự mà đặt ra cái nghĩa khác cho cao hơn, là nghĩa báo bổn phản thỉ[2], hầu cho hiệp với cái trình độ văn minh ấy.

Theo nghĩa ấy thì ở đời nầy người ta làm chủ chớ quỷ thần không có quyền. Người ta làm lấy mọi việc và nên hư đều chịu lấy trách nhiệm; chỉ bởi lòng không quên cội gốc trước xưa mà bày ra sự cúng tế, chớ không phải cúng tế quỷ thần để cầu phước và lánh họa. Đó là một cái dấu tỏ ra một dân tộc đã tấn hóa rồi; mà nhơn đó, về sau lại còn tấn hóa một ngày một hơn nữa.

Hễ người ta đã không cầu phước ở quỷ thần thì tất phải rán hết sức mình mà làm mọi việc; lại đã bỏ sự mê tín quỷ thần đi thì cái óc mở mang ra, càng ngày càng tìm thêm sự tri thức cho mình. Như vậy có lo gì không tấn hóa?

Phải chi sau đức Khổng, nhà nho cứ giữ theo nghĩa ấy thì tốt biết chừng nào. Nhưng từ bước qua đời nhà Hán rồi, trong đám nho gia, kẻ thì tin thuyết ngũ hành, người thì tin thuyết sấm vĩ, thần quyền lại sôi nổi lên một độ. Đến hồi Vương Sung sanh ra, nhằm đầu đời Đông Hán thì trong xã hội Tàu trở lại vào vòng mê tín, cho nên ông ta mới ra tay mà dẹp đi cho sạch.

Sách của Vương Sung thật là có giá trị lắm, phải chi từ hồi đó đến giờ được thông hành ra từ bên Tàu đến bên ta, thì cái sự mê tín quỷ thần như hiện ta thấy ngày nay hẳn đã bị bài trừ đi hết, không thì cũng đỡ bớt được nhiều. Vậy mà sách ấy lại bị bọn hậu nho ếm mất đi, thành ra một người có chí lớn với thế đạo nhân tâm mà cái chí ấy không bày tỏ ra được.

Bởi đó, từ lâu nay cái bổn ý tế tự của Nho giáo không được rõ rệt ra, mà trong xã hội Tàu và ta cũng đầy những sự dị đoan và mê tín. Rồi đến nhà nho là người theo đạo Khổng, cũng bỏ lời dạy của ông thánh mình mà đi thờ lạy những đâu đâu. Trong đám họ đã có nhiều kẻ cúi mình trước mặt thứ đồ thần thánh của bọn pháp sư để cầu tài cầu quan mà không tự biết là sỉ nhục. Làm cho mọi người trong xã hội thấy vậy đều nói: rất đỗi các ông nhà nho còn tin vậy thay, huống chi mình; nhưng, thật ra thì chính đạo Nho không hề dạy làm như họ, và nhà nho thật cũng không ai làm như họ.

Ngày nay trong xã hội ta, tiếng rằng đã có tân học, đã có tư tưởng mới, mà kỳ thiệt những sự mê tín về cúng tế quỷ thần cũng vẫn còn nguyên; nếu có giảm bớt cũng chỉ một phần rất ít. Ấy là một điều rất trở ngại cho sự tấn hóa, anh em chị em thanh niên nên hết sức chống cự với nó.

Non hai ngàn năm trước đã có nhà nho nói rằng quỷ thần không hâm hưởng tế tự và cũng không ban phước gì ráo; vậy mà non hai ngàn năm sau lại có nhà "tân học" mang áo rộng với heo quay vào lễ tạ ở "Lăng ông", như vậy còn tấn hóa gì? Còn bằng cớ vào đâu mà nói được loài người là tấn hóa!?

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. : cũng như vị (thần).
  2. báo bổn phản thỉ  報 本 返 始 còn đọc là báo bản phản thủy (nghĩa như tác giả đã nói trong bài).