Bước tới nội dung

Cắt nghĩa chữ "ông nhạc bà nhạc"

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cắt nghĩa chữ "ông nhạc bà nhạc"  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 100 (17.7.1931)

Có một vị nữ độc giả viết thơ hỏi: tục ta thường kêu cha mẹ vợ bằng ông nhạc, bà nhạc hay bằng nhạc phụ, nhạc mẫu, là bởi cớ gì, nhờ tôi cắt nghĩa lên trên báo.

Sau khi đã tra sách cẩn thận, tôi viết lên đây trả lời như vầy:

Tiếng ấy hồi đầu nguyên nói theo chữ Tàu mà sau rồi thành ra tiếng nôm. Vậy nay phải tra tìm đến gốc, coi thử bởi sao mà người Tàu kêu cha mẹ vợ bằng nhạc.

Cứ như sách Từ nguyên, về điều 岳 丈 (nhạc trượng), giải rằng:

Nhạc trượng là cha vợ. Hoặc có kẻ nói: Hồi nhà Tấn, Nhạc Quảng (樂 廣) là cha vợ của Vệ Giới (衛 价); Vệ Giới thường kêu cha vợ mình là 樂 丈 nghĩa là người cha vợ họ Nhạc nhơn đó về sau lâu ngày lầm ra thành 岳 丈 (nhạc trượng) chăng. Hoặc có kẻ nói: Núi Thái Sơn (ở về tỉnh Sơn Đông nước Tàu) có một hòn kêu là 丈 人 峰 (Trượng nhân phong), mà thói thường, người ta kêu cha vợ bằng 丈 人 (trượng nhân), lại núi Thái Sơn cũng có tên là Đông nhạc (東 岳) nữa, bởi vậy mới xoay qua mà kêu cha vợ là 寀 山 (Thái sơn) hay là 岳 丈 (Nhạc trượng).

Lại cũng ở Từ nguyên, về điều 岳 母 (nhạc mẫu), giải rằng:

Tục kêu mẹ vợ bằng 岳 母 (nhạc mẫu), ấy là đối với nhạc phụ hoặc nhạc trượng mà nói.

Cứ như Từ nguyên đó thì có hai thuyết, sách ấy lấy cả hai mà không tỏ ý cho thuyết nào là đúng hơn. Tuy vậy, lâu nay người ta vẫn nhận cho thuyết sau là chánh gốc, vì nó đủ lẽ hơn thuyết trước.

Thêm một cái chứng cớ nữa, sách Tân Đường thơ có chép rằng:

Vua Minh hoàng (vua nhà Đường) có một lần đi tế phong thiện núi Thái Sơn, Trương Duyệt là tể tướng của vua, được sung làm chức phong thiện sứ, chủ trương cả mọi sự trong cuộc tế lễ. Xong việc, Trịnh Dật, rể của Trương Duyệt, vốn chỉ có hàm cửu phẩm mà khi ấy thăng lên đến ngũ phẩm. Vua lấy làm lạ, hỏi tại cớ gì. Trịnh Dật làm thinh, không biết lấy lời gì tâu cùng vua. Bấy giờ có Hoàng Phan Xước đứng đó, nhơn tâu cùng vua rằng: ấy là nhờ sức của Thái Sơn vậy!

Câu Hoàng Phan Xước nói đó hàm có hai ý: một là nhờ dịp tế phong thiện núi Thái Sơn; một là nhờ sức của cha vợ.

Có kẻ lại dẫn một đoạn sách Tân Đường thơ đó mà nói rằng: Người đời sau kêu cha vợ bằng Thái Sơn, ấy là do đó. Lại Thái Sơn là một trong năm nhạc (五 岳), cho nên cũng gọi cha vợ là nhạc phụ nữa.

Cái thuyết nầy tôi chưa dám phán đoán là phải hay quấy, bởi vì tôi chưa tìm ra thử từ người nhà Đường, bọn Hoàng Phan Xước về trước, đã có ai kêu cha vợ là Thái Sơn hoặc nhạc phụ chưa. Nếu hai cái danh từ ấy đã thông hành trước đó rồi, thì thuyết ấy chắc trật. Mà cứ như câu nói của Hoàng Phan Xước đó thì tôi tưởng lúc bấy giờ cái danh từ ấy đã thông hành rồi mới phải.

Đại khái gốc chữ nhạc là như vậy đó; còn sự thêm tiếng ông tiếng bà vào là tại người mình.

P. K.