Bước tới nội dung

Cổ nhân đàm luận/57

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cổ nhân đàm luận của Trần Trung Viên
57. Đoàn-Thắng đi sứ

57. — ĐOÀN-THẮNG ĐI SỨ.

Đời vua Lý-Nhân-Tôn, bên Tầu nhà Tống sai Lưu-Gi làm Tổng-Binh đem 10 vạn quân, Hàn-Quyết làm tiên-phong gia-Cát-Phương làm tham-tán, sang đánh nước ta. Vua thế nguy, phải sai Thượng-Thư là Đoàn-Thắng đi dảng hòa, và một mặt sai quân phòng dữ nghiêm-nhặt. khi Đoàn-Thắng đến ải Khả-Lưu hỏi thăm binh tình và nói cách Triều-Đình sếp đặt cho tướng dữ ải là Phạm-Tân nghe, rồi hôm sau qua trại giặc mà cầu hòa. Khi ra đi, Phạm-Tân cầm tay Đoàn-Thắng nói rằng: « Nay giang sơn nước nhà đều tin cậy vào ba tấc lưỡi của ông, sao cho xã tắc vững vàng, quốc thể không nhục, ông nên cẩn-thận mới được. » Đoàn-Thắng nói: « Vâng, vẫn đành vậy, nhưng nếu ba tấc lưỡi của tôi không chuyển-động được Tống-Triều thời xã tăc nhân dân lại phải trông vào ba tấc gươm của các ông đấy. » Lúc sang trại giặc Lưu-Gi thét hỏi rằng: « Nay ta đem hơn 100 chiến tướng, 10 vạn hùng binh sang cai-trị nước mày, vua mày đâu sao không thấy đến hầu? » Đoàn-Thắng nói: « Nước ta cũng có hơn 1000 chiến tướng, 100 vạn hùng binh, ai có sợ gì ai, Hoàng-Đế ta là một vị chí-tôn, lại thèm đến đây nói với lũ chuột à? Ngươi chớ cậy tài, ta lại đây bảo cho vua tôi ngươi biết điều lợi hại. Nhà Tống ngươi Liêu dòm phía Bắc, Hạ nghé phương Tây, trong thì ngược chính, ngoài thì đao binh, Nước ta vẫn tuân lệ cống hiến, mà Tống-Triều đã không thi ân lại còn gây việc can qua. Các ngươi tưởng có binh nhiều, đây ta cũng có non sông hiểm-chở, vua tôi một lòng, binh hùng tướng mạnh; Nếu các ngươi không sét lợi hại thì nước ta sẽ đưa thư bảo Hạ đánh mặt Tây, Liêu chàn mặt Bắc, nước ta đánh mặt Nam, thì liệu các ngươi còn chỗ mà chôn không? » Lưu-Gi nghe nói giận lắm sai lôi ra chém. Tham-Tán đứng giậy can không nên, Gi gạt đi bảo rằng: « Nếu võ-lực nước Nam cũng như ngôn từ của Đoàn-Thắng cả, ta mới sợ, nước nó chẳng qua chỉ có văn-chương hoa-mĩ, nhời nói lém-lỉnh, còn việc binh cơ thì đụt, phỏng có làm gì! » Rồi cứ diết Đoàn-Thắng, vì vậy mới sẩy ra một phen tử-chiến, Lý-Thường-Kiệt đánh Tống, chép trên lịch-sử.