Bước tới nội dung

Cổ xúy nguyên âm/Cuốn thứ nhì/III-1

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
IIILỐI VĂN TINH-NGHĨA

Đại-ý

Tinh-nghĩa là lấy một hai câu trong sách kinh, truyện ra làm đầu đề, mà thích nghĩa ra cho tinh; hay là nói rộng thêm ý mà giảng giải ra cho rõ nghĩa, nên mới gọi là tinh-nghĩa, (hoặc gọi là kinh-nghĩa). Đầu đề là lời người nào thì lại làm giả như lời người nấy, thí dụ như: Mẹ răn con, thì làm lời mẹ; con thưa mẹ, thì làm lời con, vân, vân.

Dàn bài

(Phá-đề, thừa-đề, khởi-giảng, khai-giảng, lạc-đề)

(Trung-cổ, hậu-cổ, kết-cổ, thúc-đề)

Trước hết phải làm hai ba câu phá-đề; thứ hai tới ba bốn câu thừa-đề; câu phá, câu thừa còn là lời mình nói, để giải qua nghĩa đầu đề ra mà thôi.

Thứ ba là đoạn khởi-giảng, đoạn này mới nói khởi mào để giảng giải ý đầu đề ra; cứ theo đầu bài là lời người nào, mình lại làm giả như lời người nấy, độ một đoạn ngắn là đủ.

Sau này chia làm 8 cổ đối nhau: — 2 vế khai-giảng, mỗi bên độ năm sáu câu, để nói khai-phác ra cho xuống ý đề. Rồi hoàn lại câu đầu đề, gọi là lạc-đề. — 2 vế trung-cổ, là đoạn thích-thực cho rõ nghĩa đầu đề. — 2 vế hậu-cổ là đoạn nghị luận giải nghĩa thêm ra cho rõ ý đề. Cuối cùng tới 2 vế kết-cổ, một câu thúc-đề là hết.

Trong 8 vế, thì 2 vế trung-cổ, 2 vế hậu-cổ, phải làm dài hơn 2 vế khai-giảng, 2 vế kết-cổ; đó là lối bát-cổ chỉnh-đối. Còn lối tản-hành, thập-tị, cũng phải đủ chừng ấy phép tắc, duy lối đặt mỗi đoạn độ giảm bảy câu đối nhau, mà làm dài hơn.

Còn như lối đặt câu thì tùy liệu, hoặc câu nên đặt ngắn, hoặc câu nên đặt dài, cốt phải lời lẽ cho chảy chuốt, ý tứ cho sung túc là được.

Những bài chép sau này, có bài truyền là của quan Bảng-nhỡn Lê-quí-Đôn đời nhà Lê, soạn ra, tuy không đích sác, nhưng văn hay thì cũng nên truyền, để xem cho biết văn nôm nước mình làm theo lối nào cũng được.