Bước tới nội dung

Cổ xúy nguyên âm/Cuốn thứ nhì/V-1

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
V. — CA-TỪ

Đào-nương ca-điệu

Cung bậc

Đào-nương ca-điệu có tới 24 cách hát khác nhau; trong điệu hát tiếng nhỏ là cung Nam, tiếng lớn là cung Bắc, cao thấp dịu dàng, phải theo cho hiệp với cung đờn, dịp phách.

Cung Nam, cung Bắc dù khác nhau như vậy, nhưng các câu hát như là: Hát Vọng-cổ, đồn Đại-thạch, đọc phú, gởi thơ, dịp-ba cung-bắc, cùng là câu hát mưỡu, phần nhiều đặt câu trên sáu, dưới tám; hay là câu sáu tám lại xen câu bảy, (câu trên sáu dưới tám như là câu truyện Kiều; sáu tám lại xen câu bảy như là truyện Chinh-phụ) khi hát thì ả-đào tùy điệu hát mà ngâm đọc thêm bớt, hay là bắt đi bắt lại cho hiệp cung bậc mà thôi.

Còn như cách hát mưỡu-nói, mưỡu-dựng, hát-thổng, nói-giở, các cung bậc ấy cũng gần giống như hát mưỡu, đặt câu trên sáu dưới tám, đại-khái cũng như các truyện quốc-âm, nhưng chỉ khác nhau tiếng hát hơi cao.

Đến như cách hát nói thì tiếng hát phân minh, kép hát thì gọi là Hà-nam, mà đào hát thì gọi là hát nói cung nam. Nay xin kể cách đặt câu hát nói như sau này:

Hát nói có mấy câu?

Hát nói mỗi bài thường đặt có 11 câu: Câu thứ 1, thứ 2 là tổng-não cả một bài; câu thứ 3, thứ 4 là thừa đề, câu thứ 5, thứ 6 thì dùng thơ ngũ-ngôn hay thất-ngôn cổ-thi, hay là thơ quốc-âm cũng được, để nói tóm nghĩa cả trong một bài; tới câu thứ 7, 8, 9, 10, là theo ý câu thứ 5, 6 mà diễn thêm nghĩa ra; câu thứ 11 thời tổng kết cả ý trong một bài ấy.

Cũng có bài đến đó lại thêm vài ba câu nữa, nhưng cũng phải theo ý trong bài ấy mà nói thêm ra; ca-công gọi là câu hát dối.

Lối đặt câu

Câu mở đầu hoặc đặt 4, 5 chữ, hay 6 chữ hay là hai câu 7 chữ giống nhau, cho tới 8 chữ mà thôi, chớ không nên dài quá. Trong câu 7, 8 chữ, hay 6 chữ phần nhiều đặt lẩy ba chữ ở trên đầu câu, gọi là câu đậu ba, để cho hiệp với dịp ba cung đờn. Tới đoạn giữa thì hoặc đặt xen hai câu thơ, hoặc đặt dồn câu 3 chữ một, hay là xen câu 7, 8 chữ, đại khái phải tùy liệu mà đặt cho hiệp khổ phách vào ba ra bảy. Tới hết bài thì hay buông thổng một câu 6 chữ, để tổng-kết lại, mà lại có dư-ý dư-hưởng về sau.

Hoán-điệu áp-vần

Trong bài hát có cước-vận, yêu-vận; cước-vận là vần ở dưới chơn hết câu; yêu-vận là vần ở lưng chừng đang dở câu; hoặc đương vần trắc hoán điệu sang vần bằng, hoặc đương vần bằng hoán điệu sang vần trắc. Nay xin lấy chữ (c) thế cho cước-vận; chữ (y) thế cho yêu-vận; vần bằng thì dấu chữ (b); vần trắc thì dấu chữ (t); thí dụ như sau này:

Bài ca nhàn tản

Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy? (c-t).
Cảnh phù-du, trông thấy (y-t) cũng buồn cười!
hoán điệu sang (c-b)
Thôi công đâu, rước lấy sự đời, (c-b)
Tiêu khiển mượn một vài (y-b) chuông lếu láo.
(hoán điệu sang c-t)
Đoạn tống nhứt sanh duy hữu tửu,[1] (c-t)
斷 送 一 生 惟 有 酒
Trầm tư bách kế bất như nhàn.[2] (hoán điệu c-b).
沈 思 百 計 不 如 閒
Dưới rèm thưa, thấp thoáng bóng Nam-san (c-b),
Ngảnh mặt lại cửu-toàn (y-b) coi cũng nhỏ.
(hoán điệu c-t)
Giạo trời đất cổ kim, kim cổ, (c-t)
10° Mảnh hình hài, không có, (y-t) có không.
(hoán điệu c-b)
11° Lọ là thiên-tứ, vạn-trung. (c-b)

Bài thí dụ trên này, cả thẩy 11 câu: câu thứ 1 mở đầu 7 chữ; rồi đến câu thứ 2 tám chữ; thứ ba lại bảy chữ, thứ 4 tám chữ; thứ 5, 6 thì dẫn hai câu thơ thất-ngôn gióng nhau; thứ 7, 8 hai câu tám chữ; thứ 9, 10 hai câu bảy chữ; cuối cùng buông thổng một câu sáu chữ; đó là lối đặt câu đại khái như vậy. Còn như áp-vần thì yêu-vận cước-vận, hoặc bằng, hoặc trắc, cũng tùy điệu hoán-vần đặt sao cho êm ái là được, không có câu-nệ như vần thơ lắm.

Nhưng trong bài hát có chốn tiếp, chốn tục, như những câu đặt đậu ba: « cảnh phù du » đó là chốn tiếp; « thôi công đâu » đó là chốn tục; những chữ đó đặt phải cho êm, mà ả-đào hát cũng phải cho khéo; vậy đánh trống thưởng vào chốn tiếp, thì ca-công gọi là vai thưởng; mà thưởng vào chốn tục, thì ca-công gọi là nách-thưởng; thế cho nên có thuộc điệu câu hát, thì đánh trống chầu mới hay.

Sau này sẽ dẫn thí-dụ một vài bài hát đặt hơi khác nhau, để cho rõ lối đặt câu cũng nhiều điệu.

Bài ca khôn dại

1• Có không, không có;
2• Có rằng không, không có cũng ừ.
3• Đố ai hay trời đất những bao giờ,
4• Thời mới biết non sông là mấy tuổi.
5• Hồn 渾 hồn 渾 nhứt 一 đại 大 khối 塊,[3]
6• Tiểu 小 tiểu 小 như 如 nghĩ 蟻 quần 羣.[4]
7• Lọt lòng ra ai cũng có quân thân,
8• Nợ mang lấy lẽ lần-khân không trả.
9• Cuộc cổ kim, bày ra cũng lạ,
10• Cái râu mày, ai dại, đã ai khôn.
11• Trăm năm[5] cũng một tiếng đồn.

Bài này cũng chỉ có 11 câu, đại-khái cũng giống như bài thí-dụ ở trên; nhưng chỉ khác câu mở đầu đặt có 4 chữ; mà câu thứ 5, thứ 6 thì dẫn thơ ngũ-ngôn, theo như cách đã nói ở trên.

Bài ca Kim-Kiều

1• Minh 明 quân, 君 lương 良 tải 宰 tao 遭 phùng 逢 dị 易,[6]
2• Tài 才 tử, 子 giai 佳 nhơn 人 tế 際 ngộ 遇 nan 難[6]
3• So tài-tình nhứt phẩm trần-gian,
4• Chàng Kim với nàng Kiều thủa nọ.
5• Thương thay nhẽ, mảnh mành tơ đỏ,
6• Mười lăm năm, đôi ngả Sâm, Thương.[7]
7• Người ngẩn ngơ, nơi kim-mã ngọc-đường,
8• Kẻ ngao ngán, bước lầu-xanh, má-phấn.
9• Quân 君 hữu 有 hạp 匣 trung 中 kính 鏡,[8]
10• Thiếp 妾 hữu 有 cầm 琴 thượng 上 huyền 絃.[9]
11• Sầu pha phôi, khi ngọn nước sông Tiền,
12• Duyên nênh nổi, buổi ong già, hoa rụng.
13• Tơ nguyệt-lão xe nào có vụng?
14• Thử treo gương cho tài-tử giai-nhơn.
15• Sắc tài ai kẻ cầm cân?

Bài ca Kim, Kiều trên này đặt dài tới 15 câu, mà hai câu đầu, thì dẫn thơ thất-ngôn gióng nhau; tới câu thứ 9 thứ 10 lại dẫn hai câu thơ ngũ-ngôn, tuy rằng hơi khác hai bài trên, nhưng đại-khái những câu đặt đậu-ba, thì cũng từa tựa giống nhau cả.

Trên này là dẫn mấy bài để nói thí-dụ cho rõ lối hát nói đặt câu, hiệp-vần như vậy. Còn như đặt lời phải cho êm ái, lập ý phải cho cao xa, đã đặt theo ý nào, thì phải từ đầu tớ cuối nói cho chẩy chuốt, thì mới là hay.

Lối đặt câu mưỡu

Câu hát mưỡu đặt theo lối trên sáu dưới tám, cũng như câu trong truyện Kiều, cước-vận thì ở chữ thứ 6 câu trên, và chữ thứ 8 câu dưới; mà yêu-vận thì ở về chữ thứ 6 câu dưới; nhưng phải hiệp theo vần bằng cả, khi hát thì ả-đào thường đọc bắt đi bắt lại, thí-dụ như sau này:

Mưỡu

Con én đưa thoi,
Ngày xuân con én đưa thoi, (c)
Thiều-quang chín chục đã ngoài (y) sáu mươi. (c)

Xanh rợn chân trời,
Cỏ non xanh rợn chân trời, (c)
Cành lê trắng điểm một vài (y) bông lau. (c)

Thường khi ả-đào hay trước đọc câu mưỡu, rồi mới đọc xuống bài hát nói. Nay sẽ biên tập các câu mưỡu và những bài hát nói của quan Tam-nguyên Yên-đổ cùng quan Thượng-thư Vân-đình và những bài của các bậc danh-nhơn truyền lại như sau này:


  1. Đoạn tống một đời người ta chỉ mượn chén rượu
  2. Lặng nghĩ trăm đường không gì bằng cảnh nhàn.
  3. Bầu trời đất li như một khối lớn.
  4. Con người ta nhỏ như một đàn kiến.
  5. Hai chữ này có bản là chữ phương-xú, vì có chữ lưu-xú bách niên là để tiếng xấu trăm năm, lưu-phương bách niên là đe tiếng thơm trăm năm, cũng một tiếng đồn cả.
  6. a ă Vua thánh, tôi hiền gặp nhau có khi dễ hơn là tài-tử, giai-nhơn gặp được nhau cũng khó.
  7. Sâm, Thương là tên sao, hễ sao Sâm mọc thì sao Thương đã lặn rồi, không khi nào trông thấy nhau.
  8. Chàng có gương trong hộp, nghĩa bóng là người thông-minh biết người.
  9. Thiếp có dây trên đàn, nghĩa bóng là người tơ duyên vương nợ