Cửu mỹ kỳ duyên/12

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cửu mỹ kỳ duyên của không rõ, do Phạm Quang Sán dịch
Hội thứ mười hai
HỒI THỨ MƯỜI HAI

Hồ Công-tử trừ quái thành thân.
Mục Nguyên-súy chiêu binh dẹp loạn.

Khi bấy giờ Nghiêm-Bình-Trực âm mưu thoán vị, định đem binh các tỉnh về vây hoàng-thành. Mục Nguyên-súy ở Nam-Kinh, chiêu binh mãi mã, sắp cất quân về hoàng-thành trừ gian tặc. Hồ-Tất-Tùng nghe tin như vậy, muốn cùng với biểu-huynh khởi nghĩa báo thù, cho nên nóng nẩy đi ngay, khi đến Tùng-Lâm, chợt thấy một người rữ tợn ở trọng bụi nhẩy ra, sai gia-đinh giữ lấy ngựa rồi nắm lấy Tất-Tùng kẹp vào nách đem thẳng về nhà, đặt ngồi trên ghế, chẳng nói năng chi cả. Tất-Tùng ngạc-nhiên, không hiểu là ai, cũng không biết sự thể thế nào.

Nguyên người ấy là Hắc-sát-thần hạ giới, tên là Cát-Đồng, cũng là dòng-dõi công-thần. chỉ vì phụ-thân bị gian tặc làm hại chết oan, cho nên đem mẹ và em gái vào ở Tùng-Lâm. Người em gái tên là Cát-Mỹ-Trân, nhan sắc tuyệt trần, bị yêu quái chiền-miên, phù phép nào chữa cũng không khỏi. Hôm trước Cát-Đồng đánh nhau với yêu-tinh suýt nữa bị nó đánh chết, đêm mộng thấy thần bảo rằng: « Ngày mai có một người cưỡi ngựa cầm thương đi qua, tên là Hồ-Tất-Tùng, đón người ấy về nhà thời trừ được yêu quái ». Bởi vậy Cát-Đồng đợi suốt một ngày, chợt thấy Tất-Tùng đi đến nơi, hình dáng hệt như người trong mộng, Cát-Đồng tính khí thô-mãng. cho nên kẹp vào nách đem về, để ngồi trên ghế, rồi vào nhà trong làm rượu khoản-đãi. Ấy may Tất-Tùng cũng có vũ-nghệ, nếu người khác thời bị kẹp chết rồi.

Một lúc Cát-Đồng chạy ra hỏi rằng:

« Đại-huynh có phải là Hồ-Tất-Tùng không? »

Tất-Tùng nói:

« Sao đại-huynh lại biết tiện-danh tiểu-đệ? »

Cát-Đồng bèn đem việc thần-mộng kể lại một lượt; Tất-Tùng thấy vậy cũng nói thánh rằng:

« Khi trước Trương tiên-sư cũng truyền phép cho tiểu-đệ, nào mãng-sà, nào hồ-tinh, dẫu ba đầu sáu tay, tiểu-đệ cũng trừ được hết. »

Cát-Đồng mừng lắm, sai đốt đèn, bầy tiệc rượu, hai người đối ẩm đàm tâm.

Đương khi chén thù chén tạc, chợt thấy gió thổi đánh ào một cái, Cát-Đồng giật mình nói rằng:

« Bất trị rồi, yêu-tinh nó đã đến rồi! »

Tất-Tùng cũng có ý kinh hãi, nghĩ bụng rằng: « Cát-Đồng sức khỏe như vậy mà còn thua yêu-tinh, huống chi là ta, biết vậy thời trước ta đừng nói thánh cho xong! » Lại nghĩ rằng: « Khi Thang Tiểu-thư tặng ta thanh đao, có nói rằng đao ấy trừ được yêu quái, ta thử thí nghiệm xem thế nào, nếu có thua cũng đành liều tính-mệnh với nó chứ gì! » Bụng nghĩ như vậy, bèn rút đao cầm lăm lăm trong tay, chợt thấy một người học-trò, my thanh mục tú, tay cầm quạt lông, sắp sửa bước vào phòng Tiểu-thư. Tất-Tùng quát rằng:

« Yêu-quái đừng có trốn lên giời. »

Lại thấy gió đánh ào một cái thời yêu-tinh biến hình thành ra đầu bằng cái chum, miệng bằng cái chậu, lè lưỡi dài ba thước, nhe nanh như răng bừa, hai mắt lóng lánh như đôi đèn bóng, thò sáu tay ra chực bắt hồn người, Tất-Tùng sợ hết vía, liền cầm đao chém một nhát, thấy mất cả đao lẫn yêu-tinh, chỉ còn chuôi đao nắm khư-khư trong tay, càng nghĩ càng run cầm-cập, cầm chuôi đao đánh vung một hồi, đồ-đạc mâm bàn tan ra như cám.

Cát-Đồng thấy vậy, chạy ra ôm lấy Tất-Tùng. Tất-Tùng hoảng-hốt tưởng là yêu-tinh bắt mình, chẳng còn hồn vía nào nữa, lúc ngoảnh lại thời té ra Cát-Đồng, bèn hỏi rằng:

« Cớ sao lại ôm lấy tiểu-đệ? »

Cát-Đồng nói:

« Nếu không cản lại để đại-huynh đánh vung một lúc nữa, thời cửa nhà cũng tan ra ro. »

Tất-Tùng đốt đèn đi tìm đao vừa bước ra khỏi cửa thấy một con trăn đứt làm hai đoạn, mà thanh đao rơi ở dưới đất, vừa sợ, vừa mừng, bèn nhặt lấy đao tra vào túi rồi kêu to lên rằng:

« Cát-huynh ra mà xem, tiểu-đệ đã chém được yêu-tinh rồi. »

Cả nhà vội-vàng chạy ra xem, ai trông thấy cũng lắc đầu lè lưỡi, Cát lão-mẫu mừng lắm, sai làm rượu ăn mừng, chưa kịp uống rượu chợt nghe tiếng thét như sấm, đẩy cửa đánh thình một cái, có một người hung-tợn bước vào, lại tưởng là yêu-quái, cả nhà đều sợ thất kinh. Tất-Tùng cầm đao toan chém, thời bị đạp lăn xuống đất, Cát-Đồng vác côn ra đánh, thời bị cướp mất côn, hai người vừa chạy vừa ngoảnh lại thời thấy người ấy bưng miệng cười khanh-khách, mới biết không phải là yêu-tinh.

Nguyên người ấy họ Khang tên là Trung tức là biểu-huynh Hồ-Tất-Tùng, mình cao hai trượng, sức địch muôn người, phụ-thân làm quan tại kinh, thấy Nghiêm-tặc lộng quyền, cáo lão về ẩn, Khang-Trung đi giấu song thân, định về kinh giết chết Nghiêm-Bình-Trực, khi qua Tùng-Lâm thời giời đã tối rồi, bèn đạp cửa nhà Cát-Đồng vào ngủ nhờ, thấy hai người sợ hãi tưởng mình là yêu-quái, cho nên bật nực cười, Khang-Trung kể họ tên một lượt, Tất-Tùng mừng lắm nói rằng:

« Tưởng ai, chẳng hóa ra biểu-huynh. »

Cát-Đồng cũng kể họ tên cho Khang-Trung nghe. Khang-Trung hỏi rằng:

« Vì cớ gì các anh tưởng tiểu-đệ là yêu-quái? »

Cát-Đồng đem việc tiểu-muội kể lại một lượt, ba người bèn kết bái làm anh em, đồng-tâm tiễu trừ gian-tặc, Cát lão-mẫu thấy Tất-Tùng tướng mạo anh-hùng, xin đem Cát Tiểu-thư kết duyên tơ tóc, Tất-Tùng nhất định từ chối, Khang-Trung nói:

« Nhân-duyên tiền định, hiền-đệ không nên từ, ngu-huynh xin ở giữa tác-hợp. »

Hai người bèn làm lễ giao bái hoa chúc động-phòng. Sáng hôm sau cơm nước xong rồi, Hồ-Tất-Tùng đem việc Tô-Mỹ-Anh thuật lại cho hai người nghe, và nói rằng:

« Tiểu-đệ muốn đến Vĩnh-Xương nói với nhạc-phụ cứu mệnh cho Tiểu-thư. »

Khang-Trung nói:

« Tô đại-nhân cũng cáo quan về rồi. »

Tất-Tùng nói:

« Vậy thời anh em ta hãy về Kim-Tỏa-sơn, rồi sau sẽ liệu. »

Nói đoạn, ba người cùng đứng dậy lên đường. Mới đi được mấy bước, chợt thấy Lý-Đức-Bảo, Triệu-Mậu-Hùng và Quỳ-Long ở Tùng-Lâm chạy ra, Tất-Tùng vội-vàng xuống ngựa hỏi rằng:

« Quỳ-huynh đưa thư đến Hán-Trung, sự thể thế nào? »

Quỳ-Long đem việc Khâu Tiểu-thư thế mạng và anh-hùng đánh tháo, kể lại một lượt. Tất-Tùng mừng lắm. Khang-Trung, Cát-Đồng cũng xuống ngựa chào vái, đều kể họ tên, rồi cùng đem nhau lên Kim-Tỏa-sơn. Khi gần đến nơi Thang Tiểu-thư đem quân nghênh tiếp, làm tiệc khoản-đãi, hôm sau chỉnh-tề binh mã, kéo thẳng về Yên-Kinh.

Khi bấy giờ Nghiêm-Bình-Trực đem binh mã chín tỉnh, vây kín Hoàng-thành, cử Phạm-Bảo làm Nguyên-súy, Trương-Đức làm Tổng-binh. Nghiêm-Bình-Trực ở trung-quân, tiếm nghi-vệ Thiên-tử, vua Thánh-Hòa nghe tin khóc rằng:

« Cả triều không có ai là trung-thần nghĩa-sĩ hay sao? »

Hoàng-hậu nói:

« Hôn-quân tin dùng gian-tặc, giết hại trung-lương, đến nỗi gây vạ tầy giời, cho thế mới đáng kiếp! »

Hoàng-thân quốc-thích đều ngồi bó tay, không có mưu kế gì lui được quân giặc.

Lại nói đến Hồ-Tuấn-Sinh nghe tin Mục Nguyên-súy yết bảng chiêu hiền, bèn cùng với anh vợ là Tiền-Cảnh-Long, gia-bộc là Hồ Đình đem nhau đến Giang-Nam đầu quân. Khi đến viên-môn lại gặp Tiền-Hổ, hai thày-trò xuống ngựa chào vái, Tiền-Hổ quên mất không biết là ai, Hồ-Đình bèn đem việc cứu mệnh trong rừng kể lại một lượt. Tiền-Hổ mừng lắm, bốn người đưa danh-thiếp tình-nguyện đầu quân. Mục Nguyên-súy cho đòi vào, thấy bốn người uy-phong lẫm-liệt, bèn cho Tiền-Hổ làm tiên-phong, Hồ-Đình làm hậu-đội, Tuấn-Sinh, Cảnh-Long làm tả-hữu-dực, điểm năm vạn binh kéo cờ lên đường, gần đến Yên-Kinh, thấy binh mã Nghiêm-tặc vây kín hoàng-thành. Nguyên-súy truyền lịnh cách thành bốn mươi dặm hạ trại. Sáng hôm sau cho Tiền-Hổ ra khêu chiến. Phạm-Bảo sai Dương-Tất-Tùng đem ba vạn binh ra chống cự, đánh nhau được ba mươi hợp, Dương-Tất-Tùng bị Tiền-Hổ đánh chết ở trận tiền. Trương-Đức thấy vậy, tế ngựa ra đối địch, Tiền-Hổ cự nhau với Trương-Đức hơn ba mươi hợp, thế không địch nổi, Tuấn-Sinh, Cảnh-Long, Hồ-Đình ba tướng đều kéo quân ra đánh giúp Tiền-Hổ. Trương-Đức bị thua chạy về dinh, cheo miễn-chiến-bài, bọn Tuấn-Sinh cũng thu binh về trại.