Bước tới nội dung

Cửu mỹ kỳ duyên/3

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cửu mỹ kỳ duyên của không rõ, do Phạm Quang Sán dịch
Hồi thứ ba
HỒI THỨ BA

Gặp Mỹ-Vân đính ước lương-duyên,
Giết Sĩ-Hùng gây nên đại-họa.

Nguyên Hồ-Tất-Tùng là Tây-Đẩu lâm phàm; Địch-Mỹ-Vân là Ma-Cô giáng thế. Hai người có túc thế lương-duyên với nhau; khi Địch Tiểu-thư mới sinh, có đám mây năm sắc bay vào trong phòng, cho nên đặt tên là Mỹ-Vân. Cha mẹ mất sớm, ở với anh chị, gặp người chị dâu ác-nghiệt, ngày đêm chỉ sui chồng đem em đi bán, người anh nghe vợ sui-siểm, đem Tiểu-thư sang Hàng-Châu, bán lấy hai trăm lạng bạc. Mụ dầu ở Bát-Tiên-viện thấy Tiểu-thư mới mười bẩy tuổi, nhan sắc tuyệt trần, bèn bỏ tiền ra mua để kiếm lợi. Khi mua được rồi, bảo Tiểu-thư rằng:

« Mẹ đã mua con về đây, thời con phải đón người cửa trước, rước người cửa sau, cốt làm sao cho khách phải say mê, không dứt tình ra được ».

Tiểu-thư nói:

« Xưa nay tôi không quen việc ấy ».

Mụ dầu dỗ-dành thế nào, cũng nhất định không ra tiếp khách. Mụ dầu nổi giận cứ năm ngày khảo đả một lần, Tiểu-thư than rằng: « Mình là con nhà lương-gia, không may cha mẹ sớm mất, vẫn tưởng rằng lá thắm đề thơ, tơ hồng kết chỉ, không uổng tài sắc một đời, ngờ đâu con Tạo chêu ngươi, thân bồ liễu phải đầy-đọa trong vòng hoa-nguyệt. »

Than rồi lại khóc, khóc rồi lại than, nông-nỗi ấy kể sao cho xiết.

Một hôm, Tiểu-thư tính đốt ngón tay biết rằng mai lại đến kỳ khảo-đả, tối hôm ấy ngồi một mình trên lầu, rền-rĩ khóc thầm, nghĩ bụng rằng: « Người ta ở đời, càng tài sắc bao nhiêu, lại càng gian-truân bấy nhiêu, cho nên Chiêu-Quân xuất tái, Hạnh-Nguyên cống Hồ, gương bạc-mạnh sờ-sờ trước mắt, nay ta gặp cơn nguy-hiểm, âu là ta tự-tận cho qua đời. » Nghĩ xa nghĩ gần, muôn sầu nghìn thảm, chợt nghe tiếng chống canh hai, vội-vàng tìm một cái khăn lụa, treo lên sà-nhà, sắp-sửa tự-ải, lại hồi tưởng rằng: « Ô hay! Dễ thường ta tuyệt mạnh thực hay sao, ta còn ít tuổi, cớ sao đến nông-nỗi như vậy, người chết không thể sống lại được nữa, âu là ta hãy dốn-dắn ít lâu, họa may lão-bà mở cửa từ-bi, đem ta bán cho ai, một vợ một chồng, thời dầu ăn mày ta cũng cam phận. » Ngần-ngừ một hồi lâu, lại nghĩ rằng: « Lão-bà cay nghiệt, không kém gì mụ Tú-Bà khi xưa, chắc ngày mai lại lên lầu khảo-đả, ta chịu sao cho nôi! Ta như chim trong lồng, cá trong chậu, không có đường nào thoát thân, thà rằng chết quách cho rảnh. » Bụng nghĩ như vậy, chợt nghe trống điểm canh ba, vội-vàng lấy khăn tự-ải, nhưng số còn nặng nợ má đào, tuy rằng muốn thác giời nào đã cho, hay đâu lại có Quan-Âm cứu mịnh.

Bấy giờ Bồ-Tát Quan-âm tới Bàn-Đào hội, bấm đốt ngón tay biết rằng Ma-Cô mắc nạn, bèn hóa thân vào trong lầu, cổi khăn lụa cho Tiểu-thư mà bảo rằng:

« Nương-tử ơi! Tuy rằng nương-tử ngày nay mắc nạn, nhưng ngày sau được làm Nhất-phẩm-phu-nhân. Nương-tử cùng Hồ-Tất-Tùng có nhân-duyên túc-thế, nay mai sẽ gặp nhau, không nên liều mình như vậy. Ta đây ở Nam-Hải cùng nương-tử có duyên thày-trò, vậy đến cứu mịnh cho nương-tử. »

Nói đoạn, lại hóa thân biến mất, Tiểu-thư dần dần tỉnh dậy, nghe tiếng người nói rõ-ràng, mở mắt ra thời chẳng thấy ai cả, mơ-hồ như thể giấc chiêm-bao; chợt nghe chống điểm canh tư, Tiểu-thư thở dài một tiếng rồi ngồi nhổm dậy, nghĩ ngấm rằng: « Vừa thấy có một vị cứu-tinh nói rằng ở Nam-Hải, chắc là Phật Bồ-Tát cứu ta; nhưng bảo rằng, ta được làm Nhất-phẩm-phu-nhân, và có duyên với Hồ Công-tử, không biết về sau có ứng-nghiệm hay không. » Nửa tin nửa ngờ, như mơ như tỉnh, lệ sa giọt ngọc, ruột rối tơ tầm, chợt nghe chống điểm canh năm, bèn cổi khăn lụa ra, đóng cửa lầu lại, lên giường nằm nghỉ, vừa mới chợp mắt, thời mụ dầu đã lên lầu hành hạ rồi.

Mụ dầu bước lên lầu, thấy Tiểu-thư còn nằm, mới quát rằng:

« Mặt giời lên cao ba trượng, mà còn chưa dậy hay sao? Nếu hôm nay không chịu ra tiếp khách, thời tính mịnh không toàn ».

Tiểu-thư khóc rằng:

« Lão-bà mở lòng nhân-đức, đem thiếp tôi bán cho người nào, một vợ một chồng, thời tôi cảm ơn vạn bội ».

Mụ dầu nổi giận, lại đem Tiểu-thư ra khảo-đả; thịt nát xương tan, máu chẩy đầm-đìa. Tiểu-thư bị đánh, chết đi sống lại mấy lần, như lửa đốt gan, như dao cắt ruột, lại nghĩ rằng: « Tưởng là Phật cứu ta, ngờ đâu hóa ra làm hại ta, thà để vậy cho ta tự-ải đêm qua cho rảnh. » Chị em đồng bạn thấy vậy, đều lên lầu khuyên giải mụ-dầu, và dỗ-dành Tiểu-thư. Tiểu-thư tình-nguyện chỉ tiếp một người khách, mà người nào chưa kết duyên với ai thời mới bằng lòng, mụ-dầu quát rằng:

« Con ranh này điêu ác thật. »

Các chị em ghé tai mụ dầu nói thầm rằng:

« Đã chịu tiếp một người, thời biết mùi, chùi chẳng sạch, can gì mà lo. »

Mụ dầu mừng lắm, sai thang thuốc cho Tiểu-thư, chỉ mong cho chóng khỏi để tiếp khách.

Lại nói đến Hồ-Tất-Tùng ở nhà chọ, hỏi thăm phong-cảnh Hàng-Châu, điếm-chủ nói;

« Hàng-Châu có hai mươi bốn viện hoa liễu, trong hai mươi bốn viện ấy thời Bát-Tiên-viện có tiếng hơn cả, vừa rồi mới mua được một người tên là Địch-Mỹ-Vân, chẳng khác gì thiên-tiên hạ giới; nhưng vẫn không chịu ra tiếp khách. »

Tất-Tùng nghe nói mừng lắm, sáng hôm sau cùng Hồ-Phúc hỏi thăm vào Bát-Tiên-viện, mụ dầu chạy ra nghênh tiếp, pha nước khoản-đãi, và hỏi họ tên, Công-tử nói:

« Tiểu-sinh họ Hồ tên Tất-Tùng, phụ-thân là Hồ Quốc-công, nghe tin quí-viện danh tiếng thứ nhất, lại có Địch cô-nương mới đến, vậy không ngại xa mà đến đây. »

Mụ dầu nghe nói, liền sại liễu-hoàn lên lầu gọi Địch Tiểu-thư xuống nghênh tiếp.

Bấy giờ Tiểu-thư đau-đớn chưa khỏi, chợt thấy liễu-hoàn lên gọi, vừa buồn vừa lo; nhưng nghe nói Hồ Công-tử, sực nghĩ đến nhời Bồ-Tát đã dạy đêm hôm trước, miễn-cưỡng sắm-sửa ra tiếp khách. Công-tử trông thấy Tiểu-thư, chẳng khác nào Chiêu-Quân xuất thế, Tiểu-thư trông thấy Công-tử, chẳng khác nào Tống-Ngọc tái sinh. Tiểu-thư chào vái, rồi rước lên lầu. Hai bên cùng hỏi họ tên, Công-tử đem tình-cảnh của mình nói cho Tiểu-thư nghe, Tiểu-thư cũng đem tâm-sự mình nói cho Công-tử biết, và bảo rằng:

« Thiếp tuy lạc vào chốn thanh-lâu; nhưng ngọc truốt gương trong, chưa điểm chút bụi trần nào cả; nếu Công-tử có lòng thương đến, thiếp xin sửa túi nưng khăn. »

Tất-Tùng mừng lắm, sai thiết án đốt hương, cùng Tiểu-thư giao bái thiên địa, đính ước Châu-Trần, tự bấy giờ loan phượng đẹp duyên, tình ân-ái càng ngày càng đầm-thấm.

Một hôm, Công-tử sai Hồ-Phúc thuê một chiếc thuyền cùng Tiểu-thư ngoạn cảnh Tây-Hồ. Qua Vạn-Hoa-đình, đến Lôi-Âm-tự xem phong-cảnh khắp mọi nơi, chợt thấy một chiếc thuyền nhớn, trong thuyền có một người thiếu-niên và hai mươi tên gia-đinh hầu-hạ. Nguyên người ấy là Nghiêm-Sĩ-Hùng con quan Thủ-tướng Nghiêm-Bình-Trực, tính người gian-ác quen thói giăng-hoa, cũng đi chơi Tây-Hồ ngoạn cảnh, Sĩ-Hùng nhác thấy Địch Tiểu-thư, lửa dục đã cháy lên nghi ngút, bèn sai gia-đinh bắt về thuyền mình, Hồ Công-tử quát rằng:

« Quân gian-tặc kia, to gan thật! Ban ngày dám sinh sự hành-hung. »

Nói đoạn, đạp đá mấy tên gia-đinh lăn nhào xuống nước, rồi nhẩy sang đánh chết Sĩ-Hùng, quẳng xuống hồ đánh bõm một cái, gia-đinh van lạy xin tha mịnh, Công-tử hỏi bọn gia-đinh, mới biết là Nghiêm-Sĩ-Hùng, đã có ý chột dạ. Bọn gia-đinh tức-khắc về kinh báo tin cho Nghiêm-Bình-Trực. Tiểu-thư thấy vậy, bảo Công-tử rằng:

« Việc đã như vậy, nên sai Hồ-Phúc về kinh, nói với thân-phụ, liệu cách điều-đình, kẻo mà sinh vạ đến nơi. »

Công-tử nghe nhời, sai Hồ-Phúc về kinh liệu-lý, sau Hồ-Phúc cũng bị giết tại kinh.