Bước tới nội dung

Cửu mỹ kỳ duyên/8

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cửu mỹ kỳ duyên của không rõ, do Phạm Quang Sán dịch
Hồi thứ tám
HỒI THỨ TÁM

Nguyệt-Hồng-tì có nghĩa bị hại,
Địch Tiểu-thư ở vú gặp con.

Từ khi Hồ Công-tử ra khỏi Hàng-Châu, Địch Tiểu-thư ở Bát-Tiên-viện, mong ngày mong đêm, mấy tháng không thấy tin tức chi cả, bấy giờ Tiểu-thư đã hoài-thai rồi, vừa tức phận mình, vừa thương hại Công-tử không lúc nào ráo nước mắt, vả lại lúc trước tiền bạc còn nhiều thời mụ dầu còn sử tử-tế, về sau tiền càng ngày càng cạn, thời thói cay-nghiệt lại sắp giở ra, Tiểu-thư nghĩ bụng rằng: « Lương-duyên kỳ-ngộ vẫn tưởng phận đẹp duyên ưa, ngờ đâu anh-hùng đa-gian, hồng-nhan bạc-mệnh, mỗi người mỗi ngả, không biết lưu-lạc đến bao giờ ». Nghĩ quanh nghĩ quẩn, cay đắng muôn phần chợt thấy mụ dầu bước lên lầu, bắt ra tiếp khách, Tiểu-thư nói:

« Tôi đương kỳ thai-nghén, xin lão-bà hãy dung-thứ cho ».

Mụ dầu không nghe lại đem ra khảo-đả, Tiểu-thư khóc rằng:

« Hồ-lang ơi hỡi Hồ-lang! Sao không cứu thiếp ra khỏi vòng trần-lụy »,

Mụ dầu nói;

« Triều-đình họa hình tầm nã, chắc nó đã phải phân thây làm muôn đoạn rồi, còn đâu mà tơ tưởng, »

Tiểu-thư nghe nói, lại càng bối-rối trong lòng.

Tối hôm ầy, Tiểu-thư ngồi trong lầu thương khóc một mình, lại toan lấy khăn tự-ải, liễu-hoàn là Nguyệt-Hồng thấy vậy, bảo Tiểu-thư rằng:

« Trong lưng tôi có mười lạng bạc, đủ làm tiền hành-lý, vậy cô-nương cùng tôi trốn ra ngoài, rồi sẽ dò la tin-tức Công-tử ».

Tiểu-thư nói:

« Nếu vậy thời ta cũng còn năm đĩnh bạc, một đĩnh vàng của Hồ-lang để lại, cũng đủ chi dụng được ít lâu. »

Nguyệt-Hồng bèn thu-sếp vàng bạc gói làm một gói, đợi khi cả nhà ngủ yên, hai thầy trò lẩn ra cửa sau đi trốn, Tiểu-thư vừa đi vừa khóc, thuỷnh-thoảng lại ngoảnh cổ lại, chỉ sợ mụ dầu đuổi theo, khi ra khỏi ngoài thành, hai thầy-trò cứ cắm đầu mà chạy.

Canh tư đêm ấy, đi đến Tiền-Đường-giang, Tiểu-thư đau chân không đi được, ngồi xuống mà khóc, bỗng chốc lên cơn đau bụng soắn ruột lại. Nguyệt-Hồng chạy đến xem, biết rằng sắp sửa lâm-bồn, liền ngồi bên cạnh để đỡ đầu, mới thấy ự một tiếng thời tiểu-nhi đã khóc oe-oe rồi, Nguyệt-Hồng trông xem thấy sinh con giai, bèn cắt dốn cho tiểu-nhi, lấy áo bọc lại, Tiểu-thư xem thời thấy sau lưng tiểu-nhi có ba chỗ vết tím, bèn ẵm lấy con mà khóc. Nguyệt-Hồng sợ mụ dầu theo kịp, bảo Tiểu-thư rằng:

« Gặp lúc nguy-cấp, đành chịu bỏ tiểu-nhi mà tháo lấy thân, họa may có người bắt được đem về nuôi, thời có thể sống được ».

Tiểu-thư bèn sé vạt áo, cắn ngón tay lấy máu, viết một tờ huyết-thư, trong thư nói giờ sinh tháng đẻ của tiểu-nhi, và ám-chỉ họ tên cho nó, để làm dấu tích về sau; viết xong đâu đấy, để trên bụng tiểu-nhi, bọc lại tử-tế, đặt nằm bên cạnh sông, rồi đứng dậy đi, nước mắt ròng ròng, vừa đi vừa ngoảnh lại trông theo khác nào như dao cắt ruột! Than ôi! Mới đẻ lọt lòng mà đã phải ly-biệt! Thảm hại thay cho tình cảnh lúc bấy giờ!

Khi ấy có một vị trung-thần tên là Quách-Vinh-Trung người ở Hán-Trung-phủ, thi đô Tiến-sĩ, làm quan tại kinh, thấy Nghiêm-tặc lộng quyền, bèn cáo lão về hưu trí, năm ấy sáu mươi tuổi, chưa có con cái gì cả. Hôm ấy thuyền về đến sông Tiền-Đường, chợt nghe trên bờ sông có tiếng trẻ con khóc, sai gia-đinh lên xem, thấy một đứa con giai mới đẻ, bèn ẵm xuống thuyền. Quách-công mừng lắm, bụng nghĩ là giời cho mình, lúc đem về đến nhà, Phu-nhân cũng mừng rỡ vô cùng, mượn người cho bú, rồi sai người đi tìm vú sữa.

Địch Tiểu-thư cùng Nguyệt-Hồng đi được một quãng đường, thấy phía trước có một toán quân mã, hai thầy trò sợ hãi thất kinh, mỗi người chạy mỗi ngả.

Nguyệt-Hồng chạy về phía tây-nam, không may bị quân giặc giết chết, lấy mất cả bao-phục hành-lý. Liễu-hoàn có nghĩa mà đến nỗi chết thảm như vậy, cũng đáng thương thay! Còn Tiểu-thư chạy về phía đông-bắc, gọi Nguyệt-Hồng hết hơi mà chẳng thấy thưa, Tiểu-thư bèn nép vào trong đám cỏ cạnh bờ sông, vừa lo phiền vừa bị sương-hàn, cho nên nằm thiếp như chết.

Khi ấy có người đánh cá họ Bạch, vừa nghèo, vừa hiếm-hoi, chỉ có hai vợ chồng già, kiếm cá độ thân, hôm đó chở thuyền đi gần bờ sông, chợt thấy một người nằm trong đám cỏ, ngư-bà chạy lên xem, thời té ra người con gái còn ít tuổi nằm sóng-sượt như người chết, sờ ngực hãy còn thoi-thóp, bèn đem xuống thuyền, lấy nước gừng cho uống, một lúc thời tỉnh dậy, hai vợ chồng mừng lắm, đem cá nấu cháo cho Tiểu-thư ăn. Ngư-ông hỏi vì cớ gì mà lưu lạc như vậy, Tiểu-thư kể hết sự tình một lượt, hai vợ chồng nghe nói đều ái ngái thay cho Tiểu-thư. Bấy giờ Tiểu-thư mới sinh, nên tức vú sữa, thành ra đau vú, ngư-bà bảo ngư-ông lên chợ bán cá đong gạo, và lấy cho Tiểu-thư một thang thuốc.

Ngư-ông đem dỏ cá lên chợ, mua bán xong rồi, hỏi thăm chỗ lấy thuốc cho Tiểu-thư, hay đâu lại gặp lúc Quách-công đương cần vú sữa, ngài liền đòi vào phủ hỏi, ngư-ông bèn kể rõ sự tình một lượt.

Quách phu-nhân nói:

« Nếu vậy để ta nuôi làm vú sữa cho tiểu-công-tử thời tức khắc khỏi đau, không phải thuốc-thang chi cả. »

Ngư-ông mừng lắm, xin bằng lòng, lạy tạ giở về. Đến nhà liền đem truyện ấy kể với Tiểu-thư, Tiểu-thư nghĩ xấu-hổ, nhưng gặp lúc thất-thế, cũng không dám quản lầm than, được một lúc gia-hạ mang kiệu ra đón, ngư-ông đưa Tiểu-thư vào phủ, Tiểu-thư nghĩ bụng rằng: « Nàng dâu quan Hồ Quốc-công mà phải đi làm vú nuôi, thế mới biết gặp lúc sa-cơ thời rồng cũng hóa ra rắn. »

Khi vào đến nơi, Quách-công thưởng cho ngư-ông năm lạng bạc, ngư-ông lạy tạ giở về. Tiểu-thư ẵm lấy tiểu-công-tử, thấy sau lưng có ba chỗ vết tím, biết rằng con mình, ứa nước mắt vừa khóc vừa rằng:

« Vẫn tưởng mẹ con ly-biệt, hay đâu nay lại gặp nhau! »

Quách-công nghe tiếng nổi giận quát rằng:

« Con mụ này điên hay sao? Dám nhận tiểu-công-tử là con mà khóc hoài như vậy. »

Tiểu-thư bẩm rằng:

« Hài-nhi này quả thực thiếp tôi thân sinh, ơn nhờ Tướng-công cửu mệnh! »

Quách-công hỏi:

« Lấy gì làm bằng chứng mà dám nhận càn? »

Tiểu thư nói:

« Sau lưng tiểu-nhi có ba vết tím, mà khi thiếp tôi bỏ hài-nhi trên bờ sông, có đề một tờ huyết-thư làm dấu tích. »

Quách-công nghe nói biết là đích thực, nghĩ bụng rằng: « Vẫn tưởng giời cho vợ chồng mình, ngờ đâu lại hóa ra nhân-mộc! » Tiểu-thư bèn kể hết sự tình một lượt, và nói rằng:

« Nhờ ơn Tướng-công cứu mẹ con thiếp, dẫu hi sinh tính-mệnh cũng chưa đủ báo đền, vậy mẹ con thiếp xin chung thân hầu hạ Tướng-công. »

Từ bấy giờ Quách-công coi Tiểu-thư cũng như là con đẻ, thấm thoắt chín năm giời mới đưa hai mẹ con cho Hồ Công-tử.