Bước tới nội dung

Cao đẳng quốc dân/8

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cao đẳng quốc dân của Phan Bội Châu
Chương thứ tám
CHƯƠNG THỨ TÁM

Chữa chứng bệnh « tham lợi riêng »

Lại có chứng bệnh nữa là chứng bệnh « tham lợi riêng. » Chứng bệnh ấy người các nước tuy có ít nhiều, nhưng người nước ta tất cả 25 triệu người, ai nấy cũng trúng bệnh đó. Tục-ngữ có câu: « Cơm ai đầy nồi nấy », lại có câu: « Thữ thân bất độ, độ hà thân », lại có câu rằng: « Con vua, vua dấu, con chấu, chấu yêu. » Đọc bấy nhiêu lời thời biết rằng trong ruột người nước ta, viết dọc viết ngan, vạch xuôi vạch ngược, chỉ có một chữ “tham” mà ở trong chữ « tham » chỉ có vài nét “Lợi-riêng” là vừa hết bút mực.

Xưa cụ Tiên-Điền có câu rằng:

Tiền tài hai chữ son khuyên ngược.
Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi.

Mười bốn chữ đó thật là vẽ đúng tâm-tính người nước ta. Than ôi! cái lòng tham-dục mà muốn cho như ý, mới nảy ra kế-mưu, vì kế-mưu mà muốn cho thành công mới nảy ra sự-nghiệp. Tục ngữ có câu: « Muốn ăn hét phải đào trùn », nhất-thiết việc đời đều gốc ở lòng tham-dục, bảo cấm tham, tuyệt dục không có lẽ thiệt. Ôi các anh em! Ôi các chị em! tôi vẩn trông cho các ngài biết tham biết dục, thà không tham, nếu tham, thì tham cho lớn, thà không dục, nếu dục, thì dục cho hào. Xưa ông Đế-Nghiêu muốn thiên-hạ làm của chung mà bỏ ngôi vua của mình, vì vậy nước Trung-Hoa bây giờ xưng ông Nghiêu là đại-thánh. Ông Hoa-thạnh-Đốn muốn nước Hoa-kỳ thành một nước dân-chủ mà bỏ ngôi phú-quí của mình vì vậy nước Hoa-kỳ bây giờ còn gọi ông Hoa-thạnh Đốn là “Quốc-phụ”. Kìa hai ông đó há phải không tham-dục đâu, nhưng tham-dục về cái lợi chung của ức muôn người, thì tham-dục càng to, làm lợi-ích cho loài người càng lớn, nhờ tham-dục của một người đó mà gió xuân mưa hạ tràn trề khắp bốn bể năm châu, đội đức mang ơn dài dặc đến thiên thu vạn thế. Tham dục mà được như những bậc người ấy, ai bảo rằng tham dục là dở đâu? Đau đớn thay cho những người nước ta, trước mắt không bao giờ thấy lợi chung, trong óc không bao giờ có tư-tưởng cao-thượng, túi những chất đầy tham mà tham không mực, chẳng qua là nghiện hơi đồng, hố vẫn lấp đầy dục, mà dục kỳ cùng, chẳng qua là hầu xát thịt, kết-quả đến nổi hy-sinh hết lương-tâm thiện-lý mà làm nô-lệ cho những món tư-tình, vì lo sung sướng cho vợ, vì lo sung sướng cho con, vì lo sung sướng cho thân mình, suốt đêm xuốt ngày, hết khôn hết khéo, những chắt rằng núi đồng không bao giờ lở, cây tiền không khi nào lá rụng hoa rơi, nào hay “nhứt đáng vô thường vạn sự hưu”, của cải tiền-tài không thể nào vào tay người chết, vợ vì sẳng của mà vợ hóa nên vợ hèn, con vì sẳng của mà con hóa nên con dại, tiền bạc hóa ra của phá nhà, ruộng vườn hóa ra mồ chôn sống, chẳng những nhân-quần xả-hội không lợi-trạch một tý gì mà chính giữa thân với gia cũng lợi chưa xong mà hại đã tới. Ấy là tử chứng của những người tham lợi riêng đã đành rành rồi đó. Người ta mắc bệnh đó gần đây càng ngày càng nặng thêm, nếu không gấp chữa cho mau thời nòi tuyệt giống mòn, không thế nào cứu được. Tôi xin vì đồng-bào dâng một vị thuốc nầy gọi rằng “Lòng công-ích.”

“Lòng công-ích” là cầu sự lợi ích chung cho xả-hội tức là lợi riêng cho thân mình.

Đạo lý đó chẳng phải nói không đâu. Những người có tai mắt, có ruột gan chắt cũng hiểu cả. Bao bọc chung quanh mình là xã-hội, nhờ ơn xả-hội mới có thân mình, mình ăn thóc thì nhờ có người cày, mình mặc áo thì có người dệt, mình cần có công dùng thì phải nhờ người thợ thuyền, mình cần có giao-thông thì phải nhờ người buôn bán, nếu một ngày không xả-hội, tức một ngày đó không thân mình. Vun trồng xả-hội cho sung-sướng vẽ-vang thì chẳng những một thân mình đã hưỡng phúc chung mà con cháu mình sau cũng sung-sướng phúc chung mãi mãi. Vậy thời cái lòng công-ích đó thật là một phương thuốc trường xuân bất lão cho người ta. Vậy nên trong bài thuốc tự-lập phải có một vị nầy: « Lòng công-ích » 1 tấm rất dày.