Cao đẳng quốc dân/9

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cao đẳng quốc dân của Phan Bội Châu
Chương thứ chín
CHƯƠNG THỨ CHÍN

Chữa chứng bệnh “đua-đuổi hư-danh”

Còn một chứng bệnh nữa là chứng bệnh người ta hay đua-đuổi theo cái hư-danh vô vị.

Muốn chữa cái chứng bệnh đó thì trước phải giải-quyết một cái vấn-đề như sau nầy: lòng tham người ta chỉ có hai hạng: 1° là lợi; 2° là danh, cái chứng tham lợi đã nói như bài trước kia rồi, bây giờ nói cái chứng tham danh. Danh nên tham hay không? Thời từ xưa đến nay không người thánh-hiền hào-kiệt nào mà không danh cả. Sách truyện có câu rằng: « Đại đức giả tất đắc kỳ danh » nghĩa là những người có đạt đức lớn nhứt định được cái danh dự. Thế thì danh có phải không nên tham đâu. Bảo rằng nên tham ru?

Thời từ xưa đến nay, những người phấn sức hư-danh thì kết quả là hữu danh nhi vô thực, chẳng những không lợi ích gì cho xả-hội mà cũng không thêm được giá-trị cho người ta, thế thì danh có gì đáng tham! Nói cho đúng lẽ, danh vẩn đáng tham, mà cũng không đáng tham. Cớ sao thế? Bởi vì danh có nhỏ, có lớn, danh có gần, có xa; danh nhỏ và gần như lữa đốm đầu hôm, tiếng ve ve khi mùa hạ, vẫn cũng lập-lòe chòe-choẹt ở trong một lúc, nhưng chẳng bao lâu tắt ngay; danh lớn và xa, thời như sấm mùa xuân, như bóng Thái-dương mùa hạ, vang một tiếng mà lừng lẩy cả năm châu, rọi một tia mà chói chan khắp bốn bể.

Người ta thữ cân-nhắc hai đường danh đó, thời danh gì đáng tham, không cần phải nói nữa.

Bây giờ tôi chỉ nói bệnh người nước ta. Tục-ngữ có câu rằng: « Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đường », lại có câu rằng: « Cọp chết để da, người ta chết để tiếng » Xem những câu đó, thời danh vẩn nên quí, người ta cũng biết dư rồi; nhưng tội tình thay! óc tí ti như óc giơi, mắt thi thi như mắt muổi, ngoài buồng the bếp núc, vẫn không biết gì là nước non, trừ sọ bò đầu heo vẩn không biết gì là rồng rắn, mà huống gì vết xấu ở gia-đình, thói hủ ở xả-hội, gắn sâu buộc chặt, trải mấy ngàn năm, ông Nghè ông Cử đã tràng đất chó rơm, mà ông Đốc ông Tham lại đầy phên rồng vẽ. Đoàn thanh-niên cho đến phường tân-tấn, đua danh canh giá, chẳng cu-ly thượng đẳng thời nô-lệ quá ưu; ức chưa rời nôi mà ao ước những mày-đay, kim-khánh, miệng chưa ráo sữa mà đã lóc lẻm những thẻ bạc bài ngà. Ôi! thế là vinh danh hay sao? Thế là đáng quí hóa hay sao?

Anh em chị em sao không nghĩ, đội mão mo cho khỉ, mặc áo giấy cho ma, những giống ấy rặt là giống của người phỉnh phờ ta, chẳng những không vinh gì mà thật là một cái gương sỉ nhục; danh mà danh như thế còn gì đáng quí hóa nữa đâu? Gông đầu khóa cổ, núi sông đã mỏi kiếp ngựa trâu, mỏi gối chồn chân, cây cỏ cũng chán vai tôi tớ, thế mà còn sắc, sắc bằng gì? Thế mà còn hàm, thế mà còn phẫm, phẩm hàm gì? Người bỏ đi ta lượm lấy, người xem làm rẻ rúng mà ta xem làm vinh-hoa, óc khôn ta ở đâu, chí khí là ở đâu? Xin các anh em, xin các chị em chứng bệnh đua hư-danh đó, ta phải gấp chữa lanh mới được.

Muốn chữa chứng bệnh đó, thời phải có một vị thuốc rằng: « Vai thực nghiệp. »

Thực nghiệp là những giống gì?

Là nghiệp nông, nghiệp công, nghiệp thương, nghiệp sơn lâm, nghiệp mục súc, nghiệp ngư diêm, nói tóm lại tức là nghiệp Lao-động.

Lao-động về việc nông, thời nông siêng mà gạo thóc đầy đủ; lao-động về việc công thời công siêng mà nghề nghiệp mở mang; lao-động về việc thương thời thương siêng mà giao thông phát-đạt, còn ra các việc, hể lao-động hết bổn-phận thì việc nào việc nấy chắc cũng được thành công; các nước Âu Mỷ bây giờ những người rất quý trọng là rặt những người rất cần khổ, đắp nền danh-giá tất lấy thực-nghiệp làm gốc, mở bề phú-cường tất lấy thực-nghiệp làm nguồn.

« Lao-động thánh-thần », câu nói đó đã thành ra thiên kinh địa nghĩa. Thử xem nước Hoa-kỳ mới đây những người rất hữu danh rặt là nhà thực-nghiệp: ông Hỏa-Du đại-vương, ông Thiết-Lộ đại-vương, ông Ngân-Hàng đại-vương, những người đó là nhà thực-nghiệp lớn, vì thực-nghiệp lớn nên tư-bản nhiều, vì tư-bản nhiều nên cất nổi những việc công-ích lớn, vì vậy mang ơn đội đức, khắp cả muôn người, trổi tiếng mang tăm nghe khắp vạn-quốc.

Lời cổ ngữ có câu rằng: « Hữu thực dã danh tất quy chi » nghĩa là những người có việc thực thì danh tất đền cho. Người ta nên biết thấu đạo-lý ấy thời hư-danh còn đua đuổi làm gì! Bắc cân công-lý mà cân, một ly thực-nghiệp quí trọng hơn một đống hư-danh. Người nước ta xưa nay quen thói dã-man, đua tuồng huyền-hảo, giấc chiêm-bao lợi-lộc, ngày tháng say-mê, tuồng trò rối hư-vinh, trẻ già hớn-hở, những mua chuốt cái hư-danh đó, hao biết bao nhiêu tiền của, những trao chuốt cái hư-danh đó, tốn biết bao nhiêu thì giờ, mà hư-danh càng ngày càng múa men, thời tướng thực-nghiệp không bao giờ xuất-thế, kết-quả dân ngày càng nghèo, nước ngày càng yếu, nòi giống mình ngày càng đê-tiện, mà giá-trị người mình cân đi nhắc lại chỉ có « thân bồi phận bếp » mà thôi; việc đáng khóc, đáng than không gì hơn thế!!! Anh em chị em ta, nếu một mai tỉnh giấc mê, thay lốt cổ, những tiền của mua hư-danh đó, xây vào nền thực-nghiệp, những thì giờ đuổi hư-danh đó dùng vào trường thực-nghiệp, thực-nghiệp đã phát-đạt thì nền-móng phú-cường đã vững bền, giá trị người lao-động nước ta chắc cũng có một ngày lừng-lẩy tiếng tăm cùng thế-giới! Tục ngữ có câu: « Trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ. »

Người nước ta nếu biết tham danh thì không gì đáng tham hơn thế nữa! Vậy nên trong bài thuốc tự-lập lại phải gia vào một vị như sau hầy:

Vai thực-nghiệp một gánh càng nặng càng hay.