Cay đắng mùi đời/Cuốn thứ nhì

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cay đắng mùi đời  (1926)  của Hồ Biểu Chánh
Cuốn thứ nhì
CUỐN THỨ NHÌ
Giá mỗi cuốn: 0$50
 

Tác-giả:
HỒ BIỄU-CHÁNH


Người lảnh xuất bản:

VIÊN-HOÀNH



CAY ĐẮNG MÙI ĐỜI


TOUS DROITS RÉSERVÉS




SAIGON
IMPRIMERIE DE L'UNION NGUYỄN-VĂN-CỦA
Février 1926

CAY ĐẮNG MÙI ĐỜI
(TIẾP THEO)

Nó muốn ngồi dậy đi kiếm nước mà uống, song tay chơn rủ riệt chổi dậy không nổi. Người ngồi trên giường dựa bên giường nó đó thấy vậy bèn nói rằng:

— Hứ! thằng nhỏ nầy bữa nay coi bộ khá rồi nên muốn ngồi dậy đây. Sao em? Trong mình em khá hay không?

— Tôi khát nước quá. Chú làm ơn cho tôi xin một miếng nước uống.

— Ờ, thôi nằm đó, để qua rót nước giùm cho.

Người ấy nói rồi liền đi rót một chén nước đem cho nó uống. Thằng Được uống hết chén nước mà chưa đả khát, còn muốn uống nữa, song sợ nhọc lòng người ta nên không dám mượn. Nó nằm nghỉ một hồi rồi hỏi người ấy rằng:

— Chỗ nầy là chỗ gì vậy chú há?

— Uả, thiệt em không biết hay sao?

— Thưa, không biết.

— Ờ phải; hôm qua họ bồng em đem vô đây em nóng mê-mang, quan thầy sợ cứu em không đặng nên làm sao mà em biết đặng. Đây là nhà thương Chợ-rẩy đó em.

— Chú có biết thầy tôi đi đâu hay không?

— Thầy em là ai?

— Thầy tôi là thầy Đàng.

— Qua không biết. Qua thấy hôm qua lối 10 giờ có hai người bồng em vô để nằm đó rồi quan thầy với mấy thầy phạm-nhe cho em uống thuốc từ hôm qua cho đến bữa nay đó thôi, không thấy ai thăm viến chi hết. Thầy Đàng người bao lớn, già hay là trẻ, mặc áo quần ra làm sao?

— Thầy tôi già trên 50 tuổi, râu bạc hoa râm, mặc áo dài, đi giày hàm ếch.

— Không có. Từ hôm qua cho đến bữa nay qua không thấy người nào như vậy.

— Vậy chớ thầy tôi đi đâu kìa.

Thằng Được hỏi thăm rồi nằm suy nghĩ không biết thầy nó đi đâu. Cách một hồi lâu có một quan thầy Annam đi với hai ba thầy phạm-nhe vô thấy nó thì cười, lấy tay rờ đầu nó rồi nói rằng: « Thằng nầy bữa nay tỉnh lại rồi. Em ráng uống thuốc, vài tuần nữa em mạnh, không sao đâu mà sợ. » Nói rồi bèn day lại nói với mấy thầy phạm-nhe rằng: « Một lát nữa cho nó uống sữa nghe hôn; cho nó uống sữa ít bữa, cho nó dứt nóng lạnh rồi sẽ cho ăn cơm ăn cháo. » Thằng Được vừa muốn hỏi thăm thầy nó thì quan thầy bỏ đi qua khán bịnh cho người khác nên hỏi không được.

Buổi chiều thằng Được bớt nóng, nhưng mà nó cũng chưa ngồi dậy nỗi. Có một thầy phạm-nhe cầm một cây viết chì vô hỏi tên họ quê quán nó đặng có ghi vào sổ. Nó nói thiệt rằng nó tên Được, mà không biết họ gì, nó không có cha mẹ, đi theo thầy Đàng, mà thẩy đi xứ nầy qua xứ kia đặng dạy đờn nên không biết quê quán là đâu mà nói. Thầy phạm-nhe biên rồi cười gằn mà nói rằng: « Té ra mầy là con nhà hoang mà! đã không có mẹ cha, mà lại không biết xứ sở, như vầy ai biết đâu mà đòi tiền nhà thương. Tao chắc chừng mầy mạnh nhà-nước sẽ gởi mầy lên Ông-Yệm. »

Thầy phạm-nhe xây lưng bước ra thì thằng Được nước mắt tuôn dầm-dề, vì mấy tiếng « con nhà hoang » làm cho nó bầm gan nát ruột. Nó nằm mà tủi thầm thân phận, rồi nhớ mấy lời hâm sẽ gởi lên Ông-Yệm, nó lại sợ không biết Ông-Yệm là chỗ nào. Nó hỏi thăm người bịnh nằm một bên, họ nói Ông-Yệm là chỗ để đày mấy đứa nhỏ ngổ nghịch, hoang-đàng, không bà không con, ăn cắp ăn trộm, thì nó càng sợ hơn nữa, nên nằm mà khóc rấm-rút.

Lối 6 giờ rưởi tối đèn khí đốt sáng trưng, người bịnh lộn xộn, kẻ sửa soạn ngủ, người ngồi nói chuyện. Thình lình có một thầy mặc đồ Tây màu vàng, đầu đội nón nỉ xám ở ngoài xâm xâm vào phòng bịnh với một thầy phạm-nhe. Thằng Được tưởng là quan thầy nên lau nước mắt rồi nằm im-lìm. Khi hai người đi lại tới chỗ nó nằm, thầy phạm-nhe chỉ nó mà nói: « Nó đó », rồi bỏ đi ra. Người mặc đồ Tây vàng ấy dơ tay rờ đầu nó rồi nói rằng: « Bữa nay bớt nóng rồi. Hôm qua nóng quá tưởng đã không xong rồi chớ. »

Thằng Được nhướng mắt ngó thầy ấy trân trân không biết là ai. Thầy ấy thấy vậy mới nói với nó rằng: « Em ráng uống thuốc cho mau mạnh nghé. Tía em thì làng họ đã chôn hồi chiều hôm qua rồi. Đồ đạt qua lãnh mà giữ tại nhà qua, chừng em mạnh ra nhà-thương rồi thì ghé đó mà lấy, không mất đâu mà sợ. »

Thằng Được nghe nói chưng hửng liền nói: « Thầy là ai? Tía tôi là ai đâu mà thầy nói làng đã chôn rồi? Thế khi thầy tôi đã chết rồi hay sao? Trời ôi!..... »

Thầy ấy thấy bộ nó rất bi-thảm nên động lòng thương, bèn ngồi dựa mé giường rồi lấy lời nhỏ nhẹ mà nói rằng: « Chắc là đêm hôm qua em mắc nóng lạnh mê-mang nên em không hay, vậy để qua tỏ hết mọi việc cho em rõ,.... Em nính đừng có khóc nữa..... Qua đây là xếp-ga Phú-lâm. Hồi sáng hôm qua, lúc xe-lửa ở Saigon gần xuống qua mới thức dậy mở cữa mà bán giấy. Qua thấy ở ngoài có một ông già với một đứa nhỏ đương nằm khoanh dưới gạch mà ngủ, qua chạy ra kêu thức dậy, chẳng dè ông già chết đã bao giờ mà mình mẩy còn ướt mem, còn đứa nhỏ, là em đây, tuy còn thở hoi hóp mà qua rờ tráng thì nóng vùi.

Qua lật đật tri hô lên cho lính làng chạy đến khán nghiệm. Qua hối làng kêu xe rồi chở em đem vô nhà-thương cho mau, còn ông già thì làng xét trong mình chẳng có vít tích chi, làng mới chạy tờ cho quan rồi mua hòm mà chôn hồi chiều hôm qua.

Thằng Được nghe nói thì khóc than nghe rất thảm thiết. Thầy xếp-ga an ủi nó một hồi, chừng nó nính rồi mới nói tiếp rằng: « Ông già chết có để lại một cây đờn cò, một cây đờn kìm với một cái hoa-ly, một cây dù. Hồi làng họ liệm qua muốn bẻ khóa hoa-ly coi ổng còn áo quần chi hay không đặng đem theo cho ổng, mà bị làng họ cản nên qua không dám. Bây giờ đồ đạt qua giữ tại nhà qua. À, qua thấy ổng có đeo một cái đồng hồ bạc qua có lấy lại và lấy luôn cái bốp trong ấy có một đồng rưởi bạc với một cái bài thuế thân đề tên là Trần-cao-Đàng, qua còn giữ đủ hết, chừng em ra thì ghé lại qua sẽ giao hết cho em. Em còn bà con là ai ở đâu, em nói cho qua biết đặng qua gởi thơ giùm cho. »

Thằng Được nghe thầy chết một cách rất thảm-thiết thì khóc mùi, chừng nghe hỏi đến bà con thì tủi phận nên lại khóc rống lên nữa. Thầy xếp-ga theo an ủi hoài. Nó nính khóc nằm suy nghĩ, nhớ lời thầy dặn dầu thầy có chết cũng đừng có cho vợ chồng Phan-hảo-Tâm là em rể hay; nếu bây giờ nói thiệt ra thì phụ ý thầy, mà nếu nói giấu sợ nhà-nước nói nó là con nhà hoang gởi nó lên Ông-Yệm. Nó muốn cậy viết thơ cho ba Thời, mà nó sợ nhà-nước đòi tiền nhà-thương ba Thời không có mà đóng, lại càng khổ nữa. Nó suy đi nghĩ lại một hồi rồi mới nói rằng: « Thầy có lòng thương thầy tôi và thương tôi nên thầy lo chôn cất thầy tôi rồi vô đây mà thăm tôi, thiệt tôi cảm ân đức của thầy vô cùng. Chẳng giấu chi thầy, tôi chẳng có cha mẹ bà con chi hết, tôi theo thầy tôi là ông Đàng đó mà học đờn. Thầy tôi đã có bịnh sẵn mà rũi giữa đường lại mắc một đám mưa dông không có chỗ đục nên lạnh quiếu mà chết; tôi cũng vì đám mưa đó mà nóng lạnh mê-mang khiến cho thầy tôi chết tôi không thấy mặt, tôi nghĩ thiệt tôi tũi trong lòng không biết chừng nào. Hồi chiều nầy tôi lại nghe nói nếu tôi không có cha mẹ bà con thì nhà-nước sẽ gởi tôi lên Ông-Yệm. Vậy tôi xin thầy làm ơn nhận giùm tôi đặng lãnh tôi ra chớ nếu để gởi tôi đi Ông-Yệm thì tội nghiệp tôi quá. »

Thầy xếp-ga nghe nói tức cười mà đáp rằng: « Họ nói gạt em đa, không có đâu, em đừng có lo. Nhà-thương hễ người nghèo thì nằm thí chớ tiền gạo gì. Còn em có tội gì mà gởi lên Ông-Yệm. Họ nói bậy đa, em đừng có tin. Mà thôi, để bữa em mạnh qua sẽ vô mà lãnh giùm em ra. » Thầy xếp-ga nói rồi bèn từ giả ra về. Thằng Được ngó theo cảm tình thầy chẳng xiết.

Đêm ấy nó nằm nhớ thầy Đàng hoài ngủ không được, nhớ từ tướng đi bộ đứng, từ tiếng nói dọng cười, nhớ ngón đờn déo-dắc tiêu-tao, nhớ lời dạy thâm-trầm chánh-trực. Nó nhớ rồi nó lại nghĩ không biết vì cớ nào người tài tình dường ấy, của phi nghĩa dầu mấy muôn cũng không ham, gặp ngang tàn dầu nát thân cũng gánh vát, mà sao trời chẳng cho giàu sang sung sướng, lại đày tấm thân đến chết bụi chết bờ. Hay là phải nhuốc nhơ mới đặng giàu, phải lòn cúi mới đặng sang? Nếu sang giàu mà phải như vậy thì thà chết phức theo thầy đặng xa lánh trước cho xong, chớ sống rồi ngày sau mà phải chìm nổi chốn dương-trần, phải vày bừa thân nam-tử thì lại càng khổ nảo hơn nữa. Thằng Được nhớ thầy rồi nghĩ đến cuộc đời thì khóc mùi. Những người bịnh nằm gần ai thấy cũng đều cảm động.

Thằng Được trong mình có bịnh mà trong trí lại còn buồn rầu nữa, nên sáng bữa sau bịnh nó trở nặng lại, làm cho nó nằm mê-mang hai ba ngày. Quan thầy hết sức điều trị mà gần 20 ngày nó mới thiệt mạnh. Mỗi buổi tối chúa-nhựt thầy xếp-ga Phú-lâm đi Chợ-lớn chơi đều có ghé nhà-thương mà thăm nó. Đến ngày nó thiệt mạnh quan thầy kêu nó rồi vổ đầu biểu nó về, không đòi bạc tiền chi hết. Nó mừng quýnh nên xá quan thầy rồi lật đật đi ra; ra khỏi cữa nó hỏi thăm đường đi Chợ-gạo rồi lầm-lủi đi riết. Nó thấy đã khỏi bị giải đi Ông-Yệm, mà lại cũng khỏi đóng tiền nhà-thương, thì trong bụng nó mừng nên quên phức sự từ nầy bơ vơ một mình, đã không còn thầy mà nương nhờ, mà cũng không còn em mà hủ-hỉ.

Chừng nó xuống tới Chợ-gạo, bước vô nhà giấy xe-lửa, thầy xếp-ga chào mừng rồi lấy cái hoa-ly, cây dù với hai cây đờn mà đưa cho nó, thì nó nhớ tới thầy nó, chừng đó nó mới khóc dầm-dề. Thầy xếp-ga dọn cơm cho nó ăn rồi mới mượn con thầy dắc mà chỉ giùm mả của thầy Đàng cho nó thăm. Nó ra tới mả lạy bốn lạy rồi ngồi ôm núm mả mà khóc nghe rất thảm thiết. Nó khóc một hồi rồi đứng dậy, lau nước mắt, chấp tay đứng trước đầu mả mà vái lớn lên rằng: « Thưa thầy, con nhờ ơn thầy dạy bảo mấy năm nay nên ngày nay con mới biết đường ngay nẻo vạy, con mới hiểu thế thái nhơn tình. Nay trời khiến giữa đường thầy trò ta phải xa nhau, con chẳng biết lấy chi mà tỏ lòng kỉnh mến thầy. Vậy con xin lạy thầy 4 lạy mà tạ ơn. Con đứng giữa chốn nầy, trên có trời, dưới có đất, con nguyền tập chí như thầy, gặp việc phải làm dầu nát thân con con cũng làm, gặp việc chẳng nên làm dầu làm mà được bạc ức bạc muôn con cũng chẳng thèm. »

Thằng Được vái van xong rồi mới trở về nhà thầy xếp-ga. Thầy hỏi nó vậy chớ bây giờ nó tính đi đâu. Nó suy nghĩ một hồi rồi thưa với thầy rằng: « Thưa thầy, em chẳng có bà con chi hết, song em có một người mẹ nuôi ở dưới Xóm-Tre. Lại thầy em hồi trước nuôi em với một đứa con gái tên là con Liên, khi tới Mỷtho thầy em cho con Liên cho bà Hội-đồng ở Cần-thơ nuôi. Bà Hội-đồng dắc nó đi Saigon, vậy em tính lên Saigon đặng kiếm coi có gặp nó hay không. »

Thầy xếp-ga cầm nó ở lại một đêm. Nó đờn ca cho vợ chồng thầy nghe chơi rồi sáng thầy mới giao đồ đạt và giao luôn cái đồng-hồ bạc với cái bóp của ông Đàng cho nó nữa. Nó bỏ cái đồng-hồ vào túi rồi dở bóp ra coi thì còn 1$50. Nó móc trong túi nó ra mà đếm thì tiền riêng của nó còn được 8 cắt. Nó bỏ chung vô bóp, rồi đứng ngẩm nghĩ rằng: « Mình lên Saigon không quen với ai, không biết cơm đâu mà ăn, chỗ đâu mà ngủ. Nếu mình xách hết đồ theo thì bất tiện lắm. » Nghĩ như vậy nó mới móc bóp ra lấy 8 cắt bạc của nó mà lận lưng, rồi mở hoa-ly bỏ cái bóp của thầy vô đặng gởi hoa-ly với cây dù lại cho thầy xếp-ga, tính xách 2 cây đờn đi mà thôi. Thầy xếp-ga cho nó một cái giấy xe lửa với một đồng bạc. Nó từ chối hoài không chịu lấy bạc. Vợ thầy theo ép quá túng thế nó phải lấy, song trong bụng tính thầm hễ chừng làm có tiền sẽ trở lại lấy đồ rồi trả đồng bạc cho thầy. Xe lửa dưới Mỷtho lên gần tới thổi síp-lê nghe van rân. Nó từ giả vợ chồng thầy xếp-ga rồi xách hai cây đờn ra đứng chực mà lên xe.

Ai có đến kinh-thành Saigon cũng đều biết sở vườn Bồ-Rô. Mà có biết thì biết sở vườn ấy rộng lớn, cây cao, cỏ tốt, ở phía sau dinh quan Toàn-quyền đó mà thôi, chớ không rõ cái vườn ấy có phép mầu nhiệm là thể nào. Vườn Bồ-Rô chẳng phải ban ngày mát mẻ, ban đêm thanh tịnh như mấy sở vườn khác mà thôi đâu, nó lại còn có một tánh chất riêng nữa, là cũng đường sá quanh co đó, cũng cỏ cây thạnh mậu đó, mà người bận việc đi ngang qua thì nó chẳng hề chịu tỏ dấu chi làm cho người phải triếu mến rồi dừng bước mà nhắm cảnh động tình, nó đợi cho có người thung-dung nhàn lạc vô đó ngồi chơi nó mới chịu làm cho cảm hứng say mê, rồi khiến cho phải nấn-ná dần-dà ngồi hoài không muốn đi, mà chừng đi ra cập mắt vẩn còn ngó lộn lại. Mà nó làm cho người thung-dung khoăn-khoái bao nhiêu thì nó lại cũng có thế làm cho người sầu-nảo càng buồn-bả bấy nhiêu; ai trong lòng có việc buồn hễ vô tới đó thì cũng phải ngẩn-ngơ nên khó dở bước mà lui ra cho khỏi.

Thằng Được cách biệt ba Thời đã bốn năm năm, trong lòng nó thường thương nhớ, nên khi nó nghe thầy Đàng chết rồi thì trước hết nó tính trở về Mỹ-lợi đặng viến thăm. Song nó tính như vậy rồi nó nhớ tới tên Hữu thì trong bụng nó lại buồn thầm, nghĩ vì về đó nó cực thân đã đành rồi, mà sợ má nó thêm nhơ tiết thì càng tội nghiệp cho má nó nữa. Bỡi nghĩ như vậy nên nó mới quyết lên Saigon mà tìm con Liên, bỡi vì khi gặp bà Hội-đồng thì bà có nói bà chở thằng con bà lên Saigon đặng cầu danh y cho nó uống thuốc, vậy nếu lên Saigon mà tìm thì chắc là gặp được.

Chẳng dè thằng Được lên Saigon đi rảo khấp mấy bờ sông thì không thấy ghe của bà Hội-đồng; nó hỏi thăm nhà mấy danh y rồi đến chực trước cữa đón hoài mà cũng chẳng gặp. Nó kiếm ba bốn bữa, ăn xài đã gần hết tiền rồi, ban ngày thơ thẩn ngoài đường, ban đêm thì vô vườn thú hoặc vườn Bồ-Rô kiếm mấy cái băng (banc) khuất tịch nằm mà ngủ.

Đêm nọ chánh là đêm 14 tháng 10, thằng Được nằm trên một cái băng trong vườn Bồ-Rô mà ngủ. Bóng trăng chói mấy ngọn cây sáng rở, tiếng dế kêu trong đám cỏ rù-rì; gió lao-rao mát mẻ vô cùng, vườn rậm rợp im-lìm vắn-vẻ. Nó nằm nhớ mẹ nuôi, thương thầy dạy, rồi lại nhớ tới con Liên, thì ứa nước mắt, lạnh trong lòng. Nó nhớ đủ hết rồi lại nghĩ tới thân phận của nó bây giờ trong lưng còn có vài cắt bạc, mà lưu linh ở đất kinh-thành Saigon là chỗ không quen với ai, thoản như hết tiền rồi mới liệu thể nào. Nó đương suy nghĩ bổng nghe đồng-hồ ở Nhà-thờ đổ 10 giờ, nó lật đật móc túi lấy cái đồng hồ của thầy di tích mà xem coi có đúng hay không. Nó thấy đồng hồ của nó đã 10 giờ 5 phút, nó vừa muốn vặn cây kim trở lại cho đúng 10 giờ, rồi nó lại nghĩ rằng: « Ủa, mà không chừng hay là đồng-hồ ở Nhà-thờ đi trễ. Có cái chi làm chứng rằng cái đồng-hồ treo trên một tòa nhà lớn đó đi đúng, còn cái đồng hồ nhỏ ở trong túi nhà nghèo nầy đi sai đâu. » Nghĩ như vậy rồi bỏ đồng-hồ vào túi mà nằm không chịu sửa theo đồng-hồ lớn.

Thằng Được vừa mới nằm một lác thì lại nghe có tiếng kèn thổi nho nhỏ phía trước đầu nó.

Nó lồm cồm ngồi dậy ngó coi thì thấy có một đứa con trai mặc quần đen đương ngồi trên một cái băng gần đó lấy tay bụm miệng mà sao lại nghe ra tiếng kèn thổi. Nó lấy làm kỳ bèn ngồi mà nghe một hồi thì tiếng kèn lảnh lót mà nhiệp nhàn lại chắc lắm. Nó bèn xách hai cây đờn đi lại cái băng đó đứng mà nghe cho tường tận. Nó thấy thằng con trai ấy vóc vạt to lớn, tay cầm một lá cây mà thổi chớ không phải là kèn. Nó để hai cây đờn dưới đất rồi ngồi mà nghe, tính làm quen đặng hỏi thữ coi vì phép nào có một lá cây mà thổi ra hơi kèn được. Thằng con trai ấy cứ ngồi thổi hoài không thèm nói tới nó. Nó tức giận mà cũng muốn khoe nghề nên lấy cây kìm mà đờn theo, rồi hai đứa hòa với nhau luôn cho hết hai bản mới chịu nghĩ. Có hai thầy thông ngồi hai cái xe-kéo chạy ngang thấy hai đứa hòa với nhau thì thích ý lắm nên ngừng lại mà nghe, chừng chúng nó dứt rồi hai thầy mới khen chúng nó và cho mỗi đứa một cắt bạc.

Thằng Được mới làm quen với thằng nọ, hỏi cách thế làm sao mà thổi lá cây ra tiếng kèn được, lần lần rồi mới hỏi tới tên họ nhà cữa. Thằng nọ thì nói ngọng nên nói khó nghe một chút, song nó cũng ráng cắc nghĩa cách thổi kèn cho thằng Được nghe. Nó lại nói nó tên Bĩ, 16 tuổi, gốc ở Bình-Định. Khi nó vừa được 10 tuổi thì cha mẹ chết hết, chú nó mới đem nó về nhà mà nuôi. Ở gần nhà chú nó có một người đờn hay thấy nó nói ngọng thì thương nên ra công dạy nó học đờn. Chừng nó được 12 tuổi nó biết cây đờn cò rồi, chú nó mới chở hết vợ con đem vào Saigon ở mà làm mướn. Mấy đứa con của chú nó đều khôn lớn hết mà không có chút lòng nào yêu thương nó, nên cứ theo xéo xắc dọi đầu bạt tai nó hoài. Nó tưởng vào Saigon làm ăn nghề gì, chẳng dè chú nó tới Saigon mướn một căn phố là ở phía trong cầu Rạch-Bần mà ở, rồi dạy mấy đứa con và dạy nó cách móc túi thiên hạ mà lấy tiền. Mỗi ngày nó phải đi với mấy đứa con của chú nó ra chợ Bến-thành rồi xẩn bẩn trong chợ hoặc mấy nhà giấy xe-lửa rình mà móc túi. Nó có tánh nhát, sợ móc túi họ bắt được họ đánh rồi họ đem đến bót phải ở tù, nên bữa nào nó đi tay không về cũng tay không hoài. Chú nó đánh khảo và bỏ đói mà nó cũng không chịu làm cái nghề hiểm nghèo và nhơ-nhuốt ấy. Nhưng vậy mà nó cũng muốn làm cho vừa lòng chú nó, nên bữa nọ nó ra nhà giấy xe-lửa Mytho nó thấy có một cái gói với một cây đờn cò để dựa vách tường mà không có ai coi chừng hết; nó cà rà một hồi rồi lén núm cây đờn cò mà đi. Nó nhờ cây đờn ấy và nhờ biết thổi kèn lá nên nó kéo đờn thổi kèn cho họ nghe mà xin tiền. Mỗi ngày nó kiếm được đôi ba cắt đem hết về cho chú nó thì khỏi bị đòn, còn bữa nào năm bảy su thì phải bị ít nữa cũng vài bạt tai. Cách ba bữa trước, lúc 8 giờ tối, nó mắc đi ra cầu Rạch-Bần ngồi chơi, ở nhà lính-kín đến vây nhà rồi bắt chú thiếm nó và mấy đứa con dắc hết đi xuống bót. Chừng nó trở về thấy đương lụi hụi trước nhà nó sợ bị bắt luôn nên ẩn mặt. Hồi chiều nó đi hỏi thăm thì họ nói Tòa đã giam hết hai vợ chồng và mấy đứa con đợi tra xét xong xuôi rồi sẽ xữ tội. Hổm nay nó lưu linh chớ không dám léo về nhà, nó bỏ cây đờn cò trong nhà mà cũng không dám trở về mà lấy.

Thằng Được thân đã lao-đao lận-đận, mà gặp thằng Bĩ nầy thân cũng chẳng sung-sướng gì hơn thân nó, bỡi vậy cho nên nghe hết đầu đuôi rồi thì trong lòng cảm động vô cùng. Nó kể hết chuyện của nó cho thằng Bĩ nghe rồi hai đứa nằm chung trên cái băng mà ngủ.

Trời hừng sáng thiên-hạ kẻ lại người qua nói chuyện om-sòm. Thằng Được dực mình thức dậy thấy thằng Bĩ còn ngủ ngáy pho-pho, bèn lấy tay lúc-lắc đầu nó mà kêu nó dậy. Nó thấy thằng Bĩ ngồi sật-sừ nó tức cười rồi hỏi rằng:

— Mầy ngủ từ hồi hôm đến bây giờ chưa đã thèm sao mậy?

— Tao ưa ngủ lắm. Mà mầy kêu tao thức dậy làm giống gì bây giờ?

— Mầy ngủ hoài cơm đâu mầy ăn?

— Vậy chớ thức lại có cơm ăn hay sao mậy?

— Thức đặng lo tính mới có cơm mà ăn chớ.

— Lo giống gì? Vậy chớ thuở nay tao có lo hồi nào đâu mà tao có đói bữa nào. Tao bứt một lá cây tao để vô miệng cũng no bụng cần gì phải lo.

— Mầy ỷ tài quá! Ví như mầy lành mạnh không nói gì thoản như mầy đau ốm bứt một lá cây cũng không nổi thì mầy lấy chi mà làm cho no bụng. Mà ở đời phải lo liệu thế nào dầu không hơn được thì ít nữa cũng phải bằng người ta, chớ mầy tính ăn ngoài chợ ngủ trong vườn hoài như vầy hay sao?

— Tao không cần hơn ai, mà tao cũng không sợ thua ai. Tao muốn có một đều là được thong thả tấm thân thì thôi.

Thằng Được liếc ngó thằng Bỉ một hồi rồi nói tiếp rằng:

— Nảy giờ nói chuyện tao biết tánh mầy ưa tự-do. Tánh ấy hiệp với tánh tao lắm. Mà tao coi bộ tướng mầy cũng là một đứa trung hậu. Mầy không cha, không mẹ, không anh không em, tao đây cũng tròi trọi một thân không biết ai mà nhờ cậy. Tao muốn hai đứa mình kết làm anh em nương đỡ diều dắc nhau mà ở đời, không biết mầy có chịu hay không?

— Được lắm chớ.

— Mầy mắc có chú mầy đó thì làm sao mà đi với nhau cho được?

— Hại gì! Tao trốn luôn, tao không dám theo chú nữa đâu.

— Nếu vậy thì được. Thôi, để tao tính với mầy như vầy: không biết mầy có tiền bạc chi hay không, chớ thiệt tao có một cắt mà thôi, nhờ hai thầy hồi hôm cho một cắt nữa là 2 cắt. Hai đứa mình ăn cơm một ngày nữa thì tiêu hết. Vậy tao muốn hai đứa mình đi dài theo mấy dảy phố có mấy thầy ở mình đờn cho họ nghe đặng kiếm tiền mà nuôi nhau. Mầy thổi kèn lá hay, mà lại biết đờn cò. Tao biết đờn hai ba thứ mà lại biết ca. Nếu hai đứa mình hiệp nhau mà đờn ca hoặc thổi kèn kiếm tiền thì dễ lắm.

— Ừ, được.

— Tao còn lo một đều....

— Lo giống gì?

— Ăn cơm thì mình vào quán ăn quấy quá cũng xong, còn chỗ ngủ không biết tính làm sao....

— Vậy chớ cái vườn nầy để chi đó. Nếu thiên-hạ có áp vô giành chật chỗ hết thì còn sở vườn thú nữa chi. Nói cùng mà nghe như vườn thú có chật nữa thì mình lên trên trường đua, hoặc vô trong lăng ông Thượng cũng được, cần gì phải lo cho mệt.

Thằng Được nghe nói miệng chúm-chím cười rồi hai đứa đứng dậy, mỗi đứa xách một cây đờn, nắm tay nhau mà dắc đi xuống chợ. Lại tới nhà giấy xe-lửa nhỏ thằng Bĩ lấy cây đờn cò lên dây rồi ngồi đờn vài bản. Thằng Được đứng nghe ngón thì tươi song nhiệp không được chắc, tuy vậy mà nó cũng lấy làm vừa ý lắm, tính dạy giùm cho thằng Bĩ trúng nhiệp thì ngón đờn của nó đó chắc cũng ít ai bằng.

Hai đứa nó dắc nhau đi rảo khắp Saigon mà đờn ca. Mấy thầy mấy cô giành nhau mà rước, người cho ăn cơm, kẻ cho ngủ đậu, mà ai ai cũng cho tiền, không có đêm nào mà hai đứa nó không kiếm được một đồng bạc, mấy đêm thứ bảy lại kiếm tới hai ba đồng. Tiền kiếm được bao nhiêu thì thằng Bĩ biểu thằng Được cất lấy, chớ nó không thèm giữ. Thằng Được thấy tiền dư nhiều mới đặt may mỗi đứa một cái áo bành-tô vàng với một cái quần vãi đen, và mua cho thằng Bĩ một cái nón trắng đặng nó đội cho giống cái nón của mình.

Bữa nọ có một thầy thông làm việc tại Tòa-án rước chúng nó đến đờn chơi. Thằng Bĩ thừa dịp hỏi thăm mới hay chú thiếm nó với mấy đứa con đã bị Tòa kêu án 6 tháng tù và trong án có định cấm không cho ở Nam-kỳ nữa. — Bước qua đầu tháng chạp thằng Được đếm thử thì trong lưng nó đã có hơn 40 đồng bạc. Bữa nọ hai đứa nó ngủ đậu trước hàng tư nhà thầy thông ở đường Bạc-hà, thằng Được mới nói với thằng Bĩ rằng ở Saigon thiệt là vui mà lại dễ kiếm tiền, song nó nhớ má nuôi nó với con Liên lung quá, nên nó muốn về chợ Mỷ-lợi thăm má nuôi nó ít ngày rồi đi Cần-thơ kiếm con Liên. Thằng Bĩ nghe nói lấy làm mừng vì nó muốn đi xuống dưới mấy tĩnh ở đặng cho biết ruộng vườn chơi, song nó khuyên thằng Được ở nán ít ngày đợi lối rầm tháng chạp sẽ đi, đặng về Mỷ-lợi ở ăn Tết luôn thể. Thằng Được bằng lòng ở Saigon thêm vài tuần nữa. Đúng ngày 16 tháng chạp hai đứa nó mới dắc nhau mà đi, trong lưng thằng Được có 43 đồng bạc. Chúng nó đi xe-lửa xuống Phú-lâm cho thằng Được trả đồng bạc lại cho thầy xếp-ga.

Vợ chồng thầy xếp-ga thấy thằng Được mừng rở vô cùng; nó trả đồng bạc thầy không chịu lấy, mà lại cầm nó ở lại chơi với thầy ít bữa. Ăn cơm rồi nó thì đờn, còn thằng Bĩ thì thổi kèn cho thầy nghe chơi. Thằng Được nhơn lúc ấy mới dắc thằng Bĩ ra thăm mộ thầy Đàng. Nó ngồi khóc kể nghe thảm thiết, làm cho thằng Bĩ là một đứa khờ khạo ngọng liệu mà nó cũng phải động lòng rưng rưng nước mắt.

Qua ngày 18 hai đứa nó muốn từ mà đi. Vợ thầy xếp-ga không cho, nói ngày 18 là ngày xấu, nên hai đứa nó ở nán lại một bữa nữa. Khuya 19 vợ thầy xếp-ga nấu cho hai đứa nó một nồi cơm ăn rồi trời hừng sáng chúng nó mới lấy hai cây đờn, cái hoa-ly và cây dù mà đi trở lên Cholon đặng đi ngả Cần-Giuộc mà xuống Cầu-nổi.

Mặt trời mọc lên cao vừa được vài sào thì hai đứa nhỏ đã qua khỏi Xóm-Củi rồi hỏi thăm đường Cần-Giuộc mà đi. Thằng Bĩ mạnh mẻ nên lảnh xách cái hoa-ly với cây đờn cò, còn thằng Được ốm yếu nên xách cây đờn kìm với cây dù. Mặt trời càng lên cao nắng càng thêm gắt. Thằng Được giương cây dù ra rồi biểu thằng Bĩ đi khích một bên nó đặng núp bóng dù.

Thằng Bĩ lắc đầu mà nói rằng: « Tao không sợ nắng đâu. Mầy che dù một mình mầy cho dễ, để tao đi ngoài nắng cho thong thả. » Nói như vậy rồi thấy thằng Được ôm cây đờn kìm kình càn nên che dù bất tiện, nó lại đổi cho thằng Được xách cây đờn cò cho nhẹ. Thằng Được sợ bắt nó xách hết đồ nặng thì tội nghiệp cho nó nên dục dặc không muốn đổi mà nó không chịu, cứ giành ôm cây đờn kìm cho thằng Được hoài.

Vã thằng Bĩ tuy mạnh mẻ và lớn hơn thằng Được hai tuổi, song trí nó tối tâm, mà tánh nó cũng thiệt thà hơn, bỡi vậy cho nên mấy tháng nay hai đứa nó kết làm anh em với nhau thì thằng Bĩ thường kính nhường thằng Được luôn luôn, thằng Được muốn việc nào thì nó làm theo việc nấy, chẳng hề khi nào nó cải lẩy bao giờ. Đã vậy mà nó thấy thằng Được nhỏ nhít nó lại thương, nên mọi việc cực nhọc như giặt áo, giặt quần, mua cơm, xách đờn, nó giành mà làm hết thảy, thậm chí ban đêm ngủ đậu nơi nhà người ta nếu có một bộ ván thì nó để cho thằng Được nằm phía trong, nếu có một cái ghế bố thì nó cũng để cho thằng Được nằm, còn nó nằm dưới đất. Thằng Được biết tánh nó trung hậu, mà lại thấy bụng nó ở như vậy nữa thì thương nó vô cùng, bỡi vậy cho nên tuy trong hai đứa thì thằng Được làm đầu, nhưng mà nó chẳng hề ỷ thế mà hún hiếp.

Hai đứa hễ đi được một khúc xa xa gặp bóng cây mát thì ngồi mà nghỉ chơn. Ngó chung quanh đồng thì lúa chín đỏ lòm, có chỗ gặt rồi buội ngã ngữa buội ngã nghiêng, có chỗ chưa gặt bông lúa cong vòng gió thổi lung-lay dường như đợi trông chủ ruộng. Có chỗ lại lao-nhao lố-nhố kẻ gặt người mót, dựa bờ có người che dù ngồi coi chừng, tuồng như sợ người ta ăn tươi nuốc sống hết đám lúa của mình. Một lát nghe tiếng kèn te-te rồi thấy có một cái xe hơi chở đầy vập người ta ở đàng xa chạy tới. Thằng Được lật đật sập dù đứng dậy nói rằng:

— Úy! may dữ! Để kêu xe hơi ngừng lại mình đi cho mau.

Thằng Bĩ nắm áo kéo ngồi xuống mà nói rằng:

— Đi xe hơi làm gì tốn tiền vô ích.

— Mình thiếu gì tiền mà sợ mậy?

— Dầu có tiền nhiều lại xài việc vô ích như vậy sao?

— Đi xe hơi khỏe cẳn, chớ sao mà vô ích.

— Phải, ngồi trên đó thì khỏe cẳn, mà tao sợ bể đầu.

— Mầy nhát quá!

— Không phải nhát.

Hai đứa đương cải với nhau thì xe-hơi đã chạy tới rồi chạy tuốc. Thằng Được mắt ngó theo còn bụng thì tiếc nên lầm bầm nói rằng:

— Mầy bậy quá! Xe chạy tuốc rồi còn gì.

— Nó chạy đi đâu thì chạy chớ. Mầy biết tại sao mà tao không chịu đi xe-hơi hay không?

— Không.

— Tại xe hơi là đồ của nhà giàu dùng, nên tao nhứt định không thèm ngồi trên đó.

— Sao mà mầy ghét nhà giàu dữ vậy?

— Tại họ đã không biết thương mà họ còn muốn hại con nhà nghèo như mình vậy chớ sao.

Thằng Được lặn thinh không hỏi nữa mà bộ suy nghĩ lung lắm, rồi hai đứa mới xách đồ mà đi. Đi dọc đường thằng Được nhắc tới chuyện má nuôi nó với con Liên thì nó nói nhiều tiếng yêu thương triếu mến lắm. Thằng Bĩ mới nói rằng: « Mầy tuy không có cha mẹ mà mầy còn có người thương mầy, thảm cho thân tao cha mẹ chết hết rồi, bây giờ trên thế-gian nầy chẳng có ai thương tao nữa hết ». Thằng Được nghe lời than như vậy thì động lòng nên ứa nước mắt, đi khích lại che dù cho thằng Bỉ rồi đáp rằng: « Còn tao đây chi. » Thằng Bỉ day lại ngó thấy cập mắt ướt rược thì cũng động lòng nên để đồ dựa lộ, rồi hai đứa ngồi núp bóng cây dù, lặn thinh không nói một tiếng mà trong lòng dan-diếu với nhau không xiết kể.

Ngồi một hồi rồi thằng Bỉ mới hỏi rằng: « Mầy nói mầy thương má nuôi mầy với con Liên, mà sao về thăm mầy không tính mua vật gì đem về mà cho? »

Thằng Được nghe hỏi như vậy liền ngước mặt lên mà đáp rằng: « Mầy nói phải lắm. Tao về thăm, tao phải mua đồ đem về mà cho mới phải. Tiền mình thiếu gì, như hết mình kiếm cái khác, sợ gì. Mà mua vật gì? »

— Mua bánh trái hay là áo quần, mua vật gì thì mầy liệu lấy chớ tao có biết đâu.

— Má tao ít ưa ăn bánh lắm. Thôi, để mua một cái quần lảnh với một cái áo xuyến bông đặng má tao bận đi xóm chắc là má tao mừng lắm. Ý! mà không được. Má tao có đời nào đi chơi mà bận áo quần tốt. Nếu tao mua thì để mụt chớ không ích gì, mà lại sợ ăn trộm lấy nữa, không thì ông già nuôi tao ổng cũng bán đặng ổng nhậu rượu. Để tao nhớ coi hồi trước má tao ưa những vật gì. Ừ phải! Má tao ưa nuôi heo lắm. Tao nhớ hồi trước má tao có nuôi một con heo quắn, tía tao bắt bán cho họ làm thịt má tao tiếc nên khóc hoài. Thôi, để tao mua cho má tao một con heo khác cũng giống như con heo quắn đó cho má tao nuôi, chắc má tao chịu lắm. Cha chả! mà không xong đâu mầy.

— Sao mà không xong?

— Con heo quắn hồi trước tía tao bán tới 28 đồng bạc. Nếu mình mua con khác giống như vậy mà cho thì hết tiền còn gì.

— Hết thì mình kiếm cái khác.

— Có kiếm thì phải trở lên Saigon, chớ ở dưới ruộng mà kiếm giống gì được.

— Bây giờ mình có tới 43 đồng, nếu mình mua con heo hết 28 đồng thì mình còn 15 đồng, chớ sao mà hết đi.

— Phải để dành tiền đặng đi Cần-thơ thăm con Liên nữa chớ.

— Ví như có hết thì mình đi dọc đường mình đờn ca mình kiếm tiền mà đi. Mầy sợ kỳ quá!

Thằng Được không nói nữa, rồi hai đứa xách đồ đi lần lần tới chợ Cần-giuộc thì mặt trời đã đứng bóng. Thằng Được móc túi lấy đồng hồ ra coi thì đã 12 giờ 8 phút. Hai đứa đói bụng nên dắc nhau vào quán ăn cơm, thấy cái đồng hồ lớn treo giữa quán kim chĩ 12 giờ rưởi thì thằng Được trề môi mà nói rằng: « Lớn đó vậy mà đi bậy, có bằng nhỏ của tao đây đâu ».

Hai đứa ăn cơm rồi mới dắc nhau đi vòng theo mấy nẻo đường coi chơi cho biết chợ Cần-giuộc. Gần Tết mấy tiệm buôn bán chưng hàng hóa hực hở, nào tượng liển, nào bông giấy, nào chơn đèn, quả tữ, nào bình phong lục bình, nào quần đỏ áo xanh, nào pháo, nào nhan, nào cam hồng, dưa chuối, chẳng thiếu vật chi hết. Thằng Được thấy một tiệm có treo khăn trắng, khăn đen, khăn bông-hường để cho đàn-bà con gái đội, thứ nào coi cũng đẹp. Nó đứng trầm trồ chỉ cho thằng Bĩ coi rồi vô lựa mua một cái khăn màu bông hường với một cái khăn trắng, tính để cái khăn trắng cho má nó, còn cái khăn bông-hường thì cho con Liên. Chị chủ tiệm thách giá mỗi cái 2 đồng. Hai đứa nó ke re trả tới trả lui đến một đồng bảy một cái họ mới chịu bán. Thằng Được mở hoa-ly bỏ hai cái khăn vô rồi mới dắc nhau mà đi.

Chẳng biết đường bao xa, hai đứa nó thẩn-thơ, khỏe thì đi, mệt ngồi nghĩ, đi đến 5 giờ chiều mới xuống tới chợ Trạm. Thằng Được hỏi thăm thì họ nói từ đó xuống Cần-đước còn xa, đi tới tối sợ cũng chưa tới. Hai đứa nó tính với nhau rồi mới đem đồ vô nhà việc làng mà gởi và xin với người coi nhà việc cho ngủ đậu một đêm chờ sáng ngày mai sẽ đi. Gởi đồ rồi dắc nhau đi chơi. Đến tối hai đứa nó chưa đói bụng nên không ăn cơm, mỗi đứa ăn một tô mì rồi trở vô nhà việc tính ngủ cho sớm đặng khuya thức dậy sớm mà đi cho mát.

Người coi nhà việc thấy có hai cây đờn bèn hỏi coi hai đứa nó biết đờn hay không mà xách đờn đi đâu như vậy. Hai đứa nó nói biết, người ấy mới biểu đờn ít chập nghe chơi, Hai đứa nó thấy người ta cho mình ngủ đậu, không lẽ mình không tỏ lòng cám ơn người ta, nên ngồi lại lên dây rồi Bĩ cầm đờn cò, Được ôm đờn kìm, hòa với nhau nghe thâm trầm lắm. Cả chợ người lớn trẻ nhỏ đều tựu lại trước nhà việc mà nghe chật nức. Thầy giáo dạy tại đó, ham đờn kìm mà mới học quẹt quẹt, nghe tiếng đờn vợ chồng cũng dắc nhau lại đó đứng mà nghe.

Hai vợ chồng thầy giáo thấy hai đứa nhỏ mà đờn tươi thì trầm trồ khen hoài; chừng chúng nó nghỉ thầy bèn bước lại hỏi thăm rồi bèn rước chúng nó về nhà đờn chơi, lại biểu đem hết đồ đạt lại nhà thầy mà ngủ luôn thể. Lại nhà thầy giáo thằng Được lại còn trổ tài ca và thằng Bĩ trỗ tài thổi kèn ai nấy đi theo mà nghe thảy đều đẹp dạ. Thím giáo hối trẻ bắt gà làm thịt nấu cháo đặng khuya cho hai đứa nó giải lao. Hai đứa nó đờn đến 12 giờ khuya ăn cháo rồi mới ngủ.

Thằng Được đã tính khuya thức dậy đi cho sớm đặng khỏi nắng, mà bị ngày trước đi xa mệt mỏi, rồi lại bị thức đờn chơi nữa, bỡi vậy cho nên hai đứa ngủ quên sáng ngày sau đến 7 giờ mới thức dậy. Thằng Được đương ngồi trước cữa bưng tô nước súc miệng rửa mặt, bổng thấy trước căn phố ngang nhà thầy giáo có một con heo đen ột ệt đi lại đi qua, cũng lan mỏ, đuôi cũng bỏ qua phía tay mặt, giống hịch con heo quắn của ba Thời nuôi hồi trước vậy. Nó kêu thằng Bĩ mà chỉ con heo cho thằng Bĩ coi, rồi đứng trầm trồ hoài bụng muốn mua dắc về Mỹ-lợi mà cho má nó lắm.

Hai đứa nó đương bàn tính với nhau, thím giáo bước ra không rõ việc gì mới hỏi: « Hai em nói giống gì đó? Khoan đi đã; để qua mua đồ dọn ăn rồi sẽ đi. »

Thằng Được chỉ con heo mà hỏi thím giáo rằng:

— Thưa thím không biết con heo đó của ai vậy thím há?

— Heo của thím Chảnh đa.

— Không biết mình mua họ bán hay không thím?

— Thím Chảnh thím tính Tết nầy thím làm hàng đa. Nếu mình mua đúng giá thì thím bán, chớ để làm chi. Thím nuôi con heo thím tập nó dạn quá. Sấp con thím nó cột dây rồi dắc đi chơi tối ngày, dắc đi đâu cũng được, con heo khôn dữ lắm. Mà hai em muốn mua hay sao mà hỏi?

— Dạ, em muốn mua.

— Hai em mua làm gì?

— Dạ, mua đặng dắc về chợ Cầu-nổi mà cho má em nuôi.

— Hai em có tiền nhiều lắm hay sao mà tính mua con heo lớn như vậy?

— Không biết giá con heo đó chừng bao nhiêu thím há?

Hôm trước các chú cạo heo trên Cần-giuộc họ trả 29 đồng mà thím Chảnh thím dục dặc không chịu bán đó đa.

— Nếu mình trả 30 đồng khi họ chịu bán thím há?

— Ờ, nếu 30 chắc họ bán.

— Vậy xin thím làm ơn trả mua giùm cho em. Cha chả? Mà không biết mua rồi dắc nó đi được hay không? Chớ nếu phải khiêng, thì hai đứa tôi khiêng sao cho nổi.

— Được, con heo nầy dạn lắm, dắc đi thủng thẳng thì được, không cần gì phải khiêng.

— Vậy xin thím trả rồi mua giùm cho em.

Thím giáo qua hỏi thì thím Chảnh đòi 32 đồng, phải trả dục dặc một giây lâu mới chịu dức giá 30 đồng. Thím về nói lại cho hai đứa nó hay. Thằng Được lật đật đếm 30 đồng bạc đưa cho thím giáo rồi dắc nhau qua bắt con heo.

Thằng Được mua được con heo thì trong lòng mừng rỡ vô cùng. Nó mua một sợi dây dừa mà cột ngang nách con heo đặng có dắc đi cho dễ. Đem về cột trước nhà thầy giáo thì nó rờ rẩm hoài. Con heo thiệt là dạn, hễ gải thì nó nằm ngay, không cục cựa chi hết. Vợ chồng thầy giáo dọn cơm cho hai đứa nó ăn xong rồi, hai đứa nó mới từ giả mà dắc con heo đi. Thằng Được nắm dây đi trước, còn thằng Bĩ thì đi theo sau mà coi chừng hễ con heo có dục-dặc thì nó la chừng đặng đi cho mau. Thằng Được lấy làm đắc ý vô cùng, bỡi vậy hễ đi ít bước thì ngoái lại ngó con heo mà nói rằng: « Đi, ráng đi nghe hôn em quắn. Đi về chợ Mỷ-lợi với qua.... Bĩ ơi, hồi tao ở nhà má tao, tao ra đi với thầy tao thì tao có nói rằng chừng tao lớn khôn tao sẽ làm mà nuôi má tao. Nay tuy tao chưa lớn mà tao đã có thế cho má tao được một con heo như vầy thì tao đã khoái trong lòng rồi. Để rồi sau mầy coi, chừng tao làm giàu lớn thì tao sẽ làm cho má tao sung sướng lắm.... Chắc tao về đây má tao vui lắm. »

Thằng Được nói dứt lời rồi lại cất dọng lên mà ca hát om sòm. Thằng Bĩ thấy vậy cũng vui nên tiếp ca theo mà vì nó nói ngọng nên nó ca thì thằng Được cười ngã nghiêng ngã ngữa. Hai đứa vừa đi vừa giỡn, mà lại bị con heo dục dặc nên đi không mau. Giỡn đã thèm rồi thằng Được lại nói rằng: « Tao về thăm má tao thì tao vui thiệt, mà tao nhớ tới tía tao thì tao buồn quá. Tạo vái ông Địa về đừng có tía tao ở nhà thì tao sẽ cúng một nải chuối. »

Năm giờ chiều, hai đứa nó mới xuống tới chợ Cần-đước. Thằng Được tính ghé lại đó trước là kiếm cơm ăn và kiếm cám cho con heo ăn, sau nữa thăm vợ chồng cô ba Sự và cho cô hay việc thầy Đàng chẳng may phải bỏ mạng nơi đất khách. Nó lại nghĩ thầm rằng vì bị mua khăn, mua heo nên trong lưng bây giờ còn có 9 đồng bạc, vậy đêm nay ở tại chợ Cần-đước cũng nên đờn ca kiếm tiền thêm chút đỉnh nữa chơi.

Tính như vậy nên vừa vô tới chợ nó mới biểu thằng Bĩ đưa cây đờn kìm cho nó ôm rồi bứt lá cây mà thổi kèn đặng cho người ta hay hoặc may tối người ta có rước đến đờn cho họ nghe. Thằng Bĩ nghe lời thổi kèn om-sòm. Sấp nhỏ đứa chơi ngoài đường, đứa đứng trong cữa, nghe tiếng kèn thì dòm ngó, chừng thấy hai đứa nó xách đồ kình càng mà lại còn dắc theo một con heo thì lấy làm kỳ nên áp chạy theo la om-sòm rằng: « Á! họ hát heo bây à! ngộ quá! ngộ quá! » Con heo thấy sấp nhỏ chạy rần-rần mà lại la van-rân thì kinh hải nên vụt chạy. Thằng Được tình cờ nắm mối dây không chắc nên con heo sút chạy tuốc. Thằng Được với thằng Bĩ chạy theo, sấp nhỏ thấy vậy càng vổ tay la lớn hơn nữa. Con heo chun tuốc vô tiệm bán hàng xén đụng mấy chồng tộ chén để dưới đất ngã bể hết bộn.

Hai đứa nó chạy tới áp vô tiệm nắm dây dắc con heo ra. Chủ tiệm cản lại, biểu phải thường tộ chén bể rồi mới được dắc con heo đi.

Lúc hai đàng dan ca với nhau, sấp nhỏ ở chợ càng tựu tới đông hơn nữa. Lính gát chợ thấy vậy không biết chuyện gì, lật đật chạy lại vẹt sấp nhỏ bước vô tiệm mà hỏi. Chủ tiệm chỉ đồ bể cho chú lính coi rồi xin chú dạy hai đứa nó phải bồi thường hư hại. Chú lính thấy hai đứa nó lạ mà lại có dắc con heo thì lấy làm kỳ nên bắt đem về quận cho quan Chủ-quận tra vấn. Quan Chủ-quận hỏi thì thằng Được thưa hết sự tình, nói rằng nó mua con heo của thím Chảnh ở chợ Trạm có hai vợ chồng thầy giáo ngó thấy và nó tính dắc về Mỷ-lợi mà cho má nó nuôi; nó ghé Cần-đước là vì muốn thăm cô ba Sự, rủi con heo làm bể đồ của người ta thì nó cũng chịu thường, chớ không dám cải.

Quan Chủ-quận cho đòi ba Sự đến nhìn coi có quen với hai đứa đó hay không và sai lính cởi ngựa lên chợ Trạm mà hỏi thím Chảnh với vợ thầy giáo coi thiệt hai đứa nó mua con heo ấy hay là bắt trộm của người ta. Ba Sự đến quận thấy thằng Được liền hỏi: « Ủa! mấy năm nay anh hai tao ở đâu? Sao mầy lại về đây? Còn anh hai tao bây giờ ở đâu? » Thằng Được nghe hỏi thì buồn nghiến nên đáp nho nhỏ rằng:

— Thầy chết rồi.

— Húy! chết hồi nào?

— Chết đã 3 tháng nay.

Ba Sự nghe nói tới đó liền la khóc om-sòm làm cho thằng Được động lòng cũng khóc theo, còn ông Quận ngồi ngó trân trân không biết chi hết. Ba Sự hỏi thằng Được vì làm sao mà bị bắt. Thằng Được thuật sơ chuyện heo làm bể tộ chén. Ba Sự mới xin ông Quận cho phép chị ta lãnh hai đứa nó về mà hỏi thăm chuyện riêng của anh. Thằng Được lấy ra một đồng bạc mà xin thường đồ bể cho chủ tiệm. Ông Quận đòi chủ tiệm vô thì chủ tiệm nói đồ bể giá đáng một đồng hai, mà vì sự rủi ro nên bằng lòng lấy một đồng không đòi thêm làm chi nữa.

Hai đứa mới xách đồ và dắc con heo đi theo ba Sự mà về nhà. Thằng Được thuật hết đầu đuôi mọi việc từ ngày thầy nó ở Cần-đước đi ra cho đến ngày chết cho Phan-hảo-Tâm với ba Sự nghe. Vợ chồng Hảo-Tâm nghe anh gặp hoạn nạn cho đến ngày chết mà cũng không ấm thân thì tức tửi trong lòng nên khóc kể thảm thiết: « Trời ôi! người có văn học, biết xa lánh cái đường cong nẻo vạy, đặng giữ lấy chút thanh-liêm, quyết chừa cai những bại tục phong đồi đặng tập tành nam-nhi khẳn khái, người vậy mà trời chẳng biết thương, bắt thân phải lăn buội vùi tro, xô thân cho mưa sa gió táp, khiến cho đến giờ nhắm mắt cũng không thấy được quê quán, gặp anh em, trời ôi, trời làm như thế thì còn ai dám giữ bụng thanh liêm, còn ai dám gìn lòng chánh trực? Ví dầu trong 10 năm anh tôi có quyền có thế mà có bức thiết hiếp đáp người ta đi nữa thì mười mấy năm sau chịu nghèo chịu cực đó há chuộc tội chẳng rồi sao? »

Ba Sự muốn sai đưa ở lên nhà báo tin cho vợ thầy Đàng hay, mà chồng không cho lại nói rằng: « Chị đó mà kể gì ai! Chớ chi mà chỉ biết tam tùng tứ đức thì anh hai có đâu ra thân thể như vậy. Nay có cho chỉ hay thì bất quá chỉ làm bộ khóc nhếu nháo đặng che miệng thế-gian, chớ chỉ có tình có nghĩa gì đó mà cho hay ».

Tên lính ông Quận sai đi chợ Trạm về nói rằng thiệt thím giáo có mua con heo của thím Chảnh giùm cho thằng Được, nên sáng ngày ông Quận cho đòi hai đứa ra rồi nói rằng: « Tao đã có cho lính đi dọ thì thiệt là heo của bây mua, vậy thì bây thong thả muốn đi đâu tự ý. Mà bây giờ bây tính đi đâu? » Thằng Được thưa rằng: « Bẩm ông, hai đứa tôi đi về chọ Mỷ-lợi ». Ông Quận nói: « Bộ tướng bây đã dị kỳ mà lại còn dắc một con heo đi, ai thấy cũng phải nghi. Nay bây tính đi qua tĩnh khác, vậy để tao cho một cái giấy đặng bây cầm mà đi khỏi ai nghi ngờ nữa. »

Ông Quận viết một cái giấy chứng rằng con heo đó là heo của hai đứa nó mua trên chợ Trạm, ký tên đóng con dấu rồi mới trao cho thằng Được cầm. Hai đứa nó thường nghe nói mấy ông quan hay lấy nước lả mà khuấy ra hồ, mà thấy ông Quận nầy lại tử-tế như vậy thì lấy làm kỳ mà có ý mến thầm nên vòng tay cuối đầu xá hai ba xá rồi lui ra.

Ra đường thằng Bĩ cười mà nói với thằng Được rằng:

— Mầy tính ghé Cần-đước kiếm tiền té ra không kiếm được thêm mà lại tốn của mình hết một đồng bạc.

— Mầy đừng có tiếc. May lắm đa mầy. Hồi bị lính bắt tao tưởng 9 đồng bạc với con heo tiêu hết kìa chớ.

Trở về nhà ba Sự thằng Được mới giao hoa-ly với cây dù của thầy Đàng lại cho ba Sự, còn cái đồng hồ với mấy cây đờn thì nó xin đặng để làm dấu tích, thấy đồ đó cũng như thấy thầy. Đến trưa nước lớn đầy có người ở lối xóm chèo ghe qua chợ Mỷ-lợi mà thăm bà con. Thằng Được hỏi xin cho quá giang. Người ấy chịu, nó mới cậy họ khiêng giùm con heo bỏ xuống ghe rồi từ giả vợ chồng Hảo-Tâm ôm mấy cây đờn mà qua sông Bao-Ngược.

Lối 5 giờ chiều, gió thổi hiu hiu, hai hàng dương trồng hai bên đường từ chợ Mỷ-lợi vô Gò-công nhánh oặc hòa oặc hoại dường như ngoắc khách qua đường tỏ niềm tâm sự, hay là hỏi người lạ mặt coi bươn bả đi đâu? Ai hữu tình háo cảnh đến lúc ấy mà đi qua khúc đường đó thì cũng đều cám cảnh mà hớn hở trong lòng. Thằng Bĩ tuy là đứa ngọng liệu lờ khờ mà nó đi đến đó nó cũng vui thầm nên miệng thì ngậm một lá cây mà thổi tò le, tay ôm cây đờn kìm cũng khải tồn-tên, còn hai chưn thì nhảy lăn ba làm cho con heo thằng Được dắc đi trước dực mình nên chạy lom xom không dám dục-dặc.

Thằng Được hồi qua tới chợ Mỷ-lợi nó hỏi thăm thì họ nói tía nó đã bỏ vợ mà đi mất mấy năm nay, nên trong lòng nó mầng thầm, lật đật đi riết về Xóm-Tre đặng mẫu tử đoàn viên mà kể hết những lúc gian truân, những hồi thương nhớ. Nó lầm luổi mà đi, trong bụng tính thầm coi phãi liệu thế nào mà dắc con heo vô nhà má đừng ngó thấy rồi thình lình con heo kêu ột ột cho má dực mình chơi. Nó đương suy tới nghĩ lui rồi lại châm mắt mà ngó vào Xóm-Tre coi nhà má nó ở chỗ nào, bổng nghe thằng Bĩ đi sau thổi kèn khảy đờn, nó day lại bắt tức cười rồi kêu mà chỉ rằng: « Bĩ, kia kìa, nhà má tao đó, thấy hôn? Đó, cái nhà ở đầu xóm, phía ngoài ló nóc mình ngó thấy đó đa. » Hai đứa cúi xuống khỏi nhánh dương mà dòm rồi cười với nhau cấm cắc như đứa điên với đứa khùng trửng giỡn.

Đi tới đầu bờ nhỏ vô xóm, thằng Được khắp khởi trong lòng đi không vửng bước, mà lại hai con mắt cứ châm chỉ ngó chừng nhà hoài không coi dưới chưn, nên lán chán vấp lỗ chưn trâu té lăn cù, văng nón dưới ruộng, mà may cây đờn cò khỏi gãy. Vô gần tới sân nó mới nắm con heo mà ngồi núp dưới bụi cây trâm-bầu, rồi biểu thằng Bĩ đi thẳng vô nhà nói với má nó rằng: « Có một người giàu lớn nghe thím nghèo nên đem bạc tiền đến cho thím, vậy thím phải đi ra mà rước. »

Thằng Bĩ nghe lời đi thẳng vô nhà kêu om sòm mà không nghe tiếng trả lời. Nó đi tuốc vô buồng thấy vắn hoe, đi thẳng xuống bếp rồi trở ra cữa sau cũng không thấy ai hết. Nó lật đật chạy ra sân mà kêu: « Được ơi! Được! không có ai ở nhà hết mầy à! » Thằng Được dắc con heo đi vô trong bụng lấy làm kỳ, không hiểu má nó bỏ nhà mà đi đâu. Nó ngó quanh quất thì thấy cái chuồng vịt cũng còn đó, trong chuồng lại nghe tiếng vịt kêu lạp cạp như năm trước, hồi nó còn ở nhà. Vô nhà nó coi thì đồ đạt cũng như cũ, duy có thêm một cái cối dả gạo với một cái võng mà thôi. Nó ra sau bếp thì thấy có om cơm còn ở trên đầu 3 ông táo, lửa đã tắt mà thang còn ngún nóng hổi.

Nó trở ra thấy thằng Bĩ nằm tòn ten trên võng mà gải con heo nó mới nói rằng: « Chắc là má tao chạy chơi đâu lối xóm đây. Nồi cơm nấu mới vừa chín, chắc là một lát về ăn cơm chớ không lâu đâu. Mầy nằm đó nghe hôn. Để tao trốn; như má tao về có hỏi thì mầy giả đò ngủ đừng thèm nói gì hết ». Thằng Được dắc con heo vô buộc dưới chưn giường rồi trở ra thấy dạng má nó đã vô gần tới sân. Nó lính quính không biết đâu mà trốn cho kịp, bèn núp dựa cữa chờ ba Thời vừa bước vô nó nhảy ra hù một tiếng lớn, ba Thời dực mình la bài hải. Thằng Được ôm ba Thời chặc cứng mà nói rằng: « Con về đây nè, má vui hôn? mừng hôn hử? » Rồi đó lại vổ túi mà nói: « Bây giờ con thiếu gì bạc, má không nghèo cực nữa đâu, đừng lo. »

Ba Thời ôm con và khóc và nói: « Con đi năm sáu năm nay má nhớ con hết sức, mà má cũng lo sợ không biết con mạnh giỏi thể nào. Sao con không mượn người viết thơ rồi gởi thăm má vậy con? » Thằng Được nắm tay ba Thời mà đáp rằng: « Con biết chữ giỏi lắm má à, có nhiều khi con muốn viết thơ mà ngặt không biết làng mình đây là làng gì nên không gởi thơ được.

— Làng Bình-thạnh-đông chớ làng gì?

— Trời ôi! con có biết đâu. Má nói làng nầy là làng Bình-thạnh-đông phải hôn má?

— Ừ.

Hai mẹ con lăng liếu với nhau một hồi, rồi ba Thời day lại thấy thằng Bĩ nằm trên võng không biết nó là ai mới hỏi:

— Thằng em đây ở đâu.....

— Anh em bạn của con đa má à. Nó theo con về thăm má cho biết má.

— Mấy năm nay con đi đâu, má hỏi thăm thì bên Cần-đước họ nói họ không biết. Còn con ở đâu mà về đây? Ủa! mà bộ con đói bụng, thôi để má nấu thêm cơm đặng con ăn chớ.

Ba Thời vừa xây lưng đi vô bếp thì thằng Được kêu mà nói rằng:

— Má, má, ai ở trong buồng đó vậy má?

— Ai đâu?

Ba-Thời dòm vô buồng không thấy ai hết, mà nghe tiếng heo kêu ột ột dưới giường thì lấy làm lạ mới bước vô. Con heo vùng đứng dậy, ba Thời dực mình la lớn rằng: « Húy! heo của ai đó vậy »? Thằng Được đứng ngoài vổ tay cười ngất và nói rằng: « Hồi trước tía bán con heo quắn của má, con đi kiếm mấy năm nay mới được nên dắc về cho má đó đa. Má coi có phải hay không? »

Lúc ấy trời chạn vạn tối nên trong buồng thấy mờ mờ không rõ, ba Thời mới đốt đèn rọi coi con heo thì lấy làm mừng rở vùng nói lớn rằng: « Phải rồi, heo con mua ở đâu đó vậy con? » Thằng Được lấy làm toại chí nên đứng chống nạnh vinh mặt mà đáp rằng: « Con mua bên chợ Trạm về cho má đó đa. » Ba Thời để cái đèn dưới đất ôm con mà hun trơ hun trất, rồi nói rằng: « Con tôi thiệt đáng quá! »

Ba Thời lấy cám sú cho con heo ăn rồi đi vo gạo nấu cơm. Thằng Được với thằng Bĩ chạy ví bắt một con gà giò đặng làm thịt. Thằng Được biểu thằng Bĩ phụ nấu cơm với ba Thời, còn nó chạy vô thăm cậu hai mợ hai nó. Quá nửa canh một, cơm nước xong rồi, thằng Bĩ mới leo lên vỏng nằm ngũ ngáy pho pho.

Thằng Được lấy cái khăn mua trên Cần-giuộc mà cho ba Thời, rồi mẹ con nằm tại bộ váng giữa mà kể hết những hồi hoạn nạn, những lúc nhớ thương trong mấy năm ly biệt. Ba Thời nghe thằng Được thuật đến lúc thảm là lúc thầy Đàng bị bắt giam tại Tràvinh, lúc nằm nhà thương Chợ-Rẩy và lúc linh đinh ở Saigon thì động lòng thương nên nước mắt dầm dề. Thằng Được thuật hết chuyện của nó rồi nó mới hỏi tới chuyện của má nó coi ở nhà giàu nghèo ấm lạnh thể nào, rồi lại hỏi thăm luôn tới chuyện tía nó nữa. Ba Thời nằm to nhỏ mà kể hết chuyện nhà cho con nghe, nói rằng từ khi con ra đi rồi thì chị ta ở nhà buồn rầu không xiết kể, ngày như đêm cứ nằm gát tay qua tráng mà thở ra hoài. Chồng xài hết mấy chục đồng bạc bán heo rồi 20 đồng bạc của thầy Đàng đưa cũng làm tiêu luôn nữa. Chị ta lớp thì nhớ con, lớp thì túng tiền nên theo phàn nàn với chồng hoài, biểu chồng phải lo làm ăn, mà chồng lững-đững lờ-đờ như kẻ ở một nơi mà lo một nơi, ở được vài tháng rồi vát dù mà đi nữa. Mấy năm nay chồng không về thăm lần nào. Chị ta ở nhà một mình lo củi đục làm ăn, bỡi vậy cho nên tuy trong nhà không dư dả song cũng không thốn thiếu. Năm ngoái chị ta nghe họ nói có gặp chồng ở làm ruộng dưới Cầnthơ. Hôm tháng trước chị ta có tiếp được một bức thơ của chồng gởi về, chị ta mượn thầy giáo coi giùm thì thầy giáo nói rằng chồng bây giờ ở dưới kinh Xà-No biểu chị ta như có nghèo thì bán nhà đi xuống dưới mà ở. Ba Thời nói tới đó thì ngồi dậy thò tay vào túi móc bức thơ ra đưa cho thằng Được coi. Thằng Được thấy bức thơ có mấy hàng chữ mà thôi nên đưa gần đèn mà đọc:

Xà-No, le 15 Décembre 19........

Tao gởi lời về thăm mầy được mạnh giỏi. Tao ở dưới nầy bình an như thường. Năm nay tao làm ăn cũng khá khá. Như mầy có nghèo lắm thì bán cái nhà lấy bạc đi qua Mỷ-Tho rồi ngồi tàu mà xuống đây.

Mà nếu mầy có nơi nào khác rồi thì phải gởi thơ cho tao biết. Nói giùm tao gởi lời thăm anh hai chị hai và bà con lối xóm hết thảy.

HỮU ký.

Thằng Được đọc thơ rồi bèn ngó ba Thời và cười và hỏi rằng:

— Sao? Má tính đi xuống dưới hay không?

— Đi làm chi.

— Má không đi đây chắc tía nghi má có chồng khác đa.

— Ối! Nghi thì nghi chớ hại gì.

Thằng Được ngồi ngẩm nghĩ một hồi rồi nói rằng:

— Ừ, mà thôi, đừng có đi má. Má cứ ở nhà đây, con làm con nuôi má. Con đờn ca giỏi lắm, con kiếm tiền dễ như chơi.

— Nầy con, từ hồi chiều đến bây giờ má quên nói chuyện cho con nghe.

— Chuyện gì?

— Con đi mấy năm nay vậy mà có ai nhìn con hay không?

— Không.

— Nầy, lóng trước có một chuyện nầy má lấy làm kỳ lắm đó con.

— Chuyện gì vậy?

— Hôm trước ông Hương-sư đi bán lúa trên Bình-đông, rồi ổng ra Saigon mua đồ. Tối lại ổng đi coi hát ổng gặp một thầy thông, hai người làm quen với nhau rồi thầy thông hỏi ổng ở đâu. Ổng nói ổng ở làng Bình-thạnh-đông thuộc tĩnh Gocông. Thầy thông mới hỏi ổng vậy chớ ở Bình-thạnh-đông mà có biết người đàn-bà nào tên là ba Thời hay không? Ổng nói ổng biết rồi hỏi thầy thông vậy chớ hỏi thăm ba Thời làm chi vậy. Thầy thông đó mới nói rằng có một người giàu có lớn hồi trước lạt mất hết một đứa con trai đến cậy thầy tìm giùm. Thầy hỏi thăm thì nghe họ nói ba Thời ở Bình-thạnh-đông có xí được đứa nhỏ ấy. Thầy muốn tìm đến nhà mà chuộc lại, song không biết có quả như vậy hay không, nên thầy chưa dám đi.

Ông Hương-sư mới nói với thầy rằng ông có nghe ba Thời hồi trước có nuôi một đứa con nuôi tên là thằng Được mà vì nhà nghèo nuôi không được nữa nên đã bán cho người khác họ dắc đi đã bốn năm năm nay rồi.

Bữa hổm ông Hương-sư về có nói chuyện lại cho má nghe, song má không biết con đi đâu nên má không để ý đến cho lắm,

— Vậy mà ông Hương-sư có nói thầy thông đó tên gì, nhà ở đâu hay không?

— Có, ổng nói thầy thông đó tên Lợi, nhà ở đường Cầu-quan.

— Nếu vậy để con lên Saigon con kiếm thẩy.

Thằng Được tính ở chơi vài bữa rồi trở lên Saigon. Ba Thời không cho, nói rằng đã cận Tết rồi, nếu có muốn đi kiếm thì để ăn Tết rồi sẽ đi. Thằng Được nghe lời nên không đòi đi gắp nữa.

Đêm ấy thằng Được nằm thao thức hoài ngủ không được. Từ ngày nó biết ba Thời không phải là mẹ ruột nó rồi, hễ ai hỏi đến cha mẹ nó thì trong lòng nó bức rức xốn xan, thầm tũi thân không mẹ không cha, cứ hỏi riêng trong bụng hoài vậy chớ mẹ mình có chữa hoang mà đẻ mình rồi sợ tiếng xấu hay sao nên bồng mà bỏ đi, hay là cha mẹ nghèo lắm khôngthế nuôi được nên mới bỏ mình như vậy? Nó suy đi nghĩ lại bàn tới tính lui hoài mà cũng không hiểu tại sao mà thân phận nó lao đao như thế. Có khi nó nằm đêm buồn bực ước thầm trong bụng nó rằng nếu có ai nhìn nó làm con dầu người ấy mà tàn tật nghèo hèn nó cũng hết lòng mà kính thờ yêu mến. Nay thình lình nó nghe nói có cha mẹ kiếm nó mà cha mẹ nó là người giàu có lớn nữa thì tự nhiên trong bụng nó khắp khởi vui mừng. Nó nằm tính thầm lăn xăn, tính hễ tìm được cha mẹ rồi thì rước mẹ nuôi về ở chung một nhà cho hết cực khổ, bắt thằng Bĩ phải ở với mình đờn ca chơi cho vui, lại đi xuống Cầnthơ kiếm cho được con Liên đem về ở chung một nhà nữa. Nó lại tính cũng đi Tràvinh mà đền ơn cô bán thơm cho mình ở đậu mấy ngày, rồi về Chợ-Gạo thăm thầy xếp ga và mua cho thẩy một đôi giày vàng với một cái nón nĩ thiệt tốt.

Qua ngày 28, thằng Được đưa cho má nó 5 đồng bạc biểu đi chợ mua đồ về ăn Tết. Ba Thời không chịu lấy, nó theo nài nỉ hoài, nói rằng rồi đây cha mẹ nó nhìn, nó có thiếu gì bạc tiền, nên cực chẳng đã phải lấy hết 2 đồng. Ba Thời đi chợ Gòcông mua dưa, cải, cam, hồng; còn thằng Được với thằng Bĩ dắc nhau đi chợ Mỷ-Lợi, thằng Được muốn mua vài đồng bạc pháo về đốt chơi, thằng Bĩ cứ cản trở hoài nói rằng tiền làm ra không phải là dễ mà đem đi mua những đồ vô ích như vậy. Thằng Được nói: « Tết rồi đây tao lên Saigon kiếm tía tao, tao thiếu gì tiền mà lo mậy? » Thằng Bĩ cười gằn mà nói rằng: « Mầy mới gần gần giàu, mà mầy đã quên lúc nghèo rồi há? » Thằng Được nghe nói mấy lời thì hổ thầm nên buồn hiu, rồi hai đứa dắc nhau đi về không mua một vật chi hết.

Từ bữa thằng Được nghe nói cha mẹ ruột nó kiếm nó thì trong lòng nó mừng đến đổi nó lộ ra ngoài mặt, tối ngày nó giỡn trửng nhảy nhót hoài, chớ không phải tề chỉnh như hồi trước. Thằng Bĩ nghe nói rằng tía thằng Được giàu có, ăn Tết rồi sẽ nhìn nó, nghe thì nghe thấp thố thấp thưởi mà thôi không rõ người ở đâu, nhưng mà nghe như vậy rồi nó lại buồn nên có đêm thằng Được muốn hoà đờn chơi, nói hết sức mà nó cũng không chịu đờn.

Tối mùng ba Tết, thằng Được biểu thằng Bĩ gói áo quần với hai cây đờn cho sẵn rồi khuya thức dậy mà đi cho sớm. Ba Thời mới lấy ra một gói đồ đưa cho nó và nói rằng: « Đồ nầy là đồ của con mặc hồi má xí được con đó. Con nghĩ con có nên đem theo cho họ nhìn cho dễ hay không? » Thằng Được ngồi ngẩm nghĩ một hồi rồi biểu má nó cất, bỡi vì nó đi lưu linh sợ đem đồ ấy theo rủi mất thì khó lắm, chi bằng để ở nhà như nó gặp cha mẹ nó rồi mà cha mẹ nó còn nghi thì nó sẽ dắc xuống mà lấy.

Khuya ba Thời dọn cơm cho hai đứa nó ăn rồi, thằng Được muốn để lại ít đồng bạc song ba Thời không chịu lấy, biểu đem theo mà làm phí lộ, bỡi vì lên Saigon không biết có tìm được liền hay không. Hai đứa nó ra đi thì trong mình còn được 6 đồng bạc. Hai đứa ra chợ đón xe-hơi mà đi. Thằng Bĩ không biểu đi bộ nữa, song nó buồn lắm, ngồi tại đầu cầu nổi mà chờ xe không nói chuyện chi hết. Thằng Được thấy vậy mới kiếm thế mà ghẹo cho vui nên hỏi rằng:

— Sao mầy buồn dữ vậy mậy?

— Vui sao cho được mà mầy biểu vui.

— Sao vậy?

— Tao làm anh em với mầy, tao tưởng mầy mồ côi và nghèo hèn như tao, chớ tao có dè ngày nay mầy được giàu có ở đâu.

— Thằng khéo nói kỳ hôn! Nếu tao được giàu thì mầy cũng sung sướng với tao, chớ phải tao giàu rồi tao bỏ mầy hay sao mà mầy buồn?

— Tao sợ miệng mầy nói như vậy mà bụng mầy không được như vậy chớ.

— Tại sao mầy sợ?

— Tao thấy một chút nầy thì tao biết bụng mầy rồi. Mấy tháng nay mầy với tao lưu linh đi kiếm ăn, mầy thường nhắc nhở con Liên hoài, mầy nói mầy thương nó như em ruột mầy vậy, mầy tính hễ về thăm má mầy rồi thì mầy đi kiếm cho được nó. Hổm nay mầy nghe nói cha mẹ mầy là người giàu có lớn đương tìm kiếm mầy thì mầy mừng, mầy quên con Liên, không nghe mầy tính đi thăm nó nữa. Rất đổi con Liên mầy thương nó lắm mà chưa giàu mầy đã quên nó rồi, huống chi là tao mà mầy kể số gì.

— Mầy nói tức quá! Tao có quên con Liên bao giờ? Để tao đi tìm được cha mẹ tao rồi tao sẽ đi kiếm mà rước nó về tao nuôi nó chớ. Tao có quên anh em thì trời đừng để mạng tao mà...

Hai đứa vừa nói chuyện tới đó thì xe-hơi đã ra tới, nên lật đật xách đồ xuống đò đặng ngồi xe lên Chợlớn.

Xe-hơi lên tới kinh Xóm-củi, hai đứa nó mới xách đồ đi qua Chợ-lớn đặng ngồi xe lửa mà ra Saigon. Qua tới nhà giấy xe lửa nhỏ hai đứa ngồi chờ xe thấy có một ông thầy tướng đương ngồi coi tay cho họ. Thằng Được đứng coi một hồi rồi móc ra 2 cắt đưa cho thầy tướng cậy coi giùm cho nó thử coi mạng vận nó ngày sau thể nào. Thầy coi hết hai bàn tay rồi mới nói nó là con nhà giàu, tuy từ hồi nhỏ đến bây giờ lận đận lao đao, không được ở chung với cha mẹ, song năm nay thời vận đã hanh thông rồi, chẳng bao lâu nữa thì mẫu tử tương phùng, anh em sum hiệp. Thằng Được nghe thầy tướng đoán như vậy thì mừng không biết chừng nào, cứ theo khen hay hoài và nói tốn 2 cắt bạc thiệt đáng lắm. Nó biểu thằng Bĩ coi thì thằng Bĩ lắc đầu mà nói rằng: « Coi làm gì mậy? Tao không ham giàu mà cũng không buồn, tao có cần gì mà phải coi tướng mạng. »

Hai đứa ra Saigon tìm đường Cầu-Quan mà hỏi thăm nhà thầy thông Lợi. Nhờ có một bà già chỉ giùm nên hai đứa nó mới tìm được. Bước vô nhà thì thấy nhà dọn hực hở, trong có treo kiến lớn, giữa nhà có để bàn mặt đá, có ghế xích đu, hai bên có tủ áo, tủ rượu đủ hết. Trên cữa buồng lại thấy có treo một tấm hình bán ảnh của một người đàn-ông độ chừng 45 tuổi, mặc áo dài, bịch khăn đen, hai hàm râu thưa thớt mà lại vắn. Có một người đàn bà chừng 40 tuổi ở phía sau thấy hai đứa nó xớ rớ trước cữa thì bước ra hỏi chúng nó đi đâu. Thằng Được thưa rằng nó đi kiếm nhà thầy thông Lợi, họ chỉ lại đây mà không biết có phải hay không. Người ấy nói phải, rồi hỏi nó vậy chớ có việc chi hay sao mà kiếm. Nó nói có việc cần. Người đàn-bà ấy mới biểu hai đứa ngồi trước cữa mà chơi đợi một chút nữa thầy sẽ về.

Thằng Được với thằng Bĩ ngồi cho tới 11 giờ rưởi thì thấy có người ngồi xe kéo mà về, người ấy độ chừng 40 tới 42 tuổi, mặc đồ Tây, đi giày vàng, đội nón xám. Người ấy bước vô thấy hai đứa liền hỏi chúng nó đi đâu. Thằng Được khoanh tay thưa rằng:

— Bẩm thầy, tôi tên Được, con nuôi của ba Thời ở làng Bình-thạnh-đông, thuộc hạt Gocông. Mấy năm nay tôi mắc đi theo thầy tôi, hôm Tết nầy tôi về thăm má tôi thì má tôi có nói rằng lúc trong năm có ông Hương-sư ở trong làng đi Saigon ổng gặp thầy và thầy có nói với ổng rằng tôi là con nhà giàu, song tôi lạc cha mẹ tôi từ hồi nhỏ cho tới bây giờ, nay cha mẹ ruột tôi đi kiếm mà nhìn tôi. Vậy tôi đến đây lạy thầy xin thầy làm ơn chỉ giùm cha mẹ tôi đặng tôi biết mà đến cho cha mẹ tôi nhìn cho dễ.

— Té ra mầy tên Được hay sao?

— Dạ.

— Bước vô đây.

Thầy Lợi vô nhà và hai đứa nó cũng theo vô. Hai đứa nó đứng xớ-rớ dựa cánh cữa, thầy Lợi móc nón trên đầu nai rồi ngồi ngó thằng Được và ngó tấm hình trên cữa buồng, dường như nhìn coi nó có giống người trong tấm hình ấy hay không. Thầy ấy ngồi vấn thuốc hút và suy nghĩ một hồi rồi nói rằng: « Bây giờ tao không rảnh, mà chiều nầy tao còn đi làm việc. Vậy thôi mầy đi chơi đi, để chiều chừng năm sáu giờ mầy lại đây rồi tao sẽ dắc giùm mầy đến nhà cha mẹ mầy. »

Thằng Được với thằng Bĩ xá thầy Lợi rồi bước ra. Thằng Được hân hoan đắc ý.

Đúng 5 giờ chiều hai đứa nó trở lại đứng chực trước nhà. Cách nửa giờ thầy Lợi đi làm việc về chĩ thằng Bĩ mà hỏi thằng Được rằng: « Mầy tên Được, còn thằng nầy tên gì, nó đi theo mầy chi vậy? » Thằng Được thưa rằng: « Bẩm thầy, thằng nầy tên Bĩ, nó là anh em bạn của tôi, mấy tháng nay hễ tôi đi đâu thì nó theo đó, chẳng hề rời nhau. »

Thầy Lợi nghe nói thì châu mày rồi gặt đầu nói rằng: « Ừ, nó muốn theo mầy cũng được. Mà bây ăn cơm rồi chưa? »

— Thưa, ăn rồi.

— Ờ, thôi bây vô đây ngồi chơi, chờ tao ăn cơm một chút rồi sẽ đi.

Thầy Lợi ăn cơm rồi mới biểu đứa ở trong nhà chạy đi kêu một cái xe kiến. Thầy mở cữa xe lên ngồi phía sau, rồi biểu hai đứa nó lên ngồi phía trước. Xe chạy một hồi rồi qua một cái cầu dốc cao lắm, thằng Được day qua hỏi thằng Bĩ rằng: « Cầu nầy tên cầu gì vậy mậy? » Thằng Bĩ nói: « Cầu Khánh-Hội ». Xe chạy qua khỏi cầu xuống hết dốc rồi quẹo qua phía tay trái, chạy một khúc nữa rồi lại quanh qua phía tay mặt. Thằng Được ngồi ngó hai bên đường, hễ thấy cái nhà nào tốt thì trong bụng nó đều tưởng thầm là nhà của cha mẹ nó. Khỏi mấy cái nhà tốt rồi lần lần còn thấy nhà lá nhỏ nhỏ mà thôi. Xe chạy tới mé kinh, thầy thông Lợi biểu người đánh xe ngừng lại rồi mở cữa bước xuống. Hai đứa nó cũng xuống theo; thầy Lợi mới dắc chúng nó đi vô một cái đường nhỏ, hai bên cỏ rát dơ dáy, mà lại trời tối đen nên khó đi lắm.

Đi qua khỏi hai cái nhà lá nhỏ rồi tới một miếng đất trống, thấy có một chiếc ghe hư đẩy lên để đó mà sửa lại. Trước mủi ghe có một cái ụ ở ngoài mé kinh chạy vô tới đó thì cùn. Cách cái ụ ghe chừng vài chục bước thì có một cái nhà lá nhỏ, trong nhà đèn đốt leo-lét, có trẻ nhỏ hai ba đứa chạy ra chạy vô lăn-xăn. Thằng Được đi tới chỗ chiếc ghe đó, nó dòm tứ phía không thấy có cái nhà nào tử tế thì trong bụng nó nghĩ thầm chắc là thầy nầy đi mướn ghe mà đưa mình về nhà cha mẹ, chớ không lẽ cha mẹ mình ở chỗ dơ dáy nghèo hèn như vầy. Bỡi nó nghĩ như vậy nên khi đi tới cái nhà lá nhỏ có đốt đèn leo-lét đó, thầy Lợi bước vô nhà thì nó đứng ngoài sân với thằng Bĩ chớ không chịu vô.

Thầy Lợi nói nhỏ nhỏ ít tiếng với mấy người trong nhà, hai đứa nó đứng ngoài nghe không được, rồi thầy bước ra ngoắc thằng Được mà biểu rằng: « Vô đây cháu. » Thằng Được xâm-xâm đi vô, thằng Bĩ xách hai cây đờn với gói áo quần cũng men đi theo sau. Bước vô nhà thấy có một người đàn ông, tuổi chừng 40, bộ vậm-vở, không có râu, mà tóc lại hớt cục, mặc quần lảnh đen lưng xanh, buộc một sợi dây nịch da ngang qua bụng, choàn một cái áo bà-ba vải trắng, cái ngực với bắp tay mặt lòi ra thì thấy có xâm hình xâm chữ rậm ri. Trên cái vỏng giăng dựa vách thì có một người đàn-bà, cũng chừng 40 tuổi, mặc quần vải đen và áo túi trắng mà cũ, đương ngồi dở vú ra cho con nhỏ bú. Dựa cái vỏng ấy lại có 4 đứa nhỏ, đứa lớn hơn hết chừng 12 tuổi, còn đứa nhỏ hơn hết thì chừng 5 tuổi, đứa ở trầng, đứa ở truồn, đương đứng mà dòm khách lạ, Trong nhà chẳng có đồ đạc chi hết, chĩ thấy có một cái bàn cũ để đèn để tô, để khay trầu, với một bộ váng dầu mà thôi.

Thằng Được đứng bợ ngơ, ngó người nầy rồi ngó người kia, không nói chi hết. Thầy Lợi nắm tay kéo nó bước tới một bước rồi nói với chủ nhà rằng: « Hai ông bà mất con mười mấy năm nay cậy tôi kiếm giùm, nay tôi kiếm được rồi đó, vậy nhìn coi có phải hay không? » Người ấy ngó thằng Được rồi nói: « Phải, nó giống mấy đứa nhỏ của tôi quá. Thầy có lòng kiếm giùm, vậy xin để bữa nào tôi rảnh tôi sẽ qua nhà mà đền ơn thầy. »

Thầy Lợi cười rồi nói với thằng Được rằng: « Đó, cha mẹ cháu đó đa, còn mấy đứa nhỏ nầy là em của cháu. Thôi tìm được rồi, vậy tôi giao cho hai ông bà tôi về kẻo khuya. Tôi kiếu nghé. Cháu ở dớ nghe hôn? »

Thầy Lợi lấy nón ra về, chủ nhà không đưa ra cữa. Thằng Được bấy nay tưởng cha mẹ nó là người giàu có, ruộng nhiều nhà tốt, chẳng hề khi nào mà trong trí nó có tưởng tượng cha mẹ nó là người lam-lụ đến thế bao giờ, nay nó thấy nhà xịch-xạt, người nghèo hèn, song nó cũng chẳng có chút nào buồn trong lòng. Tuy vậy mà chẳng hiểu vì cớ nào bấy nay nó thường ao ước gặp cha mẹ đặng có thổ lộ những hồi cực khổ, những lúc buồn rầu cho cha mẹ nghe, mà nay giáp mặt rồi sao nó lại ngại-ngùn trong lòng, không nói chi được hết. Nó đứng bợ-ngợ, tía nó ngồi trên váng vấn thuốc hút, rồi hỏi rằng: « Còn thằng đi theo với mầy đây là con ai? »,

— Nó là anh em bạn của con. Mấy tháng nay con kết làm anh em với nó đặng dắc nhau đi đờn cho họ nghe mà kiếm cơm ăn.

Má nó nghe nói như vậy mới hỏi:

— Chà! bây biết đờn hay sao?

— Dạ, thưa biết.

— Bây giờ mầy về ở đây nó cũng theo mà ở với mầy nữa hay sao?

— Dạ.

Tía nó hút thuốc phà khói ra ngui-ngút rồi nói rằng: « Nhà chật quá, bây giờ có chỗ đâu cho hai đứa nó ngủ? » Má nó đáp rằng: « Không hại gì đâu. Hai đứa nó lấy manh chiếu đem trải trên chiếc ghe rồi chun vô đó mà ngủ cũng được mà. » Chông đèn thủng thẳng lu lờ lần lần. Tía thằng Được nắm lắc rồi nói rằng: « Hồi chiều sao không biểu bày trẻ mua dầu thêm, hết dầu rồi còn gì. » Má nó nói: « Tôi quên lững, mà khuya rồi, thôi sửa soạn đi ngủ đốt đèn chi nữa. Nầy con, con lại lấy manh chiếu rồi đem trải ngoài chiếc ghe đẩy lên bờ đó mà ngủ đỡ, ít bữa nữa mua thêm váng rồi sẽ ngủ trong nhà. »

Má nó vừa nói vừa chỉ chiếc chiếu để trên váng. Thằng Được bước lại ôm chiếc chiếu bước ra ngoài sân. Thằng Bĩ cũng xách đồ đi theo. Hai đứa nó leo lên ghe trải chiếu vừa xong, ngó ngoài vô nhà thì đèn đã tắc rồi. Thằng Được nằm nghiêng day mặt vô be ghe, thằng Bĩ để hai cây đờn với gói áo phía trên đầu rồi cũng nằm một bên đó.

Hai đứa nằm nính khe mà cũng không cục-cựa, mỗi đứa đều suy nghĩ riêng. Trời khuya lần lần, gió thổi lao rao, tư bề im-lìm, một lát nghe xa xa có tiếng chó sủa, hoặc nghe dưới kinh có tiếng ghe chèo sạt sạt, hoặc nghe trong nhà có tiếng con nít khóc. Gần nửa đêm thằng Được nằm nghiêng một bên mỏi vai, nên trở mình đụng nhằm thằng Bĩ. Thằng Bĩ cười nho nhỏ rồi lấy tay rờ mặt thằng Được mà hỏi rằng: « Mầy không ngủ, sao không nói chuyện chơi mậy? » Thằng Được ngồi dậy ngó vô nhà rồi hỏi nhỏ rằng:

— Mầy cũng còn thức hay sao?

— Tao nghĩ tao tức cười quá nên ngủ không được.

— Cười giống gì?

— Tao tức cười là vì mầy mơ ước gặp cho được tía má mầy. Nay gặp rồi, tao thấy vậy tao tức cười quá.

— Mầy nói đó là nói bậy đa. Thiệt thuở nay tao tưởng tía má tao giàu, bỡi vì nếu nghèo mà sao hồi má nuôi tao xí được tao, tao bận đồ tốt dữ vậy, mà lại có đeo dây chiền vàng Tây nữa. Hôm trước về dưới Mỷ-Lợi má nuôi tao thuật chuyện tía má tao đương tìm tao, thì cũng còn nói tía má tao giàu lớn nữa. Tao nghe như vậy tao mừng, mà tao mừng không phải là tao trông giàu đặng có tiền sẵn cho tao xài phá, tao mừng là vì nếu tía má tao giàu tao mới có thế đền ơn cho má nuôi tao, mới có thế mà nuôi mầy và nuôi con Liên đặng cho mấy người thương yêu tao bấy nay hết cực khổ nữa chớ. Nay tao gặp tía má tao rồi, tuy tía má tao nghèo, song có phải vì đó mà tao hết vui đâu. Tao càng mừng nhiều lắm chớ. Trong ý mầy tưởng cha mẹ giàu mới nên nhìn, còn cha mẹ nghèo thì bỏ hay sao?

— Không, tao có nói như vậy đâu.

— Chớ mầy tức cười giống gì?

— Để tao nói thiệt cho mầy nghe. Thiệt hổm nay tao cũng tưởng tía má mầy giàu lắm nên tao tính hễ mầy gặp tía má mầy rồi thì tao đi, chớ không thèm theo mầy nữa, bỡi vì phận tao côi cúc nghèo nàn chừng mầy giàu tao còn theo mầy nữa thì nhọc lòng mầy chớ không ích gì. Nay tao thấy tía má mầy nghèo, tao nhớ lại thì sự mầy tưởng đã bậy mà tao tính cũng bậy nên tao tức cười, chớ phải tao ngạo mầy hay sao? Nè, Được, mà tao nghi hai người đó không phải tía má mầy đâu.

— É! đừng có nói bậy, mầy thấy tía má tao nghèo mầy muốn xuối tao phụ tía má tao hay sao?

— Không phải, để tao nói cho mầy nghe. Tao nghi là vì tao coi mầy không giống hai người đó chút nào hết, mà mấy đứa nhỏ cũng không giống mầy nữa.

— Mầy nói bậy. Sao mầy biết không giống? Mình giống cha giống mẹ giống anh giống em là giống máu thịt, giống gân cốt, giống tướng đi, tướng đứng, chớ phải là giống nội cái mặt đó mà đủ hay sao? Mà mầy mới thấy một lần làm sao mầy biết tao không giống được?

— Hồi hôm tao đứng trong nhà đó tao cố ý coi kỷ lắm. Thiệt mầy không giống chút nào hết, mà tao coi mầy lại giống người trong khuôn hình treo ở nhà thầy Lợi đó lắm.

— Hình nào đâu?

— Hình treo trên cữa buồng của thẩy đó.

— Hình người bịch khăn đen đó phải hôn?

— Ờ.

— Mầy nói bậy.

— Mầy cứ nói tao nói bậy hoài; tao chắc rằng hai người ở trong nhà đây không phải là cha mẹ mầy; nếu mầy không tin tao thì để thủng thẳng rồi mầy coi.

— Sao mầy dám nói như vậy?

— Mầy nói má nuôi mầy xí được mầy hồi mầy mới năm sáu tháng. Hồi đó mầy mặc áo tốt mà lại có đeo dây chiền đồ nữa, thì chắc mầy là con nhà giàu. Người nầy nghèo quá đâu có áo tốt mà cho mầy bận?

— Không biết chừng hồi trước tía má tao giàu rồi sau mới nghèo.

— Tao cũng cho mầy cải sướt cái đó đi. Tía má mầy mất mầy đã 14, 15 năm nay, sao thuở nay không kiếm để đến bây giờ mới kiếm mà nhìn? Mà chớ chi tía má mầy giàu có hoặc không có con, thì kiếm mầy cũng cho là phải, chớ người đó bộ nghèo quá mà con tới 5 đứa, trai gái có đủ, không có áo quần cho nó bận còn đi kiếm thêm mầy đem về nữa mà làm gì?

— Mầy nói nghe kỳ quá! Ai có con lại không thương; nói như mầy vậy hễ có con nhiều thì nó còn hay là nó mất cũng không cần gì hay sao?

— À, mầy nói tía má mầy thương tiếc mầy nên mới tìm mầy phải hôn?

— Chớ sao.

— Ai cũng vậy, mất con 14, 15 năm nay thương nhớ nó lắm nên tìm nó mà nhìn. Nếu gặp mặt con thì tự nhiên mừng rỡ, nhứt là bà mẹ ôm con mà khóc, chớ sao hồi hôm mầy bước vô nhà tía má mầy bản-lản bơ-lơ, không mừng rỡ chút nào, không rờ tới mình mầy, mà cũng không hỏi thăm coi nhỏ lớn ai nuôi mầy, mầy ở chỗ nào, có cực khổ đau ốm gì hay không?

— Tại hồi hôm má tao mắc dỗ em ngủ, còn tía tao tánh lạc-lẻo nên không mừng rỡ cho lắm chớ.

— Mầy còn cải nữa chớ! Tức quá! Dẩu thế nào đi nữa cũng phải tỏ dấu mừng một chút chớ. Nè, mà thình lình thầy Lợi thẩy dắc mầy tới, thẩy nói mầy là con, nếu tía má mầy không mừng thì phải nghi, rồi hỏi mầy coi hồi người ta xí được mầy đó mầy bận áo gì, chớ sao không mừng mà cũng không nghi chút nào hết vậy? Tao sợ họ lập mưu kế mà hại mầy, chớ không phải là cha mẹ đâu. Mầy không tin tao để rồi mầy coi. Hai người đó bộ kỳ quá mà!

— Đừng có nghi bậy không nên.

Thằng Được tuy ngoài miệng cải với thằng Bĩ, song nó xét lời của thằng Bĩ có nhiều chỗ hữu lý nên trong lòng nó cũng nghi nghi chút đỉnh. Nó nằm suy nghĩ hoài ngủ không được, một lát nó chắc là phải tía má nó, bỡi vì, nếu không phải thì nhìn nó làm gì, rồi một lát nó lại nghi, bỡi vì nếu phải tía má nó thì có lẽ đâu mà lơ lản quá như vậy.

Tản sáng hai đứa nó thức dậy leo xuống đi vô nhà, thấy mấy đứa nhỏ chộn-rộn đứa đòi cơm đứa đòi bánh. Tía thằng Được bận quần vắn, áo lá, la hét om sòm một hồi rồi lấy một cái nón nĩ đen rách đội mà đi. Má nó nấu cơm rồi dọn ăn, có vài khứa cá mấy đứa nhỏ áp đủa vô gắp vài bận thì hết, thằng Được với thằng Bĩ thấy vậy nên ăn cơm lạc chớ không dám thò đủa vô. Ăn hết chén cơm rồi muốn xúc thêm mà dòm trong nồi thì trống trơn, nên phải gát đủa mà leo xuống.

Thằng Được với thằng Bĩ ngày nào ăn cơm cũng không no nên phải mua bánh thêm mà ăn; mà hễ mua bánh thì phải mua cho mấy đứa em nó ăn nữa nên mỗi bữa tốn tới vài ba cắt bạc. Ban ngày thằng Được lại phải phụ với má nó mà nấu cơm, rửa chén, coi em, còn thằng Bĩ thì thả đi chơi hoài không chịu làm việc chi hết. Ban đêm thì hai đứa cứ ngủ trên chiếc ghe bể, thằng Bĩ cứ theo nói rằng thằng Được bị người ta gạt chớ không phải cha mẹ nó là hai người đó; hễ nói thì thằng Được rầy mà nó cũng theo nói hoài.

Qua đêm thứ ba hai đứa nó đương ngủ thình lình nghe có người ta đi động đất thình thịch. Thằng Bĩ ngồi dậy dòm dưới đất thì thấy có ba người vát đồ đi vô nhà mà trong nhà tối thui, không có đèn mà cũng không nghe nói tiếng chi hết. Nó lúc lắc thằng Được thức dậy rồi chĩ cho thằng Được coi, Sáng ngày sau hai đứa nó vô nhà thì thấy dựa vách có một đống đồ ngoài đậy lá chầm kín mích không biết là đống gì. Tối bữa sau lối 11 giờ thiên-hạ ngủ im-lìm, hai đứa nó lại thấy có một chiếc ghe tam-bản ở ngoài kinh chống vô ụ rồi hai người dưới ghe dở cữa vô nhà vát đồ đem xuống ghe, có tía thằng Được phụ vát với họ nữa, rồi ghe chống trở ra kinh mà đi, nghe nói chuyện nhỏ nhỏ nên không hiểu là chuyện gì. Khuya thằng Bĩ kêu thằng Được thức dậy mà nói rằng hổm nay nó đi chơi là có ý muốn dọ coi tía thằng Được làm nghề gì. Bữa nào nó cũng thấy khiêng vát hàng trên tàu đem xuống ghe, hoặc dưới ghe đem lên tàu. Nó chắc tía thằng Được ăn trộm hàng hóa đem về nhà mà giấu rồi ban đêm lén kêu người ta mà bán. Nó biểu thằng Được phải trốn mà đi chớ ở đây sợ e chẳng khỏi mang họa.

Thằng Được nghe nói giận đỏ mặt mới rầy nhỏ nhỏ rằng:

— Mầy có tài nói bậy bạ hoài. Sao mầy biết tía tao ăn trộm? Chuyện gì mình không biết chắc thì đừng có đề quyết như vậy.

— Tao dọ rồi mầy ơi! Tía mầy ăn trộm đồ dưới tàu mà bán cho khách-trú.

— Mà dẩu tía tao có làm quấy như vậy đi nữa, tao là đạo làm con, mầy biểu tao bỏ tía tao mà đi hay sao?

— Có phải là tía mầy đó sao?

— Nữa! Mầy cải hoài.

— Tao nói mầy ở đây có ngày ở tù.

— Tao làm việc gì quấy mà ở tù?

— Ừ! mầy cải tao để rồi mầy coi.

Thằng Được nghe nói ở tù thì nó nhớ chuyện thầy nó bị ở tù dưới Trà-Vinh nó cực khổ không biết chừng nào, nên nó sợ quá, nằm lo hoài ngủ không được. Đêm ấy cũng thấy vát đồ về nhà nữa, rồi đêm sau cũng thấy có ghe tam bản đến chở đồ ấy đi. Hai đứa nó có ý coi hễ đêm nào có ghe đến chở đồ rồi thì sáng bữa sau có hai người mặt mày dữ tợn đến nhà rồi tía thằng Được lấy bạc mà đưa cho hai người đó, lại nói chuyện với nhau nhỏ nhỏ một hồi rồi dắc nhau đi.

Thằng Được ở trót 10 ngày chẳng hề thấy cha mẹ nó tỏ ý gì thương yêu nó hết, mà bị đói bụng phải mua bánh ăn hoài nên trong lưng còn có 1$20 mà thôi. Chiều bữa nọ mấy đứa em nó dắc nhau đi chơi hết, còn má nó đi ra phía đàng sau, nó mới lén dở lá chầm coi cái đống gì để dựa vách đó. Nó thấy có 3 cái thùng lớn với hai gói giấy nhúng dầu; nó muốn moi thữ coi cho biết vật gì ở trỏng, song sợ má nó vô nên lật đật đậy lại không dám coi lâu. Đêm ấy lối 10 giờ nó với thằng Bĩ đương ngủ bổng nghe có tiếng người ta nói om-sòm, lật đật lên ngóc đầu dòm coi thì thấy trong nhà đốt đèn sáng hoắt, có hai ba người lính đứng bao chung quanh nhà, còn trong nhà lại thấy có hai ông Tây và hai ba người lính Annam nữa. Hai đứa nó sợ quýnh nên nằm xuống ôm nhau giả như ngủ. Cách một hồi nghe lính biểu: « Còng hết hai vợ chồng nó đi »; lại nghe tiếng đàn-bà nói: « Bắt tới tôi nữa, rồi ai coi nhà cho tôi, sấp con tôi bỏ cho ai », rồi có tiếng trả lời rằng: « Dắc hết mấy đứa con theo, còn nhà thì để có lính giữ ».

Hai đứa nó nghe như vậy thì sợ hết hồn hết vía nên nhắm riết con mắt lại và nín hơi không dám thở. Cách một hồi nghe kẻ vát đồ, người đi theo động đất thình thịch, lại nghe sấp nhỏ khóc om-sòm, rồi vắn tanh không nghe chi nữa hết. Hai đứa nó mới lén ngóc đầu dòm vô nhà thì thấy có một tên lính nằm tại bộ ván giữa nhà mà day mặt vô buồng. Hai đứa không dám nói chuyện chi hết, mà cũng không dám cựa-quậy. Đến 4 giờ khuya thằng Bĩ ngồi dậy dòm vô nhà thấy tên lính nằm ngủ khò nó mới kéo thằng Được thức dậy rồi xách gói đồ với 2 cây đờn sẻ lên leo xuống dắc nhau bò mà trốn.

Hai đứa nó qua khỏi miếng đất trống rồi mới đi theo đường nhỏ mà ra lộ. Ngoài lộ đã có người gánh rau bưng gà đem qua chợ Bến Thành mà bán. Hai đứa nó đi theo họ, song trong bụng còn hồi-hộp hoài nên không nói chuyện chi hết. Qua tới cầu Khánh-Hội thì trời đã hừng sáng, thiên-hạ kẻ qua người lại dập-dều. Thằng Được niếu áo thằng Bĩ biểu ngồi trên lề cầu mà nghỉ. Thằng Bĩ nghe lời ngồi xuống, thằng Được mới hỏi rằng:

— Bây giờ mầy dắc tao đi đâu?

— Đi trốn, chớ đi đâu.

— Cha mẹ tao đương bị oạn-nạn, tao không thế cứu giúp được thì cũng ở đó mà coi nhà mới phải, chớ lẽ nào bỏ mà đi cho đành?

— Tao đã nói không có phải cha mẹ mầy đâu.

— Mầy cứ nói bậy bạ hoài.

— Thiệt chớ! Nè mà nếu mình không trốn mà đi thì chắc chẳng khỏi bị bắt nữa. Mình không biết việc chi hết mà bị ở tù thì cũng ức lắm chớ, phải hôn?

Thằng Được ngồi gục mặt xuống đất lặn thinh, bộ buồn bực lắm. Cách một hồi nó ngước lên mà nói rằng: « Mầy đi đâu thì đi đi, tao trở lại, chớ tao đi không đành ». Nói rồi liền đứng dậy đi trở lộn lại. Thằng Bĩ xách đồ chạy theo nắm tay thằng Được mà kéo xển không cho trở lại. Thằng Bĩ mạnh-mẻ vậm-vở nên nó nắm thằng Được vùng không nổi, túng thế phải đi theo nó mà qua chợ Bến-Thành.

Đi dọc đường thằng Được muốn lại nhà thầy Lợi mà thuật hết mọi việc nó đã thấy hồi hôm cho thẫy nghe. Thằng Bĩ cản không cho đi, lại nói rằng: « Mầy lại đó mầy bị a; cậu đó không phải thương gì mầy đâu. Thôi, tao với mầy dắc nhau đi đờn ca mà kiếm ăn như hồi năm ngoái vậy cho xong ». Thằng Được muốn trở về Mỷ-Lợi đặng tỏ hết mọi việc cho má nuôi nó nghe, kẻo má nuôi nó trông. Thằng Bĩ cũng cản nữa, nói rằng trở về đó không ích gì. chi bằng dắc nhau đi Lục-tĩnh trước cho biết xứ nầy xứ kia chơi, sau tìm con Liên luôn thể. Thằng Được nghe nói tới con Liên thì trong bụng nó khoăn-khoái, nhưng mà hễ nhớ tới chuyện cha mẹ nó bị bắt thì nó buồn hết sức.

Hai đứa nó dắc nhau lại nhà giấy xe-lửa giữa ngồi đờn chơi một chập; thầy xếp-ga ra đứng nghe.

Thằng Được làm quen rồi xin thầy một miếng giấy lại mượn viết mực mà viết thơ kể hết các việc tìm cha mẹ thể nào và tại sao cha mẹ nó bị bắt cho ba Thời nghe. Nó lại có gạnh thêm rằng nó đi Cần-thơ mà tìm con Liên và chừng nào nó làm có tiền nhiều rồi nó sẽ trở về thăm nữa. Thơ viết rồi nó mới xin một cái bao phong lại và đề gởi cho ba Thời ở làng Bình-thạnh-Đông (Gò-công). Hai đứa nó lên nhà thơ mua cò gắn mà gởi xong rồi mới dắc nhau đi ăn cơm cho no đặng có đi Lục-tĩnh.

Thằng Được với Thằng Bĩ ra khỏi Saigon thì trong lưng còn có bảy cắt bạc, nhưng mà chẳng đứa nào lo sợ hết tiền nhịn đói bao giờ, bỡi vì hai đứa nó tuy không nói ra song trong bụng ỷ thầm hễ có hai cây đờn thì chúng nó chẳng hề khi nào chết đói. Thằng Bĩ dòm ý coi thằng Được không được vui vẽ như khi trước nên kiếm chuyện mà ghẹo chọc hoài, lúc thì nhắc con Liên rồi tính hễ gặp thì dắc luôn nó đi theo cho vui, lúc thì nhắc ông thầy tướng rồi cười thằng Được tin chi những người dối thế.

Hai đứa nó đi bộ từ Saigon xuống Mytho, tới chỗ nào đông nhà thì đờn ca, kẻ cho ăn cơm người cho tiền, nhờ có như vậy nên xuống tới Mytho thì đã có được 5 đồng bạc. Hai đứa nó mới đi tàu qua Cần-thơ, mà tàu vừa ra khỏi bến chúng nó đờn chơi một chập đã kiếm được vài ba đồng bạc, gần đủ trả tiền tàu. Khi tàu chạy tới Nước-Xoáy thằng Được mới chỉ chỗ nó ngồi đờn ca với con Liên và chỗ ghe bà Hội-đồng đậu cho thằng Bĩ coi. Thằng Được thấy cảnh động tình, mới tính đặt thêm một bài ca điệu hành-vân, đặng tả cái lòng mình thương nhớ em nên đi tìm nó.

Tới Cần-thơ hai đứa nó đi rảo khấp các nẻo đường hỏi thăm bà Hội-đồng có một chiếc ghe hầu tốt, có một đứa con trai chừng chín mười tuổi năm ngoái nó đau nên bà chở lên Saigon cho nó uống thuốc. Ai nghe hỏi cũng cười, bỡi vì ở Cần-thơ có nhiều bà Hội-đồng mà bà nào cũng có con nên có biết chắc là ai đâu mà chỉ. Hai đứa nó nghe nhà Hội-đồng nào cũng đều tới hết thảy, mà tới nhà nào cũng không phải là nhà bà Hội-đồng nuôi con Liên. Ở tại chợ Cần-thơ tìm trót 6 bữa mà không ra mối. Thằng Được mới nói với thằng Bĩ rằng chắc bà nầy ở trong ruộng chớ không phải ở tại châu-thành, nên mới dắc nhau vô trong làng mà kiếm. Chúng nó vô Cái-Răng ở hai ba ngày mà tìm không được mới dắc nhau trở ra Cần-thơ rồi lên Bình-Thủy.

Hai đứa lên tới Bình-Thủy thì trời đã chạn-vạn tối rồi. Chúng nó kiếm quán mua cơm ăn rồi dắc nhau đi dài theo mé rạch hỏi thăm coi có bà Hội-đồng nào hay không. Họ nói đi vô trong một chút có nhà bà Hội-đồng Nhàn, hễ gặp một cái nhà ngói nào lớn, chung quanh có rào sơn-ly sắt, trước có cữa ngỏ sắt và có cầu mát thì là nhà của bà. Hai đứa nó đi chừng 100 thước thiệt quả thấy có một tòa nhà ngói lớn ở hụp vô trong xa, phía trước có sân lớn trồng quít, mận, sa-bô-chê và bông hoa kiển vật dẩy đầy, phía sau vườn cau, chuối, dừa rất thạnh mậu. Dọc theo mé sông có rào sơn-ly sắt, trước có cữa ngỏ sắt sơn đỏ lòm và ngoài sông lại có cất một cái nhà mát rất đẹp. Hai đứa nó chắc nhà nầy là nhà bà Hội-đồng họ chĩ đó, thấy trong nhà đèn đốt sáng trưng, song cữa ngỏ đóng chặc, mà lại không thấy ai ra vô nên không biết làm sao mà hỏi thăm cho được. Thằng Được đi mút đầu hàng rào thì thấy có một cái ụ ghe, dòm vô trong xa thấy có một chiếc ghe đậu đó song bị trời tối mà lại bị cái giại cất đặng che chiếc ghe làm cho tối thui nên không thế nhìn chiếc ghe được.

Hai đứa nó dắc trở lại cái nhà mát nghỉ chơn, có ý trông coi trong nhà có ai đi ra, hoặc lối xóm có ai đi ngang qua đặng hỏi thăm. Ngồi đợi được một hồi lâu thằng Bĩ buồn trí mới bứt một lá cây mà thổi kèn theo điệu hành-vân. Thằng Được hừng chí nên ca hòa theo cái bài nó mới đặt dưới tàu tả về sự nó thương nhớ nên đi tìm con Liên. Bài ca ấy như vầy:

CA ĐIỆU HÀNH-VÂN

Tủi phận mình, là tủi phận mình,
Đất khách linh đinh.
Từ khi cách mặt,
Anh bắc em nam,
Tuy không một bọc,
Mà thương như ruột.
Vì giang-truân,
Hẩm-hút bấy lâu.
Chuyên một nghề,
Đờn ca với nhau.
Nay em cách biệt,
Chẳng biết phương nào,
Gan ruột như bào,
Vái cùng trời tìm nhau gặp nhau.
Mấy năm kết bạn,
Thảm đạm trăm bề,
Quyết học tài nghề,
Chạnh nổi thầy vội về âm-cung.
Những lần hồi, tìm kiếm em ta,
Trời xin chứng, chứng sao khiến xui gặp nhau.

Thằng Được ca dức bài rồi liền nằm dài trên cái băn (banc) day mặt ra ngoài sông, miệng thì hút gió, còn tay thì nhiệp trên băn. Thằng Bĩ lấy cây đờn cò sửa ngựa, vừa muốn lên dây, bổng nghe có tiếng kêu: « Anh Được! Phải anh đó hay không, anh Được? » Thằng Được lồm cồm ngồi dậy, dòm vô cữa ngỏ sắt thì thấy có một đứa nhỏ đứng khuất hết cái mình, duy thấy nội cái đầu mà thôi, mà lại bị trời tối nên không biết con trai hay là con gái. Thằng Được hỏi: « Ai kêu tôi đó? Em Liên đó phải hay không em? » Nó nghe trả lời: « Phải, em đây. Sao anh biết em ở đây mà anh đến? »

Thằng Được mừng quýnh lật đật chạy lại cữa ngỏ và cười và nói: « Cha chả! Hổm nay qua đi kiếm em dữ quá. Làm sao mở cữa cho qua vô với. Có bà Hội-đồng ở nhà hay không? Thằng con bả mạnh chưa? Mở cữa đi, mở cữa qua vô rồi qua nói chuyện hết cho em nghe ». Con Liên ngó ra cầu mát thấy thằng Bĩ ngồi đó liền hỏi:

— Ai đi với anh đó vậy?

— Thằng Bĩ đa.

— Thằng Bĩ nào?

— Anh em bạn của qua.

— Còn thầy đâu?

— Thầy chết rồi,

— Trời đất ôi! chết ở đâu? Chết hồi nào?

— Năm ngoái qua phân rẻ em mà đi với thầy, đi được ít ngày rồi kế thầy chết. Mở cữa đi em, mở cữa cho qua vô.

— Thầy đau bịnh gì mà chết vậy?

— Ừ thầy bị bịnh. Mở cữa đi em.

— Tôi không có chìa khóa. Anh đứng đây để tôi vô thưa cho cô hay rồi cô biểu bày trẻ ra mở cữa.

— Cô nào?

— Bà Hội-đồng đó.

— Sao em kêu bằng cô?

— Ừ bà biểu em kêu bằng cô.

— Thôi, em đi đi. Qua đứng đây qua đợi.

Thằng Được thấy con Liên đi rồi nó mới trở ra cầu mát kêu thằng Bĩ mà nói rằng:

— Bĩ, gặp rồi mầy ơi, may quá!

— Con Liên đó phải hôn?

— Ừ, nó đó đa. Mầy thấy nó hôn? Để rồi nó ca cho mầy nghe, ca hay lắm, mà lại nhỏ nhoi dễ thương nữa.

— Nó đi đâu rồi?

— Nó vô lấy chìa khóa đặng mở cữa cho mình vô.

Hai đứa nói mấy lời rồi đứng chong mắt ngó vô nhà mà trông con Liên. Thằng Được khoăn khoái trong lòng đứng ngồi không yên, nên đi tới đi lui một hồi rồi lại đứng ngay cữa ngỏ mà dòm. Một lát nó thấy con Liên trong nhà bước ra sân, song không đi thẳng ra cữa ngỏ, lại đi xéo xéo lại góc rào rồi kêu nó. Nó tưởng là con Liên mở cái cữa nào chỗ đó nên biểu thằng Bĩ lấy đồ đạc rồi ôm chạy lại đó. Hai đứa nó vừa đi tới thì thấy con Liên ở trong rào ló đầu lên kêu nhỏ nhỏ mà nói rằng: « Anh Được, cô biểu tôi ra nói với anh phải lập tức đi ra ngoài đầu cầu đúc ngồi mà chờ. Một lát sẽ có một cái xe hai bánh ra rước anh. Cô dặn anh phải nghe lời người ra rước anh đó, họ biểu đi đâu anh cứ nghe theo lời họ chớ đừng có cải, bỡi vì bây giờ anh vô nhà không được. Thôi, đi đi cho mau. Anh biết cầu đúc hay không? Cái cầu lớn bắt ngang qua sông nầy đặng đi xuống Cần-thơ đó là cầu đúc đa. »

Con Liên nói mấy lời rồi trở vô nhà. Thằng Được không hiểu vì cớ nào mà bà Hội-đồng không cho vô mà lại biểu ra cầu đúc rồi sẽ có xe rước. Xe rước đi đâu? Rước chi vậy? Bả không muốn cho mình gặp con Liên hay sao? Thằng Được dắc thằng Bĩ trở ra cầu đúc, và đi và hỏi thầm mấy câu ấy hoài, mà trong lúc ngồi chờ cũng còn hỏi thầm như vậy nữa. Thằng Bĩ thấy thằng Được suy nghĩ quá như vậy thì tức cười rồi vùng nói rằng: « Coi bộ mầy lo giống gì dữ vậy mậy? Bây giờ mình biết chỗ con Liên ở rồi, nếu đêm nay mình không gặp nó được thì sáng mai mình gặp, có việc gì mà phải lo ». Thằng Được không trả lời cứ ngồi ngó lộn vô phía nhà bà Hội-đồng hoài.

Cách chừng 15 phút đồng-hồ thấy có một cái xe hai bánh ở trong ấy chạy ra. Hai đứa nó đứng dậy, có ý dòm coi có phải là con Liên hay là bà Hội-đồng chăng. Xe chạy tới ngừng lại thì thấy trên xe có một người đàn-bà choàn hầu khăn trắng, thằng Được tưởng là bà Hội-đồng nên xâm xâm đi lại. Người ấy hỏi: « Em phải tên Được hay không? » Thằng Được thưa phải. Người ấy liền biểu lên xe đặng đi xuống Cần-thơ. Thằng Được không hiểu vì cớ nào không cho nó vô nhà mà lại đưa nó trở xuống Cần-thơ, bỡi vậy cho nên nó đứng dụ dự rồi hỏi rằng:

— Xuống Cần-Thơ làm gì? Tôi đến đây là có ý muốn kiếm con Liên đặng thăm nó chớ...

— Ậy! Em đừng có cải. Bà Hội-đồng dạy qua đưa em xuống nhà hàng dưới Cần-Thơ mà nghỉ, rồi sáng mai bà dắc con Liên xuống thăm em, chớ bây giờ cho em vô nhà không được. Em đừng có ngại gì hết. Không hại gì đâu. Lên đi kẻo khuya rồi xuống nhà hàng kêu cữa khó lắm.

Thằng Được kêu thằng Bĩ biểu đem đồ đạc để trên xe, rồi hai đứa leo lên ngồi dựa bên người đàn-bà ấy. Tên đánh xe ngồi dưới thùng xe dực cương quất ngựa chạy như dông. Đường tuy quanh quẹo, song ban đêm không có ai đi, nên xe chạy vùng vụt, gió thổi lạnh lạnh. Gần chín giờ xe xuống mới tới Cần-Thơ, chạy vòng lại đậu trước nhà hàng lớn. Người đàn-bà ấy leo xuống rồi đi thẳng vô nhà hàng. Thằng Được ngó vô nhà hàng thì thấy đèn khí đốt sáng trưng, có một người mặc đồ Tây đương đứng tại cữa mà dòm ra ngoài đường. Người đàn-bà ấy vô nhà hàng nói chuyện với người mặc đồ Tây đó một hồi, không biết nói chuyện gì, mà người ấy chạy ra nắm tay hai đứa nó dắc vô, bộ niềm nở hết sức. Người đàn-bà ấy nói với chúng nó rằng: « Thầy nầy là chủ nhà hàng. Bà Hội-đồng dạy qua đưa hai em xuống đây mà nghỉ. Hai em muốn ăn uống vật chi cũng được hết thảy, song bà căn dặn hai em phải ở đây chớ đừng có đi đâu. Để bồi nó dọn phòng rồi hai em lên mà nghỉ. »

Nói dứt lời rồi day lại dặn chủ nhà hàng rằng: « Bà Hội-đồng biểu tôi nói với thầy phải hết lòng giùm cho bà. Hai em nó muốn ăn uống, muốn mua vật chi thầy cũng phải làm cho vui lòng nó, tốn hao bao nhiêu bà Hội-đồng trả hết cho, không sao đâu mà ngại. Thầy nhớ nghe hôn, đừng có cho đi đâu đa. » Người đàn-bà ấy nói rồi liền biểu bồi ra xe xách đồ của hai đứa nó đem vô rồi mới từ giả lên xe mà đi.

Chủ nhà hàng dắc hai đứa nó lên lầu, đem vô một cái phòng rộng lớn, có giường sắt, nệm ruột gà, mùng lưới, trải drap trắng lốp, có bàn mặt đá, có bàn rửa mặt, có tủ kiến, có ghế tô-nê, mà lại có một bộ ván gỏ lán bóng. Thằng bồi đương quạt mùng sửa nệm thấy chủ nhà với hai đứa nó bước vô thì làm riết rồi chạy xuống xách đồ đạc đem lên phòng, lại thưa với ông chủ nhà rằng có khách mời ông xuống nói chuyện. Ông chủ nhà hàng liền biểu hai đứa nó ở đó mà nghỉ, nếu muốn cần dùng vật chi thì cứ kêu bồi mà dạy nó làm cho; chủ nhà hàng đi xuống rồi thằng bồi cũng bước ra khép cữa phòng lại.

Thằng Được với thằng Bĩ đi lại đứng tại cữa sổ mà ngó ra thì thấy sông rộng minh mông, có một chiếc ghe lớn chèo ngang, mà xa xa lại có một chiếc tàu đốt một bên thì đèn đỏ, một bên thì đèn xanh, kéo theo sau một đoàn ghe, chiếc nào cũng có đốt một cái đèn nên xem đẹp lắm. Gió thổi hiu hiu mát mẻ, thằng Được đứng ngó một hồi rồi day lại vổ vai thằng Bĩ mà hỏi rằng:

— Cái gì mà kỳ cục vậy mậy?

— Cái gì ở đâu?

— Tại sao bà Hội-đồng đưa mình xuống đây mà lại dặn chủ nhà hàng phải ân cần săn sóc mình như vậy?

— Mầy quen với bả mà mầy không biết thì tao làm sao mà biết được?

— Tao sợ bả muốn giựt con Liên nên bày mưu kế chi đây.

— Bả làm sao mà giựt được. Tao không lo; nếu bả giựt nó thì mình đến quan mà thưa bả chớ.

— Có phải nó là em ruột mình đâu mà mình thưa được?

Hai đứa đương nói chuyện, thình lình thằng bồi mở cữa xách vô một bình nước trà để vô trong giỏ rồi hỏi rằng: « Sao hai cậu không lên giường nằm mà nghỉ? » Thằng Được ngó lại cái giường thì thấy mùng nệm trắng, rồi ngó lại áo quần thì thấy dơ dáy lắm nên trong lòng lấy làm ái ngại, song cũng gượng mà đáp rằng: « Để đứng đây chơi một chút. » Thằng bồi lại hỏi: « Hai cậu muốn ăn uống vật chi hay không? Ông chủ dặn tôi hễ hai cậu muốn dùng vật chi tôi cũng phải lấy hết thảy, vậy hai cậu muốn ăn uống vật chi thì nói, không có sao đâu mà ngại. »

Thằng Được nghe nói thì ngó thằng Bĩ và đứng ngẩm nghĩ một hồi rồi biểu: « Nếu có vậy, thôi anh cho hai ly nước đá uống chơi. » Thằng bồi cười chúm-chím mà nói rằng: « Nước đá lạnh ngắt ngon lành gì mà uống. Hai cậu muốn uống sữa tươi hay không? Nếu hai cậu chịu thì tôi làm hai ly sữa tươi rồi tôi bỏ nước đá vô uống mới khỏe. » Thằng Được gặc đầu lia lịa và nói rằng: « Được, được. nếu có sữa uống thì tốt lắm. »

Thằng bồi bước ra, thằng Được mới đi lại giường, song ngồi ghé dựa thanh giường chớ không dám nằm, còn thằng Bĩ thì lại bàn rót nước trà mà uống. Thằng bồi bưng hai ly sữa lên để giữa bàn, hai đứa nó ngồi hai bên mà uống coi bộ đắc ý lắm. Uống hết sữa rồi mà hai cục nước đá chưa tan, hai đứa nó mới hả miệng trúc vô họng mà ngậm chơi, chừng nước đá tan hết rồi mới chun vô mùng nằm mà ngủ.

Sáng bữa sau thằng Bĩ thức dậy trước, lên dở mùng leo xuống rồi mở cữa phòng bước ra ngoài, tính đi kiếm nước súc miệng rửa mặt. Thằng bồi đứng quét ở ngoài dòm thấy lật đật chạy lại hỏi:

— Cậu muốn đi đâu?

— Đi kiếm nước súc miệng.

— Có nước tôi múc sẵn trong bầu đó; cậu vô đây tôi rót ra bồn cho cậu rửa.

Thằng bồi dắc thằng Bĩ trở vô rồi rót nước biểu nó rửa mặt, lại lấy khăn lông trắng tươi đưa cho nó lau. Nó lại chỉ cái thùng cho mà tiểu tiện nữa. Thằng Bĩ thấy được sung sướng quá như vậy thì trong lòng nó khoái lạc không biết chừng nào. Thằng Được nghe lộn xộn cũng thức dậy. Thằng Bĩ làm tài khôn chỉ chỗ cho thằng Được tiểu tiện và súc miệng rửa mặt, rồi hai đứa nó lại đứng dựa cữa sổ mà ngó ra ngoài sông nữa. Cách một hồi thằng bồi bưng lên một măm cà-phê sữa với bánh mì. Hai đứa nó ngồi ăn mà lại ước phải có bánh cam ăn mới khoái hơn nữa. Thằng bồi tức cười, song cũng chạy đi mua 4 cái bánh cam đem về cho hai đứa nó ăn.

Lối 9 giờ hai đứa nó muốn dắc nhau ra chợ chơi. Ông chủ nhà-hàng không muốn cho đi, song ông không cản ngay, ông kiếm nhiều lời êm ái ông nói, nên hai đứa trở lên phòng mà không phàn nàn chi hết. Gần 11 giờ, chủ nhà hàng vào phòng rồi kêu bồi biểu dọn cơm trong phòng cho hai đứa nó ăn. Thằng bồi lật đật trải náp đặt bàn, lại có đem lên hai cái ly với một ve rượu chát đỏ nữa. Thằng Được dòm thấy bèn hỏi thằng bồi rằng:

— Anh dọn cơm Tây cho hai đứa tôi ăn hay sao anh?

— Dạ.

— Thuở nay tôi chưa ăn cơm Tây lần nào hết.

Thằng Bĩ xen vô mà nói:

— Ăn cơm Tây cũng như ăn cơm Annam vậy, song không có đủa chén chớ có lạ gì.

Thằng Được cười mà đáp rằng:

— Mầy làm hơi người thạo hoài! Nếu không có chén đủa thì người ta có muổng nỉa. Mà ăn thì ăn bánh mì chớ không có cơm, phải vậy hay không anh bồi?

Thằng bồi dạ một tiếng, rồi đi bưng đồ ăn. Hai đứa nó ngồi ăn, song để khăn một bên chớ không tháo ra mà dùng. Thằng bồi thấy vậy mới tháo khăn đưa biểu choàn ngang ngực kẻo rớt đồ ăn dơ áo dơ quần, Thằng Bĩ không chịu lại nói rằng: « Thây kệ, áo quần của tôi sạch sẻ gì mà sợ dơ nữa. »

Hai đứa ăn vừa rồi kế nghe ngoài cữa có tiếng giày đi rầm rầm, rồi lại nghe tiếng ông chủ nhà hàng nói: « Thưa cô, phòng số 3 đó đa. » Thằng Được không biết có chuyện chi, lật đật chạy lại mở cữa mà coi. Nó vừa đưa tay ra thì cái cữa phòng mở bét ra, bà Hội-đồng bước vô với con Liên và thằng con bà. Bà Hội-đồng thấy thằng Được liền ôm đầu nó mà hun hai ba cái rồi hỏi rằng: « Mấy tháng nay con đi đâu hữ con? » Thằng Được gặp bà Hội-đồng với con Liên thì nó cũng mừng quýnh; nó thấy con Liên mặc áo hàng bông phấn mới, quần lụa trắng cũng mới, chơn đi giày thêu cườm, cổ đeo dây chiền, tay đeo hai đôi vàng, đầu lại cày lược có thắc hàng màu bông hường, vai thì choàn một cái khăn thêu trắng tinh, còn thằng con bà Hội-đồng thì mặc đồ Tây, bộ tướng mạnh mẻ, chớ không phải nằm chún-chứn như hồi gặp dưới ghe nữa. Nó mới hỏi bà Hội-đồng:

— Thưa bà, thằng em đây bây giờ thiệt hết đau rồi, bà há?

— Ừ, nhờ cô đem nó lên Saigon uống thuốc ông Thinh gần một tuần lễ nên nó mới mạnh đó đa. Xưa rày con đi đâu? À! hồi hôm con Liên nó nói ông thầy của con chết rồi, vậy chớ ổng chết hồi nào, ổng đau bịnh chi mà chết vậy con?

Thằng Được kéo ghế mà ngồi; bà Hội-đồng cũng nhắc ghế ngồi dựa bên nó, còn con bà với con Liên thì leo lên giường sắt mà ngồi. Thằng Bĩ lại đứng dựa cữa sổ mà ngó bà Hội-đồng rồi ngó con Liên, không nói chi hết, cứ chúm-chím cươi hoài.

Thằng Được ngồi thuật hết đầu đuôi mọi việc lại cho bà nghe. Nó nói đến lúc thầy trò mắc mưa rồi thầy ngồi tại nhà giấy xe-lửa Phú-Lâm mà chết lạnh, còn nó thì nóng mê mang họ chở vô nhà-thương mà nó không hay, thì con Liên khóc muồi, còn bà Hội-đồng cũng lấy khăn lau nước mắt. Chừng nó thuật tới lúc nó ra Saigon kiếm bà Hội-đồng mà kiếm không được. ban ngày thơ thẩn ngoài đường, ban đêm vô vườn Bồ-rô mà ngủ thì bà Hội-đồng động lòng lắm nên đưa tay ra vuốt đầu nó mà miệng thì nói nhỏ nhỏ rằng: « Tội nghiệp thân con tôi quá! » Chừng nó nói tới hồi gặp thằng Bĩ rồi hai đứa kết làm anh em dắc nhau đi đờn ca mà kiếm ăn thì bà Hội-đồng với con Liên day qua ngó thằng Bĩ rồi bà nói rằng:

— Thằng em đây là thằng Bĩ đó sao?

— Dạ, thưa phải.

— Lại đây ngồi chơi em, lại đây, có ghế đây nè.

Thằng Bĩ bợ ngợ không chịu ngồi, song bà Hội-đồng ép quá nên cực chẳng đã phải ngồi một bên thằng Được mà nghe nói chuyện. Thằng Được mới thuật tiếp lúc nó về chợ Mỷ-Lợi mà thăm ba Thời lại có mua một con heo dắc về mà cho thì bà Hội-đồng ngồi cười ngất. Thằng Được lại mở gói lấy cái khăn bông hường của nó mua tại chợ Cần-giuộc mà cho con Liên. Con Liên cười rồi lấy đội thử. Bà Hội-đồng mới hỏi:

— Con về nhà có gặp người cha nuôi con hay không?

— Thưa, không.

— Đi đâu mà không gặp?

— Thưa, má tôi nói đi làm ruộng đâu dưới nầy, lại có đưa một bức thơ của cha tôi gởi về cho tôi coi, theo trong thơ đó thì cha tôi làm ruộng miệt trong kinh Xà-No.

— Cha nuôi con tên gì?

— Thưa, tên Hữu.

— Con có biết làm ruộng của ai hay không?

— Thưa, không.

Bà Hội-đồng từ hồi mới vô phòng thì ngồi ngó thằng Được kỷ-lưởng lắm, mà chừng nghe nói chuyện tới đó thì bà lại suy nghĩ hết một hồi rồi mới biểu nói tiếp. Thằng Được mới thuật tới chuyện nó đi tìm cha mẹ. Bà Hội-đồng nghe nói tên thầy Lợi thì chưn-hững song bà không nói chi hết cứ để cho thằng Được nói cho bà nghe. Bà nghe nói thầy Lợi dắc qua Khánh-hội mà giao cho một người nghèo nàn mà lại bất lương thì bà buồn hết sức, mà mặt bà lại có sắc giận nữa.

Chừng thằng Được nói dứt rồi, bà mới kêu thằng Hai, là đứa ở trong nhà đi theo xách đồ cho bà, và dạy nó xuống xe xách quả trầu và ôm gói đồ lên cho bà. Bà mở gói ra lấy một cái áo lụa trắng, một cái quần lụa trắng với một đôi giày hàm ếch mà đưa cho thằng Được rồi biểu thằng Hai dắc nó đi tắm rửa cho sạch sẻ đặng thay đồ mới mà mặc. Thằng Được ra khỏi phòng rồi bà mới nói với thằng Bĩ rằng: « Cô không dè nó đi với cháu, vậy để cô về cô biểu bày trẻ may thêm áo quần rồi cô sẽ đem ra cho cháu. »

Thằng Được tấm gội, thay đồ mới và mang giày trở lên phòng, mặt mày tươi rói, bộ đắc ý lắm. Bà Hội-đồng ngồi nhắm nó, rồi kéo tay nó lại gần bà hun hai bên gò má và chỉ thằng con bà mà nói rằng: « Thằng Phong là em con đây nó nhắc nhở con hoài. Nay gặp con thiệt cô mừng quá. » Bà Hội-đồng biểu thằng Hai đi kêu thợ may lại bà đặt cho thằng Được với thằng Bĩ mỗi đứa một cái áo u-hoe, một cái áo sơ-mi, một cái quần Tây và một đôi giày đen. Con Liên theo rờ rẩm thằng Được hoài rồi mới rủ nhau đờn ca chơi cho vui. Thằng Được đờn kìm, thằng Bĩ đờn cò, con Liên thì ca, còn thằng Phong thì cà rà dựa bên đó, cả nhà hàng từ chủ tới bồi thảy đều chạy lên đứng ngoài cữa mà nghe. Bà Hội-đồng nằm trên giường cứ ngó thằng Được mà cười hoài.

Đến xế bà sai thằng Hai ra chợ nấu hai dĩa mì cua và mua ba cắt bánh bao đem lên phòng dọn cho sắp nhỏ ăn chơi. Ăn uống xong rồi bà sửa soạn đi về, bà mới nói với thằng Được rằng: « Nầy con, thôi con với thằng Bĩ ở đây để cho cô về. Cô để thằng Hai nó ở lại đây với con đặng con có cần dùng việc chi con sai nó cho dễ. Con muốn ăn uống hay là muốn mua vật chi thì con biểu nó nói với ông chủ nhà-hàng ổng mua cho. Ban ngày nó coi tắm rửa săn sóc con, còn ban đêm nó trải chiếu dựa cữa đây nó ngủ đặng con cần dùng vật chi con kêu nó cho dễ. Cô muốn đem con về nhà cô mà ở cho dễ, nhưng mà lúc nầy chưa tiện. Vậy có lẽ chừng năm ba bữa nữa cô rước con mới được. Tuy vậy mà vài bữa rồi cô sẽ ra thăm con. Cô xin con một đều nầy là đừng có đi chơi đâu hết, cứ ở đây mà thôi. Chừng nào cô sai người ra rước con thì con sẽ đi. »

Bà Hội-đồng nói rồi bèn dắc con Liên với thằng Phong xuống lầu, đứng nói chuyện với ông chủ nhà hàng một lát rồi lên xe đi về. Thằng Được ngã lăn trên giường nằm ca hát om-sòm, bộ vui vẻ lắm, thằng Bĩ thấy vậy bèn nói rằng:

— Sao mầy vui dữ vậy mậy?

— Tao gặp được con Liên tao mừng quá. Mầy thấy chưa? Tao đã nói bà Hội-đồng tử tế lắm mà.

— Bả tử-tế thiệt, mà bả nhốt mình ở đây tù túng khó chịu quá.

— Ôi! Đi đâu làm chi nữa mậy! Mình ăn ngủ sung sướng như vầy dầu ở đây tới già tao cũng chịu.

— Tánh mầy sao ưa sung sướng quá. Nếu sung sướng hoài như vầy thì có biết việc đời ra thể nào đâu?

— Phải, mầy nói lời đó tao phục lắm. Mà bà Hội-đồng bả dặn như vậy, thôi mình cũng ráng chờ coi bã liệu với mình làm sao đây rồi mình sẽ đi. Nè mầy, mà con Liên bây giờ nó sung sướng quá, tao sợ nó không chịu đi với mình đâu.

Bà Hội-đồng đã nuôi con Liên mà lại còn để lòng thương thằng Được nữa đó, là một người giàu có ở tại Bình-Thủy. Chồng bà thuở trước tên là Phan-thanh-Nhàn. Vợ chồng hồi mới kết nghĩa Châu Trần thì cha mẹ hai bên vừa đủ ăn đủ làm mà thôi, chớ không dư dả. Vợ chồng ra riêng rồi thì hiệp sức nhau mà sán nghiệp, chồng lo khẩn đất làm ruộng, vợ lo cần kiệm trong nhà, thức khuya dậy sớm, chải nắng dầm mưa, lo tảo lo tần; người đã có công mà trời lại thêm giúp vận, nên trong 10 năm thì Phan-thanh-Nhàn đã trở nên một nhà giàu lớn, ruộng kể đến 800 mẫu, lúa ruộng mỗi năm góp hơn 20 ngàn thùng.

Vợ chồng ở với nhau không có con, bà thấy chồng hễ nói chuyện đến việc tương-lai thì thường có sắc buồn, nên bà tính đi cưới cho chồng một người vợ bé, hoặc may kiếm được chút con để nối nghiệp về sau. Dịp cũng may, lúc ấy trong làng có cô Tô-thị-Sảnh là con nhà nghèo mà dung nhan tuấn tú, chồng đi nói rồi mà chưa kịp cưới kế chồng nhúm bịnh mà phải tỵ trần. Cô ta tuy chưa có chồng mà cũng đã mang tiếng chồng chết, nên không ai thèm đi nói nữa. Bà Phan-thanh-Nhàn thấy cô dung mạo mỷ miều ăn nói lại lanh lợi, nhắm nhía thiệt phải người giúp đỡ việc nhà, nên bàn tính với chồng rồi cậy mai đến nói cô đặng cưới về làm bé.

Phan-thanh-Nhàn cưới Tô-thị-Sảnh về thì vợ lớn vợ nhỏ ở với nhau trên thuận dưới hòa, chẳng có một chút chi xích mích. Cách vài năm Tô-thị-Sảnh có thai đẻ được một đứa con trai, vợ chồng Thanh-Nhàn mừng rỡ hết sức, đặt tên nó là Phan-thanh-Hà. Vợ Thanh-Nhàn tưng tiêu săn sóc đứa nhỏ như con ruột, mà lại cưng Thị-Sảnh không cho làm việc chi hết. Thị-Sảnh thấy vậy mới tự kiêu, mà lại ỷ thế có con nên đỏng đảnh làm nhiều cách, nói nhiều lời, làm cho vợ lớn dằn không được phải sanh rầy rà trong nhà. Thanh-Nhàn muốn cho gia-đạo bình an, mới cất thêm một cái nhà ngói nhỏ ở gần ngoài đầu cầu đúc, rồi để vợ bé ở riêng với con cho khỏi đều xích mích.

Vợ nhỏ vừa ra riêng thì ông đắc cử địa-hạt Hội-đồng và vợ lớn lại có thai nữa. Thanh-Nhàn chẳng xiết nổi mừng. mà nhứt là bà vợ lấy làm đắc ý lắm; mà bà càng đắc ý chừng nào lại càng lo lắn chừng nấy nên rước thầy hay mà uống thuốc dưỡng thai luôn luôn. Đến kỳ khai hoa bà cũng đẻ được một đứa con trai, đặt tên là Phan-thanh-Nhả.

Từ ngày Thanh-Nhàn cho vợ bé ở riêng rồi thì đã bớt yêu, mà chừng vợ lớn đẻ được một đứa con thì tính Thanh-Nhàn đối với vợ bé lại càng lợt lạt hơn nữa. Tuy vợ lớn cũng giữ một mực nghiêm chánh mà ở với vợ bé, chớ không phải ỷ mình có con trai rồi mà khinh bạt, song Thị-Sảnh ý không được vui, nếu trước mặt không dám nói tiếng chi vô lễ, chớ sau lưng thường có lời trách móc hoài. Vợ lớn cũng rõ tánh vợ nhỏ chẳng phục mình, nhưng mà vì sợ cực lòng chồng nên khi nào có nghe ai học đều chi thì cũng cứ khuất lấp bỏ qua không hề để ý đến. Bà thương con lắm, nên áo quần mền mủ của con thì bổn thân bà may cho nó dùng mà thôi, chớ không chịu mua mà cũng không chịu mướn ai may hết. Bà lại đặc cho thợ bạc làm một sợi dây chiền vàng nhỏ nho để cho con đeo chơi. Thằng nhỏ được 3 tháng mà không sổ sữa, bà bèn rước thầy thuốc coi mạch hốt thuốc uống đặng mát sữa cho con bú. Thầy thuốc nói bà sữa nóng, không nên cho con bú và khuyên bà phải kiếm mướn một con vú. Bà cũng nghe lời lật đật mướn vú cho con bú.

Khi thằng nhỏ được gần 6 sáu tháng. Thanh-Nhàn rủi lâm bịnh ho, nên vợ chồng dắc nhau lên Saigon chơi cho thong thả và luôn dịp kiếm thầy thuốc Tây hay đặng vợ chồng uống thuốc tiếp dưỡng thân thể. Thanh-Nhàn có một người em trai tên là Phan-đức-Lợi, hồi nhỏ có đi học chữ Tây lên tới lớp nhứt trường tĩnh Cần-thơ rồi thi qua Mỹtho học được hơn một năm kế bị đuổi. Người em trở về ở nhà ít tháng rồi đi theo chúng bạn lên Saigon xin giúp việc cho Trạng-sư. Vợ chồng Thanh-Nhàn hễ đi Saigon thì ở nhà người em, mà cách mấy tháng trước Thị-Sảnh lên cũng ở tại đó.

Phan-đức-Lợi thấy vợ chồng Thanh-Nhàn lên thì mừng rỡ hết sức, nhứt là thấy đứa con nhỏ là Thanh-Nhả thì bồng ẩm hun hích coi bộ tưng tiêu lắm. Đức-Lợi dọn thêm một cái giường nữa ở trong buồng đặng cho anh với chị dâu nghỉ, còn con vú với thằng nhỏ thì giăng mùng nằm tại bộ ván ngoài. Vợ chồng Thanh-Nhàn ở chơi được một đêm một ngày. Qua đêm thứ nhì trong nhà thức nói chuyện chơi tới 11 giờ rồi tắc đèn đi ngủ. Đức-Lợi bổn thân coi đóng cữa. Đến 2 giờ khuya vợ chồng Hội-đồng đương ngũ thình lình nghe con vú kêu và hỏi: « Cô ôi! cô! cô có bồng em vô trỏng hay không vậy cô? » Bà Hội-đồng liền trả lời rằng : « Ai bồng vô trong nầy làm gì. Mầy ngũ với em mà mầy hỏi cái gì kỳ vậy? » Con vú trả lời rằng : « Em đâu mất không có đây cô à ».

Vợ chồng Thanh-Nhàn nghe nói tốc mùng chạy ra quẹt hộp quẹt đốt đèn lên coi thì thấy cữa trước mở hé, còn đứa con nhỏ thì không có ở trong mùng, cái mền của nó cũng đâu mất, mà cái mủ với đôi vớ hồi chiều đi chơi về cổi để tại bàn giữa cũng không còn. Bà Hội-đồng chạy kiếm phát thóng phát thổ, còn ông Hội-đồng chạy vô buồng kêu em thức dậy bơ hơ bài hải mà hỏi coi con mình ai bồng đi đâu. Vợ chồng Phan-đức-Lợi thức dậy dụi con mắt thủng thẳng đi ra, nghe nói mất cháu thì chưng hững. Mấy người ở gần nghe lụi hụi họ cũng chạy qua hỏi thăm, ai nghe nói ăn trộm vô nhà không lấy tài vật chi hết, chỉ bồng có một đứa nhỏ mà thôi, thì cũng đều lấy làm lạ lắm. Phan-đức-Lợi chắc lưởi kêu trời, vội vã đi súc miệng rửa mặt rồi bận áo đi xuống bót mà cớ. Cách chừng một giờ đồng-hồ Đức-Lợi trở về thấy anh đương ngồi khoanh tay, mặt mày buồn xo, còn chị dâu với con vú thì khóc rấm rút, Đức-Lợi nói rằng: « Anh chị đừng có lo, tôi thưa với ông Cò thì ổng giận lắm nên tức tốc sai lính đi chận mấy nẻo đường hễ gặp ai bồng con nít đi thì phải bắt hết thảy. Tôi có nói rõ cho ông Cò biết hình trạng của cháu, bỡi vậy chắc là kiếm được, không mất đâu mà sợ. »

Bà Hội-đồng và khóc và nói rằng: « Chú nó ráng kiếm giùm con tôi, kẻo tội nghiệp tôi quá..... Ai mà ăn ở bất nhơn thất đức lắm như vậy không biết..... Cha chả! Ai có khuấy chơi xin đem trả con tôi lại cho tôi, muốn xin một hai ngàn gì tôi cũng cho hết. » Đức-Lợi nói rằng: « Chị đừng có buồn, bề nào tôi kiếm cũng được, không sao đâu mà sợ. »

Qua ngày mai vợ chồng ông Hội-đồng dắc nhau đi thất-thơ cùng hết mấy nẻo đường mà cũng không biết con ở đâu mà kiếm. Vợ chồng Đức-Lợi cứ theo an ủi và cứ hứa sớm muộn gì kiếm cũng được, mà vợ chồng Hội-đồng ở đó trọn 10 bữa mà kiếm con cũng không được. Vợ chồng dắc nhau trở về Bình-Thủy, bà Hội-đồng nhớ con ăn ngủ không được, ngày như đêm cứ ngồi khoanh tay mà khóc hoài. Ông Hội-đồng an ủi hết sức, tuy bề ngoài bà gượng làm khuây song trong lòng bà chẳng giây phút nào mà quên con được. Thị-Sảnh thấy bà lớn mất con rồi, bộ lại càng kiêu căn hơn xưa, thường hay nói với người lối xóm rằng ngày nào ông Hội-đồng nhắm mắt rồi thì sự-nghiệp của ổng sẽ về tay mình hết. Trong vài tháng thì Phan-đức-Lợi về thăm một lần, mà lần nào về cũng cà-rà ở bên nhà Thị-Sảnh cả buổi.

Có lẽ trời phật thương lòng thành thiệt của vợ chồng ông Hội-đồng không muốn để sự nghiệp của vợ chồng cực khổ gầy dựng ra đó cho người bất lương giành mà hưởng nên cách vài năm sau bà Hội-đồng có thai rồi lại sanh được một đứa con trai nữa đặt tên là Phan-thanh-Phong. Vợ chồng cưng như trứng mỏng, chuyến nầy bà bổn thân nuôi dưỡng, không chịu mướn ai bồng ẵm nữa.

Nhưng mà vì bỡi ông Hội-đồng có bịnh ho nên sanh Thanh-Phong không được cứng cỏi như đứa trước; Thanh-Phong òi ọp hoài, làm cho mẹ cực nhọc với con hết sức. Thanh-Phong vừa được ba tuổi thì bịnh ông Hội-đồng càng ngày càng thêm nặng. Ông lén xuống Cần-Thơ đến Nô-te mà lập tờ chúc-ngôn, nhứt định rằng sự-nghiệp của ông thì bà được quyền hưởng mãn đời, chừng nào bà quá vản rồi con mới được chia với nhau mà hưởng. Trong tờ lại có cước rằng hễ ông qua đời rồi thì mỗi năm bà cấp dưỡng mẹ con Thị-Sảnh 1.000 đồng bạc với 1.000 giạ lúa mà thôi.

Ông đem tờ chúc-ngôn về đưa cho bà dặn bà phải cất cho kỷ, đặng sau vợ nhỏ có tranh tụng thì đem ra mà chiếu đối. Đến chừng ông gần tắc hơi ông biểu đuổi bạn bè ra ngoài rồi ông kêu bà mà trối rằng: « Má nó ôi, tôi liệu trong mình tôi không còn sống được nữa, vậy nên tôi tỏ hết việc nhà lại cho má nó nghe. Má nó cũng biết tánh tôi không phải là tham sắc, nhưng vì tôi muốn kiếm chút con để nối nghiệp về sau, nên tôi nghe lời má nó tôi mới đi cưới vợ bé. Khi tôi cưới má thằng Hà về ở được vài tháng thì tôi đã rõ nó là một người đàn-bà tánh đố kỵ mà lòng lại tham lam nữa, bỡi vậy tôi mới tính cất nhà riêng cho nó ở cho yên. Nào dè nó được sung-sướng mà lại sanh tâm độc ác. Má nó có biết thằng con lớn của mình là thằng Nhả ngủ đêm mà chúng bồng đi mất đó là kế của ai bày đó hay không? Tuy tôi không có đủ bằng cớ, song tôi dám chắc má thằng Hà với thằng em tôi là thằng Lợi chúng nó ta rập với nhau đặng hại mình đó chớ không lẽ ăn trộm nào mà bắt con nít làm gì. Má nó đẻ thêm được thằng Phong nữa cũng là may, ngặt nó yếu quá nên đau ốm hoài tôi lấy làm sợ hết sức. Vậy như tôi có nhắm mắt theo ông theo bà rồi thì má nó rán săn sóc nuôi dưỡng thằng Phong cho lắm nghé, lại cũng phải chịu khó cậy người dọ dẩm mà kiếm thằng Nhả đem về mà nuôi, tôi chắc chúng nó giấu đâu đó chớ không lẽ chúng nó giết, »

Ông Hội-đồng Nhàn chết rồi thì Phan-đức-Lợi về cầm cán cho Thị-Sảnh kiện đặng chia hai gia tài. Bà Hội-đồng nhờ có tờ di-chúc của chồng nên Thị-Sảnh kiện không được, phải chịu phép mỗi năm lãnh 1.000$ với 1.000 giạ lúa mà nuôi con. Phan-đức-Lợi đã phản với chị dâu mà không biết hổ ngươi nên mỗi năm qua lối tháng hai tháng ba liệu góp lúa vừa xong thì lót-cót về cà-rà xin bạc. Bà Hội-đồng tuy nhớ lời trối của chồng thì giận, song bà là một người lương thiện thấy em chồng không lẽ làm lơ nên năm nào hễ Đức-Lợi về xin thì bà cũng cho năm bảy trăm. Có lúc bà Hội-đồng muốn mua lòng Đức-Lợi nên bà năn nĩ xin kiếm giùm thằng Nhả cho bà, bà hứa nếu kiếm được thì bà sẽ cho 5 ngàn đồng bạc. Đức-Lợi nghe hứa số tiền nhiều thì ham nên tính kiếm thằng Nhả đặng lãnh thưởng. Mà trước khi về Saigon lại qua ghé nhà Thị-Sảnh nói chuyện ấy cho Thị-Sảnh nghe. Thị-Sảnh cản trở và biểu phải làm cho biệt tích thằng Nhả mới được, bỡi vì thằng Phong bẩm khí bạc nhược không thế sống lâu được, hễ thằng Phong chết thì gia-tài tự nhiên về trọn nơi tay chị ta, chừng đó chị ta sẽ cho Đức-Lợi một muôn đồng. Chị ta lại sợ Đức-Lợi ham 5 ngàn đồng bạc của bà Hội-đồng mà theo bả nên nói thêm rằng: « Chú nó nghe lời chỉ tôi sợ không xong đâu. Chỉ nói gạt chú nó dắc thằng nhỏ về đây chỉ trở trái làm mặt, chỉ đến Tòa chỉ thưa nói chú nó giấu con chỉ thì chú nó đã không có một đồng su mà lại còn bị ở tù nữa ». Đức-Lợi nghe mấy lời ngồi suy nghĩ một hồi tính làm cho thằng Nhả biệt tích, song buộc Thị-Sảnh phải làm cho anh ta một cái tờ hứa rằng ngày nào ăn trọn gia-tài được rồi thì phải chia cho anh ta một muôn đồng.

Trời Phật không lẽ giúp đứa gian, nên khiến cho bà Hội-đồng chở thằng Phong lên Saigon uống thuốc không đầy một tháng mà nó đã hết bịnh rồi về nhà bà tiếp dưỡng nó thêm nữa, nên lần lần nó mập mạp mạnh khỏe con nít trong xóm không đứa nào bì kịp. Năm ấy ăn Tết vừa rồi, có một tên tá-điền bơi xuồng ra cho bà hay rằng Hương-bộ Hiệp là người bao tá ruộng của bà trong kinh Xà-No mới góp lúa vừa được bốn năm ngàn giạ chận bán hết phân nửa rồi lấy bạc dắc vợ con trốn mất. Bà Hội-đồng nghe nói lật đật dọn ghe hầu và dắc thằng Phong với con Liên đi vô ruộng.

Vô tới Xà-No bà xét lại thì thiệt quả Hương-bộ Hiệp đã giựt của bà hết 2 ngàn rưởi giạ lúa. Vì lúa ruộng góp mới được phân nửa nên bà phải ở lại đó coi góp cho xong đợi chừng nào đổ vô vựa rồi mới về được. Lúc bà ở góp lúa bà thấy có một người tá-điền, tên Hữu, nhậm lẹ giỏi dắn mà lại ăn nói bặt thiệp. Bữa nọ tên Hữu chèo ghe cho bà đi góp lúa, bà ngồi buồn mới hỏi tên Hữu gốc gát ở đâu, có vợ con hay không. Nó thưa với bà rằng nó gốc ở Gò-công khi mới lớn lên nó cưới vợ về sanh được một đứa con, song nuôi không được nên nó buồn chí bỏ vợ ở nhà mà đi chèo ghe mướn. Cách ít tháng nó gặp một con tình-nhơn mới dắc nhau đi xuống đây mà làm ruộng.

Nó thì lo làm ăn hết sức, ngặc con tình-nhơn của nó thì cứ bài bạc hoài, bỡi vậy làm tám chín năm mà cũng không dư dả đồng nào. Đã vậy mà sau con tình-nhơn nó lại còn sanh tâm lấy trai, nó thấy vậy buồn chí mới bỏ mà về xứ tính ở lại với vợ cũ. Chẳng dè về tới nhà thì vợ nhà đã có một đứa con. Tuy vợ nó nói đứa nhỏ ấy là con nó xí được nó nuôi, có trình giấy của ông Cò trên Chợ-lớn và có đưa áo quần của đứa nhỏ mặc hồi xí được đó cho nó coi, song nó không tin, nên hễ thấy mặt thằng nhỏ thì lửa lòng hừng hực, bỡi vì nó bị con tình-nhơn sanh tâm nó đã buồn rồi mà về nhà thấy việc như vậy nữa thì nó không thế vui được. Thiệt nó thấy vợ nó tánh nết hiền hòa nó thương, nó muốn ở với vợ nó, nên nó mới bán thằng nhỏ cho một ông thầy đờn đặng ổng dắc nó đi cho khuất mắt.

Bà Hội-đồng nghe nói tới đó sực nhớ tới thằng Được liền hỏi:

— Thằng nhỏ đó tên gì?

— Thưa, tên Được.

— Ai đặt tên cho nó đó vậy?

— Thưa, vợ tôi nó nói nó xí được nó không biết kêu tên gì nên nó đặt là thằng Được.

— Năm nay nó mấy tuổi.

— Thưa, chừng 14, 15 tuổi.

— Vợ em có nói hồi xí được đó thằng nhỏ được bao lớn hay không?

— Thưa, nó nói chừng năm sáu tháng.

— Hứ! xí được ở đâu vậy?

— Thưa, trên Bình-Tây.

— Cha chả! Hồi xí được đó thằng nhỏ mặc áo quần ra làm sao?

— Thưa, hồi tôi về đó vợ tôi có đưa áo quần cho tôi coi thì tôi thấy có một cái mền tua trắng, một cái mủ, một cái áo đầm, một đôi vớ lại có một sợi dây chiền vàng nữa.

— Húy! Nếu vậy thì phải rồi còn gì!

— Thưa, phải là sao?

Bà Hội-đồng ngồi lặn thinh một hồi rồi lại hỏi:

— Bây giờ em biết thằng nhỏ đó ở đâu hay không?

— Thưa, không. Tôi bán nó rồi tôi ở với vợ tôi không đầy một năm coi cũng không được vui nên tôi bỏ đi xuống đây mà làm ruộng. Bốn năm nay tôi không về lần nào nên không biết nó có trở về nhà hay không.

— Năm ngoái qua chở thằng con qua lên Saigon uống thuốc, đi tới Nước-Xoáy qua có gặp một đứa chừng 13, 14 tuổi đờn ca giỏi quá. Qua có hỏi nó, nó nói tên Được, gốc ở chợ Mỷ-Lợi thuộc trong hạt Gò-công, chắc là nó đó chớ gì.

— Thưa, có lẽ khi phải, bỡi vì tôi bán nó cho thầy đờn, chắc là họ dạy nó học đờn.

— Cha chả! Bây giờ biết nó đi đâu mà kiếm.

Bà Hội-đồng tính để góp lúa xong rồi sẽ biểu tên Hữu về dắc vợ lên cho bà nhìn thử coi có phải là đồ của bà may cho con hồi trước hay không. Bà lại tính để rồi bà cũng sai người tâm phúc lên Mytho tìm thầy Đàng với thằng Được mà dắc về đặng bà biểu tên Hữu nhìn coi có phải là con nuôi của vợ nó hay không.

Bà góp lúa vừa xong, mới về tới nhà thì thấy có Phan-đức-Lợi xuống mà xin tiền.

Bà mới nghe tên Hữu thuật chuyện thằng nhỏ trong bụng bà đương nghi nó là con của bà, về nhà bà thấy mặt Phan-đức-Lợi bà lại nhớ tới lời của chồng trối thì bà giận, bỡi vậy nên bà lơ lản chớ không niềm nở như mấy năm trước nữa. Phan-đức-Lợi thấy bà không được vui nên không dám hở môi, song cũng chà lết ở đó chớ không chịu về. Tối bữa sau Phan-đức-Lợi thấy bà đương ngồi ăn trầu thì cà rà lại gần mà xin bạc. Bà mới hỏi thử coi có kiếm giùm con của bà hay không. Hai người đương nói chuyện với nhau, thình lình con Liên ở ngoài sân chạy vô nói nhỏ cho bà hay rằng có thằng Được xuống kiếm nó còn đứng chờ ngoài cữa ngỏ.

Bà Hội-đồng đã tính sai người đi kiếm thằng Được, nay nghe nói có nó tới thì bà chẳng xiết nổi mừng. Bà vừa muốn biểu trẻ ở ra mở cữa cho nó vô, bà liền nhớ có Phan-đức-Lợi ngồi đó, nếu cho nó vô e có việc bất tiện nên bà bước trái vô buồng biểu nhỏ con Liên lén ra mà biểu thằng Được đi lần lại đầu cầu đúc mà ngồi, rồi bà sai tư Thanh, là người bà con ở coi sóc giùm trong nhà cho bà, thắng xe mà đưa nó xuống nhà hàng Cần-thơ để nó đó rồi bà sẽ liệu định. Trong đêm ấy bà sai bạn vô Xà-No kêu tên Hữu ra, rồi bà đưa bạc biểu phải lập tức đi về Gò-công mà rước vợ và dặn phải đem hết áo, mền, mủ, vớ của đứa nhỏ xí được hồi trước đó lên cho bà coi. Tên Hữu đã có nghe người ta nói hồi trước bà có mất hết một đứa con trai, song bà ở Cần-thơ còn vợ mình xí được đứa nhỏ trên Chợ-lớn, hai xứ cách xa nhau lắm, mà cũng không biết bà mất con hồi năm nào, nên nó chẳng hề có bụng nghi thằng Được là con của bà. Nay bà sai nó đi mà lại dặn dò như vậy thì trong lòng nó mới sanh nghi, bỡi vậy cho nên nó đi riết về Gò-công trong bụng nghĩ thầm rằng nếu thằng Được là con của bà thì là cái phước lớn của vợ nó, bỡi vì vợ nó có công nuôi, mà bà là người giàu lớn, không lẽ bà không đền ơn cho xứng đáng. Nó nghĩ như vậy thì nó mừng, mà rồi nó nhớ tới việc nó khổ khắt thằng Được thì nó lại lo, nếu thằng Được mà quả là con bà Hội-đồng thì nó còn mặt mủi nào dám ngó?

Tên Hữu ra đi rồi thì bữa nào bà Hội-đồng cũng xuống Cần-thơ mà thăm thằng Được và chiều tối ra về thì bà theo căn dặn chủ nhà hàng phải coi săn sóc nó cho kỷ lưởng, nhứt là đừng cho nó đi chơi. Thằng Được tuy không rõ ý bà Hội-đồng, song nó thấy thân nó được sung sướng thì nó lấy làm vui lắm, bỡi vậy đêm nào nó cũng theo chọc thằng Bĩ, cứ nói rằng: « Mầy coi tao nói trúng hay không? Tao nói một ngày kia tao sung sướng lắm, có lẽ ngày sung sướng đó đã tới rồi đây mầy à. » Hễ thằng Được vui thì thằng Bĩ lại buồn; thằng Được thấy vậy nổi giận theo rầy hoài:

— Tao với mầy kết làm anh em với nhau, hễ tao vui thì mầy phải vui với tao chớ sao mầy lại làm mặt quỉ thần hoài vậy?

— Mầy vui chừng nào tao càng buồn chừng nấy.

— Sao vậy.

— Nếu mầy giàu có thì tao có được làm anh em với mầy nữa đâu?

— Mầy nói bậy hoài! Tao giàu thì cũng như mầy giàu, chớ sao lại không làm anh em với nhau nữa?

— Hễ mầy giàu thì mầy chơi với con nhà giàu; đồ trôi sông lạt chợ không mẹ không cha như tao vầy mầy đương thèm ngó tới đa.

— Bĩ, mầy đừng nói xấu cho tao như vậy chớ. Ví dầu ngày sau mà tao có được giàu sang đi nữa, có lẽ nào mà tao quên sự cực khổ của tao mười mấy năm nay cho được mậy. Tao thường có nói với mầy rằng thuở nay trong lòng tao thương có mấy người mà thôi, thứ nhứt là má nuôi tao, thứ nhì là thầy tao, thứ ba là con Liên, còn thứ tư là mầy. Thiệt tao cũng thương cha thương mẹ tao nữa, ngặc bây giờ tao chưa biết cha mẹ tao là ai. Nếu tao được giàu thì tao lập thế đi tìm cha mẹ tao, mà trước hết tao rước mấy người tao thương đó về nhà tao nuôi hết thảy, chớ phải tao như họ, giàu rồi quên bạn nghèo, sang rồi quên hồi hèn đâu mà mầy nói vậy?

Thằng Được nói tới đó rồi day qua ôm thằng Bĩ mà ngủ. Cách 4 bữa sau, lối 11 giờ trưa bà Hội-đồng cũng xuống nhà hàng mà thăm như mấy bữa trước, song ngày ấy bà đi có một mình chớ không dắc con Liên với thằng Phong theo. Bà đem cho thằng Được thêm một cái quần và một cái áo lụa trắng mới may nữa. Lối hai giờ chiều bà ra về bà dặn thằng Được đừng có đi chơi, chừng nào có tư Thanh, là người đàn bà đưa nó xuống nhà hàng hôm trước đó, đem xe rước nó thì nó sẽ đi theo mà lên nhà bà.

Tối bữa đó tên Hữu dắc vợ là ba Thời xuống tới. May lúc ấy Phan-đức-Lợi mắc đi qua nhà Thị-Sảnh mà chơi. Ba Thời bước vô thấy mặt con Liên vùng hỏi rằng: « Uả, con em đây sao nó giống con đi với ông thầy mua thằng Được hồi trước quá vậy mình? » Tên Hữu đáp rằng: « Đừng nói bậy, cô em đây là con cháu của bà, nói bậy không nên đâu. » Con Liên ngó tên Hữu với ba Thời cười chúm chím rồi bỏ chạy vô buồng. Bà Hội-đồng bước ra thấy vợ chồng tên Hữu liền hỏi rằng: « Vợ của em đây phải hôn? » Hai vợ chồng tên Hữu xá bà rồi thưa phải. Bà mới hỏi rằng: « Hai em có đem đồ qua dặn đó xuống hay không? » Tên Hữu thưa có rồi dở thúng lấy một gói đồ mà đưa cho bà.

Bà Hội-đồng ngồi trên ván mở gói đồ ra, tay rung lập cập, miệng vái thầm rằng: « Vái trời phật cho phải đồ của con tôi thì tôi...... » Bà vừa nói tới đó thì cái gói đã mở ra, bà thấy áo mủ vớ mền phải là đồ của bà sắm cho thằng Nhả ngày trước nên bà mừng quýnh, bà nói lớn rằng: « Phải rồi, phải rồi, đồ của con tôi đây mà, đây cái áo đầm nầy tay tôi may, đường kim mủi chỉ làm sao tôi quên được, đôi vớ nầy nữa đây, còn cái mền nầy của ổng mua dưới chợ Cần-Thơ nữa đây; con ôi, con, mấy năm nay con xiêu lạt làm cho mẹ phiền nảo đêm ngày... vậy mà tôi gặp con tôi, tôi không biết nó nữa chớ! » Bà nói mà nước mắt chảy chàm ngoàm. Con Liên thằng Phong và tôi tớ trong nhà không hiểu có việc chi nên chạy ra đứng chung quanh mà ngó. Bà day lại ngó thấy thì bà cười; bà lấy vạt áo lau nước mắt rồi bà ôm hết gói đồ đi vô buồng, lại biểu một mình ba Thời đi theo bà, còn tôi tớ thì xuống nhà sau coi dọn cơm cho vợ chồng tên Hữu ăn.

Vô trong buồng, ba Thời lại móc túi lấy sợi dây chiền mà đưa cho bà coi nữa. Bà Hội-đồng cầm coi cứ nói « Phải rồi, phải của con tôi rồi. » Bà mới biểu ba Thời ngồi mà thuật hết đầu đuôi cho bà nghe coi xí được thằng Được hồi nào, tại đâu, nuôi dưỡng làm sao. Ba Thời nói tới đâu bà khóc tới đó, chừng ba Thời nói dứt rồi bà mới nói rằng: « Thằng Được đó là con của qua. Ơn em nuôi dưỡng nó qua không dám quên đâu. Vậy thôi em ở đây, để mai qua rước nó về sẽ hay. » Ba Thời nghe nói rước thằng Được thì chưng hững, song bà nói vậy hay vậy chớ không dám hỏi.

Khuya thức dậy bà dạy bạn làm một con heo; tản sáng bà sai đi mời làng tổng và thân-tộc tề tựu đủ mặt hết, bà lại cho mời Thị-Sảnh với Phan-đức-Lợi nữa. Thị-Sảnh không hiểu có việc chi nên dắc con là thằng Hà lơn tơn đi qua. Bước vô nhà thấy làng tổng bà con đông dầy-dầy, trong bụng lại tưởng bà Hội-đồng muốn chia gia tài, nên ngó Phan-đức-Lợi và chúm chím cười. Bà Hội-đồng biểu tư Thanh thắng xe xuống Cần-Thơ mà rước hai anh em thằng Được lên; lối 9 giờ bà nghe tiếng lục lạc khua bà biết xe về tới nên bước ra cữa mà ngó. Thằng Được mặc áo quần mới xuống xe đi vô nhà, còn thằng Bĩ với tư Thanh còn lụi hụi xách đồ đi sau. Những người ở trong nhà thấy thằng Được đi vô không biết là con của ai, nên người bước ra mà dòm, kẻ ngồi trong mà ngó. Con Liên với thằng Phong vừa thấy thì lật đật chạy ra nắm tay thằng Được rồi cập một đứa một bên mà dắc vô. Thằng Được vừa bước vô cữa thì bà Hội-đồng nắm tay dắc nó đi thẳng lại trước bộ ván giữa, chỗ Cai-tổng ngồi, rồi ôm nó mà hun trơ hun trất, và khóc và nói rằng: « Mẹ đây con biết hay không con? Tội nghiệp con tôi quá, mới sanh ra vừa được năm tháng rưởi rồi lìa cha lìa mẹ từ đó cho tới bây giờ, thân cực khổ không biết bao nhiêu. Quân ác nghiệt nó làm cho mẹ con tôi lìa nhau, trời nào mà để nó. »

Thằng Được chưng hững mà lại mừng quýnh nên cũng ôm bà Hội-đồng mà khóc chớ không nói chi được hết. Cả nhà ai thấy vậy cũng lấy làm kỳ, mà nhứt là Thị-Sảnh với Đức-Lợi ngó nhau mặt mày biến sắc. Bà Hội-đồng ôm con mà ngồi trên ghế rồi day qua biểu con Liên rằng: « Con vô buồng biểu con Ba ở Gò-công đó ôm đồ của con tao ra đây và nó cũng ra đây cho tao biểu. » Ba Thời trong buồng bước ra thấy thằng Được thì mừng rở hết sức nên lật đật đi riết lại rồi mẹ con nắm tay nhau hỏi han lộn xộn. Tên Hữu cũng lại đứng gần đó, thằng Được ngó thấy liền chỉ mà hỏi: « Tía ở đây hay sao? Má lên đây bao giờ? » Nó day qua bên kia lại thấy Phan-đức-Lợi thì chưng hững liền hỏi: « Uả! có thầy đây nữa mà. » Phan-đức-Lợi day mặt chỗ khác giả như không nghe.

Thằng Được hỏi: « Tía tôi là ai đâu má? » Bà Hội-đồng nói: « Tía con mất hơn 10 năm nay rồi. » Rồi đứng dậy nói lớn lên rằng: « Thưa với Tổng làng và bà con trong tộc, thằng con đầu lòng của tôi là thằng Nhả, nó bị người ta bắt đem giấu mất 15 năm nay, bây giờ tôi mới tìm nó được mà rước về đây. Xưa nay tôi vẩn biết con tôi mất không phải là ăn trộm bắt, thiệt là có một vài người muốn đoạt gia-tài sự sản của vợ chồng tôi nên mới lập mưu mà cắt ruột tôi như vậy. May nhờ trời nhỏ phước cho tôi đẻ được thằng Phong nữa nên tôi bớt buồn, mà nay tôi lại tìm được thằng Nhả tôi rồi thì tôi cũng hết giận quân gian đó nữa. Ở đời tôi cứ giữ lòng lành, ai có quấy thì để cho trời định tội họ ».

Nói tới đó rồi lại ôm con và hun và khóc nữa. Bà hun đã thèm rồi mới xây mặt, dở tay con mà nói rằng: « Đây, bà con coi thử coi gương mặt nầy giống mặt chồng tôi hay không? Còn bàn tay bàn chưn nó giống tôi như khuôn đúc, vậy mà năm ngoái tôi gặp nó tôi có dè ở đâu ». Bà lại dở gói đồ ra lấy từ món đưa lên mà nói: « May con Ba nó xí được nó nuôi mà nó để dành đồ nầy tôi nhìn mới được. Đây, cái áo nầy tay tôi may cho con tôi bận hồi nhỏ đây; còn sợi dây chiền nầy tôi đặt cho anh thợ Chu ảnh làm, còn con dấu của ảnh in phía sau tấm mê-đay-dông (médaillon) rõ ràng quá. »

Bà con làng tổng ai thấy việc như vậy cũng đều áp lại, kẻ thì mừng bà có phước lớn, người thì hỏi thăm thằng Nhả nhỏ lớn ở đâu, duy có Thị-Sảnh, với Đức-Lợi ngồi buồn xo, coi bộ hổ thẹn lắm. Bà Hội-đồng dòm thấy mói đứng dậy nắm tay con dắc lại đứng ngay trước Thị-Sảnh mà nói rằng: « Người nầy là má ghẽ con đó đa, con biết hôn? » Thằng Nhả cúi đầu xá hai ba cái, rồi bà Hội-đồng lại dắc lại chỗ Phan-đức-Lợi ngồi rồi nói: « Còn người nầy là chú ruột con đó đa ».

Thằng Nhả hỏi: « Thưa chú, phải chú ở trên Saigon, chỗ đường Cầu-quan đó hay không? » Phan-đức-Lợi gặt đầu; bà Hội-đồng liền nói rằng: « Hồi con mới 5 tháng rưởi má với tía con lên ở chơi tại đó rồi bị họ bắt họ giấu con đó đa, biết hôn? »

Thằng Nhả mới hỏi: « Chú biết cháu, mà sao hồi tháng giêng cháu đến cậy chú chỉ giùm cha mẹ cháu đặng cháu đi tìm, chú lại dắc đến nhà quân ăn-trộm nào mà bắt cháu ở đó? » Bà Hội-đồng nghe hỏi lấy làm kỳ, nên bà hỏi phăn tới, thằng Nhả phải kể hết mọi việc bên Khánh-hội lại cho bà nghe, làm cho cả nhà ai cũng biết Phan-đức-Lợi gian-trá muốn hại con bà Hội-đồng mà đoạt của. Phan-đức-Lợi hổ thẹn quá chịu không được mới nói lớn lên rằng: « Tại chị nhỏ bày mưu rồi xuối tôi nên tôi mới làm như vậy chớ. » Thị-Sảnh ngồi bên ván óng tiếng cải rân, rồi hai đàng rầy lộn với nhau, ai cũng muốn chữa mình, làm cho thiên-hạ lại thêm biết rằng hai người a ý với nhau đặng hại con bà Hội-đồng rồi chia gia-tài với nhau mà ăn.

Bà Hội-đồng thấy vậy tức cười mà nói rằng: « Thôi, hai đàng chẳng nên đổ tội cho nhau làm chi. Bây giờ bà con làng tổng mới biết, chớ vợ chồng tôi thì biết đã lâu rồi, nhưng vì tôi muốn làm lành đặng để đức cho con ngày sau nên tôi không muốn làm hại ai hết. Vậy tôi xin khuyên chú nó với dì nó đừng có cải lẫy với nhau nữa, miễn là từ rày sấp về sau đừng có ở quấy như vậy nữa thì thôi. » Bà Hội-đồng nói dứt lời liền kêu thằng Hà với thằng Phong lại đặng anh em nó gặp nhau, rồi bà lại kêu vợ chồng ba Thời, con Liên và thằng Bĩ ra đứng trước bà nói rằng: « Vợ chồng chú ba nó có công nuôi con tôi, vậy giữa mặt làng tổng đây tôi xin tỏ lời cám ơn và để rồi tôi sẽ giúp cho mà làm ăn đặng đền ơn dưỡng dục con tôi hồi nhỏ. Còn con Liên với thằng Bĩ là bạn cơ hàng của con qua, vậy từ rày con qua được sung sướng rồi thì qua cũng làm cho hai cháu được sung sướng như nó vậy. »

Cả nhà ai thấy bà Hội-đồng có lòng quản đại không chấp kẻ làm hại mình, mà lại biết thương người có công, thì cũng đều kỉnh phục. Việc rồi bà liền dạy dọn cổ mà đải tổng làng và bà con thân tộc, ăn uống vui cười, mấy năm trước trong nhà quạnh quẻ bấy nhiêu thì ngày nay cũng hỉ lạc bấy nhiêu. Đến trưa thằng Nhả, thằng Bĩ với con Liên lấy đờn để trên ván rồi xúm nhau lại đờn ca, còn thằng Hà với thằng Phong cũng leo lên ngồi chung với chúng nó mà nghe. Bà Hội-đồng ngồi ngó mấy con thì cười hoài, mà giọt lụy tuôn rơi không dứt. Chừng thằng Được ca tới bản Hành-vân của nó đặt đặng đi tìm con Liên thì con Liên mủi lòng bỏ đờn chạy vô buồng đứng mà khóc, ai nấy thấy vậy cũng đều động lòng. Đến xế làng tổng mới kiếu mà về, Phan-đức-Lợi cũng xách hoa-ly trở về Saigon, còn Thị-Sảnh thì đã lén về hồi nào không ai biết được?

Bà Hội-đồng Nhàn mất con đã gần 15 năm, tưởng đáy biển vàng chìm không trông vớt được, nào dè lòng lành trời chẳng phụ nên mẩu tữ được đoàn viên. Bà chẳng xiết nổi mừng, tự nguyện giữ một lòng làm lành mà để âm đức cho con, nên đã không oán trách Đức-Lợi với Thị-Sảnh, mà lại biểu Thị-Sảnh để thằng Hà qua ở chung một nhà với bà đặng cho anh em nó triếu mến nhau, rồi chừng khôn lớn biết nưng đỡ diều dắc nhau cho trọn niềm huynh đệ.

Thằng Nhả ngày nay ăn mặc sung sướng, lên xe xuống ngựa, chớ không phải là thằng Được xách đờn đi ca mà kiếm ăn như khi trước nữa, song nó không đổi tánh, chẳng hề quên mấy người yêu nó trong lúc nó bần hàng, bỡi vậy vợ chồng ba Thời thì cất nhà đẹp để ở trong kinh Xà-No mà coi ruộng cho bà Hội-đồng, con Liên thì áo lụa quần hàng, chơn giày chơn dép cũng như con ruột trong nhà, duy có một mình thằng Bĩ không chịu ở yên nơi, cứ ôm đờn rảo khắp các tĩnh-thành, thằng Nhả năn nỉ hết sức nó cũng không chịu ở. Chẳng những là thằng Nhả hậu đải những người yêu nó trong lúc nó nghèo hèn mà thôi, mà hễ nó thấy con nhà nghèo thì nó lại động lòng thương, nên hay xin mẹ cho bạc tiền hoặc cho quần áo. Người ở trong xóm ai thấy tánh tình nó như vậy cũng đều ngợi khen, duy một mình người viết truyện nầy đã không khen mà lại buồn, là vì thầm nghĩ thằng Nhả nầy nhờ có làm thằng Được trót 15 năm trời nên ngày nay mới biết thương con nhà nghèo như vậy, còn biết bao nhiêu thằng Nhả khác không có làm thằng Được nên chưa nếm đủ mùi cay đắng trong đời, thì ai nghèo mặc ai, mình giàu mình hưởng! Nếu thằng Nhả là con của bà Hội-đồng Nhàn mà không có làm thằng Được trọn 15 năm thì ngày nay nó có biết thương con nhà nghèo hay không? Ai dám chắc.

HỒ-VĂN-TRUNG
tự BIỂU-CHÁNH
soạn.

CHUNG


N. B. — Ít ngày nữa sẽ xuất bản bộ « CHÚA-TÀU KIM-QUI » cũng là của M. Biểu-Chánh soạn.

Saigon. — Imprimerie de l'Union.


Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộngHoa Kỳ vì nó được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929.


Tác giả mất năm 1958, do đó tác phẩm này cũng thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyềncuộc đời tác giả và 60 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn. Tác phẩm này có thể cũng thuộc phạm vi công cộng ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyền dài hơn nhưng áp dụng luật thời hạn ngắn hơn đối với các tác phẩm nước ngoài.