Bước tới nội dung

Cay đắng mùi đời/Cuốn thứ nhứt/Cay đắng mùi đời bình nghị

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cay đắng mùi đời của Hồ Biểu Chánh
Cay đắng mùi đời bình nghị của Đặng Thúc Liêng
CAY ĐẮNG MÙI ĐỜI BÌNH NGHỊ
TỰ NGÔN

Ông Hồ Biểu-Chánh bỡi có từng trải việc ở đời, thấy nơi đâu mà làm ra cuốn tiểu-thuyết « Cay đắng mùi đời »?

Năm trước tôi có tặng ông Biểu-Chánh thi đậu Huyện một bài thi như vầy:

Biết sao gở đặng chuyện u-sầu?
Cắc cớ chơi khoa đậu Huyện đầu.
Làm xã[1] từng quen nhà Tể-tướng,
Khảy cầm vốn sẵn thú phong lưu.
So tài chi kể tài trăm dậm,
Kết bạn đều thương bạn sáu châu.
Cái mục lý-tài đà tính trước,
Chăn dân chẳng nhọc sức lo sau.

Có kẻ coi bài thi ấy, thì tưởng sơ qua cho rằng: ông Biểu-Chánh chơi nơi biển hoạn đã im-liềm, bước tới đường danh càng hớn-hở. Có chi đâu mà biết đặng, nếm đặng cái mùi-đời cay đắng, mà phát-động cái cảm tình, hình-dung cái từ điệu đặng tả ra cho đủ cay đắng mùi đời.

Nếu coi cho kỹ lại một câu phá trong bài thi, thì đủ rõ ông Biểu-Chánh đã từng trải việc ở đời những bao giờ; cho nên đọc « Cay đắng mùi đời » đã khiến cho người xót mắt đau lòng; độc hại thay! Cái văn chương « Cay đắng mùi đời » làm chi lại thêm mùi cay đắng mười phần; Tạo-hóa có như vậy chăng?

Ông Biểu-Chánh thấy tôi thường hay than thở mà đọc câu:

Nhứt chi bá tử hồn-lôn hạ,
Cữu khúc xuyên châu uyển chuyển qua.

Nguyên là câu thi của quan lớn Hiệp-biện Phan-thanh-Giảng ở trong bài thi « Thả-mạt » mà tôi lại dịch ra nôm ngâm nga rằng:

Nuốt Bá một nhành còn trạo trực,
(Hột Bá đắng nghét)
Qua sông chín khúc lắm chìu lòn.
(Khúc sông cay co)

Ông Biểu-Chánh lấy làm lạ cho rằng: Câu thi ấy là của người đã từng nếm mùi đời cay đắng đó chi. Ông Biểu-Chánh khiến tôi cũng nên lựa thêm từ-điệu mà bình-nghị vào « Cay đắng mùi đời » đặng tơ tình đồng bịnh tương liên, sở hành mạt nghịch.

Tôi vưng lời mà nghĩ lại thêm buồn!

Vã Tiểu-thuyết có bốn điệu:

1° Tâm lý (nói chuyện đạo-lý)
2° Chánh trị, (nói chuyện triều-đình)
3° Trinh thám (tra bắt hình-án)
4° Giệm tình (tình-tự)

Thế tình nay đều ưa đọc lấy Giệm-tình mà thôi.

« Cay đắng mùi đời » về điệu Tâm-lý, ai phòng ham đọc; ai phòng ham nghe; dầu có trước tác, có bình nghị, phi cho lắm lắm công-phu, nào có bổ-ích cho ai được chút đỉnh gì? Cay đắng, đắng cay, nghĩ càng thê thảm! Có đâu được ngọt bùi như « Giệm-tình » vậy. Song có một đều công-bố ra đây; chỉ thương vì « Cay đắng mùi đời » thứ nhứt có ba chữ « Làm thằng Được » nếu làm thằng cho được, thì Thánh, Hiền, bỡi nơi đó mà nên danh, Hào-Kiệt cũng bỡi nơi đó mà nên danh. Khi nhập đạo rồi, thì nếm được cái mùi ngon-ngọt, thơm bùi biết mấy.

Làm thằng Được khó làm vậy thay! Được, có phải là tầm-thường, sợ đói lo nghèo, mà vầy bạn đờn ca; tính bề ôn bão.

Mạnh-Tử viết: Lạc kỳ đạo nhi vong nhơn chi thế (vui theo đạo lý, mà quên thế thần của người) xem ra Được có như vậy chăng?

Lại thương cho Ả Liên, tuy nhiều phen giang-hiểm mà không bỏ thú Quê các phong lưu; lại càng thương cho Chàng-Bỉ, tuy lắm lúc phong trần, mà cứ giữ thú Anh-hùng khoái sự.

Làm cho được như Ả-Liên, như chàng Bỉ, vậy có nên cho vào một bực « Làm thằng Được » cùng chăng?

ĐẶNG-THÚC-LIÊNG.
  1. Lúc hội Báo-chương Nam-kỳ hát giúp cuộc Quốc-trái thì ông lãnh vai Xã-trưởng.