Bước tới nội dung

Chị cùng em/4

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Chị cùng em của không rõ, do Nhượng Tống dịch
Chương thứ tư

CHƯƠNG THỨ TƯ

Mấy hôm sau, Ước-Hàn đã khỏi, bèn học tập đến việc làm ruộng và nuôi chim. Học tập ít lâu, chàng lấy nghề nông là một nghề thú-vị lắm. Lại được thày dậy là một cô con gái, nên chàng lại thích bội-phần. Ngoài việc làm ruộng, Bối-Sắc lại dậy chàng học tiếng thổ và tiếng Hà-Lan. Chẳng bao lâu mà đã khá. Phất-Thế ở với chàng, ngày càng thân-mật. Sở-dĩ thân-mật thế, không phải là mong chàng có lúc đền ơn giúp sức, chẳng qua cùng nhau cùng một tính tình, cùng một chí-hướng cho nên tự nhiên sinh ra lòng yêu mến đấy thôi. Một hôm Phất-Thế hỏi Bối-Sắc rằng:

— Cháu xem ông Ước-Hàn tư-cách thế nào? Việc làm ruộng tuy chưa được tinh, song chăm chỉ và tấn tới tưởng cũng ít người được thế. Mới đến đây sáu tuần lễ mà ta xem xếp việc đã gọn gàng, giữ mình vẫn đứng đắn, thực là người đáng quí ở đất này. Bối-Sắc nghe lời, trong bụng nghĩ ông-bác khen thế thực là xứng đáng. Tập việc đã quen, Ước-Hàn liền bỏ tiền vào phần là một nghìn bảng, Thế là từ đó Ước-Hàn cùng Bối-Sắc đã thành ra người cùng ở một nhà. Cùng ở một nhà, một cậu con trai trẻ tuổi cùng một cô con gái đương thì, thân như ruột-thịt, tình quá thầy trò, thì ai bảo lòng nào mà dễ... Vả chăng ngoài hai người ra, không có ai là người thứ-ba xen vào nữa. Cái lòng yêu chuyên nhất nó càng thêm buộc chặt giải đồng. Tuy nhiên, hở môi ra những thẹn thùng. Thương nhau thì để trong lòng đấy thôi!... Ta nên biết rằng yêu nhau mà đến cực điểm, thì cũng như giắt nhau mà trèo tới đỉnh núi cao. Khi ấy hai người chưa phải là đã trèo lên tới đỉnh núi đâu, mới là giắt díu nhau đi ở trên con đường tình vậy. Con đường-tình ấy khuất khúc mà nhiều ngã ba ngã bẩy, người đi thường là hay lạc lối lầm đường. Có lúc mới đi đến chân núi thì gập ngay một cơn gió mưa tầm tã, sấm chớp kinh hoàng, mà cặp khách-tình thành ra cùng phải sa chân hụt bước. Thế nhưng muốn lên thì cứ việc trèo, đến chẳng đến ai nào tính trước!... Có kẻ giắt nhau đi đã trông thấy rõ ràng những cỏ đẹp, hoa thơm ở trên đỉnh, tưởng rằng có thể đến nơi ngay được đấy, thì bỗng rưng lớp sương mù, trận gió thảm lại làm cho lấp lối, nghẽn đường. Kịp đến khi gió kia đã ngớt, sương nọ hồ tan, mà núi cao trông vẫn ngút ngàn, đường dài luống những bàn hoàn chưa qua... Coi đó thì biết rằng cái ái-tình của loài người trong thế-gian ta, cứ thuận-đường nhẹ-bước mà đi, là sự chưa từng có vậy... Ước-Hàn vốn vẫn yêu Bối Sắc là người nhan sắc, song cũng chưa từng tỏ ý cầu-thân. Cái tơ-tình của Bối-Sắc, cũng quấn quít lấy Ước-Hàn chứ không như cô-chị Cơ-Tư, đối với Ước-Hàn vẫn tỏ ra chiều lãnh đạm. Tuy-nhiên, trong cái vẻ lãnh-đạm của Cơ-Tư, lại có cái duyên thầm làm cho người ta phải sinh lòng yêu mến... Ước-Hàn thấy thế, không biết nàng chí-hướng ra sao. Cứ lấy bề ngoài mà xét thì nàng tài học đã giỏi, tiếng hát lại hay, song ít-miệng mắt-nhời so với cô em thì một lạnh, một nồng, khác nhau xa lắm. Cái tính tò-mò nó làm cho Ước-Hàn phải tìm biết đến những điều chưa biết, nên chi mỗi khi rảnh-việc, là Ước-Hàn lại rủ Cơ-Tư ra chơi đồng, Cơ-Tư thì tính vốn hay ra đồng để vẽ tranh. Hai người ngồi nói truyện với nhau, trừ việc học, việc nước ra, không hề nói đến chuyện khác... Lâu dần Cơ-Tư cũng sinh lòng mến. Mỗi khi ra đồng chơi mà không có bạn thì lúc về thường trách Ước-Hàn. Ước-Hàn đã nhiều đường học-vấn, lại giầu tính thông-minh, nên Cơ-Tư chưa yêu, song cũng không đem lòng ghét. Thế là Ước-Hàn chưa dò được Cơ-Tư, mà Cơ-Tư thì đã biết Ước-Hàn. Đã biết Ước-Hàn, giá ở người con gái khác thì tất nhiên đã có lòng gửi thịt trao xương, song ở Cơ-Tư thì không lấy thế làm phải. Nàng cho là người nào có thật biết mình thì mới đáng cho là người tri-kỷ, cho nên nàng kén chọn rất là khó khăn.

Người ta thường nói: Sự đời là do từng trải mà biết ra. Nay Ước-Hàn ở với nàng đã lâu mà vẫn không biết nàng, thì việc đó cũng là việc lạ. Đáng lẽ ở cái tuổi Ước-Hàn là phải biết những hạng đàn-bà như thế. Họ cũng như một viên tạc-đạn, trông ngoài thì vẫn bình thường, không thấy gì là nguy-hiểm, song gần gụi vào, động chạm đến, là có cơ xương thịt tan tành. Cứ trông cái vẻ tinh quái của con mắt cũng có thể đoán được người. Con mắt người ta mà khác với bộ mặt bề ngoài cũng đủ biết là một kẻ ngoài miệng khác mà trong lòng khác. Song Ước-Hàn nào có rõ cái nguy-cơ ấy, thấy nàng hát hay, vẽ đẹp thì đem lòng quyến-luyến, lại nghe nói nàng thường có làm nhiều thơ, thì muốn mượn xem cho biết lời vàng tiếng ngọc, song nàng vẫn giấu không cho... Bối-Sắc vốn là người trung-hậu thực thà. Thấy hai người trò truyện nói cười, thì tưởng rằng thế cũng là một cách khuây-khỏa đỡ buồn, chứ chị ta xưa nay lãnh đạm vô-tình, quyết-nhiên không có lòng nào với con người ấy...

Ấy vì thế mà trên sân-khấu đương lúc âm-nhạc rịu-ràng, trúc tơ êm-ái, thì bỗng rưng nổi khổ phách dồn, pha cung-đàn gấp, khách-tình ai dễ biết đâu... Ước-Hàn hằng ngày cứ từ sáng đến trưa thì ra đồng, quá trưa thì đi săn bắn. Một hôm chàng đang đứng chờ tên đầy-tớ đóng ngựa. Bối-Sắc cũng mặc bộ áo trắng đứng thơ thẩn một bên. Ta nên biết rằng một người con gái đẹp mà mặc đồ trắng thì thêm xinh ra nhiều lắm. Chợt đâu trông thấy Mộ-Lạc cưỡi ngựa đi ở trong đám muôn cây xanh ngắt, Ước-Hàn liền nói:

— Kìa! cô Bối-Sắc! Ông bạn đã đến kia! Bối-Sắc sẽ dậm chân mà rằng:

— Ô hay! Tôi có bạn bè gì với người ấy? Ước-Hàn xo-vai mà đáp:

— Tôi biết đâu đấy! Tuần lễ nào hắn cũng đến đây ít ra là một bận. Tôi thấy thế tưởng rằng là bạn tốt của cô. Thôi, tôi xin phép đi săn. Cô ở nhà mà tiếp chuyện ông bạn ấy... Bối-Sắc nghe nói, đứng quay lưng lại. Chỉ trong một lát thì Ước-Hàn đã đi mà Mộ-Lạc đã đến rồi. Mộ-Lạc xuống ngựa chào nàng, rồi nói:

— Cái lão áo-đỏ ấy đâu không thấy? Nàng đáp:

— Ông hỏi Ước-Hàn đại-úy ư? Đại-úy đi săn rồi. Mộ-Lạc nói:

— Càng hay, vắng lão ấy, chúng mình càng dễ nói chuyện. Nàng gọi:

— Tán-Tắc đâu? Mộ-Lạc cũng gọi:

— Tán-Tắc! Trông ngựa cho ta! không tử-tế thì ông chém chết! Tán-Tắc cười nhạt rồi giắt con ngựa vào chuồng. Bối-Sắc nói:

— Ông Mộ-Lạc! Ông đừng nói thế, Tán-Tắc nó giận. Nó có nói: Ngày trước đã ở hầu ông hai mươi năm. Nàng vừa nói, vừa trông Mộ-Lạc. Mộ-Lạc nghe câu ấy nét mặt khác hẳn, ấp-úng mà nói rằng:

— Thằng nó nói láo! Lần sau nó còn nói thế, tôi sẽ đánh cho nó tan-xác! Tôi ở đây lâu, những đứa người thổ đến làm con ăn, con ở cho tôi rất nhiều, sức đâu mà nhớ được hết. Mộ-Lạc vừa nói, vùa hầm-hầm ra dáng giận dữ, song cái giận ấy chẳng mấy, nét mặt lại tươi tỉnh như thường. Trước còn đứng xa, sau cứ đứng dịch lại gần, tay cầm mũ, tay vuốt râu, cặp mắt ngẩng lên nhìn Bối-Sắc rồi lại cúi xuống trông mũi giầy. Như thế mấy lần, hình như có điều gì muốn nói mà chưa tiện nói. Bối-Sắc biết ý, vội quay lại toan đi vào trong nhà mà nói:

— Xin ông hãy đứng đợi. Tôi có việc, cần phải vào. Mộ-Lạc nắm lấy áo nàng mà rằng:

— Cô hãy đứng lại một tý đã. Bối-Sắc ngảnh lại mà hỏi:

— Ông muốn nói với tôi câu gì thì nói? Tôi cần phải vào. Nói xong đứng lặng-ngắt. Mộ-Lạc ấp-úng mà đáp:

— Tôi, tôi muốn nói... Nói gần nói xa chẳng qua nói thật... Tôi chỉ xin cô thương lấy tôi. Bối-Sắc khác hẳn tiếng đi mà hỏi:

— Thế? Ông nói thật hay bỡn? Mộ-Lạc cất cái dọng run run mà đáp:

— Tôi nói là thực... Tôi yêu cô đã ba năm nay rồi. Mỗi lần gặp mặt, là mỗi lần cái ái-tình của tôi nó lại thêm lên. Đêm nào tôi cũng nằm mơ, tai được nghe tiếng áo quần sột sạt, môi được hôn cô... Cái tình cảnh lúc ấy chẳng khác gì lên tiên vậy... Nói đến đấy, trông thấy Bối-Sắc ra ý tức-bực, thì lại nói tiếp rằng:

— Tôi nói thế thực là bộp-chộp quá, song cô cũng thứ đi cho. Xin cô nghe lời tôi, ruộng của tôi, trừ ở đây ra, còn ở Hoa-Đức và Lê-Đồn mỗi nơi cũng hơn vạn mẫu nữa. Trâu, ngựa tôi nuôi nhiều lắm, mà nào lại còn tiền gửi ở nhà băng. Nếu cô bằng lòng, thì của tôi tức là của cô, tha hồ cô tiêu, tôi không dám tiếc... Vừa nói vừa nhìn, thấy Bối-Sắc cứ điềm-nhiên như không thì lại nói:

— Vậy cô còn muốn thế nào nữa? Nếu cô muốn ở một tòa nhà sang như ở kinh-thành Luân-Đôn tôi cũng có thể làm được. Muốn thế nào tôi cũng không dám tiếc, song xin đừng có tiếc tôi... Nói đến đấy liền nắm chặt lấy tay nàng. Nàng giật tay lại mà rằng:

— Tôi xin cảm tạ tấm lòng tử-tế của ông, song tôi không thể vâng lời được. Ruộng ông nhiều, của ông lắm song lòng tôi không thiết... Từ rầy trở đi, xin ông đừng nói câu truyện ấy với tôi. Kìa ông trông! Bác tôi đã đến kia! Xin ông nên coi câu truyện ấy như gió thoảng mây qua, như không có bao giờ, đừng nghĩ chi đến nữa... Mộ-Lạc đưa mắt trông, thấy có Phất-Thế sắp đi đến thật, liền hỏi:

— Cô nói thật đấy ư? Bối-Sắc nói:

Vâng! Vâng! Sao ông lại còn phải hỏi lại? Mộ-Lạc nổi khùng mà nói:

— Việc này chắc chỉ tại thằng áo-đỏ phá hại, chứ trước kia cô có thế này đâu! Thằng áo đỏ trời-tru đất-diệt kia, thù này tất có ngày phải báo! Tôi bảo thực cho cô biết: Bằng lòng hay chẳng bằng lòng, thế nào cô cũng phải chiều tôi mới phải. Đừng nghĩ trò-trẻ với tôi mà được. Thử đến Khuất-La mà hỏi, sẽ biết tôi là người thế nào!... Thế nào tôi cũng phải lấy cô. Không lấy được thì tôi liều mạng! Liều mạng mà giết thằng áo-đỏ, liều mạng mà cổ-động người nước tôi gây việc binh-đao. Dù thịt nát xương mòn, tôi cũng không sợ... Lúc nói thì ra chiều giận dữ lắm, làu-nhàu nghe chẳng còn rõ ra tiếng gì. Cặp môi lắp bắp, hai mắt gườm gườm, Bối-Sắc thấy thế có ý sợ, song cũng đáp lại một cách cứng cáp rằng:

— Ông đừng nói nữa! Ông nói nữa tôi gọi bác tôi đến bây giờ. Dù thế nào tôi cũng quyết không lấy ông. Ở thế gian này không có cái gì là có thể bắt được tôi theo ông cả. Ông đừng dọa dẫm mà cũng đừng quyến dỗ, nói nhiều chí phí lời thôi, Mộ-Lạc nghe nói, đứng ngẩn ra đến nửa phút rồi cười nhạt mà rằng:

— Rồi đây sẽ có một ngày tôi dùng đến cái kế của tôi, không bằng lòng cũng không được. Nói xong, lui-lủi đi thẳng. Mấy phút sau, Bối-Sắc đã nghe tiếng chân ngựa lộp cộp ở trên đường cái và tiếng kêu khóc ở sau nhà. Nàng còn vơ vẩn về chuyện cầu-hôn, song cũng lần bước đi. Đi đến bên tầu ngựa phía sau thì thấy Tán-Tắc đương hai tay nắm lấy hai đùi, máu ra như tưới, liền hỏi:

— Sao thế, Tán-Tắc? Tán-Tắc đáp:

— Mộ-Lạc nó vừa đánh tôi. Bối-Sắc động lòng, lảm-nhảm rủa Mộ-Lạc. Tán-Tắc đương lúc tức, nhăn nhó như con tườu mà nói:

— Thưa cô! Cô bất tất vì tôi mà xót! Vừa nói vừa đưa cái gậy ra mà rằng:

— Cái gậy này là tôi dùng để đánh dấu lấy những vết thương đây. Bối-Sắc cầm lấy xem, thấy chuôi gậy có ba vết khắc rất sâu, còn những vết nhỏ thì nhiều lắm. Tán-Tắc lại nói:

— Cô có gập Mộ-Lạc thì bảo nó. Nó liệu cái thần-hồn nó với tôi. Thế nào cũng có ngày... Nói xong, đứng rậy đi làm. Ngay lúc ấy thì Phất-Thế đã đến nơi, hỏi Bối-Sắc rằng:

— Sao Mộ-Lạc đi ra lại có vẻ hung-hăng thế?

Bối-Sắc không muốn nói kỹ, chỉ kể qua loa cho người bác nghe. Phất-Thế thở dài mà nói:

— Sao con lại gây thù gây oán với nó? Nó là một đứa thâm hiểm, bác biết nó tức lên thì nó đốt cả trời! Con làm mất lòng một người Anh hay một người Hà-Lan thì chẳng kể làm gì, chỉ có thằng pha-giống ấy thì không thể nói chơi với nó được. Từ rầy con đừng ghét nó ra mặt. Dù chẳng yêu nó thì bề ngoài con cũng nên giả ý thân tình. Bối-Sắc nghe câu ấy, tuy không đáp lại làm sao, song trong lòng thì không lấy thế làm phải.