Bước tới nội dung

Chị cùng em/6

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Chị cùng em của không rõ, do Nhượng Tống dịch
Chương thứ sáu

CHƯƠNG THỨ SÁU

Ước-Hàn mỉm cười mà nói:

— Tôi lấy làm lạ cho cô quá. Không lúc nào nở mày nở mặt. Cô có tự biết như thế không? Cơ-Tư liếc mắt nhìn Ước-Hàn mà rằng:

— Ông bảo tôi không vui ấy ư? Ở đời ai là người vui được. Dù ai có quên mình mà chỉ lo hộ người khác, những hạng lo đời như thế, có gì là vui. Tôi nghĩ ai có chẳng thiết mình mà chẳng thiết đời thì họa chăng mới vui được... Ước-Hàn nói:

— Nếu thế thì ra chẳng thiết gì cả mới là vui hay sao? Cơ-Tư nói:

— Vâng! Những kẻ chỉ biết thiết mình thì còn thiết gì ai nữa. Ước-Hàn nói:

— Như cô nói thì ra người nào vui đều là hạng tự-tư tự-lợi cả đấy hẳn? Tôi tưởng ở đời người ta giữ gìn lấy đức tính, đè nén được sầu cảm, thì khó gì mà chẳng vui. Cơ-Tư lắc đầu mà rằng:

— Tôi nói chưa chắc đã không phải. Ở thế giới này, nay nhớ người xa, mai thương kẻ chết, tìm một người gọi là người thật sung-sướng có phải dễ đâu. Ngày trước bên cạnh nhà tôi có hai mẹ con người đàn bà rất nghèo. Bỗng dưng người mẹ ốm mà chết. Lúc hấp-hối, mẹ con nhìn nhau mà khóc. Cái tình cảnh ấy, ai trông thấy tưởng khó lòng mà khỏi oán chúa-trời đã tạo ra người... Ấy thế mà người ở đời này, nào nhọc lòng nhọc sức, để tranh lợi tranh danh, đến lúc hai tay bỏ xuôi cũng chẳng qua như thế. Bóng câu qua mắt, còn có gì đâu. Ước-Hàn nói:

— Cứ kể như cô thì ở đời không ai là vui thật... Cơ-Tư nói:

— Không! không phải thế! Ý tôi là nói người ta khéo tìm cách ở đời thì cũng có thể vui được. Ví dụ như có hai người yêu nhau, trong lòng chỉ có một người yêu của mình thôi, chẳng nghĩ gì đến sự khác cả Dù cho bỏ rẻ đời mình, vì người yêu mà chết, cũng vui lòng thỏa dạ Chỉ có như thế là vui, chứ chả còn có thế nào là vui... Yêu nhau mà nồng nàn đến nỗi chết cũng cam lòng, như thế mới là thật vui, còn thì mọi sự là giả-dối không đáng nói đến cả... Ước-Hàn nói:

— Cô ngày thường chưa yêu ai thì biết đâu được cái ái-tình của người ta là thế nào?... Cơ-Tư nói:

— Thật thế! Tôi chưa yêu ai cho có thể sống chết vì tình, thế nhưng cái vui của đời tôi, chỉ cầu ở ái tình mới có. Tôi tưởng cái ái tình là cái thìa khóa bí mật của thế-giới-vàng. Ngày xưa chúa-trời lên thượng-giới, để lại cho người đời có cái ái tình. Theo con đường ái-tình mà đi, có thể lên đến thượng-giới được. Ta nên biết, người ta có ái-tình nên mới hơn được muôn vật. Không có ái-tình thì chẳng qua như cầm thú mà thôi. Coi đó thì biết người ta nhờ ở ái-tình có thể lên đến thiên đường.. Ái-tình tức là phương-thuốc trường sinh. Sông có lúc cạn, đá có lúc mòn, chỉ có tấm ái-tình thì bao giờ cũng vẫn thế... Ước-Hàn nghe câu ấy, mới vâng biết lòng nàng. Ngày thường trông nàng lãnh-đạm chừng nào, thì bấy giờ cặp mắt long lanh, lại chứa chan những vẻ thùy-mỵ ôn-hòa chừng ấy. Chàng đưa mắt nhìn nàng, nàng cũng đưa mắt nhìn lại. Bốn mắt cùng nhìn không chớp. Quả tim chàng phải cặp mắt nàng soi đến mà lao-xao đập mạnh, bất giác buột miệng mà nói rằng:

— Vâng! Một người con trai ở đời, mà được một người con gái có bụng thương yêu, thì sống thực cũng không phải là sống uổng... Cơ-Tư không đáp, vẫn cứ đưa mắt nhìn chàng... Chàng lại càng mê mẩn tâm thần... Nàng tự nghĩ: Một người con trai mà coi đã ra kẻ nhu-mì, thì tức là đã phải tơ tình trói-chặt rồi, còn gỡ thế nào cho thoát... Ước-Hàn cũng tự nghĩ: Ta mà được người con gái này yêu đến, âu cũng là may mắn tình-cờ.. Cơ-Tư nhìn một lúc hơi ngượng, liền đưa mắt đi chỗ khác mà rằng:

— Vừa rồi tôi nói, kể ra thực cũng viển vông. Bức tranh vẽ dở chưa xong, tôi phải vẽ cho xong mới được... Nói đến đấy thì Ước-Hàn đã đứng dậy. Chàng nhìn nàng mà nói:

— Tôi xin về trước. Khí trời không tốt. Sợ có mưa ngàn sắp đến. Cô cũng nên thu xếp về thôi. Nói xong trèo lên núi nhặt chim, vác súng, rồi nhẩy lên ngựa, ra hiệu cho con chó về. Chàng đi thong thả có ý chờ, song Cơ-Tư thì vẫn ngồi lại. Bấy giờ về cuối xuân, sắc cỏ xanh rờn, mầu hoa sặc sỡ, trên trời mây ám, bên ngàn gió đưa. Nàng ngồi thơ thẩn một mình, đoái nhìn phong cảnh quanh mình, nào hương sen sực nức, nào tiếng vượn véo von, nào chiếc cắt mớm con, nào đàn chim làm tổ... Cây cỏ, chim muông, đều có vẻ tươi cười thỏa thích, khiến cho nàng trông cảnh xuân mà phơi phới lòng xuân... Cất mình muốn đứng dậy về, song sức yếu xương buồn, đành lại đặt lưng ngồi xuống. Tay sẽ vin lấy cành cây, cặp mắt lim rim ngẫm nghĩ... Thấy mình bây giờ đã khác hẳn với ngày trước chiều xuân bảng lảng, tơ lòng ngổn ngang... Ngay lúc ấy, khí trời bỗng thay đổi, hương hoa đã nhạt, tiếng vượn đã im, chim làm tổ, cắt mớm con, cũng không thấy bên ngàn xào xạc... Nàng sẽ giương cặp mắt trong-xanh mà nhìn lên trên núi, thì thấy mây xám mít mùng, bóng vàng bảng lảng, ngọn gió rung cây đổ lộc, cơn mưa như sắp kéo đến nơi. Định-thần lại, nhớ đến câu nói của Ước-Hàn, nhặt cái bàn vẽ, đứng dậy vào ngồi trong hang núi. Vừa ngồi xong thì đã thấy sấm nổi ầm ầm, chớp chằng nhấp nhoáng, mưa gió ào ào kéo đến, trong rừng trên núi, bỗng đổi ra một cảnh tượng khác thường. Nàng ngồi chỗ hang ấy, có một cái trụ đá đứng sững ngay đối mặt nàng. Bỗng rưng tiếng sét dậy trời, chiếc trụ đã vụn ra từng mảnh. Thế mưa đã ngớt, nàng ra cửa hang rồi tìm đường lên núi. Quần áo ướt như tắm, song cũng cố rảo bước chạy về. Về đến cửa sau, thấy Phất-Thế cầm đèn đứng tựa cửa mà đợi. Thấy cháu về, ông giật mình mà hỏi:

— Cơ-Tư! cháu đã về đấy chứ? Sao ướt át mà lấm láp thế kia? Thế cháu không gặp Ước-Hàn đại-úy à? Đại-úy đem người đi tìm cháu đấy, Cơ-Tư đáp:

— Thưa bác! Cháu đi mưa, chạy vội nên bùn nó bắn và gai nó cào rách cả quần áo. Thôi, cháu xin phép vào thay cho khỏi rét. Nói xong nàng tất tả về phòng. Đi đến đâu, nước dỏ ướt cả thảm trải nhà. Phất-Thế thấy vậy, tự nghĩ rằng: Lúc nó mới đến, chị em cũng ướt át thế này. Ở đây đã lâu, sao nó lại không biết chiều trời sắp mưa mà về sớm một chút?... Cơ-Tư thay áo xong, lòng lại nghĩ vơ nghĩ vẩn đến sự Ước-Hàn đi mưa đi gió, thì lại cảm cái lòng chàng tử-tế với mình. Thay áo xong thì nghe phía ngoài đã thấy tiếng Ước-Hàn. Nàng mừng thầm cái vẻ lôi thôi ướt át vừa rồi, không để mắt chàng trông thấy... Tóc khi ấy còn ướt, phủ bết lên trên trán. Nàng sẽ lau khô, rồi lấy lược chải cho mướt. Xong lại đến gần chiếc gương đứng mà soi. Xưa kia mộc-mạc, bóng chẳng buồn nhìn. Bây giờ lòng đã bận vì tình, sinh ra cũng thích sửa sang ngắm vuốt.