Bước tới nội dung

Chữ trinh: Cái tiết với cái nết

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Chữ trinh: Cái tiết với cái nết  (1929) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 21 (19.9.1929)

Xưa nay trong đạo đàn bà, chữ trinh làm trọng. Mà chữ trinh ta phải biết, nó cũng như những chữ đạo, đức, nhân, nghĩa ; ta có nó[1], là nhờ sau khi hấp thọ văn hóa Tàu. Cũng vì lẽ ấy mà bài này được viết ra.

Chữ trinh, như là một cái tín điều của một tôn giáo riêng cho đàn bà. Làm sao không buộc đàn ông phải trinh mà chỉ nội đàn bà thôi ? Xưa nay chừng như chưa hề có câu hỏi kỳ khôi ấy ; vì người ta đã cho đứt đi rằng cứ hễ đàn bà là phải trinh, không cần hỏi gì lôi thôi nữa. Mà có hỏi, người ta sẽ dẫn những thánh kinh hiền truyện ra mà trả lời ; rút lại, trinh là cái thiên kinh địa nghĩa mà đàn bà phải theo, ở trong dường như có cái nghĩa huyền bí[2] của tôn giáo.

Tôi thì tôi cắt nghĩa đến tận gốc. Trong chữ trinh, chẳng có thiên kinh địa nghĩa nào, và cũng chẳng có gì là huyền bí hết. Đàn ông không giữ trinh mà đàn bà phải giữ trinh, chẳng qua là vì có sự khác nhau về sanh lý mà thôi, nghĩa là đàn ông không có mà đàn bà có chửa nghén sanh đẻ vậy.

Nội sự đó không, mà không có cái chế độ xã hội như ngày nay thì cũng không đủ buộc đàn bà phải giữ trinh. Đàn bà hồi thượng cổ không giữ trinh. Coi như nhiều ông thánh sanh ra không có cha, rồi đời sau bịa ra mà nói : Bà Giản Địch nuốt trứng chim mà đẻ ra ông Khiết, bà Khương Nguyên đạp dấu chưn lớn mà đẻ ông Tắc, vân vân, cho rằng "Thánh nhân không có cha, cảm trời mà sanh ra"[3], chớ kỳ thiệt chẳng phải là không có cha đâu, hồi đó vì thời đại mẫu hệ, đàn bà muốn lấy ai thì lấy, các bả lấy bậy bạ rồi đẻ con thành ra không biết cha đâu mà nhìn. Nhưng từ loài người thuộc về thời đại phụ hệ, cái chế độ gia đình đã vững, thì cái địa vị người đàn bà cũng khác xưa, nếu còn giữ thời lang chạ như bà Giản Địch, bà Khương Nguyên, thì làm bao nhiêu sự khó cho gia đình, cho huyết thống. Vì vậy mà đàn bà phải giữ trinh, chẳng qua cũng là sự cực chẳng đã.

Ở dưới chế độ phụ hệ, con gái thuận về cha, có chồng rồi thuộc về chồng. Con gái mất trinh mà có điều chi ra sẽ bị cha bỏ ; kẻ có chồng mất trinh mà có điều chi ra, sẽ bị chồng không nhìn. Bị bỏ, không nhìn, thì cái thân người đàn bà con gái ra bơ vơ, khốn nạn, nên phải giữ trinh. Ban đầu chỉ là do sự lợi hại của một người, mà sau thành ra cái phong thượng của cả xã hội, ai phạm điều bất trinh thì cũng bị xã hội loại ra nữa.

Cứ theo sự bắt buộc ấy, thì đàn bà con gái nên chuộng cái nết trinh. Tôi nói cái nết, xin độc giả chú ý, vì khác với cái tiết, sẽ nói về sau.

Chữ trinh nghĩa là chánh, cái nết nghĩa là cái nết đoan chánh và chánh chuyên của phụ nữ. Đoan chánh có ý giữ mình nghiêm nghị, không cho ai được phạm đến ; chánh chuyên có ý buộc mình chuyên nhứt, theo với một người chồng mà thôi.

Làm thân con gái phải đoan chánh. Đến lúc có chồng rồi, chánh chuyên mà lại phải đoan chánh nữa. Trinh, không phải là cái nết thuộc về khách quan, mà lại cái nết thuộc về chủ quan. Mình vì cái ý chí cái phẩm giá của mình mà giữ trinh, chớ không phải vì ai, cũng không phải vì chồng nữa, mà giữ trinh. Nói cho cùng tột cái nghĩa chữ trinh, thì một người đàn bà cũng có khi được phép cự tuyệt sự tiết áp bất chánh của chính chồng mình nữa.

Như vậy, trinh là một cái nết. Nhưng về sau, người ta uốn nắn nó thành ra một cái tiết. Cho nên khen người đàn bà chánh chuyên là trinh tiết, là tiết phụ.

Tiết khác nghĩa với nết. Tiết là một cái dấu tỏ ra mình đã làm hết bổn phận của mình đối với người mà mình thuộc về. Một người đàn bà chết chồng, không lấy chồng khác, mà gọi là tiết phụ, cũng chẳng khác nào một người bầy tôi chết vì vua mà gọi là tử tiết hay là tận thần tiết. Tiết phụ là một người vợ đã làm hết bổn phận đối với chồng cũng như “tử tiết chi thần” là một người tôi đã làm hết bổn phận đối với vua.

Cũng thì trinh, mà chuộng cái tiết thì hóa ra ti bỉ không cao thượng bằng chuộng cái nết, do cái lẽ một đằng thì vì mình mà một đằng thì vì người.

Trinh mà chuộng về nết thì một người đàn bà chết chồng có thể lấy chồng khác, không gọi là thất trinh được, miễn là trong khi có chồng khác đó cũng vẫn đoan chánh và chánh chuyên. Nhưng chuộng về tiết thì chết chồng mà lấy chồng khác là thất tiết. Cái luật nghiêm khắc ấy do lòng tham lam và thói ích kỷ của bọn đàn ông bày ra, rất là không công bình.

Trải xem sử sách, thấy người đời xưa chỉ chuộng cái nết trinh mà không ép người đàn bà phải giữ cái tiết trinh. Bên Tàu, từ trước cho đến cuối thế kỷ thứ mười, đối với việc đàn bà cải giá, xã hội coi là thường, không hề phi nghị[4]. Những sự cấm chế vô lý là từ các ông Tống nho về sau.

Sách Cận tư lục có chép một đoạn vấn đáp về việc ấy rằng :

“Có kẻ hỏi : Theo lẽ, chừng như không nên lấy đàn bà góa làm vợ, phải chăng ? – Thầy Y Xuyên (tức Trình Hy, sanh năm 1033) đáp rằng : Phải ; phàm lấy vợ, là để sánh đôi với mình, nếu lấy người thất tiết để sánh đôi thì mình cũng thất tiết. – Lại hỏi : Đàn bà ở góa mà nghèo nàn không nhờ cậy ai được, thì có nên lấy chồng nữa chăng ? – Đáp rằng : Chỉ vì người đời sau sợ chết đói mới nói như vậy ; song le, chết đói là sự rất nhỏ, còn thất tiết là sự rất lớn”.

Từ đó rồi cái luật buộc đàn bà thủ tiết càng ngày càng thạnh hành, càng nghiêm nhặt. Chẳng những chồng chết không được lấy chồng, mà lại phải chết theo ; rất đỗi chưa thành hôn mà chồng chết cũng phải ở góa hay là chết theo nữa. Trải qua các đời Nguyên, Minh, Thanh, trong khoảng tám chín trăm năm, cái mạng người đàn bà Tàu coi chẳng bằng nửa đồng xu nhỏ !

Hồi cuối đời Nguyên, Phan Nguyên Thiệu sắp đem binh ra đánh với Minh Thái Tổ, kêu bảy nàng hầu của mình ra nói rằng : “Ta nếu có điều chi, chúng bay phải liệu mà tự xử lấy mình, đừng để người ta cười cho”. Một nàng quỳ xuống thưa rằng : “Thiếp xin chết trước mặt phu quân, kẻo còn nghi ngại !” – rồi vào buồng tự ải. Sáu nàng kia cũng chết nốt. Thế rồi Nguyên Thiệu ra làm sao ? Va chẳng những là không tử tiết mà lại đầu về nhà Minh !

Cuối đời Minh, Mã Sĩ Anh phò vua Phước vương ở Nam Kinh, Nam Kinh, bị phá, cạo đầu gióc bín[5] mà đi trốn. Sĩ Anh sai xây hầm đá trong núi, toan vào nấp ở đó. Trước khi vào núi kêu vợ là họ Cao mà biểu phải tự tử đi. Cao thị đóng cửa ở trên lầu, ôm đứa con nhỏ mà khóc. Sĩ Anh khiến đầy tớ hối giục đôi ba lần. Cao thị cứ khóc hoài. Sĩ Anh giận lắm, đứng phắt dậy đi vô núi. Cao thị tha thưởi chạy theo, khóc lóc dọc đường, bị quân nhà Thanh bắt được, hỏi ra chỗ Sĩ Anh ở, bèn theo vào bắt giết Sĩ Anh.

Coi hai việc trên nầy thì biết cái luật buộc đàn bà thủ tiết là do lòng ích kỷ của đàn ông, và bởi đó làm cho cái mạng người đàn bà khinh rẻ không ra chi. Vả, như Phan Nguyên Thiệu và Mã Sĩ Anh kia, mình không chết vì nước, sao lại bắt hầu vợ phải chết vì chồng ? Mình còn muốn thoát thân đi trốn, sao không cho vợ trốn theo mà lại bắt phải chết ? Tâm địa của bọn đàn ông như vậy, thật là chó má không còn chỗ nói ; nhưng có phải tự họ làm được sự nhẫn tâm vô đạo ấy đâu, nó là do cái thuyết thủ tiết của Tống nho mà ra vậy.

Ấy, chuộng trinh chuộng về tiết, thì chẳng những giam đàn bà vào trong cái cảnh điu đứng đắng cay và thấp hèn, mà lại còn sanh ra cái tệ khinh rẻ mạng người là như thế nữa. Song, lũ đờn ông ấy họ coi đàn bà như đồ bỏ, chết mấy cũng thây kệ !

Nước ta lâu nay các nhà vua đều lấy nho giáo trị nước. Phải biết rằng non mười thế kỷ nay, Tống nho chiếm cái thế lực trong nho giáo hơn là Khổng Mạnh. Bởi vậy, cái luật buộc đàn bà thủ tiết cũng gần muốn thi hành ở nước ta.

Tra xem lịch sử nước ta, về chuyện tiết phụ, không có đâu nhiều bằng nước Tàu ; và xưa nay cũng không thấy có xảy ra những sự quái gở như chuyện Phan Nguyên Thiệu, Mã Sĩ Anh trên kia đã kể. Lại trong xã hội ta cũng coi sự cải giá là thường, ai ở được cũng tốt, ai không ở được thì lấy chồng, sự ấy chẳng thành ra vấn đề. Tuy vậy, ở dưới cái trị quyền theo học thuyết Tống nho, phụ nữ ta cũng đã bị ngược đãi mà chịu thiệt nhiều bề, không phải ít.

Pháp luật nước nào cũng dựa theo luân lý. Vì theo luân lý Tống nho nên pháp luật nước ta dầu không cấm hẳn đàn bà cải giá, nhưng cũng cướp mất quyền lợi của người đàn bà cải giá. Một người đàn bà chết chồng mà đi lấy chồng thì luật bắt phải ra tay không, giao gia tài cho bên chồng, dầu của ấy là của vợ chồng đồng công mà tạo lập ra cũng mặc. Chồng chết, có con trai, mà đi lấy chồng để kiếm phương thế nuôi con, sau lại về ở với con trong nhà chồng trước, luật cũng không nhìn người đàn bà ấy là vợ người chồng trước nữa, chết đi, không được thờ chung với chồng vào từ đường.

Đã hạ người đàn bà cải giá xuống, thì tưng người đàn bà thủ tiết lên. Nhà vua bèn ban chiếu sắc, cấp biển vàng, sinh biểu cho những người nào ở góa trọn đời hay là tự chết theo chồng. Những cái ân điển ấy thường tình lấy làm vinh hạnh lắm, song nghĩ kỹ ra, chẳng qua là cái biển hiệu tham lam ích kỷ của đàn ông và cũng là cái xiềng để trói đàn bà lại.

Vả, vợ chồng ở với nhau, ái tình sâu nặng, một mai chồng chết, chẳng nỡ lấy chồng khác mà ở vậy, cũng là thường tình vẫn có. Nhưng, ấy chẳng qua là cái nết trinh của một người làm theo ý chí mình, chớ có cần ai thưởng làm chi ? Còn chồng chết mà còn trẻ quá, hoặc nghèo quá, phải đi lấy chồng, ấy cũng là sự hiệp với thế với tình, can chi ai mà lại phạt ? Sự thưởng phạt ấy bày ra, chẳng những là không làm cho phong tục được tốt thêm chút nào mà lại làm cho trong xã hội sanh ra nhiều sự chướng tai gai mắt. Có bà góa lâu năm, mận đào chê chán, rồi già lại, nhờ thế lực kim tiền cũng được thưởng biển vàng. Còn trong các làng, cũng thường thấy những gái góa bị bên họ chồng vu hãm để kiện lấy gia tài luôn luôn.

Ngày nay, trong xã hội ta, cái hay của nết trinh chừng như còn lại không được bao lăm, mà cái dở của tiết trinh vẫn còn đè đầu hết một phần nữ giới. Đó là cái kết quả của sự chuộng tiết hơn nết. Đó là cái di độc của học thuyết Tống nho. Đó là sự ban tứ của quân quyền !

Người ta sanh ra ở đời nay là người ... tự do. Dầu ở dưới chánh thể nào cũng mặc lòng, trông theo ánh sáng của thời đại, mình cũng có thể giữ được cái nhân cách ..... Đàn bà con gái cũng là người, ai lại kém ai ? Tự mình phát nguyện ra thủ tiết thì được ; chớ còn sợ pháp luật mà thủ tiết, ấy là sự làm mất cái nhân cách đàn bà, sự sỉ nhục cho cả và phụ nữ.

Ông Nguyễn Du nói “Chữ trinh có ba bảy đường”; nhưng tôi nói : chữ trinh có hai đường, là nết và tiết. Nết thì hay mà tiết dở. Chuộng nết thì có ích mà chuộng tiết thì có hại. Huống chi đương thời buổi này, cái thói dâm ô tràn ngập cả thiên hạ, đàn bà nước Nam ta nếu muốn giữ lấy nhân cách mình trên nền tự do độc lập thì hãy phản đối cái tiết trinh, mà thứ nhứt là cần phải trau giồi lấy cái nết trinh.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Bản gốc là có nói, chắc in sai, ở đây sửa lại
  2. Bản gốc là huyền ví, chắc in sai, ở đây sửa lại; cũng có thể là huyền vi
  3. Thánh nhân vô phụ, cảm thiên nhi sinh” - Ấy là cái thuyết của các nhà giải kinh bên Tàu ngày xưa (nguyên chú của Phan Khôi)
  4. Phi nghị : phản đối (theo Đào Duy Anh)
  5. Bín : cũng gọi là bím, tóc kết thành dải (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ)