Bước tới nội dung

Chiếu ban cho bà con trong Hoàng tộc

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Chiếu ban cho bà con trong Hoàng tộc  (1945) 
của Bảo Đại

VIỆT NAM HOÀNG ĐẾ BAN CHIẾU
cho bà con trong Hoàng-tộc

Kể từ ngày Đức Thái tổ Gia Dũ Hoàng Đế vào trấn ở Thuận Hóa đến nay đã 388 năm.

Trong non 4 thế kỷ Liệt-Thánh chúng ta trước đã trải qua biết bao nhiêu sự gian lao nguy hiểm vì nước vì dân mới truyền ngôi lại cho trẫm được đến ngày nay.

Cái gia tài quý báu di truyền đã gần 400 năm ấy, nay trong giây phút trẫm bỏ hết cả. Bà con trong Hoàng-tộc ai mới nghe cũng phải đau đớn ngậm ngùi.

Song trẫm biết rằng, đó chỉ là một cái cảm tình thoáng qua trong chốc lát mà thôi, chớ bà con ai cũng sẵn tính bình tĩnh, sẵn trí sáng suốt để xét gần thấy xa, cho nên sau khi đã chuẩn bị lấy ba chữ « Dân vi quí » làm một khẩu hiệu của chính thể mới, sau khi đã tuyên bố: « Để hạnh phúc dân lên trên ngai vàng » « Làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ » nay trẫm nhất định thoái vị để giao vận mệnh quốc gia lại cho một chính phủ có đủ điều kiện huy động hết thẩy lực lượng của toàn quốc mà giữ vững nền độc lập của nước, hạnh phúc cho dân.

Độc lập của nước, hạnh phúc của dân, vì tám chữ đó mà trong 80 năm vừa qua biết mấy mươi ngàn vạn đồng bào đã rơi đầu bỏ xác nơi nước thẳm non xa, trong lao đen ngục tối.

Đối với sự hy sinh của những kẻ anh hùng liệt sĩ ấy của muốn ngàn chiến sĩ vô danh ấy, Trẫm cho sự thoái vị của trẫm là thường.

Vậy trẫm chắc rằng bà con trong Hoàng tộc sau khi nghe lời chiếu thoái vị, ai ai cũng vui lòng để nợ nước lên trên tình nhà mà đoàn kết chặt chẽ với toàn thể quốc dân để ủng hộ chính phủ dân chủ, giữ vững nền độc lập cho tổ quốc. Thế mới là một cách chân chính cao thượng, giữ chữ trung với trẫm và chữ hiếu với Liệt-Thánh.

Việt-Nam độc lập muôn năm
Dân chủ cộng hòa muôn năm
Khâm thử
Phụng Ngự ký: « Bảo Đại »

Ban chiếu tại lầu Kiến Trung, ngày 18 tháng 7 năm Bảo Đại thứ 20 (25 tháng 8 năm 1945)

Số hiệu 1872-GT

Ngự tiền văn phòng cung lục
dấu ngự tiền văn phòng.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng ở Hoa Kỳ vì nó là một sắc lệnh của chính phủ, địa phương hoặc nước ngoài. Xem § 313.6(C)(2) của Bản trích yếu III: Thực hành Văn phòng Bản quyền. Các tài liệu này bao gồm "đạo luật lập pháp, phán quyết của tòa án, quyết định hành chính, pháp lệnh công cộng, và các văn bản pháp lý chính thức tương tự" cũng như "bất kỳ bản dịch nào do nhân viên chính phủ thực hiện khi đang làm nhiệm vụ chính thức".

Các tài liệu này không bao gồm các tác phẩm của Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ, Liên Hiệp Quốc, hoặc bất kỳ cơ quan chuyên môn nào của Liên Hiệp Quốc. Xem Bản trích yếu III § 313.6(C)(2) và 17 U.S.C. 104(b)(5).


Một sắc lệnh của chính phủ không phải Hoa Kỳ có thể vẫn có bản quyền ở bên ngoài Hoa Kỳ. Tương tự như {{PVCC-trong-CP Hoa Kỳ}}, Thực hành Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ ở trên không ngăn cản việc các tiểu bang Hoa Kỳ hoặc các địa phương giữ bản quyền ở nước ngoài, tùy theo luật bản quyền nước ngoài và quy định tư pháp.