Bước tới nội dung

Chuyện "lập hiến" có chăng là chuyện thực?

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Chuyện "lập hiến" có chăng là chuyện thực?  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Đông tây, Hà Nội, số 136 (2. 1. 1932)

Kính gửi ông Phạm Quỳnh

Vừa rồi, ông Phạm Quỳnh vào dự Đại hội nghị ở Sài Gòn. Trừ ra một lần ông hạ cố đến chỗ trú của tôi mà rủi tôi đi vắng, còn thì tổng cộng ông cùng tôi giáp mặt nhau được bốn lần. Biết nhau bảy tám năm trời, mà phải chi cái người quan khinh trọng thì thôi, chứ trước mặt ông, tôi cũng chưa đến là hạng không đếm xỉa, thì trong khi tụ thủ, ước được đàm tâm, hầu để thỏa chút tình khao khát, hẳn ông cũng có ý như tôi vậy. Ngặt vì những lúc gặp nhau đó, hoặc bởi thời giờ bủn xỉn, hoặc bởi cuộc tiệc vui vầy, chẳng lần nào là cái cơ hội thích đáng có thể đem chuyện nên nói ra mà nói, như thế rồi thì ông về, chỉ để lại cho tôi cái tiếc!

Tôi có một vài việc nghi ngờ, mong gặp ông mà thỉnh giáo. Song cái gặp trót đã vô duyên là thế, thì tôi có muốn hỏi, theo lẽ, phải viết thơ riêng cùng ông.

Trong những điều tôi thỉnh giáo, điều trọng yếu hơn hết là chuyện lập hiến, là cái thuyết mà ông chủ trương. Tôi nghĩ, chuyện lập hiến không phải là chuyện chỉ quan hệ giữa ông và tôi, nó là chuyện chung, quan hệ với cả quốc dân, bởi vậy tôi mới không viết thư riêng mà viết lên trên báo.

Nếu là thơ riêng thì là một người bạn hỏi một người bạn. Nhưng nay tôi viết trên báo, thì lại là một nhà làm báo hỏi một nhà làm báo, vì ông Phạm là chủ bút Nam phong, lại cũng là một tên dân hỏi một ông nghị viên, vì ông Phạm chẳng những là nghị viên Bắc kỳ mà là nghị viên của Đại hội nghị Đông  Pháp.

Những lời của tôi trên đây không phải là thừa: một để tỏ sự tôi hỏi là bởi ý chân thành; hai để chứng sự tôi hỏi là dùng quyền chánh đáng. Lại cũng nên kêu tên cái bài này cho trúng nữa: nó, nửa như là bức thư ngỏ cùng ông Phạm; nửa như là bài xã thuyết, đem phô ý kiến với độc giả Đông tây.  

*

* *

Chuyện lập hiến, cái sự ông đã đề xướng lên bằng mấy bài trong báo France-IndochineNam phong, là chuyện thực hay chuyện chơi, tôi xin hỏi ông Phạm Quỳnh?

Hỏi như vậy, mới nghe, có thể cho là hỏi vô phép; lập hiến là chuyện nghiêm trang thần thánh, sao dám ngờ nó là chuyện chơi? Nhưng, trước thưa ông Phạm, sau thưa độc giả, nếu là vô phép, tôi đâu có dám hỏi.

Cái thuyết lập hiến ở xứ ta, chẳng phải bắt đầu có từ ngày nay; hơn mười năm trước, ông Nguyễn Bá Trác, ở bài nghĩ đối sách trong Nam phong, đã đem mà điều trần cùng tiên đế Khải Định; lại sau đó năm sáu năm, ở Viện Dân biểu Trung kỳ cũng đã sôi nổi lên một lần. Duy cả hai lần đó, cái thuyết lập hiến đều như trái pháo không có ngòi, đốt nó, nó chẳng những không có tiếng "đùng" mà cũng không có tiếng "xịt".

Đến phen ông Phạm phát biểu mấy bài Vấn đề lập hiến cho nước Nam lên trên báo, dầu là một tờ báo Tây có giá đi nữa, người ta có thể coi như là tiếng "la làng" của thằng chăn chiên độ nọ, nghĩa là cũng chỉ một chuyện chơi, một chuyện nói mà chơi đó thôi.

Người ta tuyệt nhiên không ai ngờ trái pháo của ông Phạm lần này nó có ngòi. Nó đã được đốt lên mà nổ cái "đùng" rồi. Bấy giờ người ta mới tỉnh ra, nói với nhau rằng: "À! Té ra nó là chuyện thực!"

Sau cái ý kiến ông Phạm phát biểu rồi không lâu, quan thủ hiến Trung và Bắc kỳ đều có nhân dịp diễn thuyết, tuyên bố cái chánh sách mới của chánh phủ, mà công nhiên nói toang chuyện lập hiến ra. Ấy là khi trái pháo có ngòi của ông Phạm đã nổ cái "đùng"; ấy là khi nhân dân Trung Bắc bắt đầu tin chuyện lập hiến là chuyện thực.

Tuy vậy, thực hay chơi, không phải chỉ tại trái pháo nổ hay không nổ mà thôi đâu. Con mắt của nhân dân còn muốn thấy xa hơn chút nữa, xét xem chung quanh tiếng nổ và sau tiếng nổ nữa.

Trải xem lịch sử lập hiến của các nước thấy có hai cách: một là bởi sự xung đột; một là theo lối hòa bình. Xung đột thì trước khi lập hiến không có dự bị, như trước cuộc Đại cách mệnh nước Pháp, Quốc dân hội nghị (L' Assemblée nationnale) phát biểu 17 điều tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền (Déclaration des droits de l'homme et du citoyen) rồi bắt ép vua Louis XVI tuyên thệ và phục tùng. Còn hòa bình thì trước khi lập hiến phải có dự bị, như Nhật Bản, hồi duy tân, đến năm Minh Trị thứ 22 mới ban bố hiến pháp, mà đã tuyên bố cho thần dân biết sẽ có việc ấy, trước đó mười năm.

Bởi xung đột mà lập hiến thì chẳng những vì cái trình độ nhân dân đã cao mà cũng vì họ nóng nảy, toan yêu cầu cho được gấp, có rỗi đâu nói đến chuyện dự bị? Nhưng hòa bình thì lại do sự tiên kiến và quảng đại của vua hoặc chánh phủ, đã muốn chia quyền cho dân và muốn dân biết đường dùng quyền ấy, cũng nên để rộng ngày giờ mà làm các việc dự bị, hầu cho cuộc lập hiến mới được hoàn toàn.

Cho đến bên Tàu, hồi cuối triều Quang Tự, triều đình Mãn trước hứa với dân rằng sau chín năm sẽ lập hiến, kế đó thấy thiên hạ tao động quá, lại rút cái kỳ hạn ấy làm sáu năm. Đã biết sự khất như khất nợ ấy là do người Mãn đối với dân họ không có thành tâm, nhưng cái kỳ chín năm hay sáu năm đó, họ cho là cái ngày giờ để dự bị thì không ai cãi được, bởi vì lập hiến theo lối hòa bình mà rộng ngày giờ để dự bị, ấy là sự cần, bất khả vô.

Nói dự bị, là làm những trò gì? Một đàng là huấn luyện nhân dân; một đàng là thảo luận hiến pháp. Bởi chánh phủ rước trước cái ý nguyện của nhân dân, không đợi cái trình độ chúng nó lên cao mà sinh ra xung đột, cho nên phải huấn luyện; bởi hiến pháp nước nào theo tình thế riêng của nước ấy, cho nên phải thảo luận. Những điều ấy tôi thiết tưởng các ngài đương đạo và ông Phạm còn biết bằng mấy tôi, tôi nói nhiều sợ thừa.

Cuộc lập hiến của nước ta ngày nay, nếu có, chẳng là cuộc lập hiến hòa bình. Cuộc lập hiến hòa bình nào cũng có dự bị, há ở một xứ ta thì không cần dự bị hay sao?

Vậy mà theo lời tuyên bố mấy lần của các quan thủ hiến thì cuộc lập hiến sẽ tới đây như tuồng quá dễ dãi. Tóm đại ý thì là khi đức Bảo Đại ở Pháp về đây, chánh phủ Bảo hộ sẽ giúp ngài mà ban bố một cái hiến pháp chung cho dân Trung, Bắc hai kỳ. Mới đây, có điện tín bên Pháp sang, nói quyết rằng đức Hoàng đế sẽ hồi loan nhằm cuối năm 1932. Như vậy, trong vòng chỉ có một năm nữa, dân Trung, Bắc đã nhờ ơn triều đình và Bảo hộ mà có một hiến pháp chung, hai phần ba nước Việt Nam đã nghiễm nhiên thành ra nước lập hiến, dân chúng tôi mừng quá! mà dân chúng tôi cũng ngại quá!

Ngại là nói liền làm liền, vội vàng thì khó cho đúng đắn. Ngại là vì không có dự bị. Ngại là vì, thưa ông Phạm, [................]

Theo lẽ, một năm nữa lập hiến, một năm nữa ban hiến pháp, thì ít nữa hôm nay cũng đã thấy rục rịch ít nhiều rồi. Nào là lập ra các cơ quan tuyên truyền cho dân chúng, nào là đặt hội đồng thảo luận và chế tạo hiến pháp, làm các việc ấy trong ngày nay, còn sợ người ta quở rằng nước tới chân mới nhảy, huống chi là chẳng làm gì hết, trên dưới đều lẳng lặng như tờ, hay chưa!

Có ai lại dám tưởng rằng dân xứ ta cứ thế là đủ làm dân của một nước lập hiến một cách trọn vẹn mà không cần huấn luyện gì hết sao? Có ai lại dám tưởng rằng cái hiến pháp của ta sau này cứ sao tập một bản hiến pháp nào đó cũng được, mà không cần thảo luận gì hết sao? Duy có tưởng như thế được thì sang năm lập hiến mà năm nay hãy còn ngồi yên!

Thực hay không mà làm như vậy, ông Phạm, tôi dám hỏi?

Có nhiều người phản đối cái thuyết của ông, nhưng theo tôi, bây giờ mà còn phản đối là vô ích. Tôi là tên dân dầu không chạy theo cái lập hiến, chứ cũng đứng im mà coi cái lập hiến. Lập hiến mà thực thì tôi cũng vỗ tay. Nhưng, nếu không thực thì tôi vỗ tay làm gì?

PHAN KHÔI