Bước tới nội dung

Chuyện đời: Phải chăng đã đến ngày mạt vận của thơ mới?

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Chuyện đời: Phải chăng đã đến ngày mạt vận của thơ mới?  (1941) 
của Huỳnh Thúc Kháng

Bài đăng trên Tiếng dân, Huế, số 1595 (12 Juillet 1941), trang 1, 2, mục Chuyện đời".       

Thơ mới ! Thơ mới ! Cái phong triều thơ mới bồng bột một độ, trong làng thơ mới xuất hiện vô số là thi hào, thi bá đi đụng đầu nhau, các tập thơ mới ấn hành như bướm bay, đến các hàng sách và trên mặt báo, quảng cáo và phê bình thơ mới cũng choán[g] một phần lớn. Nói đến nguồn gốc thơ mới, người có học nhiều ít thì phỏng theo thơ Tây, thứ nữa viện thứ thơ “Bạch thoại” bên Tàu từ Hồ Thích xướng ra làm tổ…

Phải như thơ mới, dầu không có thanh điệu, không có luật phép, cả không có vần nữa, mà ở trong còn có ý nghĩa, có kết cấu, như văn xuôi, thì cũng dung thứ được đi. Khốn vì phần nhiều là thứ thơ như gà bươi bếp, như nai nhảy đồng, muốn viết càn viết nhảm thế nào cũng phô cái tên là thơ mới được cả.

Có lẽ vì thế mà trên 10 năm nay, Tiếng Dân không hề nói đến thơ mới, có chăng là một đôi bài viết trong mục “Chuyện đời” này để chỉ trích qua loa vậy thôi. Đến nay mới thấy trong làng Tây học đã có người bác thi mới một cách hăng hái, mà ông Nguyễn Tiến Lãng là một (diễn thuyết tại hội Quảng Tri tháng trước).

Thứ nữa, nhà túc học và tay đàn anh trong làng báo là ông Thông Reo (tức Phan Khôi) trước kia giữa phong triều thơ mới, nhớ như ông có viết một bài về cái đề “mua sò trên xe lửa”, ông nói là thơ mới mà thực ra là điệu thơ cổ phong – vì ông thâm Hán học – tỏ ra ông không phản đối thơ mới, có lẽ ông không ngờ làng thơ mới đó, sau này sản xuất ra vô số những thơ vô nghĩa, ông mới kinh hoảng mà la lớn: “Một tai nạn của văn học !” (bài nầy đăng trong Dân Báo ra ngày 25-6-41), trong bài nay ông chỉ vạch những câu vô nghĩa trong thơ mới, rất là rành rẽ…

Xem hai chuyện trên, đã thấy trưng triệu đổ sụp của thơ mới, có lẽ đi theo hoa quỳnh một nhoáng mà không tồn tại được, mà được thế thì hay lắm vì đỡ cho lớp thanh niên óc non trí cạn, khỏi mất công đọc nhảm.

Trang Tử, nhà triết học phương Đông có nói “cái gì làm dầu ít mà sau to”. Thơ mới ở xứ ta cũng như tiểu thuyết, lúc đầu chỉ một đôi người mô phỏng viết chơi như một tiếng gì nhỏ nhỏ mà tình cờ có những kẻ thổi kèn giục trống, bán ngõ rao đàng, làm cho cái tiếng ấy vang dội và lan rộng ra.

Vậy, Chuông Mai rất biểu đồng tình với ông Nguyễn Tiến Lãng và bạn Thông Reo mà hô lớn rằng: Xứ ta còn sản xuất thứ “thơ mới” là một điều vô phúc cho làng văn nước nhà.

CHUÔNG MAI[1]

   




Chú thích

  1. Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam thì Chuông Mai là bút danh của Huỳnh Thúc Kháng.