Bước tới nội dung

Chuyện hằng ngày

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Chuyện hằng ngày  (1941) 
của Phan Khôi

Các bài đăng trên Dân báo, Sài Gòn, số 587 (3 Juin 1941), trang 1, 2; số 588 (4 Juin 1941), trang 1, 4; số 589 (5 Juin 1941), trang 1, 2; số 590 (6 Juin 1941), trang 1, 4; số 591 (7 Juin 1941), trang 1, 4; số 592 (9. 6. 1941), trang 1, 2; số 593 (10 Juin 1941), trang 1, 2; số 593 (10 Juin 1941), trang 1, 2; số 596 (13 Juin 1941), trang 1, 4; số 597 (14 Juin 1941), trang 1, 2; số 599 (17 Juin 1941), trang 1, 4; số 600 (18 Juin 1941), trang 1, 4; số 602 (20 Juin 1941), trang 1; số 603 (23 Juin 1941), trang 1, 2; số 605 (25 Juin 1941), trang 1, 4; số 606 (26 Juin 1941), trang 1, 4; số 607 (27 Juin 1941), trang 1, 4; số 608 (30 Juin 1941), trang 1, 3; số 609 (1er Juillet 1941), trang 1, 4; số 611 (3 Juillet 1941), trang 1, 3; số 613 (5 Juillet 1941), trang 1, 4; số 614 (7 Juillet 1941), trang 1, 4; số 617 (10 Juillet 1941), trang 1, 4; số 618 (11 Juillet 1941), trang 1, 4; số 620 (15 Juillet 1941), trang 1, 4; số 621 (16 Juillet 1941), trang 1, 2; số 623 (18 Juillet 1941), trang 1, 4; số 625 (21 Juillet 1941), trang 1, 4; số 626 (22 Juillet 1941), trang 1, 4; số 628 (24 Juillet 1941), trang 1, 4; số 629 (25 Juillet 1941), trang 1, 4; số 630 (26 Juillet 1941), trang 1, 4; số 630 (26 Juillet 1941), trang 1, 4.

CHO TRÚNG MƯỜI VẠN TÔI CŨNG KHÔNG

Tôi coi hết thảy những sự coi số mạng, coi địa lý, bàn điềm chiêm bao, bói quẻ, cho đến sấm Trạng Trình nữa, đều là đồ phỉnh con nít, đáng khinh và đáng ghét, không thể vào tai được. Thiên hạ, nhứt là thiên hạ xứ An Nam nầy, phục sấm Trạng Trình lắm. Nhưng mà, tôi hỏi, thứ sấm ấy, có nó ra để làm gì, có được việc gì không?

Cho rằng nói tiên tri mà trúng, thế là tài. Nhưng mà phải hỏi cái tài ấy để làm gì, có ích gì mới được chứ?

Người ta có giải thích rằng: nếu biết được sẽ có tai họa mà tìm cách tránh đi cho khỏi, thì cũng có ích lắm, sao lại không?

Nhưng mà nếu quả có vậy thì lại thành ra một cuộc nực cười. Vì nếu ông tiên tri rằng đến tháng sau đây tôi sẽ chết trôi, rồi ông biểu tôi cữ trong tháng ấy đừng đi sông đi biển. Quả nhiên tháng đó tôi không chết. Thế rồi ông nói rằng tôi nhờ nghe lời ông mà khỏi chết, nhưng đồng thời tôi cũng có thể nói rằng điều tiên tri của ông không ứng nghiệm, bởi ông nói tôi tháng đó chết trôi mà tôi chẳng hề đã chết trôi.

Thế có là tầm bậy không? Là phỉnh con nít chớ gì? Những cái thuật kia cũng vậy cả.

Tôi nhơn đọc cuốn sách của ông Trần Văn Giáp nói về “Hai thiên Văn tịch chí của Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú”, trong có lời chua kể chuyện ông Lê Quý Đôn như vầy:

Đêm trước ngày sanh ra Lê Quý Đôn, cha của ông là Lê Trọng Thứ nằm chiêm bao thấy có một người gõ cửa, và người ấy xin đầu thai làm con. Hỏi tên gì? Người ấy đáp tên mình là Đặng Xuân (một danh sĩ đời nhà Trần) và muốn làm con ông Thứ trong một thời kỳ mười năm. Thứ không bằng lòng. Người ấy phải hứa sẽ ở trong gia đình đến sáu mươi năm, khi ấy ông mới nhận lời và mở cửa cho vào. Ông Thứ thức dậy thì bà vợ đã đẻ. Đứa con đó sau là Lê Quý Đôn.

Bạn đọc đừng nghĩ rằng ở đây tôi cự ông Giáp là người lấy câu chuyện chiêm bao ấy chua vào sách; nhưng tôi chỉ cự câu chuyện ấy, vì nó tầm bậy đáng ghét quá.

Đó là câu chuyện giảng về luân hồi mà cũng giảng về tiền định. Vì cái ông cầm số (ông gì không biết) đã định cho Lê Quý Đôn sau nầy phải hay chữ, cho nên sai Đặng Xuân xuống (ở đâu xuống?) đầu thai. Mà đã là Đặng Xuân đầu thai thì thế nào Lê Quý Đôn cũng sẽ hay chữ. Tiền định là vậy.

Đã tiền định về tài học, thì về số tuổi, sống bao nhiêu năm, sao lại không tiền định? Mà cái thứ hai nầy đáng lẽ lại còn phải tiền định hơn, vì “tử sinh hữu mạng”, rồi mới đến “phú quý tại thiên”. Thế mà Đặng Xuân vừa mới nói “ở mười năm”, ông Thứ không ưng, va liền có thể thêm 50 năm nữa để được ông Thứ vui lòng mà mở cửa, là nghĩa gì? Như thế thành ra niên thọ của người ta hay là sự sanh tử lại không tiền định!

Trong một câu chuyện mà ý nghĩa tương phản với nhau như thế, ai mà nghe được?

Đành rằng câu chuyện ấy do kẻ háo sự bịa ra. Đáng thương hại là bịa ra một cách dở quá, vụng về quá, trở làm cho đáng ghét.

Ai bảo tôi tin những cái ấy rồi qua ngày mồng bốn tới đây sẽ cho trúng mười vạn tôi cũng chẳng tin nào.

THÔNG REO

TỚI TUỔI RỒI THÌ NÊN CHẾT

Tôi nghĩ người ta ở đời, chết sớm quá thì cũng đáng lấy làm tội nghiệp thật, chứ đã sống đến bực 60, 70, 80 tuổi thì cũng nên chết đi không còn tiếc gì nữa.

Đến 60 tuổi trở lên rồi lại còn là cần phải chết, vì nhiều khi nếu không chết sẽ phải chịu lắm điều thống khổ còn hơn là cái thống khổ trong khi sắp chết.

Tôi thấy có ông cụ 90 tuổi, quan to, con đông, nhà có tiền, đau một trận thật ngặt mà nhờ tốt thuốc lắm nên qua khỏi. Đến năm sau, 91 tuổi, thì người con trai giữa của cụ gặp một tai nạn lớn mà chết; một người con dâu và một người vợ mọn của cụ vì đánh lộn nhau, cụ không phân xử được mà phải đưa ra tòa. Gia đình của cụ là gia đình có phước mà đến lúc bấy giờ đã trở nên một gia đình tồi bại, nhục nhã, mang tiếng mang tai.

Ông cụ ấy, giá trong năm 90 tuổi, khi thọ bịnh, đừng có thuốc men gì cả, để cụ quy tiên đi, thì chẳng là được khuất mắt, khỏi thấy mọi sự đau đớn xảy ra cho nhà mình trong năm sau?

Ấy thế mà, hiện nay, cựu hoàng đế Uy-liêm đệ nhị của nước Đức cũ, kiều cư bên Hòa Lan, bị bịnh nặng, theo lời thông tin của các báo, thì những người hầu hạ chung quanh ngài còn lấy làm lo sợ lắm kia đấy.

Lo sợ! Tôi không biết họ còn lo sợ cái gì?

Cựu hoàng đế Uy-liêm đệ nhị từ khi nước Đức bại trận qua ở bên Hòa Lan năm 1918 cho đến nay, cũng đã già lắm rồi, đâu tới tám chín chục tuổi rồi mà không để cho chết thì còn sống làm gì nữa?

Không ai có phước được như vị hoàng đế ấy. Kể từ khi thất bại bị an trí một chỗ, vẫn được mạnh khỏe luôn hơn 20 năm để thấy lại nước Đức phục hưng. Hiện ngày nay, tổ quốc của ngài đương giao chiến với các nước Âu châu lại luôn luôn thắng lợi, và nước Đức đã trở nên là nước Đại Đức. Giữa lúc đó, giá trời đất, quỷ thần, ông bà phù hộ, cho ngài nhắm mắt phứt đi, chẳng là chết trong sự vinh quang, chết trong danh dự hay sao? Thế mà không chết, chẳng là uổng lắm sao?

(kiểm duyệt bỏ một đoạn)

Ở nước Pháp ngày xưa, ông Molière chủ trương cái thuyết có bịnh không chữa bằng thuốc, tự nhiên cũng khỏi, lấy lẽ rằng cái sức sống trong người ta qua cơn đó sẽ làm cho bình phục lại liền. Bên Tàu, cả nhà ông Tăng Quốc Phiên từ ông cho tới cháu ba đời đều nghĩ và thực hành giống như cái thuyết ấy. Sự thực có phải thế không? Tôi không dám chắc.

Đau mà không uống thuốc để được bình phục, để được sống, thì tôi không dám chắc, chứ không uống thuốc để cho chết, mà bịnh lại bịnh già nữa, thì tôi đám chắc mười phần. Nghĩa là chắc chết.

THÔNG REO

DỊCH LIỀU DỊCH LĨNH

Hôm trước ở chỗ nầy, tôi có nói chuyện, trong một cuốn sách dạy chữ Hán, người ta dám đặt rằng “xuất viên ngoại” rồi dịch tiếng Nôm là “ra ngoài vườn”.

Ai mới thấy, tưởng đó là do chữ Hán dịch ra tiếng An Nam, chứ kỳ thực là do tiếng An Nam dịch ra chữ Hán mà dịch liều dịch lĩnh.

Hôm nay tôi đọc một cuốn sách, thấy có dùng ba chữ “gạch trí khôn”. Ba tiếng mẹ đẻ ấy, tôi không hiểu nghĩa là gì, vì từ xưa đến giờ trong tiếng An Nam chẳng hề có nói như vậy. Ngẫm nghĩ một lúc, tôi mới biết đó là bởi “trait d’ esprit” của tiếng Pháp dịch ra.

Rồi có kẻ mách cho tôi rằng cái sự dịch “trait d’ esprit” ra “gạch trí khôn” chẳng phải bắt đầu từ cuốn sách đó mà từ nhóm Tự Lực văn đoàn; một người trong nhóm nầy dã dùng nó lâu rồi, và chỉ dùng nó một cách như sự đùa bỡn.

Thế mới biết cái sự đùa ở trong một cái xứ như xứ nầy nó có hại là thế. Người thứ nhứt thì đùa, mà người thứ nhì thì tuồng là thật, là sự đứng đắn, cong lưng bắt chước nữa. Nếu có người thứ ba thứ tư nữa thì rồi cái sự đùa ấy lại nghiễm nhiên thành ra cái đứng đắn ngay đi.

Sao biết là đùa? Vì trong cái thành ngữ “trait d’ esprit” chữ “trait” đã mất nghĩa là “gạch”, và chữ “esprit” cũng mất nghĩa là “trí khôn” nữa, khi chúng nó hiệp lại thành một cái thành ngữ như thế chỉ có nghĩa là “câu văn xuất sắc” hay là “ý tứ ngộ nghĩnh”.

Vậy, “trait d’ esprit” là  câu văn xuất sắc hay là ý tứ ngộ nghĩnh, mà nếu dịch là “gạch trí khôn” thì còn có nghĩa gì đâu!

Thế thì kẻ đã dùng ba chữ nầy cũng bởi dịch liều dịch lĩnh như kẻ đã dịch ba chữ Hán trên kia.

Cái lối dịch như vậy không thể được, không nên có; vậy mà giữa chúng ta đã thấy có nhiều lần.

Năm xưa ở Hà Nội có ông kinh lý, mà ở đó gọi ông tham, trong khi nói chuyện với chủ về việc gì đó, nói rằng: “Si cola est vrai, le ciel tombera”. Đó là ông định dịch câu chúng tôi hay nói “Có thật thế, họa là trời sập”, để tỏ ý rằng việc ấy không thể nào có được. Nhưng nói bằng tiếng Pháp như thế thì không có nghĩa chi cả, cho nên người chủ nghe mà không hiểu là gì, hỏi đi hỏi lại đến mấy lần: “Qu’ est ce que vous avez dit?” (Ông mới nói gì đó?).

Nột quá, ông kinh lý không trả lời được, ông phải chối phăng đi mà rằng: “Je ne dis rien” (Tôi không có nói gì hết!)

Tôi phải chịu ông kinh lý ấy là khôn ngoan, và cái cách ứng đối của ông cũng dứt khoát như khi ông đo đất! Giá phải ông quê mùa, dứng mà cắt nghĩa chữ “ciel tombera” cho ông chủ của ông đến hiểu, thì nó lôi thôi biết mấy!

THÔNG REO

 

TỪ THÁP NGÀ BƯỚC RA ĐÀN CHÁNH TRỊ

Trong đám học giả xưa nay, bất luận ở xứ nào, có nhiều người có chung một cái hoài bão: không muốn yên phận làm học giả mà muốn từ biệt cái tháp ngà của mình hầu bước lên đàn chánh trị, nghĩa là ra làm quan.

Sử giặc ra là từ ông Khổng Tử. Ông ấy nói: “Cái thứ chép bằng lời nó trống không, sao bằng bày tỏ ra ở việc làm rõ rệt”. Bởi đó mà ông châu du khắp bảy mươi hai nước chư hầu, đến nỗi xe mòn ngựa mệt mà chẳng ngồi được một cái ghế thượng thư hay tổng trưởng nào hết.

Rồi có nhiều người bắt chước làm như ông Khổng. Họ nói: Ấu đã học thì tráng phải hành. Nhưng chẳng biết theo thực sự, có thể “hành” được cùng chăng; chỉ một điều người ta thấy rõ và biết chắc, là một vị học giả sau khi đã nhảy sang chánh giới rồi, chữ “hành” tạm không cắt nghĩa là “làm” mà cắt nghĩa là “đi”; đi ô tô nhà nước sắm hay là đi bốn lọng.

Phần nhiều học giả ở bên Tàu gần đây đều như thế cả. Trước kia, hồi chưa có Trung – Nhựt chiến tranh, họ đều viết báo viết sách kiếm ăn ở Thượng Hải, làm cái nghề bạc bẽo mà không bao giờ giàu có sung sướng được. Nhưng đến sau khi cuộc chiến tranh Trung – Nhựt nứt ra, chánh phủ cần dùng nhiều nhân tài nên bọn họ đều được lượm lặt đặt lên trên các ghế bất luận là trọng yếu hay không trọng yếu. Thế rồi những viên ký giả tác giả mới ngày nào đó bây giờ đã trở nên tổng trưởng hay thứ trưởng bộ nọ bộ kia, mà có ai đã thấy họ làm ra được trò trống gì đâu?

Đó là cái nội tình của phường học giả Trung Huê, tôi ở đây làm sao biết được mà nói? Chẳng qua nhờ có một ông Huê kiều trong khi đàm đạo với tôi mà có than rằng như thế tôi mới biết.

Nhưng ông Huê kiều ấy không quên ngoại trừ một người, trong khi nói chuyện với tôi, người ấy là Hồ Thích.

Cũng từ có cuộc đánh nhau với Nhựt, Hồ Thích, một vị học giả xuất sắc nhứt của nước láng giềng phía Bắc chúng ta, mới được cử sang làm đại sứ bên Hoa Kỳ.

Lúc đầu Hồ Thích cũng như một ông quan ngoại giao khác, chưa có công trạng chi. Từ khi ngoại giao với Tô Nga thất bại, chánh phủ Trùng Khánh phải níu lấy nước Mỹ thì Hồ Thích làm như cái dây dùng để buộc chặt hai bên. Ông ấy hoạt động lắm ở Hoa-sanh-tông từ khi ngoại trưởng Nhựt Tùng Cương ở Âu châu về, làm cho người Mỹ người Tàu thảy đều chú ý.

Từ đó đến nay, địa vị của đại sứ Hồ được sắp ngồi vào giữa ông tổng thống và ông thủ tướng nước ấy, làm cho cả quốc dân Tàu đều cảm thấy sự vinh quang. Mới rồi một trường đại học có tiếng ở đó lại tặng cho Hồ cái ngôi danh dự bác sĩ[1] nữa, Hồ nếu chẳng là một người có tài xứng đáng thì làm sao có được cái vinh diệu ấy?

Ở cái tháp ngà ra mà được như thế hãy nên ra. Còn không thì cứ bẹp dí như Thông Reo: 1931: “Câu chuyện hàng ngày” thì 1941 cũng lại: “chuyện hàng ngày”.[2]

THÔNG REO

CỜ BẠC TRỐN XÂU CŨNG KHÔNG BỊ BẮT

Ở Sài Gòn có một hạng người quanh năm sống nhờ cờ bạc, dù bị cấm bị bắt thế mấy đi nữa họ cũng đeo theo.

Ấy là những sòng bài cào đánh giữa đường phố mà ăn thua không nhiều, chỉ chừng mấy đồng đến mấy chục đồng. Những người ấy, không để họ đánh bạc như thế thì biểu họ làm nghề gì, vì họ vốn không làm nghề gì cả? Thì cứ để họ đánh cũng được.

Thường ở đường Bô-na, đường Et-banh, người ta đi ban ngày chớ không luận ban đêm cũng hay gặp được những sòng ấy. Họ không đánh thứ gì khác hơn bài cào, vì chỉ có bài cào là mau ăn thua và gọn gàng, lúc có động dễ bề thu xếp.

Năm, sáu, bảy hay là chín, mười người, đàn ông có đàn bà có, tụ lại một xó chỗ có đông người qua lại, họ gầy sòng tại đó. Rồi chia bài lia lịa, đặt tiền lia lịa, ăn chung lia lịa, trong nháy mắt đã được mấy ván rồi.

Vì họ có người gác sẵn sàng và kỹ lưỡng. Đầu đường nầy một người, đầu đường kia một người, ngõ nào cũng có người canh phòng của họ cả, hễ có động tĩnh thì ra hiệu cho nhau mà dẹp đi, thôi còn gì đâu mà bắt?

Những sòng bạc ấy được sướng một cái là không bị ai lấy xâu hết. Họ đánh giữa đường; đường là đường của nhà nước chớ của ai mà lấy xâu?

Họ nói với nhau rằng đánh như vậy là khôn, không thèm vào những nơi không có tiếng đánh bạc kỳ thực cũng là đánh bạc, mà lấy xâu lại nặng quá: một đồng bạc đến bốn cắc.

Có lần họ đương đánh mà có lính đến, từ đằng xa, sau khi thấy người gác ra hiệu rồi, họ làm ra bộ dễ tức cười quá nếu ai có để ý và biết: Người thì giả vờ nói chuyện, kẻ thì giả vờ ăn hàng, một vài chị lại làm bộ “đánh gió” cho nhau. Như thế dầu có ông Bao Công sống lại cũng không biết đâu mà xét cho ra!

Vậy mà đã hết đâu. Còn có sòng bạc kiểu khác nữa, huyền diệu hơn.

Vừa rồi Hội tuyển Trung Kỳ vào đá banh với Hội tuyển Nam Kỳ là một sòng bạc lớn cho người ta ăn thua nhau to lắm.

Đánh thứ cờ bạc nầy khỏi phải trải chiếu, khỏi phải đặt đèn, khỏi có bộ bài hay tiền bả gì hết, cũng không thèm ngồi chung hai người một chỗ nữa, hóa lại gọn gàng hơn cách đánh vừa nói ở trên.

Chỉ hai người hay mấy người gặp nhau, nói người nào bắt bên nào, đánh đồng hay đánh chấp, thế thôi. Rồi mãn cuộc đá banh mới bỏ tiền ra ăn chung, vì họ đã tin nhau lắm.

Những con bạc nầy đều là tay sộp cả, hoặc là hạng dân thầy cừ, hoặc là nhà buôn lớn, họ không sợ có sự gạt lật.

Cuộc đá banh Trung – Nam vừa rồi, có kẻ thua nặng lắm. Họ đã chấp tới chục ba, nghĩa là nếu Nam Kỳ ăn ba bàn chỉ kể là huề, vì họ quyết cho Trung Kỳ thế nào cũng thua vậy.

Vậy mà Trung Kỳ lại ăn, cái ăn nầy kể cũng như ăn ngược, nên bên thua thì thua nặng.

Tôi đố ai bắt được đám bạc ấy.

Tôi đem những chuyện nầy kể ra đây để biết cái phong tục Sài Gòn ta trong thời đại nầy mà thôi.

THÔNG REO

KỶ NIỆM CẤM YÊN

Chuyện là chuyện bên Tàu.

Như Dân báo có đăng tin ở một số trước, vừa rồi ngày 3 tháng 6 ở bên Tàu, tại kinh đô Trùng Khánh và các tỉnh có mở cuộc kỷ niệm cấm yên rất long trọng, dân chúng đến dự rất đông đảo.

Số là ngày ấy tháng ấy năm 1936, chánh phủ Tàu bắt đầu ra lịnh cấm hút thuốc phiện, cấm cả trồng và bán nữa, mà hẹn rằng, cấm mãn 6 năm thì trừ diệt được cái họa ghiền a phiện trong cả nước. Từ năm 1936 đến năm nay tính đầy cả 6 năm nên người ta mới cử hành lễ kỷ niệm nầy.

Mãn 6 năm là mãn một kỳ hạn của một cái kế hoạch, làm lễ kỷ niệm cũng phải.  Nhưng ở đời, việc gì cũng vậy, trước hết nên nhìn đến cái thực sự thử ra sao: cái thực sự chẳng ra gì thì có làm lễ kỷ niệm lớn mấy cũng vô ích.

Về cái thành tích của sự cấm yên ở bên Tàu 6 năm nay ra thế nào, ở đây chúng ta không thể biết được; đọc báo Tàu cũng không thấy nói đến.

Nhưng lần nầy, thấy nói trong ngày kỷ niệm, buổi mai thì các nhà đương đạo thay nhau diễn thuyết về sự ích lợi của cuộc cấm yên cho công chúng nghe, đến buổi chiều, người ta có đem ra hai vạn bốn ngàn bộ đồ hút, tức là những bàn đèn, xe, lọ, hay dọc tẩu cùng tiêm, móc mà đốt phá cho tiêu hủy hết.

Thấy nói như vậy, tôi phải lấy làm ngạc nhiên. Tôi không hiểu hai vạn bốn ngàn bộ đồ hút ấy, các quan có chức trách về việc cấm yên tịch thâu chúng nó từ bao giờ.

Nếu những bộ đồ hút ấy mới bắt được trong dạo nầy rồi đem đốt liền đó, thì 6 năm nay cấm cái gì? Cấm cái gì mà trong dân gian có đến hai vạn bốn ngàn bộ bàn tĩnh?

Còn như nói đó là số bàn đèn bắt được 6 năm nay để dồn lại, thì người ta còn không hiểu để dồn lại làm gì, sao chẳng đốt ngay trong mỗi khi bắt được?

Nhơn đó người ta có thể ngờ vực đến cái thành tích của cuộc cấm yên bên Trung Quốc, hoặc giả nó chỉ có danh mà không có thực.

Trong báo Tàu lại còn nói cùng ngày ấy nhưng ở tỉnh Quý Châu có 28 người bị bắn, không phải là người phá hoại trị an, nhưng là người trồng cây thẩu, chở chuyên buôn bán thuốc phiện, cùng kẻ đã bỏ rồi mà ghiền lại.

Đọc cái tin nầy tôi lại chẳng ngạc nhiên chút nào hết dầu rằng đã nghe 28 người bị chết một lần. Là vì cái chết ở nước Tàu ngày nay thường lắm. Một viên đạn bom của máy bay thả xuống, có thể giết được hàng trăm người, thì thứ 28 người bị bắn có là bao? Huống chi những người ghiền, nhứt là kẻ bỏ rồi mà hút lại, thì có để họ sống cũng chẳng còn làm gì được. Đương lúc cả nước chạy theo cái khẩu hiệu kháng chiến, người nào cũng cần phải có sức vác nổi khẩu súng trên vai. Thế mà mấy anh bẹp tai chỉ vác cái dọc tẩu mà vác không muốn nổi thì còn mong gì vác súng? Cho nên họ có chết đi cũng được, vả lại đương lúc thiếu đồ ăn, chết một con, nhòn một đọi, không sao! 

THÔNG REO

SAI ĐI CHỪNG NON BỐN TRĂM NĂM

Trong báo Đông Dương[3] số mới ra, ở mục “Từng mảnh vụn” có cái mảnh vụn nói về con rồng, người viết báo ấy viết như vầy:

“Tương truyền rằng khi vua Lê Lợi dẹp xong giặc đi chơi thì thấy một con rồng vàng ở từ hồ Hoàn Kiếm bay lên và biến mất nên vua đặt tên kinh đô Hà Nội là thành Thăng Long”.

Thật lạ! Không biết ai “tương truyền rằng” như thế làm cho câu chuyện lọt đến tai của người viết báo Đông Dương để họ nói như thế!

Sao lại vua Lê Lợi? Đi chơi là đi chơi ở đâu? Con rồng nào ở hồ Hoàn Kiếm bay lên rồi biến mất? Hết thảy những chuyện nói đó đều không có ở sách vở nào cả, mà từ trước đến giờ giữa người An Nam cũng chẳng hề có ai tương truyền như thế.

Thật ra thì câu chuyện đó có chép ở Việt sử chứ không phải chuyện truyền miệng cho nhau. Và là chuyện ở đời Lý Thái Tổ là Lý Công Uẩn chứ không phải Lê Lợi là Lê Thái Tổ.

Theo sử chép:

Nguyên hai triều Đinh và Lê (tức Lê Hoàn) đều đóng đô ở Hoa Lư, thuộc về tỉnh Ninh Bình ngày nay. Đến Lý Công Uẩn lên làm vua thay nhà Lê rồi, chê chỗ kinh đô Hoa Lư chật hẹp, bèn dời ra Đại La thành.

(Đại La thành là nơi lỵ sở của quan đô hộ Tàu đóng ngày xưa và cái thành ấy do Cao Biền xây nên; chỗ đó tức là Hà Nội bây giờ nhưng cái tên Hà Nội đến đầu triều Nguyễn đây mới có).

Khi dời đô ra Đại La thành rồi, nhơn có cái điềm rồng giáng (sử chép sơ lược như vậy), Lý Thái Tổ bèn đổi tên là Thăng Long thành.

Vậy cái tên Thăng Long có từ đời Lý kia chứ không phải có từ đời Lê Lợi. Từ Lý đến Lê cách nhau một khoảng chừng non bốn trăm năm, báo Đông Dương nói sai chỉ mất một khoảng ấy.

Thăng Long thành, cái tên ấy trải qua đời Lý, đời Trần và đời Lê cho đến đời Nguyễn đây, kinh đô đem về Huế, nó phải bị đổi là Hà Nội và giáng xuống làm lỵ sở của một tỉnh.

Đến khi trị quyền về nước Pháp, người Pháp lại lấy phần đất của tỉnh (province) Hà Nội làm tỉnh Hà Đông, còn để riêng cái lỵ sở Hà Nội xưa kia và mở rộng thêm, đặt làm thành phố (ville) Hà Nội.

Nhẫn lên đó, vì tôi sợ người ta hiểu sai theo báo Đông Dương nên sửa lại cho đúng, chớ không có ý chỉ vạch sự sai lầm của báo ấy như nhiều lần trước.

Học trò An Nam vài chục năm nay tiếng rằng có học sử An Nam trong các trường tiểu học và cao đẳng tiểu học, nhưng thực ra thì học sơ lược quá, chuyện trong sử một trăm phần họ chỉ biết được một phần. Những người ấy, khi ra trường rồi họ phải viết để cho người ta đọc, thì thỉnh thoảng nó cũng phải có sai, − sai chừng non bốn trăm năm.[4]

THÔNG REO

NGƯỜI BÁN CÓ ĐẶC QUYỀN GÌ?

[một đoạn bị kiểm duyệt bỏ]

Trong khi lấn hiếp đó, người mua bao giờ cũng là những nạn nhân, còn người bán hình như có đặc quyền gì vậy.

Nếu nói họ có trả môn bài, trả tiền chỗ, trả thuế cho nhà nước, họ phải được hưởng cái quyền ấy, thì đằng nầy, những người mua há lại đều là kẻ lậu thuế, không trả cho nhà nước chẳng món nầy thì món khác sao?

Có nhiều cách lấn hiếp lắm. Trước hết thử hỏi một tách cà phê đen bán 5 xu là nghĩa lý gì? Vả trước kia cà phê đen 3 xu, cà phê sữa 5 xu. Từ ngày sữa lên giá thì cà phê sữa cũng lên giá 6 xu và đến 7 xu, còn có lẽ. Đến nay sữa bị cấm bán, không có cà phê sữa nữa, rồi người ta cứ bán cà phê đen 5 xu thì thật là vô lý.

Cà phê xuất sản ở trong xứ, có phải ở ngoại quốc nhập cảng đâu mà bắt giá lên?

Hiện thời ở Nam Vang, cà phê đen cũng bán 3 xu một tách, thì ở Sài Gòn sao lại bán mắc hơn 2 xu lận? Các món thuế cho đến tiền thuê nhà, tiền đèn, tiền nước ở Sài Gòn cũng như ở Nam Vang, thì người ta lấy lẽ gì mà bán giá cao hơn Nam Vang?

Rồi lại hỏi đến tại làm sao người bán không chịu thối xu cho người mua?

Ừ, họ nói dạo nầy xu năm và xu một không có; thế thì có thật không có không? Bao nhiêu xu năm và xu một nhà nước đã phát hành ra mấy kỳ, rúc vào ngõ nào mà hết?

Vào một tiệm khách trú, kêu tô phở tiếu 5 xu, họ nói không có phở tiếu 5 xu, phải ba tiền (là 6 xu). Hỏi tại sao không chịu nấu 5 xu? Khi thì họ nói đồ ăn mắc lắm không làm 5 xu được, khi thì họ nói không có xu 5 mà thối. Thôi thì mình phải chịu, bảo họ làm ba tiền vậy. Ăn xong, ra quầy, đưa cho họ một cắc. Tên tài phú đùa cắc bạc bỏ vào ngăn kéo rồi đưa ra 4 điếu thuốc lá và một cái hộp quẹt. Nếu người sành ra, không chịu, thì họ lấy về bớt một thứ, hoặc thuốc hoặc quẹt, rồi đưa ra 2 đồng xu, chứ không khi nào họ chịu đưa cả bốn đồng xu để thối cho mình hết. Còn như người không sành, tưởng họ có quyền thối như vậy, thì dầu không bằng lòng lấy quẹt và thuốc đi nữa cũng phải buộc lòng mà lấy.

Như thế thành ra trong khi họ đã bán được một tô phở tiếu, có ăn lời mấy xu rồi, họ còn ép người mua phải mua của họ thêm hai thứ nữa, là quẹt và thuốc.

Một gói thuốc mua trụm cả thì giá 9 xu. Khi họ dùng mà thối như thế nầy, một xu hai điếu, thành ra một gói mười xu, lời ra cho họ một xu nữa.

Người đi mua, mặc dầu trong túi thừa thuốc và quẹt ra, mà cũng phải mua để người bán được ăn lời thêm:     

[một đoạn bị kiểm duyệt bỏ]

THÔNG REO


ĐÁNH GIẶC THEO CÁCH VĂN MINH

Theo phương Đông chúng ta thuở xưa, khi hai nước có chiến tranh với nhau thì bên nầy phải coi bên kia là giặc. Mà đã là giặc thì không còn là bạn được nữa. Không luận quốc gia của hai bên đã dứt tình thân thiện với nhau và coi nhau như cừu thù; mà cho đến cá nhân của hai bên, hồi bình nhựt dầu là bạn với nhau, vào thời kỳ nầy cũng phải chiều theo tình thế của quốc gia mà đoạn tuyệt cái tình bạn ấy mới được.

Vậy nếu trong khi hai nước đánh nhau mà một người nước nầy còn thông tin tức, tỏ tình bằng hữu với một người ở nước kia, là bên địch, thì hai người ấy có thể đều bị tội tư thông với giặc do tòa án của bổn quốc buộc cho, không chạy đi đường nào cho khỏi.

[một đoạn bị kiểm duyệt bỏ]

Như nước Anh và nước Đức, hai nước hiện đang đánh nhau đó, có thể lập một hiệp ước gì với nhau không? Theo đầu óc chúng ta, chắc ai nấy đều bảo rằng không thể nào được. Hai nước đương chém giết nhau, coi nhau như thù, sao lại có thể lập hiệp ước gì với nhau, châm chước việc gì với nhau được?

Thế mà được. Hiện nay Anh với Đức đã nhờ Mỹ làm trung gian lập một hiệp ước nói về việc gởi thơ cho lính bị bắt tù của hai bên.

Số là từ hồi đánh nhau đến giờ, quân lính của hai bên đều có bị bắt tù nhiều lắm. Lính Anh bị nhốt bên Đức, lính Đức bị nhốt bên Anh. Mà đường thông tin quốc tế đã dứt rồi, thì làm thế nào cho họ vãng lai thơ từ với bà con bạn hữu của họ được?

Muốn cho tù binh hai bên được thông tin thì sở bưu điện Đức phải nhận giao thơ từ cho lính Anh, và sở bưu điện Anh phải nhận giao thơ từ cho lính Đức. Nhưng điều ấy, đương hồi giao chiến nầy, nếu không có hiệp ước thành lập cách chánh thức thì khó nỗi thi hành. Bởi vậy đầu đương đánh nhau họ cũng cố lập cho thành cái hiệp ước ấy.

Đức và Anh coi nhau là cừu địch mặc lòng, mà riêng trong việc nầy họ vẫn chịu thu xếp với nhau.

Sự văn minh về cách đánh giặc là thế.    

THÔNG REO


MỘT HIỆN TRẠNG TRÁI NGƯỢC

Phụ nữ An Nam ta tiếng rằng có một bọn khuynh hướng về tân thời, thực ra thì cũng chẳng tân thời gì cho lắm. Đại khái họ chỉ mặc bộ đồ kiểu, xách bóp đầm, đi giày cao gót, thế là đủ rồi. Đến những bà những cô cắt tóc ngắn và uốn quăn thì còn là phần rất ít. 

Người ta phải để ý mà nhận thấy rằng phụ nữ Việt Nam coi bộ còn tiếc cái đầu tóc lắm, hoặc búi hoặc bao cũng vẫn còn giữ nó lại, chứ chả mấy người chịu cắt ngắn. Ngoài đường thỉnh thoảng mới có thấy “con cút cụt đuôi”.

Cái tân thời của đàn bà An Nam ta thật chưa sánh kịp với cái tân thời của đàn bà Tàu. Ở bên Tàu như Thượng Hải, Quảng Châu, Hương Cảng, đàn bà con gái ăn mặc đủ thứ mốt và nhiều thứ mốt rất mới lạ; còn cắt tóc uốn quăn thì đều mặt.

Mấy bà mấy cô nữ Hoa kiều ở bên xứ ta cũng vậy. Trừ ra một hạng nghèo, lao động, buôn gánh bán bưng vẫn còn theo lối cũ; đến như hạng có tiền, sang trọng, thì cũng trang sức y như bên Tàu, không kém.

Phụ nữ Trung Huê đã tấn bộ (chữ này tôi dùng theo người ta thường dùng) về hình thức thì cũng tấn bộ luôn về tinh thần. Theo như báo chí ở Tàu sang, thì đàn bà bên ấy cũng đã bình quyền bình đẳng, tự do giải phóng hăng lên lung lắm.

[bị kiểm duyệt bỏ một đoạn dài]

Thế mà vừa rồi ở Chợ Lớn có một vụ cải giá bị gàn trở tỏ ra đàn bà Tàu đang còn bị áp bách dữ lắm! Đã là tấn bộ dường kia, sao còn bị áp bách dường nọ: thật là một hiện trạng trái ngược vô cùng.

Một tờ báo Tàu đăng tin rằng người thiếu phụ tên là Lương Siêu, 27 tuổi, người Quảng Đông, có chồng ở bên Tàu rồi và chồng chết đã 6 năm nay. Người thiếu phụ không có con cái gì, và nhà chồng cũng nghèo, nàng không thể ở đó nuôi thân, bèn tìm cách sang An Nam, vì nghe nói nơi đây làm ăn dễ lắm.

Qua đây rồi, nàng thấy ở một mình cũng không phương nuôi sống nổi, nên vừa rồi tự ý lấy một người chồng khác.

Không ngờ có mấy kẻ trong họ chồng cũ của nàng ở đây từ trước, thấy nàng cải giá thì xúm tới đánh nàng và mắng chưởi tàn tệ. Rốt cuộc họ bảo nàng muốn lấy chồng khác thì phải đưa họ năm chục bạc làm tiền bồi thường (bồi thường cái gì?) mới cho phép lấy.

Ả sẩm Lương Siêu đem việc bách hiếp ấy đến thưa cùng ban hội tề Quảng Triệu công sở. Chỉ xem đó thì thấy Lương Siêu, người đàn bà khốn khổ ấy, hình như không xứng đáng là phụ nữ của Trung Hoa!

THÔNG REO

ĐÀN BÀ HÓA CỌP

Hôm trước ở chỗ nầy tôi có nói về một người đàn bà Tàu ở Chợ Lớn, vì cải giá mà bị bên phụ tộc đánh mắng cản trở. Tôi kết luận rằng phụ nữ ở bên Tàu có tiếng là tấn bộ lắm mà người đàn bà nầy còn bị bách hiếp như thế thì chưa phải là tấn bộ.

Thực ra thì phụ nữ bên Tàu, trên đường tấn bộ của họ hình như chỉ có danh mà không có thực. Đại khái chỉ đàn bà con gái ở các thành phố lớn, con nhà sang giàu, có học, một số ít ấy có tấn bộ. Mà sự tấn bộ của họ chỉ năm phần, rồi nhờ báo chí tô điểm thêm thành ra mười phần. Chớ còn nói cả đến toàn thể phụ nữ Trung Huê thì một phần lớn còn ở trong đen tối.

Ấy là tại đất nước Tàu rộng quá, nhiều nơi ở trong thâm sơn cùng cốc, văn hóa không đến được, những nơi ấy thì phụ nữ vẫn còn mang cái ách của phong tục cổ truyền rất vô lý.

Như đảo Hải Nam là nơi bị Nhựt chiếm cứ rồi, theo chính người Tàu chép về phong tục ở đó, có lắm điều mà chúng ta không tưởng tượng được. Ở đó đàn ông cưới đàn bà về là để mà đánh chứ không phải để mà làm vợ. Bằng chẳng vậy thì sao đám cưới nào cũng thế, cô dâu mới cứ phải bị đánh ngay ở đêm động phòng, là đêm, theo thế thường thiên hạ, khoái lạc nhứt của cặp tân hôn?

Đêm ấy, chú rể vào buồng với một cái roi hay một cái thước. Rồi, trước mặt người vợ mới, anh chồng phải kiếm cách nào để đánh nàng cho bằng được. Nếu không, người chồng sẽ bị coi là thất thể diện, hèn yếu, không đáng làm chồng.

Anh chồng bèn đưa cho cô vợ một điếu thuốc lá có tẩm nước biểu phải thắp cho đỏ. Thuốc đã bị ướt rồi thì thắp sao cho đỏ được? Khi ấy anh chồng kể tội người vợ mới rằng hư, rằng dại, không đủ trí không để ứng biến, rồi đánh cho một mớ.

Đại để kiếm cách đánh vợ là như thế. Hễ anh chồng nào đánh vợ được trong đêm tân hôn, mà vợ chịu phép không dám cãi lại, là được danh dự lắm.

Bởi vậy, cả đảo Hải Nam, theo lời người chép chuyện, là một xứ mà đàn ông coi sự đánh vợ làm thường. Đến nỗi tục ngữ xứ đó có câu như vầy: “Đàn bà ba ngày không đánh, họ sẽ hóa cọp”.

Đàn bà Hải Nam đã bị đánh hằng ngày như thế, cho nên họ không được đối đãi ngang hàng với đàn ông về mọi phương diện.

Nói riêng về sự ăn. Trong một nhà, đàn ông và đàn bà ăn khác thứ nhau từ cơm đến thức ăn. Bao giờ đàn bà cũng chịu phần kém. Còn như có nhà nào ăn cùng một thứ, không phân biệt, thì thế nào cũng đàn ông ăn thừa ra rồi mới bưng xuống cho đàn bà. 

Đó là phong tục ở Hải Nam. Nhưng người ta tưởng còn có nhiều nơi giống như Hải Nam nữa.

Tôi cứ ngẫm nghĩ cái câu “Đàn bà ba ngày không đánh, họ sẽ hóa cọp” mà chẳng biết có đúng không? Nếu quả vậy thì cũng đừng trách trong bọn đàn ông An Nam chúng ta sao có nhiều người hay đánh vợ!      

THÔNG REO

CŨ VÀ MỚI KHÔNG HAY NÊ CÙNG

Sách có chép khi thầy Mạnh Tử vào cửa buồng, thấy vợ thầy ở trần, nghĩa là để hở từ ngang lưng trở lên nhưng trước ngực có che, thì vội vàng bước trở ra và thưa cùng mẹ mình rằng:

− Nó vô lễ lắm, nó ở trần trước mắt tôi, tôi không bằng lòng nó, mẹ ạ!

Mẹ của Mạnh Tử là người đàn bà thông hiểu lắm, không cho con mình là phải mà bắt lỗi rằng:

− Cái là tại mầy chớ! Kinh Lễ có dạy: “Khi bước vào nhà, phải lên tiếng; khi bước vào buồng, phải nhìn xuống”. Thế mà nay, khi mầy bước vào buồng mầy không lên tiếng và lại nhìn lên. Mầy không lên tiếng thì nó biết đâu mà giữ gìn; mầy có nhìn lên mới thấy nó ở trần được. Ấy là lỗi tại mầy, sao mầy lại trách nó?

Mạnh Tử biết lỗi bèn làm thinh.

Một tờ báo thuật lại câu chuyện ấy và cho là hủ bại, nghĩa là nói thầy Mạnh Tử hủ bại. Báo ấy nói:

“Thứ vợ ở trần trước mặt chồng mà có vô lễ gì đâu? Vợ chồng tân thời đời nay có ai lại như thế? Có ai lại thấy ở trần trước mặt nhau mà cho là vô lễ bao giờ? Đó là một cái quan niệm về lễ cũ quá, không hiệp với mới”.

Tôi thì tôi không nói như báo ấy.

Chẳng có gì là cũ mà cũng chẳng có gì là mới. Hay là: cũ và mới không hay nê cùng, nói theo kiểu một vài miền nhà quê chúng ta.

Cái sự vợ chồng ở trần trước mặt nhau mà không coi là vô lễ, có phải từ bây giờ đâu, có phải từ ngày chúng ta đây đâu. Há chẳng phải từ ngày ông Adam bà Eva ở với nhau đã có như vậy rồi?

Sau vợ chồng ông bà Adam mấy ngàn năm quen thói ở trần trước mặt nhau mà không coi là vô lễ rồi đến vợ chồng ông bà Mạnh Tử mới coi sự ấy là vô lễ. Và trải hơn hai ngàn năm như thế, đến đời chúng ta đây mới lại không coi sự ấy là vô lễ nữa.

Vậy thì sự ấy là vô lễ hay không vô lễ? Vậy thì coi vô lễ là phải hay không coi vô lễ là phải?

Sự coi vô lễ mà cho là cũ vì nó có từ đời vợ chồng ông Mạnh Tử, thì sự không coi vô lễ cũng không là mới vì nó đã có từ đời vợ chồng ông Adam.

Thời nào kỷ cang ấy. Theo mỗi thời mà khác, chớ chẳng có gì là mới, chẳng có gì là cũ, chẳng có gì là phải, chẳng có gì là không phải. Hình như việc đời, cái chơn tướng của nó là vậy đó.

Huống chi sau chúng ta đây, biết đâu sẽ chẳng có một ngày coi sự vợ ở trần trước mặt chồng là vô lễ như Mạnh Tử, vì cái lẽ cuộc đời xoay vần, giáp vòng mà trở lại ban đầu?

Mới năm kia người ta cứ khuynh hướng về xã hội chớ có coi gia đình vào đâu mà bây giờ đã trở về với gia đình rồi. Hôm qua dân chủ mà hôm nay không dân chủ nữa, ai cấm?

Thật ra nó là vậy đó, chẳng có gì là cũ hay mới cả. 

THÔNG REO

MẤY ANH GÁC CỔNG PHẢI COI CHỪNG

Tôi nói cho mấy anh gác cổng, hay canh cửa, hay gác-dan biết mà giữ hồn. Mấy anh hãy coi chừng kẻo có ngày phải ra tòa hay vào khám.

Từ rày, trong khi mấy anh làm việc bổn phận, nghĩa là ngồi chỗ cổng ra vào mà gác, chẳng những mấy anh phải để ý những người ở ngoài đi vào, mà cũng phải để ý những người ở trong đi ra.

Những người ở trong đi ra là người nhà, thôi còn để ý làm gì? Mấy anh sẽ hỏi tôi như thế.

Nhưng tôi nói cho mấy anh biết rằng họ là người nhà, họ là đầy tớ, khi họ ra cửa, mấy anh phải kiểm soát họ đã đành, mà cho đến con trai con gái ông chủ vợ ông chủ, cả đến ông chủ nữa, khi họ ra cửa, mấy anh cũng phải hỏi đã rồi mới cho đi.

Nếu không thế, lỡ xảy ra việc gì, mấy anh sẽ bị can liên cho mà xem.

Muốn được chắc chắn, mấy anh hãy xin ông chủ nhà ra một cái lịnh: Bao nhiêu người trong nhà, từ vợ con ông chủ trở xuống hay từ ông chủ trở xuống, mỗi khi mỗi người ra cửa là chỗ anh gác, thì phải trình giấy phép rồi mới được đi.

Cứ làm cho thẳng. Hễ không có giấy phép, mấy anh khóa cửa đừng cho đi đâu một bước.

Mấy anh sẽ lại hỏi tôi: Vợ con ông chủ thì xin giấy phép ông chủ, cái đó được; còn chính ông chủ, ông đã làm chủ rồi, quyền ở ổng rồi, còn xin ai?

Tôi trả lời cho mấy anh rằng xin ai mặc ổng, miễn ổng cũng có giấy phép ra vào, không thì mấy anh đừng chịu.

Bởi vì mới có một việc xảy ra ở Bắc Kỳ, làm bậy là con chủ nhà mà tội lây đến anh gác cổng, cho nên tôi phải mách mấy anh như thế.

Một ông giàu có ở một tòa nhà to, có cô con gái nuôi 14 tuổi. Vừa rồi cô ấy lấy trộm của cha hơn một ngàn bạc đi theo trai.

Mới 14 tuổi mà đã lấy trộm bạc ngàn đi theo trai, mấy anh nghe chưa? Chuyện quan hệ lắm nhỉ?

Vì là chuyện quan hệ nên sau khi bắt được cô 14 tuổi ấy rồi, người ta khống cáo đến mụ vú già và anh gác cổng.

Mụ vú già thì vì tội hay dẫn cô ấy đi chơi để đến nỗi cô thấy trai mà muốn rồi ăn cắp tiền đi theo. Tội ấy đáng lắm, còn phải nói gì nữa?

Còn anh gác cổng cũng có tội, vì để cô ấy cùng đi với vú già lọt ra cửa dong chơi thường ngày, mà không cản lại.

Có lẽ tội của anh gác cổng cũng đáng như tội vú già. Chẳng có lẽ gì khác hơn chúng là kẻ làm nghề gác cổng và vú già.

Cả hai, tôi đều thấy mà thương hại cả. Nhưng chẳng có lẽ tôi bảo các vú già từ rày đừng đưa con của chủ đi chơi; tôi chỉ có thể dặn mấy anh gác cổng phải kiếm cách để gỡ tội mình là cách đòi người trong nhà đi ra phải trình giấy phép.

T.B.- Cái đầu đề của “Chuyện hằng ngày” bữa kia là “Cũ và mới không hay VÊ cùng”; chớ không phải NÊ. “Không hay vê cùng” là một expression[5] nghĩa rằng: Cái đó cũng tùy theo, không thể nói một cách nhứt định được.[6]

THÔNG REO

LÃO NGƯU PHẾ CANH

Thuở xưa, hồi còn thuộc về triều vua An Nam, cái luật cấm làm thịt trâu nghiêm nhặt lắm, kẻ nào phạm tới, có thể bị tội đồ một vài năm lận.

Bởi vậy, hồi đó, những nhà nông nào có con trâu già không cày được nữa, nếu để chờ ngày nó chết thì mất vốn, còn làm thịt thì sợ tội nên thường phải xin phép quan rồi mới làm thịt. Vì thương dân, không nỡ để họ chịu thiệt hại, nên mỗi khi có ai xin thế mà xét ra quả tình thì quan cũng cho phép.

Xin phép phải làm một lá đơn. Đơn ấy người ta hay kêu tắt bằng bốn chữ “lão ngưu phế canh” nghĩa là “trâu già bỏ cày”.

Mẫu đơn thường làm như vầy:

“Phủ mỗ huyện mỗ tổng mỗ xã mỗ, dân (chữ nầy viết nhỏ) tên mỗ khấu bẩm vi khất thầm hứa sự:

Số là dân (viết nhỏ) có nuôi một con trâu đực, tên nó là Đực Xe, năm nay đúng mười ba tuổi, đầu đuôi đều lành lặn, không có bịnh hoạn gì khác, chỉ vì tuổi nó già sức nó yếu, hễ dắt ra đồng thấy mặt trời là thở, không kéo nổi cái cày, đã hơn một năm nay.

Dân (viết nhỏ) thiết nghĩ: con Đực Xe, hồi mua nó giá mấy trăm quan tiền. Bây giờ nếu cứ để vậy cho đến ngày nó ngã xuống mà chết thì phải mất số tiền ấy cũng ngặt. Nhờ được cái nó vô bịnh, nếu làm tể nó ra mà bán, kịp lúc nó còn có thịt, thì mây ra cũng vớt vát lại được ít nhiều.

Nhưng vì sự quan quốc cấm, mại cản hiện hành, dân (lại viết nhỏ) bèn đến khép nép hầu xin quan lớn ra ân cho phép, ngõ hầu bớt cho kẻ nghèo được một mối khổ.

Vạn lại, kim túc bẩm”.

Đó là chuyện đời xưa. Bây giờ ở tỉnh Phúc Yên ngoài Bắc có một ông già 70 tuổi làm đơn xin ly dị cô vợ 20 tuổi…

Phải kể đầu đuôi câu chuyện.

Nguyên ông ấy có chân Hàn lâm, kêu là ông Hàn Loét. Ông đã có bà vợ và đông con rồi, mới đây ông lại cưới một cô vợ 20 tuổi, có làm phép cưới đàng hoàng. Ông yêu chiều người vợ mới cưới nầy lắm. Nhưng không biết vì sao cô ta lại làm ra bộ buồn bực mỗi khi thấy ông. Cái chứng cớ là cô ta hay kiếm chuyện đi chỗ nầy rồi đi chỗ khác, không chịu ở nhà với cụ cố.

Người ta nói ông Hàn Loét biết điều lắm. Thấy thái độ vợ như vậy thì ông không ép nài nữa – vì biết có ép nài cũng chẳng được – ông bèn làm đơn tới tòa xin ly dị với nàng.

Người ta còn nói ông biết điều hơn nữa là bao nhiêu vườn ruộng nhà cửa ông sắm cho cô, ông đều dùng mà tiễn chân cô khi ra cửa, chớ không đòi lại.

Những cái đó, người ta biết rành lắm. Người ta chỉ không hiểu và muốn hỏi là điều nầy: Ông già 70 tuổi, trong khi làm đơn xin ly dị người vợ trẻ như thế thì làm cái đơn cách nào? Nói thế nào cho xuôi?

A, có khó gì? Vì muốn trả lời câu hỏi ấy nên ở trên đây tôi đã thuật lại cái lòng đơn lão ngưu phế canh. Cái đơn ly dị của cụ cố tuy không giống hẳn chớ đại ý thì cũng vậy.

THÔNG REO

MỘT TAI NẠN CỦA VĂN HỌC

Nền văn học Việt Nam mới gầy dựng lên vài chục năm nay, đến nay bỗng dưng gặp một tai nạn lớn.

Gọi là lớn, vì cái tai nạn ấy có thể làm hại cho văn học, có thể làm trở ngại sự tấn bộ của nó, không biết bao giờ mới trừ khử được.

Nó gây ra mới vài năm nay bởi mấy ông văn sĩ nửa mùa, mà coi chừng mỗi ngày một lan rộng ra.

Cái tai nạn gì thế? Chẳng có gì lạ, chỉ là viết văn không có nghĩa.

Phải, văn mà không có nghĩa, tức là một cái tai nạn cho văn học.

Phàm văn, khoan cầu hay đã, trước phải cầu cho có nghĩa. Phải có nghĩa đã, rồi sau mới nói đến hay hay dở.

Nhưng hiện nay có một hạng văn sĩ, trong khi viết, hình như họ chỉ cầu cho hay, còn có nghĩa hay không, họ không cần. Bởi vậy, thường có những câu vô nghĩa trong văn học mà có lẽ họ gọi là hay đó.

Một tập thơ xuất bản đã lâu, nhan là Tinh huyết, tác giả là Bích Khê, mà đến ngày nay tôi mới đem ra chỉ trích kể cũng hơi muộn.

Còn nhiều sách khác nữa cũng đáng chỉ trích như vậy, nhưng để đợi hôm khác; hôm nay tôi xin nói trước về tập thơ ấy. Trong đó có nhiều câu không có nghĩa lắm, ở đây tôi chỉ lấy ra một số ít thôi.

Một bài, đề là Hoàng hoa trong có những câu như vầy:

Lam nhung ô! Màu lưng chừng trời,
Xanh nhung ô! Màu phơi nơi nơi.
Vàng phai nằm im ôm non gầy,
Chim yên eo mình nương xương cây.

“Lam nhung” là gì? “Xanh nhung” là gì? “Chim yên” là gì? “Xương cây” là gì? – Chẳng có nghĩa gì cả!

Lại bài Nghê thường có câu:

Nhung mây tê ngời sao kim cương
Dạ lan tê ngời say men hường

Thì “tê ngời” là gì? Cũng chẳng ai hiểu được!

Lại bài Mơ tiên có câu:

Hồn bay! Hồn bay! Hồn bay!
Ngửa nghiêng tắm mát vàng lay nhạc hường

Cả câu người ta cũng chằng biết muốn nói gì. Mà nhứt là những chữ “vàng lay, nhạc hường” lại càng bí lắm! Ô! Nhạc hường là nhạc gì?

Nhiều lắm, nhiều lắm, kể không hết được.   Nhưng đó là thơ, còn có thể dung thứ; đây nói đến văn.

Văn, chẳng lấy đâu xa, ngay bài tựa dài của Hàn Mặc Tử đề cho tập Tinh huyết ấy cũng đã lắm cái không có nghĩa.

“Một thứ hương quý trọng thơm đủ mọi mùi phước lộc” – mọi mùi phước lộc là nghĩa gì?

“Thơ lúc ấy sẽ ham thích hết sức những cái gì thanh cao, như hương thơm nhơn đức của vị á thánh”  –  Á thánh là gì? Sao lại phải nói á thánh ở đây?

Không hơi đâu mà kể cho hết cái vô nghĩa của họ. Có một điều lạ là không biết sao vô nghĩa như thế mà họ viết được và lại còn in ra?

Họ là điên chăng? Nếu thế, chỉ có người điên mới hiểu nổi họ mà thôi.

THÔNG REO

THÁI BÌNH THEO KIỂU CHIM ĐÀ

Chim đà hay chim lạc đà,[7] giống chim mình to cẳng cao, cổ dài, chạy mau mà không bay được, sanh ở phía tây Á châu và Phi châu, vì hình nó hơi giống con lạc đà, nên người ta kêu thế.

Nói về giống chim ấy, có nhiều điều ngây ngô buồn cười lắm, như là nó đụng chi ăn nấy: vỏ ốc, đinh, sỏi sạn mà nó cũng ăn ngon lành cho đến no bụng.

Nhưng những cái đó người ta không kể. Người ta chỉ kể một điều: nó to xác mà dại.

Phía tây Á châu hay Phi châu có nhiều nơi sa mạc, mỗi khi có gió lớn, cuốn cát bay lên, có khi lấp cả nhà cửa, người ở đó gọi là “bão cát”, một tai nạn rất nguy hiểm. Cho được tránh tai nạn ấy, chim đà nghĩ ra một phương pháp kỳ dị và đặc biệt.

Nó chạy nhanh đến 111 cây số một giờ. Giá mỗi lần bão cát xảy đến, nó chạy đi kiếm chỗ ẩn núp thì sẽ được bình an lắm chớ. Nhưng nó lại không chạy, nó đào hầm.

Không phải nó khôn ngoan đào hầm để núp cả toàn thân nó như hiện giờ ở nhiều thành phố người ta đào hầm núp để tránh đạn của máy bay đâu. Nó chỉ bới cát lên thành một cái lỗ vừa lọt cái đầu của nó, rồi nó dúi đầu xuống đó để mà đối phó với tai nạn.  

Sao nó lại làm như thế? Người ta nói sự ấy bởi tư tưởng của giống chim đà mà ra, ví nó có tư tưởng.

Giống nó, con nào như con nấy, nghĩ rằng mọi tai nạn ở thế gian sở dĩ có được là vì mình có mắt mà thấy mới biết rằng đó là tai nạn. Mà con mắt thì ở về bộ vị cái đầu. Vậy mỗi khi sắp có tai nạn, ta đem giấu cái đầu đi, để cho con mắt đừng thấy gì cả, thì tức nhiên là không có tai nạn, tức nhiên là thái bình.

Nhưng nó đã tư tưởng sai đi rồi. Ở xứ đó có những người đi săn chim đà, họ thường bắt được chúng vào khi có bão cát mà chúng đi tránh nạn cách đó. Hồi bình thường người ta không dám đụng đến nó, vì nó có sức mạnh, mà nay thấy nó đâm đầu xuống, chổng đít lên, thì không bắt để làm gì?

Đoạn trên đây nói về chim đà, không phải chính tôi viết ra, nhưng tôi dịch ở một bài sách nói về giống chim ấy. Theo đó thì chim đà là giống chim rất dại.

Nhưng theo tôi thì tôi nghĩ khác. Muốn đoán biết là dại hay khôn, phải là chim đà, phải ở trong hoàn cảnh của nó mới được, chớ còn mình là người ta, mình không phải chim đà, làm sao biết được nó là dại hay khôn?

Như hiện giờ trong chúng ta có kẻ nói rằng: “Hôm nay đọc báo thấy tin nầy, ngày mai đọc báo thấy tin khác, làm cho mình sợ như thể chiến tranh sắp tới; chi bằng đừng đọc gì cả, cứ yên trí rằng trong thế giới vẫn thái bình có hơn không?” – Đó là thái bình theo kiểu chim đà; nhưng biết chừng đâu, hoặc giả có một số người họ cho thế là khôn lắm cũng nên.

THÔNG REO

AI LÀ PHẢN CHÚA?

Theo Kinh Thánh nói, trước khi đức chúa Jésus-Christ lại đến thế gian (có tiếng riêng là “tái lâm”), thì có Anti-Christ đến, – Anti-Christ dịch ra tức là kẻ phản Chúa.

Kinh Thánh lại nói tiên tri rằng trước ngày Chúa tái lâm phải có những điềm lạ dấu dữ, là như động đất, mất mùa, đói kém, và nhứt là giặc giã, chém giết nhau; dân nọ nổi lên nghịch cùng dân khác, nước nọ dấy lên nghịch cùng nước kia.

Gần nay những điềm lạ dấu dữ ấy đã xảy ra luôn luôn trong nhiều xứ ở thế gian. Trên các báo hàng ngày thường thấy đăng tin động đất. Còn sự mất mùa đói kém thì trừ xứ Đông Dương chúng ta ra, có nhiều xứ mắc phải, như bên Thượng Hải, giá gạo tới một trăm đồng một tạ. Giặc giã thì mấy năm nay, khắp ba châu Á, Âu, Phi đều có cả; dạo nầy nếu Mỹ châu và Úc châu bị lôi cuốn vào nữa, thế là giặc giã khắp cả thế giới.

Thấy thời cơ như vậy, có nhiều người, nhứt là những người tín đồ của Chúa Cứu thế, đều tin rằng sắp tới ngày Chúa tái lâm.

Kinh Thánh đã nói cái gì, phải có cái ấy, xưa nay đã nhiều lần ứng nghiệm rồi, thì lần nầy cũng thế: Họ quyết rằng Chúa lại đến thế gian nay mai.

Nhưng, như trên đã nói: theo Kinh Thánh thì trước khi Chúa đến phải có kẻ phản Chúa đến đã. Vậy thì, theo thời cơ mà đoán, đáng lẽ kẻ phản Chúa đã đến rồi, nhưng kẻ ấy là ai?

Hiện thời đây, trên khắp thế gian, người nào là Anti-Christ? Kẻ nào là kẻ phản Chúa? Câu hỏi ấy bấy lâu đã đặt sẵn ở trong đầu nhiều người, nhứt là những người có biết về Kinh Thánh.

Thế rồi người thì chỉ vào ông nầy, kẻ thì chỉ vào ông nọ, đều là những ông ho ra khói, khạc ra lửa.

Kẻ phản Chúa phải là kẻ không có lòng tín ngưỡng, ghét đạo, nghịch cùng giáo hội. Hiện nay có những người nào cầm quyền một dân tộc mà có cái khuynh hướng và cái thái độ như thế, thì đều bị người ta ngờ là Anti-Christ, phản Chúa cả.

Như thế thì không có ai ngờ cho ông Tưởng Giới Thạch, vì ông ấy đã theo đạo trước khi lấy vợ lần thứ hai; nhưng còn hai ông Staline và Hitler phải bị ngờ trước hết, bởi hai ông đều chẳng ưa đạo chút nào.

Oan lắm thay cho hai ông!

Tôi dám thân oan cho ông Staline cùng ông Hitler mà nói quyết rằng hai người ấy đều không phải người phản Chúa.

Bởi lẽ gì? Bởi hai ông đều đã quá tuổi rồi.  

Theo Kinh Thánh, vào thời kỳ Tân Ước về sau, đời người chỉ được 70 tuổi, mà Chúa đã định cho Jésus-Christ sống tròm trèm nửa đời người, còn đến Anti-Christ lại sống không được nửa đời người. Nếu không được nửa đời người, thế là người ấy sẽ sống bờ 30 tuổi. Mà hai ông độc tài nước Nga và nước Đức năm nay đều đã ngoài 50 tuổi rồi, cho nên biết họ đều chẳng phải là Anti-Christ vậy.

Thế thì ai là kẻ phản Chúa?

Chưa biết là ai, nhưng chỉ biết kẻ ấy phải là hạng thanh niên, vụt dấy lên vụt ngã xuống, cái chết của người ấy chỉ trong ngoài 30 tuổi.

Ồ! Cậu nào mà ghê gớm thế?     

THÔNG REO

ĐỪNG LÀM BIẾNG CHỚ

Những tin thế giới đăng trên các báo An Nam đều không phải tin của nhà báo lấy được mà là tin của hãng Arip do nhà nước mua rồi phát cho. Những tin ấy nguyên bằng chữ Pháp, vậy mỗi khi muốn đăng lên báo An Nam thì phải dịch ra quốc ngữ.

Vì dịch ở một thứ chữ khác ra, nên hình như một vài bạn đồng nghiệp tưởng rằng chính mình không chịu trách nhiệm trong sự đó.

Tưởng vậy là lầm. Nhà báo tuy không chịu trách nhiệm về sự thông tin đúng hay không đúng, nhưng phải chịu trách nhiệm về sự dịch đúng hay không đúng.

Đã là cái tin thì không quan hệ nhiều cũng quan hệ ít, tổng chi cũng là có quan hệ. Nếu mình dịch sai đi, làm cho bạn đọc hiểu sai một sự quan hệ, thì cái lỗi đó phải đổ về người dịch, đổ về nhà báo.

Huống chi trong lúc có chiến tranh, sự dịch tin lại càng phải cẩn thận hơn. Bởi vì sai đi một chữ có thể làm cho người ta hiểu ra nghĩa khác, rồi có thể đổi cả sự tin tưởng hay khuynh hướng của họ nữa.

Từ hôm có chiến tranh Nga – Đức đến nay chưa đầy một tuần lễ mà tôi đã thấy trong báo An Nam có dịch sai nhiều tin rồi.

Tin hôm 23 Juin nói không quân Đức hủy phá không quân Nga phỏng từ 1200 chiếc máy bay đến 1800 chiếc. Thế mà báo An Nam có một tờ dịch tin ấy, lại nói Nga bị tiêu diệt 2000 chiếc máy bay.

Tin ngày 24 Juin nói ở Moscou lãnh sự Nhựt được lịnh của chánh phủ mình truyền cho đàn bà trẻ con Nhựt phải rút về bổn quốc. Thế mà một tờ báo ta lại nói Nhựt dời kiều dân ra khỏi nước Nga.

Nội dịch sai hai tin đó đã là bậy rồi. Vả, tin Arip nói máy bay Nga bị phá hủy từ 1200 đến 1800 chiếc, là có ý lấy chỗ 1800 chiếc làm giới hạn, quyết tỏ rằng không đến 1801 chiếc, chớ đừng nói đến 2000. Vậy thì cớ sao báo ta lại dám nói đến 2000?

Còn sự đàn bà con nít đi và sự rút kiều dân về nước, hai sự cũng có ý nghĩa khác nhau nữa. Trong khi nước nầy bất hòa với nước kia và ra lịnh rút kiều dân về bổn quốc, tức là có ý muốn khai chiến với nước ấy. Còn khi thấy một nơi có thể xảy ra sự nguy hiểm mà ra lịnh dời đàn bà con nít thì chỉ để tránh sự nguy hiểm, chớ không có ý gì là khai chiến. Vậy mà báo ta lại nói Nhựt hạ lịnh rút kiều dân khỏi nước Nga, có phải làm cho người ta tưởng Nhựt có ý khai chiến với Nga chăng?

Nói như thế, không phải tôi đảm bảo rằng Nhựt đã ký ước với Nga thì không bao giờ lại khai chiến với Nga. Có sự thực trước mắt đã dạy khôn tôi rồi. Tôi chỉ muốn rằng lúc nào người ta có tin nói sẽ khai chiến thì mình hãy nói sẽ khai chiến.

Tôi vẫn biết mấy bạn đồng nghiệp dịch như thế không có ý xấu gì, chỉ bởi cái tánh làm biếng muốn rút bớt chữ đi cho ngắn.

Nhưng các bạn là người làm báo mà! Đừng làm biếng chớ!

THÔNG REO

CON NÍT CỦA ĐƯỜNG PHAN THANH GIẢN

Hôm nay tôi định viết một chuyện hằng ngày để đăng ở số báo ngày mai, mà cầm bút lên rồi để bút xuống, không viết được, vì lũ con nít chơi trước mặt nhà làm ồn quá; tức mình, tôi lôi chúng nó vào đây cho bõ ghét.

Đường Phan Thanh Giản là một đường của dân lao động ở. Trong chừng một trăm nóc nhà mà chứa đến đôi ba trăm gia đình: Tàu có, An Nam có, họ hình như ăn chung ở lộn với nhau lâu rồi không còn phân biệt quốc tịch của nhau nữa. Nhứt là bọn trẻ con của mấy trăm gia đình ấy chơi với nhau rất “quốc tế”!

Trước nhà tôi có một khoảng đất trống rộng chừng bằng 6 – 7 chiếc chiếu. Mỗi ngày, chiều lại, lúc 4 – 5 giờ, có chừng vài ba chục đứa, hoặc nhiều hơn, nhóm nhau ở đó. Một phần đông là con trai bờ 10 – 12 tuổi; còn cũng có con gái cỡ tuổi ấy và những đứa bé mới biết đi lững chững. Trong đám con gái có những đứa ẵm em hay dắt theo em.

Trò chơi của chúng là đá banh hay đánh bi, hay đánh khăng đánh đáo, nhưng không chơi được lâu, vì thế nào rồi cũng đập bậy nhau và chưởi lộn. Tôi để ý nhứt ở mấy đứa trẻ Huê kiều mà cũng biết chưởi nhau bằng tiếng An Nam rất thạo.

Không đợi đến lúc chưởi lộn mới om sòm, bắt đầu vào chơi chúng đã làm om sòm rồi. Người ngoài dầu lắng nghe cũng không nghe ra câu gì cả, chỉ những tiếng “mầy tao” và “đu mẹ”. Hai tiếng sau nầy chúng dùng rất phổ thông, bất kỳ câu nào đều mở đầu bằng nó.

Buổi chiều xong rồi đến tối. Vào hồi 7 – 8 giờ, chừng là lúc nhà nào nhà nấy ăn cơm xong, chúng lại nhóm đến, diễn những trò như ban chiều và không quên kết thúc bằng những trận chưởi nhau trước khi về đi ngủ.

Mỗi khi chúng chưởi nhau và nói tục nói tĩu, nếu có người lớn nào đến can thiệp, chúng sẽ cự lại bằng những câu cứng lý sự lắm, đại khái như câu nầy: “Ông có quyền gì rầy tôi?”

Tội nghiệp! Cha mẹ của các em ấy hình như cũng không biết đến sự con mình buông lung hoang toàng như thế, vì buổi chiều thì vào giờ họ đi mần, buổi tối thì vào giờ họ ngồi tiệm cà phê hoặc đi chơi giải trí.

Coi gương mặt chúng, tôi biết rằng hết thảy những đứa trẻ đó đều không có đi học ở trường nào cả, từ trước đến giờ. Lại còn điều nầy chỉ rõ hơn nữa, nếu chúng có đi học thì hồi 4 – 5 giờ chiều sao có thể đi chơi?

Ngó thấy chúng mà ai cũng phải ghê cho cái xã hội An Nam sau nầy, chừng 15 – 20 năm nữa!

Ngoài Bắc Kỳ có tỉnh nào đó người ta định mở thêm năm trăm trường học trẻ con vào một lúc, sao không bớt cho xóm nầy lấy một trường?

À mà Sài Gòn ta vẫn có Bình dân học hội hay học hiệu gì đó mà!...    

THÔNG REO

CỌP VẪN CÓ ÍCH CHO NGƯỜI

Người ta nếu có nhiều kinh nghiệm, biết suy xét đến nơi, thì đối với mọi vật trên thế gian, dầu là vật độc ác đến đâu đi nữa cũng đừng nên bảo là nó có hại. Bởi vì theo thực sự thì vật nào cũng có ích cả, dầu đến con cọp là con thú dữ, hay ăn thịt người ta, người ta cho nó là có hại, thế nhưng nó vẫn là có ích.

Cọp mà lại có ích, cái lẽ ấy mới vừa phát kiến bên xứ Ấn Độ, tôi thấy nói trên một tờ báo ngoại quốc.

Nói ở Ấn Độ, trong một miền núi kia có nhiều cọp quá, thỉnh thoảng nó lại ra giết hại nhân dân trong miền.

Chánh phủ địa phương thấy một mối hại cho nhân dân như vậy, bèn rao ra cho các thợ săn, ai đến trong miền đó bắn được cọp thì mỗi lần bắn được đều có thưởng.

Lịnh ấy ra rồi, bao nhiêu thợ săn các nơi đều tựu về đó mà săn bắn cọp. Đã có nhiều người được thưởng lắm. Chẳng những thế, những người ấy họ còn có thể bán da cọp để làm giàu.

Trải qua ba năm, tính ra có hằng ngàn con hổ bị bắn, rồi cả miền đó không còn có người nào bị nạn bởi nó nữa, dân sự thái bình rất mực đến nỗi ban đêm ngõ cửa cứ để vậy mà ngủ.

Nhưng một mối hại khác lại xảy đến ở ngoài ý liệu của người ta. Mà mối hại nầy càng lớn hơn mối hại vì hổ hoạn.

Có vô số hươu, nai, heo rừng, chó rừng, chó sói cùng nhau làm gió làm mưa ở trong miền ấy sau khi sơn quân càng ngày càng vắng mặt. Chúng nó phá mùa màng, đào tận gốc những cây màu hoa lợi, lại bắt heo bắt gà, cũng bắt đến người ta mà giết đi, ấy là riêng về chó rừng và chó sói.

Thì ra những giống thú đó hồi trước không có trong miền ấy là nhờ cọp xơi chúng nó đi, chúng nó không sanh sôi nẩy nở ra được. Từ ngày người ta giết hết cọp, chúng nó mới sanh đẻ nhiều ra mà làm hại dân chúng. 

Người ta thấy cái nạn thú rừng lại còn dữ hơn, đáng lấy làm lo hơn cọp, bấy giờ quan địa phương bèn xóa bỏ cái lịnh trước, cấm thợ săn bắn cọp, có ý để cho cọp được tự do sanh sản. Quả nhiên từ đó về sau thấy không có cái hại về mùa màng hoa lợi nữa, dẫu rằng thỉnh thoảng có kẻ bị cọp ăn thịt thì cũng như lúc kia bị ăn thịt bởi chó rừng chó sói.

Hiện giờ ở miền đó bên Ấn Độ, cái lịnh cấm bắn cọp trở được coi là một điều luật pháp văn minh.      

THÔNG REO

THEO GIÁ GẠO CHĂNG?

Bên Tàu, ở tại “bồi đô” Trùng Khánh, các nhà từ thiện có lập ra một cái hội gọi là “Hội tư trợ nhà văn”, mục đích là lấy sức mạnh của công chúng và của đồng tiền mà binh vực những người viết báo viết sách, nâng cao trình độ sanh hoạt của họ lên, hầu để họ hết lòng hết sức làm cho văn nghệ trong nước mau tấn bộ.

Theo báo Tàu, mới đây hội ấy có mở cuộc hội nghị lần thứ mười hai, quyết nghị nhiều khoản; tôi lấy ra hai khoản đem vào chuyện hằng ngày hôm nay để bà con xem chơi cho biết.

Một khoản, trước ngày hội nghị không lâu, có hai nhà văn qua đời, hội nghị bàn đồng ưng trích ra trong số tiền vốn của hội lấy 1500 đồng mà giúp cho gia đình hai người ấy: một được 1000 đồng, một được 500 đồng. 

Một khoản, hội nghị quyết định rằng từ nay về sau các nhà văn giúp việc cho cơ quan xuất bản nào, trừ ra ăn lương tháng không kể; còn tính trả từng bài thì phải trả mỗi một ngàn chữ từ 15 đồng đến 20 đồng, chớ không được trả ít hơn.

Đó mới chỉ có hai khoản trong một cuộc hội nghị của hội ấy, tôi thuật lại đây để bà con ta thấy ở xứ họ có những việc mà không thể có được ở xứ ta. Làm sao tôi lại nói “không thể có được”? Là vì những việc như thế, tôi không hề thấy có ở xứ ta từ trước đến giờ nên tôi cũng tưởng từ giờ về sau sẽ không có luôn.

Nhưng có kẻ nhắc cho tôi nhớ chuyện cách ba năm trước, sau khi ông Nguyễn Khắc Hiếu chết, xã hội An Nam chẳng đã giúp cho gia đình ông ấy một số tiền lớn là gì? Chỉ kém ở chỗ không có một cái hội để thường thường tư trợ các nhà văn, chớ sau khi nhà văn chết mà giúp cho vợ con, thì người An Nam chúng ta cũng biết giúp vậy chớ.

À, thế thì ra cái chuyện như trong khoản thứ nhứt, ở xứ ta đây cũng có thể có được chớ chẳng phải là không. Nhưng còn sự nhấc cao giá văn lên như khoản thứ hai, thì ở ta đây mới thật là không có.

Ở ta đây giá văn hiện thời cứ một trương giấy viết là 8 cắc. Mà một trương bổ đồng chừng 250 chữ. Vậy một ngàn chữ ở xứ ta giá độ 3p20. Như thế, đem so với cái giá từ 15p đến 20p, thật hơn kém nhau xa quá! Tôi phải lấy làm bất bình về chỗ đó.

Nhưng có kẻ khác lại nói cho tôi biết rằng sự hơn kém đó là bằng theo giá gạo. Văn sĩ cũng mua gạo nấu cơm ăn mà viết ra văn, vậy hễ ăn gạo mắc thì văn viết ra giá phải mắc, ăn gạo rẻ thì văn viết ra giá phải rẻ, há chẳng phải là lẽ tự nhiên và công bình lắm ư?

Bên Tàu dạo nầy giá gạo rất cao. Ở Thượng Hải hôm trước có tin rằng giá 100p một tạ. Còn ở Trùng Khánh, người ta tính ra mỗi người ăn hết 60p bạc gạo mỗi tháng. Vậy mà bảo giá văn không cao sao được?

Ở Nam Kỳ gạo tốt nhứt chỉ 13p một tạ, nhưng gạo văn sĩ ăn lại không tới giá đó, thì giá văn rẻ là phải.

À có lẽ! Hoặc giả cái giá văn hơn kém đó là theo giá gạo chăng? Tôi cũng muốn nói như vậy cho rồi.  

THÔNG REO

CÒN CẤM NỮA CHĂNG?

Đó là tôi muốn hỏi về thứ sách khiêu dâm. Đã lâu rồi, nghe như thứ sách ấy bị cấm, bị tịch thâu, nhưng không biết hiện nay còn cấm nữa chăng? Nếu còn cấm thì người ta cũng nên đi soát xem các hàng sách nhỏ khắp trong chợ Bến Thành lấy vài bận. Khi soát xem qua, người ta chắc sẽ thấy ở đó còn có ít nhiều cuốn tiểu thuyết đáng đốt lắm.

Sở dĩ tôi nhớ mà nhắc đến việc nầy là vì thấy các nhà giáo dục Huê kiều ở đây mới có làm một việc giống như vậy. Họ cấm học trò của họ đọc “Liên hoàn đồ họa”.

“Liên hoàn đồ họa” là một lối tiểu thuyết kiếm hiệp mà trong đó vẽ nhiều hơn viết. Mỗi trương là một bức vẽ, mà vẽ câu chuyện liên tiếp nhau, vì vậy nên gọi là “liên hoàn”.

Họ dùng những bức vẽ để kể chuyện, và chỉ dùng một ít chữ để cắt nghĩa những bức vẽ, người xem chỉ xem vẽ là biết chuyện: cách ấy rất hiệp với tâm lý của trẻ con.

Nhưng hết thảy những tiểu thuyết theo lối liên hoàn đồ họa đều nói chuyện kiếm hiệp: giết người, cứu người, phun ra lửa, nhả ra gươm, đi mây về gió, toàn những sự huyền hoặc quái ác rất hại cho đầu óc đơn giản của con trẻ.

Những sách ấy in tại bên Quảng Đông, Hương Cảng; họ in bằng giấy xấu bán giá rất rẻ. Thế rồi có người buôn qua bán cho trẻ con Khách ở đây. Ở đây, có những anh Khách kiết mua về đem giàn ra mấy góc đường phố cho người ta thuê xem, những kẻ thuê xem toàn là đám hạ lưu và đồng ấu, cố nhiên cũng là Khách trú vậy.

Có nhiều chú tửng[8] mê “liên hoàn đồ họa” đến nỗi cha mẹ cho đồng tiền nào để ăn quà đều đem thuê thứ sách tai hại ấy để cầy cục xem, xem cho đến bỏ học, bỏ làm công việc.

Thật, “liên hoàn đồ họa” quả là một cái họa cho trẻ con học trò Hoa kiều ở xứ nầy.

Bởi thấy nó làm hại như thế nên mới rồi các trường học Hoa kiều ở Sài Gòn, Chợ Lớn đồng ra lịnh cấm học trò từ rày về sau không được xem “liên hoàn đồ họa” nữa.

Họ không cấm, chớ cấm thì chắc được.

Chỉ có sự cấm tiểu thuyết khiêu dâm ở xứ ta nghe sôi nổi lên một lúc, rồi không biết sao hình như vắng đi.

Có lẽ ở các hàng sách hiện giờ không còn có bán thứ sách nào có thể gọi là khiêu dâm nữa. Nếu người ta tưởng thế thì lầm lắm. Phải lấy về mà đọc qua một bận mới thấy.[9]

THÔNG REO

DIỄN KỊCH

Thấy trên một tờ báo, một ban diễn kịch ở Bắc rao rằng rồi đây sẽ vô Nam thử diễn cho công chúng trong nầy xem.

Nếu có vậy thì quả thật anh em ở ngoải sẽ hiến cho chúng ta một trò vui mới. Vì ở đây lâu nay chỉ xem cải lương, hát bộ, còn kịch thì chỉ thấy kịch người Pháp, chớ chưa hề có kịch An Nam.

À, nhớ ra cũng có một vài lần anh em Bắc Kỳ diễn kịch ở đây rồi. Nhưng đó là diễn theo lối tài tử, chớ chưa có thành ban hay đoàn, diễn theo lối nghề nghiệp chuyên môn.

Có người sợ công chúng ở Sài Gòn không thích xem kịch vì không quen. Như thế, ban kịch Bắc có vào đây cũng sẽ không được hoan nghinh mấy.

Nhưng tôi không tin như vậy. Trái lại, tôi quyết rằng đương hồi nầy nếu có ban kịch Bắc vào, người ta sẽ xem đông lắm. Vì ai nấy coi bộ chán hát bộ và cải lương rồi mà lòng người lại đương tẻ ngắt, cần có cái gì hay hay là lạ để giải trí cho khuây, thì là một cơ hội tốt cho ban kịch Bắc vào đây lắm vậy.

Nói tới kịch, tôi lại nhớ một câu chuyện về kịch.

Ở bên Tàu, trước cũng không có kịch, họ mới bắt chước Tây mà đặt kịch và diễn kịch chừng vài chục năm nay. Ở Trung Huê ngày nay có một nhà văn được công chúng xưng là “kịch tác giả”, bút danh Điền Hán, là người soạn kịch có tiếng hơn hết.

(Trong nước ta chưa có ai đáng được xưng là kịch tác giả. Họa may ngoài Bắc có ông Vi Huyền Đắc. Mà Điền Hán thì cũng bằng Vi Huyền Đắc của ta phóng đại ra đến một trăm lần. Nói vậy cho biết danh tiếng của Điền Hán ra sao!)

Trong một bài tự thuật, nói về sự từng trải của mình về kịch, Điền Hán có viết rằng:

“Không biết làm sao trong các môn loại văn học tôi lại chọn lấy kịch. Sự thực, mươi năm nay tôi đã soạn được hơn mười bổn… Vì vậy ở trong làng văn lạc hậu của Trung Quốc tôi được nhận làm kịch tác giả. Nhờ kịch mà tôi được trổi lên, nhờ kịch mà tôi được nhiều bạn, nhờ kịch mà tôi có cái ăn cái mặc; và cũng vì kịch mà có lần tôi suýt mang họa, lại cũng vì kịch mà có mấy người bạn đã quen hoặc chưa quen của tôi bởi diễn vở kịch của tôi mà đã mất sanh mạng hay mất tự do!”

Nhơn nói đến kịch mà tôi nhớ ra câu ấy của Điền Hán và lấy làm ghê quá. Té ra cái thứ đó mà nó cũng làm cho ai vọc đến nó cũng có thể chết bất đắc kỳ tử như là kẻ sát nhơn phóng hỏa mà tôi không biết!

Đã là kịch thì chẳng qua cũng làm trò đùa dỡn mà thôi, trong kịch dầu có tình tiết gì khả nghi cũng chưa phải là sự thực, thì việc gì lại đến nỗi bị giết hay là bị bỏ tù?

Nói đến, người tôi bắt ghê quá! Hay là chỉ có cái xứ của ông Tần Thủy Hoàng mới có như vậy mà thôi?

Phải, đó là câu chuyện bên Tàu. Chỉ bên Tàu mới có thế.

Còn Sài Gòn hay Nam Kỳ đây cũng vẫn là An Nam, đất nước ông bà, hiền lành lắm, không có gì đáng lo hết, anh em nếu định vô thì cứ vô đi!      

THÔNG REO

ĐỌC MÀ ĐỪNG TIN

Trong những chuyện xưa tích cũ của nước An Nam ta, hoặc truyền miệng cho nhau, hoặc có chép trong sách, phần nhiều là chuyện huyền hoặc không thể tin; đã thế mà lại còn có chuyện không có ý nghĩa gì cả nữa là khác.

Như những chuyện Phò Đổng thiên vương, Chử Đồng Tử, xảy ra ở bốn ngàn năm trước, thuộc về đời thần thoại, chẳng nói làm chi. Có chuyện chỉ cách vài ba trăm năm nay mà cũng huyền hoặc vô lý như thế, mới là đáng chán.

Mới xem Việt báo,[10] thấy có đăng bài thuật chuyện ông Nguyễn Công Hãng, người ở vào đời vua Lê Cảnh Hưng mới đây chớ không xa xôi gì.

Nguyễn Công Hãng 21 tuổi đậu tấn sĩ, sau làm đến thủ tướng giúp vua Lê chúa Trịnh, có nhiều công trạng và danh tiếng; ông lại có đi sứ Tàu, tỏ ra người có thủ đoạn về việc ngoại giao.

Tục truyền rằng: khi Nguyễn Công Hãng còn làm thủ tướng, có một vị quan nhỏ mắc bịnh sắp chết. Các học trò của vị quan ấy vì thầy mình cầu mộng ở đền thờ thần Tản Viên. Được thần phán bảo rằng: “Việc nầy ta không có quyền; hãy cầu xin đức Nam Đẩu, ngài sẽ ban thêm tuổi thọ cho”.

Bọn học trò kêu nài mãi, thần lại dạy: “Nguyễn Công Hãng là một bậc dị nhân, về mà kêu với ông ta cũng được”.

Bọn học trò trở về kêu với Hãng. Công Hãng liền cầm bút phê vào đơn xin rằng: “Cho sống thêm một kỷ nữa!”

Sau quả nhiên viên quan ấy khỏi bịnh và sống thêm một kỷ là 12 năm nữa.

Đó là lời tục truyền mà người viết bài trong Việt báo thuật lại như thế. Theo đó thì ông Công Hãng đương làm quan tại triều mà cũng cầm quyền sanh tử ở Thiên tào hay Âm ty gì đó, tùy theo người ta tin tưởng.

Nhưng cũng theo tục truyền và có chép trong bài ấy của Việt báo, thì lại có chuyện khác tương phản với chuyện ấy, nếu người đọc có để ý đến.

Nói Nguyễn Công Hãng đương làm quan lớn có một thầy số bảo ông ấy phải liệu mà về hưu đi, nếu không sẽ mang họa. Công Hãng chưa kịp về thì một vị chúa Trịnh khác lập lên, lấy tư thù đày Công Hãng đi Tuyên Quang, nửa đường còn sai người đuổi theo giết chết.

Thế thì ra Công Hãng đã cầm quyền sanh tử, đã ban thêm tuổi thọ cho người khác được, sao không tránh được cái chết của mình, sao không tự mình ban thêm tuổi thọ cho mình?

Câu chuyện vô nghĩa lý là ở chỗ đó. Ngoài sự huyền hoặc không đáng tin ra, lại còn có cái vẻ ngây ngô khờ khạo nữa.

Đọc những chuyện như thế, chúng ta chỉ “nghe để làm tai”, chớ chẳng nên nhắm mắt tin là “ba bó một dạ”.[11]

THÔNG REO

VỚI CỌP MÀ LU LƠ THẾ SAO ĐƯỢC?

Tôi đọc báo thấy tin nầy mà sởn tóc gáy!

Ở ngoài Bắc, làng gì đó về miền núi, nhơn có cọp về giết hại súc vật, dân làng bèn rủ nhau đánh bẫy. Cái bẫy làm cách nào không rõ, mà sau vài hôm gài xong, bỗng thấy mất cái bẫy đi. Người ta đánh dấu theo, mới biết ra con cọp mắc bẫy rồi tha luôn đi vào hang nó. Ôi cha, đã đánh bẫy cọp, sao còn để cho cọp tha bẫy đi được?

Tuy về sau người ta bắn cọp chết được ở hang nó, chớ cũng là nguy hiểm lắm, sau khi nó ngoạm cho vài kẻ bị trọng thương rồi nó mới chịu hạ.

Đó cũng tỏ ra cái thói làm việc cẩu thả của người An Nam. Cẩu thả với cái gì còn không được thay, huống hồ cẩu thả với con cọp thì còn sẽ mang hại bởi nó hơn là cứ để yên mà đừng chọc nó ra, đừng đánh bẫy nó làm gì!

Tôi biết có nhiều thứ bẫy cọp lắm, như là bẫy lồng, bẫy kẹp, cũng đều không bằng hai thứ bẫy tôi sắp kể đây, nó đã chắc chắn mà lại còn có vẻ mỹ thuật là khác. Ủa hay, chơi với cọp lại không cần có mỹ thuật à?

Trước hết, địa thế chỗ để cái bẫy, phải lựa chỗ dốc như là cái bờ khe bờ suối.

Bẫy rất là đơn giản, mới xem như chỉ một khúc gỗ để đó, không có gì đáng ngờ cả, cho nên thường bắt được cọp luôn, mười lần không trật một.

Một khúc gỗ lim – không lim thì gỗ khác, miễn cho cứng là được – bề dài chừng một thước hai tây, yêu viên[12] chừng 4 – 5 tấc tây lớn tròm trèm cây cột nhà, đục rỗng ở trong từ đầu nầy đến đầu nọ. Đục hoàn thành rồi, xem cũng như cái ống máng nước của thành phố dùng để xây cống các con đường, bằng xi-măng, thứ nhỏ. Thế rồi hai đầu ống làm hai cái hom bằng sắt nhọn, như kiểu cái hom lờ cá mà gắn vào cho thật chắc, đừng để rơi ra được. Trước khi gắn hom, bỏ vào trong ống một con chó hạng thanh niên. Phải nhớ, chung quanh ống, nhứt là phía để hướng lên trời, phải đục nhiều cái lỗ nhỏ cho con chó có thể thò cái giò ra được.

Tất cả cái bẫy chỉ có thế. Làm xong rồi, đem đặt cái ống nằm trên bờ khe, chỗ con cọp hay đi uống nước.

Thứ chó còn tơ nó hay kêu lắm; ở trong ống nó lại càng kêu hơn, đôi khi thấy cái lỗ có ánh sáng, nó lại thò giò ra nữa. Cọp ta đi ngang qua, thấy được, thế nào cũng thò tay vào bắt. Thò tay mặt, tức là cái cẳng trước bên hữu của nó, vào trong ống và đã mắc lấy hom rồi, nó sẽ thò tay trái tức cái cẳng bên kia vào sau. Thế là hai cái chưn trước của cọp bị dính cả không thể lấy ra được. Còn hai chưn sau, tất nhiên nó phải vùng vẫy để kiếm cách thoát. Không ngờ vùng một cái, mất thăng bằng, cả con cọp và cái ống sẵn dằm đều lăn xuống khe. Ấy là cọp chịu chết, không tài nào thoát được.

Đố ai thấy cái cảnh tượng ấy mà không tức cười. Vì vậy tôi cho là có mỹ thuật.

Bài sau tôi sẽ nói một cách đánh bẫy nữa, còn ngộ hơn nhiều.  

THÔNG REO

ĐI LƯỢM SẮT VỤN

Người Âu Mỹ họ văn minh chừng nào, càng sanh ra xa xỉ hoang phí, không biết tiếc của trời chừng ấy. Năm trước đã có lần họ đổ hàng triệu tấn cà phê xuống sông, thấy không ai nói chi, năm nay họ lại hủy phá không biết bao nhiêu đồ bằng sắt đang lúc giá rất mắc.

Thật thế, ở xứ ta đây giá sắt từ năm ngoái đến năm nay cứ mỗi lúc một cao lên. Tôi không thể nói chắc một ki-lô bao nhiêu, cũng vì giá nó cứ thay đổi và lên mãi, không có nhứt định. Hình như sắt nguyên tấm hiện nay trong xứ đã khan lắm, người ta phải mót đến sắt vụn.

Ở nhà tôi, có người đàn bà khéo để dành, để dành những cái đinh sứt vấu, cái bản lề cũ, cái trành dao cùn từ bao nhiêu năm trước, không ngờ năm nay đem ra bán cho bọn khách ve chai, họ mua ráo hết, mà được tiền vô khối đa.

Tội nghiệp ở nhà quê mấy anh thợ rèn rèn những lưỡi cày, lưỡi cuốc, rựa đốn tre, phảng phát bờ, đều chắp nối những mảnh sắt vụn lại mà làm thành ra. Trong khi ấy người ta lại đang tay mà phá vỡ những thứ đồ bằng sắt rất ròng rặt và nguyên khối.

Theo điện tín Bá Lâm[13] 4 Juillet: Ở bên Nga, từ xứ gì đến xứ đó, bằng tiếng Tây khó kêu lắm, một con đường rộng hàng mười mấy thước, dài đến bảy trăm cây số, hiện đang bỏ ngổn ngang những cỗ xe bằng sắt bị quân địch phá hư. Những cỗ xe ấy có nhiều kiểu, có nhiều việc dùng, hoặc để vận lương, hoặc để nấu bếp, hoặc để chở đồ cần dùng việc binh mà đều bọc sắt cả. Hết thảy đều đã bị trái phá và đạn hột lựu bắn vỡ tan, nhiều mảnh sắt vụn bay xa đến hàng trăm thước. Ngoài ra còn có súng cao xạ và súng đại bác nữa, cũng bị phá hư để nằm kình càng cả đống ở đó, mà đồ này cũng lại bằng sắt.

Giá tin đó mà đúng, được lắm, chúng ta trong khi thiếu sắt dùng, không cần bàn tới chuyện đào mỏ làm chi, nếu có thể thì cứ đi tới đó mà lượm những mảnh sắt vụn ấy đem về, cũng đủ dùng hay là bán.

Tôi định rủ một tốp anh em đi theo cái việc làm ăn lương thiện ấy. Tôi nói với họ rằng không hề chi hết, người ta đánh nhau mặc họ, mình chỉ có việc lượm sắt vụn mà thôi, đừng can dự đến việc của người ta, thì sau khi lượm được rồi, mình sẽ bình an mà về. Nhưng, đi rủ mãi mà chẳng có ai nghe tôi hết, chẳng có ai chịu đi. Họ sợ rủi mà những mảnh sắt vụn ấy văng nhằm thì lại chết oan mạng, bỏ vợ bỏ con, mà còn mang tiếng dại là khác; chỗ trâu bò húc nhau, ai biểu ruồi muỗi đến làm gì chớ!

Thôi, chi bằng hãy cứ việc ở nhà để lo “cày ruộng đắp bờ”; cái là chắc chuyện hơn.

THÔNG REO

MỘT CÁCH ĐÁNH BẪY CỌP KHÁC

Tục ngữ nói “Mạnh dùng sức, yếu dùng chước”. So với cọp, người ta yếu hơn cọp, thì người ta dùng chước, mà cái chước ấy có thể biến hóa ra vô cùng vô tận.

Tiếp với bài trước, tôi cho bạn đọc một cách đánh bẫy cọp nữa. Cách nầy sánh với cách trước còn có vẻ mỹ thuật hơn. Thật tình nó ít khi kiến hiệu, mà đã kiến hiệu thì thôi, vui đáo để, có thể làm một trò xem cho công chúng luôn đến trong hai ba ngày.

Lối bẫy nầy người ta gọi là “bẫy câu” hay là “bẫy dùi đục”.

Lựa một khoảng đất trong núi, chỗ cọp hay bén mảng tới, rộng độ bằng một cái nền nhà nhỏ. Sắm sẵn năm bảy cây tre thật to thật dài, chôn thật sâu chung quanh khoảng đất ấy và cách nhau từng quãng, mỗi quãng một cây. Chôn xong, túm đầu hết thảy bao nhiêu ngọn tre mà buộc lại cho thật kỹ.

Lại sắm một cái dây gai, đánh cho thật săn thật chắc, bề dài nó phải đo cho bằng từ chỗ các ngọn tre bị buộc chúm lại thả thòng xuống chưa đến đất chừng một thước tây. Cái dây gai ấy sẽ cột vào chỗ các ngọn tre chúm lại. Và dùng một cái ống bằng sắt dài độ năm tấc tây, trong rỗng, lọt cái dây gai thong thả. Cái ống ấy xỏ qua cái dây gai rồi kiếm cách giữ nó lại ở đầu trên cùng, nghĩa là liền dưới chỗ khúm nhau của các ngọn tre; đợi khi nào ở dưới nầy có cái sức gì dựt mạnh thì nó mới tuột xuống.

Làm việc đến đó, trước mặt chúng ta thấy ra cái gì giống như cái người ta buộc nạng để gác sào phơi, chỉ không phải nạng ba mà là năm hoặc bảy. Và trên đầu nạng có một sợi dân gai thòng xuống chưa tới đất, trên đầu dây có một cái ống sắt như ống thổi lửa. Mới thấy vậy đó, chắc chưa ai đoán được là cái gì.

Nó là cái bẫy cọp ở tại chỗ nầy: Mút đầu dây dưới, buộc vào một cái lưỡi câu móc lấy một miếng thịt sống hoặc bò hoặc heo thật bự.

Người ta biết cọp có tánh láo ăn, ăn bao giờ cũng táp rồi nuốt chớ không nhai, cho nên mới có thể bày ra cái trò phỉnh gạt nó như vậy được.

Giả sử có con cọp đi tới đó thấy miếng thịt, vồ lấy, táp và nuốt ngay, thì cái lưỡi câu sẽ móc vào bụng nó và luôn cả sợi dây gai nữa. Dây gai, tánh nó bền mà dai, cọp không thể cắn đứt được. Vả lại, liền khi ấy răng nó bị thương rồi, còn cắn làm sao?

Là vì, sau khi cọp nuốt miếng thịt xong, bề nào nó cũng biết là trúng kế thì dùng sức để đánh tháo. Bởi sự dùng sức đó làm cho cái ống sắt ở trên tuột xuống đánh vào răng và miệng cọp, nó sẽ bị gãy răng hay giập miệng, nhưng không chạy đi đâu được.

Rồi cọp rống lên. Khi ấy người ta chẳng sợ gì cả, cứ chạy tới coi. Thấy cọp cứ rán sức dựt một cái thì cái ống sắt chạy lên, dựt một cái nữa ống sắt lại chạy xuống đập vào răng nó. Làm vậy hoài cho đến độ ba ngày người ta cứ để coi chơi cho chán rồi mới giết nó khi nó đã hết sức. 

THÔNG REO

MỘT CON CỌP BỊ CỤT CẢ BỐN CHƯN

Tôi là người ở miền núi nên biết được nhiều chuyện về cọp lắm. Tôi kể chuyện nó lần nầy nữa là ba, nhưng chắc bạn đọc cũng không chán, vì lần nầy càng thấy thú vị hơn hai lần trước.

Con cọp sắp nói đây, không phải nó mắc bẫy, mà bởi một sự tình cờ, khi nó đi kiếm mồi, nó đưa thân đến nơi chết.

Một cái đồng trồng mía ở gần núi, khi mía đã tới nước nấu đường được, người ta làm một cái chòi ở đó để đạp mía ra nước và nấu đường, kêu là “chòi mía”.

Trong chòi mía thường chia ra hai phần: một phần ở đầu kia có lò để nấu thì có vách che kín; còn một phần ở đầu nầy có bộ che và trâu đạp, thì để ngỏ, không có vách, cho tiện sự đi vào đi ra.

Bộ che làm bằng gỗ lim hay xoay, hai ống lớn, trên có cái cần gác qua cổ con trâu, hễ trâu đi vòng quanh thì hai ống che luân chuyển. Giữa hai ống che khít nhau, người ta có làm một cái như cái miệng để cho những cây mía vào đó, nhờ sự luân chuyển của đôi che mà nó dập ra và chảy nước.

Cái việc cầm những cây mía đút vào miệng che, phải dùng một người chuyên giữ, người ấy thường là trẻ con hay đàn bà, vì việc không khó.

Dưới chỗ hai ống che đứng, có một miếng ván dày và lớn gọi là “cái mông”. Trên cái mông có đục một đường mương, nước mía ép ra bao nhiêu thì do đường mương ấy mà chảy vào cái “muống thúy”.

Cái muống thúy chôn kế lấy cái mông, chỗ đường mương đã cùng, mà chôn trầm xuống dưới mặt đất chừng một tấc. Bao nhiêu nước mía chảy xuống, chứa ở đó, rồi dần dần múc vợi đi.

Bạn đọc biết qua đại khái cách cuộc cái chòi mía như thế rồi nghe câu chuyện mới phủng.

Một hôm người ta dậy đạp mía từ hồi gần sáng. Một đứa gái nhỏ giữ việc “chụm che”, tức là cầm những cây mía cho vào miệng che. Vì còn tối trời nên có thắp cái đèn dầu lu ly treo nơi cột.

Một con cọp đi kiếm ăn sớm, đến gần chòi, ngồi rình từ bao giờ không ai biết. Vừa lúc con trâu đi qua khỏi tầm mắt nó, con cọp nhảy tới định vồ đứa gái ngồi chụm che.

Có lẽ con trâu biết có cọp, đâm sợ vùng chạy lên, nên khi cọp ta nhảy vào thì trâu cũng đã giáp vòng mà trở lại chỗ cũ. Vì cọp vướng phải trâu nên chụp hụt con bé. Con bé lại hoảng hồn té nhào xuống cái muống thúy. Trong đó đã có một ít nước mía, con bé nằm ngửa và đưa hai tay hai chưn lên lơi bơi. Cái mặt che vẫn láng vì thường có thoa dầu, nhờ có ánh đèn, dọi cái bóng lơi bơi của con bé vào đó. Cọp ta nhìn cái bóng, tưởng là đứa gái ở trong che, bèn đút một cẳng vào để lôi ra. Không ngờ cái cẳng ấy bị che nghiến mất. Con cọp không chịu thôi, đưa một cẳng khác, cũng bị nghiến. Nó đưa cái thứ ba nữa, cũng bị nghiến nốt. Sau cùng bị nghiến đến cái cẳng thứ tư, thế là nó chỉ còn cái thân trơ trọi.

Gần sáng, cả làng chạy tới, ai nấy đều nhìn con cọp rồi nhìn nhau mà cười. Còn con bé, sau khi họ vớt ra, hú hồn hú vía mất một chặp lâu mới sống lại. Té ra nó không chết vì con cọp, mà con cọp lại chết vì nó.

Sau khi việc nầy xảy ra, người ta ở chung quanh làng đó cứ nhắc đến “con cọp chòi mía” để làm tượng trưng cho một cái triết lý: Kẻ ác có lắm khi không ai hại nó, trời cũng chẳng hại nó, chính nó tự hại.  

THÔNG REO

KHÔNG THỂ NÓI LÀ “ĐẺ”

Theo tin báo Bắc, người ta nói ở ngoài ấy có một người đàn bà chết rồi là còn đẻ.

Số là có một người đàn bà chết trôi, có mang đã 7 – 8 tháng, cái xác chết còn đang để chờ quan khám rồi mới liệm. Thì bỗng dưng thấy chỗ xác chết có máu ra lai láng; coi kỹ thì trong quần người đàn bà có đứa con trai lò ra và cố nhiên cũng đã chết.

Việc đã xảy ra như thế. Thế mà một truyền mười, mười truyền trăm, ai nấy đều nói người đàn bà chết rồi còn có thể đẻ được, rủ nhau đi coi.

Có viên thầy thuốc cắt nghĩa cái hiện trạng nầy, nói: “Đó không phải đẻ. Chỉ bởi cái hơi trong bụng người đàn bà sình lên đầy và mạnh quá, tống đứa con ra, chớ không phải đẻ”.

Viên thầy thuốc cắt nghĩa như vậy đúng lắm. Người ta còn sống mới đẻ được, chớ chết rồi còn đẻ gì?

Đó chẳng những thêm tri thức cho chúng ta về sanh lý học, mà cũng về văn học nữa.

Về sanh lý học, lấy “sanh sanh” làm nguyên tắc. Sanh là sống mà cũng có nghĩa là đẻ là nẩy nở nhiều thêm ra. Cho nên phàm vật gì có sống thì mới sanh sản được, còn chết thì hết sanh sản.

Người ta chết đi, cái hơi trong xác chết nó cứ sình lên mãi, có thể gọi là nó “lên men” (fermenter) được. Nếu cứ để cái xác đến ba ngày mà không liệm thì nó cứ phình to lên mãi, tục gọi là “sình chương chương mẩy” vậy. Cái làm cho sình lên đó chỉ là cái hơi. Nó bị nhốt ở trong bụng người ta nên nó mạnh lắm, nó phải kiếm chỗ mà thoát. Nhơn đó nó tống đứa nhỏ ra như là đẻ, lẽ ấy không lạ gì, cũng như nồi nước sôi làm cho cái đầu máy xe hỏa chạy đó thôi.

Như vậy, nếu nói chết rồi mà còn đẻ, thì là trái với sanh lý học lắm, nói thế cũng như chưởi sanh lý học!

Về văn tự học, cái hiện trạng đó nhắc cho chúng ta, những người biết viết, phải nhớ rằng khi nào gặp cái trường hợp như thế thì không được dùng chữ “đẻ”.

Như trên có nói, chữ “sanh” là sống mà cũng có nghĩa là đẻ, nẩy nở nhiều thêm ra. Vậy sống với đẻ, hai cái đó có tương quan với nhau: có sống mới có đẻ, không sống thì không đẻ.

Thế mà, người đàn bà đã chết, có đứa con lòi ra, nếu cũng dùng chữ “đẻ” để chỉ sự ấy, thì chẳng là vô nghĩa lắm sao? Nói như thế đã không đúng, mà lại có hại, hại những người dốt họ có thể tưởng lầm.

Không nói đẻ thì nói thế nào?

À cha chả! Cái mới là khó chớ. Tôi nghĩ mãi mới được chữ “bựt ra”. Tôi muốn cái ông phóng sự, khi gặp việc như thế, phải viết trên báo: “Cái xác chết có đứa con bựt ra”, chớ không được nói “đẻ”. Chữ đó không lạ gì và nó có nghĩa đúng lắm. Hễ cái gì nó tức vì bí hơi thì nó bựt ra, mà đây đứa con bựt ra cũng chỉ vì bí hơi. Chỉ khác một điều: cái gì bí hơi mà bựt ra thì thường có nổ thành tiếng lớn. Khi đứa con bựt ra đây hoặc không có nổ chăng, hoặc có nổ nhỏ mà người ta không nghe thấy chăng?

THÔNG REO

ANH, NGA SAO KHÔNG DÙNG LÍNH NHẢY DÙ?

Tôi hôm nay cũng bàn tới sự dụng binh, thì thật là chuyện không ai ngờ có.

Vả chăng đời nay người ta dụng binh theo lối mới, còn tôi học theo Tôn Ngô binh pháp, thì có ăn nhập vào đâu mà bàn, − nhiều người chắc tưởng như vậy.

Tuy vậy, đông tây kim cổ cũng chỉ có nhứt lý: mặc dầu binh pháp nào, cái chỗ bí yếu cũng giống nhau. Một hòn núi, ông leo lên từ bên kia, tôi leo lên từ bên nầy, nếu chúng ta đều không lộn đường thì chúng ta sẽ gặp nhau ở trên đảnh.

Tôi muốn bàn tới cái lẽ tại làm sao mà bộ tham mưu của Anh và Nga lại không dùng lính nhảy dù để làm rối bên địch như Đức đã dùng.

Ấy cũng là một câu hỏi của bên Pháp đặt ra mà hãng Arip lấy đem vào tin mới rồi, thông tin cho chúng ta biết.

Họ nói, chính đạo binh nhảy dù là của Nga bày ra, hiện Nga có đến một trăm ngàn bộ đội đã luyện tập thành thục, sao mà trong trận đánh với Đức đây, chẳng hề thấy Nga dùng tới?

Còn bên Anh, trước kia thấy lính nhảy dù của Đức lập nhiều công trận thì họ liền luyện tập theo kiểu và đem ra dùng. Lần thứ nhứt, Anh cho lính nhảy dù xuống đất Ý thì đã bị bắt làm tù binh hết thảy. Về sau không thấy nói Anh còn có dùng hạng lính ấy lần nào. 

Người ta chỉ nói thế, nhưng người ta không cắt nghĩa tại làm sao Nga không dùng lính nhảy dù và Anh chỉ dùng có một lần rồi thôi đi, còn Đức lại cứ dùng.

Cái lẽ ấy, tôi tưởng người ta biết thừa ra, có điều người ta không nói đó thôi; dễ lắm, không gì khó biết cả.

Số là đội binh nhảy dù phải nhờ có đội binh thứ năm là kẻ làm nội công thì mới thành công được. Sau khi họ ở máy bay nhảy xuống, có bọn nội công hiệp sức với nhau hành động mới làm nên việc, không thì họ chịu phép.

Trận chiến nầy gây ra từ nước Đức. Đức đã sắp đặt sẵn đội binh thứ năm ở các nơi nên mới dùng lính nhảy dù ở đó một cách công hiệu.

Còn Anh hay Nga cũng vậy, trước kia không định đi xâm lược nước nào, cho nên Nga dầu lập đội binh nhảy dù mà cũng không lập sẵn đội binh thứ năm.

Không có kẻ nội công để tiếp ứng thì lính ở trên trời nhảy xuống chỉ làm mồi cho bên địch, như lính nhảy dù của Anh bị bắt ở Ý đó.

Bởi lẽ đó mà Đức dùng lính nhảy dù được, còn Anh và Nga không dùng.

Nếu vậy, bây giờ Anh và Nga đặt đội binh thứ năm ở các nơi đi, có được không?

Có lẽ không được. Hồi đầu chưa ai để ý nên Đức mới đặt nội công ở các nước được, còn bây giờ đâu đó đều giữ như khem, có chỗ nào thò tay vào!  

THÔNG REO

MÀY NGÀI VÀ MÀY TẰM

Nhơn Dân báo số vừa rồi có bài của cô Mộng Tuyết bắt bẻ hai chữ “mày ngài” của báo Tri tân[14] mà tôi kéo dài ra thành câu chuyện: mày ngài và mày tằm.

Hai danh từ nầy đã có nhiều người làm lầm lộn nhau, cả đến cụ Nguyễn Du là ông tổ sư quốc văn của chúng ta cũng không khỏi.

Trước hết chúng ta nên định nghĩa rõ ràng hai chữ nầy rồi nói chuyện gì hãy nói. “Ngài” là con bướm do trong cái kén nở ra; còn “tằm” là con tằm nở ra từ trứng của con ngài rồi lần lần lớn lên và làm ra cái kén.

Trong báo Tri tân, theo cô Mộng Tuyết thuật lại, ông Hoa Bằng giải chữ “nga mi” là “nét mày như con ngài” và thêm rằng: “Nếu nét mày đã như con ngài thì không biết còn đẹp cái nỗi gì?”

Phải, nếu cặp mắt của người đàn bà như hai con tằm “ăn ba” hay “thức lớn” nằm trên đôi con mắt thì coi bặm xị quá, không còn đẹp vào đâu nữa.

Nhưng không phải.

Khi nào người ta nói cặp mày của mỹ nhân mà nói “nga mi”, tức chỉ hai cái vòng cong trên đầu con ngài, như cô Mộng Tuyết có cắt nghĩa. Đại khái muốn tả ra cặp lông mày cong mà nhỏ.

Thế còn mày tằm?

Mày tằm là cặp mày to, rậm, dài, có vẻ bặm xị, thường là cặp mày của bậc anh hùng, của trang hảo hớn hay là võ tướng.

Như trong truyện Tam Quốc nói ông Quan Công “mi nhược ngọa tàm”, nghĩa là lông mày như con tằm nằm. Con tằm nằm, thì chưng mày phải là dài, thẳng, to và rậm, mới xứng với sự so sánh ấy.

Thế mà trong khi cụ Nguyễn Du tả trạng mạo Từ Hải, một vị anh hùng cụ muốn tả, cụ lại nói rằng “râu hùm, hàm én, mày ngài”, có phải bướng không?

Nếu Từ Hải mà có cặp mày ngài thì thành ra Từ Hải trở lại có cái đẹp của cô Kiều, coi sao được?

Thật thế, đàn ông, nhứt là thứ đàn ông làm tướng giặc, mà lại có cặp chưng mày vòng nguyệt như mày của con ngài thì thật chẳng có đàn bà nào coi cho vừa mắt họ cả.

Cho nên, chỗ Truyện Kiều tả về Từ Hải đó, giá cụ Nguyễn Du không nói “mày ngài” mà nói “mày tằm” mới đúng.

Cái mà ông Hoa Bằng “không biết còn đẹp cái nỗi gì?”, nếu đem mà đặt trên khuôn mặt Từ Hải lại trở thấy là đẹp, vì có thế nó mới xứng với râu hùm hàm én.

Cô Mộng Tuyết hãy khoan thứ đi! Rất đỗi đến cụ Nguyễn Du còn làm lầm lộn thay, huống gì ông Hoa Bằng ở báo Tri tân!   

THÔNG REO

LOÀI MUỖI CŨNG TỬ VÌ TÌNH

Trên thế gian có chuyện nào kỳ lạ vô song, y như là chuyện ấy phải xảy ra ở nước Huê Kỳ. Ngày nay mới nghe thấy loài muỗi biết tử vì tình là một, cũng nghe thấy từ bên nước ấy.

Tuy vậy, người hay vật ở đâu cũng giống nhau. Loài người bên Huê Kỳ với loài người ở An Nam cũng đồng là loài người, thì loài muỗi ở Huê Kỳ với loài muỗi ở đây cũng đồng là loài muỗi.

Cho nên người An Nam đã biết tử vì tình không khác gì người Huê Kỳ hay người trong thế giới, thì muỗi An Nam rồi đây, đến ngày bị phát kiến, chúng ta cũng sẽ thấy nó biết tử vì tình như muỗi Huê Kỳ. 

Một nhà khoa học bên Mỹ, nhơn khi nấu món ăn trên một cái lò điện, lắng nghe một thứ tiếng vo ve rất nhỏ từ trong lò phát ra. Rất lạ là đến sau, xem thấy trong lò điện có vô số con muỗi chết. Thì ra cái tiếng vo ve ấy đã quyến rũ chúng đâm đầu vào.

Tới một bước nữa, nhà khoa học xét thấy bao nhiêu con muỗi chịu chôn mình trong lửa điện đều là con trống cả, không có lấy một con mái. Lấy làm kỳ quái quá đỗi, lại tới một bước nữa, nhà khoa học xét thấy cái tiếng vo ve trong lò điện nó giống hệt với tiếng vo ve của con muỗi mái lúc nó hát bài hoa tình để quyến rũ tình nhân.

À, có thế, thảo nào các anh chàng cảm nhau quá mà đến kéo nhau cả lũ hy sinh trong lò điện!

Loài muỗi tử vì tình, câu chuyện là như thế.

Người ta nói rằng do sự thí nghiệm ấy của nhà khoa học nọ, không bao lâu, trong nước Mỹ đã có một sự phát minh và chế tạo rất mới mẻ: chế tạo cái máy bắt muỗi, hình giống cái lò điện, trong đó thường phát ra tiếng hát hoa tình vo ve của “nước muỗi”.

Người ta lại nói rằng một ngày kia thứ máy ấy dùng khắp mười tám châu của nước Huê Kỳ ấy là loài muỗi ở đó sẽ không còn.

Ở Sài Gòn nhiều muỗi quá, nhứt là về dạo mùa hè nầy. Không biết có ai đi Huê Kỳ mà gởi mua thứ máy giết muỗi ấy, không được nhiều cũng được lấy vài trăm cái, để dùng trong các khách sạn, mỗi buồng mỗi cái.

Ông nào là nhà tư bổn, hãy xuất một món tiền làm cái việc [……]

Còn về phần thủ lợi thì chắc lắm, các chủ phòng ngủ sẽ trả tiền thuê cho ông tha hồ mỗi đêm là bao nhiêu tùy ông định, vì họ cần dùng lắm.

Lâu nay vải mùng mắc quá, ở các phòng ngủ, mùng đều rách cả, hoặc đến không có. Sợ có những người đưa nhau đến đó bị muỗi đốt, truyền bịnh rét rừng cho, trước sau rồi cũng đến bỏ mạng chăng.

Nếu có thế thì bọn họ lại vì tình mà chết trước giống muỗi An Nam!

THÔNG REO

CÁI CHẾT VÌ MỘT HỦ TỤC

Có những cái hủ tục trong xã hội ta, đại khái là những sự mê tín, làm cho người ta có thể chết được lắm, chứ đừng tưởng là nó vô hại.

Thầy phù thủy nhơn chữa cho con bịnh mà giết chết con bịnh, sự ấy tôi nhớ vừa xảy ra dặp[15] đến mấy lần, có đăng trên các báo Nam và Bắc.

Mới rồi lại có một anh chàng tự tử vì việc hôn nhân không được toại nguyện. Mà hôn nhân không được toại nguyện là tại bên nhà gái coi thấy tuổi của chàng và nàng không hợp nhau.

Ông Vương Đắc Cẩn, một thanh niên có học thức và có gia tài mấy chục vạn, vào hạng hào phú ở Bắc Kỳ thình lình dùng súng lục bắn vào ngực tự tử.

Người ta ngờ cho cái chết của Cẩn vì sự tuyệt vọng của cuộc hôn nhân. Nhà chức trách đòi cô Từ Minh Kha, người thiếu nữ bị ngờ có quan hệ trong vụ tự sát, đến hỏi. Cô Minh Kha khai rằng tháng hai năm nay Cẩn có nhờ người đến hỏi cha mẹ cô xin cô làm vợ. Ông thân cô đem so tuổi của cô với tuổi của Cẩn, thấy không hợp nhau bèn từ chối.

Có lẽ cái chết của Cẩn gây ra bởi đó chăng?

Cô thiếu nữ nói bằng cái giọng không quả quyết là phải lắm. Ai lại nhận cho gia đình mình làm thủ phạm của một vụ sát nhân?

Dầu không quả quyết, lời của cô thiếu nữ cũng đáng tin. Vì nếu không phải thế thì hầu như không còn có lý do nào khác.

Thế là sự coi tuổi, chính nó có thể là sự giết người.

Tôi biết rằng sự coi tuổi là cốt ở ngũ hành sanh khắc, mà ngũ hành gốc ở can và chi mà ra.

Nhưng chữ can và chữ chi của mỗi năm, dầu bởi sự luân chuyển mà thành ra, cũng phải có gốc. Gốc nó từ năm đầu kỷ nguyên của vua Nghiêu, trước đây đến ba bốn ngàn năm gì đó.

Như năm nay là năm Tân Tỵ, là kể bắt đầu từ năm Giáp Thìn, năm thứ nhứt của vua Nghiêu mà suy diễn ra.

Thế nhưng ba trăm năm nay đã có nhiều nhà học giả suy tính ra mà biết rằng năm đầu của vua Nghiêu không phải là năm Giáp Thìn. Cái thuyết ấy lâu nay học giới bên Tàu đều đã công nhận.

Sự ấy không phải một sự lạ. Cũng như trong học giới Âu châu lâu nay đều công nhận rằng cái năm Gia-tô[16] giáng sanh kể đến năm nay đáng lẽ là 1945 chứ không phải 1941, nghĩa là thuở trước người ta tính lộn, chậm đi hết 4 năm. Trong tôn giáo giới, người ta cũng cho thuyết đó là đúng, chỉ vì sự lầm lộn đã chất chứa đến hai ngàn năm rồi, nay chữa đi thì không tiện.

Nếu năm vua Nghiêu lên ngôi không phải Giáp Thìn, năm nay không phải Tân Tỵ, thì từ xưa đến giờ mỗi người kể tuổi mình theo can chi đều sai hết, thầy số và thầy bói, cả đến sách coi tuổi cũng đều ở trong vòng lầm lạc chẳng đâu vào đâu.

Một cái thuyết đã bị đánh đổ tận gốc mà còn được tin theo răm rắp. Tin theo răm rắp để có kẻ vì nó khinh rẻ cái mạng sống mà theo lẽ chưa đáng phải khinh rẻ. 

THÔNG REO

   




Chú thích

  1. Danh dự bác sĩ: tức là Tiến sĩ danh dự.
  2. Đây là trong giọng hài đàm, nêu 2 cái mốc cho chẵn 10 năm; thật ra, Phan Khôi viết “Câu chuyện hàng ngày” (ký Tân Việt) trên Đông Pháp thời báo 1928, Thần chung 1929-30; sau đó từ tháng 5/1930 đến 1933 viết mục “Những điều nghe thấy” (ký Tha Sơn, Thông Reo) trên Trung lập.
  3. Đông Dương: tuần báo (có lúc đổi sang nhật báo) ra số 1 vào 17/9/1938; số cuối cùng: trong năm 1945; chủ nhiệm Châu Vĩnh Thạnh; tòa soạn: 50 – 52 đại lộ Charner, Sài Gòn.
  4. Dân báo số tiếp theo (số 594, ngày 11/6/1941) bài trong mục “Chuyện hàng ngày” bị kiểm duyệt bỏ toàn bộ.
  5. expression (chữ Pháp): thành ngữ. Về từ “vê” này, Đại Nam Quấc âm tự vị ghi nghĩa là “say mê, ham hố”; nhưng nghĩa của riêng từ “vê” này dường như không liên quan tới nghĩa của thành ngữ “không hay vê cùng” như lời giải thích trên đây của tác giả.
  6. Ở số báo tiếp theo (Dân báo số 603, ngày 21 Juin 1941) mục “Chuyện hàng ngày” để khung trống, vì toàn bài bị kiểm duyệt bỏ.
  7. chim đà: chim ostrich, tức “đà điểu”, phiên âm chữ Hán  鴕 鳥  hoặc  駝 鳥 (theo Trần Văn Kiệm: sđd.)
  8. Chú tửng: tiếng gọi người đàn ông Hoa kiều (Từ điển phương ngữ Nam Bộ)
  9. Ở hai số báo tiếp theo (Dân báo số 615, ngày 8 Juillet 1941, và số 616, ngày 9 Juillet 1941) mục “Chuyện hàng ngày” đều để khung trống, toàn bài bị kiểm duyệt bỏ.
  10. Việt báo: nhật báo, số 1 ra ngày 18/8/1936, số cuối cùng ra ngày 9/2/1942; tòa soạn: 24 ter Gia Long, Hà Nội; chủ nhiệm Bùi Xuân Học.
  11. Ở số tiếp theo, Dân báo số 619 ra ngày 12/7/1941, mục “Chuyện hằng ngày” bị kiểm duyệt bỏ toàn bài.
  12. Yêu viên: chu vi.
  13. Bá Lâm: Berlin (Đức)
  14. Tri tân: tuần báo văn hóa, số 1 (3/6/1941), số cuối cùng: số 214 (16/7/1946); tòa soạn: 349 Phố Huế, Hà Nội; chủ nhiệm Nguyễn Tường Phượng.
  15. Dặp: chưa rõ nghĩa; các từ điển từ cổ và phương ngữ chỉ có “dập” (= xóa), không hợp văn cảnh này.
  16. Gia-tô: tức Jesus Christ, người sáng lập đạo Thiên Chúa.