Chuyện cái đầu tóc

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tuyển tập tiểu thuyết của Lỗ Tấn, do Phan Khôi dịch
Chuyện cái đầu tóc

Sớm mai ngày chủ nhật, tôi bóc bỏ tờ lịch về ngày hôm qua, xem đi xem lại cái tờ mới bày ra, nói:

"À, mùng mười tháng mười - té ra hôm nay là ngày tết Song thập, thế mà ở đây lại không ghi gì hết!"

Ông N., một bậc tiền bối của tôi, vừa ưa đến chơi nhà trọ tôi nói chuyện phiếm, thoạt nghe câu ấy, tỏ vẻ lạnh lạt nói cùng tôi rằng:

"Họ làm đúng đấy! Họ không ghi, anh làm gì họ; còn anh nhớ, lại làm gì ư?"

Ông N. vốn là người dở hơi ít nhiều, thường hay nổi giận bâng quơ nói những câu gàn dở. Trong lúc đó, tôi cứ để mặc ông nói gì thì nói, chẳng góp một lời; một mình ông bô bô lên một lúc, thế là xong chuyện.

Ông nói:

"Tôi rất phục cái tình hình tết Song thập ở Bắc Kinh. Sáng sớm, cảnh sát đến cửa, nhắc bảo "treo cờ!" - "Vâng, treo cờ!" Thế rồi mỗi nhà uể oải đi ra một vị quốc dân, kéo lên một mảnh vải tây rằn rực sặc sỡ. Như thế cho đến đêm, - hạ cờ xuống, đóng cửa lại; có mấy nhà quên bẵng đi, treo đến buổi sáng hôm sau.

"Họ quên bẵng ngày kỷ niệm, ngày kỷ niệm cũng quên bẵng họ đi!

Tôi đây cũng là một người quên bẵng kỷ niệm. Nếu nhớ đến một cái, bao nhiêu việc trước và sau cái tết Song thập lần thứ nhất nó đều dựng ngược dậy trong lòng tôi, làm tôi ngồi đứng chẳng yên.

"Bao nhiêu khuôn mặt người bạn cũ đều nổi bật lên trước mắt tôi. Bao kẻ thiếu niên chạy vạy cực khổ mười mấy năm, bị một viên đạn trong tối cướp mất tính mệnh; bao kẻ thiếu niên tránh khỏi viên đạn ấy thì lại chịu lấy một thứ khổ hình nhiều tháng ở trong nhà lao; bao kẻ thiếu niên ôm ấp chí lớn, thình lình mất tăm biệt tích, cả đến cái đầu ở đâu cũng không ai biết.

"Bọn họ đều đã trải qua một đời người trong những sự cười gằn, rủa độc, bức bách, hãm hại của xã hội; bây giờ thì mồ mả của họ cũng đã ở trong cái quên bẵng từ lâu mà dần dần trịt lít xuống rồi.

"Tôi không thể nào kỷ niệm được những việc ấy.

"Hay hơn là chúng ta cố nhớ ra một ít việc đắc ý đem kể lại cho nhau nghe chơi".

Ông N. vụt nở một nụ cười, giơ tay vo đầu mình một cái, cao giọng nói:

"Điều mà tôi rất lấy làm đắc ý là từ sau cái tết Song thập lần thứ nhất, tôi đi trên đường, không bị người ta chế nhạo mắng chửi nữa.

"Anh bạn, chắc anh cũng biết cái đầu tóc là đồ bửu bối cũng là của oan gia của người Trung Quốc chúng ta, xưa nay bao nhiêu người đã vì nó chịu những cái thống khổ mà không có giá trị chút nào!

"Những người đời xưa rất xưa của chúng ta hình như còn coi nhẹ cái đầu tóc. Xem như hình pháp quý trọng nhất là cái đầu, cho nên chém đầu là hình bậc thượng; thứ đến là sinh thực khí, cho nên "thiến" và "đóng nõ" cũng là một thứ hình rợn người; đến "cạo trọc"[1], thôi thì nhẹ lắm, nhưng mà thử nghĩ xem, thật chẳng biết đã có bao nhiêu lớp người vì trọc cái đầu mà bị xã hội giày đạp lên cả một đời.

Khi chúng ta còn đi tuyên truyền cách mạng, hay oang oang kể những chuyện mười ngày ở Dương Châu, làm thịt cả thành Gia Định[2] gì gì đó, đó chẳng qua là một thứ thủ đoạn của chúng ta; chứ thực ra thì: sự phản kháng của người Trung Quốc thuở bấy giờ có phải đâu là vì mất nước, chỉ vì để đuôi sam đấy thôi.

Bọn ngoan dân bị giết cả rồi, các ông già sót[3] đều qua đời rồi, cái đuôi sam để đã nhất định rồi, đảng Hồng Dương[4] lại nổi dậy. Bà nội tôi từng nói với tôi, thuở đó làm dân thật khó quá, hễ để cả đầu tóc thì bị quan quân giết, còn để đuôi sam thì bị bọn "dài tóc" giết!

"Tôi chẳng biết có bao nhiêu người Trung Quốc chỉ vì cái đầu tóc không ăn thua gì ấy mà chịu khổ, chịu nạn cho đến diệt vong".

Ông N. hai mắt trông lên xà nhà, hình như nghĩ ngợi việc gì, vẫn cứ nói:

"Ai ngờ cái khổ của cái đầu tóc lại đến phiên tôi phải chịu.

"Hồi tôi đi ra ngoài lưu học, bèn cắt quách cái đuôi sam. Làm như vậy chẳng phải có cái lẽ kín nhiệm gì khác cả, chỉ vì nó không tiện quá đó thôi. Chẳng dè có mấy người đồng học quấn bín trên đỉnh đầu nhơn đó chán ghét tôi dữ lắm, ông giám đốc cũng cả giận, nói sẽ đình cấp học bổng phần tôi, tống cổ về nước nhà.

"Chưa được mấy hôm, chính mình ông giám đốc ấy lại bị người khác cắt trộm đuôi sam rồi đi trốn. Một người trong bọn cắt trộm đó là Trâu Dung, tác giả sách Cách mạng quân, anh này vì cớ đó không lưu học được nữa, trở về Thượng Hải, về sau chết ở khám Tây Lao. Anh bạn đã quên bẵng đi từ lâu rồi hẳn?

"Sau đó mấy năm, tình cảnh nhà tôi sa sút không bằng trước, không kiếm việc làm sẽ phải chết đói, tôi bèn cũng trở về nước. Tôi về đến Thượng Hải liền mua một cái đuôi sam giả, bấy giờ giá chợ là hai đồng, đeo về nhà. Mẹ tôi cũng không nói gì, nhưng mà những người chung quanh thấy mặt tôi một cái là đều trước tiên ngắm nghía cái đuôi sám ấy. Đến khi họ biết là giả, cười gằn một tiếng, lên án tôi bị chém đầu. Có người trong bọn họ còn tính đi cáo giá với quan trên nữa, song về sau vì nghĩ sợ cuộc "làm giặc" của đảng cách mạng có lẽ thành công chăng, mới thôi, không đi cáo giác.

"Tôi nghĩ, cái gì giả không bằng cái thật nó thẳng thắn và khỏe khoắn hơn, tôi bèn bỏ phăng cái đuôi sam giả, mặc quách quân áo tây đi trên đường phố.

"Suốt con đường nào mình đi, là có tiếng nhạo cười mắng chửi suốt con đường ấy. Có kẻ còn cứ đi mãi theo sau lưng xỉ vả: "Đồ ma lem!" "Đồ tây giả hiệu!"

"Tôi khi ấy không mặc đồ tây nữa, đổi mặc áo dài, họ lại mắng mỏ càng hơn.

"Giữa lúc chuột chạy cùng sào ấy, trong tay tôi mới thêm ra một chiếc ba-toong, cứ đánh văng mạnh mấy chuyến là họ dần dần không mắng nữa. Chỉ khi nào đi đến chỗ chưa từng có đánh qua thì vẫn còn mắng.

"Việc này làm cho tôi rất buồn rầu, đến bây giờ lắm khi tôi còn cứ nhớ mãi. Trong lúc tôi lưu học, có xem báo thấy chuyện một người đi du lịch Nam Dương và Trung Quốc là bác sĩ Bông-tô: vị bác sĩ này không hiểu tiếng Trung Quốc và tiếng Mã Lai, có người hỏi ông, không hiểu tiếng thì đi đường thế nào được? Bác sĩ đưa cái ba-toong lên, nói này là tiếng của chúng, chúng đều hiểu cả! Câu chuyện ấy làm tôi tính chất giận đến mấy ngày, ai ngờ chính mình tôi cũng làm như thế mà không tự biết, vả lại những người kia cũng đều hiểu cả đi...

"Mấy năm đầu niên hiệu Tuyên Thống, tôi làm kiểm học ở một trường trung học tỉnh nhà, các bạn đồng sự lánh mặt tôi càng xa càng lấy làm hay, đám quan liêu phòng bị tôi càng nghiêm càng lấy làm được việc, tôi cả ngày như ngồi trong hầm nước đá, như đứng bên cạnh pháp trường, sự thực chẳng bởi gì khác, chỉ bởi thiếu một cái đuôi sam!

"Một ngày kia, có mấy tên học sinh thình lình đi vào phòng của tôi, nói: "Thưa thầy, chúng tôi muốn cắt quách đuôi sam đi". Tôi nói: "Không được!" - "Có đuôi sam phải hơn, hay không có đuôi sam phải hơn?" - "Không có đuôi sam phải hơn". - "Thế thì sao thầy lại bảo là không được?" - "ấy không nên, các anh khoan cắt đã là hơn... hãy đợi đã". Bọn họ không nói gì, bĩu môi đi ra khỏi phòng; nhưng mà rốt lại họ cũng cứ cắt.

"A! Không xong rồi, người ta nói nhiều quá lắm rồi. Tôi chỉ tảng lờ như không biết, cứ để mặc bọn họ đưa cái đầu trọc cùng với bao nhiêu cái đuôi sam một loạt vào lớp học.

"Song le sự cắt bín ấy đã thành ra bệnh truyền nhiễm: ngày hôm sau nữa, bọn học sinh trường sư phạm thình lình cũng cắt mất sáu cái, đến chiều, có sáu học sinh bị đuổi. Sáu tên ấy, ở trường không được, về nhà cũng không được, đợi mãi cho đến hơn một tháng sau cái tết Song thập lần thứ nhất mới xóa được cái vết dấu lửa đóng trên kẻ phạm tội.

"Còn tôi? Cũng thế. Chỉ có mùa đông Dân quốc nguyên niên đến Bắc Kinh còn bị người ta mắng mấy lần, sau rồi những người mắng tôi cũng bị cảnh sát cắt mất đuôi sam, tôi mới không được mắng nữa; song tôi chưa hề đi đến trong những vùng nhà quê".

"Ông N. tỏ ra vẻ đắc ý lạ thường, bỗng dưng lại sầm mặt xuống:

"Hiện nay các anh là những nhà lý tưởng kia lại còn ở chốn này kêu gào phụ nữ hớt tóc gì gì nữa, lại muốn tạo nên bao nhiêu người chỉ chịu thống khổ mà chẳng được một chút gì!

"Hiện nay chẳng đã có những cô con gái cắt mất cái đầu tóc rồi, vì đó thi vào trường không được hay là bị trường đuổi ra đó ư? "Cách mạng à, võ khí ở đâu? Vừa làm công vừa học à, công xưởng ở đâu?

"Cứ để cái đầu tóc, gả về làm dâu nhà người ta đi. Quên bẵng tất cả, còn là hạnh phúc, nếu để họ nhớ lấy ít nhiều câu tự do bình đẳng, ấy là sẽ phải chịu thống khổ suốt một đời!

"Tôi phải mượn câu nói của Artzybashev hỏi các anh: Các anh hứa hẹn sẽ ban cái thời đại hoàng kim cho lũ con cháu của bọn người hiện thời, song có cái gì ban cho chính mình bọn người hiện thời ấy chăng?

"A! Khi cái roi da của tạo vật chưa hề đến trên sống lưng của Trung Quốc thì Trung Quốc cứ mãi mãi là cái Trung Quốc mức ấy thôi, chính mình nó quyết không chịu thay đổi một mảy lông nào!

"Trong mồm các anh đã không hề có nọc độc, thì sao lại nhè dán hai chữ "rắn lục" to tướng lên trán, rước ăn mày đến đánh chết?..."

Ông N. càng nói càng thêm quái gở, nhưng thoạt thấy tôi tỏ vẻ không buồn nghe nữa, tức thì ngậm miệng đứng dậy lấy cái mũ.

Tôi nói: "Đi về à?".

Ông trả lời: "Phải, trời sắp đổ mưa rồi".

Tôi lằm lằm lụi lụi đưa ông ta ra đến cửa.

Ông N. đội mũ lên, nói:

"Lần khác! Xin anh bạn tha thứ tôi đã đến khuấy rầy. Được cái là ngày mai không còn là tết Song thập nữa, chúng ta có thể quên bẵng đi tuốt cả".

(Tháng 10, năm 1920, trước tết Song thập)

Nêu đại ý

Sau Cách mạng Tân Hợi, Dân quốc Trung Hoa bị bọn quân phiệt giày xéo, từ Viên Thế Khải đến Đoàn Kỳ Thụy, luôn luôn sát hại thanh niên, đày ải dân chúng, làm cho những người đặt hy vọng vào cách mạng trở nên thất vọng, Lỗ Tấn là một trong đám người thất vọng ấy.

Trong truyện ngắn này, ông tỏ ra lòng phẫn uất đối với thời cuộc và căm giận đối với bọn quân phiệt mà mượn cửa miệng ông N. nào đó. Thực ra, những điều ông N. nói đó toàn là những thực sự chính mình Lỗ Tấn đã từng trải mà ông có thuật lại ở những nơi khác, tức là cắt bín trong khi lưu học; dùng bín giả trong khi về nước; chỉ vì không có bín mà bị nghi kỵ đề phòng trong khi làm kiểm học.

Lỗ Tấn có thất vọng về Cách mạng Tân Hợi, nhưng không hề tiêu cực như những người khác thất vọng. Ngẫm mấy câu ông N. nói cuối cùng, thấy tác giả có ý vì muốn "ban cái gì cho chính mình bọn người hiện thời" mà chủ trương dùng "roi da" quật vào thời cuộc, lấy "nọc độc" chích vào kẻ phản cách mạng, tức là nhóm lại phong trào cách mạng và đưa nó lên cao độ hơn.

Trong bài Đời Lỗ Tấn và những nét lớn về phát triển tư tưởng của ông, Phùng Tuyết Phong nói: "Lỗ Tấn dùng tiểu thuyết giải phẫu xã hội Trung Quốc... Trong đó cũng phản ánh mối tình nhớ lại mà đau xót của mình về sự thất bại Cách mạng Tân Hợi và về sự dạy dỗ của cái kinh nghiệm ấy..." ấy là chỉ vào mấy thiên tiểu thuyết như thiên này.

   




Chú thích

  1. Đây nhẫn lên có mấy danh từ về nhục hình đời xưa: Hai hình về sinh thực khí: "thiến" dùng cho đàn ông, bằng chữ Hán là "cát thế" hoặc "cung"; "đóng nõ" cho đàn bà, bằng chữ Hán là "u bế". "Cạo trọc", chữ Hán là "khôn", hình nhẹ hơn hết. (U bế, có sách cắt nghĩa là "giam kín", như "bỏ ngục tối", không phải đóng nõ).
  2. Lúc Mãn Thanh mới vào chiếm Trung Quốc, ra lệnh hết thảy nhân dân phải cạo đầu dóc bín, nhiều nơi nhân dân kháng cự không tuân theo, bị Mãn Thanh giết hại rất tàn nhẫn thảm khốc, hai chuyện được ghi chép còn truyền lại, là Dương Châu thập nhật ký (Mười ngày ở Dương Châu) và Gia Định đồ thành ký (Làm thịt cả thành Gia Định).
  3. Sau nhà Minh mất nước, có những người lão thành tài học không chịu ra làm quan với Mãn Thanh, được gọi là "các ông già sót", chữ Hán là "di lão".
  4. Đảng Hồng Dương tức là Hồng Tú Toàn, Dương Tú Thanh nổi lên chống đánh Mãn Thanh, lập nên Thái Bình thiên quốc (1851 - 1864). Trong những vùng Hồng Dương chiếm cứ, nhân dân phải để tóc dài như hồi nhà Minh, cho nên Mãn Thanh gọi họ là "giặc dài tóc", chữ Hán là "Phát tặc" hay "Trường mao".