Bước tới nội dung

Chuyện giải buồn cuốn sau/114

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Chuyện giải buồn cuốn sau của Huỳnh Tịnh Của
114. — Án bẩm về việc ăn trộm

114. — án bẩm về việc ăn trộm.

Nhíp biện ấn vụ phủ Hoằng-trị, ti chức là.....

Kính đem việc tra hỏi, kiết nghĩ về sự ăn trộm có tang, các duyên do làm sách bẩm tỏ. Số là ngày mồng 2 tháng 5 năm nay, có cai tổng Bảo-hựu, là Huình-văn-Lưu, dịch mục làng Bình-nguyên, là Phạm-văn-Đăng, Trần-văn-Nghiêm, thôn trưởng làng Mỷ-hóa, là Huình-văn-Nghĩa, dịch mục là Nguyễn--văn--Nghiêm, giải vụ ăn trộm cùng xưng rằng « người ngụ làng Mỉ-hóa, là Nguyễn-văn-Trí, đêm 24 tháng 4, bị ăn trộm có làm tờ cớ, qua ngày 27 tháng ấy, nhìn đặng tang, bắt đặng phạm là Hạ-văn-trước và Mai-văn-Sanh, các người ấy phải giải cả tang cả phạm tới nha mà nạp, các lời. »

Hỏi Hạ-văn-trước, Mai-văn-Sanh đều xưng có ăn trộm nhà Nguyễn-văn-Trí, chưa kịp phân tang; đến khi tổng làng hỏi, văn Trước có đem tang ra mà nạp. Ti chức cứ lệ, sai người đi tịch ký, đoạn lấy lời cung khai, lập lời thẩm nghĩ, tóm tắt các việc cả thể ra sau nầy:

Hỏi Hạ-văn-Trước khai niên canh mậu-dần 34 tuổi, ở lậu tại làng Bình-nguyên, cha nó chết sớm còn mẹ điếc ở một nhà, làng thấy nó nghèo khổ, không đem vào bộ; nó có nghề làm rẩy. Nó thường chơi với Mai-văn-Sanh, nó biết tên Nguyễn-văn-Trí, ở ngụ làng Mỷ-hóa giàu có, nó rủ tên Sanh đi ăn trộm đở nghèo, tên Sanh nghe lời. Vậy ngày 24 tháng tư, chừng canh một, nó cắp một cái dao nhọn, một đoạn con cúi rơm, tới kêu tên Sanh cầm một cái đoản côn bằng tre, đi thẳng tới nhà văn Trí. Chừng canh tư, rình coi trong nhà ngủ mòm, nó cắt cữa sau, chun vào nhà trong, vung con cúi nháng, thấy một cái rương không khóa, nó men lại lấy đồ đem ra giao cho văn Sanh; chẳng dè chủ nhà nghe động, thức dậy hô hoán, nó thoát ra, ôm tang về nhà, thì trời rựng sáng, không dám chia; tên Sanh cũng chịu để vài bữa sẽ chia, rồi sấp lưng ra về. Nó coi lại thì là ba cây nho điều; một cây nho quang lục; một cây nho tím; lụa trắng một cây 15 thước; lụa đỏ hai đượng; quần nho đỏ một cái; một bức mền hàng nâu trong lót đồ lụa đỏ; hàng tím Annam 15 thược; khăn nhiểu đen ba luông; quần trắng cũ ba cái; quần lụa nâu một cái; quần hàng đỏ một cái; quần lụa trắng một cái; khăn nhiểu thanh một luông; lụa đỏ 4 đượng; dây lưng lụa đỏ ba cái; áo nho rộng hai cái; áo vân tím rộng một cái; áo lụa trắng rộng hai cái; lụa đỏ một cây; quần lảnh thanh một cái; quần lảnh đen một cái; áo lụa chẹt một cái; áo xanh chẹt hai cái; áo xanh rộng một cái; áo lụa trắng rộng một cái; áo trường xanh một cái; áo lụa nâu chẹt một cái; áo lương quảng rộng một cái; vải tây bông đỏ một bức; hàng bông dâu Cao-mên một bức, nó lấy một cái mền hàng gói các món hàng ấy làm một, nó sợ nhà trống trải, tới tối nó đem giấu ngoài bụi. Khi ấy văn Trí cáo quyết cho nó và văn Sanh ăn trộm, tổng làng bắt nó tới, nó tính giấu không nhẹm, bèn thú thiệt, về nhà lấy đồ tang đem tới mà nạp lại. Văn Trí nhận quả là đồ bị ăn trộm, còn thiếu một đôi bông tai vàng; nhiểu nhuộm tím một đượng; nhiểu đen một khăn dài; các vật ấy hoặc khi nó ôm đồ mà chạy, nó làm rớt đâu không biết. Lại bắt nó đi chỉ con dao nó cầm mà đi ăn trộm, thì nó đã đem ra mà nạp. Nay hỏi tới, nó khai ngày các điều.

Hỏi Mai-văn-Sanh khai niên canh kỷ-mảo 33 tuổi nguyên là dân làng An-thới, tổng Minh-huệ, huyện Duy-minh, Phủ Hoằng-an, về hạng tàn tật, cha mẹ nó chết sớm, anh em không có, nó có nghề buôn bán hàng vặt. Thiệu-trị năm đầu, nó nghèo lắm, qua ngụ lành Bình-nguyên, về tổng Bảo-hựu, có chịu xâu góp cho làng. Nó quen biết Nguyễn-văn-Trí. Ngày 24 tháng tư năm nay, ban đêm chừng canh tư, nó với Hạ-văn-Trước có ăn trộm nhà Nguyễn-văn-Trí, lấy được của mà chưa chia. Nó có đem ra một đoạn tre, chịu là vật nó cầm làm binh trượng. Lại những đồ tang là vật gì, còn để tại nhà văn Trước, nó không biết, một đôi bông tai cùng các vật còn thiếu, nó tưởng hồi ôm đồ mà chạy về, rơi rớt dọc đàng, nó không biết rõ. Các lời khai khác cũng y như lời Hạ-văn-Trước.

Hỏi địch mục làng Bình-nguyên đồng khai rằng: ngày 29 tháng tư có Nguyển-văn-Trí tới thưa rằng bị ăn trộm, nghi quyết cho Hạ-văn-Trước và Mai-văn-Sanh, là người ngụ trong làng. Các dịch múc hiệp cùng cai tổng Bảo-hựu, là Huình-văn-Lưu, bắt Hạ-văn-Trước và Mai-văn-Sanh, lấy đặng tang tài, nên phải giải nạp; các lời khác cũng y lời giải. Vã văn Trước là một tên dân cùng, cho nên làng chúng nó không đem vào bộ; còn Mai-văn-Sanh là dân làng An-thới, về huyện Dinh-minh, tới ngụ tại làng, có cất nhà làm ăn. Về sự hai đứa ấy, hiệp bọn đi ăn trộm, việc làng không được biết. Làng chúng nó một chịu tội không hay giác sát, cùng để văn Trước ở lậu, các lời.

Hỏi dịch mục làng Mỉ-hóa khai rằng năm trước có Nguyễn-văn-Trí, là người làng Mỉ-thành, về tổng Bảo-nghĩa, tới ngụ trong làng. Đêm 24 tháng tư, Nguyễn-văn-Trí bị ăn trộm, có hô hoán, chúng nó đem dân tới, thấy có dấu ăn trộm rõ ràng; chúng nó có hiệp cùng làng bàn cận là làng Bình-nguyên, mà thị tờ cớ. Nay bắt đặng Hạ-văn-Trước, và Mai-văn-Sanh, quả là ăn trộm, làng chúng nó chịu lỗi trong việc tuần phòng.

Tư hỏi huyện Duy-minh phúc thơ rằng: « thôn trưởng làng An-thới khai xưng Mai-văn-Sanh thiệt là dận bộ. Thiệu-trị năm đầu, không nhớ ngày tháng, văn Sanh nhơn nghèo khổ, qua ngụ làng Bình-nguyên. Văn Sanh có chịu sưu thuế cho làng, chỉ như sự văn Sanh ăn trộm thể nào, làng nó không hiểu biết. »

Hỏi sự chủ Nguyễn-văn-Trí, khai là dân bộ làng Mỉ-thành, về tổng Bảo-nghĩa, qua ngụ làng Mỉ-hóa về phần tổng Bảo-hựu. Ngày 24 tháng 4 năm nay, ban đêm chừng canh tư, nó bị ăn trộm cắt cữa sau, vào lấy tài vật, nó nghe động, thức dậy thắp đèn hô hoán, Dịch mục làng Mỉ-hóa cùng làng Bình-nguyên có thị tờ cớ cho nó. Qua ngày 27 tháng ấy, làng tổng bắt đặng ăn trộm cùng lấy đặng đồ tang. Các lời khác đều y như lời tổng làng khai khi giải nạp. Dồ nó bị ăn trộm cả thảy trị giá 345 quan 5 tiền, đồ lấy được trị giá 320 quan 5 tiền, nó đã làm đơn lảnh rồi. Còn thiếu bông tai một đôi, khăn nhiểu tím một đượng, khăn nhiểu đen một đượng, cả thảy trị tiền 25 quan, các lời.

Tra sổ tịch ký gia sản Hạ-văn--Trước, Mai--văn--Sanh cả thảy trị tiền 23 quan 8 tiền 30 đồng.

Các lẽ khai biên rõ ràng.

Vâng thẩm tên Hạ--văn--Trước là một tên dân cùng, không an phận, dám tạo ý hiếp bọn với Mai-văn-Sanh, ăn trộm nhà Nguyễn-văn-Trí, chưa kịp phân tang, tổng làng bắt đặng, đem tang ra mà nạp; đến khi tra hỏi, đều xưng rõ ràng, chắc là đứa có tội.

Kính y theo luật nói về ăn trộm: « Hễ việc ăn trộm đã làm mà không đặng của, thì xữ đòn 50, khỏi thích tự; nếu có đặng của, thì lấy một chủ làm nặng, tính tang mà luận tội, đứa vi tùng đều giảm một bậc, mới phạm một lần cũng đều thích trên kiến tay hữu, hai chữ thuyết đạo ». Lại chiếu theo bản đồ kể tang: Tang 50 lượng, trượng 60, đồ môt năm, các lời.

Vã văn Trước, văn Sanh ăn trộm lấy được tang trị tiền 345 quan 5 tiền, tính ra bạc thì là 57 lượng có dư. Vâng nghĩ tên Hạ-văn-Trưôc là đứa tạo ý làm đầu vụ ăn trộm, phải y theo luật xữ trượng 60, đồ một năm; tên Mai-văn--Sanh giãm một bậc, phải trượng một trăm. Cả hai đứa đều phải khắc hai chữ thuyết đạo trên cánh tay hữu. Tên Hạ-văn--Trước còn là dân lậu, mãn đồ rồi, sẽ giao cho làng nó ngụ đem vào bộ, chịu sưu sai; tên Mai-văn-Sanh xữ trượng thích tự rồi, giao cho làng chánh quản nó, nhận lảnh quản thúc. Thôn trưởng làng Bình-nguyên chứa dân lậu lại không hay xem xét, để Hạ--văn--Trước, Mai-văn-Sanh hiệp bọn mà ăn trộm; thôn trưởng làng Mỉ-hóa không lo tuần phòng, để cho ăn trộm vào làng lấy của người ta, đều là dáng tội; trừ một khoản ẩn lậu, là tội nhẹ, cứ theo lệ Tra tập bất lực, phải làm tội cả hai thôn trưởng, ưng xữ mỗi tên là 80 trượng để làm gương răn dạy. Chí như thôn trưởng làng An-thới, dầu Mai-văn-Sanh là bộ nó, song tra ra Mai-văn-Sanh, quả ngụ làng khác xa, việc văn Sanh làm nó không biết, nên xin miễn nghĩ cho nó. Còn sự chủ là Nguyễn-văn--Trí bị ăn trộm các hạng tính tiền là 345 quan 5 tiền, mà đã lấy lại được, còn thiếu 25 quan; chiếu theo sổ tịch ký, gia tài văn Trước, văn Sanh được 23 quan 8 tiền 30 đồng, phát mải trả cho văn Trí làm đơn lảnh, còn thiếu ít nhiều phải bỏ. Còn các kẻ khác, xét không can thiệp, chẳng luận. Riêng nghĩ các lẽ, chưa biết đáng hay là không đáng, dám làm sách đưa lên, hầu vâng xét lại.

Tự-đức năm thứ 4, tháng 6 ngáy mồng 10.

Ấn tri phủ Hoằng-trị.